Mã số: VVYT 17-017
1.
Gần Noel, không khí về đêm se se lạnh. Phi trường Tân Sơn Nhất vẫn náo nhiệt dù đã gần nửa đêm. Tôi đến sân bay để tiễn người anh em linh mục trẻ sang Hoa Kì du học.
Anh cũng đến. Anh cao gầy, đen đúa, tóc bù xù, da nhợt nhạt. Những gì anh mang theo chỉ là chiếc túi vải thổ cẩm mà bên trong để Sách Kinh Phụng Vụ và vài đồ dùng cá nhân. Đôi sandal mòn khuyết hẳn ở gót chân. Chiếc áo khoác rộng thùng thình, bạc màu, nhiều chỗ sờn rách và có vẻ quá rộng so với cơ thể cao gầy của anh. Chiếc áo lấm lem bụi đường, thấm đẫm mô hôi, chiếc áo mà anh mặc từ tối qua khi đưa các bệnh nhân xuống Sài Gòn, anh đã mặc suốt cả ngày hôm nay chạy ngược chạy xuôi lo công việc cho họ. Nhìn anh, người ta sẽ nghĩ anh là ông nông dân nhà quê, chứ ít ai có thể nghĩ rằng anh là một linh mục, là một bác sĩ.
Nhìn anh, tôi biết suốt ngày hôm nay anh không có thời gian nghỉ ngơi, tắm rửa. Nhưng khi biết tin người anh em linh mục trẻ đi du học, anh cố gắng đến thăm hỏi, dặn dò. Tôi biết anh rất mỏi mệt, nhưng khuôn mặt anh vẫn rạng rỡ, dáng vẻ anh vẫn luôn nhanh nhẹn và chủ động mỗi khi anh tiếp xúc với mọi người.
Gặp tôi, anh cười tươi, bắt tay tôi thật chặt, theo cung cách của anh, thể hiện sự trìu mến và tình thương yêu nồng ấm. Anh nói với giọng nói rất hiền, đầy vẻ quan tâm, đúng như một bác sĩ tận tình, chứ không phải xã giao hời hợt:
- Em khoẻ không? Mọi việc tốt đẹp hết chứ?
- Dạ, cảm ơn anh, em khoẻ và mọi việc tốt đẹp! Mà anh về Sài Gòn khi nào thế? Đêm nay anh ghé cộng đoàn nghỉ ngơi!
Anh cười hiền từ đáp:
- Anh đến sáng nay, anh bận quá, không ghé được. Trưa anh tranh thủ ghé các Soeur để dâng lễ rồi, lát anh lên Kon Tum luôn.
Tôi nói như nài nỉ:
- Anh ghé cộng đoàn nghỉ đã. Em thấy anh cần nghỉ ngơi nhiều đó, chứ dạo này trông anh xuống cấp quá.
Anh cười xuề xoà như muốn thanh minh:
- Thôi được rồi, anh không sao.
Rồi anh quay sang chào hỏi người anh em chuẩn bị đi du học, anh hỏi thăm, dặn dò đầy ân cần lo lắng. Anh hỏi thăm người nhà và những người quen biết của người anh em. Anh luôn tỏ ra niềm nở với một cung cách thân ái đầy quan tâm.
2.
Cách đây hơn 40 năm, tin tức về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne Sanh, vị Tông đồ người phong, đã gây tiếng vang lớn trong lòng chàng thanh niên ngoại đạo mười tám tuổi. Anh cảm phục lý tưởng cao đẹp của một vị Giám mục người Pháp, dám từ bỏ tất cả đến phục vụ các bệnh nhân phong, dám hy sinh cho đến chết vì bệnh phong giữa những người phong. Điều này thôi thúc anh đăng ký vào học tại Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa Sài Gòn (nay là Trường Đại Học Y Khoa), cũng như giúp anh vượt qua vô vàn khó khăn của gia đình, đặc biệt trong thời gian sau năm 1975, để theo đuổi cho đến cùng ước mơ, lý tưởng của anh làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân.
Năm 1980, anh cầm tấm bằng bác sĩ trong tay, anh vừa làm vừa tiếp tục học nâng cao kỹ năng chuyên môn, vừa chăm lo cho gia đình và em út với đồng lương bác sĩ rất khiêm tốn của mình. Đến năm 1992, khi thấy gia đình đã ổn định, các em đã học hành xong và đã đi làm, anh xin đến phục vụ trại phong Di Linh nhưng không được, nên anh đã đến phục vụ tại trại phong Bến Sắn do các Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn coi sóc. Cảm phục những nữ tu ngày đêm tận tình phục vụ bệnh nhân vô vị lợi, anh tìm hiểu đạo, học giáo lý và xin được rửa tội vào năm 1993.
Rồi anh nhận ra tiếng Chúa mời gọi anh dấn thân trong đời sống tu trì, và anh can đảm đáp lời. Năm 1994, anh được Bề Trên Tổng quyền của một Tu hội thuộc quyền Giáo hoàng chuyên lo phục vụ người nghèo đặc cách cho anh gia nhập Tu hội. Năm 2003, anh lãnh nhận chức linh mục. Với chuyên môn bác sĩ của mình, trong mọi hoàn cảnh, anh luôn luôn nhiệt tình giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, nhất là bệnh nhân phong và bệnh nhân AIDS. Mặc dù anh đảm đương tốt những công việc mà Tu hội trao phó cho anh: coi sóc các thầy triết học ở Đà Lạt, rồi thần học ở Sài Gòn, nhưng con tim của anh vẫn luôn mãi thao thức một điều gì đó khác hơn. Anh thao thức được sống bên cạnh người nghèo.
Năm 2009, anh được chuyển lên phục vụ tại miền truyền giáo Kon Tum. Lúc này anh mới thực hiện tất cả những gì anh hằng ấp ủ bấy lâu nay. Anh lao mình vào cuộc sống của bà con dân tộc nơi đây. Sau khi đọc kinh, dâng lễ vào buổi sáng, anh đi vào các bản làng xa xôi hẻo lánh nhất, không ngại mưa bùn nắng bụi. Anh đi đến từng gia đình nghèo, từng người già, từng bệnh nhân với hành trang là dụng cụ y tế và thuốc men trên vai người bác sĩ, là dầu bệnh nhân, Mình Thánh Chúa và con tim yêu thương của vị mục tử. Anh vừa chữa trị về mặt thân xác, anh vừa chữa trị về mặt linh hồn: anh khám và chữa bệnh, anh còn giải tội, ban bí tích xức dầu bệnh nhân, trao Mình Thánh Chúa. Ngày Chúa Nhật, anh vào các buôn làng để dâng Thánh Lễ, dạy giáo lý. Rồi đêm về, anh chìm đắm trong kinh nguyện sốt sắng, anh quỳ hàng giờ bên Thánh Thể như để được tiếp thêm sức mạnh từ chính Bí Tích Tình Yêu.
Là người bác sĩ, anh quan tâm đặc biệt đối với các bệnh nhân. Những trường hợp bệnh nặng, khẩn cấp anh tạo điều kiện để họ đi bệnh viện. Đối với những bệnh ít nguy cấp hơn, anh tập trung lại chờ dịp đưa xuống Sài Gòn. Thông thường, anh là người trực tiếp đi với bệnh nhân, như người mẹ hiền lo lắng cho con. Anh lo các thủ tục khám, nhập viện, hoặc tìm chỗ ở tạm cho những bệnh nhân nghèo để chờ ngày tái khám. Ngoài ra, anh còn tận tình tìm vốn cho người dân làm ăn, vượt ra cảnh nghèo khổ. Anh tìm học bổng cho các em học sinh, sinh viên có phương tiện học hành.
Dĩ nhiên, để làm được những công việc như vậy, anh được nhiều ân nhân giúp đỡ, thậm chí có những người anh không hề quen biết. Anh hay tự ví mình như chiếc máng nước, là dòng suối, nhiệm vụ của anh là cho dòng nước trôi chảy liên tục đến những nơi đang cần. Như vậy, dòng nước sẽ luôn trong lành. Anh nói rằng, nếu mình giữ lại cho mình, thì cũng như dòng nước bị chặn lại sẽ trở nên nước tù, bẩn đục. Anh chẳng bao giờ giữ lại cho mình bất cứ điều gì.
Có lần anh về Sài Gòn, anh hỏi mượn máy tính của tôi để làm việc, tôi hỏi anh có máy tính nào không? Anh trả lời anh xài máy chung của cộng đoàn, anh không có máy tính riêng. Tôi hỏi anh sao không kiếm một cái mà xài, anh nói hàng năm người ta gởi cho anh mấy chục máy tính, nhưng anh cho hết, các em sinh viên cần máy để học hành, còn anh thì có giờ đâu mà xài máy tính. Anh xài máy chung của cộng đoàn là được rồi.
Tuy nhiên, xét dưới một góc độ nào đó, công việc anh làm không phải hoàn toàn thành công, không phải ai cũng đánh giá cao, hay tán thành. Có những người, những gia đình nhận tiền của anh mà không cố gắng làm việc, chỉ lo tiêu xài rồi lại đến xin tiếp. Có những học sinh, sinh viên được anh giúp đỡ nhưng vẫn lười học. Có những người tìm đến anh chỉ để lợi dụng lòng tốt của anh. Do đó, có người trách anh nhẹ dạ, có người chê anh làm việc vô ích. Tôi hỏi anh nghĩ gì về điều đó, anh nói là anh không quan tâm, mà đúng hơn là anh không có thời gian để quan tâm việc đó.
3.
Khi người anh em của chúng tôi lên máy bay, tôi và anh tản bộ ra bãi giữ xe. Thấy anh ngoắc xe ôm, tôi liền nói:
- Anh đi taxi ra bến xe đi, thấy anh không khoẻ, đêm khuya trời lạnh thế này, đi xe máy không tốt đâu.
Anh nói với khuôn mặt tươi cười:
- Không sao, anh quen rồi. Ở Kon Tum anh thường chạy xe máy một mình về trễ, mà trên đó lạnh hơn ở đây nhiều. Tiền taxi đó cũng đủ cho một gia đình được mấy bữa ăn.
- Vậy thì anh chờ đây, em vô lấy xe rồi chở anh ra bến xe.
Anh xua tay:
- Thôi, em về cộng đoàn đi, khuya rồi, để anh tự đi cũng được, anh đi hoài mà.
Tôi cương quyết:
- Anh chờ đi, em lấy xe chở anh ra bến xe, em có chuyện muốn nói với anh.
Tôi nói vậy để anh chịu cho tôi chở, chứ thật ra không có gì quan trọng.
Anh ngồi sau, tôi cảm nhận được trọng lượng cơ thể của anh nơi tay lái: nhẹ tênh! Anh ốm quá! Tôi cứ sợ gió thổi anh bay mất. Chở anh đi qua những con đường ngập tràn ánh sáng từ các cửa hiệu, siêu thị, khu vui chơi. Ánh sáng càng lung linh rực rỡ hơn, khi không khí Noel đang gần kề. Người người vẫn nhộn nhịp trên đường phố, dù đã khuya. Tôi hỏi anh:
- Anh thấy Sài Gòn đẹp không? Về Sài Gòn, anh thấy vui không?
Tôi hỏi điều này, vì kinh nghiệm của tôi mỗi lần về quê, tôi cảm thấy vui. Lòng tôi cảm thấy lâng lâng khó tả với những kỉ niệm của tuổi thơ ùa về, khi đi qua những nơi chốn mà mình từng gắn bó. Anh sinh ra và lớn lên ở đất Sài Gòn này. Anh học ở Sài Gòn, làm việc nhiều năm ở Sài Gòn trước khi đi tu. Tôi nghĩ, mỗi con phố, mỗi góc đường đều gợi nhớ cho anh nhiều kỉ niệm đẹp của một thời thơ ấu, thời sinh viên, thời trai trẻ. Nhưng anh trả lời:
- Có lẽ là Sài Gòn đẹp, nhưng bây giờ anh không còn thích và cũng không còn vui khi ở Sài Gòn.
Câu trả lời làm tôi chưng hửng, không biết nói gì, đành hỏi:
- Sao vậy anh?
- Anh thấy mình xa lạ, lạc lõng giữa Sài Gòn lắm. Anh không thuộc về Sài Gòn hay những nơi giàu có sang trọng như thế này. Chúng không phải là chỗ của anh. Chỗ của anh là bà con dân tộc nghèo ở Kon Tum em à! Ở với họ trên đó, anh thấy hạnh phúc.
Tôi hiểu ra, anh rất thường xuyên xuống Sài Gòn, nhưng hiếm khi anh ghé cộng đoàn, anh chỉ ghé cộng đoàn là để dâng thánh lễ, rồi vội đi. Mỗi khi anh xuống Sài Gòn có công việc hay đưa bệnh nhân nghèo đi khám bệnh, thì ngay khi vừa xong việc, hoặc khi đã thu xếp cho bệnh nhân xong, anh về ngay trong đêm. Anh nóng lòng để trở về với bà con dân tộc ở miền truyền giáo Kon Tum, như người mẹ không yên tâm với đám con thơ ở nhà mỗi khi đi xa. Anh luôn suy nghĩ, lo lắng với người nghèo, về người nghèo, cho người nghèo.
Tôi chợt nhớ tới lời dặn dò của Đức giáo hoàng Phanxicô, các mục tử phải có mùi chiên trên mình. Anh đang mang trên mình mùi chiên, mùi của người nghèo về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hay có thể dùng lời của Mẹ Têrêsa Calcuta để nói về anh: “Mặc dù anh là tu sĩ, là linh mục, là bác sĩ, nhưng theo con tim, anh hoàn toàn thuộc về những người bất hạnh, khổ đau.”