Mã số: 17-044
Bệnh viện những ngày đầu tuần luôn nhộn nhịp bệnh nhân tới thăm khám. Đó luôn là khoảng thời gian vất vả của đội ngũ y bác sĩ trong bệnh viện nói chung, khoa khám bệnh nói riêng. Với một bác sĩ trẻ mới vào làm nghề như Trâm càng không phải ngoại lệ. Guồng quay cuộc sống trôi đi, kéo theo biết bao toan tính mà bất cứ ai ở thành phố này đều lo sợ. Nhưng đời là như vậy, thành quả lao động là vinh quang. Nhất là với công việc cứu người thì ngoài vinh quang còn là tâm đức.
Trâm theo học bác sĩ như định mệnh của cuộc đời. Sau những biến cố gia đình mà cô từng trải qua. Nếu chẳng phải do căn bệnh ung thư quái ác ngày ấy cướp mất người bà yêu dấu của mình thì có lẽ giờ này Trâm sẽ là cô giáo dạy Thanh nhạc cho những em nhỏ. Đó là giấc mơ Trâm ấp ủ từ những ngày cô còn bé xíu, lon ton theo chân bà tới nhà thờ xem Thánh lễ, mê mẫn với những bản Thánh Ca êm ái nhẹ nhàng. Để rồi khi lớn lên Trâm trở thành ca đoàn, hàng tuần tới nhà thờ để học hát và đọc những bài Phúc âm. Thấm nhuần trong từng câu chữ. Chính căn bệnh quái ác ấy cướp đi ngoại - người đã vâng theo ý Chúa mà bao dung để đón nhận sinh linh bé bỏng, tội nghiệp từ chính đứa con gái vì trẻ người non dạ mà thành ra mù quáng. Sự bao dung của ngoại như át lịm bao lời đàm tếu, rằng “nhà bà đạo nghĩa gì để con gái chửa hoang mà không hay biết”.
Những lúc như thế tuyệt nhiên ngoại chẳng ngó ngàng gì. Ngoại vững vàng bước qua, không phải để minh chứng cho hành động nào hết, có chăng đó là cách duy nhất ngoại làm để có thể là chỗ dựa cho đứa con gái tội nghiệp lúc bấy giờ.
Ngoại mất sau những trăn trối dang dở. Kiếp người như cát bụi, nằm trong bàn tay Chúa. Dù mỗi khi nhớ về Trâm luôn đau đáu, những nỗi đau về thể xác của ngoại luôn làm Trâm ám ảnh. Dù cô biết, với Thiên chúa, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Nhìn ngoại ra đi trong cái lắc đầu hối lỗi, Trâm cảm giác thế giới dường như thu nhỏ dần, tối tăm và tội lỗi. Cũng đúng thôi vì với cô bé mới mười lăm, mười sáu ngày ấy, đó thật sự là cú sốc lớn trong đời.
***
Bệnh nhân đến mỗi lúc mỗi đông. Người khệ nệ quần áo đồ đạc, sự chuẩn bị cho một kết quả được báo trước. Tiếng trẻ con la khóc om sòm, tiếng loa từng buồng bệnh phát ra chồng chéo nhức óc inh tai. Đã có khi Trâm không chịu nổi áp lực công việc. Nhưng nhìn những người bệnh đớn đau thể xác, Trâm không kìm lòng được. Có nhiều khi Trâm ngồi trong phòng bệnh ngước lên trần nhà tự hỏi :
- Phải chăng nghề chọn mình, hay chính Chúa chọn con để cứu người khỏi đau đớn.
Không ai trả lời, chỉ có tiếng quạt trần xóay thành vòng lẩn quẩn phát ra âm thanh rà rà. Nhưng Trâm luôn tin rằng Chúa chọn cô cho công việc ấy, cứu người khỏi đau đớn trần gian. Và cô lấy điều ấy là niềm tin để làm việc.
Rồi chẳng phải vì quá yêu nghề hay là do áp lực công việc cộng với trực đêm ở khoa quá nhiều khiến Trâm ít có thời gian đến nhà thờ cầu nguyện. Có chăng,cuối tuần cô vội vàng ghé tham dự Thánh lễ, rồi vụt mất giữa những hào nhoáng, xô bồ. Nhiều khi ngồi lại và suy nghĩ, Trâm từng đấm ngực mà thú tội với Chúa trong thâm tâm. Nhưng rồi liệu Chúa có nghe không, có thứ tha cho cô hay không, Trâm cũng không tài nào biết nổi.
Trước khi chính thức theo học ngành y, có khoảng thời gian Trâm vô cùng sợ hãi trước những vết thương và máu mủ. Ngày thực tập ở bệnh viện cũng vậy, tuy đã bớt sợ phần nào nhưng tay cô vẫn run khi cầm ống tiêm hút từng chút máu. Nhất là những hôm gặp phải ca cấp cứu, người bệnh thở gấp rồi vội vàng ra đi khiến lòng Trâm như quặn thắt. Cái bản tính thương người ấy, đã ăn sâu vào con người Trâm từ những ngày đầu cô được ngoại dạy kinh mười điều răn. Mỗi lần khoa cô có người bệnh tử vong, mất mấy ngày Trâm ở trong trạng thái bần thần. Day dứt khó tả.
***
Hôm đó đang trong giờ trực đêm. Chiếc xe cứu thương hú từng hồi không ngớt. Cánh cửa xe mở ra, nằm trên chiếc cáng là nam thanh niên chắc chỉ tầm tuổi Trâm hoặc lớn hơn chút đỉnh. Khuôn mặt bê bết những máu, nghe đâu đua xe rồi không làm chủ được tay lái nên tông vào thành cầu, nát bấy khuôn mặt. Các bác sĩ, điều dưỡng lập tức được huy động, chuyển bệnh nhân vào phòng hồi sức cấp cứu. Mỗi người mỗi việc, khẩn trương và cấp bách. Trâm là người chịu trách nhiệm chính trong ca này. Xét nghiệm, sát trùng, băng bó... Cả phòng cực nhọc gần hai tiếng, rồi thở phào vì bệnh nhân đã qua cơn hiểm nguy.
Đến chiều tối hôm sau thì Lâm (tên bệnh nhân cấp cứu đêm qua) tỉnh. Vẫn phụ thuộc vào máy móc, đau đớn khắp nơi. Trâm bước vào phòng, tới gần chỗ Lâm nằm. Trần Anh Viết Lâm, sinh năm 1990. Trâm xem xét các kết quả chiếu chụp, vô tình cô thấy trên tay Lâm là chiếc vòng đeo có in hình các Thánh. Giống chiếc vòng cô luôn đeo ở cổ tay, chiếc vòng kỉ vật ngoại tặng Trâm một lần hành hương về Huế.
Vài ngày sau thì Lâm tỉnh táo. Không còn phải thở ống và ăn qua xông. Có thể nói chuyện ấp úng vài câu, dù khuôn mặt vẫn trầy trụa, máu khô đã đóng vảy. Thấy Trâm, cậu ta mở miệng cười. Rồi cảm ơn rối rít.
- Cám ơn bác sĩ đã cứu tôi mấy ngày qua. Không thì chắc giờ này tôi ngủm củ tỏi lâu rồi.
- Anh đừng nói vậy, công việc cứu người là trách nhiệm của chúng tôi. Còn chết hay không là do Thiên Chúa của anh quyết định.
- Bác sĩ biết tôi có đạo hả? - Lâm tỏ vẻ ngạc nhiên khi Trâm vừa dứt lời.
- Chiếc vòng đeo tay của anh cho tôi biết điều ấy. Có đáng ngạc nhiên lắm không?
- Vầng, bác sĩ hay thật. Tôi có đạo những ít đến nhà thờ, chắc do đức tin của mình không có.
- Đức tin không ai là không có đâu. Như việc chúng tôi tin cậu qua khỏi thì chúng tôi cố gắng tới cùng. Mà quan trọng là đức tin ấy chưa đủ lớn, để có thể dẫn lối cho cậu. Cậu nên cảm tạ Thiên Chúa của cậu, vì chính Ngài đã hồi sinh cậu.
- Chị nói cứ như thể chị am hiểu về Đạo Thiên Chúa quá nhỉ. Cứ như mấy linh mục giảng đạo, nghe thấm phết.
- Tôi hả? Tôi cũng như cậu, đó giờ tôi chưa giảng đạo lý gì cho ai như cậu nói. Nhưng đó là bổn phận của những người Kitô hữu, nói về Thiên Chúa của họ với nhau.
- Vậy chắc chị cũng là người có đạo. Vậy mà nãy giờ chị bảo Thiên Chúa của tôi. Thiên Chúa là của mọi người mà.
- Thiên Chúa của mọi người, nhưng Ngài luôn dõi theo mỗi con chiên.
- Thảo nào hôm đó, tôi cảm giác như có người giữ em lại ở cái cầu ấy. Nếu không chắc người và xe xuống sông luôn rồi chị.
- Cậu nhận ra điều ấy chắc hẳn đức tin cậu vẫn còn. Hãy trở về với Chúa để Ngài nâng đỡ cậu. Thôi tôi có điện thoại phải đi. Cậu nằm đó nghỉ ngơi. Qua tuần cậu có thể xuất viện.
Nói rồi Trâm mở cửa bước ra. Chính cô cũng không thể ngờ mình nói ra những điều ấy, điều mà trước giờ cô chưa từng làm như vậy. Nhưng cô tin Lâm sẽ có những suy nghĩ khác qua những gì cô trò chuyện. Có thể cậu ta sẽ tìm về nơi cậu ta từng để đức tin của mình phải cấp cứu. Nơi ấy có Thiên Chúa luôn rộng tay chào đón và hoán cải những lầm lỗi cuộc đời.
Điện thoại Trâm đổ chuông liên hồi. Lại là những ca cấp cứu khác. Trâm vội vàng bước đi, bóng cô khuất dần sau phía hành lang. Đêm nay với Trâm lại là một đêm trực nữa thật dài.