Mã số: 17-001


... “Này Ta đến như là kẻ trộm, và ngươi chẳng ngờ được giờ nào Ta sẽ đến trên ngươi!” (trích sách Khải huyền của Gioan, chương 3 câu 3).


Vòng đôi cánh tay làm gối đầu, ngước mắt lên bầu trời đêm thăm thẳm, anh lại cười. Cơn cười xem chừng vẫn chưa dứt hẳn, từ lúc anh đạp xe rời nhà cô về đến nhà mình. Anh cười một mình. Thỉnh thoảng nụ cười lại bật lên khúc khích rồi dịu dần thành một nét môi mảnh như vẽ trên khuôn mặt anh. Nếu như ba còn sống, nếu mẹ còn chưa lẫn, họ mà nhìn thấy anh lúc này, chắc sẽ lắc đầu, bấm vào tay nhau, thở dài than khổ thân thay cho cậu con vụng về vừa bỏ quên trái tim mình ở chỗ người khác.

Giả sử anh đem chuyện của mình viết thành văn, độc giả đọc đến đây thể nào cũng không khỏi thắc mắc: “Sao ông bà lại thở dài? Chẳng lẽ chuyện tình cảm ấy không được như ý?”. Thế là độc giả đoán đúng rồi đấy!

Nét môi mảnh của anh lại cong lên thành một nụ cười. Chuyện yêu thương một người, nói làm sao đây? Phải chi chỉ đơn giản là nhón lấy trái tim ai đem bỏ vào túi của mình. Anh tắc lưỡi! Kẻ làm được điều đó, hẳn phải là một tên trộm siêu phàm! Và anh đang phải đối đầu với một kẻ như vậy. Độc giả không nghe nhầm đâu! Anh đang phải đối đầu với một kẻ trộm, kẻ trộm siêu phàm.

Anh khẽ trở mình. Hai cánh tay nghe tê quá, vì phải làm điểm tựa cho đầu từ nãy đến giờ! Chính là như vậy, điểm tựa luôn phải chịu đau, chịu khổ nhiều, để thứ tựa vào nó được thảnh thơi, yên ổn. Như hai cánh tay anh đã nâng đỡ cho đầu, để đôi mắt ung dung hướng về trời cao mà đợi trông, ao ước. Chính là như vậy, anh luôn mong mình trở thành điểm tựa cho cô! Anh luôn muốn cô tựa vào anh, hơn là tựa vào một tên trộm, dẫu hắn là một tên trộm siêu phàm!

Anh quay người, úp mặt vào lòng bàn tay, nhắm nghiền mắt. Trong khoảnh khắc tối sẫm và lặng yên hoàn toàn này, kẻ trộm siêu phàm, ngươi ở đâu? Phải chăng là đang ẩn thân đâu đó rất gần cô ấy, ung dung thưởng thức những cung đàn nắn nót nhịp nhàng! Hạnh phúc quá đỗi!

Nếu đem anh thế vào chỗ hắn, anh thật cũng chẳng muốn rời đi! Cho nên, mỗi lần ngang qua nhà cô, anh hay dừng xe bên kia đường, vờ dựa lưng nghỉ chân dưới gốc điệp già, mắt ngóng qua song cửa, dõi vào góc phòng khách. Cô đang chơi đàn, những bản đàn mà người theo đạo Công giáo hay gọi là thánh ca. Anh không hiểu lắm, nhưng thấy giai điệu rất tha thiết, du dương. Thường thì anh đứng nghe một lúc rồi về. Nhưng lúc nào nhớ quá thì anh sẽ bấm chuông. Mẹ cô ra mở cửa. Bà có vẻ rất mừng vì cậu trai này dạo gần đây đến thường xuyên hơn. Cậu ấy là con một người bạn thời đại học. Hai nhà đã qua lại thăm nom nhau mấy chục năm hơn. Cậu ấy độc thân, còn con gái bà cũng đến tuổi lập gia đình được rồi. Hỏi han xã giao một đôi câu, bà lấy cớ xuống bếp chuẩn bị cơm chiều để cho cậu ấy và con gái mình được tự nhiên trò chuyện. Nhưng kỳ thực, bà vẫn kín đáo để ý xem cả hai nói những chuyện gì. Tuy không nghe được tất cả những câu hai đứa nói với nhau, song nhìn xem nét mặt của chúng, lòng bà thấy vui và có chút hy vọng. Bà nhè nhẹ mỉm cười.

Anh hiểu nụ cười của người mẹ ấy. Nụ cười trìu mến pha lẫn lo âu. Còn nụ cười của cô lại khác hẳn, tươi tắn và chẳng chút ưu tư. Rất nhiều năm trước, khi lần đầu tiên anh được ba đưa đến nhà cô chơi, khi cả anh và cô hãy còn là những đứa bé con, nụ cười của cô đã nguyên như thế. Anh nhớ lúc ấy cô mặc chiếc áo đầm trắng, trên đầu đội một vòng hoa, trông rất xinh xắn! Anh níu áo ba, lí nhí hỏi xem tại sao cô bé ấy lại trông hệt như cô dâu vậy? Ba đáp rằng đó là cách phục trang của trẻ em bên đạo Công giáo nhân dịp được rước lễ lần đầu. Nhưng cậu bé ngây ngô ngày đó có hiểu cha mình nói gì đâu! Những nghi thức của đạo Công giáo đối với cậu thật xa lạ và chẳng thể hiểu nổi. Cậu chỉ im lặng ngắm cô bé ấy, và trong trái tim cậu nhen lên một niềm tin rất ngộ nghĩnh, rằng cô bé xuất hiện trong bộ cánh ấy là vì cậu, vì một ngày nào đó cô sẽ trở thành cô dâu của cậu.

Mỗi lần nhớ đến đây anh lại bật cười, cười cái thơ dại, ngốc nghếch của mình, cười đến chảy cả nước mắt! Xong thì anh lặng đi, chợt nhớ mình đã hụt hẫng đến mức nào khi hay tin cô sẽ vào tu viện ngay khi tốt nghiệp lớp mười hai.

- Lạy Chúa! Ngài đã đến, đánh cắp con khỏi thế gian, để con chỉ thuộc về một mình Ngài!

Tận khi ấy anh mới hiểu kẻ trộm siêu phàm trong lòng cô là ai. Hoá ra cô dâu bé con ngày đó không xuất hiện vì anh. Hoá ra cô dâu bé con ngày đó đã định sẵn đường đi cho mình. Hoá ra cô dâu bé con đã bị kẻ trộm siêu phàm lấy cắp trái tim từ ngày đó. Hoá ra những bản đàn anh lén nghe qua song cửa là của cô đem tặng kẻ khác. Hoá ra cô dâu bé con từ ngày đó đã không phải là dành cho anh.

Một năm cô ở trong nhà tập, một năm anh thẫn thờ như kẻ mất trí. Mỗi ngày anh vẫn đi ngang nhà cô, vẫn dừng xe bên kia đường, tựa lưng vào gốc điệp già, giả vờ nghỉ chân, giả vờ như vẫn nghe thấy tiếng đàn của cô, giả vờ như cô đang loanh quanh đâu đây và sẽ mở cửa ngay cho anh vào.

Gần hết năm thứ hai, khi anh tưởng mình chỉ còn là một cái bóng xám nhờ cả ngày dán trên vách phòng riêng thì cô bất ngờ quay về. Sức khoẻ của cô không được đảm bảo để tiếp tục đời sống tập sinh. Cô mắc một căn bệnh về thị lực, có nguy cơ vĩnh viễn mất đi ánh sáng.

Anh thấy cô ngồi lặng trong khoảng không đầy nắng. Đột ngột ánh sáng bị rút đi, như có một bàn tay vô hình kéo sập một tấm phông màn, chỉ còn trơ lại bốn bề trống trơn, đen ngòm. Cô trông như một diễn viên non nớt, được hứa hẹn một vai diễn để đời, rồi bất ngờ bị cắt vai. Ngơ ngác! Anh mở choàng mắt. Đêm hun hút sâu. Sáng mai, chắc anh chẳng còn được thấy cô cười!

Nhưng hoá ra anh nhầm. Nụ cười tươi vui và không chút ưu tư vẫn nguyên vẹn trên gương mặt cô, như từ bao lâu nay. Cô vẫn đàn, những bản thánh nhạc dường như còn du dương và tha thiết hơn xưa!

- Lạy Chúa, Chúa lấy đi ánh sáng của con, để giờ đây chỉ có Chúa là ánh sáng cho con! Chúa đánh cắp tất cả hình ảnh trong thế giới của con, để lòng con chỉ còn mỗi bóng dáng của Người! Người chính là kẻ trộm siêu phàm tuyệt đối! Kẻ trộm mà con vui lòng để cửa ngỏ đợi mong!

Anh không hiểu! Quả thực anh không thể hiểu! Niềm tin tôn giáo, với anh, là một khái niệm xa xỉ! Anh không tin những thứ không nhìn thấy được. Anh chỉ tin vào hữu hình. Những thứ không thể nhìn thấy, những vị thần, vị thánh không rõ mặt mày chẳng qua chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, là cách thức mà loài người tự huyễn hoặc mình, để có chỗ mà bấu víu khi khốn khổ, hay tìm kiếm sự xoa dịu, vỗ về lúc tổn thương! Thế thì một vòng tay ôm, một câu nói trìu mến, một thân thể bằng xương bằng thịt ở bên cạnh, sẵn sàng đỡ nâng, hẳn phải có sức mạnh thuyết phục hơn gấp trăm ngàn lần thứ mơ hồ vô hình hài kia chứ! Anh tin là như vậy. Nhất định, cô sẽ phải nhận ra, điểm duy nhất để cô tựa vào chính là anh, một thực thể sống, một con người biết hoạt động chứ không phải là một bóng dáng sương khói trên bàn thờ.

“Mình có phải là kẻ ngông cuồng, hoặc là tên thụ động chết nhát?”. Anh vẫn thường hỏi mình như thế. Mục tiêu đặt ra đã rất rõ ràng! Quyết tâm thực hiện cũng mạnh mẽ lắm! Thế nhưng anh không làm sao mở miệng nói được một lời mỗi lần ở bên cạnh cô. Những lần họ hẹn hò, hay nói cho đúng là đưa nhau đi chơi, điểm đến luôn là một ngôi nhà thờ nào đó. Người bị mất đi ánh sáng trở nên nhạy cảm vô cùng với tiếng động. Anh không dám đưa cô tới nơi xô bồ. Và điều dễ biết là cô cũng chỉ cảm thấy thoải mái khi được ngồi yên lặng trong sân nhà thờ. Đẹp như tượng tạc, lương thiện như trẻ thơ, xung quanh cô như có một luồng khí thiêng bảo vệ. Anh tự thấy mình nên cách xa ra một chút thì hơn. Thời khắc này anh nên im lặng, bởi một tiếng động vô ý gây ra cũng đã là khiếm nhã chứ đừng nói đến những bài phản pháo về tôn giáo hoang đường. Có buồn cười không khi sự hăm hở lật đổ ngôi vị kẻ trộm siêu phàm lại được thay thế bằng chuyện tích cực tìm kiếm bản doanh của hắn. Anh đã hứa mỗi tuần sẽ đưa cô đến một ngôi nhà thờ mới, sẽ thuật cho cô biết nơi ấy ra sao.

- Nhà thờ này có cột thu lôi hình con gà, gió thổi chiều nào thì con gà sẽ quay theo chiều đó.

- Con gà đó chính là chúng ta phải không anh? Còn Chúa là gió. Khi Người cất tiếng thì chúng ta sẽ đáp lời.

- Gác đàn ở nhà thờ này nhỏ thôi nhưng đẹp lắm em à! Chiếc dương cầm ở đây tuy cũ kỹ nhưng tiếng thanh và hay lắm.

- Em đoán mỗi khi vắng người, các thiên thần sẽ xuống đây đàn ca để không lúc nào tiếng chúc tụng Chúa bị gián đoạn cả. Anh cũng nghĩ thế chứ?

- Nhà thờ này có vườn hồng trải dài từ cổng đến tận bậc tam cấp vào bên trong đó. Em có nghe hương hoa thơm nức không?

- Em có nghe. Mà anh ơi, em cũng muốn nhà mình có một vườn hoa giống vậy!

Thà rằng cô đừng nói ra lý do. Chẳng có gì buồn hơn như thế! Cô muốn ngôi nhà mình ngập trong hương hoa, để khi kẻ trộm siêu phàm xuất hiện, lỡ cô có ngủ quên, lỡ mà những bản thánh ca chưa kịp vang lên, thì đã có sẵn hương hoa chào đón.

Chẳng biết cô tìm những hạt giống ở đâu, khi anh đến thì cô đã ươm được mấy chậu hoa be bé và đặt chúng trên bệ cửa sổ. Mỗi ngày, cô tưới nước và mong ngóng chúng nẩy mầm. Khi những cái chồi đầu tiên bung khỏi đất, cô mừng đến mức gần như hét lên. Còn anh lại thấy xót xa! Những cái chồi mọc lên nhanh lắm. Đáng tiếc chúng không phải là chồi hồng. Kẻ bán cho cô những hạt giống ấy, hẳn đã cười thầm cô gái chẳng thấy đường mà lại muốn ngắm hoa!

Anh âm thầm đem tráo những chậu hoa giả của cô bằng cây hoa thật của mình. Khi tráo đến chậu cuối cùng, anh bật cười. Mình bây giờ trông có khác gì một tên trộm đâu? Lần đầu tiên anh không thấy khó chịu với khái niệm trộm cắp nữa. Lần đầu tiên anh thấy kẻ trộm cũng có lúc dễ mến. Lần đầu tiên anh thấy việc trộm cắp cũng có lúc cần thiết. Kẻ trộm siêu phàm, chắc hẳn ông đã từng đánh cắp hết những nỗi buồn để chỉ còn niềm vui ở lại? Hãy chỉ cho tôi bí quyết!

Từ nhà cô về, anh muốn sang viện để thăm mẹ. Anh thấy có lỗi vì dạo gần đây không chăm sóc mẹ được nhiều. Mẹ anh không có trong phòng. Bà đi dạo cùng cô hộ lý. Họ đang đứng ngoài sân. Trông thấy anh, cô khẽ chào, đặt tay mẹ vào tay anh rồi ý nhị bước đi.

- Mẹ có khoẻ không?

Anh vuốt ve bàn tay gầy guộc của bà. Bà xoay mặt qua, ngơ ngẩn nhìn anh:

- Đằng ấy qua chơi đồ hàng với tớ à? Có mang quà cho tớ không? Đâu, quà đâu?

Bà vùng vằng, khóc um lên. Cô hộ lý bảo anh cứ đưa cho bà một món đồ bất kỳ. Đó là liệu pháp trấn an tinh thần bệnh nhân. Anh lúng túng vì chẳng mang theo gì cả, chỉ có mỗi mấy cái chậu trồng loại cây vớ vẩn anh chẳng biết tên, mấy chậu giả hoa hồng anh tráo của cô.

- Đằng ấy mua cây cho tớ à! Cây đẹp quá! Cao quá! Từ bây giờ tớ sẽ nằm ngủ dưới gốc cây. Sẽ không còn sợ mưa nữa.

Mẹ ôm cả mấy chậu cây vào giường, nói bâng quơ vài ba câu rồi ngủ. Anh ngồi trông mẹ ít lâu rồi về.

Buổi sáng sớm anh nhận được điện của viện. Họ thông báo mẹ anh đã mất. Khi anh đến, đã thấy mẹ được đặt ngay ngắn trên giường. Một tay đặt trên ngực, một tay ôm mấy cái chậu cây, miệng còn he hé cười, mẹ như một người đang dạo chơi chứ nào phải ngậm ngùi về bên kia thế giới! Cô hộ lý xin lỗi vì không thể báo kịp cho anh đến nhìn mặt mẹ lần cuối.

- Bà ra đi đột ngột quá! Ngay đến cô y tá trực đêm thường đi kiểm tra các phòng bệnh cũng tưởng rằng bà đang ngủ.

Cô hộ lý lại đặt vào tay anh một tờ giấy.

- Tôi thấy cái này được nhét hờ dưới gối của bác. Tôi nghĩ là thư bác viết cho anh.

Thư của mẹ ư? Mười năm rồi chuyện xưa chuyện nay mẹ còn chẳng phân biệt nổi, làm sao đủ tỉnh táo để ráp chữ, kết vần?

“Con thân yêu! Đêm nay mẹ có một giấc mơ thật lạ. Một kẻ trộm lẻn vào phòng khi mẹ đang ngủ và lấy cắp mầm cây trong những chiếc chậu con mua. Khi kẻ ấy bỏ đi, những chậu đất không bỗng đồng loạt nở hoa. Hương ngào ngạt và mẹ chắc lần sau khi con đến thăm thì mùi hương ấy vẫn còn. Tự nhiên lòng mẹ thanh thản lạ kỳ. Và linh tính từ đâu mách bảo mẹ rằng mẹ có thể an tâm ra đi được rồi, vì con đã tìm được điểm tựa cho cuộc đời mình”.

Thư mẹ viết chỉ có vậy. Anh trở tới trở lui tờ giấy. Đúng nét chữ của mẹ không sai, sao có thể nhầm được! Anh bần thần ngồi xuống. Giấc mơ mẹ nói trong thư có ý nghĩa gì? Kẻ trộm ấy là ai? Khi anh trộm những chậu hoa giả của cô, anh còn cười rất đắc ý, còn cho rằng một cách nào đó, anh đã thế được chỗ của kẻ trộm siêu phàm kia. Còn kẻ trộm trong giấc mơ của mẹ, người ấy đến không vì chứng minh điều gì cả, chỉ đơn giản là kết thúc một hành trình mà có lẽ chính người ấy đã lên kế hoạch. Người ấy đến như ông chủ kết toán nợ nần. Vậy nợ nần của mẹ là gì? Phải chăng là chính anh, đứa con không tâm linh khô khan và lạnh lẽo!

Anh chợt nghe trong lòng mình một mầm cây bừng nở. Mầm cây ấy lớn rất nhanh và trổ hoa thơm ngát. Anh xin phép người của viện được vắng mặt rồi sẽ quay lại lo hậu sự cho mẹ sau. Anh muốn đến ngôi nhà thờ gần nhất. Anh muốn ngồi một mình, để lắng lại những ngổn ngang trong tâm tưởng, và để thưa với kẻ trộm siêu phàm rằng:

- Lạy Chúa! Ngài đã đánh cắp được con rồi!

[left-side]

Ban Tổ chức Giải Viết Văn Đường Trường xin trân trọng kính chào quý độc giả và quý tác giả. Chúng tôi vui mừng giới thiệu những truyện ngắn đầu tiên đã qua vòng sơ loại của cuộc thi lần V, giữa một bầu khí có nhiều sự kiện khá phấn khởi cho tương lai văn học Công giáo Việt Nam.

- Tại giáo phận Xuân Lộc, giải Văn hóa Nghệ thuật Đất Mới lần thứ V, đã tổ chức trao giải ngày 11-11-2016. Trong hành trình 5 năm qua, Giải VHNTĐM đã ngày càng phát triển cả về chất lượng lẫn số lượng tác phẩm; sự tham gia của các tác giả ngày càng mở rộng, "sân chơi" không còn dành riêng cho giáo phận Xuân Lộc, mà một số Giáo phận khác cũng đã có người tham dự…  “Nếu như năm 2011, tham gia giải chỉ có 22 tác giả trong giáo phận với 129 tác phẩm thì đến năm nay giải đã lan rộng, thu hút số tác giả ở cả Ba Tổng giáo phận tham gia với số lượng tăng gấp ba, có hơn 1737 tác phẩm các thể loại. Trong đó, Tổng Gp Sài Gòn có 98 tác giả; Tổng Gp Huế có 12 tác giả và Tổng Gp Hà Nội có 5 tác giả”. (giaophanxuanloc.net)



- Giải Viết Về Yêu Thương của FB Văn Thơ Công Giáo, “sau ba tháng phát động, đã thu hút được 20 tác giả với 30 tác phẩm tham dự. Trong số 20 tác giả, chỉ có 7 người trên 40 tuổi, 4 tác giả thuộc thế hệ 8x, còn lại 8 tác giả thế hệ 9x và 1 tác giả sinh năm 2000. Cũng trong số này, có 4 tác giả từng tham gia giải Viết Văn Đường Trường. Đặc biệt, một niềm vui bất ngờ là có sự tham gia của 2 em học sinh ngoài Kitô giáo đến từ Hưng Hóa, nơi cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát nhất Việt Nam. Đây cũng là Giáo phận có nhiều tác giả tham gia nhất, với 7 tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x” (FB. VTCG) .

- Trang Văn Thơ Công Giáo (http://www.vanthoconggiao.net) vừa khai trương, đã thấy giàu hứa hẹn với giao diện chào hàng giản dị: các giải văn thơ - thơ ca - thư viện. Hy vọng đây sẽ là sân chơi sôi nổi và hữu ích cho các cây bút Công giáo nhằm phát triển tài năng của mình.

- Tiếp theo nữa là việc chuẩn bị ra đời một Tuyển tập thơ văn trẻ. “Ban mục vụ Văn hóa Gp Qui Nhơn hân hoan thông báo: Chúng tôi đang xúc tiến thực hiện một tập san văn thơ làm sân chơi cho các tác giả Công giáo trẻ, dưới dạng những tuyển tập văn thơ định kỳ, lấy tên là “Mục Đồng”, dự kiến mỗi năm xuất bản 4 tập.

Tập san có hướng phổ biến rộng đến các giáo phận trong cả nước. Đây là chương trình tiếp nối Giải Viết Văn Đường Trường để tập hợp và đào tạo các tài năng văn thơ trẻ cho Giáo hội Việt Nam, dành ưu tiên cho các tác giả dưới 40 tuổi. Tập san ra đời sẽ là nơi nối kết các tác giả Công giáo ở khắp nơi, tạo điều kiện để chúng ta giao lưu học hỏi lẫn nhau, thêm động lực để luyện rèn và phát triển ngòi bút của mình. Chúng tôi tha thiết mời gọi sự hợp tác của quý tác giả trẻ, đặc biệt là các tác giả đã từng tham gia Giải Viết Văn Đường Trường, không phân biệt giáo phận”. (http://gpquinhon.org)

Những nỗ lực nói trên giúp Giải Viết Văn Đường Trường không còn phải băn khoăn để làm sao đáp ứng được một số đề nghị xác đáng của các tác giả và thân hữu trong thời gian qua. Giờ đây, những vị trên 40 tuổi và những vị muốn dự thi truyện dài đã có Giải Đất Mới. Những tác giả ngoài Công giáo đã có cả Đất Mới lẫn Viết Về Yêu Thương. Những người không dự thi nhưng muốn giới thiệu tác phẩm sẽ có vanthoconggiao.net và tapsanmucdong@gmail.com.

Riêng Giải Viết Văn Đường Trường vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu đã đề ra từ đầu: Phát hiện những tài năng văn xuôi trẻ Công giáo và tạo cơ hội giúp các tác giả này gặp gỡ, nâng đỡ nhau, giúp nhau tự rèn luyện kỹ năng viết, đào sâu giáo lý Tin mừng và tiến sâu vào đời sống tâm linh để đáp lại những ơn riêng Chúa đã ban cho mỗi người.

Theo hướng ấy, mở đầu mùa giải năm nay, Ban Tổ chức xin giới thiệu đến quý tác giả dự giải một tài liệu hướng dẫn đọc và viết truyện ngắn:  quyển “Dẫn luận Truyện”, tác phẩm giáo khoa với nhiều minh họa của Trần Ngọc Hồ Trường. Anh Trường là một tác giả Công giáo trẻ, trưởng nam của nhà thơ Trần Vạn Giã. Sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia TP.HCM ấn hành, 2015, 388 trang, giá bìa 80.000 đồng, với 9 chương: Truyện là gì? - Cốt truyện - Ngôn ngữ - Nhân vật - Biểu tượng - Không gian và thời gian - Kể chuyện và điểm nhìn - Giọng điệu - Chủ đề.

Các tác giả đã vào chung khảo Giải Viết Văn Đường Trường cả 4 năm 2013, 2014, 2015 và 2016 sẽ được Ban Tổ chức tặng một quyển nếu gửi địa chỉ nhận sách về cho Ban Tổ chức trước ngày 15-12. Vị nào đang ở nước ngoài, xin vui lòng cho địa chỉ người thân ở Việt Nam. Xin gửi về email: <gopnhattho@yahoo.com> và <tinmunggiesu@gmail.com> kịp thời hạn để được nhận sách.

Một vài ngày tiếp sau đây, xin mời quý vị và các bạn thưởng thức 7 truyện mở đầu cuộc thi 2017. Xin quý tác giả tiếp tục gởi bài dự thi. Mời xem Bản thể lệ cuộc thi VVĐT 2017 được đính kèm ở cuối.

Xin click vô đây để tải về Bản Thể Lệ Cuộc Thi VVĐT!

Sau ba tháng phát động nhân dịp Mẹ Têrêsa Calcutta được tuyên thánh 04.09.2016, Phong trào Viết Về Yêu Thương đã thu hút được 20 tác giả với 30 tác phẩm tham dự. Trong số 20 tác giả, chỉ có 7 người trên 40 tuổi, 4 tác giả thuộc thế hệ 8x, còn lại 8 tác giả thế hệ 9x và 1 tác giả sinh năm 2000. Cũng trong số này, có 4 tác giả từng tham gia giải Viết Văn Đường Trường. Đặc biệt, một niềm vui bất ngờ với sự tham gia của hai em học sinh ngoại Đạo đến từ Hưng Hóa, là cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát nhất Việt Nam. Đây cũng là Giáo phận có nhiều tác giả tham gia nhất, với 7 tác giả trẻ thuộc thế hệ 9x bao gồm: hai thầy đại chủng sinh (Giuse Nguyễn Ngọc Bích & Phêrô Đồng Quang Đạt), một nữ tu (Anna Lã Thị Lê), hai chú tu sinh (Nguyễn Duy Nghĩa & Xuân Hòa) và hai em học sinh tôn giáo bạn (Trần Thùy Linh & Lưu Thùy Dương). Hi vọng quý tác giả này tiếp tục tham gia, và BTC sẽ xem xét trao giải đồng đội sau 4 quý.

Thể loại các tác phẩm tham gia phong trào quý đầu tiên cũng rất đa dạng, gồm 10 truyện ngắn, 9 bài thơ, 4 tùy bút, 6 bài tản văn, suy niệm, cảm nhận và 1 vở kịch ngắn. Như thế, tỉ lệ văn xuôi chiếm ưu thế hơn 2/3 số lượng tác phẩm. Về chất lượng, điểm truyện ngắn cũng cao hơn hẳn các thể loại khác.

Đó là một vài dấu chỉ đáng mừng cho nền Văn Thơ Công giáo Việt Nam với những mầm non đầy khao khát vươn lên. Hơn bao giờ hết họ đang cần được quan tâm bằng lời cầu nguyện, tấm lòng của các vị hữu trách cũng như tất cả quý độc giả.

Như đã nói trong thể lệ, phong trào này không nhằm tranh đua so tài, nhưng tạo ra nhịp cầu chia sẻ. Thực lòng mà nói BTC muốn trao giải cho tất cả quý tác giả, bởi xét ở góc cạnh nào đó, họ đều xứng đáng được hưởng công sức bỏ ra. Tuy nhiên, phần thưởng chính của BTC chỉ là những lời cầu nguyện, chuỗi tràng hạt Mẹ Têrêsa Calcutta cùng với cuốn sách. Phần thưởng tiền mặt lại phụ thuộc vào các ân nhân.

Bảng điểm của 6 vị trong BGK cũng rất đa dạng, có khi cùng một bài mà điểm trái ngược nhau, nhất là về thơ. Điều đó cho thấy không thể có một kết quả hài lòng hết mọi người. Căn cứ vào số điểm, BTC đành phải chọn ra 5 tác giả có phẩm đạt điểm cao nhất để nhận quà tặng 500.000 VNĐ của vị ân nhân hứa tặng:

NĂM TÁC GIẢ CÓ ĐIỂM CAO NHẤT LẦN LƯỢT:

1. Giuse Nguyễn Ngọc Bích, 1991, gp Hưng Hóa với truyện ngắn YÊU THƯƠNG KHÔNG NGỜ mã số VVYT 16-028.

2. Têrêsa Nguyễn Phương Thảo, 1975, Hải Ngoại với truyện ngắn CHUỖI MÂN CÔI mã số VVYT 16-030.

3. Maria Nguyễn Thị Khánh Nguyên, 1985, gp Xuân Lộc với truyện ngắn ĐÊM DÀI mã số VVYT 16-017.

4. Giuse Vinh Hiển, sn 1959, tgp Saigon với truyện ngắn VÌ YÊU mã số VVYT 16-001. (Tác giả này cũng đạt giải triển vọng với kịch VỊ THÁNH CAN ĐẢM & truyện ngắn MỘT THẰNG BÉ KỲ LẠ).

5. Giuse Lê Ngọc Thành Vinh, 1980, tgp Hà Nội với truyện ngắn CHIẾC BÁNH GIÒ mã số VVYT 16-015.

Một số tác phẩm thơ, tùy bút, tản văn, nếu xét riêng theo thể loại thì cũng đạt giải cao. Tuy nhiên, xếp chung thì thua điểm thể loại truyện ngắn. BTC quyết định trao giải triển vọng sau đây cho quý tác giả sau (theo A.B.C). Giải thưởng mang ý nghĩa tinh thần là chính.

- Phêrô Đồng Quang Đạt, sn 1993, gp Hưng Hóa với truyện ngắn ĐỒNG TAZAN VVYT 16-029.
- Tác giả Anna Lã Thị Lê, 1993, gp Hưng Hóa với thi phẩm ĐẤT MẸ GỌI LÒNG VVYT 16-006 và truyện ngắn MUỘN MÀNG ? VVYT 16- 014.
- Trần Thùy Linh, sn 1998, tỉnh Phú Thọ (ngoại Đạo) với tản văn TÌNH YÊU THƯƠNG, VVYT 16-009.
- Nguyễn Duy Nghĩa, 9x, Hưng Hóa với tác phẩm suy niệm TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI, VVYT 16-022.
- Đặng Kim Thoa, 1983, gp Hải Phòng với tùy bút XIN CON THA THỨ, VVYT 16-027.
- Giuse Cao Viết Tuấn, 1984, gp Xuân Lộc, tác phẩm suy niệm SAO NGÀI BỎ TÔI VVYT 16-024 & ĐIỂM TỰA VVYT 16-024.
- Si mon Cao văn Tuấn, sinh năm 1964, thi phẩm ƯỚC MƠ NHỎ! Mã số VVYT 16-016.
- Gioan B. Vũ Toàn Năng, 1968, với thi phẩm MẸ TÊRÊSA CALCUTTA - CON NGƯỜI NHỎ BÉ, VVYT 16-003.
- Têrêsa Nguyễn Thị Thanh Xuân, 1956, tgp Saigon, với tùy bút TÌNH CHA.

QUÀ TẶNG SÁCH CHO QUÝ TÁC GIẢ KHÁC:
- Lưu Thùy Dương, sn 1998, tỉnh Phú Thọ (ngoại Đạo), với truyện ngắn CẬU BÉ BÁN RONG, VVYT 16-010.
- Giuse Hoàng Công Nga, 1954 tác giả lớn tuổi nhất, gp Bà Rịa Vũng Tàu với thi phẩm NẾU CÓ MỘT NGÀY, VVYT 16-011.
- Giuse Nguyễn Thanh Hà, 1958, gp Xuân Lộc, với thi phẩm HOA HỒNG TÊ-SÊ-SA, VVYT 16-012 .
- Xuân Hòa, 1995, gp Hưng Hóa, với bài suy niệm YÊU THƯƠNG, VVYT 16-019.
- Phêrô Nguyễn Đức Nghiên, 1990, tgp Hà Nội YÊU THƯƠNG TRAO ĐI TÌNH NGƯỜI CÒN MÃI VVYT 16-004.
- Têrêsa Vũ Thị Uyên, 2000 tác giả trẻ tuổi nhất: gp Phát Diệm với thi phẩm NGƯỜI CHA NHÂN HẬU VVYT 16-020.

PHẦN THƯỞNG HIỆP NGUYỆN
- Tác giả Giuse Vinh Hiển, sn 1959, đã hứa, như trong Bản tin 03, xin được dâng một chuỗi 50 kinh Kính Mừng cho cả năm người đạt giải mỗi ngày trong vòng 3 tháng từ ngày công bố giải.
- Tác giả, Đặng Kim Thoa và chị Dương Liễu tặng lời cầu nguyện cho những tác giả KHÔNG đạt giải VVYT, mỗi ngày một chục kinh mân côi trong vòng một tháng.
- Cô giáo Therese Quý Anh xin tặng chuỗi Mân Côi trong vòng một tháng cho hai tác giả Cao Viết Tuấn với SAO NGÀI BỎ TÔI và anh Gioan B. Vũ Toàn Năng với SẼ KHÔNG CÒN NƯỚC MẮT.
- Tác giả Têrêsa Nguyễn Phương Thảo xin cầu nguyện cho BGK và BTC.
- Chị Khánh Vân, xin cầu nguyện cho quý tác giả đạt giải triển vọng.
- Nữ tu chiêm niệm, xin ẩn danh. Ngoài 50 kinh kính mừng cho 5 tác giả đạt giải như đã thông báo trong bản tin 02, sơ mới gửi thư thêm cho BTC: “Mỗi ngày người ẩn sĩ đọc 7 giờ kinh, mỗi bài viết mà “chưa đạt giải” sẽ được thông công một ngày cầu nguyện của người ẩn sĩ (tác giả nào có mấy bài chưa đạt giải thì sẽ được bấy nhiêu ngày cầu nguyện của ẩn sĩ).

“Phần thưởng này cần có niềm xác tín mãnh liệt của mọi người, vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được” (Mt 7,7) và “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24). Nên các bạn hãy tích cực gửi bài dự thi để đạt được phần thưởng quý báu này”. Nữ tu chiêm niệm: Maria Giuse” (trích thư trong bản tin 02).

BTC ao ước quý hữu trách trong Giáo hội, quý ân nhân xa gần và tất cả bạn đọc quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng các đền thờ tinh thần, văn hóa, để hi vọng một ngày kia trong vườn VTCG sẽ có những mầm non mọc thành cây đại thụ, có thể cung cấp chất liệu gỗ quý, xây lên những lâu đài tinh thần bền vững cho dân tộc Việt Nam.

Cuối cùng, chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn quý ân nhân đã dành quà tặng tinh thần cũng như vật chất cho quý tác giả. Xin Chúa chúc lành cho tất cả quý vị !

BTC

DANH SÁCH 5 TÁC PHẨM ĐẠT ĐIỂM CAO NHẤT

Mã số VVYT 16-028 YÊU THƯƠNG KHÔNG NGỜ
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/586648484854877/
Mã số VVYT 16-030 CHUỖI MÂN CÔI
phần 1-2
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/587906331395759/
phần 3-4
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/587977568055302/
Mã số VVYT 16- 017 ĐÊM DÀI
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/568226390030420/
VVYT 16-001 VÌ YÊU
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/554329701420089/
Mã số VVYT 16-015 CHIẾC BÁNH GIÒ.
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/566988686820857/

CÁC GIẢI TRIỂN VỌNG:
Mã số VVYT 16-029 ĐỒNG TAZAN
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/587482388104820/
Mã số: VVYT 16-006 ĐẤT MẸ GỌI LÒNG
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/559265524259840/
Mã số: VVYT 16-014 MUỘN MÀNG?
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/566065760246483/
Mã số : VVYT 16-009 TÌNH YÊU THƯƠNG
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/560855664100826/
Mã số VVYT 16-022
TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/580695165450209/
Mã số VVYT 16-026 Tùy Bút: XIN CON THA THỨ…
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/585129301673462/
Mã số VVYT 16-025 ĐIỂM TỰA
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/584255708427488/
Mã số VVYT 16-024 SAO NGÀI BỎ TÔI
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/582887015231024/
Mã số VVYT 16- 016 ƯỚC MƠ NHỎ!
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/567818323404560/
Mã số VVYT 16-023 Tùy bút: TÌNH CHA
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/581109865408739/
Mã số: VVYT 16-003
MẸ TÊRÊSA CALCUTTA - CON NGƯỜI NHỎ BÉ
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/557316914454701/
Mã số VVYT 16- 021 VỊ THÁNH CAN ĐẢM
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/579280972258295/
Mã số VVYT 16-018 MỘT THẰNG BÉ KỲ LẠ
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/571241986395527/

BBT mới nhận được bài thơ của chú Mạc Tường (Qui Nhơn) gửi mừng "ngôi nhà mới" của chúng ta.

Người vọng gì thời cuồng điên bom đạn
Iraq, Syria… tiếng khóc rất gần
Giữa điêu tàn lạc mất tiếng chuông ngân
Bầy trẻ nhỏ mắt tròn xoe làm dấu

Người vọng gì sau bức tường tăm tối
Mơ cây cầu đầy ắp nắng yêu thương
Mơ những giấc mơ rất đỗi bình thường
Áo đủ ấm và cơm rau đủ bữa

Người vọng gì phía bên ngoài cánh cửa
Ai trước hiên nhà manh chiếu co ro
Cơn gió đêm đông buốt lạnh thân cò
Trời cứ tối bởi chẳng đèn chẳng đuốc

Người vọng gì khi chính mình bỏ cuộc
Không dám yêu thương chỉ biết hận thù
Phúc Âm này không phải để hát ru
Mà để sống đến tận cùng thập giá

Người vọng gì với quả tim bằng đá
Ngoảnh mặt quay lưng bước vội trên đường
Có biết là cỏ lá cũng góp hương
Đời đâu chỉ với hoa hồng, hoa huệ

Người vọng gì lại ngồi im như thế
Đứng dậy đi làm muối ướp cho đời
Làm ngọn đèn dầu thắp tối ba mươi
Bởi đâu phải chỉ trăng rằm mới tỏ

Người vọng gì còn tần ngần trước ngõ
Hãy bước ra ngọc đá cũng một đời
Sống hết mình và yêu đến tàn hơi
Để nghe tiếng Chúa cười vang mặt đất.

Mạc Tường


Như song lộc triều nguyên ơn phước cả 
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hoà
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.(1)
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!
Run như run thần tử thấy long nhan.
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ
Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ.
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị...
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí,
Và trong tay nắm một nạm hào quang...
Tôi no rồi ơn võ lộ hoà chan.
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới...
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng – bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh,
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời và tông đồ triết lý.
Là nguồn trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh,
Là nguồn đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh.
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn Giang, cả màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyện ước...
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tơ trăng rằm,
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu!
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu,
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng.
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! (2)

Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?


Hàn Mạc Tử



(1) Trí miêu duệ: Trí là Nguyễn Trọng Trí, miêu duệ là con cháu. Ý nói Hàn Mạc Tử nhận mình là con cháu của các thánh.
( 2) Phượng Trì: cung Dao Trì là nơi ở của Tây Vương Mẫu theo điển tích Trung Quốc, Hàn Mạc Tử dựa vào đó mà đặt tên cho thánh cung của Đức Maria là Phượng Trì. Nguyễn Bá Tín cho rằng hai chữ Phượng Trì bắt đầu từ nhân vật Cam Phượng Trì trong cuốn phim Hỏa thiêu Hồng Liên tự.

VỌNG GÌ ĐÂY !
(Một chút cảm nhận khi Mùa Vọng trở về)





Vọng gì đây em ơi, mùa đông tới,
Lá khô cành và mưa lạnh tiêu điều,
Ngày em đi “lửa tắt bình khô rượu” [1],
Đường vắng em thành trơ trọi đìu hiu !

Vọng gì đây Bố ơi, chiều tan học,
Con một mình trong nổi nhớ mông mênh.
Cái kiếp mồ côi nào ai biết được,
Đời vắng cha con chỉ thấy chông chênh !

Vọng gì đây khói lam chiều đã tắt,
Ngày mẹ đi xa bếp trống quạnh hiu.
Còn lại chăng những tháng năm dằn vặt,
Nổi nhớ mong chiều quặn thắt trăm chiều !

Vọng gì đây phương trời xa xôi ấy,
Bóng con nhạt dần khuất dấu thương yêu.
Quê hương đây cửa nhà ta vẫn mở,
Chắp nhặt từng ngày nổi nhớ chắt chiu.

Vọng gì đây tháp chuông giờ vẫn thế,
Gọi ai lên đền thánh mỗi chiều lên.
Bước chân ai mãi xa xôi biền biệt,
Sân giáo đường giờ vắng lặng mông mênh !

Vọng gì đây khi tình yêu đã  vỡ,
Vợ xa chồng con mất mẹ vắng cha,
Nghĩa yêu thương thôi không còn duyên nợ,
Mái ấm gia đình giờ nên bãi tha ma !

Vọng gì đây con chết từ lòng mẹ,
Huynh đệ tương tàn xáo thịt nồi da !
Sự ác lên ngôi, bạc tiền uy thế,
Nghĩa bạn tình người chỉ còn nổi xót xa…!

Vọng gì đây khi quê hương ta đó,
Sống dập dềnh trong nổi sợ khôn nguôi.
Chất độc tràn lan tình người dối trá,
Biển đẹp, rừng tươi nay đã xa rồi !

Vọng gì đây khi mùa đông lại tới,
Lại dọn đường lại vang khúc ươm mơ.
Lại nghe ai đó gióng lời mong đợi. [2]
Mà sao ta hình như vẫn thờ ơ ?

Vọng gì đây, Chúa ơi, Người có đến,
Xin mang nhiều chỉ quà tặng tình yêu.
Tình yêu hôn nhân, tình yêu đôi lứa,
Tình mẹ, tình cha, tình đủ trăm chiều.

Vọng gì đây : chỉ mình ta đáp trả,
Chỉ mình ta san lấp những hố sâu,
Chỉ mình ta trở về mang chứng tá,
Chúa sẽ theo ta trở lại địa cầu !

Lm. Sơn Ca Linh
(Mùa Vọng 2016)



[1] Thơ của Vũ Hoàng Chương : “Em ơi lửa tắt bình khô rượu, đời vắng em rồi vui với ai…”
[2] Tin mừng Matthêô trong CN I MV năm A : “Anh em hãy sẵn sàng, vì giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44)

CHUYỆN KỂ VỀ THẦY !


Hai ngàn năm trước,
Trên những nẻo đường cát bụi xứ Palestina,
Đột nhiên, có đoàn lũ lớn bé trẻ già,
Khố rách áo ôm, nam thanh nữ tú…
Ai nấy trằm trồ, cùng nhau kháo láo :
Có một Vị Thầy,
Từ làng quê Na-da-rét, đích thị Rabbi !


Thầy : tên cúng cơm cha mẹ đặt GIÊSU,
Thầy : nghề thợ mộc, xuất thân hàng lê dân áo vải.
Thầy : Từng lao động với những giọt mồ hôi nhễ nhại,
Thầy : từng chen lẫn giữa đoàn người tội lỗi bước xuống dòng sông.
Thầy : từng quy tụ đám đông,
Để truyền giảng một Tin Mừng mang tên Nước Chúa !
Thầy : từng đem niềm vui cho bao tâm hồn héo úa,
Thầy : đem tin yêu cho những ai thất vọng ê chề !
Thầy : rọi sáng bao tâm hồn lạc lối u mê,
Thầy : trả lành lặn cho bao phận người đui què mẻ sứt…
Thầy : ban sự sống cho ai đang nằm trong cõi chết,
Thầy : đưa về nhà Cha những người con tội lỗi đi hoang.
Thầy : mang nụ cười vui gieo trên mọi ngả đàng,
Thầy : chung chén rượu cưới, bữa cơm gia đình đạm bạc.
Thầy : vui với trẻ em, chữa những người phung cùi, điếc lác,
Thầy : cũng khóc, cũng giận, cũng buồn, cũng vui.
Thầy : luôn xót xa và trăn trở bùi ngùi,
Trước một đàn chiên bơ vơ, lạc loài, đói khát.
Thầy : sẵn sàng chấp nhận trở nên hạt lúa mì mục nát,
Thầy : chọn con đường chết khổ nhục thương đau.
Thầy : muốn học trò noi gương Thầy rửa chân cho nhau,
Thầy : ban tặng : giới răn yêu thương làm luật mới.
Thầy : không để kẻ tin Ngài phải ưu sầu mong đợi,
Thầy : oai hùng từ mố trống đĩnh đạc phục sinh.
Thầy : thắp sáng niềm tin, ban sức sống Thần Linh,
Thầy : ban bình an và ơn cứu độ cho muôn dân thế giới.
Thầy : sai các môn sinh hãy mang Tin Mừng cùng đi tới,
Thầy : hứa sẽ hiện diện mãi mãi cho đến cuối thời gian…



Nhớ về Thầy, hôm nay xin ghi vội đôi hàng,
Như một chút lễ dâng,của tên học trò đã từng được Thầy cho thọ giáo !



                         Lm. Sơn Ca Linh
                         (20/11/2016)


[1] Thơ của Vũ Hoàng Chương : “Em ơi lửa tắt bình khô rượu, đời vắng em rồi vui với ai…”
[2] Tin mừng Matthêô trong CN I MV năm A : “Anh em hãy sẵn sàng, vì giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44)

Trang VTCG xin giới thiệu cùng bạn đọc bốn phương về trang Thư Viện Công Giáo với địa chỉ:
http://thuvienconggiaovietnam.net



Kính gửi: Quý Đức Hồng y, Quý Đức cha
Quý linh mục, tu sĩ
Anh chị em tín hữu Công giáo

Kính thưa Quý Hồng y, Đức cha và anh chị em thân mến,

Hiện nay trong lĩnh vực thư viện điện tử, chúng ta đã thấy có nhiều thư viện của các tôn giáo khác nhưng chưa có một thư viện nào của Công giáo. Cách đây một vài năm chúng ta thấy có thư viện Dũng Lạc, nhưng sau khi người phụ trách là Lm. Trần Cao Tường và Lm. Giuse Phạm Văn Tuệ ở New Orleans, Texas, Hoa Kỳ, qua đời; thư viện này cũng không còn nữa.

Vì thế, để giúp cho người Công giáo Việt Nam có thể tìm đọc, sử dụng các sách của tiền nhân đã viết trong quá khứ, cũng như để lưu trữ chúng cho thế hệ mai sau, chúng tôi mong muốn xây dựng một thư viện điện tử Công giáo với mục đích là để cho mọi người, không phân biệt tôn giáo, đều có thể sử dụng.

Việc này do một nhóm anh em thiện chí có sáng kiến thực hiện với Đức Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh làm trưởng nhóm và Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn được tập thể giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm thư viện này trong giai đoạn khởi đầu. Các anh em sau đây sẽ cùng chia nhau các công tác như: thu thập, chọn lọc, phân loại sách vở tài liệu, giao tiếp và kết nối với độc giả, phân tích và xử lý dữ liệu, quản trị mạng, tìm kiếm nguồn lực:

- Gm. Micae Hoàng Đức Oanh
- Lm. Giuse Phạm Bá Lãm
- Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
- Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
- Anh Tôma Nguyễn Trí Dũng
- Anh Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
- Anh Giuse Nguyễn Trọng Đa
- Anh Philipphê Nguyễn Ngọc Phượng
- Anh Giuse Phạm Văn Tại
- Anh Gioan Baotixita Lê Hải Nam
- Anh Gioan Baotixita Lưu Văn Lộc
- Anh Giuse Trần Quý Hiệp
- Anh Giuse Nguyễn Đức Khang

Chúng tôi rất mong nhận được sự cộng tác và đóng góp cho thư viện này của tất cả mọi người đang thiết tha với kho tàng văn hoá Công giáo Việt Nam, của cá nhân hay tập thể, của các dòng tu, các tổ chức và cộng đồng. Việc đóng góp của quý vị sẽ là những viên gạch xây dựng thư viện này cho mọi người.

Quý vị có thể gửi cho chúng tôi những tập tin (files) của sách báo, hình ảnh, tài liệu có sẵn hoặc có thể gửi trực tiếp sách báo đó cho chúng tôi để chúng tôi chuyển thành các tập tin dữ liệu thích hợp đưa vào thư viện này. Các tập tin này sẽ được lưu trữ trong kho dữ liệu chung và được giới thiệu trên trang web để dễ dàng cho việc truy cập. Việc truy cập này hoàn toàn miễn phí vì Chúa là nguồn của sự khôn ngoan và Ngài cho không chúng ta tất cả những ơn lành nên chúng tôi ước mong các tác giả cũng quảng đại chia sẻ cho độc giả trong tinh thần đó.

Chúng tôi cũng rất mong nhận được tất cả những đóng góp ý kiến của quý vị về việc xây dựng, tổ chức, quản lý, sử dụng dữ liệu của thư viện này. Mọi liên hệ, đóng góp xin gửi về địa chỉ: thuviencgvn@gmail.com hoặc Lm. Giuse Phạm Bá Lãm, Nhà thờ Hoà Hưng, 104 Tô Hiến Thành, P.5, Q.10, TP.HCM, Việt Nam.

Nhìn về tương lai với niềm hy vọng, chúng tôi xin hết lòng cám ơn Quý Hồng y, Quý Đức cha, anh em linh mục, tu sĩ nam nữ, anh chị em tín hữu và mọi người. Xin tất cả cầu nguyện cho công việc này được hoàn thành tốt đẹp theo thánh ý Chúa.

Kính chúc tất cả quý vị luôn an lành, tràn đầy niềm vui và ân sủng của Chúa Phục Sinh.

Kính thư
TM. Nhóm Thực hiện
Gm. Micae Hoàng Đức Oanh

(Mã số VVYT 16-025, Giải triển vọng)

 
“Hãy cho tôi điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng trái đất lên!” (Archimedes Syracuse, 287 – 212 trước Công Nguyên)

Trong bề bộn cuộc sống, ai cũng mong muốn tìm một điểm tựa cho mình. Điểm tựa là nơi nương náu mỗi khi bị đe doạ, là nơi an nghỉ mỗi khi mệt mỏi, là nơi ủi an mỗi khi buồn phiền, sưởi ấm mỗi khi giá lạnh. Những lúc rơi vào cùng cực nhất, điều người ta cần nhất là một điểm tựa đủ lớn làm sức bật cho họ vượt qua tất cả. Điểm tựa đem lại sức mạnh, can đảm, nghị lực để vượt qua mọi sóng gió cuộc đời.

Điểm tựa đó có thể là cha mẹ, là người chồng người vợ, là con cái, là bạn bè, là thầy cô. Điểm tựa ấy có thể là một nhân vật danh giá, nổi tiếng, giàu có đem lạ nhiều hứa hẹn. Chúng ta hy vọng nơi những người ấy sẽ luôn ở bên cạnh chúng ta, đặc biệt là những khi chúng ta gặp khó khăn, thất bại.

Một số người lại tìm cho mình điểm tựa nơi tiền bạc. Tiền bạc giúp giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tiền bạc là một bảo đảm cho con người có được những gì mình muốn. Có một tài khoản kếch xù trong ngân hàng làm cho con người yên tâm, đặc biệt khi về già.

Một số người khác khác lại vươn xa hơn khi đi tìm quyền lực. Họ bất chấp mọi thủ đoạn, mọi cách, thậm chí bằng tiền bạc, để tiến thân, để có nhiều quyền. Khi đó, họ khẳng định vị trí của họ trong người khác và trong xã hội.

Tuy nhiên, nghịch lý và sự bi đát của cuộc đời, đó là tất cả mọi thứ trên đời này đều qua đi, không có gì vĩnh cửu trường tồn. Nên những điểm tựa vừa kể đều mong manh, hữu hạn, tạm bợ, hay thay đổi. Và rồi cuối cùng, cái chết sẽ chấm dứt tất cả.

Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta đều có kinh nghiệm về sự bội bạc của con người là không giới hạn. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực đều sẽ mau chóng tan thành như mây khói. Cha mẹ rồi sẽ già yếu, cũng sẽ qua đời. Bạn bè thậm chí bạn đời cũng có thể phản bội. Con cái cũng có thể lãng quên, bỏ rơi cha mẹ của mình.

Vậy đâu là điểm tựa vững chắc nhất, điểm tựa vĩnh cửu, đáng cho tôi đánh đổi tất cả để có được? Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận thấy tác giả Thánh Vịnh đã dùng những hình ảnh rất cụ thể để Thiên Chúa như là điểm tựa tuyệt vời nhất, vượt xa tất cả mọi sự trên đời:
- Chúa là nguồn sức mạnh tôi
- Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn
- Chúa là mục tử chăn dắt tôi
- Chúa là khiên mộc che chở tôi
- Chúa là gia nghiệp đời tôi
- Chúa là Đấng Cứu Độ tôi

Nhưng tại sao tôi vẫn cứ khát khao điên cuồng, loay hoay mỏi mệt tìm kiếm những điểm tựa trên trần gian, để rồi cuối cùng thất vọng, chán chường và đau khổ khi chúng không như chúng ta mong đợi. Chính Thánh Augustine thành Hippo (13.11.354- 28.8.430) cũng thú nhận về sự lầm lạc của mình: “Chúa vốn ở trong con mà con lại ở ngoài con, và tìm Chúa ở bên ngoài” ( Tự Thuật 10, XXVII, 38); và rồi ngài đã phát thốt lên một câu nói vừa hạnh phúc vừa đầy vẻ nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng” (Tự Thuật 10, XXVII,38).
Ước mong sao mỗi người chúng ta cất lên lời tha thiết như những lời thơ của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (6.5.1861 – 7.8.1941):

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.

(Lời Dâng 34)

(Mã số VVYT 16-027)

Cu Kem chau mày nhìn vào góc phòng. Còn năm ngày nữa mới tới Lễ Giáng Sinh nhưng quà đã chất đống. Người ta xếp hàng cho quà nó từ hơn một tuần nay. Chả là ba dượng nó làm sếp mà lỵ, phong bì ổng đưa mẹ cất đi, còn quà thì quẳng vô phòng nó cái xoẹt, chẳng bao giờ nhìn ngó xem là món gì vì chẳng bao giờ mẹ và ba dượng mở quà cùng nó, cũng chẳng chơi đồ chơi với nó bao giờ. Đây là năm thứ ba nó đón Giáng Sinh một mình, kể từ ngày mẹ theo ba dượng vào Sài Gòn sinh sống. Năm đầu nó sung sướng vô cùng vì có nhiều, thật nhiều đồ chơi, đặc biệt là những đồ chơi đắt tiền mà trước đây nó chỉ được thấy trên Tivi như rôbốt, ô tô, máy bay điều khiển từ xa, ấy thế mà giờ có đến mấy bộ. Nhưng sự hào hứng sớm trở thành nỗi thất vọng tràn trề khi nó không biết chơi cùng ai. Mấy đứa bạn cùng lớp suốt ngày cắm đầu vào ipad, còn chê đồ chơi của nó là “hàng lởm”, là “nhàm chán”. Ba dượng thì khỏi phải nói rồi, chả mấy khi ổng ở nhà, mà có về thì cũng chỉ để ăn uống, tiếp khách hoặc trong trạng thái say xỉn và lăn ra ngủ, buổi sáng khi nó dậy thì ổng đã đi tự khi nào. Mẹ nó từ khi vào Xì Gòn suốt ngày trang điểm lộng lẫy, đưa nó đến lớp rồi đi miết đến nửa đêm mới về nhà, mọi việc từ đón nó học về, tắm rửa, cho ăn đến bảo ban nó làm bài tập về nhà, giục đi ngủ đều giao phó cho bác giúp việc theo giờ mà bác thì lúc nào tất bật lau chùi ngôi nhà rộng lớn và giặt ủi mấy chục bộ váy áo mẹ nó thay ra mỗi ngày bởi chỉ cần nhà có chút bụi hay một chiếc áo không phẳng phiu là mẹ nó la bác tới bến. Hai năm nay Giáng Sinh với nó trở nên chán vô cùng chán khi nhìn cảnh bạn bè được đi chơi đêm, được hồi hộp đón quà Ông già Noel vào sáng hôm sau, cùng bố mẹ khui quà và cùng chơi cả ngày hôm đó. Mà đêm Giáng Sinh ở cái đất Xì Gòn này cũng chẳng có một chút lạnh để diện đồ ấm gì cả. Nó thèm cảm giác cùng bố mẹ ngồi bên bếp ngô nướng ven đường Hà Nội, vừa thổi vừa ăn như năm nào…

- Sao ngồi như ông phỗng thế kia. Học bài đi rồi còn uống sữa mà đi ngủ đi con.

Tiếng bác Tuyết cắt ngang dòng suy nghĩ của cu Kem. Nó đưa tay quệt ngang mắt, bực dọc ném bộ đồ chơi gần nhất vào tường đánh “cạch” một cái làm bác giật nảy mình:

- Ớ, bộ đồ chơi đó đắt lắm à nha. Mẹ con mà biết là mắng vốn đấy!

Nó vùng vằng ngoảnh đi, lôi quyển tập ra vứt xoẹt lên bàn, đôi mắt ầng ậc nước:

- Mấy lần con còn bỏ thùng rác ấy chứ, mẹ con có bao giờ nhìn đâu. Cái “Vòng quay vô cực” này làm sao chơi một mình được!

- Ớ thế hử? Hôm nay bác xong việc sớm, mẹ con điện về muộn, hay là bác chơi với con nghen, xem nào xem nào, có vẻ như lắp ráp khó ghê ta, chơi thế nào biểu cho bác với…

“Được lời như cởi tấm lòng”, cu Kem sung sướng nhảy cẫng lên, đùi đập vào cạnh bàn “bộp” một cái nhưng chẳng thấy đau tí nào. Nó vội vã mang hai bộ đồ chơi “Vòng quay vô cực” ra hướng dẫn bác lắp ráp thế này, rút dây thế này, làm thế này mới quay được lâu và sướng ơi là sướng vì bác lúc nào cũng thua, người lớn gì mà kém quá!

- Hay là chiều mai tan học con theo bác qua Cô Nhi Viện nghen. Các bạn ở đó thiếu thốn đồ chơi lắm. Con cứ mang các đồ chơi cũ cho các bạn cũng được, còn bao hộp đồ chơi năm ngoái chưa khui này…

- Cô Nhi Viện là nơi nào vậy bác?

- Là nơi nuôi dưỡng Cô Nhi ấy, con không biết à?

- Dạ không, Cô Nhi là ai vậy ạ?

- Ấy dà. Nói thế nào nhỉ. Là những bạn mất cha, mất mẹ hoặc cha mẹ bỏ rơi, không chơi cùng các bạn ấy.

- Vậy là giống như con hả bác?

- Hả, cái gì cơ. Con nói bậy bạ gì thế! Ý bác là cha mẹ các bạn ấy đã chết, hoặc còn sống nhưng không đủ tiền nuôi các bạn ấy nên Cô Nhi Viện đưa về nuôi. Mà thôi, đến đó con mới hiểu được…

****

Cô Nhi Viện hôm nay không có nắng. Cái rét đậm rét hại của Miền Bắc dường như thổi một làn gió se lạnh vào ngoại thành Sài Gòn, mang lại một chút không khí Giáng Sinh. Khi hai bác cháu bước qua cổng Viện, cu Kem có cảm giác như được trở về mái nhà xưa ven đô Hà Nội, nơi không khí trong lành, yên tĩnh đầy hoa thơm trái ngọt, khác xa cái cảnh khói bụi trong nội thành.

Đón hai bác cháu là một bà Xơ trong trang phục “đen toàn tập” từ đầu đến chân, từ lúp đến giày, đúng như bác Tuyết mô tả. Xơ dẫn hai người vào gian phòng “sinh hoạt chung” của Viện, nơi có khoảng hơn mười đứa trẻ tầm tuổi cu Kem. Tụi trẻ sướng rơn, mắt sáng lên khi bác Tuyết mở túi quà chứa đầy đồ chơi “xịn”. Nhưng cu Kem lại đặc biệt chú ý đến một anh lớn hơn nó chừng dăm tuổi ngồi ở góc nhà, mặt cúi gằm xuống. Nó cầm lấy một món đồ chơi tính đưa qua cho anh thì bà Xơ ngăn lại:

- Anh ấy không chơi đồ chơi bao giờ đâu. Với cả là ảnh bị trầm cảm, con chưa quen tốt nhất là đừng lại gần, ảnh dễ nổi khùng lắm đó con…

Cu Kem sợ hãi, “Dạ, vâng ạ”, rồi đặt món đồ chơi xuống và lùi lại. Nó cố giỏng tai nghe câu chuyện bà Xơ đang thở dài nói với bác Tuyết:

- Tội nghiệp thằng bé. Nó mới chuyển về đây từ Trung tâm bảo trợ được mấy tháng. Mẹ nó bị tai nạn giao thông, không nhận dạng được. Chắc nó sốc quá nên á khẩu. Mấy năm rồi vẫn chưa tìm được cách để nó nói nên không biết được quê quán hay thông tin người thân, số điện thoại,… để đưa nó về với gia đình.

Nhưng rồi chỉ chốc lát cu Kem đã sớm quên chuyện của “anh khùng”, nó hào hứng chỉ cho các bạn cách chơi “Vòng quay vô cực” rồi cả đoàn kéo nhau ra sân tỷ thí. Mấy trò điều khiển rôbốt, xe đua cũng phải ra sân chơi mới “đã”.

Chơi một lúc, cu Kem buồn đi vệ sinh. Nó chạy xuyên qua phòng “sinh hoạt chung”, khi quay lại vội vội vàng vàng thế nào dẫm phải một món đồ chơi, ngã lăn quay ra, chân tay đau tê tái tưởng không đứng dậy nổi, bật khóc “Ái da, đau quá”. Nó chợt mừng rỡ khi thấy một cánh tay chìa ra trước mặt. Ngẩng đầu lên, niềm vui của nó vụt tắt khi thấy “anh khùng” đang cúi xuống, nó vội rụt tay lại. Nhưng “anh khùng” mỉm cười, trông rất hiền từ khiến nó quá đỗi ngạc nhiên. Nó ráng xoay người ngồi dậy đã thấy “anh khùng” ở ngay bên cạnh, thì thầm:

- Này, mày cũng người Hà Nội hả mày?

- Dạ vâng ạ - cu Kem ngạc nhiên, “anh khùng” này cũng nói giọng Hà Nội.

Nó cầm lấy món đồ chơi lên, chìa ra cho “anh khùng”:

- Anh chơi trò này không?

- Xí, mấy món đồ chơi rẻ tiền, năm xưa tao có cả đống, “hịn” hơn nhiều…

- Xí xạo, vậy sao anh ở đây?

- Mẹ tao dẫn tao vào đây tìm bố, bị cướp giật, ngã vào ô tô…

- Sao lại vào đây tìm bố? Bố anh bị lạc à?

- Điên, bố tao người lớn mà lạc gì được. Là bố tao theo một mụ phù thủy “giật chồng người khác” vào đây…

Gió lạnh từ bên ngoài bỗng thốc qua cửa sổ như hòa vào giọng nói đầy phẫn nộ của “anh khùng”. Cu Kem rùng mình. “Giật chồng người khác” - nó còn quá nhỏ tuổi để có thể hiểu hết bốn chữ này. Chỉ là nó đang nhớ đến cảnh năm xưa ba người phụ nữ túm tóc lột áo mẹ nó trước cổng trường Mầm Non cũng gào lên cụm từ đó…

(Mã số VVYT 16-028, Giải nhất quý)



Tranh Mẹ Têrêsa Calcutta của họa sĩ, nhà điêu khắc Hevzi Nuhiu.
Đám học sinh tụm lại thành một vòng tròn, đông nghẹt. Chúng đang đùa nghịch gì đó mà tràng cười cứ phá lên ngặt nghẽo, khoái chí, liên hồi. Tò mò, em tới xem… Một gã đàn ông đầu bù xù, tóc dài rũ rượi, râu ria lởm chởm, tua tủa mọc quanh miệng, hàm răng gã vàng úa đầy bựa nham nhở… Bọn trẻ con đang vây quanh, rình rình lùa ra phía sau gã, tụt cái quần rách bươm của gã xuống tận kheo. Gã ngồi bệt xuống, cố kéo chiếc quần khốn khổ lên, miệng cười hề hề… Đám trẻ con lại cười bung lên, sung sướng. Em cất giọng đằng hắng, đám học sinh thấy thầy tới thì im bặt. Em nhẹ nói các em về lớp, chủng thủng thẳng bước đi, đầu đứa nào đứa nấy cứ ngoái lại nhìn gã, rõ là còn chưa muốn rời cái trò chơi thú vị này. Gã đứng lặng trước ánh nhìn của em, rồi tẩn ngẩn tần ngần chỉnh lại cái quần... Gã cúi xuống nhặt đôi dép tổ ong cũ bẩn, đứt mất cả hai mũi từ bao giờ. Gã xỏ một chân vào dép, rồi nhặt chiếc còn lại đưa lên miệng cặp lại, bỏ đi… Mái tóc rũ rượi, cái áo cáu bẩn, rách tả tơi của gã xoáy vào đầu óc em: một gã điên!

Trở về lớp học, em hỏi han về gã, rồi nhắc các học sinh của mình không được trêu chọc những người xấu số mắc bệnh điên, tội nghiệp họ. Đám trẻ ngồi im…

Em là sinh viên Công giáo, đang trong đợt đi tình nguyện Mùa hè xanh. Lần đầu em đến với xóm làng xa xôi này, lạ lẫm…

Tan giờ học, em lần mò tới túp lều nơi gã điên vẫn ở. Thấy em, gã lạnh lùng định bỏ đi, nhưng em đã mau miệng chào hỏi… Gã ngồi, chân để xõng xoài trên nền đất, cầm cái bánh em cho, nhét luôn cả vỏ nilon vào miệng, ngấu nghiến. Em phải moi ra, bóc cho gã… Gã cười hề hề… Vô tư!

Em ngó vào bên trong, mảnh chiếu đã nát bở từ năm nào, đầy đất đỏ bám chặt. Cái chăn nát nhèm, đen đen vàng vàng, chỗ sờn, chỗ rách…chả phân biệt được đâu là màu vải, đâu là màu đất…! Cái bát sứt một miếng to nằm chỏng chơ bên cạnh đôi đũa trông như hai cái que cuối tấm phản, vết cơm nguội còn dính khô từ hồi nào… Cả căn lều bốc lên một mùi hôi hôi, khăm khắm, thum thủm, tanh tanh,…tới buồn nôn!

Gã cứ ngồi đó, cái đầu nghênh nghênh hết nhìn đất lại nhìn trời, mặc kệ những câu hỏi em đặt ra, gã cứ “Ớ…ơ….ứ…ạ…hề..hề…hà…hà…” Em đi khỏi, mặt gã quay đi, cúi gằm, tủi hờn, oán ghét!

Hình ảnh mập mờ mười năm trước hiện về trong cái não điên điên của gã, không biết đâu là thật, đâu là điên… Hôm đó, gã đưa người yêu của gã đi tập bơi trên con sông ngoài làng gã. Trưa mùa hè nóng bức, con sông vắng ngắt không bóng người. Hai đứa tung tăng lùa đàn trâu xuống sông đằm. Hai ánh mắt chứa chan tình yêu cứ liếc nhìn nhau hạnh phúc… Gã vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu, hết hè này, chờ gã xin được việc trên tỉnh thì sẽ về xin cưới người gã yêu. Hai gia đình ưng lắm: chúng đẹp đôi! Gã bế người yêu xuống nước, cố bé sợ hãi ôm chặp lấy gã, cười thích thú… Gã bơi giỏi nhất làng này, ai không biết! Gã tập cho người yêu nhiều buổi rồi, người yêu của gã sắp bơi được rồi đấy! Nhìn những con trâu đang lủng lẳng vẫy đôi tai đằm mình hiền lành giữa sông, gã nghĩ ra một trò vui thú. Gã kéo con trâu đầu đàn hiền lành nhất vào bờ, rồi cho người yêu gã ngồi lên lưng rồi kéo ra giữa sông… Hai đứa thích thú đưa tay đập xuống mặt sông, nước bắn tóe tung… Chán, chúng lại bốc nước ném lên trời, ngắm hạt nước long lanh rơi xuống, khoái chí… Bỗng con trâu rùng mình, chồm mình lên, phóng vèo vào bờ, cả bầy trâu nháo nhác lao theo… Hai đứa bị hất tung xuống dòng sông sâu hoắm. Người yêu gã thét lên hãi hùng… Gã với tay nắm lấy người yêu… Bỗng gã cảm thấy đau nhói ở cẳng chân: có con trâu nào đó phóng đi vội vàng đã đạp vào chân gã. Gã thấy đuối, không sao đạp chân được. Gã đang cố vùng vẫy thì người yêu gã chồm lên, hai tay gí đầu gã xuống nước liên hồi… Hoảng hồn, gã không biết phải làm gì nữa… Thấy gã bị chìm sâu, không bám được nữa, người yêu gã buông tay, dòng nước đưa người yêu gã trôi. Cố gắng lắm gã mới ngoi lên được mặt nước, cảnh tượng người yêu gã đang vùng vẫy, ngoi lên ngụp xuống, đôi mắt thất thần…rồi chìm nghỉm cứ thế đập vào mắt gã, bất lực! Gã hối hả dồn hết sức bình sinh lao theo dòng nước, nhưng cái chân đau khiến gã bị chấp chới giữa giòng, phải khó khăn lắm hắn mới bám được vào nhánh cỏ bên bờ. Tiếng thét gào kêu cứu của hắn cứ vang lên, nhưng nào ai nghe…!

Người ta vớt được xác người yêu gã ở khúc quanh gần đó, trương phềnh, trắng bệch… Thế là cả thiên hạ túm vào chửi rủa gã, đay nghiến gã, kết tội gã là kẻ giết người. Gã đau đớn mãi, cứ tự hỏi sao người chết không phải là gã… Rồi gã sợ gặp người, ngày ngày co rúm trong xó nhà. Nhưng ở nhà cũng không yên, bố mẹ gã ra một tiếng, vào một tiếng… Gã mò đến nhà thờ, mấy bà đạo đức qua lại nói móc, nói mỉa, chỉ trỏ… Gã chẳng biết đi đâu…

Rồi một sáng nọ, gã xuất hiện giữa làng, cười cười nói nói, xé áo tả tơi, tụt quần vắt lên cổ, tung tăng… Gã hiên ngang bước, thi thoảng nán lại bên một tán cây ven đường, bẻ một cành, đưa lên miệng, nhai nhai, nhá nhá… Thiên hạ gọi hắn: thằng điên!

Thế là gã thoát, không phải nghe người ta đay nghiến nữa. Nhưng, lúc đêm về, khi chỉ còn một mình, gã bật khóc, ấm ức, dơ tay đấm vào tường, đấm xuống đất, hận đời, hận người, hận chính bản thân gã… Gã muốn mình thật sự là một thằng điên! Cứ thế, gã sống lay lắt bấy lâu, dần dà cũng quen: “Mặc kệ! Tao cóc cần!”

Em vẫn đều đều tới thăm gã. Bát nước, bát canh, con cá, miếng thịt…em vẫn để dành mang tới cho gã. Em xin gã cho cắt tóc, giặt cái chăn, thay cái chiếu, rửa cái tấm phản đã chục năm đè đất… Từ ngày gặp em, gã thấy sượng. Gã chẳng nói gì, cứ lầm lầm lì lì, bảo gì gã cũng ngồi im, nhìn xa xăm, hờ hững!

Gã ngồi khoanh chân, ngoan ngoãn cho em cắt tóc, nhưng khi em định cạo râu thì gã quay đi, đứng phắt dậy, em hiểu ý nên thôi. Hôm sau, em tặng gã một bộ quần áo, một đôi dép, một bộ dao cạo râu. Gã nhận lấy, quấn lại, nhét lên mái lều, mặt lạnh tanh. Gã lại ngồi thừ cho em bấm những móng tay, móng chân đã thuộc diện…có tuổi, đen cùi cũi, sần sùi… Em tặng gã một chiếc gương với một chiếc lược nhỏ có khắc dòng chữ “Mến tặng anh Hoàng”. Gã giật mình, nhưng vội nén cơn xúc động của mình bằng tràng cười hề hề quen thuộc. Tên của gã! Sao em lại biết? Đã quá nhiều năm nay, giờ gã mới đọc được tên mình, gã tưởng cái tên đó đã biến mất rồi, gã tưởng tên của gã đã là “Thằng Điên”! Giọt nước mắt khẽ ứa ra khóe mắt, gã vùng dậy, nhảy nhót lung tung, cốt để em thấy rằng gã điên, và cũng để giấu vội giọt nước mắt đang chảy dài trên khuôn mặt đầy râu ria của gã. Gã hét, gã hò, gã cười…để che giấu cục nghẹn đang tắc ứ nơi cửa họng. Thật sự, gã muốn khóc!

Kỳ tình nguyện đã mãn, em xin được ở lại thêm vài ngày, dành thời gian sửa lại căn lều cho gã. Em treo trên bức vách những tờ lịch mới toanh: phong cảnh, thơ, ảnh Chúa, ảnh Mẹ… Em kê chiếc phản lên cao, móc bốn chiếc đinh để treo màn… Lúc em đang cố nhướn người để treo ảnh Thánh Giá nhỏ lên một nơi cao nhất của túp lều, em bất ngờ thấy gã đứng khom lưng, ra hiệu cho em đứng lên vai gã… Em sung sướng vô cùng, em vui sướng nhìn gã khiến gã bối rối quay đi vụng về, giọt nước mắt em rơi, ít ra gã cũng còn một chút người!

Ngày chia tay, em nói nhiều điều với gã lắm, nói về cuộc đời em, nói về những khó khăn em đã trải qua cũng như đang phải đối diện, nói về niềm tin của em vào một Thiên Chúa luôn yêu thương và quan phòng, dù là đôi khi con người chỉ nhìn thấy đó như là những hình phạt, những bất hạnh! Gã không nói gì, cứ đưa tay lên miệng mút mút, thi thoảng lại chấm nước miếng đưa lên khóe mắt. Nước mắt gã đã rơi từ lúc nào! Gã muốn nói một lời cảm ơn, nhưng cổ họng gã nghẹn ứ, đôi mắt rưng rưng… Lúc em đi, gã đứng trước lều, hụt hẫng, não nề, rồi chợt dơ tay lên cao, vẫy vẫy ngượng ngùng… Gã muốn nói, nhưng cái đầu gã cản lại: “Bấy lâu nay mày có mở miệng nói gì đâu. Mày là thằng điên cơ mà!”

Tối đó, dưới ánh sáng chợp chờn của ngọn nến em tặng, gã soi mình trong gương. Lâu lắm rồi gã mới thấy mặt gã, gã thấy xa lạ vô cùng! Gã nghĩ tới em, gã nghĩ tới người yêu của gã, gã nghĩ tới đời và gã nghĩ về chính gã. Những hành động đầy yêu thương của em đã làm xáo trộn cuộc đời tưởng như đã an phận, bình lặng, buông xuôi của gã. Tình thương, sự quan tâm rất người mà em dành cho gã đã như lưỡi kiếm chém tan cuộc sống mà chính gã đã dựng lên để đối chọi với cuộc đời tàn nhẫn. Gã thấy mình được yêu thương, yêu thương thực sự chứ không phải sự thương hại. Gã nhớ cái bắt tay rất đàn ông mà em dành cho gã. Gã thấy trong em gã là người! Gã lục tìm bộ dao cạo râu em tặng, gã với bộ quần áo, đôi dép trên nóc lều… Người ta đã giết gã, hay gã đã tự giết mình bấy lâu?! Có lẽ tới lúc gã phải tự mình hồi sinh rồi. Chẳng lẽ tình thương em dành cho gã là vô ích?! Không, tình thương đó lớn hơn gấp vạn cái cay nghiệt của kiếp người này, lớn hơn cả tội lỗi quá khứ, cả sự đau đớn trong tâm hồn gã, lớn hơn cả thứ khốn nạn mà người đời đã dành cho gã…!

Bình minh le lói chiếu qua căn lều xiêu vẹo. Ánh sáng hôm nay dường như đang phát ra từ bên trong, thứ ánh sáng lạ lạ, mạnh mẽ, tinh khôi, ánh vàng…

Em cứ bước đi thản nhiên trên dòng đời. Biết đâu rằng những hành động yêu thương được tuốn ra từ con tim đầy chất người nơi em đang cứu sống, đang chữa lành, đang làm hồi sinh một cuộc đời! Có biết đâu trong cõi nhân gian, hôm nay, một sinh linh mới được tái hồi, một niềm tin được thắp sáng! Hãy cứ tiếp tục yêu thương, vì đời cần lắm những tấm lòng, những hành vi nhân ái, để con người là người hơn, để cuộc đời đáng sống hơn, để nhân loại gần nhau hơn, em nhé! Dẫu là cuộc đời cay nghiệt, dẫu là oan khiên chờ đón, thì những yêu thương hãy cứ âm thầm, lặng lẽ nhưng hiên ngang, mạnh mẽ…vì vẫn luôn có đó, những yêu thương không ngờ!

Mến gửi quý tác giả,
Ban mục vụ Văn hóa Gp Qui Nhơn hân hoan thông báo: Chúng tôi đang xúc tiến thực hiện một tập san văn thơ làm sân chơi cho các tác giả Công giáo trẻ, dưới dạng những tuyển tập văn thơ định kỳ, mỗi năm xuất bản 4 tập, mỗi tập 96 trang khổ 15,5 x 23 cm. Tập san dự kiến lấy tên là “Mục Đồng”.

Tập san có hướng phổ biến rộng đến các giáo phận trong nước. Đây là chương trình tiếp nối Giải Viết Văn Đường Trường để tập hợp và đào tạo các tài năng văn thơ trẻ cho Giáo hội Việt Nam, dành ưu tiên cho các tác giả dưới 40 tuổi. Tập san ra đời sẽ là nơi nối kết các tác giả Công giáo ở khắp nơi, tạo điều kiện để chúng ta giao lưu học hỏi lẫn nhau, thêm động lực để luyện rèn và phát triển ngòi bút của mình. Chúng tôi tha thiết mời gọi sự hợp tác của quý tác giả trẻ, đặc biệt là các tác giả đã từng tham gia Giải VVĐT, không phân biệt giáo phận.

Chủ đề bốn số của năm 2017 lần lượt là: Chào Xuân - Nắng Hạ - Thu xa và Vào Đông. Mục Đồng số 1 “Chào Xuân” dự kiến phát hành dịp Xuân Đinh Dậu 2017. Rất mong sớm nhận được bài cộng tác của quý tác giả. Bài tham gia có thể là truyện ngắn hoặc thơ, mang nội dung Kitô giáo. Về truyện ngắn, xin gửi truyện dưới 3000 từ, thơ không dài quá 30 câu. Bài gởi cho tập san phải là sáng tác chưa từng in báo, tuyển tập, tập san… hoặc đã gởi dự thi Giải VVĐT và các Giải khác. Kèm theo bài tác giả cần ghi rõ thông tin cá nhân (ảnh, tên thật, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại liên lạc) để BBT tiện xử lý khi chọn bài.

Xin gửi về email: tapsanmucdong@gmail.com trước ngày 15-12-2016.

Mong đón nhận sự hưởng ứng tích cực của quý tác giả.

Qui Nhơn, ngày 11-11-2016
Tm Ban Biên tập
Tađêô Nguyễn Thanh Xuân


Thưa quý độc giả và quý tác giả,

Cuộc họp mặt trao giải Viết Văn Đường Trường đã diễn ra tốt đẹp trong hai ngày 21 và 22 tháng 9, tại Qui Nhơn, nhân kỷ niệm sinh nhật nhà thơ Hàn Mạc Tử. Quý vị nào muốn xem lại bản tin và bài viết về kết quả đạt giải, có thể truy cập tại :
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/561978507321875/



Trong các tác giả đạt giải có hai nữ tu Mến Thánh Giá Thủ Đức và một nữ đan sĩ Xitô, không về dự họp mặt được. Ngày 17-10, một số tác giả đạt giải khác đã cùng với giám khảo An Thiện Minh tổ chức đi thăm chuyển trao giải thưởng và cùng họp mặt tại đan viện Vĩnh Phước, Ngọc Đồng, Biên Hòa. Quý vị có thể xem tin tại:
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/permalink/572272332959159/

Hiện nay Giải VVĐT 2017 đã khởi động và tiếp tục nhận bài dự thi. Ban Tổ chức sẽ đọc và giới thiệu những chuyện dự thi đợt đầu trong bản tin tiếp theo.
Sau lễ trao giải, qua đề xuất và góp ý của một số tác giả và giám khảo, Ban Tổ chức đã nhất trí sửa đổi một vài điều trong Bản Thể lệ cho phù hợp hơn. Cụ thể là:
1. Trước đây Bản Thể lệ giới hạn mỗi truyện dự thi không dài quá 3000 từ. Điều này nhằm mục đích rèn luyện cho các tác giả viết thật ngắn gọn súc tích. Tuy nhiên độ dài giới hạn này có thể gây cản trở cho một số truyện cần viết dài hơn mới tải hết ý tưởng và diễn biến của câu chuyện. Vì vậy, kể từ cuộc thi lần thứ V, Ban Tổ chức quyết định nới rộng đến 4000 từ.
2. Những truyện vượt độ dài (4000 từ) đương nhiên bị loại từ đầu. Tuy nhiên với những truyện viết tốt, Ban Tổ chức sẽ thông báo với tác giả, để nếu muốn, tác giả có thể chỉnh sửa rút ngắn cho hợp thể lệ.
Qui Nhơn, ngày 30-10-2016
Trưởng Ban Tổ Chức
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh


BẢN THỂ LỆ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG
Cập nhật cho cuộc thi lần thứ năm - 2017

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG được Ban mục vụ Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn thực hiện trong khuôn khổ dọn mừng kỷ niệm 400 năm Tin Mừng của Chúa đến với giáo phận Qui Nhơn (1618-2018), nhằm đào tạo cho Hội Thánh Việt Nam nhiều cây bút văn xuôi. Thể lệ, chủ đề và cơ cấu tưởng thưởng của cuộc thi được ấn định như sau.

I. THỂ LỆ

1. Cuộc thi kéo dài sáu năm, năm năm đầu (2013-2017) mỗi năm trao giải một lần.

1b. Riêng lần thứ sáu (2018)sẽ có việc tổng kết các bài đạt giải 5 năm trước về tài năng (Tác giả có nhiều bài đạt giải cao), về nhiệt tình (Tác giả gởi nhiều bài dự thi và đạt giải liên tục nhiều năm), về triển vọng (Tác giả trẻ tuổi nhất đạt giải nhiều lần nhất), về phong trào vv… Ngoài ra sẽ vẫn đón nhận bài dự thi bình thường như các năm trước và vẫn có khung giải thưởng từng năm như các năm trước. Sẽ không hạn chế số lượng bài dự thi của cùng một tác giả. Những tác giả có từ 5 bài trở lên được vào chung khảo sẽ nhận được những phần thưởng đặc biệt, đồng thời sẽ khuyến khích tập hợp thêm những truyện khác của mình để in thành những tuyển tập riêng trong Tủ sách Nước Mặn.

2. Cuộc thi dành cho các bạn trẻ Công giáo, trong cũng như ngoài giáo phận Qui Nhơn, dưới 40 tuổi (năm dự thi – năm sinh theo sổ rửa tội ≤ 40). Người đã đạt giải một lần, các năm sau có thể dự thi tiếp, dù đã hơn 40 tuổi. Các bạn trẻ dự tòng cần có chứng từ đang theo học giáo lý dự tòng.

3. Thể loại: Truyện ngắn, mỗi truyện không dài quá 4000 từ. Không nhận truyện phóng tác. Phải là sáng tác mới, chưa đăng báo, website hay blogs và chưa gửi dự thi ở bất cứ đâu.

4. Truyện lấy ý từ một tác phẩm khác, xin ghi rõ xuất xứ tác phẩm gốc. Nếu bị phát hiện sao chép của người khác hoặc dựng lại theo ý tác phẩm khác mà không ghi xuất xứ, sẽ bị loại và cấm thi các năm tiếp theo.

5. Đề tài:
Năm 2017, Hội thánh Công giáo có hai kỷ niệm lớn, Giải Viết Văn Đường Trường xin được chọn làm chủ đề cho cuộc thi lần thứ V:
– 100 năm Đức Mẹ Fatima và việc thực hiện lời mời gọi hoán cải của Mẹ trong đời sống người tín hữu từ ấy đến nay.
– 500 năm Hội thánh Công giáo và Hội thánh Tin lành cùng nhìn lại cuộc cải cách của Lm Martin Luther.Người Công giáo cần học hỏi những gì nơi anh chị em Tin Lành và có những gì cần giới thiệu với họ? Đã có những nỗ lực nào cho tình hiệp nhất và còn phải làm gì thêm nữa?
Ngoài ra, quý tác giả cũng có thể tham gia với những tác phẩm về các chủ đề khác của Kitô giáo.

6. Mỗi năm, mỗi tác giả có thể tham gia tối đa 05 bài dự thi (riêng năm thứ sáu 2018 không giới hạn số bài), có thể gửi chung một lần hoặc nhiều lần.

7. Chỉ nhận bài dự thi qua điện thư email, gửi attach file với định dạng .doc hoặc .docx, không nhận bài gửi qua đường bưu điện.

8. Đầu bài dự thi phải ghi rõ: tên thánh, họ và tên, bút danh, năm sinh, rửa tội tại đâu, năm nào, địa chỉ nhà, giáo xứ, giáo phận, số điện thoại liên lạc, địa chỉ email. Dù đã gửi nhiều email dự thi, đầu mỗi bài đều cần ghi như thế. Những bài thiếu các chi tiết này sẽ không được nhập hồ sơ dự thi.

9. Mỗi bài dự thi sẽ được nhập hồ sơ theo lần gửi đầu tiên, mọi chỉnh sửa về sau đều không được chấp nhận.

10. Địa chỉ nhận bài, xin gửi cùng lúc về 2 điện chỉ email: tinmunggiesu@gmail.com và gopnhattho@yahoo.com.

11. Thời gian nhận bài: trước ngày 01-3 mỗi năm. Những bài gửi về muộn hơn sẽ được đưa vào hồ sơ dự thi năm sau.

12. Tưởng thưởng: Mỗi năm sẽ có 06 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng, theo cơ cấu và sinh hoạt như sẽ nói dưới đây.

13. Kết quả cuộc thi hằng năm sẽ được công bố ngày 15-8 mỗi năm

14. Lễ trao giải vào ngày 21-9 mỗi năm.

15. Những tác giả được vào chung khảo mà không đạt giải sẽ được hỗ trợ một phần tiền xe về dự ngày họp mặt trao giải.

16. Các thông tin về cuộc thi sẽ được đăng trên Facebook Văn thơ Công giáo https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/, trêntrang mạng giáo phận Qui Nhơn http://www.gpquinhon.org và những trang mạng ủng hộ chương trình này.

17. Các tác phẩm đạt giải sẽ được in thành tuyển tập do Ban Tổ Chức giữ bản quyền.

II. TƯỞNG THƯỞNG

Cơ cấu giải thưởng
Mỗi năm, có 6 giải thưởng chính thức và 15 giải triển vọng.:
- một giải nhất:                                                      20.000.000 $VN
- hai giải nhì, mỗi giải                                            12.000.000 $VN
- ba giải ba, mỗi giải                                                8.000.000 $VN
- 15 giải triển vọng, mỗi giải                                   3.000.000 $VN

Tuyển tập truyện ngắn riêng
Ngoài phần thưởng bằng tiền mặt, những tác giả đạt giải, nếu có nhiều truyện khác có giá trị, sẽ được Tủ Sách Nước Mặn hỗ trợ xuất bản một tuyển tập riêng dưới 200 trang với những truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo.

Những tác giả không đến dự lễ trao giải sẽ chỉ được nhận 50% tiền giải thưởng và không được hỗ trợ in tuyển tập riêng. Những tác giả chỉ dự lễ trao giải 21-9 mà không tham gia hành hương 22-9 chỉ được nhận 75% tiền giải thưởng, nhưng vẫn được hỗ trợ in tuyển tập riêng.

III. TƯỞNG THƯỞNG DÀNH CHO ĐỘC GIẢ

1. Bình chọn

Các truyện dự thi đã qua vòng sơ tuyển sẽ lần lượt được đưa lên Facebook Văn thơ Công giáo của Giải VVĐT tại
https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao/
Mời độc giả tham gia bình chọn theo thể lệ trên FB.

2. Giúp phát hiện trường hợp sao chép

Những độc giả giúp phát hiện đầu tiên những bài dự thi sao chép của người khác (xin ghi rõ xuất xứ bài gốc) sẽ được tặng quà lưu niệm đồng thời được hỗ trợ tiền xe về dự họp mặt trao giải và hành hương “dấu chân Hàn Mạc Tử”.
Ban Tổ Chức chân thành biết ơn sự giúp đỡ của các ân nhân. Các hỗ trợ tiền bạc hoặc hiện vật cho cuộc thi xin gửi về: Linh mục Võ Tá Khánh, 116 Trần Hưng Đạo, TP Qui Nhơn – Email: gopnhattho@yahoo.com – Điện thoại: 0935-424-449.

Qui Nhơn, ngày 15-8-2016
(Cập nhật ngày 15-10-2016)
TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC
chu ky cha khanh
Lm Gioan Phêrô Võ Tá Khánh (Trăng Thập Tự)
Trưởng Ban MV Văn hóa & Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn
Được tạo bởi Blogger.