TÙ BỎ BAO CHO TÙ (VƯỜN Ô-LIU 7)
Hồi ký của LM. Phêrô Nguyễn Văn Tiến
Tưởng nhớ 6 năm Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận về Nhà Cha. Và một năm lập hồ sơ phong Chân Phước.
Cố ĐHY Thuận và Mẹ thánh Teresa Calcutta |
Nhân ngày kỷ niện 16-9-2008 (sáu năm) Đức Cố Hồng Y FX Nguyễn văn Thuận được gọi về Nhà Cha hưởng hạnh phúc vĩnh hằng, Và để hồ sơ phong Chân Phước cho Ngài được thêm phong phú, nếu tôi không viết bài này thì tôi có lỗi với Ngài, vì tôi mắc nợ Ngài quá nhiều:
Năm 1978 tình hình Việt Nam rất lộn xộn về kinh tế chính trị, phía bắc thì Trung Quốc lăm le tràn quân xuống phương nam, Việt Nam bất ổn về mọi mặt, những sĩ quan chế độ Sài Gòn, đã được thả về, và một số đối tượng khác nữa mà họ cho là nguy hiểm, thì được tập trung để tái cải tạo, (vì tôi bị cải tạo lần đầu từ 31-8-1975 đến ngày 04-01-1977) tôi cũng được liệt vào thành phần tái cải tạo. Ngày 12-9-1978, tôi được công an tỉnh Bình Thuận ra Giáo Xứ Long Hương bắt tôi vì lúc đó tôi là linh mục Chánh Xứ Long Hương, đem vào trại tập trung số một ờ thị xã Phan Thiết. Khi Trung Quốc xua quân tràn xuống những tỉnh ở phiá bắc Việt Nam, thì kinh tế VN lại còn thê thảm biết bao, Chỉ tội nghiệp cho mấy ông tù mà thôi, thật đúng như lời ông bà nói: 'Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại.'
Sau một thời gian dài đói khổ, rồi một hôm tôi nhận được quà bỏ bao, và đồ bỏ bao nhiêù gấp ba lần hơn mọi khi. Trên bao đựng hai ký đường miếng mầu vàng có đề chữ: “Bác Thuận gởi quà". Lúc bấy giờ tôi nghĩ là một người họ hàng nào đó gởi cho. Tôi không bao nghĩ tới là Đức TGM FX Nguyễn văn Thuận. Sở dĩ tôi gọi là bỏ bao, vì từ 12-9-1978 đến khi tôi ra tù là ngày 01-12-1983, chưa bao giờ tôi được thăm nuôi, thăm nuôi có nghĩa là được gặp mặt gia đình và nhận quà trực tiếp do gia đình đưa. Hơn năm năm ở trong phòng biệt giam, ngày 01-12-1983, tôi được thả về, nhưng không cho về lại giáo xứ Long Hương, cũng không cho tôi về gia đình ở với mẹ gìà tại Giáo xứ Thanh Hải, Giáo Phận Phan Thiết, mà bắt tôi đi vùng kinh tế mới cách thị xã Phan thiết 23 km đường đi về Sài Gòn, ở với người anh. Hiện nay là giáo xứ Thánh Phao Lô, giáo phận Phan Thiết.
Một sự việc làm cho cho tôi ngạc nhiên là được mẹ tôi kể lại là trong thời gian tôi ở tù là được Đức TGM FX Nguyễn Văn Thuận gởi tiền cho mẹ tôi mua quà BỎ BAO cho tôi, lúc đó Ngài bị biệt giam ở Giáo xứ Cây Vông. Mẹ tôi kể hàng tháng có người đem tiền vào bảo mẹ tôi mua quà bỏ bao cho tôi, và hỏi thăm sức khoẻ cùa tôi, mẹ tôi nói với người đưa tiền là từ ngày tôi bị bắt đến nay chưa bao giờ thấy mặt, nên không biết sức khoẻ thế nào, cô về nói với Đức TGM cầu nguyện nhiều cho con tôi với. Thật là lạ lùng, một tù nhân không lo cho mình, mà lo cho người con cũng trong lao tù. Có lẽ Ngài thương tôi, vì tôi bị biệt giam: hai chân bị cùm, hai tay bị còng trong một thời gian dài, vì chính Ngài cũng đã sống trong cảnh biệt giam như tôi, nên đã hiểu cái khổ của biệt giam như thế nào rồi: " Nhất nhật biệt giam, vạn thu tại ngoại."
Năm 1986, tôi vào thăm một gia đình ở xứ Ba Chuông, tôi tình cờ gặp một Cán Bộ Nhà Nước, chủ nhà giới thiệu tôi là linh mục quê ở Phan Thiết, đã bị tù trên 5 năm, từ hai chữ tù, chúng tôi quen nhau. Ông nói ông là cai tù, tù nhân của ông chỉ có một người: Một con người đặc biệt, đó là TGM FX Nguyễn Văn Thuận. Ông khen TGM Thuận là người rất dễ thương, đẹp trai, miệng luôn nở nụ cười. Có la rầy Ngài, Ngài vẫn tươi cười, sống không làm mất lòng ai, kể cả ông cai tù, Ngài cũng thương, cũng mến. Lúc đầu tôi không có cảm tình gì với Ngài như bao nhiêu người cộng sản khác, nhưng ở với Ngài được thời gian ngắn, từ ác cảm đến cảm tình. Ngài rất thương tôi, tôi cũng mến thương Ngài. Sau một thời gian, tôi nhận định Ngài là một nhà tu hành chính thống.
Ông kể cho tôi nghe TGM Thuận nói: “năm 1987, nền kinh tế Việt Nam sẽ thay đổi.” Tôi - người viết bài này - chờ cho đến năm 1987 xem nền kinh tế VN như thế nào, có xảy ra như lời ĐỨC TGM FX Nguyễn văn Thuận tiên báo không? Và tạ ơn Chúa, sự thật xảy ra đúng như vậy. Ông thấy tôi ngồi nghe ông, có vẻ không tin, ông đứng dậy lại bàn thờ, với tay lấy một cái vật gì đó cầm lại đưa cho tôi và nói linh mục biết cái này không, tôi cầm, tôi nhìn và tôi sững sờ, vì đó lọ Dầu Thánh kẻ liệt bằng ngà voi có đề chữ : IO, OS, SC. Ông ta lại hỏi tôi tiếp, linh mục có biết cái này cùa ai không? Tôi yên lặng không trả lời, ông nói tiếp : của TGM Thuận đó. Khi chia tay, Ngài đưa cho tôi cái này và dặn tôi khi nào gặp một linh mục thì ông đưa lọ này cho linh mục đó. Nghe của TGM Nguyễn văn Thuận, linh mục Tống Đình Quý, học dưới tôi một lớp và rất thân nhau, từ phòng chạy ra lanh tay lanh miệng nói với tôi: thôi bác nhường laị cho em nhé, miệng nói tay lấy. thế là lọ Dầu Thánh xức dầu bệnh nhân hiện thời Linh Mục Tống Đình Quý đang giữ, và Ngài hiện đang ở Đà lạt.
Sở dĩ lâu nay tôi không dám viết câu truyện “Người Cai tù của Đức TGM FX Nguyễn Văn Thuận", vì tôi nghĩ sợ liên lụy đến Ông Cai Tù, nhưng đã gần 25 năm trôi qua, chắc Ông Cai Tù đã sang thế giới bên kia, nên tôi mới mạnh dạn viết câu truyện giữa tôi và Ông Cai Tù về Đức TGM FX Nguyễn Văn Thuận. Ông Cai Tù, người Cộng sản nòi và có lẽ nắm một địa vị quan trọng, nên mới được chỉ định coi sóc đặc biệt một Con Người cũng đặc biệt là ĐỨC TGM FX. Nguyễn văn Thuận. Sau một thời gian, người cán bộ này đã không cảm hóa Đức TGM FX. Nguyễn Văn Thuận, mà ngược lại, chính đời sống của Tù Nhân đã cảm hóa được Ông Cai Tù. Như lời Ông Cai Tù nói lần đầu tiên tôi gặp Ngài, nét mặt tôi lạnh như tiền, tôi nhìn Ngài, Ngài nhìn tôi với một nụ cười trên môi, Ngài chào tôi với một giọng nói nhỏ nhẹ, từ giây phút đầu khi gặp Ngài, hình như tôi đã bị Ngài xâm chiếm, tôi cảm thấy thế nào đó và thời gian cứ trôi qua và mỗi lần tiếp xúc với Ngài, tôi lại cảm thấy con người của tôi thế nào đó mà tôi diễn tả không được. Rồi một hôm, sau khi gặp Ngài, tôi cảm nghiệm được con người của tôi biến đổi từ ác cảm sang bình thường, từ bình thường sang có cảm tình và nhiều khi tôi cảm thấy tôi chỉ là miếng sắt vụn, còn Ngài là cục nam châm khổng lồ và tôi luôn luôn bị Ngài cuốn hút, và chúng tôi trở nên thân thiện với nhau, tin nhau, và trở thành bạn thân của nhau. Ngài tin tôi nên mới đưa lọ dầu gì đó cho tôi. Tôi muốn nói ở đây: Người Cai Tù Cộng Sản nòi, đã được học bao lý thuyết Cộng Sản, nhưng đã thất bại trước một địch thủ, tay không, trong một hoàn cảnh cô thân độc mã, nhưng với một vũ khí sắc bén duy nhất: Đó là lòng nhân đạo, đó là Sức Mạnh của Tình Thương, đúng như Chúc Thư của Ngài được Cố Giáo Hoàng Gioan - Phao lô II đọc trong Thánh Lễ An Táng của Ngài: “Hãy yêu mến Đức Mẹ, hãy tín thác nơi Thánh Giuse, hãy trung thành với Giáo Hội, hãy đoàn kết và yêu thương tất cả mọi người.”
Tiện đây tôi nói đến lòng yêu thương của Ngài đối anh em linh mục trong giáo phận Nha Trang lúc còn chính quyền Sài Gòn. Sở dĩ tôi biết rõ, vì cha Augustino Phạm Ngọc Oanh, nghĩa phụ của tôi làm cha quản Hạt nhiều năm, nên mỗi lần đi Sài Gòn, ĐGM FX. Nguyễn Văn Thuận thường ghé vào giáo xứ Thanh Hải, Phan Thiết. Có một lần tôi được nghe Ngài nói với cha Aug. Phạm Ngọc Oanh: "Ở trong Hạt của Cha, nếu có các cha nào bệnh hoạn, cha hãy đưa các cha vào bệnh viện St. Paul chữa trị, Tôi sẽ thanh toán mọi chi phí." Đối với các cha xứ ở vùng quê nghèo, Ngài lưu ý một cách đặc biệt, và đặc biệt hơn nữa đối các linh mục sống trong vùng xôi đậu, Ngài luôn động viên, thăm hỏi sức khỏe, giúp đỡ về mặt tài chánh. Ngài vẫn thường nói: “Anh em Linh Mục là cánh tay của tôi, Gíám Mục mà không có Linh Mục thì cũng như không, thành công của Linh Mục là thành công của Giám Mục, thất bại của Linh Mục là thất bại của Giám Mục. Nếu nhiều Linh Mục trong giáo phận mà bất mãn với Giám Mục, hoặc ốm đau bệnh hoạn thì giáo phận sẽ không bao giờ phát triển.” Bởi vậy, Ngài luôn luôn săn sóc, thông cảm với các linh mục trong giáo phận: Thương yêu, săn sóc, giúp đỡ, thăm hỏi và nhất khi gặp hoạn nạn, ốm đau.
Đối với các thầy trong giáo phận, Ngài cũng lưu tâm đặc biệt và biết tên từng thầy, nếu Ngài gặp một lần. Và nếu thầy nào chưa có cha nghĩa phụ, thì Ngài nhận để khuyến khích ƠN THIÊN TRIỆU, và Ngài đã có trên 20 người con làm linh mục trong đó có một linh mục người Mỹ tên là John Prinelli. Tất cả các Giám Mục liên hệ với đời sống tu trì của tôi, hình ảnh Cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận luôn luôn trong trái tim tôi. Khi tôi còn là một ông thầy học Gíáo Hoàng Học Viện PIO X, ở thành phố thơ mộng Đà Lạt, hằng năm đến ngày 29-6, lễ Thánh Phêrô, Quan Thầy của tôi, bao giờ tôi cũng nhận được một tấm card chúc mừng của Ngài gởi. Từ năm 1967 đến 19-3-1975, hằng năm Ngài lên Đà Lạt thăm các thầy thuộc Giáo Phận Nha Trang, học ở Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Có lần thì Ngài mang cho các thầy 4 hoặc 5 ký cá mực, có lần Ngài mang bánh it. Tôi nhớ cái cảnh Cha con ngồi chung nướng cá mực, ăn bánh ít trong không khí lạnh mưa phùn, thật là ấm cúng và đầy tình thương . Tôi tự nghĩ: ít ký cá mực, ít cái bánh ít, tự bản chất nó không là gì, nhưng nó nói lên tình yêu thương của người Cha đối với các con, nó nói lên sự hòa đồng thân mật. Một Giám Mục luôn luôn nghĩ đến và sống bình dân với các thầy, thật một Giám Mục đặc biệt, và hiếm có trong hàng Giáo Phẩm.
Để kết luận bài này, tôi xin được trích đoạn đăng trên Vietcatholic News nhân ngày giổ thứ sáu của Cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận : 16-9-2002 – 16-9-2008 : “Lúc 18giờ ngày 16-9-2002, khi nghe tin Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận qua đời, Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình đã tuyên bố với báo chí: "MỘT VỊ THÁNH VỪA QUA ĐỜI. "
Bài liên quan: Đức Hồng Y đáng kính người Việt Nam