Mã số: 17-060
Cái rét tháng chạp thật là khó chịu, thấu xương thấu thịt vào tâm can con người. Ngồi bên bếp lửa, cái bệnh khớp của bà Hân lại tái phát. Bà đưa hai bàn tay gầy gò xoa lên hai đầu gối đau nhức rồi lẩm bẩm: “Giá như có con bé ở đây thì hay biết mấy. Bên kia giờ này chắc lạnh lắm. Tội nghiệp con bé. Nó không chịu được lạnh”.

Chồng bà mất khi con bé chưa được gọi tiếng “ba”. Vì thương con, bà Hân không đi bước nữa. Cô bé là niềm vui và là niềm an ủi mỗi khi bà buồn. Đúng như cái tên bà đặt cho cô bé: Đoan Trang – hiền lành, dễ thương, có khuôn mặt xinh xắn, thông minh và có giọng hát rất truyền cảm. Mỗi lần thấy con gái lên hát đáp ca hay nhận phần thưởng giáo lý lòng bà lại rộn lên niềm vui xen cả niềm tự hào. Một tương lai tươi sang đang mở ra trước mắt bà khép lại những tháng ngày u tối, buồn khổ.
Ngày Trang đi học Đại học, bà tất tưởi chuẩn bị cơm gạo, đồ dùng nhưng cũng không quên khuyên dạy con:
- Con cố gắng học cho ngoan và giỏi nhé. Để sau này đỡ khổ, chứ như mẹ khổ lắm. Đừng yêu đương sớm ảnh hưởng đến việc học nhé con!
Vâng lời mẹ, Trang luôn chăm chỉ học hành, đến cuối năm Đại học, cô mới dẫn chàng khôi ngô tuấn tú về giới thiệu mẹ mình. Khuôn mặt mừng rỡ, vui tươi trong giây phút chốc lát đã bị dập tắt, khi bà nghe cậu ta là người lương dân. Biết bao người đã phải bỏ đạo vì lấy người lương? Bà một mực khuyên con gái rồi đến ngăn cấm và đau lòng cương quyết bắt cô chọn lựa khi gia đình cậu ta ép cô bé bỏ đạo rồi mới tổ chức đám cưới.
- Một là mày bỏ hắn. Hai là mày bỏ đạo, bỏ mẹ, bỏ giáo xứ. Coi như tao không có đứa con này.
Ngày Trang đau khổ nói lời chia tay, bà âm thầm làm dấu tạ ơn Chúa. Lòng bả nhủ thầm: “Giàu có mà bỏ Chúa, bỏ đạo cũng chẳng được ích gì. Rồi con sẽ gặp được người tốt hơn”. Nhưng cũng từ ngày đó, bà lại lo lắng hơn khi thấy Trang ít nói hơn, siêng đi nhà thờ và cầu nguyện nhiều hơn. Bà sợ cô bị bệnh trầm cảm nên còn đi nhờ cha xứ lên giúp con bé.
Cầm tờ giấy báo đi làm, bà vui mừng hi vọng con bé sẽ có thể khuây khỏa nỗi buồn và tìm được niềm vui mới, nhưng cũng lúc đó bà nghe được một tin như sét đánh vào hai lỗ tai bà:
- Mẹ, con không đi làm đâu. Con muốn đi tu!
- Cái gì? Đi tu? Con… con nói cái gì vậy?
- Mẹ, con đã suy nghĩ và cầu nguyện, con nhận ra được ý Chúa. Chúa đã cho con rất nhiều nên giờ là lúc con dùng những thứ đó để phục vụ Chúa và mọi người.
- Đi tu khổ lắm, con sao chịu nổi? Mẹ chỉ có mỗi mình con…- Bà trầm giọng lại, buồn tủi.
- Không sao đâu mẹ, con quyết định rồi, con sẽ cố gắng. Mẹ cho con đi đi, rồi mẹ sẽ nhận lại được nhiều thứ. Cha xứ bảo: Cho đi là lúc nhận lại. Chúa không thua lòng quảng đại của mình đâu.
Thế là mọi ước mơ, niềm hi vọng của bà bị dập tắt hoàn toàn, con gái chuyển sang một con đường mới, nơi bà không thể tưởng tượng ra tương lai như thế nào.
Ngày Trang lên đường, bà cố giấu nước mắt và sự yếu đuối bằng những lời cứng rắn:
- Đã quyết định đi tu thì đi cho đàng hoàng, đừng có làm gì sai trái rồi mang tiếng. Mẹ sẽ cầu nguyện cho con.
Những ngày xa con là chuỗi ngày thương nhớ, chỉ cần đụng chạm đến một chút kỉ niệm là bà khóc: đi nhà thờ, đi ngủ, đi làm ruộng, đi ăn... Mỗi năm bà chỉ chờ những ngày tết và ngày hè để được gặp lại con. Rồi một năm chỉ được một lần và dần dần ba năm không nhìn thấy mặt con. Thời gian xa con là hi sinh, hãm mình, cầu nguyện để hy vọng được thấy con mình xuất hiện trong chiếc áo dòng xinh đẹp. Được hai năm, cú điện thoại bất ngờ điện về, tim bà đập thình thình như có chuyện gì bất ổn.
- Sao con được gọi điện thoại?- Bà lo lắng hỏi.
- Mẹ! Nhà dòng cho phép con gọi để hỏi ý kiến mẹ. Con… viết đơn xin đi truyền giáo.
- Truyền giáo ở đâu? Có sao không? Mà sao lại phải đi?
- Dạ, con đi ra nước ngoài. Ở bên đó họ đang cần chúng con.
- Nhưng ở Việt Nam cũng có nhiều chỗ để truyền giáo mà. Sang bên kia biết khi nào về?
- Con… con cũng không biết.
- Thế lỡ mẹ mày chết, mày cũng không thể nhìn mặt mẹ hả?
- Mẹ, không đến nổi vậy đâu. Chúa sẽ không thua lòng quảng đại của mình đâu mẹ!
- Mày quyết định rồi thì thôi. Mẹ có nói cũng như không…
Bà dập máy, hai hàng nước mắt lại tuôn rơi: Chúa ơi! Đó là lý tưởng của nó, con không thể ngăn cản.
Từ ngày Trang sang Pháp đến nay cũng được gần bảy năm. Bảy năm ròng là bà chưa gặp lại con, chưa nấu cho nó bữa ăn, chưa được tâm sự cùng con về những ngày tháng tu học… Bà sốt ruột đếm lùi từng ngày khi nghe tin tết năm nay nó sẽ về. Chắc bữa nay nó khác lắm. Hai mẹ con sẽ có nhiều chuyện để nói. Đang mừng thầm thì chiếc điện thoại lại “reng”, là Trang. Bà hét lên:
- Alo, con khi nào về? Mẹ đã chuẩn bị món dưa hành con thích nè.
- Mẹ! Con… con xin lỗi. Năm nay, con vẫn chưa về mẹ ạ.
- Gì cơ! Con nói là năm nay về mà?
- Mẹ! Gia đình một chị trong cộng đoàn có việc nên con phải ở lại thay cho công việc chị ấy.
- Sao lại là con? Nhà dòng chi lạ! Đã bảo cho con người ta về rồi mà…- Bà trách móc.
- Mẹ! Con xin lỗi, đi tu là vậy mẹ à… Con nhớ mẹ nhiều lắm.
Trang chưa kịp nói hết câu, bà đã cúp máy. Đó là thói quen của bà khi bà không biết nói gì, đúng hơn là bà muốn che giấu cảm xúc.
Đêm giao thừa, mình bà cô đơn với món dưa hành, mấy cái bánh chưng. Nổi buồn tủi kéo dài đến thánh lễ đầu năm mới khi bà nhìn thấy các gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau. Cái chân đau lúm khúm bước xuống bậc thang nhà thờ. Chưa hết bậc thứ hai, bà nghe có tiếng: Mẹ, Mẹ!... Bà vẫn tiếp tục bước và suy nghĩ: “Không phải giọng con mình”.
- Mẹ, mẹ!
Chưa kịp ngoảnh lại, bà thấy các Thầy, các Sơ đã bao quanh:
- Các Thầy, các Sơ ăn tết vui nhỉ? Con Trang năm nay nó không về…
Bà vừa nói vừa cúi mặt.
- Mẹ, Chị Trang đi tu cho chị em của chúng con. Vì thế mẹ cũng là mẹ của chúng con.
- Đúng rồi!- Tất cả đồng thanh đáp.
- Năm nay, chúng con sẽ ăn tết ở nhà Mẹ.- Sơ tiếp lời.
Bà nhìn lên giọng run rẩy:
- Cảm ơn… các… con.
Mẹ đã cho đi một đứa con giờ mẹ nhận lại được rất nhiều đứa con.
Mẹ đã hi sinh niềm vui nho nhỏ của hai mẹ con để giờ đây mẹ có được hạnh phúc vỡ òa. Đúng vậy, Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta. Cảm ơn con gái Đoan Trang của mẹ.
















































Được tạo bởi Blogger.