(Mã số VVYT 17-020)
Chiều ba mươi Tết, Hoàng vẫn chưa rời khỏi cổng chợ. Những chiếc chõng hàng xéo cuối cùng đang được Hoàng cố gắng chất lên cho gọn gẽ. Nhìn thằng bé nhễ nhãi mồ hôi, trông đến tội nghiệp. Bà Lan ở quầy bánh kẹo, sau khi thu dọn đồ đạc gọn ghẽ, bà quay lại vẫn còn thấy Hoàng đang xăng xít dọn dẹp chưa xong. Bà bảo Tâm con gái bà:
- Con gọi thằng bé kia lại cho mẹ nhờ chút.
…
- Thằng kia, thằng kia… Lại cho nó chứ gì, lúc nào cũng cho nó, còn con xin mấy đồng lẻ cũng không cho.
- Đến bao giờ con mới bớt lo cho bản thân để nghĩ đến người khác thế hả Tâm? Mẹ có dạy con sống ích kỉ như thế không hả? Chúa ban cho mình có điều kiện không phải để tiêu xài hoang phí, nhưng còn phải biết chia sẻ cho những người kém may mắn hơn chúng ta…
Bà còn chưa nói hết thì Tâm đã ngắt lời:
- Gọi thì gọi, gì mà lợi dụng để lên lớp thế không biết.
Tâm vùng vằng bỏ đi.
- Đúng là con với chả cái.
…
- Này, này, lại mẹ tui nhờ chút.
Hoàng đang khuân dở chiếc chõng, nghe Tâm gọi liền đặt xuống vội vàng đi lại chỗ bà Lan. Ở chợ này mọi người đều quý cái sự nhanh nhẹn ấy của Hoàng, gọi là tới ngay, không chần chừ giây lát.
- Thưa bà gọi con.
Tâm đứng liếc nhìn mẹ, nó lè cái lưỡi dài thườn thượt rồi bỏ đi.
- Ờ, hai anh em con đã chuẩn bị tết đến đâu rồi?
Hoàng gãi đầu. Thật ra Hoàng đã chuẩn bị được cái gì đâu, ngoài ít gạo, mấy cái bắp xú và một ít thịt được mấy người ở quán hàng xéo trả công. Đối với anh em Hoàng, cái Tết như thế là quá thịnh soạn rồi. Cả năm đi làm thuê, Hoàng cũng chỉ mong đến ngày Tết có cơm cho hai anh em ăn là mừng lắm. Thấy Hoàng gãi đầu, bà Lan vừa bật cười vì cái tính nhút nhát của cậu bé, vừa thấy thương cho hoàn cảnh của cậu. Mới mười bốn, mười lăm tuổi mà phải lăn lộn với cơm áo, gạo tiền để nuôi em. Bà với tay lên sập lấy một cái bọc đen được gói sẵn trong đó đưa cho Hoàng.
- Con cầm lấy về lo Tết cho em nhé.
Hoàng ngại ngùng không dám cầm, dù cực khổ nhưng Hoàng chưa bao giờ dám ngửa tay đi xin ai cái gì. Ba mẹ cậu vẫn thường dạy: “của biếu là của lo, của cho là của nợ. Chỉ có những gì mình tự làm ra mới bền vững”. Thấy cậu bé lưỡng lự, bà như hiểu ra nên tiếp lời:
- Con cầm đi, đừng ngại, coi như bà mừng tuổi hai đứa.
Hoàng đỡ lấy món quà bà Lan đưa.
- Con cảm ơn bà Lan nhiều lắm, lúc nào bà cũng cho anh em con quà, không biết đến lúc nào con mới đền ơn cho xứng.
- Có gì đâu mà ơn với nghĩa chứ, con cứ sống ngoan như thế là bà vui rồi. Thôi về đi con, còn có mấy tiếng nữa là đến giao thừa rồi đó.
- Vâng, chào bà con về.
Dọn dẹp xong Hoàng vội vã trở về nhà, về đến đầu ngõ đã thấy đứa em gái đang lon ton chạy ra đón anh. Vừa nhìn thấy anh, đứa bé đã reo lên vui sướng:
- Anh Hai, anh Hai về rồi!
Hoàng đặt túi quà bà Lan vừa cho xuống đất, dang hai tay ra ôm lấy cô em gái bé nhỏ vào lòng, vuốt ve mái tóc vàng hoe của em.
- Hôm nay bé Hoa của anh ở nhà có ngoan không, có bị ai bắt nạt không? Ăn bánh anh gởi về có ngon không?
- Ờ, dạ. Em không biết.
- Sao lại không biết, ăn mà cũng không biết ngon hay dở hả ngốc?
Hoàng vừa nói vừa véo vào má Hoa.
- Không phải, mà em cho ông ấy cái bánh đó rồi, Hoa vừa nói vừa chỉ tay về phía ông cụ đang ở cái lán ngoài cánh đồng.
Ngoài cánh đồng có cái lán của nhà ông Quang bỏ trống, mấy tuần nay không biết có ông cụ từ đâu tới xin ở nhờ ban đêm, ban ngày ông đi xin những đồng tiền lẻ của những người hảo tâm để sống qua ngày. Thấy ông cụ, bé Hoa đã cho ông chiếc bánh mì ba tê của anh Hai gởi người ta cầm về cho em.
- Ông nào hả em? Có người mới đến đó hả?
- Em không biết, em thấy ông ấy ở đó.
Nghe em nói, Hoàng giật mình nhớ ra, mấy tuần nay cậu lo làm cả ngày đến tối mịt mới về, đến sáng lại đi từ sớm nên chẳng còn để ý đến ai xung quanh mình. Cậu mở gói quà bà Lan vừa mới cho, hai mắt sáng lên khi nhìn thấy một cặp bánh chưng to, một cây giò và một đùm bánh kẹo. Từ ngày ba mẹ qua đời, để lại hai anh em côi cút đến nay, đây là cái Tết thứ tư. Bốn năm rồi, hai anh em Hoàng có biết mùi vị của bánh chưng ngày Tết là gì, càng không biết đến miếng giò, chứ nói gì đến bánh kẹo. Thế mà năm nay vừa có giò, có bánh chưng lại có cả kẹo bánh nữa, đối với Hoàng đây là một cái Tết đầy đủ nhất. Nhưng Hoa thì khác, kẹo là cô bé thích nhất, con nít ai mà chả thích bánh kẹo chứ. Hoa tròn xoe mắt nhìn thành quả lao động của anh Hai với niềm vui xen lẫn tự hào:
- Anh Hai em giỏi quá, mai mốt lớn lên em cũng đi làm giống anh Hai.
- Đây là quà người ta cho anh em mình.
Hoa thấy anh lấy bịch xốp san gói kẹo ra, rồi lại lấy con dao cắt cây giò mà không hiểu anh đang làm gì.
- Anh Hai làm gì thế ạ?
- Anh muốn chia cho ông cụ ngoài cánh đồng để ông ấy cũng được ăn Tết như chúng ta.
Nói xong anh xếp một chiếc bánh chưng, nửa cây giò và phần bánh kẹo vào một cái bịch xốp khác. Cậu nhìn cô em nhỏ cười.
- Em đi với anh nhé!
Hai anh em đi tới cái chòi thì không còn thấy ông cụ ở đó nữa. Ông đã dọn đi nơi khác rồi. Không thể chia sẻ món quà của mình cho ông cụ nhưng cả hai anh em đều thấy vui, niềm vui từ chính tấm lòng của họ khi biết nghĩ đến người khác.
- Mình về thôi em.
- Anh Hai ơi, Tết đến rồi, Tết của tình yêu.
Hoàng quay lại nhìn cô em gái cười hiền.
Ừ, Tết đã về,Tết của tình yêu.