Một hành động, dù nhỏ đều có thể đem đến những kết quả không ngờ. Khi đăng ký học tiếng Nhật, tôi chỉ nghĩ đơn giản biết thêm một ngoại ngữ thì cơ hội nghề nghiệp sẽ mở rộng hơn. Tôi nào lường trước được quyết định ấy lại dẫn tôi tới một chân trời mới và khiến tôi thay đổi nhiều như thế.
Tôi ghi danh và đóng tiền giữ chỗ tại một trường Nhật ngữ gần nhà. Ngày nhập học, tôi vào phòng quản lý, hỏi chị hướng dẫn mình học ở lớp nào. “Phòng ba trăm lẻ hai, dãy C, lớp cô Hà”, chị nói, “phía tay phải cổng vào đó em”. Theo lời chị, tôi leo hết hai bậc cầu thang thì đến nơi. Trong lớp cô Hà và năm bạn khác đang nói chuyện gì đó. Tôi chào mọi người, ngồi xuống một bàn trống. Mở đầu cô Hà cho cả lớp giới thiệu bản thân bằng những câu tiếng Nhật đơn giản. Đôi khi ngồi nhớ lại ngày đầu tiên tôi vẫn hay thắc mắc tại sao Trân, người con gái sau này sẽ khắc sâu bóng hình trong tâm khảm tôi, lại không gây cho tôi ấn tượng gì nhiều ngoài một cô sinh viên có thân hình cao dong dỏng. Vốn nhát người lạ nên tôi ngại làm quen các bạn. Mãi gần một tháng sau tôi tình cờ được ngồi chung với Trân. Hôm đó tôi đến trễ, còn em ngồi một mình ở bàn thứ hai. Hầu như hai đứa chẳng mở miệng với nhau lời nào, cho đến khi Trân bâng quơ chỉ vào tập: “Chữ này trông giống nhóc Miko quá nè! Anh có biết nhóc Miko không?”. Tôi hỏi lại: “Có phải truyện tranh cô bé Miko nhí nhảnh học lớp năm không?” - “Đúng rồi đó anh, truyện dễ thương ha?” - “Ừ, công nhận đọc buồn cười thiệt”. Hóa ra Trân có cùng sở thích giống tôi. Cuối buổi cô Hà còn dạy chúng tôi hát bài “Silent Night” phiên bản tiếng Nhật để mừng Giáng Sinh đang cận kề. Cô mời một bạn lên hát trước lớp. Trân xung phong. Em hát rất đúng lời cùng chất giọng cao, thánh thót. Ngồi dưới, tôi đoán thầm Trân có thể theo đạo Chúa nên khi em xuống tôi liền gặng hỏi. Em bảo em người Tin lành. Nghe xong tôi chưng hửng. Là người Công giáo, từ tấm bé tôi đã nghe một số người lớn nói người Tin lành không tôn kính và cầu nguyện cùng Đức Mẹ Maria. Với tôi mà nói, Mẹ Maria có một vị trí vô cùng đặc biệt. Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ thông ơn Thiên Chuá, Mẹ có đức hạnh tuyệt vời và đồng trinh suốt cuộc đời. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, chính Mẹ Maria đã dùng sức lực, phẩm chất và những lời cầu nguyện để nâng đỡ Giáo hội sơ khai. Mẹ còn hiện ra ở rất nhiều nơi nhằm soi sáng và giúp đỡ chúng ta. Tất cả chứng tỏ Mẹ Maria là một bậc Thánh cao cả. Bản thân tôi tôn sùng và cầu nguyện với Mẹ đều đặn. Nhìn nhận như vậy nên tôi không có thiện cảm với người Tin lành, mà Trân lại là người Tin lành đầu tiên tôi gặp trong đời. Ác cảm? Chắc không đâu, nhưng tôi có chút e dè ban đầu với em. Thấy tôi hỏi xong có biểu hiện khang khác, Trân băn khoăn: “Sao mặt anh bí xị vậy?”. Tôi tếu táo rằng hình như tôi đã bị thôi miên sau khi nghe tiếng hát của nàng tiên cá. Trân cười.
Chơi với Trân mới biết em đáng yêu. Nhưng song song nét tinh nghịch em luôn chưng ra thì trong Trân còn tồn tại một con người khác rất sâu sắc và hóm hỉnh. Em học giỏi nhất lớp. Tôi hỏi em bí quyết thì em nửa đùa nửa thật: “Anh cứ xem Anime nhiều vô”. Em còn khoe em thi đại học đạt chín điểm môn văn, và tôi tất nhiên, cảm thấy thú vị.
- Thiệt không đó? Hay là nổ như pháo hoa?- Tôi tỏ vẻ nghi ngờ.
- Thiệt mà anh.
- Giỏi dữ hen!
- Anh quá khen!- Em vừa nói vừa cười tự đắc- A, hình như không phải vậy…- Rồi đột nhiên như sực nhớ ra điều gì, em làm mặt rầu rĩ, vỗ vai tôi và chớp chớp mắt- Sorry anh nghen, em nhớ nhầm, chưa được chín đâu, có…tám bảy lăm à!
Biết mình bị chơi xỏ nhưng tôi vẫn cố giữ bình tĩnh: “Thật thà quá ha!”.
- Chứ sao! Đã nói là phải nói cho chính xác.- Chữ “xác” cuối câu em mở rộng miệng và ngân dài.
- Em làm gì giỏi văn vậy?- Tôi hỏi.
- Đọc sách đó anh! Anh cứ đọc nhiều dzô, bảo đảm anh sẽ giỏi văn y như em.
- Anh có đọc sách bao giờ đâu, em biết cuốn nào hay giới thiệu cho anh đi?
- Nhiều lắm, để em nhớ lại coi.- Trân dừng đôi ba giây rồi tiếp tục- À, anh đọc cuốn “Mùi Hương” chưa?
- Chưa!- Tôi trả lời tức thì- Tựa sách gì lạ hoắc!
- Vậy để bữa sau em đem cho anh mượn nha?
- Cám ơn em.
Tôi đọc cuốn Mùi Hương cực kỳ khó nhọc. Cố gắng lắm tôi mới qua được phân nửa rồi đành buông xuôi. Không hiểu sao em đưa cuốn này cho người mới bắt đầu đọc như tôi? Chỉ đến khi sinh nhật em, tôi mới nhận ra đó không chỉ là một cuốn sách em cho mượn đơn thuần mà còn như một lời ẩn ý em dành cho tôi. Thế là ngày em tròn hai mươi mốt tuổi, tôi tặng em một lọ nước hoa nho nhỏ. Nhận được quà, em cám ơn tôi ríu rít. Và mỗi chúng tôi đều thích thú tự ngầm hiểu rằng “Mùi Hương” đã không còn nằm trên những trang sách.
Dù trêu đùa nhau suốt nhưng tôi chưa bao giờ thấy Trân cư xử thiếu lễ độ để tôi phải mất lòng. Kể cả lúc nhắn tin hay tức giận, em vẫn giữ lời nói mực thước. Tôi còn nhớ lần em chạy xe về, đường thì đông, nhưng thoáng thấy người quen lớn tuổi chạy cùng mình, em liền gật đầu: “Con chào chú Hoan!”.
Lớp chúng tôi trở nên thân thiết theo thời gian, đến độ cứ sau mỗi buổi học tất cả lại kéo nhau đi ăn uống. Lúc đầu đám chúng tôi chọn các món Nhật, nhiều nhất là Takoyaki. Dăm bữa chán chuyển qua bột chiên, chè sữa bánh flan, xiên que hay món khoái khẩu của Trân, phá lấu. Mọi người hợp gu nhau lắm, ăn nói rôm rả, chả khác nào những bữa tiệc nhộn nhịp. Duy những lúc bàn tới đề tài tâm linh thì có mâu thuẫn xảy ra, tiếc thay những nhân vật chính lại là tôi và Trân.
- Anh thấy mấy ông Mục sư cứ sao sao…-Tôi lên tiếng- Đã đành là người giảng Lời Chúa, chăn dắt bầy chiên mà lại lấy vợ. Làm như vậy lấy ai mà tôn trọng?
- Đâu có luật nào không cho các Mục sư lấy vợ đâu? Kinh Thánh không hề cấm.- Trân cau mày- Các Tông đồ của Chúa Giêsu có người vẫn lấy vợ sinh con bình thường. Mà sao anh không nghĩ làm như vậy nghĩa là các Mục sư khiêm tốn xem bản thân họ bình đẳng với mọi người.
- Với anh đã theo Chúa thì phải hy sinh cá nhân mà phục vụ.
- Các Linh mục thì em không nắm rõ nhưng em biết có những Mục sư ngày ngày vẫn thầm lặng hy sinh cho Chúa, họ sống rất tốt đẹp, luôn giúp đỡ người khác.
- Anh vẫn thấy họ không xứng đáng.
- Anh nhìn chủ quan quá! Chỉ vì một điều còn đang tranh cãi mà anh gạt bỏ tất cả mọi điều còn lại.
- Em nói sao?...
Hai đứa tranh luận nảy lửa, không ai chịu thua ai. Những người xung quanh nín thinh, nhìn chúng tôi ngao ngán biến không khí thành ra ngột ngạt, căng thẳng. Vì tôi lớn nên các bạn bắt tôi xuống nước. Nhận thấy có tiếp tục cũng không đi đến đâu nên tôi thường chọn cách dĩ hòa vi quý cho xong chuyện, dù thực lòng chẳng muốn vậy.
Song, nếu gạt vấn đề trên qua một bên thì tôi và Trân khá tương đồng nhau, nhất là ngoại hình. Cả hai đứa đều gầy rộc và cao một mét bảy. Riêng Trân là con gái, thành thử em trông không khác gì một người mẫu. Nhưng hẳn nhiên, đánh giá vẻ đẹp của em như thế quả là thiếu sót, và cũng là thiệt thòi lớn cho các độc giả của tôi nếu tôi không kể cho các bạn nghe về khoảng khắc tôi bị em hớp hồn, diễn ra vào một đêm mưa rả rích sau khi chúng tôi đã tan học và cùng đứng đợi mưa dưới mái hiên trường.
Trân đứng bên trái tôi. Thường ngày em chuộng lối thời trang năng động nhưng riêng đêm đó lại rất truyền thống. Em mặc quần tây, khoác áo sơ mi trắng trông đã sờn, chân xỏ một đôi hài màu đỏ trầu và đeo ba lô sau lưng. Gương mặt em hao hao hình chữ v nhưng tròn trịa chứ không góc cạnh. Tóc em dài và xẽ giữa, để xõa như hai thác nước tuôn trào xuống đôi bờ vai mảnh. Hai gò má trắng hồng, cân đối. Cặp mắt chứa chan tình cảm, được tô đậm thêm bởi hai bọng mắt hiện rõ mồn một hễ khi em cười.
Tôi than thở cùng em về những cơn mưa ở đất này đã làm tôi khổ như thế nào. Chúng bất chợt, đỏng đảnh như cô gái vào xuân. Không ít lần tôi phải đội mưa về nhà. Nước ngập đường. Người ướt nhem. Xe chết máy, dắt bộ bì bõm. Hôm sau lỗ mũi sụt sùi. Cảm. Nghỉ làm. Mất tiền oan. Em nghe và cảm thông với nỗi niềm của tôi nhưng cho rằng mưa này chẳng thấm vào đâu so với những cơn mưa ở quê ngoại em. “Ở Huế lắm khi mưa cả tuần chưa dứt, anh nhìn bên ngoài có thể không thấy giọt mưa nào nhưng cứ bước ra đường là lát sau anh thành chuột lột”. Khi đã mở được lòng, em tâm sự rằng em không khéo tay và làm nội trợ tương đối dở. Lại mắc cái tật hay mất đồ. Trong năm đầu đại học em đã làm mất áo khoác, ví tiền, hộp bút và cả thẻ sinh viên. Hai chúng tôi cứ thế huyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác. Tôi thích nhất đoạn em hứa tết này nếu có về Huế em sẽ mang cho tôi một ít kẹo mè xửng làm quà.
Sau một hồi dốc gần như cạn lời, tôi và Trân im lặng, nhường chỗ cho mấy con dế dũi kêu ồm ộp và tiếng mưa đập xuống mái tôn lộp độp. Ánh đèn từ dãy phòng còn học hắt ra leo lét càng làm không gian thêm mờ ảo. Rồi thì cảnh tượng ấy cũng xuất hiện. Phải đến một phút, em đứng thẳng, người im thin thít, hệt như một pho tượng. Tay phải em đặt ngang trước ngực nắm lấy cùi chỏ tay trái đang duỗi xuôi theo người. Môi hơi bặm lại. Gió vờn vài lọn tóc sau lưng bay nhè nhẹ. Em đăm đăm tầm mắt, không những chạm mà chắc hẳn còn đâm xuyên qua đám cây no nước, ra tới tận đường lộ. Khóe mi hoàn toàn bất động và đồng tử mắt trầm mặc, hầu như muốn trút cạn cuộc đời vào một khoảnh khắc duy nhất. Ánh nhìn ấy ám ảnh tôi đêm ngày: đẹp tựa đang mơ, như làn sương mờ, gợi sầu thương nhớ, tuy cứng rắn hơn tơ mà mong manh dễ vỡ, trăn trở quyện luyện ngây thơ, xác xơ đong đầy rạng rỡ… Giá mà lúc đó tôi có một chiếc máy ảnh thì hay biết bao!
* * *
Chúng tôi đón thêm một Giáng Sinh nữa thì khóa học kết thúc. Trước khi nghỉ, cô Hà ráo riết cho chúng tôi ôn tập để thi lấy chứng chỉ. Buổi học cuối cô chúc cả lớp làm bài tốt, còn chúng tôi đứa nào đứa nấy cũng bịn rịn trong lòng. Thi xong ba tháng là có kết quả. Trân đậu, ngược lại tôi trượt. Cũng hợp lý thôi: Trân có năng lực thật sự còn tôi ôn bài không đến nơi đến chốn. Sau bận ấy, cả lớp tản mác mỗi người một nơi và không còn gặp nhau. Mọi người, chắc cũng bận.
Tôi vẫn giữ liên lạc với Trân qua mạng xã hội, nhờ đó tôi có thể biết được em đang làm gì, sống ra sao. Chúng tôi cũng trò chuyện trên mạng, tất nhiên không bằng ngoài đời nhưng có cái thú riêng. Trong một lần như thế, Trân bất ngờ mời tôi “đi nhóm” ở nhà nhờ Tin lành chung với em một buổi. Thoạt đầu tôi có hơi lưỡng lự nhưng phần muốn đi cho biết, phần vì muốn gặp em nên tôi đồng ý và hỏi Trân thời gian, địa điểm. “Nhà thờ Tin lành A. Bình Dương, bảy giờ bốn mươi lăm sáng chủ nhật nhé anh”, em nhắn. Trước giờ tôi cứ nghĩ Trân đi nhóm ở nhà thờ chỗ chúng tôi chứ không phải xa như vậy nên tôi bán tín bán nghi: “Sao không đi ở đây cho gần, xuống tít Bình Dương chi vậy em?”. Em trả lời mơ hồ: “Anh cứ đến nha, em sẽ giải thích sau”. Dù nghi hoặc nhưng tôi biết Trân không lường gạt ai bao giờ, vả lại đi xa chút chẳng tổn hại gì nên tôi cũng yên tâm sửa soạn cho lần đầu tiên đặt chân vào nhà thờ Tin lành.
Tôi đến đúng giờ như đã hẹn. Sau khi gửi xe trong khuôn viên, tôi gọi điện cho Trân. Em từ trong thánh đường ra đón tôi, trên người khoác một tà áo dài màu hồng đậm, trông đằm thắm hơn mọi khi. Tôi ngẩn ngơ nhìn em. Như bắt được suy nghĩ của tôi, em chỉ vào bộ phục trang: “Ba mẹ em bắt em mặc đó, anh thấy sao?”. Tôi dịu dàng: “Em mặc áo dài nhìn đẹp lắm!”. Trân đỏ mặt, kéo tôi vô trong. Vừa đi tôi vừa quan sát mấy cái cây trồng hai bên lối dẫn: chúng thưa lá và đủng đỉnh trước gió. Nhà thờ bên ngoài được sơn trắng, mặt tiền đính một cây thánh giá trơn - không có Chúa Giêsu khổ nạn - trên nóc kèm hình quyển kinh thánh lật mở phía dưới; bên trong có hai hàng ghế, loa và rèm cửa cố định trên tường cao, phía bục thuyết giảng có một giỏ hoa, hai ba cây micro, một đàn piano, thánh giá phát quang treo ở trung tâm ngay dưới hàng chữ “Tôn Vinh Đức Chúa Trời”, và đặc biệt, chẳng có một bức tượng hay tranh ảnh nào cả.
Tôi và Trân ngồi hàng ghế tay phải. Buổi nhóm nhanh chóng bắt đầu bằng lời của một vị Mục sư chào mừng và cầu nguyện dâng chương trình lên cho Chúa. Cả nhà thờ đều chăm chú lắng nghe. Suốt buổi nhóm tôi yên lặng theo dõi, còn các nghi thức tôi không tham dự. Tôi rất ấn tượng về phần giảng Lời Chúa do chính vị Mục sư ban nãy thực hiện với chủ đề “Trung tín”. Ông nói đầy xúc cảm, đưa ra nhiều dẫn chứng thuyết phục. Tay ông vung lên khi muốn nhấn mạnh hay quả quyết một điều gì. Lâu lâu đến đoạn quan trọng ông ngắt câu, ngưng nói, mắt hướng thẳng một điểm cố định để cử tọa có thời gian tập trung và nắm bắt vấn đề sâu hơn. Gần cuối vị Mục sư còn làm một lễ nghi giống như Bí tích Rửa tội bên Công giáo cho một người mới tin nhận Chúa. Buổi nhóm khép lại trong trang nghiêm và hân hoan của tất cả các tín hữu.
Mọi người lần lượt ra về. Cũng có người ở lại thăm hỏi nhau hoặc sinh hoạt nhóm. Tôi và Trân nán lại nguyên chỗ. Em hỏi tôi thấy Mục sư thuyết giảng như thế nào? Tôi khen là rất chuyên nghiệp và có sức thu hút mãnh liệt. Đợi cho tôi nói xong hết, em mới thản nhiên làm tôi sốc: “Ba em đó!”. Tôi “hả” một tiếng, quay sang nhìn Trân chằm chằm. Tỏ ra không quan tâm hành động của tôi, em nói tiếp: “Ba em hiền lắm, ổng là Mục sư quản nhiệm nhà thờ chỗ mình, thời gian này trên đây thiếu người nên ổng lên giúp”. Tôi ngạc nhiên sao em gọi ba mình bằng ổng, em giải thích là em quen rồi, nói với bạn bè cho vui chứ không có ý gì. “Có hôm khuya lắc ổng còn chạy xe từ nhà lên đây. Đối với ba em niềm vui lớn nhất là có thêm người tin nhận Chúa”. Từ sốc tôi chuyển sang bần thần, trong khi Trân vẫn rót vào tai tôi những lời hồn nhiên, mà càng rót tôi càng thấy mình giống một tội nhân.
Tâm tình thêm ít phút thì tôi ngỏ ý rủ Trân đi ăn. Em đồng ý nhưng phải xin phép ba mẹ em trước. Cuối cùng Trân cũng đi được với điều kiện tôi phải chở em về nhà thay quần áo trước đã.
Do phá lấu không bán ban ngày nên tôi đưa Trân đến một quán chuyên về các món vịt. Chúng tôi chọn một bàn ngoài trời dưới tán một cái cây lớn và gọi món. Nhân viên quán phục vụ rất chu đáo nên chẳng mấy chốc hai đứa đã khai cuộc. Trân khen thịt vịt luộc mềm tơi và nước mắm gừng đậm đà. Em kể gia đình em cuối tuần nào cũng đi ăn ngoài. Rồi hai đứa nhắc nhau nhớ về những người bạn trong lớp và các kỷ niệm. Cuộc vui chỉ tạm thời gián đoạn và nghiêm túc hơn khi tôi thốt lên điều tôi đau đáu hàng năm trời qua:
- Em có tin vào quyền năng của Mẹ Maria không?
Trân khựng lại hồi lâu, như lựa từ ngữ để thành lời. Em đáp:
- Em hiểu anh đang muốn đề cập đến vấn đề gì. Em rất tôn kính Mẹ Maria. Nhưng anh cũng biết có những thứ em không được lựa chọn. Nếu em sống trong môi trường giống anh, tiếp thu một giáo lý giống anh thì em cũng yêu quý Mẹ Maria như anh. Đức tin nơi Mẹ Maria là một điểm tựa tinh thần vững chắc cho anh trước sóng gió cuộc đời. Hơn nữa, anh còn được Mẹ che chở và ban nhiều Hồng ân. Có thước thì kẻ đường thẳng dễ hơn, nhưng đừng vì thế mà anh ỷ lại. Có những người không biết Mẹ nhưng họ sống đúng theo lời Mẹ thì chắc chắn Mẹ cũng yêu thương họ. Đâu phải ai nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa” là được vào thiên đàng hết đâu, người Samari xứng đáng có sự sống đời đời hơn thầy tư tế thấy người bị nạn mà không cứu, phút chót sẽ có người từ cuối hàng lên đầu hàng và người đứng đầu phải xuống cuối. Chúng ta còn may mắn vì dù anh và em đang đi trên hai con đường khác nhau, nhưng đích đến thì chỉ có một; và đường nào thì cũng dạy chúng ta sống yêu thương tử tế cả thôi.
Trân dứt câu thì tôi đâm sững sờ vì không nghĩ là em có thể nói được như vậy. Tôi xuýt xoa:
- Woa! Em biết nhiều Kinh Thánh nhỉ?
- Cũng bình thường thôi anh. Nhờ ba em dạy đó. Tối nếu em không làm gì thì ba em hay bắt em “đấu” Kinh Thánh với ổng?
- Ai thắng?- Tôi hỏi nhanh.
- Lúc đầu em nói được mấy câu, lúc sau toàn ngồi nghe không à.
Chúng tôi cùng cười vì sự lém lỉnh của Trân. Đột ngột tôi nhìn thẳng vào mắt em, và với giọng ngượng ngùng, tôi hỏi tiếp:
- Trân này, về những con đường ấy… Anh phải làm gì để có thể đi chung đường với em?
- Tất cả mọi người đều tự do dưới bàn tay Thiên Chúa.- Trân điềm nhiên- Nhưng nếu anh và em muốn đi cùng nhau, chúng ta phải hạ thấp cái tôi của mình xuống và mở lòng lắng nghe người kia. Anh cũng như em phải đặt mình vào vị trí của người còn lại. Chỉ bằng thấu hiểu chúng ta mới giúp nhau nhanh tới đích hơn. Tốt nhất nên bắt đầu từ một vài điểm chung của hai đứa như truyện tranh, bóng rổ… Và một khi đã đi chung đường không phải là người này phục tùng người kia, không phải cứ răm rắp làm theo, mà là tôn trọng và bổ trợ lẫn nhau. Anh vẫn là anh, em vẫn là em, nhưng hai ta là một.
Nói xong Trân đăm chiêu, tôi cũng xa xăm.
Giống như đêm mưa trước, bầu trời yên ắng lại bao phủ xung quanh chúng tôi. Chỉ thay đổi là lần này Trân ngồi đối diện tôi và hoạt bát hơn hẳn. Bỗng tôi nhận ra ở em có điều gì đó thật khác lạ mà tôi không biết diễn tả sao cho đúng? Dường như tóc em mềm mại hơn, môi em tươi tắn hơn, bàn tay em thon thả hơn và mắt em long lanh hơn. Nhưng có thật là em khác? Hay tôi khác? Hay chăng hoa hồng đã tỏa ngát hương trong lòng tôi rồi sao? Trong phút chốc tôi ngỡ như mình đang ở một góc nào đó của vườn địa đàng, nơi thời gian không còn tồn tại và không gian là vô định, nơi con người ta chỉ giao tiếp với nhau bằng tâm tưởng. Rồi tựa đóa hướng dương bừng sáng, em nhìn tôi cười thẹn thùng trong khi những giọt nắng vẫn mải miết soi qua các kẻ lá, lấm tấm đậu trên mặt bàn.
* * *
Tôi nhận được tin Trân đi du học Nhật Bản nửa năm sau buổi nhóm. Ngày em lên máy bay, tôi không ra tiễn. Từ đó chúng tôi cũng ít liên lạc. Tôi biết mình đã yêu em và tiếc nuối tại sao không bày tỏ cho em biết. Dẫu vậy, nói gì thì nói tôi vẫn phải để Trân sống cuộc đời của riêng em.
Giờ đây cùng chiếc tàu bay hiện đại, em đã mang trái tim tôi đến với đất nước mà em vẫn ao ước được đặt chân tới. Nhưng tình yêu tôi dành cho em có là gì đâu so với tình yêu em để lại cho tôi, tình yêu giúp tôi vượt lên trên hết mọi sự khác biệt để tìm ra tiếng nói chung giữa hai con người.