(Mã số VVYT 17-059)

 

Yêu Người yêu hết cả thế gian

Người yêu hết cả mọi đàng tội nhân

Người yêu ta hết muôn phần

Người yêu trao cả tấm thân nhiệm màu..

Sao ta không hiểu tình sâu...?

Sao ta cứ mãi đi đâu kiếm tìm

Sao ta đóng cửa trái tim

Sao ta cứ để Ngài tìm ngàn năm...

 

... chẳng phải...

Khi yêu sẽ nhờ thật nhiều..!

Khi yêu mong ngóng sớm chiều bên nhau..???

Khi yêu hạnh phúc muôn màu

Khi yêu vạn nỗi khổ đau không màng...

 

Nên...

Ngài chờ đó khi tôi lầm lỗi

Ngài chờ đó khi tôi ngã sa

Ngài chờ đó bí tích giao hoà

Ngài chờ đó bao la ân tình... .

 

Quyết...

Hôm nay tôi quyết trở về

Hôm nay không vướng đam mê sự đời

Hôm nay tôi sẽ xa rời

Hôm nay tôi quyết làm người thủy chung...

Hôm nay tôi sẽ ung dung

Hôm nay bên Chúa muôn trùng muôn phương

Hôm nay sẽ hết vấn vương

Hôm nay no thỏa tình thương muôn đời.....





 
Ngoài trời nóng lắm sao?
Sao trong con khô quạnh?
Tình Người ấm biết bao?
Tim con đây vẫn lạnh?

Con hôm nay vẫn tối
Ánh nắng Chúa soi vào
Con cô đơn! Chúa ơi!
Chúa âm thầm bên con.

Khi con buồn lặng lẽ
Ngài rẽ nhẹ lên con
Ngài âu yếm nhìn con
Ngài tặng con cái vui.

Sa mạc giữa đời con
Nguồn nước Chúa dội vào
Ngọt ngào Ngài tặng con
Dâng trao Ngài lặng lẽ.
* Anna Vi Nguyễn Mai Hạ
Gx. Phú Hòa
Sn: 2001
Giải Triển vọng


























(Mã số VVYT 17-058)

Lạy Chúa con đây vừa mới lớn
Bước vào đời đôi mắt sáng tin yêu
Có ngờ đâu dòng đời như bão cuốn
Ít yêu thương mà đau khổ thật nhiều

Con nhìn thấy biết bao người đói khát
Đang đợi chờ cầu xin sự sẻ chia
Có biết bao con người đang cay đắng
Khóc cho thân phận mỗi khi đêm về

Cuộc đời có thật nhiều cơn gió lốc
Thổi tới tấp với cơn bão cuồng quay
Ngàn vạn người phải chịu đời tay trắng
Cuộc đời làm sao bị đến nỗi này

Khắp mọi nơi là những giọt nước mắt
Đang lăn trên đôi mắt của mẹ già
Tiếng trẻ thơ khóc khi em đói khát
Khi bị bỏ rơi trước cửa hiên nhà

Nhưng Chúa ơi ! Xin cho tim đừng đóng
Hãy mở ra và mở rộng Chúa ơi
Xin cho con thêm một giòng máu nóng
Để yêu người và chia sẻ cho đời  ...

(mã số 17-093)
Á…!
Tiếng kêu thất thanh vang lên và tắt cụt tức thì của đứa cháu trai 12 tuổi khiến vị cha già đang nghỉ hưu vì chứng bệnh ung thư máu phải bước ra khỏi phòng xem có chuyện gì. Máu chảy lênh láng trên nền sân từ ngón chân cái đã bị dập nát vì bị hòn đá nặng 250 kg rơi xuống. Không hiểu vì sao, bình thường thằng bé vốn rất cẩn thận, nhẹ nhàng, điềm tĩnh và được ông cha già là ông cậu của nó rất tin tưởng lại làm rớt hòn đá hình Chúa Giêsu mà ông cha già yêu quý nhất.
Mặt cậu bé tái xanh vì đau, nhưng hơn cả đau là sợ ông cha già la. Nó cũng hiểu rằng đây là khối đá tảng mà ông cha cậu của nó quý trọng nhất trong bộ sưu tập đá thiên nhiên. Nó sợ đến mức không dám khóc, răng thì mím chặt lại, mắt thì nhìn chằm chằm về phía cửa phòng để xem phản ứng của cha già ra sao. Nó cũng biết rằng ông cha cậu của nó là một linh mục rất nghiêm khắc, rất khó tính. Ngài là giáo sư dạy môn lịch sử Giáo Hội, ngài yêu mến truyền thống và ghét những gì hiện đại, lai căng, tạp nham. Mặc dù 12 tuổi nhưng thằng Cò rất hiểu cha, hằng năm vào mùa hè nó đều được ba mẹ gửi đến ở với cha. Nó từng chứng kiến những cơn giận tam bành của ông cậu nó. Nó sợ ông cậu, sợ sự nóng tính của ông, nhưng hắn lại rất thương ông, thương cái tốt bụng, thẳng thắn của ông. Từ khi ông nghỉ hưu về nhà quê ở, ngày nào đi học về nó cũng chạy sang nhà ông cậu để giúp ông làm việc. Ở tuổi 75, cộng căn bênh ung thư với đủ thứ thuốc uống hàng ngày, đã làm thân thể của cha già mau chóng tàn tạ. Ngài không còn sức lao động bằng chân tay, nhưng trí óc ngài không ngừng nghỉ sáng tạo ra những phương thức sản xuất chăn nuôi sạch, thân thiện với môi trường để giúp người nông dân nghèo nơi ông sống có công việc cải thiện cuộc sống, và bảo vệ môi trường. Nhà cửa tươm tất, sạch sẽ là nhờ đôi bàn tay nhỏ của thằng bé. Cha già nói điều gì là thằng Cò hiểu liền và làm theo không chệch tí nào. Suốt 6 tháng cha về nghỉ hưu ở quê, chưa một lần nào thằng Cò làm cha phật ý. Hai ông cháu rất hiểu và thương nhau nhiều, nhưng tính khí nóng nảy nghiêm khắc của cha già khiến cả hai không thể vui vẻ như những người bạn thân bên nhau được. Tình yêu như bị sự nóng nảy, nghiêm khắc bao bọc khiến hương thơm của nó không thể tỏa lan được.
Cha già bước ra, nhìn thấy đứa cháu mình thương đang ngồi ôm chân đầy máu trên sân thì chạy tới ôm lấy cháu. Đứa bé vẫn chưa hiểu gì, ông nó ôm nó vì thương mà nó cứ nghĩ ông nó đang hỏi cung nó xem chuyện gì xảy ra. Nó mở miệng nói và nước mắt bắt đầu chảy tuôn xuống.
- Cháu xin lỗi ông, cháu sơ ý làm rớt bức tượng ông yêu thích nhất.Ông đừng buồn và giận cháu nhé.
Cha già buông vai thằng bé ra, cha nhìn thẳng vào mắt nó, ông lấy tay lau những giọt nước mắt vừa sợ vừa đau trên khuôn mặt đứa cháu đáng yêu. Cha già cố gắng làm những cử chỉ yêu thương để xóa đi nỗi đau cho thằng bé nhưng nó không cảm nhận được điều đó. Nó không cảm nhận được những cử chỉ biểu lộ tình yêu nơi ông. Sở dĩ từ trước tới giờ, nó chỉ chứng kiến sự tức giận nóng nảy của ông mỗi khi gặp chuyện chẳng đúng ý. Nó chưa từng thấy ông trao ban những hành động yêu thương bao giờ.
Nhận thấy cháu mình chẳng bớt run sợ, cha già liền nhẹ nhàng nói:
- Không sao đâu cháu, ông quý bức tượng Chúa Giêsu nhiều lắm, ông cũng quý tất cả bức tượng đá thiên nhiên như chính Chúa điêu khắc lên nhưng chúng cũng chỉ là thụ tạo Chúa ban cho con người hưởng dùng thôi. Ông sưu tầm chúng, để ca tụng kỳ công của Chúa, và để cảm nhận sự bình an từ đó chứ không phải sự tức giận đâu. Con đừng sợ nữa, ông không tức giận đâu. Nào để ông băng bó và đưa cháu đi viện chữa trị nhé.
Bình thường ông bước đi không vững vậy mà hôm nay ông bế thằng cháu nhẹ như không. Còn thằng bé nằm trên tay ông, mắt nhìn vào mắt ông như còn đang nghi vấn những điều nó vừa nghe và cố hiểu những tư tưởng cao siêu mà ông vừa nói cho nó. Nó hết run sợ, cũng chẳng đau, nó đang cảm thấy vui vui vì lần đầu tiên được nằm gọn trong vòng tay ôm ấp của ông cậu nó.
Chiếc xe taxi vừa đi thì bà ngoại thằng bé bước vào. Bà là em gái của cha già. Bà vừa đi chợ về, bà chưa biết chuyện gì vừa xảy ra. Bà bỏ nón, xách đồ ăn vào thẳng trong bếp để nấu ăn cho cha. Bà đi thẳng vào bếp, mắt chỉ đủ liếc nhìn cha già như đang che giấu điều gì đó. Cha già đang ngồi ngắm nghía khối đá nằm trên sân, ông chỉ kịp nhìn lên và thoáng thấy khuôn mặt cô em mình và cô em cũng chỉ nhìn thấy ông anh già đang ngồi ngắm đá như mọi lần mà thôi. Như không có chuyện gì xảy ra, nhưng cha già kịp phát hiện đôi mắt của em mình hôm nay đỏ hoe, sưng húp như vừa khóc rất nhiều. Thấy vậy, cha già liền đứng dậy đi theo người em gái vào trong bếp. Ngài muốn đến để được chia sẻ và xoa dịu nỗi buồn cho em mình. Từ phía sau ngài ôn tồn nói:
- Sáng nay thằng Cò bị khối đá lăn vào ngón chân cái, tôi đã đưa nó đi viện kiểm tra và băng bó lại, chắc không sao đâu, em cứ yên tâm.
Ông cha già nói từ tốn, và cố gắng hết sức để cho em mình đỡ hoảng sợ, nhưng ông nhận thấy bà chẳng hề quan tâm gì đến những điều ông vừa nói. Cha nhận ra có điều gì khác thường. Như có chuyện gì tầy trời hơn nhiều đang ẩn chứa trong đôi mắt sưng húp của bà. Cha già tiến lại gần hơn, ông bỏ qua chuyện thằng Cò sáng nay. Ông nhìn thẳng vào đôi mắt đang chực khóc và hỏi:
- Tối qua có chuyện gì ở bên nhà em à?
Vừa nghe có vậy, người em gái liền bật khóc nức nở và kể cho anh chuyện hôm qua ở nhà anh con trai, bố thằng Cò. Bà vừa kể, vừa khóc, pha lẫn chút lo sợ vì chẳng biết giải quyết vấn đề làm sao.
Hôm qua, con Lam, chị thằng Cò dẫn bạn trai nó về ra mắt gia đình mình. Thằng bé đẹp trai, hiền lành, nhanh nhẹn, chăm chỉ ai cũng thấy mến. Sau khi làm lụng, ăn cơm vui vẻ xong thì mọi chuyện mới vỡ lở ra. Thằng bé không Công giáo, nó theo đạo Tin Lành. Hai đứa yêu nhau được 3 năm rồi, chúng quyết định lấy nhau, đạo ai người nấy giữ. Vừa nghe những lời ấy xong bố con bé tức điên lên, nó đập bàn, lật đổ bàn đang ngồi uống nước, nó lấy cây đánh con bé tới tấp. Con Lam nằm yên dưới đất, mặt mày tím tái, còn người yêu nó thì chạy đến nằm lên trên con bé để đỡ đòn và cũng bị bố nó đánh luôn. Không một lời nói, chỉ có những làn roi điên cuồng và những giọt nước mắt chảy ra của hai đứa. Mẹ nó chạy vào can, nhưng bố nó chẳng còn biết gì ngoài cơn tức giận. Cả nhà kêu khóc như ngày đưa ông nội nó vào quan tài. Em phải chạy tới, ôm nó lại thì nó mới bình tĩnh được. Nuôi dạy nó bao năm, hiểu thấu tính nết nó, vậy mà em cũng không hiểu cơn tức giận hôm qua của nó. Đến bây giờ em vẫn còn sợ và cũng không biết giải quyết sự việc này như thế nào. Nước mắt bà cụ trên 70 tuổi lại rơi xuống vì thương con, thương cháu. Bà lấy tay cố giữ cho hai dòng nước không chảy ra nhưng không được. Bà cúi mặt xuống để giấu đi những giọt nước mắt mặn chát của tuổi già và miệng thầm thĩ đọc: Giêsu – Maria – Giuse xin cứu giúp gia đình con.
Ông cha không nói gì. Thương em, thương cháu, nhưng ông biết nếu ông rơi vào tình cảnh đó thì ông còn nổi điên hơn nữa. Con Lam vốn là đứa cháu gái ông thương nhất, ông chăm lo cho nó từng chút để đợi đến ngày học xong đại học là ông gửi nó cho các sơ FMA. Dòng họ nhà ông nổi tiếng ở Giáo xứ này, đời nào cũng có người dâng mình cho Chúa. Hơn nữa, ông còn là linh mục nổi tiếng là nghiêm khắc. Ông không bao giờ chịu làm phép tha cho đôi hôn phối nào trong suốt đời linh mục của ông. Sự cứng rắn của ông khiến những linh mục, và cả Đức Cha còn chịu thua và cho phép những cha trong hạt được quyền làm phép tha cho những đôi hôn phối thuộc giáo xứ của cha già... Vậy mà hôm nay, ông không phản ứng gì, ông chỉ vỗ vai người em và an ủi:
- Thiên Chúa không thử thách quá sức con người đâu, em cứ tiếp tục cầu nguyện rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp thôi.
Cha già từ từ bước ra tiếp tục ngắm nghía khối đá hình Chúa Giê su đang nằm trên sân. Cha già ngồi bệt xuống sân ngắm nhìn Chúa như đang cầu nguyện say sưa. Mắt ông như phát hiện ra điều gì kỳ thú mà bấy lâu nay ông lãng quên hay không biết. Khuôn mặt Chúa trở nên đáng thương tội nghiệp hơn bao giờ hết. Nằm lăn lóc trên sân, và lại còn bị một vết nứt, như một làn roi đánh vào mặt. Ông cha già ngồi giữa sân, và những giọt nước mắt chợt tuôn trào. Rơi lệ, là điều ông chưa hề thấy trong suốt bao năm làm linh mục dù có trải qua bao sự kiện đau thương, hay thành công tột đỉnh. Hôm nay, ông cha già đang ôm mặt Chúa, ông khóc như chưa từng được khóc .
Vết nứt không tách đôi khối đá ra. Vết nứt chia đôi khuôn mặt Chúa Giêsu. Vết nứt đã phân tách tâm can người cha già. Vết nứt đã đẩy lui quá khứ. Vết nứt đã xóa bỏ tương lai. Vết nứt đã đưa ngài về hiện tại. Vết nứt xé toang bức màn hào nhoáng để chỉ ra sự thật bên trong. Vết nứt đã biến kẻ cứng rắn, kiêu căng thành người hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Vết nứt không làm xấu đi nhưng lại như một nét vẽ tạo nên một bức tranh muôn màu với một thông điệp ẩn sâu trong đó. Cha già nhìn khối đá với nhiều sự tưởng tượng thú vị hơn, sâu sắc hơn, cuốn hút hơn… khối đá trở nên sống động đáng yêu hơn. Vết nứt khuyết điểm trở thành ưu điểm, sự dữ nay được chuyển thành sự lành, sự chết lại làm phát sinh sự sống, sự phân tách đang làm nên sự phong phú sống động…
hình minh họa


Ôm khuôn mặt đáng thương của Chúa trong tay. Vị linh mục già ngước mặt lên trời trong nước mắt ràn rụa ngài dâng lời tạ ơn.
Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của con.
Ngài làm nên những công trình kỳ diệu
Không phải là rời núi chuyển non
Nhưng chỉ là vết nứt mọn hèn
Khiến hồn con ngất ngây hoan lạc
Cha già như cục đá không còn chắc chắn, vì thời gian đã in lên đó dấu hiệu của già nua, mềm yếu. Cuộc đời cha cũng bị quy luật của thời gian làm phong hóa như khối đá này. Căn bệnh ung thư chẳng khác nào vết nứt chạy dài trên phiến đá này. Nhưng căn bệnh sẽ không làm cha ngừng khao khát những điều tốt đẹp cho người khác. Vết nứt đã làm thân xác cha yếu đi nhưng nó lại làm cho tinh thần cha mạnh mẽ phóng phú hơn. Căn bệnh đã lấy đi mọi dự tính, công việc, quyền hạn, ước mong tốt đẹp của cha nhưng nó cho cha một kho báu là sự khiêm nhường như Chúa. Cha tạ ơn về kế hoạch tuyệt vời của Chúa trên cuộc đời ngài.
Cha tiếp tục nghĩ về kế hoạch của Chúa qua những khó khăn mà gia đình thằng Cò đang phải chịu. Đó cũng là vết nứt, nó đang xóa tan tất cả, xóa tan cái nghĩ cũ, luật lệ cũ của dòng họ được mọi người coi là gia giáo. Cơn đau khổ đang đè nặng trên vai, là lúc Chúa gần tỏ hiện. Những lời Kinh Thánh bắt đầu vang lên trong đầu cha.
Luật lệ là để phục vụ con người, con người làm chủ ngày Sa bát.
Ta đến để gây chia rẽ…
Xin cho chúng nên một, như Cha trong con và con ở trong Cha…
Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa…
Như tìm thấy lời giải, vị cha già đứng lên gạt nước mắt, đi sang nhà thằng Cò. Ngài bước đi trong sự hân hoan, mạnh mẽ, thanh thoát đến lạ lùng.
Vừa tới cổng, như có một luồng khí soi dẫn, con bé Lam đau khổ chạy ra ôm chầm lấy ông cha già. Nó khóc thảm thiết. Nước mắt nó chảy ướt sũng áo ông cha. Ông cha cứ để con bé khóc hồi lâu rồi ngài mới dẫn nó và trong nhà. Để con bé ngồi vào ghế, ngài lấy tay áo còn khô lau những giọt lệ làm ướt cả khuôn mặt và mái tóc của cháu. Ngài từ tốn nói:
- Bình tĩnh đi con. Cha hiểu mọi chuyện rồi. Chúa làm mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Ngài. Con cứ vững tin, ông sẽ cùng con để khám phá ra ý định tốt lành mà Chúa muốn chúng ta thực hiện. Bây giờ con hãy nói về tình yêu mà Chúa xếp đặt cho hai con.
Như tìm được tần sóng đồng cảm, con bé nắm tay cha già, mắt nó sáng lên niềm hy vọng, nó ngưng khóc và bình tĩnh kể cho cha già nghe từ đầu đến cuối tình yêu.
Lam vốn là cô gái đạo đức hiền dịu trong xứ. Ngay từ nhỏ, mọi người đều kêu nó là bà sơ nhỏ. Lam luôn là linh hồn của mọi trò chơi. Đặc biệt cô có tài phân xử và làm hòa cho những cãi lộn bất đồng trong các bạn cả ở trường lẫn trong giáo xứ. Học xong cấp III, cô dễ dàng được tuyển vào trường Đại Học Sư Phạm với ước mơ trở thành cô giáo để tiếp tục được sống với những trẻ thơ, được giữ mãi tâm hồn trẻ thơ. Là con gái nhưng Lam rất mạnh mẽ và năng động, nhiệt tình dấn thân. Ngay khi nhập trường, cô đã đăng ký tham gia nhóm sinh viên Công giáo. Cô được cử vào ban truyền giáo với đường hướng là kêu mời những sinh viên không phải Công giáo đăng ký tham gia các hoạt động của nhóm. Đây là công việc khó khăn nhất của nhóm nhưng lại là công việc mà Lam cảm thấy được đánh động nhất. Cô hăng say đến các trường đại học, vui vẻ tiếp xúc nói chuyện tự nhiên như một thiên thần mang niềm vui và giới thiệu một địa chỉ như là một sân chơi để các bạn sinh viên có thêm một nguồn vui chính đáng và thêm những người bạn tốt trong cuộc sống. Cô không hề nói về đạo một chút nào, nhưng đa số những bạn sinh viên không Công giáo sau khi tiếp xúc với cô thì đều tham gia và họ thổ lộ rằng đã bị niềm vui đơn sơ của cô kêu mời đến sinh hoạt. Họ hy vọng sẽ nhận được chút niềm vui đơn sơ như cô từ nhóm sinh viên Công giáo.
Càng dấn thân, cô càng say mê và cảm thấy hạnh phúc vì công việc mình làm. Cô tạ ơn Chúa rất nhiều vì Chúa đã cho cô cảm nhận được niềm vui đặc biệt đó. Cô như cảm được mối phúc: Phúc cho ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Cô hăng say dấn thân không mỏi mệt và Chúa đã ban phần thưởng cho cô. Chúa sắp đặt cô với Lân, một sinh viên theo đạo Tin Lành cũng đang làm công việc truyền giáo trong nhóm sinh viên Tin Lành. Ngay trong lần gặp đầu tiền, cái lần mà cả Lam và Lân đều tin rằng Thiên Chúa đã sắp đặt cho họ gặp nhau. Tình yêu sét đánh đã nảy sinh ngay từ lần đó, tình yêu đã xếp hai con tim, hai tư tưởng, hai con đường, hai cách sống, hai cách dấn thân, hai tần sóng… trùng khớp nhau. Không cần keo dính, không cần xúc tác, sự trùng khít khiến cho không gì chia tách được. Như trong thư của thánh Phaolô: Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thì họ cũng tin rằng không gì chia cắt tình yêu của họ với nhau, vì chính Chúa đã sắp đặt điều đó, tình yêu của họ cũng như tình yêu với Thiên Chúa.
Sau lần đó họ thường đi với nhau đến các trường đại học để cùng mời gọi các bạn sinh viên tham gia nhóm của họ. Thấm thoát 3 năm yêu nhau, họ cùng đồng hành với nhau trong vai trò truyền giáo của mình nhưng chưa một lần họ cảm thấy mâu thuẫn. Sự kết hợp của họ làm cuộc sống của họ trở nên phong phú hơn, họ cảm thấy tới gần Thiên Chúa hơn. Họ biết rút tỉa những điểm hay, điểm dở mỗi bên để làm cho những sinh hoạt mỗi người và của nhóm mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho những bạn sinh viên. Giờ đây họ quyết định tiến tới hôn nhân để xây dựng một gia đình hiệp nhất.
Họ rất quyết tâm, nhưng họ cũng biết trước mắt mình là một trở ngại lớn của hai gia đình, của truyền thống. Hơn ai hết, khi hai người cùng nằm để chịu những làn roi điên cuồng của ông bố, là lúc họ hiểu thấu nhất. Họ vẫn luôn tin rằng, Chúa sắp đặt tình yêu của họ, và sự gì Thiên Chúa liên kết thì loài người không được phân ly. Nhưng giờ đây họ vẫn không biết làm gì. Họ đang bơi giữa đại dương tình yêu mà không hề thấy một mảnh phao giải cứu, chỉ một điều còn lại là họ vẫn tin.
Phúc cho ai không thấy mà tin. Quả thật Thiên Chúa lại lần nữa sắp đặt cho họ. Cái ngày, em Cò bị dập ngón chân gây ra vết nứt trên mặt Chúa, là cái ngày ông cha già thay đổi, và cũng là cái ngày tình yêu của họ bị thử thách tư bề. Nhưng bây giờ, nắm tay cha già, cô bé như được ngồi trên con thuyền vững chắc. Sau khi tâm sự hết với cha, cô cảm thấy nhẹ nhàng như tình yêu của họ đã được chấp thuận trước mặt Chúa và Giáo hội. Còn cha già, sau khi nghe hết những lời tâm sự của cháu gái. Cha lại ngước mắt lên trời, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó cha trở lại nhìn cháu gái với ánh mắt đầy yêu thương và ngài mỉm cười nói:
Cha chúc lành cho tình yêu của chúng con. Tin Lành, Công giáo, hay bất cứ hệ phái nào đều đến từ kế hoạch của Thiên Chúa. Sự phân tách như vết nứt làm cho viên đá tảng trở nên bức tranh phong phú hơn. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và không ngừng dưỡng nuôi muôn loài theo kế hoạch của Ngài. Ngài như điểm cao nhất trên đỉnh núi, Ngài luôn yêu thương và kêu mời mọi tạo vật đến gần với Ngài, trở nên hoàn hảo như Ngài. Mỗi tôn giáo, như mỗi con đường từ các hướng khác nhau giúp người ta đi lên đỉnh núi gặp Ngài theo nhiều hình thức khác nhau, ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhau… Chúng ta không được loại trừ, dụ dỗ, chỉ trích, chê bai… nhưng hãy xây dựng con đường của tôn giáo mình thật đẹp để nhiều người nhận thấy và từ bỏ lối sống lầm lạc mà đến với Đỉnh Duy Nhất.
Cha rất ngưỡng mộ và chúc lành sự can đảm dấn thân vì tình yêu đôi lứa tuyệt vời của chúng con. Chúng con cứ xây dựng gia đình hiệp nhất của chúng con trong đức tin vào Chúa. Các con cứ sống hạnh phúc và đừng quên dâng lời tạ ơn Thiên Chúa. Cha tin chắc rằng Thiên Chúa sẽ không ngừng chúc lành cho hạnh phúc của chúng con. Gia đình chúng con sẽ là bằng chứng về tình yêu hiệp nhất các tôn giáo.
Hãy vui mừng lên con. Mọi luật lệ, hình thức, phong tục bề ngoài con cứ để cha lo. Các con hãy chuyên tâm làm cho ngọn lửa tình yêu của mình bùng cháy thật lớn. Đó là điều mà Thiên Chúa hằng ước mong.


 
1. BẺ RA...
Bánh nhận nhưng không nào bẻ ra
Trao từ cá thế tới nhà nhà
Để chung một ý dâng lời chúc
Và hợp muôn lòng cất tiếng ca
Tán tụng Ngôi Lời,Ngài sống lại
Vinh danh Thiên Chúa,Đấng giao hòa
Đất trời kết hiệp trong tình mến
Bởi tội chúng con đã được tha
Từ Thanh Hà, 20-4-2017
 
2. MONG ĐƯỢC GẦN BÊN…
 
Con muốn luôn luôn ở cạnh Người,
Để Ngài răn bảo những trò chơi,
Giúp cho sống tốt theo chân lý,
Dạy biết tìm vui giữa chợi đời,
Tránh các thói hư xa Đức Chúa
Trồng cây nhân ái thuận lòng trời
Được về chung hưởng cùng chư thánh,
Dâng tán tụng ca cảm tạ Lời.
Amen
Từ Thanh Hà, 20-4-2017
 
3. CẬY LÒNG THƯƠNG XÓT
A-men thành sự đúng do "Lời"
Núi Sọ đường lên ngập máu rơi,
Khổ gía trên vai nhân thế tội,
Can-Vê dốc đứng sủng ân Người,
Xin tha chớ chấp đàn chiên lạc,
Xin cứu trao ban phúc nước trời.
Để với chư thần và các thánh
Tụng ca Danh Thánh tới muôn đời.
Từ Thanh Hà, 14-4-2017
 
4. TÌNH NGÀI
Tội ta mà Chúa phải treo thân,
Có nhận ra không hỡi chúng nhân ?
Hãy sống can trường và tận hiến,
Hãy nên gương sáng giúp muôn dân.
Người thương chiên lạc nên không tiếc,
Người ghét quỉ ma đến thấy cần..
Xuống thế cứu đời đang ngụp lặn
Trong vòng danh lợi bả phù vân .
Từ Thanh Hà, 12-4-2017
 
5. CHỜ TRÔNG
Xin ở cùng con hướng dẫn con,
Vượt qua chướng ngại phá tâm hồn,
Tim ra sự thật và công lý,
Hầu hướng lòng lên Đấng chí tôn,
Để được thứ tha và chúc phúc,
Từ lòng thương xót Chúa càn khôn,
Muôn người sẽ sống trong thanh thản.
Thỏa những mơ mong đã mỏi mòn.
Từ Thanh Hà, 05-4-2017
 
6. CÓ MẸ BÊN CON
 
Mẹ chuyển hướng thuyền đời con tới bến,
Bến yêu thương tràn ngập những niềm vui
Bến cho con hiểu ý nghĩa cuộc đời,
Con có Mẹ, ôi tuyệt vời biết mấy !
 
Giúp chúng con Mẹ cho con được thấy
Thấy cảnh đời nhiều ô trọc đảo điên
Thấy người ta ngụp lặn giữa oan khiên
Mà chẳng thể bằng cách nào vượt thoát.
 
Mẹ dạy cho bằng câu kinh chuỗi hạt
Mẹ dạy cho thấu triệt sự kh ôn ngoan
Mẹ dạy cho cảnh vui sống thanh nhàn
Của nhân thế khắp tận cùng cõi đất.
 
Đi theo Ngài:Chính Đường và Sự thật
Hầu tiến về nguồn hạnh phúc vinh quang
Cùng chư thánh tận hưởng cảnh thiên đàng
Con có Mẹ xin dâng lời cảm mến
Amen
Từ Thanh Hà, 17-4-2017
 
XƯỚNG HỌA
 
7. TÔN VINH THIÊN CHÚA
Họa
Biết lấy chi đây ngoài ý thơ
Dâng lên Thiên Chúa,Đấng con thờ
Lời kinh ấy dẫu toàn môi miệng
Khúc hát kia ư rặt hụt hờ
Xin thứ tha cho điều khuất tất
Nguyện thương chỉ dẫn sự mù mờ
Giúp con nhận biết chi sai trái
Để đạt quê trời như ước mơ
Từ Thanh Hà, 18-4-2017
 
8. GIÚP CON XA LỐI CŨ
Họa:Sự Sống Đăng Trình
Của Hồn Biển
Lời đã hạ san chỉ vị tình
Nên Ngài chẳng ngại việc hi sinh
Thân treo thập gía ban ân sủng
Đầu đội mão gai chúc thái bình
Đến khắp chư dân đang thống khổ
Và cùng vạn quốc quá điêu linh
Luôn mong ánh sáng Người soi tỏ
Hướng dẫn đi theo đúng lộ trình
Hướng dẫn đi theo đúng lộ trình
Tiến về thành thánh rất uy linh
Con Chiên vinh thắng lo cai trị
Đức Chúa quang lâm sẽ xét bình
Sói bị trầm luân nơi hỏa ngục
Cừu thời ân thưởng cõi siêu sinh
Không còn vướng bận lòng ganh ghét
Lời đã hạ san chỉ vị tình.
Từ Thanh Hà, 18-4-2017

(mã số VVYT 17-057)


Một thoáng hương trầm bay
Khi quỳ bên cung thánh
Hôm nay con về đây
Dâng hiến trái tim này


Một thoáng hương trầm bay
Tiếng chuông vang vọng mãi
Gọi con hãy về đây
Làm nhân chứng cho Người


Một thoáng hưong trầm bay
Như lời kinh tận hiến
Ơn thánh trên bàn tay
Dẫn đường con bước tiến


Một thoáng hương trầm bay
Ơn thánh rất đong đầy
Me ơi ! Xin ban xuống
Ân phúc đời con đây


Một thoáng hương trầm bay
Lời kinh nguyện mỗi ngày
Xin cuộc đời tận hiến
Đẹp tựa hương trầm bay.

Qui Nhơn, ngày 26-04-2017

Mến gửi

Quý Tác giả đã tham gia Giải Viết Văn Đường Trường
Quý Tác giả “Có một vườn Thơ Đạo”




Thưa các bạn,
Tập san Mục Đồng ban đầu dự kiến sẽ phát hành số ra mắt dịp Tết Đinh Dậu, thế nhưng mãi cuối tuần qua mới in xong. Dù sao, chúng ta cũng đã hoàn thành được một mốc khởi đầu. Ngày 24-4-2017, Ban Biên tập đã có buổi gặp gỡ để cùng nhau vui mừng cầm món quà bé bỏng trên tay, mà cảm thấy cả một hồng ân hết sức lớn Chúa đang ban cho chúng ta.
Cùng với Tập san in nói trên, dự tính cứ ba tháng phát hành một số, Ban Văn hóa và Giáo dục của Giáo phận Qui Nhơn còn xúc tiến thực hiện một website song song, cũng mang tên Mục Đồng. Tuy vậy, nhân sự tại chỗ hết sức mỏng, như các bạn có thể thấy trong mấy tấm ảnh chúng tôi đang ngồi chung với linh mục nhà thơ và nhạc sĩ Sơn Ca Linh Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Giáo phận Qui Nhơn. Thế nhưng chúng tôi tin rằng Thiên Chúa đã cho chúng ta được quen biết nhau, Ngài sẽ luôn ban ơn nâng đỡ để chúng ta cùng chung tay góp sức thực hiện ước nguyện của Ngài là cứu chuộc nhân loại, trong đó có các bạn trẻ mà tất cả chúng ta đều thương mến.
Trong những lần họp mặt trao giải Viết Văn Đường Trường, cách riêng là dịp năm 2015, các tác giả hiện diện đã thốt lên tiếng lòng thổn thức trước tình cảnh tiếng Việt thân yêu đang bị suy thoái trầm trọng. Các con cái Chúa đặc biệt thấy xót xa vì tiếng mẹ đẻ là phương tiện không thể thay thế được trong công cuộc loan báo Tin mừng cho đồng bào người Việt. Các cuộc thi văn thơ và các câu lạc bộ “văn học trẻ” của Giáo phận Qui Nhơn và Giáo phận Kontum đang là những nỗ lực kiên trì và miệt mài để trau dồi khả năng sử dụng tiếng Việt cho con em trong giáo phận mình. Một số người trong các bạn cũng đang có những cố gắng hết sức đáng ca ngợi với cùng mục đích ấy, nhằm giúp cho các em học sinh trong giáo xứ, với những hình thức lớp học, câu lạc bộ, facebook, trang web mini... Hẳn lắm lúc các bạn cũng cảm thấy cô đơn lẻ loi…
Tập san báo giấy và website Mục Đồng hy vọng sẽ là người đồng hành với các bạn trong nỗ lực chăm sóc tiếng Việt cho thanh thiếu niên và nhi đồng trong khu vực. Cùng lúc, Mục Đồng ước mong kế thừa di sản của cha anh với lòng biết ơn, xây dựng các tác giả trẻ thành đội ngũ tiếp tục chăm sóc cho lớp đàn em, và thêm nữa là khích lệ các mầm non ưu tú.
Theo hướng ấy, Ban Biên tập sẽ sắp xếp số trang của mỗi tuyển tập (từ số 2, mỗi số sẽ dao động từ 100 tới 120 trang) theo tiêu chí sau đây:
- 30 % dành cho các tác giả trên 40 tuổi.
- 70 % dành cho các tác giả từ 40 tuổi trở xuống, trong đó 20 % dành cho các tác giả còn trong độ tuổi đi học.
Còn trên website thì không có sự giới hạn về độ tuổi ấy. Mời mỗi người trong các bạn theo dõi bố cục đang xây dựng trên giao diện của Website (tapsanmucdong.net) và cùng tích cực đóng góp bài vở cũng như ý tưởng. Chúng tôi ước mong dần dần mỗi người sẽ khám phá ra sở trường của mình để thường xuyên tham gia vào những chuyên mục mình thích.
Xin hồi âm về email của tập san: tapsanmucdong@gmail.com
Cũng rất mong các bạn tìm cách giúp giới thiệu rộng rãi Tập san này đến bạn trẻ các giáo xứ của quý Giáo phận, mời gọi mọi người đọc và viết bài cho Tập san (cả báo giấy và báo mạng).
Chân thành cám ơn các bạn. Nguyện chúc các bạn luôn an vui trong Chúa.
Thân ái,
Lm GP Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
(mời bạn tải về đọc và giới thiệu Mục Đồng-01)

 
Thưa quí độc giả và quí tác giả,
Kiểm tra lại một cách chính xác hơn, thì 175 bài dự thi của Giải Viết Văn Đường Trường năm nay là của 99 tác giả (bản tin số 9 đã báo nhầm là 95). Các vị phụ trách đọc chọn vòng loại đã làm việc xong, và đã chọn được tổng cộng 107 bài gửi đến quý vị Giám khảo chấm vòng sơ khảo.
Phần thông tin cá nhân của các tác giả cho chúng ta một vài con số khá ý nghĩa, mang nhiều triển vọng cho tương lai văn học Công giáo.
* Tính theo giáo tỉnh và giáo phận:
Số 99 tác giả năm nay đến từ khắp nơi trong cả 3 Giáo tỉnh:
Giáo tỉnh Hà Nội có: Bắc Ninh (4), Bùi Chu (3), Hà Nội (7), Hải Phòng (2), Hưng Hóa (8), Phát Diệm (2), Thanh Hóa (4), Vinh (14). Vắng Thái Bình và Lạng Sơn. Tổng cộng: 44 tác giả.
Giáo tỉnh Huế có: Ban Mê Thuột (2), Đà Nẵng (3), Huế (3), Kontum (5), Nha Trang (10), Qui Nhơn (13). Tổng cộng: 36 tác giả.
Giáo tỉnh Sài Gòn có: Cần Thơ (1), Đà Lạt (2), Long Xuyên (1), Sài Gòn (7), Vĩnh Long (2) và Xuân Lộc (6). Vắng Bà Rịa, Mỹ Tho, Phan Thiết và Phú Cường. Tổng cộng: 19 tác giả.
Như vậy, các tác giả đến từ Giáo tỉnh Hà Nội ngày một đông, năm nay đã chiếm gần một nửa tổng số. Hy vọng khi nhận ra được nguồn lực đầy triển vọng này, quý vị hữu trách sẽ sớm đầu tư chăm sóc và đào tạo cách có hệ thống, để lớp tài năng trẻ này được nhân rộng và nâng cao, hầu có thể đóng góp nhiều cho Giáo hội và Đất nước.
* Độ tuổi các tác giả:
Nhìn vào các trang mạng lớn hiện nay của giới Công giáo Việt Nam, ta thấy hầu hết tác giả các bài viết đã trên 55 tuổi. Giải Viết Văn Đường Trường ước mong góp phần xây dựng một đội ngũ tác giả trẻ. Con số các tác giả dự thi năm nay, tính theo năm sinh như dưới đây, cho thấy ước mơ ấy không hão huyền tí nào:
(1976-1981): 09 tác giả
(1982-1986): 15 tác giả
(1987-1991): 28 tác giả
(1992-1996): 32 tác giả
(1997-2001): 15 tác giả
Từ 16-30 tuổi: 75 tác giả
Từ 31-40 tuổi: 24 tác giả
Trước nhu cầu tạo sân chơi cho những bạn trẻ thích văn thơ với số người tham gia đang tăng dần, Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục của Giáo phận Qui Nhơn đã cố gắng thiết kế một “không gian ảo” và một “không gian thật”: Một website mang tên www.tapsanmucdong.net cập nhật bài vở thường xuyên - Và mỗi quý sẽ thực hiện in ấn một tuyển tập văn thơ mang tên Mục Đồng. Số đầu tiên của tờ Tập san này đã ra mắt, với 76 trang khổ 16x24, đang được gửi tặng tới các giáo xứ trong toàn quốc, mỗi giáo xứ 5 quyển. Số 2 đang được xúc tiến, với 120 trang.
Hy vọng sự hiện diện của website và tuyển tập sẽ giải quyết được một số khó khăn trở ngại còn tồn đọng lâu nay:
- Nhiều tác giả có những bài viết rất hay nhưng vì không theo sát chủ đề hoặc vì nhiều lý do khác, không gửi dự thi, sẽ có được một nơi để giới thiệu bài viết với mọi người.
- Số bạn trẻ Công giáo thích cầm bút sẽ ngày càng thêm đông, cần có một không gian vừa ấm cúng vừa đủ rộng để ai cũng có thể “chen vai sát cánh” một cách thoải mái, có cơ hội giao lưu kết nối với bạn đọc bạn viết ở khắp nơi.
- Cả những tác giả đã cao tuổi, cả những tác giả tuy chưa cùng đức tin nhưng đang có cảm hứng viết về đề tài tôn giáo, cũng cần có một mặt bằng để hiện diện và trao đổi tâm tình.
Mời quý tác giả và bạn đọc sớm gửi bài về tapsanmucdong@gmail.com. Tuyển tập Mục Đồng sẽ ưu tiên chọn bài của các tác giả dưới 40 tuổi. Những tác giả có bài được chọn đăng sẽ được nhận báo biếu và nhuận bút theo qui định.
Sau cùng, thêm một tin vui cho tất cả những bạn đã gửi bài tham gia Giải Viết Văn Đường Trường lần thứ V (2017). Ban Tổ chức đã trao đổi với người lo việc xuất bản quyển YOUCAT (Sách Giáo lý cho Người trẻ) và vị này đã sẵn lòng gửi tặng tất cả 99 tác giả có bài dự thi hợp lệ trong cuộc thi năm nay, mỗi người một quyển. Đây là quyển sách hết sức quý, sẽ giúp các bạn nắm bắt lại Giáo lý Đạo Chúa cách mới mẻ nhưng có hệ thống. Nội dung ngắn gọn, sâu sắc mà dễ hiểu. Bản dịch của Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng, giáo phận Cần Thơ, rất lưu loát. Sách in màu, rất nhiều hình ảnh phụ họa, đọc rất thích. Sách sẽ được trao tặng đến các tác giả nhân ngày họp mặt Hành hương Hàn Mạc Tử (21-22/9/2017). Những vị không về họp mặt được, xin vui lòng xác nhận lại địa chỉ nhận thư, sau ngày họp mặt chúng tôi sẽ gửi sách qua đường bưu điện.
Thay lời các tác giả, chúng tôi xin chân thành cám ơn ông Nguyễn Văn Ngọc, người phụ trách ấn hành. Những ai cần mua YOUCAT với số lượng nhiều theo giá ưu đãi, có thể liên lạc về: <domngoc48@yahoo.com> hoặc số điện thoại: 0908 12 44 88.
Sau đây, xin mời quý vị và các bạn thưởng thức 7 truyện dự thi tiếp theo đã vượt qua vòng loại.
Qui Nhơn, ngày 25-4-2017
Lm. Trăng Thập Tự




























(Mã số: 17-091)

Ba mươi năm trước nơi này là đất trống. Ngày ấy chị còn nhỏ lắm, mỗi buổi chiều chị và những đứa trẻ trong làng hay tụ tập ở đó, chơi ú tim, năm mười... trong lúc đàn trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Có nhiều khi mải chơi để trâu ăn lúa, cả đám lại vội vàng dắt trâu đi nơi khác chăn, cho chủ ruộng khỏi biết rồi rầy la. Để đến bây giờ ngồi đây và nghĩ lại, chị không thôi nhớ quay quắt những ngày tháng tuổi thơ đẹp đẽ đã qua đi.

Chị mồ côi mẹ năm lên bốn. Một cơn bạo bệnh đã cướp đi người mẹ yêu dấu của chị. Ngày mẹ mất chị không khóc, lúc ấy chị còn quá nhỏ để nhận ra nỗi mất mát quá lớn của cuộc đời mình. Sau này khi nghe ngoại kể, chị chỉ mang máng nhận ra. Chị vốn mạnh mẽ như tính tình của bố, bà ngoại từng nói chị nghe vậy.

Mẹ mất, bố gửi chị về ngoại sống rồi bỏ đi đâu đó biệt tăm, thi thoảng bố mới nhờ người gửi chút tiền về chu cấp cho bà ngoại để nuôi chị ăn học. Chị chưa bao giờ có suy nghĩ thù hận, cho dù có khoảng thời gian chị thèm muốn biết bao tình thương của một người cha, của một gia đình đúng nghĩa.

Chị nhớ như in đó là một buổi chiều tháng tư, nắng nhuốm vàng những khóm cúc dại ven lối đi. Lúc ấy chị đang trên đường tới ngôi nhà thờ giáo họ để dọn dẹp sân vườn chuẩn bị cho mùa dâng hoa đang tới gần. Vừa bước chân vào cổng ngôi giáo đường, chị phát hiện ra tiếng trẻ con khóc lanh lảnh. Linh cảm như mách chị có chuyện chẳng lành. Chị vội vàng bước tới theo tiếng khóc vang lên không ngớt. Ập vào mắt chị là chiếc giỏ nhựa mà người ta vẫn dùng để đựng quần áo cho em bé, trong chiếc giỏ bằng nhựa ấy, chị thấy một đứa bé đang nằm, miệng không ngưng khóc. Chị lục trong chiếc giỏ nhựa, một bức thư được gửi kèm theo, chị chăm chú đọc, từng nét chữ được viết vội vàng, thỉnh thoảng có chữ đã nhòe đi vì thấm nước. Chị ẵm đứa nhỏ trên tay, dỗ dành, không quên cất bức thư ấy vào trong người, chị đón nhận đứa nhỏ như món quà mà chị tin Thiên Chúa đã ban tặng cho mình trong buổi chiều hôm ấy.

Đứa bé càng lớn mái tóc càng ngả màu vàng óng ả, kiểu màu vàng mà những cô gái thời nay có đi salon để nhuộm cũng không thể có được màu vàng óng như vậy. Càng nhìn, đứa nhỏ càng hao hao giống người nước ngoài. Từ cái mũi lõ, đôi mắt xanh mà càng ngắm chị càng nhận thấy điều ấy từ nó. Chị đặt tên bé là Quỳnh. Một loài hoa chỉ nở về đêm và tàn cũng chóng vánh.

Chị không có chồng. Chị sống cùng bà ngoại đã ngoài 80. Sau một lần ốm nặng phải nhập viện, chị phát hiện ra mình không còn khả năng làm mẹ. Lúc đầu nghe bác sĩ thông báo chị còn khá bi quan, tưởng như cả tương lai tươi đẹp sụp đổ trước mắt, nhưng rồi chị nhận ra, có những điều còn đáng sống hơn khi mỗi ngày chị đến nhà thờ cầu nguyện, suy ngẫm lời Chúa trong Phúc âm.

Chị giấu ngoại chuyện mình không thể làm mẹ, nhiều lần ngoại thúc giục chị chuyện chồng con nhưng chị luôn tìm cách thoái thác. Bởi chị hiểu mình hơn bất cứ ai khác. Có người đàn ông nào thời buổi này chấp nhận một người phụ nữ không thể mang đến cho họ những đứa con. Nếu nói không cần thì tất cả chỉ là dối lòng chẳng đáng tin cậy. Chị từng chứng kiến cảnh người vợ hàng đêm nghe chồng chì chiết vì không thể sinh cho họ những đứa con kháu khỉnh, rồi cảnh những người vợ trẻ hàng đêm ngồi đợi chồng trở về bằng men rượu lập lòe. Có người chạy đến ngôi thánh đường xin khấn trong nước mắt, chị chứng kiến hết thảy và tự nhủ mình không thể phạm sai lầm như những người phụ nữ ấy. Thà rằng chị sống trong cô độc như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao.

Nhưng từ ngày con bé xuất hiện chị càng tin hơn vào những điều Thiên Chúa đã nói trong Kinh Thánh, Phúc âm. Cũng từ ngày ấy, chị thấy mình cần phải lạc quan hơn để sống, không phải cho ngoại, cho chị mà còn là sống cho con bé. Để nó nhìn vào chị mà tin rằng, Thiên Chúa luôn công tâm với những con chiên của Ngài. Như người chủ trong khu vườn, nếu thấy cây cối còi cọc Ngài sẽ chăm bón nhiều hơn để cây sinh nhiều hoa thơm, trái ngọt.

Khi càng lớn lên, con bé càng có những câu hỏi mà chị phải đau đầu để suy nghĩ. Chị đã nghĩ đến việc phải nói ra sự thật cho con bé nhưng phải đợi khi con bé thực sự trưởng thành. Nào ngờ, con bé luôn đặt ra những câu hỏi làm chị phải bối rối. Phải trả lời thế nào để con bé hiểu và không mặc cảm lại không dễ dàng chút nào. Chị không muốn mình trở thành người làm chứng dối, chị muốn con bé được hồn nhiên, vui vẻ mà lớn lên nhưng sao khó quá.

Có bữa, chị vừa đón con bé ở trường mẫu giáo về nhà nó liền hỏi :

- Mẹ, các bạn ở lớp nói con không phải là con của mẹ là sao hả mẹ?

Mất mười mấy giây để suy nghĩ rồi chị xoa đầu con bé mà nói :

- Con không là con của mẹ thì là con của ai. Các bạn chắc giỡn con đấy, bé con của mẹ à.

- Nhưng các bạn nói tóc mẹ màu đen, tóc con lại màu vàng, không giống nhau gì hết.

- À, tại hồi mang thai con, mẹ luôn xin Chúa cho bé con của mẹ có mái tóc vàng óng như công chúa trong chuyện cổ tích, vàng tươi tựa tia nắng ngoài vườn. Và Chúa đã nhận lời mẹ. Chẳng phải trời nắng thì luôn tươi đẹp đúng không bé con của mẹ.

- Dạ vâng ạ.- Nói xong con bé ôm chặt lấy chị, cười đùa vui vẻ hơn, không dè dặt nghi ngờ như vài phút trước đó. Chị cũng ôm chầm lấy con, hít hà hương thơm còn vương trên từng sợi tóc. Nắng ngoài kia như cũng nhoẻn môi cười.

Có vẻ như lời nói dối ấy của chị khiến con bé tin tưởng hơn vào câu chuyện ấy. Sau lần đó, con bé không khi nào thắc mắc về những khác lạ giữa chị và nó nữa, vì nó nghĩ rằng những điều khác lạ ấy đều do một tay Thiên Chúa ban cho.

Con bé cứ thế lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của hai người phụ nữ. Đã có lúc chị càng tin rằng, sự xuất hiện của con bé trong cuộc đời chị không còn là duyên nợ như người ta vẫn bảo, mà đó như định mệnh cuộc đời, định mệnh ấy được Thiên Chúa sắp đặt có mục đích riêng của Ngài, như chính Chúa Cha đã sai Ngôi Lời nhập thể làm người để cứu thế gian khỏi tội lỗi. Chị tin vào sự sắp đặt của Thiên Chúa dành cho mình, ngay khi đọc được bức thư gửi kèm trong chiếc giỏ nhựa cùng con bé trong buổi chiều tháng Tư nắng ngùn ngụt.

Ngoại mất cũng vào buổi chiều nắng mùa hè nóng như chảo lửa. Khi con người càng coi thường thiên nhiên, thì chính con người phải trả giá.

Ngoại mất nhưng tâm hồn ngoại thanh thản lắm, cứ như người ngủ say rồi không bao giờ tỉnh lại. Cha xứ đến xức dầu và làm lễ cho ngoại tại ngôi thánh đường giáo họ, với một người cả đời hy sinh cho con cháu, phục vụ theo ý Chúa thì khi Chúa đến cất về trời cũng nhẹ nhàng và êm đềm biết bao. Con người sống trên thế gian chỉ là hành trình của những hạt bụi, nhỏ bé và mong manh. Sự sống đời đời nằm trong tay Chúa, chị tin ngoại đã đi đến cuối hành trình của cuộc đời trần thế, Chúa đưa ngoại về nước của Người trong hoan hỉ nên chị không khóc, chị mỉm cười để ngoại tin rằng chị luôn mạnh mẽ như người đàn ông đã bao lâu rồi chị không nhìn thấy mặt.

***

Hôm ấy chị đang hái rau ngoài vườn chuẩn bị cho bữa cơm chiều, còn đứa con gái chạy sang chơi ở nhà hàng xóm. Nghe tiếng chó sủa đầu ngõ, kèm theo tiếng ai đó gọi tên chị. Chị phủi vội tay lên vạt áo rồi bước vào nhà. Đứng trước chị là cô gái còn khá trẻ, độ ngoài hai mươi. Nhìn thấy chị, cô gái từ tốn chào hỏi.

- Dạ chị có đúng là Phượng không ạ?

- Đúng rồi, tôi là Phượng. Mà cô là...?

- Dạ chuyện nói ra thì dài... Nhưng em xin ngắn gọn với chị thôi. Thực ra, khó khăn lắm em mới hỏi thăm được chị, em chính là mẹ của đứa bé mà chị nhặt về nuôi nấng suốt 5 năm qua. Ngày ấy vì trẻ người non dạ nên...

Không để cô gái nói thêm, chị vội lên tiếng.

- Cô chính là người phụ nữ đó sao? Suốt bao năm nay tôi luôn canh cánh. Nhưng không ngờ cô lại xuất hiện vào lúc này.

- Xin chị đừng hiểu lầm. Em quay về lần này không mong được chị cho xin lại đứa bé. Em chỉ mong được gặp lại nó, xem nó lớn khôn thế nào. Chứ em biết, mình không có quyền gì để nhận được ân huệ của chị. Xin chị cho em được gặp đứa bé, chỉ một lúc thôi rồi em sẽ đi ngay. Chị đồng ý nhé?

Khi chị còn đang lưỡng lự thì con bé từ hàng xóm chạy về. Nhìn thấy người lạ, con bé vội nép sau chân chị. Chị ôm lấy con rồi bảo:

- Quỳnh, con khoanh tay chào cô đi con.

- Dạ, con chào cô ạ!

Con bé vừa dứt lời, chị ngỏ ý mời cô gái trẻ vào nhà uống nước. Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè suốt bao năm không có bàn tay người trụ cột nên cũng mọt mối đi nhiều. Con bé nũng nịu đòi mẹ ẵm, chị lau kĩ tay hơn một chút rồi cúi xuống ẵm con. Trong khi cô gái trẻ một tay xách giỏ, một tay nựng khuôn mặt bầu bĩnh của đứa bé. Ở gần cô chị ngửi thấy mùi nước hoa thơm nức, như mùi của những nhánh hoa ngoài vườn.

Chị rót nước mời cô gái trong khi ánh mắt cô chăm chú ngắm nhìn con bé rồi mỉm cười. Con bé lúc đầu còn lạ lẫm nhưng rồi nó cũng quen nên không còn e dè nữa. Nó bưng nước cho cô gái ấy, lễ phép như chị đã từng dạy con như vậy.

Cô gái ngồi được một lúc thì xin phép ra về. Hai người phụ nữ ngồi cạnh nhau, cùng nhìn con bé, một người có công nuôi dưỡng, một người có công sinh thành. Khoảng cách của hai người như càng giãn xa hơn bằng tiếng cười hồn nhiên của đứa trẻ. Nhiều khi chị định mở miệng nói nhưng rồi lại không thể cất lời, có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng, chắc cô gái ngồi đối diện chị cũng chung cảm giác ấy.

Cô gái đứng dậy ra về, không quên mở túi xách lấy ra một phong bì đặt trên bàn rồi bảo.

- Em chẳng biết lấy gì cảm ơn công lao của chị, em không có nhiều, có chút quà gửi chị để chị lo cho bé Quỳnh. Như em đã nói ban đầu, em không mong được chị đồng ý cho em nhận lại đứa bé. Nhưng nếu được, em mong chị thỉnh thoảng cho em có dịp được đến thăm cháu. Nha chị!

Chị chần chừ không nói, cầm lấy chiếc phong bì đưa cho cô gái rồi bảo.

- Cô cầm lấy đi, mẹ con tôi bao năm nay có rau ăn rau, có cháo ăn cháo vẫn sống rất hạnh phúc. Vì chúng tôi có niềm tin vào Thiên Chúa. Con bé sống được đến chừng này cũng hiểu được những điều người lớn nói với nhau. Tôi không ngăn cấm cô đến thăm con bé, nhưng tôi xin cô hãy để con bé sống với những gì nó đang sống, đừng đảo lộn cuộc sống của chúng tôi có được không?

Chị nói, nhưng mắt chị không nhìn thẳng vào cô, bởi chị sợ, sự thương cảm từ đáy lòng chị sẽ trỗi dậy nếu nhìn vào gương mặt đầy đau khổ, mặc cảm ẩn sau lớp phấn son quánh đặc nên chị đành phải nhìn ra hướng khác, để những lời lẽ mà chị cho rằng nó cay độc, ích kỷ được nói ra để người đã từng vứt bỏ máu mủ của mình kia nhận ra được lỗi lầm. Nói thì nói vậy nhưng trong thâm tâm chị động lòng ghê lắm, sao có thể nhẫn tâm chia cắt tình mẫu tử, Thiên Chúa của chị không dạy con chiên của mình như vậy. Nhưng chị thương con bé quá. Năm năm nuôi dưỡng, đau ốm, vui buồn chị đã trải qua, giờ nói phải xa con bé một thời gian thôi cũng đủ khiến chị giằng xé lắm rồi.

Cô gái lần lữa, như không muốn rời đi. Nhưng thấy sự quả quyết, dứt khoát từ lời nói của chị nên cô đành lòng ra về. Chiếc phong bì chẳng hiểu sao vẫn nằm gọn trên bàn, có cả số điện thoại và tên cô gái. Chị cầm lấy cất đi, định để đến khi cô gái quay lại rồi chị sẽ đưa tận tay, chứ chị nhất quyết không cần số tiền ấy dù cuộc sống của chị lúc này túng thiếu thật.

***

Cả mấy tháng trôi qua không thấy cô gái đến thăm con bé. Trong lòng chị lẽ ra phải vui lắm nhưng hoàn toàn ngược lại. Có chút gì đó lo lắng ẩn hiện trong những giấc ngủ chập chờn. Lẽ nào những lời nói của chị hôm ấy khiến cô gái tự ái, hay vì nó quá cay nghiệt khiến cô không dám trở lại mà gặp chị và con bé. Càng nghĩ chị lại càng thấy tâm trạng mình rối bời. Có khi nào chỉ vì lời nói ấy mà chị làm tổn thương cô. Nếu vậy thì rõ ràng chị là người có lỗi.

Chị gọi điện cho cô gái mà chị chẳng kịp nhớ tên bằng số điện thoại cô ghi lại trên phong bì dạo nọ. Đầu dây bên kia là một người phụ nữ, chắc cũng trạc tuổi rồi. Qua nói chuyện, chị mới hay người đang nói chuyện với chị là mẹ cô gái. Vì cô gái đi ra ngoài có việc nên để điện thoại ở nhà. Hai người phụ nữ chưa từng gặp mặt, mới nói chuyện với nhau lần đầu những có vẻ thân thiết lắm. Nói chuyện qua lại hồi lâu, người phụ nữ đầu dây bên kia cũng thật thà kể lể. Bà kể về cuộc đời cô con gái trong nước mắt, chỉ vì chút bồng bột của tuổi trẻ mà cô phải bỏ đi đứa con của mình để chạy theo những xa hoa phù phiếm. Để rồi giờ cô phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ, cô trở về nhà, chỉ mong gặp đứa con mình đã từng dại dột đem bỏ. Nói đến đây giọng bà như nghẹn lại, đầu dây bên kia là những tiếng khóc không ngừng. Chị cố an ủi bà, hỏi xin địa chỉ nhà. Chị biết lúc này trái tim chị đang mách bảo chị đúng đường.

Chị dẫn con bé ra phần mộ của bà ngoại, nằm trơ trọi ở nơi bãi đất trống mà hơn ba mươi năm trước chị đã từng có thời thơ ấu tươi đẹp ở đây. Con bé vẫn ngây ngô, tay cầm bó nhang đang nghi ngút khói, tay kia ngắt vài nhành hoa cúc cài vội lên đầu. Nó thấy chị khóc nhưng chẳng hiểu vì sao, lon ton chạy đến lấy tay lau khô những giọt nước mắt ấy.

Con bé thấy mẹ dắt nó ra khỏi nhà cùng túi quần áo trong tay nên cũng dò hỏi, thắc mắc. Chị ôm chặt con vào lòng, hôn lên mái tóc vàng như màu nắng. Chỉ bảo chị sẽ đưa nó đi, đến nơi nó thực sự thuộc về. Những tia nắng cuối hè như nhuộm vàng theo từng bước chân hai mẹ con trên con đường trải đầy đá sỏi, như ánh lên những tia hy vọng tươi sáng của những phận người nơi miền quê nghèo, xen lẫn trong tiếng cười khúc khích của đứa trẻ từng là khát khao cháy bỏng của chị với ước mơ về một gia đình, nhỏ bé thôi, đơn sơ thôi nhưng ngập tràn hạnh phúc.

(mã số VVYT 17-056)

Anh tồn tại nhưng anh đâu hiện hữu

Cuộc đời này vội vã lánh xa anh

Anh vươn lên, anh vẫn muốn trọn lành

Như Chúa dạy Phúc Âm ngàn xưa đó.

Nhưng than ôi nào đâu phải chuyện nhỏ

Khi cuộc đời - tha nhân sợ hãi anh

Cũng chỉ vì một lần xưa lỡ đành

Mang trong mình căn bệnh “ngàn năm” đó.

 

Để tồn tại đã thập phần gian khó

Để hiện hữu ôi sao khó gấp trăm

Đằng sau đó, sau khuôn mặt “hầm hầm”

Một mảnh hồn đang âm thầm sám hối.

 

Một mảnh hồn đang ngày ngày mong mỏi

Sống cuộc đời hiện hữu với tha nhân

Hồn khắc khoải một cuộc sống thiên thần

Đời mai hậu tồn tại và hiện hữu.

(Mã số: 17-090)

Những tia nắng nhợt nhạt đang tỏa xuống khắp núi rừng trùng điệp của vùng Tây Bắc hẻo lánh. Sức nắng muốn bao trùm tất cả mọi ngọn núi lô nhô xanh rợn kia, nhưng những tia nắng không đủ mạnh để xuyên qua những đám mây đen kịt lố nhố trên nền trời. Lơ thơ những ngọn núi, mảnh đồi bị mây che nắng đen thậm lại, khiến cho bức tranh vùng cao dưới ánh nắng nhạt nên ảm đạm, nhuốc nhem.

Ngôi nhà thờ gỗ đơn sơ trên đỉnh ngọn đồi cao tít, tứ bề bao bọc bởi ruộng bậc thang, cũng mập mờ trong ánh nắng chiều yếu ớt. Chiều về trên vùng núi cao này luôn thanh thả yên bình như thế! Đàn trâu uể oải lê bước xuống núi, cõng trên lưng vài bó củi, gùi sắn lắc lư, nhịp theo bước chân chúng là tiếng mõ kêu “lốc cốc” đều đều. Những cánh lúa rì rào thỏ thẻ lướt đều theo từng đợt gió đẩy đưa. Đám trẻ con ngồi bệt trên nền đất hay đứng tựa lưng vào cột nhà, tay cầm nắm cơm đưa lên miệng, nhồm nhoàm nhai, chẳng buồn nói câu gì. Trên đỉnh con dốc thẳng đứng dẫn lên nhà xứ, Dở-cáng (Yawm Kaav: Tiếng H’mông, nghĩa là ông trùm) đang sốt ruột nhìn xuống chân con dốc ngoằn ngoèo, ông cố đưa mắt nhìn tới tận chiếc cầu treo mảnh khảnh bắc qua con suối mãi dưới chân dốc. Ở xứ đang xảy ra chuyện lớn, chuyện gấp lắm, vậy mà Chí-plì Thanh (Txiv Plig: Tiếng H’mông, nghĩa là cha xứ hay linh mục) đi tĩnh tâm mãi chưa về! Hỏng! Hỏng mất thôi…!

***

Chí-plì Thanh mới chịu chức linh mục được mười năm nay. Mười năm linh mục thì cũng là mười năm gắn bó với các miền truyền giáo vùng dân tộc H’mông. Tình nguyện xin lên coi sóc và truyền giáo cho giáo xứ Giàng La Pún khó khăn này tám năm nay, giáo xứ xa xôi nhất, đường đi hiểm trở nhất, khó khăn nhất, nhiều bản nhất, đông anh em dân tộc nhất… Linh mục tiền nhiệm của cha Thanh là một linh mục đã bám trụ với bà con nơi đây hơn chục năm trời, ngài đã phải về Tòa Giám mục để nghỉ dưỡng vì căn bệnh thoát vị đĩa đệm, trùn cột sống, loét dạ dày… Ngày đầu tiên lên đây, tay ôm chặt vào người tài xế dân tộc H’mông trên con đường lởm chởm toàn đá phiến mấp mô; vừa leo lên được đỉnh dốc thì đã lại phải vội lao xuống con dốc khác…Chí-plì Thanh mới thấy dễ hiểu về bệnh tật của vị linh mục đàn anh. Mới chỉ có bốn mươi lăm tuổi đời mà ngài đã phải nghỉ hưu! “Rồi đây, mình cũng sẽ như vậy thôi!”- Chí-plì Thanh có chút bồn chồn, nhưng rồi lại thở nhẹ: “Mình đón nhận tất cả, miễn là bà con H’mông được biết Chúa!”.

Năm bản của giáo xứ nằm tách biệt nhau trên năm ngọn núi sát nhau. Bản của người H’mông thường thế, mỗi bản gồm một nhóm tập trung tại một triền núi rất cao. Người H’mông không thích sống với người Kinh, vì nhiều người Kinh hay lừa lọc, mánh khóe, còn người dân tộc thì thật thà, chân chất, yêu thương, thế nên họ cứ chạy mãi lên cao, lên cao tít mãi tận những vùng không có bóng dáng người Kinh nào nữa. Nhà xứ của Chí-plì Thanh được đặt ở bản trung tâm, đứng ở sân nhà thờ, có thể nhìn thấy bốn bản khác vây chung quanh, các ngôi nhà sàn chỉ còn thấy nhỏ xíu như hạt gạo, lập lờ trong những làn mây trắng ôm lấy triền núi buổi sáng. Đi từ bản này tới bản kia phải mất cả tiếng đồng hồ. Đường đi gập ghềnh, ngoằn ngoèo bó theo các sườn núi uốn lượn. Gặp hôm trời mưa thì thôi rồi! Thế nên chuyện ngã xe, đổ xe, bị thương…với Chí-plì Thanh bây giờ cũng quen rồi! Vì Chí-plì vẫn hăm hở lăn xả trên các con đường đó đến với bà con các bản, thăm hỏi, phát thuốc, động viên, dạy đạo, nói về Chúa, về Mẹ Maria, về nhà thờ, về Giáo Hội cho bà con… Người dân nơi đây tin tưởng và yêu quý Chí-plì Thanh nhiều có lẽ cũng vì thế! Vào vụ mùa, thu hoạch được gì, bà con cũng mang biếu cho Chí-plì Thanh trước: quả bí, mớ rau rừng, củ sắn, bắp ngô luộc sẵn, tảng mật ong rừng còn nóng… Có nhiều lần, bọn trẻ con còn mang biếu Chí-plì cả một xâu chuột vừa bẫy được trên rừng! Chí-plì Thanh thương họ, biết họ thiếu thốn vất vả nên đâu nỡ nhận. Nhưng, mỗi lần Chí-plì từ chối, thì nét mặt họ buồn bã đến cùng cực, họ không ngần ngại khóc to tiếng mà lủi thủi ra về, với họ, như vậy có nghĩa là Chí-plì chê, Chí-plì hắt hủi tấm lòng của họ! Làm sao một người giàu tình cảm như Chí-plì Thanh có thể chịu được cảnh tượng đó! Mỗi lần thấy vậy, nước mắt Chí-plì cứ thế tuôn ra, Chí-plì phải chạy theo, nhận cho họ và ôm họ vào lòng với tiếng cảm ơn nghẹn ngào! Về sau, Chí-plì rút kinh nghiệm: mỗi lần họ biếu, Chí-plì cứ vui vẻ nhận, rồi lại tìm cách để giúp đỡ họ cách khác. Vậy là cả hai bên đều hạnh phúc!

Năm năm lăn lộn, kết quả là bà con ở năm bản đều chịu rửa tội hết, cả xứ tới hơn bốn ngàn giáo dân đấy nhé! Trong khi cả giáo phận Hưng Hóa này mới chỉ có hơn mười hai ngàn người H’mông theo đạo thôi! Bà con H’mông tin Chúa, yêu Chúa cách đơn sơ, chân thành. Họ chẳng cần phải hiểu giáo lý gì cao siêu, họ cũng không cần phải lý luận gì ghê gớm, nhưng nơi đáy lòng họ, có một niềm tin đơn thành!

***

- Chí-plì, nhà thằng Tu ở bản Tàng 1 bỏ đạo rồi, cả nhà thằng Du, thằng Cho, thằng Thán bên Tàng 2 cũng bỏ đạo nốt rồi…

- Cái gì?

Chí-plì Thanh tái mặt, bỏ luôn chiếc xe Win đổ tự do đánh huỵch, tắt máy. Chí-plì đi tĩnh tâm linh mục đoàn giáo phận mới có một tuần nay, cộng thêm hai ngày đi đường, vậy mà ở nhà đã có chuyện lớn xảy ra như thế. Nguy to rồi! Những giáo dân H’mông, những đứa con cưng của Chí-plì nơi giáo xứ xa xôi nhất này đang bỏ cha mà đi! “Thôi rồi, công khó bao nhiêu năm cống hiến của biết bao linh mục, tu sĩ đã dấn thân, giờ như đang muốn đổ bể trong tay mình…”. Bao nhiêu ý nghĩ cứ chồng chất dồn về trong tâm trí cha. Chí-plì thấy tai mình ù đi, không phải vì việc thay đổi độ cao đột ngột trên suốt con đường đèo gần 50 Km mà cha vừa trải qua, nhưng vì cái tin động trời mà Dở-cáng vừa hổn hển thông báo cho ngài.

- Có một thằng Tin Lành lên đây truyền giáo, đúng hôm Chí-plì đi xuôi. Chẳng biết nó giảng dạy những gì đó, mà bây giờ nhiều nhà bỏ đạo đi theo nó lắm, cả chi họ thằng Dao bên Háng Chí Mua cũng đang đòi theo đạo của nó… - Dở-cáng vừa cố sức nâng chiếc xe Win lên, vừa thều thào, gấp gáp kể. (Người H’mông vẫn quen dùng cách gọi “thằng”,“nó” và xưng hô “tao-mày”, ví dụ: “thằng Thầy”, “thằng Linh mục”… Đây hoàn toàn chỉ là thói quen sử dụng từ ngữ, chứ họ không hề có ý coi thường hay thiếu tôn trọng người khác).

“Tin Lành”, hai từ mập mờ chui tọt vào đầu óc Chí-plì Thanh. Thế là chuyện trước đây đã xảy ra bên Sơn La, Hòa Bình, giờ đã lan sang tới tận cái vùng cao nhất, xa nhất, cực khổ nhất Yên Bái này rồi! Đang yên lành, bỗng giờ lại thành ra thế này!

***

Chí-plì rệu rã lết đôi chân lảo đảo ra phía nhà thờ. Khụy gối quỳ trước bàn thờ, Chí-plì ngước nhìn lên Nhà Tạm, lòng nặng nỗi u sầu tê tái: “Lạy Chúa, con phải làm gì đây khi đàn chiên của con đang gặp thử thách…?”. Cánh hoa rừng vẫn đung đưa khe khẽ bên Nhà Tạm hắt hiu. Im lặng! Dở-cáng buồn rầu bê mâm cơm, trên đó có một bát canh trong vắt, âu cơm, đĩa rau mơ sống và bát lạc rang đã ỉu xìu, cất xuống bếp. Bữa cơm thường ngày của Chí-plì và Dở-cáng! Lâu lâu có đứa nào đi huyện mới mua giúp Chí-plì được cân thịt, con cá! Hôm nay Chí-plì Thanh chạy về qua chợ huyện, ghé mua đồ ăn nhưng trên đường về, qua nhà mẹ con bà Ti đầu suối, Chí-plì đã cho hết bà mẹ góa khốn khổ đó mất rồi. Chí-plì cứ quỳ mãi trong nhà thờ, quên ăn!

***

Sáng sớm, lúc những chùm mây còn bám là là mặt đất, Chí-plì đã đèo Dở-cáng vào nhà mấy người mới bỏ đạo, lòng Chí-plì đầy băn khoăn nặng trĩu, nhưng cũng còn đó một chút hy vọng nhỏ nhoi. Trưa, người ta thấy Dở-cáng rầu rĩ chở Chí-plì ngồi thất thểu phía sau về nhà xứ. Dở-cáng tỏ vẻ khó chịu, tắt xe rồi vác cây xiên cá, hậm hực đi xuống phía con suối. Quỳ trước Nhà Tạm, cha Thanh rướm nước mắt, ngước lên Thập giá, rồi gục đầu tủi thân. Giọng nói của mấy người Chí-plì vừa tới thăm cứ văng vẳng bên tai: “Chí-plì à, tao đi theo đạo của nó thôi, vì nó bảo là đạo nó vẫn thờ Chúa Giêsu như đạo Công Giáo mà! Với lại, nó còn cho tao tiền để giúp nhà tao làm ăn nữa…!”. Phải! Thằng Cho nói đúng! Chí-plì không giúp giáo dân của mình được như người Tin Lành kia. Lâu lâu có đoàn ân nhân đến thăm giáo xứ, cùng lắm, mỗi nhà cũng chỉ được vài gói mì tôm, túi muối, chai nước mắm… Đó là tất cả những gì Chí-plì có thể xin được cho bà con! Chí-plì chưa bao giờ có khả năng để cho họ tiền vốn làm ăn! Bà con đâu có biết nỗi khổ của Chí-plì khi phải mở miệng xin xỏ chỗ này chỗ khác, việc mà Chí-plì vốn chẳng quen làm! Họ đâu biết được nỗi tủi nhục của Chí-plì khi gặp phải những đại gia cậy mình có chút của nên khinh thường, coi Chí-plì như một kẻ ăn xin, không kém! Bà con đâu biết được rằng Tin Lành vốn tách ra từ Công Giáo; và Tin Lành không tôn kính Mẹ Maria và các thánh như Công Giáo! “Lại là lỗi của mình, lẽ ra mình phải dạy dỗ họ nhiều hơn, để đức tin của họ có thể bám rễ sâu hơn, thì làm gì đến nỗi…!”– Chí-plì ngậm ngùi đấm ngực! “…Nó còn cho tao sách Kinh Thánh nữa đây Chí-plì nè, đẹp lắm!”. Cũng phải! Chí-plì nghĩ tới cuốn Kinh Thánh tiếng H’mông mà giáo phận vừa dịch xong còn để trên bàn làm việc của mình: Biết bao giờ mới xin được kinh phí để in, để phát cho bà con…! Chí-plì thấy hổ thẹn với bà con, với sứ vụ được Giáo Hội trao phó, và nhất là hổ thẹn với chính bản thân mình! “Ừhm, vậy thì họ bỏ đạo đi theo Tin Lành là phải thôi!”- Ý nghĩ chảy dài trong tâm trí Chí-plì theo tiếng thở buồn cùng giọt nước mắt xót xa, ấm ức! Chí-plì thua thật rồi!

Khuôn mặt trắng trẻo ngày nào của một linh mục thuộc diện đẹp trai nhất nhì giáo phận của cha Thanh, giờ đã sạm đen, nhăn nhăn vì nắng và vì những cơn gió Lào khắc nghiệt, tới độ những cha bạn cùng lớp vẫn hay gọi cha là khúc củi vùng cao. Đôi chân mạnh mẽ của cha trước kia giờ đã bắt đầu hành hạ cha bằng những cơn đau ê ẩm nhiều giờ; rồi lại thêm những cơn đau lưng buốt nhói nữa, cha không dám nói với ai, cũng chẳng dám đi khám bệnh vì sợ khi biết kết quả, cha sẽ phải rời xa bà con…! Tất cả những hy sinh đó, giờ điều cha đang nhận được lại là sự thất bại này sao?!

***

Dở-cáng đứng ngậm ngùi giữa trời, phóng ánh nhìn đầy chua xót và lo lắng theo dáng Chí-plì đang ghì mình trên chiếc xe Win cũ kĩ xé màn sương mờ mờ lao xuống con dốc đứng. 10 giờ trưa, cha có mặt ở nhà thờ thị trấn, xin ăn trưa tại đó sau khi đã vượt qua đoạn đường đèo 50Km ngoằn ngoèo, chênh vênh, lở lói. 1 giờ chiều, cha lên xe khách về Tòa Giám mục mãi tận Sơn Tây. 6 giờ chiều, cha xuống xe, kịp giờ ăn tối với Đức cha. Suốt bữa cơm, cha nóng ruột chẳng buồn ăn, cũng chẳng thèm nói gì. Ăn xong, cha định kéo Đức cha về phòng gấp để trình bày công việc thì Đức cha lại mời cha đi dạo. Vị Giám mục có tuổi cứ chậm rãi sải bước thong thả, còn cha thì hùng hùng hổ hổ kể về tình hình giáo xứ, về người mà cha gọi là “đang phá đoàn chiên của cha”. Đức cha nhìn cha Thanh cười cười, điềm đạm, đôn hậu:

- Cha quên câu nói của thánh Phaolô rồi sao: “Miễn là Đức Ki-tô được rao giảng” (Pl 1,18b)?

Cha ngẩn người, đỏ mặt, ngợ ngợ nhìn Đức cha:

- Nhưng mà người ta như thể là đang chiếm giáo dân của con, thưa Đức cha!

Đức cha đăm chiêu thoáng chốc, rồi nhẹ nhàng:

- Anh em Tin Lành làm như vậy xem ra cũng không đẹp lắm. Mình cũng muốn được gặp người đứng đầu của các hội Tin Lành đó mà khó quá, vì có quá nhiều hội nhỏ, mà chẳng biết phải gặp ai. Mình vẫn đang cố gắng liên lạc, hy vọng sẽ sớm gặp gỡ được với họ.

Một tiếng thở dài ý nhị, rồi Đức cha ôn tồn, tiếp:

- Bây giờ, việc quan trọng nhất là cha phải tìm gặp người anh em đó, đối thoại với người ta. Cha hãy trình bày với họ là chúng ta cũng rất ủng hộ việc các anh em Tin Lành rao giảng Chúa Kitô cho bà con dân tộc H’mông, vì còn quá nhiều người H’mông chưa được biết Chúa. Mà chính chúng ta cũng phải học tập họ trong lĩnh vực truyền giáo đấy cha ạ! Nhưng, xin anh em hãy ưu tiên rao giảng cho những người, những vùng mà nơi đó, anh em H’mông chưa biết gì về Chúa Kitô. Vì còn có cả mấy chục ngàn người H’mông Việt Nam chưa biết Chúa cơ mà! Còn những nơi chúng tôi đã rao giảng, bà con đã biết Chúa Kitô rồi, thì đâu cần anh em phải rao giảng nữa. Như thế là cả Công Giáo và Tin Lành cùng gắng sức giúp cho nhiều người được nhận biết Chúa Kitô! Cha cho mình gửi lời chào và mời anh ấy có dịp thì ghé qua Tòa Giám mục gặp mình nhé!

Rồi Đức cha phân tích, chia sẻ về đường hướng đại kết, về trăn trở của Đức Thánh Cha, về anh em Tin Lành... Cha Thanh cố gắng nuốt lấy từng lời của vị mục tử đầy thao thức yêu thương. Hôm sau, Đức Giám mục thân tình bắt tay tiễn cha lên đường trở về giáo xứ trong nụ cười tin tưởng và với lời căn dặn:

- Cha nhớ đừng có đòi độc quyền rao giảng Chúa Kitô nhé! Chúa sẽ có cách của Chúa, cha đừng quá lo! Chúc cha bình an, mình sẽ sớm lên thăm cha!

***

Chí-plì Thanh về tới bản khi mặt trời vừa chui tuột qua bên kia dãy núi. Dở-cáng đã chờ sẵn bên mâm cơm, hồi hộp, thấp thỏm chờ đợi tin vui từ Chí-plì. Nhưng không hề có!

- Dở-cáng ơi, lên xe tôi chở, vào nhà thằng Tu thăm cái anh Tin Lành kia một chút!

- Nhưng, nhưng… mà giờ muộn thế này, với lại cơm còn chưa…

- Thôi kệ đi, vào luôn thôi, nhỡ đâu mai anh ấy đi mất thì biết đâu mà tìm..!

Dở-cáng ngồi sau xe Chí-plì mà cứ băn khoăn, không hiểu!

Tới nơi, nhà thằng Tu vừa ăn cơm xong, mấy đứa trẻ còn đang nghịch ngợm bên mâm cơm tanh bành chưa kịp dọn. Người thanh niên ăn mặc khá lịch sự đang ngồi trên tấm ván giữa nhà uống bát nước lã, đối diện với thằng Tu, ngơ ngác khi thấy có người lạ tiến vào.

- Chào anh mục sư nhiệm chức! (Mục sư nhiệm chức là chức vụ cho các chức sắc Tin Lành chuyên lo việc truyền đạo, còn gọi là Giảng sư) – Chí-plì Thanh vừa chào vừa đưa tay về phía người thanh niên. Anh Giảng sư cũng lịch sự đưa tay ra bắt: - Chào linh mục!

Thằng Tu cũng bất ngờ, nó chào Chí-plì rồi ra hiệu cho Dở-cáng ra phía đầu hồi hút thuốc, để lại hai người đàn ông chỏng chơ trên tấm ván cũ mèn. Không gian trở nên quánh đặc bởi sự im lặng tới ngộp thở. Một lúc sau, Chí-plì Thanh lên tiếng hỏi han, cuộc trò chuyện được khai mở. Cha Thanh chia sẻ với anh Giảng sư trẻ về cuộc đời mình, về cuộc sống ở nơi đây, người thanh niên ngồi im, lắng nghe, tư lự… Rồi, cha nói về những lời của Đức Giám mục và cả lời mời rất trân trọng của ngài. Người thanh niên thấy bức bối trong lòng khi nghe cha Thanh cứ nhắc đi nhắc lại “Công Giáo và Tin Lành là anh em với nhau”, thực ra, anh lấy làm khó chịu vì anh đang muốn né tránh điều đó, anh sợ phải nhìn nhận sự thật đó. Cha Thanh im lặng chờ đợi phản ứng của chàng Giảng sư, và rồi, anh cũng lên tiếng. Anh Giảng sư thẳng thắn đề cập tới cái nhìn của Tin Lành về Công Giáo. Anh cũng nhắc lại nguyên nhân gây chia rẽ, nhắc lại những sai lầm của Giáo Hội Công Giáo trong quá khứ. Cha Thanh chột dạ, nhưng vẫn nhẫn nại, vui vẻ lắng nghe. Rồi khi anh Giảng sư nói về Đức Mẹ, rằng Mẹ không còn đồng trinh… thì Dở-cáng nãy giờ vẫn cố nén ngồi im mà nghe, giờ không kìm được nữa, đôi mắt đỏ hừng hực, ông đứng phắt dậy, vớ con dao phát dựng bên cột nhà, hầm hầm lao vào trong nhà trước sự ú ớ của thằng Tu. Thấy dáng Dở-cáng lao về phía anh Giảng sư, con dao vung lên, Chí-plì Thanh chỉ kịp hét lên một tiếng: Dở-cáng!

Áa…á…á… Một tiếng kêu đau đớn, một người gục xuống, máu me thấm đỏ chiếc sơ mi trắng. Dở-cáng tái mét mặt, miệng há hốc, gào lên đau đớn: Chí-plì!

Chí-plì Thanh nằm dài trên vũng máu, tay chân giật giật, con dao phát vẫn dính chặt trên bả vai trái, vài tia máu vẫn phun ra…

***

- Bệnh nhân mất quá nhiều máu, cần chuyền máu gấp. Ai là người thân, xin theo tôi ngay!

Bọn thằng Tu và Dở-cáng còn đang khóc lóc sụt sùi, chưa biết phải làm sao, thì một cánh tay dơ lên:

- Xin bác sỹ lấy máu của tôi, tôi nhóm máu O!

Dở-cáng ngơ ngác: thằng Giảng sư!

***

Người đàn ông rũ rượi, vật vã bên chiếc giường bệnh nhân trắng toát, hết đấm ngực lại vò đầu bứt tai, gào khóc thê lương, thảm thiết, tiếng khóc ăn năn, tiếng khóc trách mình: “Chí-plì ơi, tao xin mày hãy tỉnh lại, mày đừng chết! Tao xin lỗi mày, lỗi tại tao hết, tại tao nóng nảy, tại tao quên lời mày dạy phải yêu thương cả kẻ thù… Tao xin Chí-plì đừng chết, người đáng chết là tao…!”

Chí-plì gắng hết sức bình sinh, cố nhấc cặp mi lên để mở đôi mắt, cha cố nhiều lần lắm, và cuối cùng thì cũng có thể hé đôi mắt quá đỗi nặng nề của mình. Mập mờ hiện lên trước mắt cha, hai người đàn ông đang gục vào nhau mệt nhoài mê man bên cạnh giường. Một người rất quen: “A, là Dở-cáng!”- Cha reo lên trong trí; còn người kia, lạ lẫm, cha cố nheo mắt nhìn kĩ hơn: “Trời! Là anh Giảng sư!”. Cơn đau đớn lại khiến cha lịm đi…

***

- Chí-plì tỉnh rồi! – Thằng Tu mừng quýnh reo lên khi thấy đôi mắt Chí-plì khẽ mở. Dở-cáng thở phào, miệng vừa nhoẻn cười sung sướng thì đã bất giác sa sầm nét mặt, nước mắt chợt tuôn ra nơi khóe mi. Ông quỳ thụp xuống, nghẹn ngào trong tiếng nấc: - Chí-plì, xin mày tha tội cho tao…hức…ức…

Chí-plì cố gắng nhấc bàn tay lên, thều thào: “Cha tha tội cho con…”. Nhìn cảnh Chí-plì miệng mếu máo, đôi mắt ướt nhèm đang cố đưa ánh nhìn yêu thương về phía Dở-cáng, cả đám người không kìm được nước mắt, tất cả cùng òa khóc! Khóe mắt của chàng Giảng sư nãy giờ vẫn tỏ ra lạnh lùng, giờ cũng thấy rưng rưng…

- Chí-plì à, bọn tao xin lỗi Chí-plì! Tại bọn tao không hiểu rõ nên mới bỏ đạo theo Tin Lành thôi. Chứ bây giờ, chúng tao biết lỗi rồi, chúng tao xin Chí-plì tha tội. Người Mông chúng tao tin, yêu Chúa Giêsu và cũng yêu Mẹ Malia (Malia: phiên âm tên Mẹ Maria trong tiếng H’mông) nữa, chúng tao không bỏ Mẹ Malia đâu!- Giọt nước mắt chợt tuôn khiến thằng Tu không nói tiếp được, nó đứng đưa hai tay lên lau nước mắt sụt sùi. Thằng Dao cũng sụt sùi, tiếp:

- Bọn tao đã mang tiền trả lại cho thằng Tin Lành rồi. Bọn tao thà ở nghèo, ở khổ mà được Chúa với Mẹ thương chứ không bỏ Chúa với Mẹ đâu. Bọn tao cũng không ghét thằng Tin Lành nữa, vì nó cũng là con Chúa như chúng mình mà! Chí-plì đừng giận bọn tao nữa nhé!

Khóe mắt cha Thanh cay sè, cha mỉm cười, khẽ gật đầu!

***

Cha Thanh tỉnh giấc khi có ai đó khẽ cầm tay cha, nhướng mắt nhìn, thì ra là anh Giảng sư đang ngồi ở mép giường. Anh Giảng sư có vẻ hơi lúng túng khi gặp ánh nhìn đó, nhưng rồi, anh mỉm cười nhìn cha Thanh, giọng chân thành:

- Anh Thanh, cảm ơn Đức Chúa Trời đã cho anh qua khỏi. Em biết Chúa không để anh chết đâu!- Hơi ngập ngừng, anh tiếp: Chúng mình là anh em nhé, anh Thanh!

Ngoài kia, mặt trời vừa ló dạng trên nóc quả núi. Ánh sáng tinh khôi le lói xuyên qua lớp sương mỏng, chiếu khắp núi rừng. Một màu xanh dịu sáng trong ánh nắng hòa chan! Bầu trời trong xanh không gợn một bóng mây. Từng chùm mây trắng mỏng bó quanh sườn núi đang trùng trình bay lên, tan biến trong ánh nắng… Một mùa nắng mới trên vùng cao!

 
Đêm đêm thao thức nhớ người
Nhớ ôm gối chiếc lệ rơi thành dòng
Thời gian nhích nhịp ngóng trông
Trôi từng tiếng thở đêm đông lạnh lùng
Hết rồi ngày tháng ung dung
Bao nhiêu suy nghĩ mông lung dại khờ
Âu lo kiếp sống bơ vơ
Người xa người sẽ không bờ tựa nương
Trần gian kiếp sống vô thường
Nay còn, mai mất vấn vương thêm buồn
Chiều xa vang vọng tiếng chuông
Con quì bên Chúa xin nguồn ủi an
Chúa thương mở lối thiên đàng
Xót con đau khổ tha ngàn tội nhơ
Thương con ý nghĩ xa mờ
Chúa ban cho một giấc mơ nhiệm màu
Ngày về vĩnh cửu nghìn sau
Phục sinh rồi sẽ có nhau trong đời
Không còn giây phút xa rời
Trong nhau, trong Chúa sáng ngời bình yên.
 
Sao Mai (Quảng Ngãi)


(Mã số: 17-089)

- Chuyện vậy mà ông còn giấu được sao?

Mục sư Tám bối rối trả lời trong lúc lấy khăn lau khuôn mặt đẫm mồ hôi:

- Tôi, tôi… có giấu giếm gì đâu…

Nhìn ông ấp úng, những người chung bàn càng thêm bức xúc:

- Chẳng lẽ ông hết cách rồi à?

- Tệ quá, vậy thì làm gương cho ai?

Nhắm không ổn, mục sư Tám bước ra ngoài đứng trầm ngâm một lát rồi lặng lẽ đi về dù buổi họp mặt chỉ mới bắt đầu. Người ta nói đúng, cây kim trong bọc có ngày còn lòi ra thì huống chi chuyện này.Vì nó mà thời gian qua ông cứ sống trong tâm trạng lo lắng, bất an. Chỉ qua mấy nhiệm kỳ mà hành trình phục vụ của ông đã thay đổi nhiều. Các tín hữu luôn là những người đầu tiên lời ra tiếng vào, rồi đến ý kiến từ các hội đoàn, sau cùng ban chấp sự đưa đơn lên Hội đồng tổng liên hội xin thay mục sư khác. Mà cho dù họ không ý kiến thì ông cũng khó ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa vì sự tín nhiệm cứ tuột dần.Từ một mục sư có tiếng ở thành phố, qua mấy lần luân chuyển, giờ ông về quản nhiệm Hội thánh ở một nơi khá hẻo lánh.

Thì cũng bắt nguồn từ cái chuyện thằng Nhân, con trai ông, đi lễ ở nhà thờ Công giáo. Lúc đầu ông cứ nghĩ do tính ham vui, nó đi theo đám bạn đại học thôi. Nhưng với lý do gì đi nữa thì ông cũng đã lên tiếng răn đe nó.

Mùa Giáng Sinh năm đó, công việc của Hội Thánh chất chồng như núi nên ông chẳng lấy đâu ra thời gian mà để tâm đến chuyện của nó. Ai mà ngờ được, vài tháng sau, có người cho ông hay Nhân đã vô đạo Công giáo từ lâu. Phải chi con ông lơ là chuyện thờ phượng Chúa, phải chi nó tiêu xài hoang phí hay ăn chơi trác táng, có lẽ ông sẽ thấy dễ chịu hơn. Vì nếu con ông có hư đốn cách mấy thì ông cũng sẽ tận tay dìu dắt nó về đường ngay, nẻo chính. Là một mục sư nên ông hiểu, khi rơi vào tình trạng bế tắc của tội lỗi cũng là lúc con người sẽ khát khao lẽ Công Chính. Nhờ đó, họ sẽ tìm thấy chút ánh sáng nơi tận cuối đường hầm, dù nhỏ nhoi nhưng vẫn đủ soi chiếu lối về với Chúa. Trái lại, con ông luôn sốt mến, hằng cậy trông vào Chúa bằng cả con tim, bằng nỗi khát khao kiếm tìm Chân Thiện Mỹ nhưng ông lại cố công cản ngăn, cấm đoán. Vẫn biết Chúa của nó lẫn Chúa của ông cũng chỉ là một Đức Chúa Trời mà trọn đời ông đã dốc lòng phụng sự. Nhưng lúc này, trên cương vị của mình, ông không thể làm khác hơn được. Đứa con đang bắt ông đi tìm lời giải cho một bài toán quá khó.

Từ lúc biết tin Nhân theo đạo Công giáo, Hội thánh nơi ông quản nhiệm đã không còn như trước. Họ chống đối ông ra mặt. Chúa nhật hằng tuần, số người đến nhà thờ đã ít nay càng ít hơn. Buổi nhóm của các ban chỉ loe hoe vài mống. Mỗi lần hội họp, ban chấp sự ồn ào như cái chợ vì giờ ông nói có ai thèm nghe đâu. Nhưng đau nhất là câu nói của mục sư tổng thư ký liên hội chẳng khác nào cái tát tai cảnh tỉnh: “Nói thật ông đừng buồn, có một đứa con mà dạy dỗ không xong nữa thì truyền giảng cho ai được chứ?”.

Vậy mà sau đó, chính ông đã giáng xuống con mình cái tát tai thật sự khi nó báo tin sắp vào Đại Chủng Viện. Đến lúc này ông đã không thể hiểu vì sao nó có một quyết định động trời như vậy. Con đường thẳng tắp, thênh thang không theo mà nó lại lựa chọn một lối đi gập ghềnh, cách trở. Đã bao lần ông khuyên nó thi vào Viện Thánh Kinh Thần Học Miền Nam để nay mai nối nghiệp ông, cùng chung tay mở mang Nước Chúa. Nhưng từng đó năm, những lời tâm huyết của ông bị nó bỏ ngoài tai mà âm thầm thi vào Đại Chủng Viện. Đã từng dạy học và trong cách giáo dục của mình ông không bao giờ dùng tới đòn roi. Nhưng trong lúc thiếu kiềm chế ông lại dành cho con mình một cái tát nảy lửa. Không biết nó có đau lắm không, nhưng ông lại thấy đau, đau thật nhiều. Đau từ sự bất lực, bế tắc của người làm cha. Một nỗi đau cứ ngấm sâu, day dứt và âm ỉ mãi.

Từ ngày nhập học ở Đại Chủng viện, hằng năm Nhân chỉ về nhà hai lần vào kỳ hè và dịp nghỉ tết. Mỗi đợt chỉ mươi ngày rồi cậu lại đi. Gặp ông, cậu cũng chỉ thăm hỏi vài câu cho có rồi lảng đi nơi khác. Ông hiểu nó tránh mặt mình vì dạo đó đến nay hai cha con cứ gặp nhau là xung khắc. Từ ngày bà mục sư về với Chúa, một mình ông vừa làm cha lại vừa làm mẹ. Ai cũng khuyên ông đi thêm bước nữa để gia đình được yên ấm hơn với bàn tay người phụ nữ, để ông có người bầu bạn sớm khuya. Nhưng ông lại sợ người ta không thương con mình, sợ cái cảnh mẹ ghẻ - con chồng và biết bao cái đáng sợ khác. Tất cả tình yêu, bao nhiêu hy vọng ông muốn dành hết cho đứa con độc nhất của mình.

Chuyện nhà ông giờ cứ như con tàu sắp sửa lệch bánh vì cha con ông có khác gì hai đường ray dù song hành nhưng mỗi ngày một thêm xa cách. Thiếu quan tâm thì gia đình có khác gì quán trọ. Trong Chúa và nhờ ơn phước Chúa mà ông có được tất cả. Rồi giờ đây, vì Chúa mà cha con ông lại ngập chìm trong mâu thuẫn, bất đồng:“Các ngươi tưởng ta đến đem sự bình an cho thế gian sao? Ta nói cùng các ngươi, không, nhưng là đem sự phân rẽ. Ba người nghịch cùng hai, hai người nghịch cùng ba;cha nghịch cùng con trai, con trai nghịch cùng cha…” (Lu-ca 12, 51-53a) *.

Ngày Nhân về báo tin sắp lãnh nhận chức linh mục cũng chính là ngày mục sư Tám thấy đất trời như sụp đổ ngay dưới chân ông. Tâm trí ông như sợi dây đàn bị tăng lên hết mức. Không kịp suy nghĩ thiệt hơn, ông nhào tới túm lấy ngực áo cậu, tay kia nắm chặt giơ cao…rồi bất ngờ buông xuôi cùng tiếng thở dài bất lực.

- Ba à, con muốn…

Nhân vừa mở lời, ông vội vàng xua tay cắt ngang:

- Ba không muốn nghe điều gì hết!

Đã lâu lắm rồi cha con ông mới có dịp cùng ngồi lại. Sự im lặng kéo dài làm cho khoảng cách vô hình giữa hai người đàn ông càng thêm ngột ngạt, bức bối. Lặng im vì chẳng ai biết phải chấp nối từ đâu trong một câu chuyện đã bắt đầu từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể kết thúc. Mãi một lúc sau ông mục sư mới lên tiếng:

- Về với Hội thánh Tin Lành đi, vẫn còn kịp con à!

Giọng Nhân nhỏ nhẹ gần như năn nỉ:

- Ba, con vẫn không hiểu vì sao đến lúc này ba cứ nghĩ con đường con đang bước là lối mê và tôn giáo con theo là một chọn lựa lầm lạc?

- Vậy con nói đi, có gì hay ho ở một Giáo hội già nua, cổ hủ chỉ đua nhau xây dựng mấy cái tháp chuông chọc trời, những ngôi nhà thờ nguy nga lộng lẫy thay vì dốc sức rao giảng Lời Chúa?

- Ba đang làm con nhớ đến câu chuyện người biệt phái cầu nguyện trong đền thờ…

Mục sư Tám đập bàn giận dữ:

- Im ngay, mày dám…

Mặt bàn vô tri nên chẳng hề hấn. Còn bàn tay ông, đau một chút rồi cũng thôi. Chỉ có hai con tim đang rạn vỡ, rướm máu, âm ỉ nhói đau. Bốn mắt nhìn nhau, ai cũng rưng rưng, xót xa, đau đớn. Cha con ông chịu đựng nhau quá nhiều rồi. Tức nước,vỡ bờ là chuyện đương nhiên. Cũng từ cái nhìn trực diện ấy, Nhân chợt nhận ra từ nét mặt tiều tuỵ của ông mục sư cùng ánh mắt như chất chứa bao nỗi ưu tư, muộn phiền.

Vẫn cái giọng nhỏ nhẹ mà cương quyết, Nhân nói tiếp:

- Có tập thể nào của con người tránh được thiếu sót, sai lầm đâu hả ba? Nhưng người Công giáo cũng đã lên tiếng xin lỗi về những thiếu sót của mình trong quá khứ và không ngừng hoán cải.

Im lặng một lúc, rồi thầy thở dài:

- Người Tin Lành luôn đề cao sự cải cách để rồi hôm nay đã phân hoá thành hàng ngàn hệ phái khác nhau.Trong lúc con chỉ muốn kiếm tìm một Mẹ Hội thánh hiệp nhất. Mỗi người chỉ có một lần được sống trên cuộc đời này thôi ba à. Con hiểu ba vẫn luôn yêu thương con nhiều lắm nhưng xin ba hãy cho con được tự mình bước đi trên con đường đã chọn…

Mục sư Tám cảm nhận cái nhói đau từ trong lồng ngực. Ông lảo đảo mấy bước rồi buông người xuống ghế thều thào:

- Ra ngoài đi…

Nhân lui bước, một mình mục sư Tám ngồi lại giữa ngôi thánh đường mênh mông, im lắng. Đây là nơi ông vẫn cất cao lời truyền giảng trước hằng trăm tín hữu. Chính ông đã thổi bùng lên ngọn lửa sốt mến, truyền cho họ lòng nhiệt thành để tất cả cùng chung tay mở mang Nước Chúa Trời. Nhưng đêm nay, chính nơi đây, ông đang cảm nếm sự bẽ bàng của một chiến binh thất bại, đã ngã gục dù khí giới vẫn còn nắm chặt trong tay. Ông đang đối diện với Chúa và với chính mình. Một nỗi buồn mênh mang cùng nỗi cô đơn tái tê đang len lỏi, xâm chiếm rồi vây phủ cả tâm hồn ông. Giữa ngôi thánh đường không một bóng người, ông thấy mình tựa người lữ khách đang lạc lối, bơ vơ trong sa mạc quạnh vắng. Càng bước đi, đôi chân ông càng thêm chênh vênh, trĩu nặng, lún xuống rồi vùi sâu trong lớp cát bỏng. Giữa cái mênh mông đến vô cùng ấy, tiếng than van của ông như càng thêm lạc lõng, một mình ông đơn độc giữa tiếng thét gào của gió, giữa những lớp cát bụi mịt mờ. Vẫn biết ngày này sẽ đến nhưng ông không ngờ thời gian lại quá đỗi vô tình. Trọn cuộc đời này ông đã toàn tâm toàn ý hầu việc nhà Chúa vậy mà tại sao chính Chúa lại cướp lấy đứa con yêu quí, niềm hy vọng duy nhất của ông… Tại sao lời nguyện cầu của con ông luôn được nhậm lời trong lúc lời cầu xin của ông dường như chẳng thấu tới trời cao? Ông thất bại có lẽ do lời nguyện của ông được ươm mầm từ sự nhỏ nhoi, được dệt nên bởi những bất đồng, mâu thuẫn. Có lẽ vì ông muốn mọi việc phải được lèo lái theo ý mình chứ không phải đi tìm ý Chúa, chứ nào có phải Đức Chúa trên cao đã thiếu công bằng.

Ông đang thầm hỏi, từ bao giờ mình đã trở nên con người nóng tính, cộc cằn như vậy. Với tín hữu, ông mãi là một mục sư nhân lành, vui tính nhưng tại sao ông cứ phải đóng vai phản diện khi đối mặt với đứa con mà ông hết mực thương yêu? Mấy ai hiểu được trong thâm sâu ông cũng có đầy rẫy những nỗi khổ tâm mong được chia sớt. Thái độ lạnh lùng lâu nay cũng chỉ là một màn kịch hoàn hảo do chính ông tự biên, tự diễn trước mặt con mình. Chứ từ trong thâm sâu, ông vẫn âm thầm dõi theo từng đường đi, nước bước của nó. Nói cho cùng ông cũng là một người cha, thì cho dù có là người gian ác đi nữa ông cũng không thể đặt vào tay con hòn đá khi nó xin cái bánh và càng không thể cho nó con rắn thay vì cá (Lu-ca 11,11)*.

* * *

Sân nhà thờ chính toà của ngày đại lễ tưng bừng, nhộp nhịp với những sắc màu cờ hoa rực rỡ. Trong âm thanh trầm bổng của dàn kèn đồng, giữa những hồi chuông ngân vang rộn rã các tiến chức hân hoan bước vào tiền đường cùng các bậc song thân. Chỉ có thầy phó tế Nhân bước đi lẻ loi với nét mặt đượm buồn. Nơi dành riêng cho gia đình thầy chỉ có vài người bạn chí cốt thời đại học đến dự trong khi những hàng ghế khác không còn một chỗ trống nào. Thầy mỉm cười chào các bạn rồi tự an ủi mình với câu thánh vịnh thân quen:“Dầu mẹ cha có bỏ con đi nữa, thì vẫn còn có Chúa đón nhận con” (Tv27,10).

Ngay từ đầu, con đường ơn gọi của Nhân đã không hề có mẹ và thiếu cả người cha. Bà mục sư mất từ lúc Nhân vẫn còn quá nhỏ, vào cái tuổi cậu vẫn chưa biết buồn vì sự ra đi đó. Tháng ngày trôi qua cậu mới dần cảm nếm rõ hơn nỗi mất mát khôn lường cùng sự cô đơn khôn nguôi của đứa con không còn mẹ. Nhưng Chúa đã ban cho Nhân một người phụ nữ khác để sẻ chia, nâng đỡ cậu trên con đường tận hiến thay cho người mẹ đã khuất.

Hồi ở đại học, Nhân thường đi cùng đám bạn đến khuôn viên nhà thờ Bình Triệu để học nhóm vì nơi đó khá rộng rãi và thoáng mát. Qua lời những người bạn Công giáo, cậu mới biết đây còn là trung tâm hành hương nhằm tôn kính Đức Mẹ Fatima. Mỗi lần đến đây, tụi bạn luôn ghé qua nhà thờ cầu nguyện khoảng 5,10 phút rồi mới bắt đầu buổi học. Lúc đầu Nhân cũng không thích lắm cái chuyện này vì với đạo Tin lành bà Maria chỉ là người sinh ra Chúa Giêsu thôi, không phải thờ phượng như Công giáo vậy đâu. Nhưng trong những lúc chờ đợi mọi người, cậu cũng bắt đầu tò mò bước vô thử bên trong nhà thờ Công giáo xem có gì khác lạ hay không. Và Nhân đã bị cuốn hút bởi bức tượng người phụ nữ với nét đẹp dịu dàng, nhân hậu trong nếp áo trắng tinh. Dưới chân bà luôn ngập tràn những đoá hoa sắc màu rực rỡ do mọi người tới dâng cúng.

hình ảnh nhà thờ Fatima Bình Triệu

Từ chỗ không bằng lòng, dần dần Nhân lại mong cho đám bạn kia cầu nguyện lâu thêm cũng được vì cậu bắt đầu thấy thích cái chỗ này. Nhân cảm thấy được thư thái, bình an hơn mỗi lần ghé đây. Chính Nhân đã làm cho những đứa bạn trong nhóm trố mắt ngạc nhiên vào cái hôm cậu nhờ tụi nó chỉ cho cách đọc Kinh Mân Côi. Con trai ông mục sư mà đi tìm hiểu về Đức Mẹ, về Kinh Mân Côi thì đúng là chuyện lạ trên đời. Tụi nó đâu hề biết rằng Nhân đã tìm thấy hình bóng người mẹ đã khuất của mình chính nơi Mẹ Fatima. Nói cách khác, Mẹ Fatima là người mẹ mà Nhân hằng mong ước có được. Một người mẹ, một mẫu gương đạo đức để cậu noi theo. Nhờ lời kinh Mân Côi những khắc khoải, ưu tư trong tâm hồn Nhân đã được Mẹ Fatima an ủi, lấp đầy. Cũng từ đó trong mọi biến cố của cuộc đời Nhân đều có Mẹ. Cứ mỗi lần hai cha con gặp chuyện xung khắc, Nhân đến nguyện cầu cùng Mẹ thì sau đó mọi thứ dường như đều ổn thoả. Và cũng qua những lời kinh tuyệt vời ấy, Mẹ Fatima đã dẫn dắt Nhân tiến những bước xa hơn trên hành trình về với Giáo hội Công giáo.

Chính nhờ bàn tay chở che, nâng đỡ của người mẹ thiêng liêng ấy, Nhân đã quảng đại đáp lại tiếng kêu mời của Chúa bằng cách dấn thân trọn vẹn hơn cuộc đời mình trong ơn gọi thánh hiến. Để rồi Nhân chợt nhận ra đó là một quyết định hết sức khó khăn vì bất cứ sự lựa chọn nào cũng luôn gắn liền với việc từ bỏ những cơ hội khác. Một bên là con đường hoạn lộ để Nhân trở thành một mục sư đã được bởi người cha, còn một bên là cuộc sống dấn thân trở nên linh mục dưới sự dắt dìu của Mẹ. Sau tất cả, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, cậu đã tìm ra được con đường chân lý của đời mình, trở thành người linh mục của Chúa. Hạnh phúc như được nhân lên khi ngày cậu được lãnh nhận sứ vụ linh mục đúng vào dịp Hội thánh Công giáo kỷ niệm 100 năm Mẹ hiện ra ở Fatima.

Dù vậy Nhân vẫn cảm thấy nuối tiếc và hối hận vì vẫn còn nợ cha một lời xin được tha thứ. Bởi những quyết định liên tiếp của cậu đã đẩy ông mục sư vào những hoàn cảnh khó khăn, bất lợi khi phải đối diện với Hội Thánh, với các mục sư và với cả các tín hữu…

* * *

Sau nghi thức diễn nghĩa, các tân chức bước xuống đón nhận áo lễ từ tay cha mẹ. Cha Nhân nhìn thoáng đằng xa dường như có ai đó đang cầm chiếc khay đựng áo lễ của mình. Lại gần hơn, cha thảng thốt nhận ra người đàn ông đó chính là mục sư Tám. Cha bước nhanh tới ôm choàng bờ vai cha mình rồi bất ngờ quỳ xuống, phủ phục. Lặng đi một lúc cha mới đứng lên đón nhận chiếc áo lễ từ tay ông mục sư. Ánh mắt của hai người đàn ông lại chạm nhau, rưng rưng. Nhưng hôm nay, những ánh mắt ấy được đong đầy bởi yêu thương và cảm thông, bởi bình an và tha thứ. Hai bờ vai rung lên hạnh phúc.

Đến lúc này ông vẫn không hiểu vì sao mình lại có mặt nơi đây, trên hàng ghế danh dự ở một thánh đường Công giáo. Chỉ biết có một sức mạnh vô hình nào đó đã thôi thúc ông phải đến. Ông chợt nhớ đến lá thư viết tay của linh mục giám đốc Đại Chủng Viện gửi đến ông trước đó:

“…Thưa mục sư, vẫn biết giữa hai Giáo hội Công Giáo và Tin Lành vẫn còn nhiều bất đồng kéo dài từ quá khứ cho đến mãi hôm nay. Tuy nhiên chúng ta đều là những Kitô hữu, cùng tôn thờ một Thiên Chúa, cùng tuyên xưng một đức tin, cùng được Thanh tẩy bởi một phép rửa và cùng rao giảng một Kinh Thánh. Những điều hợp nhất chúng ta lớn hơn những điều đã từng làm chúng ta chia rẽ. Huống chi đây là thời gian cả hai Giáo hội cùng nhìn lại cuộc cải cách của mục sư Martin Luther cách đây 500 năm và 50 năm đánh dấu cho hành trình tìm về đoàn tụ với nhiều hy vọng, mong ước về một tương lai tốt đẹp hơn.

Xin mục sư hãy đến tham dự thánh lễ thụ phong linh mục với tư cách những Kitô hữu chung một niềm tin về Cha trên trời, Đấng Giàu Lòng Thương Xót.

Và sau hết, xin mục sư hãy đến với tư cách của một người cha, để chia sẻ niềm vui với sứ vụ linh mục mà thầy Trần Trọng Nhân sẽ lãnh nhận…”

Chính dòng chữ sau cuối đó đã khơi lên tình phụ tử mà bấy lâu nay ông đã cố tình quên lãng, là động lực thúc đẩy ông phải đến chung vui cùng con mình bằng mọi giá. Sao có thể buồn khi con ông đã tìm ra được hướng đi của cuộc đời, khi cánh đồng truyền giáo đang có thêm nhiều thợ gặt trẻ trung, nhiệt thành. Những âm thanh du dương trầm bổng làm con tim ông xao xuyến, bồi hồi với một cảm xúc rất lạ mà có lẽ đã lâu lắm rồi ông chưa có được. Bình an, đúng rồi đó là ơn bình an mà dường như bấy lâu nay ông đã đánh mất. Một cảm xúc bình an tràn ngập trong tâm hồn: “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết sẽ ghìm giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Giê-su Christ” (Phi-líp 4:7)* .

Con ông nói đúng, cho dù yêu thương mấy thì ông vẫn không thể sống thay cho nó được. Đã có những linh mục, đại đức trở nên mục sư thì việc con trai một mục sư trở thành linh mục cũng là chuyện có thể chấp nhận được. Bởi lẽ tuy cùng chung niềm tin về Đức Chúa Trời nhưng mỗi người đều có thể chọn cho mình cách diễn tả khác nhau về niềm tin ấy hay một hướng đi phù hợp. Cha con ông chỉ có thể cùng nhìn về một hướng khi biết dừng lại mọi lời lẽ khích bác, gác lại một bên những bất đồng, dị biệt. Cũng vậy, khi người Công Giáo và người Tin Lành biết đón nhận nhau bằng cả tấm lòng quảng đại, thứ tha thì tất cả những chuyện được mất, hơn thua hay đúng sai cũng chỉ là vô nghĩa. Chỉ có nhịp đập của những con tim được thôi thúc cùng tiến bước trên con đường tiến về hiệp nhất.

Trên bàn thánh, cha Nhân cùng các tân linh mục đang hiệp dâng thánh lễ. Gương mặt ai nấy đều ánh lên niềm vui và hạnh phúc. Còn ông đang lắng tai nghe cộng đoàn chung lời ngợi khen Thiên Chúa với bài thánh ca mà ông ngỡ như chỉ dành cho riêng mình:

Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.

Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha.

Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ.

Xin kết hiệp muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời.

---------------------------------------------------------------------------------------

* Trích dẫn theo Kinh Thánh Tân Ước của Hội Thánh Tin Lành Miền Nam.

Cha ơi!
Đã một thời con đi tìm hạnh phúc
Giữa cuộc đời chen chúc đóa phù dung
Con nhìn thấy chung quanh đầy hư ảo
Khiến lòng người lắm lúc hóa đảo điên
Có những lúc men say nồng cốc rượu
Có những lúc mỉm cười dấu lệ rơi
Mặc vòng xoáy cuộc đời theo gió cuốn
Con nào biết Cha thương xót ngập tràn!

Cha ơi!
Đã bao lần con trót dại vong ân
Cứ mải miết buông thân vào gió bụi
Bỏ mặc Con Cha tủi buồn trên giá gỗ
Với toàn thân loang lổ máu cứu đời
Dấu đinh nào Người đau đớn vì con
Cha yêu con, yêu cả những lỗi lầm!
 
Cha ơi!
Tình Cha đã yêu con như thế
Từ hừng đông cho đến mãi xế tà
Cha vẫn đợi con trong tình Cha chất ngất
Rất mực khoan dung, Cha mong con quay bước trở về
Cha chẳng hề trách con sao hờ hững
Vẫn đổ trên con lai láng những ân thiêng
Cha nghiêng xuống đời con là bóng mát
Một biển hồ bát ngát máu tim Cha!
 
Cha ơi!
Cha cóbiết! Đối với đời thường
Yêu như Giê-su, người ta bảo yêu cuồng!
Yêu đến nỗi chết trần truồng trên giá gỗ
Để tỏ tình dâng hiến của Người Con!
Ôi, mối tình sắt son còn ấp ủ
Vì nhân loại còn ngủ mê trong tội lỗi
Tình Giê-su vẫn thôi thúc gọi mời
Hai luồng sáng từ trái tim Người dẫn lối
Chỉ cho con lòng thương xót của người Cha
Qua lời thánh nữ Faus-ti-na
Đã cho con một niềm tin yêu tín thác!
 
Cha ơi!,
Hôm nay con mới hiểu
Tình yêu của Cha chẳng thể nào vơi cạn
Vì biển hồ thương xót giữa tim Cha
Là nguồn nước, là máu của Người Con chí ái
Có lẽ nào lòng Người Cha không dậy sóng
Một đại dương thương xót đến vô bờ
Chờ nhân loại dìm mình vào trong đó
Để ngọn gió Thánh Linh làm mới những quả tim
Để thỏa lòng xót thương của Người Cha luôn da diết!
 
Cha ơi!
Con đã biết tình Cha dành cho nhân loại
Là cả khối chân tình vĩ đại !
Vì Cha yêu chúng con tha thiết
Đã chẳng tiếc gì Con Một, đã sai đi.
Đấng Thiên sai đã xuống thế làm người
Để chịu lụy, để thông phần đau khổ
Để tỏ lộ tình yêu Cha là tuyệt đối!
 
Cha ơi!
Cha đã chẳng đối với con như con đáng tội
Cha đã gọi mời con ngả vào lòng thương xót của Cha
Thế mà bao phen con lại nỡ khước từ
Hôm nay con như người vừa bừng tỉnh
Đón bình minh trên biển hồ của tình Cha lân tuất
Con tín thác vào Cha tất cả cuộc đời
Cha ơi, Cha là biển hồ thương xót vô biên
Con chẳng còn sợ buồn phiền gian khổ
Chỗ dựa của đời con là lòng thương xót của Cha...
 
Vũ Thủy

 

“Lạy Chúa Giê-su, xin tha tội cho chúng con.
Xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục.
Xin đem các linh hồn lên thiên đàng,
nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”

 

Ai dám bắt Chúa phải thương xót con
Thương xót nhiều hơn những linh hồn khác
 
Nhưng vì con, ả giang hồ lưu lạc
Đến tận cùng kiếp đen bạc trầm luân
Mới hay, nơi đâu tội lỗi đầy tràn
Ở nơi đó chứa chan tình thương xót


Con cứ tưởng tiêu tan thân bèo bọt
Ngờ đâu, được sống sót để tri ân
Ngàn tội xa, chẳng sánh nổi chút tình gần
Lòng Thương Xót quên tháng năm quá khứ
 
Chúa biết con giao du cùng quỷ sứ
Vẫn âm thầm theo gìn giữ chân con
Chỉ vừa khi đời trắng mắt héo hon
Chúa đã đến bên con chiều tàn tạ
 
Chúa biết con phút đau thương đói lả
Máu Nước Người tuôn xối xả xuống con
Cho vơi đi cơn khát giữa mất, còn
Mở trí con, cần đến lòng thương xót
 
Bởi nếu không, con hóa thành bèo bọt
Tan nghìn năm, trong bãi rác hư vô
Lòng xót thương xây dựng lại cơ đồ
Chúa không để mất ả giang hồ của Chúa
 

ả giang hồ

IV. CHÚT TÂM TÌNH

(tiếp Phần I; Phần II & Phần III)
Giờ đây quỳ trước Thánh Thể Chúa Giêsu, tôi không còn nghe tiếng hát não nuột
“Mưa rừng ơi! Mưa rừng...
Hạt mưa nhớ ai mưa triền miên

Mà trong tôi thánh thót vang lên bài diễm ca “Bao la Tình Chúa” của nhạc sĩ Mai Thiên Vân
Bao la Tình Chúa yêu con
mênh mông như biển Thái bình
dạt dào như ngàn con sóng
vỗ về năm tháng đời con.
Tình Ngài như mưa đỉnh núi
suốt đời con đổ dạt dào
một Tình yêu vô biên
một Tình yêu vô biên.

Ca từ bài hát sao trùng hợp lời bài thơ “Tình Mưa” của thi sĩ An Thiện Minh đến thế

“Mưa ! Mưa ! Mưa ! Từ đỉnh cao chót vót !
Rơi trên đồi cho sóng mắt lao xao !
Rơi tràn tuôn trắng mướt cả sông đào !
Nguồn lai láng dòng trường sinh ân chảy !”


Và trong ánh sáng đức tin, khi nhìn lại cuộc đời mình với bao thăng trầm trong cuộc sống, ngọt ngào có, cay đắng có, mạnh mẽ có, yếu đuối có nhưng nhờ tựa vào cây Thánh Giá mà tôi cảm thấy

Hồng Ân Chúa như mưa như mưa,
rơi xuống đời con miên man miên man
nâng đỡ tình con trong tay trong tay
vòng tay thương mến.
Đời có Chúa êm trôi êm trôi
Chúa dắt dìu con luôn luôn khôn nguôi
có Chúa cùng đi con không đơn côi
Ôi Tình Tuyệt vời.



Mà thật sự nó là như vậy
“Mưa khiết Mưa ! Tình Mưa nào đâu tạnh !
Vẫn tuôn trào nguồn sủng ái vô biên
Vẫn lung linh tỏa ánh đến muôn miền
Cho mắt thơ đẹp say Lời Ánh Sáng !”
Rồi chợt nhớ lại trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Quo Vadis”, Quo Vadis trong tiếng La Tinh có nghĩa là "Thầy đi đâu?", văn hào Henryk Sienkiewicz, người Ba Lan có kể về một truyền thuyết Ki-tô giáo: Đang khi Phê-rô chạy trốn để tránh khỏi việc bị kết án đóng đinh ở Rôma, Phê-rô đã gặp Chúa Giêsu, ông hỏi Chúa: "Quo vadis, Domine?" ("Lạy Thầy, Thầy đi đâu?"), Chúa Giêsu trả lời: "Eo Romam crucifigi iterum" ("Ta vào thành Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa") - ngụ ý nhắc nhở Phê-rô phải can đảm tiếp tục sứ vụ của mình. Cuối cùng Phê-rô quyết định trở lại thành Roma và bị đóng đinh vào thập giá tại chân đồi Vatican, nơi ngày nay là đền thờ thánh Phêrô. Và điều đặc biệt là Thánh Phê-rô đã xin chịu đóng đinh ngược chứ không nằm xuôi trên cây Thánh Giá như Thầy Chí Thánh của mình.

Và đọc câu chuyện Đức Thánh Cha Phanxicô và cây thánh giá của một linh mục đã chết, chúng ta sẽ thấy Ngài yêu mến Cây Thánh Giá biết là ngần nào.
Ký giả Nicole Winfield của thông tấn AP cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô khi xưa đã lấy cây thánh giá trong cỗ tràng hạt của một linh mục đã chết để đeo vào người cho tới ngày nay. Bản tin trên đã được các cơ quan truyền hình của Hoa Kỳ loan đi trong ngày thứ năm 6/3/2014 khi nói về ĐTC Phanxicô.
ĐTC Phanxicô đã kể chuyện này với các linh mục ở Roma vào ngày hôm qua, thứ năm 6/3/2014. Ngài kể rằng trước đây tôi đã đến viếng xác một vị linh mục và lúc quan tài chưa đậy nắp, tôi ngạc nhiên không thấy ai để một bông hoa nào bên quan tài. Tôi đã đi mua một bó hoa để phúng viếng. Khi đặt bó hoa trên chiếc quan tài, tôi thấy vị linh mục cầm trong tay cỗ tràng hạt. Và theo Ngài kể “Liền lập tức cái thằng kẻ trộm trong mỗi con người chúng ta xuất hiện trong đầu óc tôi, tôi lấy tay gỡ lấy thánh giá, mắt nhìn vị linh mục và nói với ngài “Xin cho tôi một nửa lòng thương xót của cha”.
Vị linh mục quá cố mà ĐTC nói tới là vị linh mục rất đạo đức, là cha giải tội cho cho hầu hết các linh mục của tổng giáo phận Buenos Aires, kể cả Ngài, và kể cả ĐGH Gioan Phaolô II khi Ngài sang thăm Argentina.
ĐTC kể tiếp, khi xưa còn mặc áo dòng, tôi để thánh giá này trong túi áo mặc bên trong. Nay làm Giáo Hoàng, cỗ thánh giá đó được bỏ trong bao nhỏ và đính vào bên trong áo Giáo Hoàng.
Với cây thánh giá trên, Ngài kể về công dụng: “Mỗi khi có một tư tưởng xấu xuất hiện trong đầu óc, thì tôi lấy tay đặt lên cỗ thánh giá ở trước ngực và cảm nhận được rằng mình được ơn huệ”.

Những câu chuyện đó làm tôi nhớ đến bài thơ “Con xin thế chỗ” diễn tả cảm xúc khi tình cờ nhặt được một cây thánh giá nằm lẫn lộn trong mớ rác rưởi bên đường. Cây thánh giá chỉ còn trơ trọi tấm bảng INRI. INRI là chữ tiết tắt câu La Tinh: Iesus Nazarenus Rex Iudaeorum (Jesus of Nazareth King of the Jews) có nghĩa là Giê-su Na-da-rét Vua dân Do Thái. Nhưng đọc kiểu chiết tự theo âm tiếng Huế, từ “IN RI” có nghĩa là giống như vậy.
Con cúi xuống và ngỡ ngàng choáng váng
Khẽ nhặt lên, ôi! Tình mến bỏ rơi
Chỉ còn trơ thập giá lẻ đơn côi
Còn Ngôi Lời đã bị đem đi giết…

Trên thánh giá lẻ loi đôi chữ khắc
Còn gắn chặt Danh Thánh Chúa INRI
Con nhặt lên để cảm mến điều gì
Khi tình yêu bị khinh khi vứt bỏ…

Con xin thay để làm muôn phép lạ
Bằng thứ tha của tình mến bao dung
Bằng hy sinh nối xa cách muôn trùng
Cho Thiên Chúa cùng loài người gặp gỡ.

Xác con đây xin đày trong tan vỡ
Để hồn con luôn nhung nhớ INRI
Hỡi INRI Ngài muốn con làm gì
Hãy nói đi điều Tình Yêu mong ước.

 
Rồi tôi lại liên tưởng đến đời sống của người Công giáo hiện nay. Nhiều người trong chúng ta không dám chọn Cây Thánh Giá, không dám đeo Cây Thánh Giá của Đức Giê-su bởi vì nó nhục nhã quá, nó bất hạnh quá, nó thiệt thòi quá, nó nặng nề quá, nó đau khổ quá… Họ không dám đeo “Cây Thánh giá”, không dám vác “Cây Thánh giá” nhưng lại rất thích mấy “Cây vàng”. Vàng có vô cảm đến mấy họ cũng vẫn thích ôm, vàng có nặng đến đâu họ cũng vác được... đến độ dành giựt nhau, chém giết nhau, kiện tụng nhau... làm cho mất cả tình yêu thương của vợ chồng, tình hiếu thuận của cha con, tình bao bọc của anh em, tình nâng đỡ của bè bạn…làm mất cả nhân tính và phẩm giá làm người của họ. Hình như họ trở thành con… chứ không phải là người. Họ sẵn sàng đổ máu, đôi khi thiệt hại cả tính mạng vì mấy cây vàng, nhưng trầy một chút da vì Cây Thánh Giá để góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội thì họ lại không có can đảm hoặc có thái độ bàng quan, coi như đó không phải là chuyện của mình.
Hãy mở lòng đón Nguồn Thơm ân sủng
Mà Tình Mưa đã tuôn chảy trao ban
Đừng như mảnh đất khô khan
Đừng như sỏi đá không màng đến Mưa.
Và một lần nữa bài hát Mưa rừng của nhạc sĩ Huỳnh Anh trở nên thật có ý nghĩa bởi vì tôi cảm nhận được rằng:
“Mưa thương ai?”. Chúa thương tôi, Chúa cứu chuộc tôi chứ còn ai nữa. Ngoài Chúa ra có ai dám chết vì một con người bất toàn như tôi không?
“Mưa nhớ ai?”. Chúa nhớ tôi, Chúa chăm sóc cho tôi chứ còn ai nữa. Một sợi tóc trên đầu tôi rơi xuống cũng không ngoài sự quan phòng đầy yêu thương của Ngài cơ mà.
“Mưa rơi như nức nở”. Ngài vẫn khóc cho sự thờ ơ lạnh nhạt của tôi. Mỗi ngày Ngài vẫn tiếp tục hiến tế Mình Máu Ngài cho tôi trong Thánh lễ. Ngài vẫn mời tôi đến dự tiệc với Ngài.
Thế nhưng... Tôi có biết sống “Tình Mưa” với Chúa không? Tôi vô tình hay cố ý từ chối những ân sủng mà “Tình Mưa” trao ban một cách nhưng không.
Mưa rơi trong lòng tôi?
Hay Mưa rơi cho cỏ cây ngoài đồng nội đang nắng hạn
Mưa rơi trong lòng tôi?
Hay Mưa rơi cho muôn thú nơi rừng sâu đang cháy khát
Tại sao loài cỏ cây biết hứng đọng những giọt sương đêm
Tại sao muôn thú biết tìm đến nguồn suối trong lành
Vậy tôi đang tìm cái gì cho hạnh phúc đời đời của tôi
Tôi không hơn các loài ấy sao?
Lạy Chúa Giê-su,
Xin “Nguồn Hương thắm dạt dào” của Thần Khí Chúa,
giúp chúng con cảm nhận được tình yêu của Chúa,
đang kín ẩn trong những giọt mưa ân sủng,
những giọt mưa làm tươi mát tâm hồn khô cằn của chúng con,
một mảnh đất đầy sỏi đá vì thiếu Đức Tin,
một vườn nho lắm sâu bọ vì thiếu niềm Hy Vọng
một thửa ruộng đầy cỏ lùng vì thiếu Lòng Mến.
 
Lạy Chúa Giê-su,
Xin “Tình Mưa như thác lũ” của Ba Ngôi Thiên Chúa
đem lại nguồn phù sa vô cùng tận cho chúng con,
để làm phong nhiêu cho mảnh đất sỏi đá,
quét sạch những sâu bọ đang đục khoét vườn nho,
trôi đi những cỏ lùng đang bám rễ sâu trong thửa ruộng,
để mảnh đất được đơm bông,
vườn nho sinh nhiều hoa trái,
và thửa ruộng trĩu nặng lúa vàng.
 
Lạy Chúa Giê-su
Xin cho “Tiếng Mưa bật vang dậy” trong con
để chúng con nhận biết rằng:
Thánh Giá Chúa thương trao cho mỗi người chúng con,
không đơn thuần là những đau khổ và bất hạnh,
nhưng Thánh Giá là tình yêu, là ân sủng, là chìa khóa
để chúng con mở Trái Tim vô cùng lân tuất của Chúa,
để chúng con biết yêu thương nhau,
biết hy sinh cho nhau như chính Chúa đã yêu thương
và hiến mạng sống vì chúng con.

Lạy Chúa Giê-su,
Xin “Tình Mưa nào đâu tạnh” tha thứ cho những lỗi lầm,
đừng chấp nê những yếu đuối của chúng con.
Xin “Cây Mùa Yêu” là Thánh Giá Chúa,
là thành lũy che chở chúng con khỏi mọi sự dữ,
là cột trụ nâng đỡ mỗi khi chúng con sa ngã,
là khí cụ giúp chúng con chiến đấu với những ham muốn bất chính,
là gương soi để chúng con thấy mình là họa ảnh của tình yêu Chúa,
là phương cách giúp chúng con ngày càng sống thánh thiện hơn,
để chúng con cũng được nâng lên với Ngài
cảm nhận được tình Ngài yêu thương chúng con biết là ngần nào
để trái tim chúng con “Rung thấu bờ vô hạn
và linh hồn chúng con ca lên

A ! A !
Cây Ân Sủng mở Trái Tim chín đỏ !
A ! A !
Rạp mình đi ! Hỡi muôn loài cây cỏ !

Êm như làn gió đưa mây
đôi tay con hướng lên Trời
nguyện cầu cho đời con mãi
giữ trọn lời hứa trung kiên
một đời con xin tận hiến.
Chúa là hơi ấm Mẹ hiền
trọn đời con nương thân
trọn đời con nương thân.
Mừng Lễ Tuyên Khấn lần đầu
Nữ tu Marie Garbriel Chúa Giêsu – Trần Thị Nhung
Nữ tu Marie Bernadine Đức Mẹ Vô Nhiễm – Đào Thị Kim Nhung
Đan viện Carmel Chúa Ki-tô Vua, Nha Trang, 15/10/2014
 
Bình Nhật Nguyên
…hết...























































































































































Được tạo bởi Blogger.