Trên chuyến xe bus cuối ngày hôm ấy, tôi bắt gặp một gia đình mà chắc có lẽ không gia đình nào như gia đình đang đối diện với tôi đây.
Họ gồm bốn người, tôi đoán: hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Hai anh, chị có thể không quá 34, 35 tuổi, đứa lớn chừng 9 tuổi còn đứa nhỏ chừng 2 tuổi. Cả bốn người đều gầy nhom, má thỏm. Có thể anh chồng không bao giờ nhìn thấy được dáng nhỏ thấp và gương mặt hiền dịu của vợ mình và chị vợ cũng thế chẳng bao giờ nhìn thấy gương mặt tiều tụy, đầy ưu tư của chồng. Còn hơn thế nữa là anh, chị cũng chẳng bao giờ nhìn thấy nét mặt hồn nhiên nhưng mang chút nét u buồn của hai đứa con của mình. Thế mà hình như cả bốn người họ có thể hiểu được tất cả những gì mà mỗi người họ muốn nhìn và muốn diễn đạt.
Thoạt nhìn thấy tôi đã nghe chạnh lòng, tự hỏi: “Tại sao cuộc sống lại bất công đến thế với một gia đình khiếm khuyết hiền từ? Tại sao họ lại sống trong cảnh buồn đau như thế, nhất là cuộc sống mưu sinh ngày nay quá chật vật và lắm mưu chước gian xảo ? ” Nhưng rồi tôi lại khâm phục hai anh chị chắc đã là anh chị không dễ dàng gì xua đi mặc cảm bản thân bởi anh chị lớn lên từ một cô nhi viện, anh chị đến với nhau bằng tình cảm chân thật, để rồi có được hai đứa con trai rất dễ thương này. Có nhìn thấy được họ thì mới thấy họ thương yêu nhau đến mức nào !
Vì là chuyến xe cuối trong ngày nên bác tài cho xe dừng lại ở trạm hơi lâu để đón khách. Bên ngoài nhà thờ Chợ Đũi, các tín hữu xem lễ khá đông. Ánh đèn mầu ở trên bảng các cửa hiệu như dần nhạt nhòa bởi gió thổi mỗi lúc một mạnh và mưa bắt đầu rơi. Đứa nhỏ vùi đầu vào ngực chị rung rung khẻ nói: “Lạnh lạnh, mẹ ơi” ! Theo quán tính, chị đưa tay mò chiếc giỏ xách dưới chân, sờ soạng tìm lấy chiếc áo ấm đã bạc màu dần dà đắp cho con. Anh chị ngồi bên nhau trông thật khắn khít, có vẻ như đang sung sướng hài lòng với những gì anh chị đã có được. Và giữa sự hài lòng vui sướng ấy, anh chị luôn vẫn giữ vẻ yên lặng, bình thản với nụ cười tươi trên môi.
Có thể rằng anh chị không thấy rõ nét mặt của nhau và cả của các con nhưng lời nói dịu dàng như tiếng ru của chị đã đưa đứa nhỏ vào giấc ngủ, chị cúi ôm hôn lấy hôn để lên đầu lên má thằng nhỏ. Bỗng anh đưa tay sờ soạng tìm bàn tay người bên cạnh, phút chốc anh chị xiết tay nhau, mỉm cười với đôi mắt cố nhướn trông đáng thương. Đứa lớn nhìn cha mẹ nó rồi quay qua cười với mọi người trên xe. Hình như nó cũng như bao người trên xe cho rằng nụ cười của bố mẹ nó thật giống nhau làm sao.
Mưa nhỏ dần rồi tạnh hẳn, ngoài đường xe cộ trở lại tấp nập, chiếc xe bus đi qua khỏi ngã năm, đến chùa Lâm Tế thì chạy chậm rồi tấp vào lề. Đứa lớn ngồi phía trong đi nhanh ra ngoài, nhảy xuống xe trước nắm lấy tay em rồi đỡ mẹ; anh như có vẻ thành thạo hơn nắm lấy tay cầm cạnh xe bước xuống. Cũng hành động theo quán tính, anh chị mò mẵm nắm mỗi bên vai đứa con lớn, anh bế đứa nhỏ và cùng băng qua đường rẽ sang bên kia chợ Thái Bình. Trên chuyến xe còn tiếp tục cuộc hành trình, tôi mãi nhìn theo đến khi bóng bốn người nhỏ dần rồi khuất sau hàng cây cao dọc bên đường. Trong tôi như nghe một nỗi buồn thương xen lẫn niềm vui. Thương những con người khốn khó nhưng vui vì họ sống chung trong một gia đình hạnh phúc.
Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là ánh sáng cuộc sống mặc dù khiếm khuyết nhưng trông anh chị rất vui vẻ cùng các con. Có thể anh chị đã vượt qua bóng tối để đến với cuộc sống và có thể rằng anh chị cũng đã chiến thắng phần nào với chính mình. Tôi tin họ là một gia đình hạnh phúc nhất mà tôi biết. Thường thì bạn bè, họ hàng hay đến phàn nàn với tôi về gia đình của họ. Còn anh chị khiếm thị này mặc dù tôi chỉ thấy, chỉ biết họ qua vài phút, họ không thấy được nhau, không nhìn nhau bằng ánh mắt nhưng lời nói êm ái, cái nắm tay xiết chặt nhau làm cho tôi như có niềm vui chung với họ.
Số phận đã lấy đi của họ nhiều thứ quý giá khiến họ không thể có cuộc sống như những người bình thường. Nhưng ý chí vươn lên, không đầu hàng số phận đã giúp họ vượt lên, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Năm nay, cả hai ngoài 30 tuổi.