(Mã số VVYT 17-039)
Những tia nắng ban mai phớt nhẹ trên các thửa ruộng. Hằng ngày, con đường làng dẫn ra chợ im lìm, vắng tanh giờ thì lại náo nhiệt đến lạ thường. Người người hớn hở chen chân nhau đi mua sắm, đám trẻ con cũng tíu tít theo mẹ ra chợ.
Khác hẳn với sự nhộn nhịp ngoài đường. Bên trong một dãy cau kiểng là hàng rào của một ngôi nhà thờ nhỏ tuy nhiên bước vào khuôn viên sẽ gặp ngay tượng Thánh Giuse trước nhà thờ bao quanh một khu vườn khá rộng. Vị cha xứ tuổi chừng 53, 54 khoan thai vừa bước chậm vừa hít làn khí mát trong lành của buổi sớm tinh mơ, chốc chốc cha dừng lại bên mấy cánh hoa vừa nở, ngắm nghía... Chợt có tiếng một cậu bé đứng ngoài rào, tay vịnh thanh sắt, gọi:
- Chú ơi, chú cho con vào nhặt lá mai dưới đất ở xa kia nha chú ! giọng nó buồn như van xin.
Nghe gọi vị cha xứ quay qua nhìn thằng bé, đưa tay vuốt mái tóc thưa ra chiều suy nghĩ giây lát rồi gật đầu. Thằng bé mừng rỡ chạy vội tìm cổng vào nhưng nó khựng lại, hỏi:
- A chú ơi, con nhặt lá chú có trả tiền cho con không ạ ?
- Có chứ ! Giọng nhỏ nhẹ với nụ cười hiền vị cha xứ không ngần ngại trả lời.
Ở góc phải khu vườn, bên hiên nhà thờ, dưới táng cây mai thật to, bốn em trai đang trèo lên ghế đẩu tước lá. Thằng bé còn thập thò thì một trong bốn em vội la lên: “satan, satan tụi bây ơi !” tiếp theo đó là tiếng giễu cợt vang lên. Thằng bé vô tư không hiểu gì cũng cười theo. Nghe tiếng ồn, vị cha xứ đến bên thằng bé ra hiệu cho nó nhặt lá bỏ vào một cái thúng gần đó. Ngài nhìn dáng gầy gầy của nó trong chiếc áo thun rộng thùng thình dài tận gối, đi chân không, mặt khù khờ, da đen đúa, bỗng nghe chạnh lòng. Thế rồi một ngày, hai ngày nó cứ đến tìm gì đó xin làm và cha xứ vẫn trả công cho nó.
Hôm nay thằng bé vẫn vận chiếc áo thun rộng ấy, run run đứng bên cha. Ngài lấy chiếc áo ấm đưa bảo nó mặc thử và ngài mỉm cười hài lòng khi thấy thằng bé mặc áo thật vừa vặn. Chỉ còn một tuần nữa là Tết. Cha gọi nó vào đưa một gói quà với một bộ quần áo mới, một đôi dép mới và cả chiếc cặp mới vì chiếc cũ đã sờn lại đứt quai. Nó mừng ríu rít chụp lấy gói quà chạy tuốt. Nhưng chạy được một đổi, nó quay lại vẫn thấy cha còn đứng đó. Rụt rè, nó đến bên cha lắp bắp xin :
- Chú, chú cho con … đ..ược …ở v..ới … chú luôn …
Cha vò đầu nó và đồng ý bảo nó về nhà ăn tết, rồi trở lại với cha nhưng nó một mực đòi ở lại nhà thờ luôn cả những ngày tết.
*********
Thấm thoát 18 năm trôi qua với bao thay đổi. Con đường làng nay được trán nhựa, trên lề là hai hàng bằng lăng nối dài. Ngôi nhà thờ nhỏ giờ cũng khang trang hơn, đẹp hơn, giáo dân tụ về đông đảo hơn. Nhưng vị cha xứ thì trông già yếu hẳn và Lượm, tên thằng bé 8 tuổi ngày ấy giờ là anh thanh niên khỏe mạnh, phong độ vẫn tính hiền lành, mộc mạc. Anh không nghĩ đến chuyện lấy vợ bởi anh sợ vướng gia đình mà không chu toàn công việc cha xứ đã giao. Anh xem cha như là cha ruột của mình bởi anh đã mất người cha sinh ra anh khi mới lên 6. Những ngày tháng cơ cực lúc cha anh qua đời vì căn bịnh nan y đã in trong trí anh từ thuở ấy. Mẹ anh, một bà mẹ hiền chăm sóc gia đình rất chu đáo nhưng từ khi cha anh mất thì bà cũng thành có lúc lơ ngơ mà người ta cho là “mất trí”, quên cả đứa con còn nhỏ đang cần đến tình thương, đến sự săn sóc của bà. Hai anh trai đã có gia đình. Còn chị gái thì ở với mẹ. Nên ngoài việc học ở trường anh đến nhà thờ. Sớm tối luẩn quẩn bên cha xứ và anh được cha thương mến cho anh trở lại đạo, lại lo thêm cho anh học hành tử tế. Chính cha xứ dạy anh đàn để giờ anh trở thành người đệm đàn giỏi trong cả hai ca đoàn trong giáo xứ.
*************
Thời gian vùn vụt qua, cuốn theo những ký ức, những nỗi buồn vui vào trong dĩ vãng. Thế nhưng hình ảnh vị cha xứ, người cha đã che chở anh từng ngần thời gian vẫn không phai nhạt trong tâm trí anh.
Tuổi thơ của anh đã gắn liền với ngôi nhà thờ cùng vị cha xứ thân thương. Hễ tết đến anh vẫn ở luôn trong nhà thờ, anh quên mình còn có mẹ, anh chị ở nhà. Không phải anh không nghĩ đến gia đình nhưng bởi vì anh khao khát tình thương của một người cha. Cho nên, ký ức về Tết của anh luôn có hình bóng của cha xứ, những khi bên cạnh cha làm việc hay được dùng bữa ngày tết tuy đạm bạc nhưng lúc nào cũng cảm nghe ngon vô cùng. Có những khi bị bắt nạt, anh ngồi khóc một mình dưới gốc mai ngoài sân vườn, nhưng rồi là một chiếc bánh ít, một trái cam hay một gói kẹo cha dúi vào tay anh dỗ dành.
Hơn một năm trước đây, cha mới ở độ tuổi trên 72 mà đã lụm cụm bởi bao nỗi lo toan, bao công việc trong giáo xứ lúc thì đọc kinh cầu nguyện, xem sách vở lúc thì soạn giấy tờ, chuẩn bị bài giảng… Ngày nắng nóng cũng như ngày mưa bão, giá rét hay oi bức, cha vẫn dậy từ sớm tinh sương dâng Thánh lễ, có người đề nghị cha nghỉ hưu sớm, đừng vất vả như vậy nữa nhưng cha không đồng ý. Nhìn cảnh cha già, chân yếu, lưng còng mà đứng hằng giờ trên cung thánh, dạy giáo lý rồi đi thăm nom người bệnh. Đôi lúc cha còn phải “đối phó” với các đoàn…và bao lần cha đã giúp họ biết sống gần nhau hơn. Thật anh mới cảm nhận hết tấm lòng lớn lao đầy tình thương yêu của cha đối với hết mọi người.
Tết năm trước, giữa những tưng bừng náo nhiệt đông vui mà anh luôn nghe trong lòng ẩn một nỗi buồn khôn tả. Hình như có gì mách đến anh một điều không vui. Không có năm nào các hội đoàn, bà con giáo dân tụ họp lại chúc mừng cha đông đủ như vậy. Rồi người thân quen, phụ huynh, thiếu nhi cũng đến quây quần quanh cha còn anh lăng xăng ở bên để khi cha cần đến. Cha vui cười, mái tóc màu mây giờ lưa thưa trắng như cước.
Rồi sự gì đến cũng sẽ đến. Khi học sinh trường gần bên xếp tập vở nghỉ hè thì cha cũng được Chúa gọi về. Sáng sớm hôm ấy, tiếng gà gáy đây đó, đợi mãi không thấy cha xuống chuẩn bị dâng thánh lễ như thường ngày, Anh vội vã lên phòng tìm gọi cha, gọi hoài, gọi mãi không nghe trả lời. Cha đã ra đi một cách nhẹ nhàng như chìm sâu vào giấc ngủ. Anh khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc.
Giáo xứ này, nhà thờ này với anh đã gắn liền với hình ảnh của vị cha xứ nhỏ nhắn nhưng tình yêu thương thì không bờ bến. Những sáng sớm tinh sương hay những chiều quê tắt nắng cha dâng thánh lễ, hay những bửa cơm, những công việc, những bài giảng, những lời dạy qua tiếng đàn… nhất là cây mai được tước lá mỗi độ xuân về, trong lòng anh lại nhớ da diết đến người cha với đôi mắt và nụ cười hiền từ. Mỗi mùa xuân trong anh ngập tràn hình bóng của cha.
Và Xuân này, các hội đoàn cũng tụ họp đầy đủ để mừng tuổi cha xứ mới; chắc có thể vì thế mà niềm vui của anh không trọn vẹn. Anh nhớ cha, một nỗi nhớ mênh mông … !