Mã số: 17-073
 
 
 
Trời xanh mát dịu, những ánh nắng nhẹ đan trên những rặng cây. Bà Ánh đang ngồi lần chuỗi, thì thầm với Đức Mẹ bên hiên nhà. Tượng đài Đức mẹ nằm trước sân, ánh mắt mẹ vẫn trìu mến nhìn vào ngôi nhà nhỏ bé này.

- Mẹ, đưa cho con ít tiền, mau mau con đi gấp! - Nam giục mẹ vẻ vội vội vàng vàng.
Bà mẹ vẫn lặng yên, tay vẫn lần những hạt chuỗi nhỏ. Bỗng Nam cáu giận, chạy tới giật tràng chuỗi từ tay mẹ; những hạt chuỗi đứt ra tung tóe bắn xuống đất, Nam vùng vằng:
- Suốt ngày kinh với tụng, lần hạt, đọc kinh có ra tiền không?
Những hạt chuỗi đá lăn trên sân, gặp ánh nắng mặt trời, nó tỏa ra những tia sáng thật kì lạ. Bà Ánh lững thững bước vào trong nhà, đi ra cầm một nắm tiền đưa cho con trai, vẻ mặt tủi sầu không quên dặn:
- Con ơi, con định làm khổ thân mẹ đến bao giờ nữa đây? Ba con ra đi như vậy rồi mà con vẫn không thay đổi sao! Về nhà sống yên đi con.
Đây không phải là lần đầu bà rơi nước mắt vì thằng con trai yêu dấu của mình. Đã biết bao lần Nam làm mẹ khóc, mẹ đau. Bạn bè trang lứa cùng Nam đi nghĩa vụ quân sự, ai về cũng ngoan ngoãn hiền lành. Riêng Nam thì mang về cho gia đình một cái gánh, gánh mà cả đời này chắc bà Ánh không thể quên được. Nam hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ra về và mang theo giấy nợ 30 triệu đồng từ các tay cho vay gần nơi khu căn cứ. Như tiếng sét đánh ngang tai, bà Ánh như không tin vào mắt mình; còn ông Hùng thì đã bị đột quỵ ngay sau đó vài hôm vì vốn đã có sẵn bệnh về tim. Giấy nợ mang về, ông Hùng ra đi… Bà Ánh như không còn đủ sinh lực để sống trên cõi trần này nữa. Bà khóc đến kiệt kuệ, khóc đến không còn giọt nước mắt. Điều gì đã khiến Nam nợ nần nhiều như vậy trong khi đang thi hành nghĩa vụ quân sự? Lô đề, nhậu nhẹt và tính sĩ diện của mình, ngày này qua tháng nọ; thời gian rảnh là Nam có mặt ở mấy quán xung quanh đó ra sức đầu tư cho những con lô, những số đề và rủ cả bạn bè nhậu nhẹt. Hai năm kết thúc nghĩa vụ quân sự, bù qua số lãi và thâm thua, Nam kết lại với số nợ từng đó. Vậy là một mình bà Ánh phải hứng chịu những gì ập tới gia đình. Bà lấy tiền tiết kiệm và vay bà con làng xóm để trả cho Nam. Nào Nam có thay đổi, vẫn tụ tập, vẫn chơi bời…
- Đi đây, tối con về. - Nam cầm số tiền mẹ đưa, nói xong rồi đi thẳng.
Căn nhà vốn đã vắng vẻ nay lại trở nên u sầu hơn. Bà cũng không thể tưởng tượng được cậu bé ngày nào còn vui tươi giúp lễ nhà thờ nay lại thành kẻ tan hoang phá phách. Chẳng lẽ đây chính là thánh giá mà Chúa muốn gửi gắm nơi bà? Nam càng chơi bời, càng phá phách bao nhiêu thì bà lại càng tỏ ra kính mến Chúa và trông cậy Đức Mẹ bấy nhiêu. Bà phó thác mọi sự và hằng ngày vẫn luôn nài nỉ thầm thĩ lần chuỗi với Mẹ mong một ngày nào đó Nam thay đổi, ăn năn. Đã xế chiều, Bà lủi thủi nấu cơm và mong đứa con về ăn. Vẫn biết rằng ăn xong là nó cùng đám bạn lượn đi ngay nhưng tình mẫu tử cháy bỏng trong bà thì cho dù là dăm ba phút thấy sự hiện diện của con ở nhà là bà cũng mừng rồi. Nam dẫn một nhóm người tóc xanh tóc đỏ về, nói năng vài ba câu sau đó ăn bát cơm rồi kéo nhau lăn ra ngủ. Cảnh tượng này đã kéo dài vài tháng nay rồi. Đến ngày bà Ánh không còn đâu tiền để Nam chìa tay xin, Nam quyết định ra đi cùng nhóm bạn. Mấy tháng trời… nửa năm, rồi đến ngày 28, 29. Hôm nay đã là 30 Tết, vẫn không thấy bóng dáng Nam về. Bà Ánh tủi thân, khuôn mặt hằn lên những nếp nhăn thật tội nghiệp. Một mình một vẻ trong căn nhà hiu quạnh, hàng xóm láng giềng ghé qua thăm nom bà rồi lại về sửa soạn cho gia đình. Chắc chỉ có Đức Mẹ trước sân mới hiểu thấu được nỗi khổ của bà, vì Mẹ đã quan sát, lắng nghe và cảm nhận những lời tâm sự hằng ngày của bà. Bỗng có một chiếc ô tô màu đen dừng trước cổng nhà bà, một nhóm người lạ mặt bước xuống xe tiến vào sân:
- Bà già, đây có phải nhà thằng Nam con ông Hùng không?
- Các anh là ai vậy? Nam nhà tôi đi làm không có nhà.
- Làm cái gì mà làm, có tiền thì trả cho thằng oắt con ấy đi, 20 triệu. Nợ tụi này hơi lâu rồi đấy.
Bà hơi choáng vì cảnh tượng này lại một lần nữa hiện ra, nợ nần, tiền bạc... sao nó cứ đeo bám mãi gia đình của bà như vậy? Bà ngồi thụp xuống ghế thở dài.
- Tiền… Nhà già này làm gì còn tiền nữa mà trả với nợ.
Biết không làm ăn gì được với bà già này, đám người bước đi không quên ngoái lại sau đe dọa:
- Về nhắn với thằng con trai quý tử của bà lo mà thanh toán trước khi ngôi nhà này bị ra đi.
Làng Lý Nhân yên bình như vậy, có ai biết đâu rằng trong căn nhà nhỏ này có biết bao nhiêu là khổ cực, nỗi khồ mà chỉ có một mình người mẹ phải chịu. Hết nước mắt, bà không thể khóc được nữa. Cái Tết đó thật là buồn và hiu hắt, bóng một người lủi thủi đi ra rồi lại đi vào như đang mong ngóng ai đi xa về.
Tết đó Nam không về.
Nam ngao du cùng bạn bè suốt mấy tháng trời; khi tiền tiêu xài đã hết, nhóm người cũng tan rã, ai đi đường nấy. Nam không có tiền về nhà, làm thuê thì không ai mướn vì Nam đâu biết làm việc gì. Một tuần, hai tuần rồi gần cả tháng, Nam lang thang trong các bãi đậu xe để xin phụ xe nhưng ai cũng ngán ngẩm lắc đầu. Buổi tối không chốn nương thân, Nam tìm vào các gầm của những chiếc xe ô tô tải để tránh sương và ngủ qua đêm. Bãi đậu xe rộng lớn, loáng thoáng vài người cũng trong hoàn cảnh như Nam, cũng ngủ vất vưởng nay đây mai đó. Tối nọ, vừa ngả lưng xuống chợp mắt thì Nam nghe có tiếng lạ và một dáng người mặc đồ trắng xóa vụt qua người Nam. Nam giật thót tim và hét lên:
- Ôi! Mẹ ơi, ma… ma…!
Nam tái xanh mặt, sợ run lên và không thể nào ngủ lại được. Anh ngồi tưởng tượng có thể đó là những oan hồn bị chết oan trong các vụ tai nạn của những chiếc xe tải này gây ra sao? Và rồi bao nhiêu những thứ khác hiện lên trong đầu Nam.
- “Con sợ gì trên đời này nhất”? - Lời cô giáo lý viên hỏi khi Nam còn nhỏ.
- Dạ, con sợ ma nhất ạ.
- Vậy khi con cảm thấy sợ, con hãy làm dấu thánh giá, Chúa sẽ ở bên và che chở cho con.
Những lời nói ngày nào vọng lại trong tâm trí Nam. Nam bất thần đưa tay lên làm dấu. Bao lâu rồi Nam quên mất làm động tác này, cái động tác của một người con cái Chúa. Nam thức cho đến tận sáng ngày hôm sau và quyết tâm xin cho được một công việc nào đó làm nuôi thân để khỏi gặp lại cảnh như ngày hôm qua. Bưng bê, rủa chén, bốc vác…thứ gì Nam cũng làm thử nhưng chỉ được và hôm là lại bỏ rồi lang thang khắp đường phố. Ma xui quỷ khiến thế nào mà nhóm xã hội đen lần mò ra được tung tích của Nam. Chúng đuổi theo, bao vây và định bắt giữ Nam để thanh toán. Nam hoảng quá chạy vào những chỗ đông người, len lỏi mong sao trốn thoát được bọn quỷ dữ này. Chạy mãi, chạy mãi đến lúc gần như kiệt sức không còn một tí hơi, Nam bất chợt thấy một ngôi thánh đường thế là rẽ luôn vào đó. Đúng lúc đang trong giờ lễ, Nam chạy vào làm xôn xao một chòm giáo dân. Đám người kia cũng vừa kịp chạy tới nhưng đã bị mấy ông trùm quản đuổi ra vì ngoại hình và cách ăn mặc lạ lẫm, hung tợn. Nam lặng đờ người ngồi trong ngôi thánh đường, tâm trí đang rất hoảng loạn vì tí nữa thì bị nhừ đòn. Lấy tiền đâu ra trả cho chúng đây, không trả thì chúng sẽ giết sống mình?... Tiền… Tiền kiếm ở đâu đây?... Những câu hỏi cứ lần lượt hiện lên làm Nam rối bời. Nghe tiếng cha giảng, tiếng giáo dân đọc kinh… Nam vẫn chưa thể tập trung được vì mấy năm rồi Nam không bước chân đến cửa nhà nguyện.
Được mấy người hỏi han và giúp đỡ, Nam được giới thiệu tới làm cho một lò mì gần đó. Làm chưa đầy hai tháng, Nam lừa chủ và ôm gọn số tiền ra đi theo những con lô con đề với ước mơ gỡ nợ. Không những không còn tiền mà Nam còn bị thâm nặng và phải vay thêm một số chủ mới. Nợ nần chồng chất, một chủ rồi lại hai, ba chủ… Các nhóm cho vay nặng lãi biết bị lừa nên quyết săn lùng Nam cho bằng được để dằn mặt cho nếm vị đời. Lần này thì không thể thoát nổi, Nam đã bị mấy nhóm người bao vây trong khi đang dùng cơm trưa tại một tiệm ăn. Chúng đánh đập đòi trả tiền, những cú đấm đá thụi mạnh vào mặt, vào bụng và sườn Nam.Vừa lúc đó có một người đàn ông chạy tới:
- Các anh sao lại đánh người như thế này, có chuyện gì thì từ từ giải quyết?
- Nó nợ tiền bọn tôi, định trốn nợ đây. Để xem có trốn được không, hôm nay xử cho nó không lết được thì thôi. Định chơi khăm bọn này hả.
Người đàn ông vội lấy ra ít tiền nói là trả trước ít lãi và hứa sẽ trả hết từ từ. Một lúc sau bọn chúng mới đồng ý và bỏ đi. Đau đớn vô cùng, Nam ngẩng mặt nhìn lên xem vị cứu tinh của mình là ai thì hết sức ngạc nhiên, vì đó chính là ông chủ của lò mì mà Nam đã từng làm và từng phản bội. Vừa đau vừa tủi hổ, Nam giàn giụa nước mắt nói lời xin lỗi và cám ơn vị ân nhân vô cùng tốt lành. Được đi làm lại tại lò mì, Nam vô cùng sung sướng; có chỗ ăn chỗ ở an toàn là cảm thấy quá hạnh phúc rồi. Chiều chiều, gia đình ông ra nhà thờ để lần chuỗi đọc kinh cùng các giáo dân trong giáo họ. Lúc đầu Nam ngại ngùng không ra nhưng vài lần được thúc giục, Nam mới miễn cưỡng ra nhà thờ lẫn chuỗi mỗi khi làm mì xong. Ngồi trước Thánh thể, trước tượng Mẹ, Nam cảm thấy lòng mình sao thanh thản và bình yên đến lạ vậy, chưa có bao giờ Nam có được cảm giác như thế này. Suốt ngày tiền bạc, lô đề và nợ nần cứ xoay quanh đầu Nam, làm sao Nam có thể yên ổn được. Dần dần, Nam cảm thấy thật hạnh phúc khi cùng mọi người ngồi đọc kinh lần chuỗi trong nhà nguyện, một cái cảm giác an bình đến lạ lùng và khó hiểu.
Một ngày nọ, Nam được giao nhiệm vụ đi rao mì cho mấy nhà trong một xóm nhỏ.
- Chú ơi, chú gì ra nhận mì này.
- Vào đây cho tôi, mang vào giùm tôi đi. - Tiếng khàn khàn của một người đàn ông trung tuổi cất lên.
Nam ái ngại bước vào vì căn nhà quá lụp xụp, đập vào trước mắt là một người đàn ông đang xúc từng miếng cháo đơm cho bà vợ nằm liệt giường. Không khí trong nhà hơi ảm đạm kèm theo mùi hơi khó chịu, Nam cố gượng hỏi vài câu để đưa mì rồi đi ra mau mau. Người phụ nữ đã liệt nửa người hơn 20 năm nay, ông một tay phải nom vợ và chăm sóc thêm hai đứa con. Hình ảnh ấn tượng đặc biệt với Nam là tay người phụ nữ cứ mân mê tràng chuỗi suốt,tuy liệt nửa người đó nhưng không ngày nào là bà không lần chuỗi. Bà nói với Nam, đó là liều thuốc cho bà sống và là hương vị nêm cho gia đình bà luôn được đầm ấm cho đến hôm nay. Nam xin phép ra về, lòng cứ bồi hồi xao xuyến vì cái thứ thuốc thần kì đó. Mải nghĩ ngợi lung tung, Nam tông xe vào một em bé đang đi bộ trên đường.
- Mày đi kiểu gì thế hả, mắt để lên trán à? - Nam hét toáng lên.
Em bé hoảng quá khóc thét, chắc nó khoảng lớp 3, lớp 4. Nam nhìn xuống nắm đồng tiền lẻ từ tay em bé rơi bay ra phất phơ dười lòng đường.
- Mấy cái đồng bạc lẻ, khóc gì mà khóc.
- Đây là số tiền cháu dành dụm để mua thuốc cho bà cháu. Hu..hu…- Em bé nức nở phân trần.
Nam lặng người đi, “tiền mua thuốc cho bà”, “tiền dành dụm”…Đã bao giờ mình mua thuốc cho mẹ chưa, một năm, gần hai năm nay rồi chưa một lần ghé về. Ngày hôm đó hình ảnh người phụ nữ liệt giường và em bé cứ hiện lên trong Nam. Nam cảm thấy tội lỗi và bất hiếu vô cùng, Nam ra quán uống rượu để giải sầu rồi lững thững bước vào nhà thờ. Mắt Nam như nhòe đi, sống mũi cứ cay cay. Nam nhìn tượng Đức Mẹ đang bồng Chúa Giêsu, nước mắt mẹ chảy ra lăn dài trên má. Nam dụi dụi mắt cứ ngỡ mình đang nhìn lầm, dụi đến đau mắt nhưng hình ảnh đó vẫn hiện lên rõ rành rành. Nam tự đưa tay tát mình một hai cái thật đau để tỉnh mơ nhưng sự thực vẫn đó. Nam không tin vào chính mắt mình nữa. Nam khóc, khóc vì thân phận lầm lỗi của mình, khóc vì mình mà làm cho biết bao nhiêu người đau khổ. Khóc vì mình quá tệ bạc, tệ bạc đến nỗi làm cho Mẹ rơi nước mắt. Nam đấm ngực ăn năn cho thân phận bọt bèo của mình. Càng nhìn lên tượng Mẹ, Nam lại càng thấy tâm hồn đau hơn.
- Mẹ khóc vì lỗi tội của con phải không? Mẹ khóc vì lâu nay con không đến nhà thờ, không đọc kinh, không hiếu với gia đình phải không? Con là cái thằng đáng chết mà, một kẻ chẳng ra gì.
Nam ngồi lâu, thật lâu trong nhà nguyện. Tối hôm đó, Nam viết lên dòng thời gian trên trang mạng xã hội: “Các bạn biết không, chuỗi Mân Côi là một mầu nhiệm thật tuyệt vời, Mẹ Maria đã cho tôi thầy điều đó. Nhiều người nghĩ chắc tôi say xỉn nên nói lung tung. Thực sự là tối nay tôi có uống chút ruợu, nhưng khi viết những dòng tâm sự này, tôi hoàn toàn tỉnh và không hề say. Kí tên: Nam lầm lỗi”. Dòng tâm sự đã làm xôn xao nhiều bạn bè của Nam, một số người bán tín bán nghi về những gì Nam nói, một số khác cũng bị đánh động bởi “chuỗi mân côi” của một kẻ tội lỗi từ bạc tiền. Ngay ngày hôm sau, Nam xin ông chủ về quê.
- Ai đấy, ai kéo cảnh cửa đó, vào đi. Có phải cô Hoa sang lấy thuốc cho tôi phải không? - Tiếng người mẹ già phát ra từ trong căn nhà nhỏ, sau khi nghe thấy có tiếng động từ cánh cửa.
Nam đứng im, ngập ngừng không dám bước vào. Năm phút, mười phút…mười lăm phút Nam vẫn cứ đứng yên ngoài hiên nhà. Đến khi tiếng ho khụ khụ của mẹ trong nhà phát ra, Nam chạy òa vào trong bên giường mẹ.
- Mẹ bị ốm phải không mẹ?
- Ai đấy? Ai vào nhà tôi đấy?
- Mẹ ơi, con đây, Nam đây mẹ. Con xin lỗi mẹ, ngàn lần xin lỗi mẹ, con không ra gì, con có lỗi với mẹ.
Bà mẹ không tin vào đôi tai của mình, bà cố gượng dậy, ôm cổ đứa con trai của bà. Nó đã trở về, trở về thật sao.
- Con….con về nhà đấy ư? Con có đi lại nữa không con… con?
- Mẹ ơi, con không đi đâu nữa mẹ, con…con…- Nam nức nở nói trong nước mắt.
Mẹ đã già đi nhiều từ ngày Nam bỏ đi, tóc mẹ đã nhuốm màu mây bạc. Nam đau thắt từng khúc ruột, người mẹ cưu mang mình, nuôi dưỡng mình đã vì mình mà chịu bao khổ cực, đã vì mình mà cạn đắng những giọt nước mắt.
- Mẹ ơi, con là đứa con bất hiếu, bất hiếu với bố, với mẹ. Con không xin mẹ tha thứ cho con nhưng con chỉ xin mẹ đừng buồn vì con nữa. Con hứa con sẽ sống tốt hơn, con xin thề con sẽ không nhúng đến các tệ nạn nữa. Con thấy được những đau đớn của các tệ nạn ấy rồi. Chỉ có gia đình, những lời kinh mới làm cho con cảm thấy an bình thôi ạ.
- Con…con…!
- Sao con lại…con...?
Mẹ Nam khóc không lên tiếng, muốn nói điều gì đó nhưng không sao nói được. Chắc có lẽ vì bà quá xúc động, không thể kiềm chế được.. Bà không thể tưởng tượng được có ngày hôm nay, ngày mà thằng con trai của bà quay về nói lời xin lỗi, quay về với lòng ăn năn hối cải. Bà quơ tay, xoa đầu con, bà muốn nói lắm nhưng không thể cất tiếng được, tim bà đang rất bất bình thường vì những cảm xúc loạn xạ. Từ từ, từ từ bà lịm dần, lịm dần đi; đôi tay bà buông thõng xuống giường rồi nghiêng qua một bên. Hai hàng nước mắt chảy chầm chậm xuống từ hai khỏe mi, miệng bà mỉm cười, khuôn mặt bà nhìn rạng rỡ hơn bao giờ hết.
- Mẹ …..Mẹ ơi….Mẹ!!!
***
Nam nhớ lại như in ngày Nam vùng vằng đứt tràng chuỗi từ tay mẹ mình, những hạt chuỗi đã bắn đi tung tóe khắp nơi. Nam thẫn thờ lần theo xung quanh tượng đài Đức Mẹ trước sân mình mong tìm được những hạt chuỗi vô cùng quý giá ấy. Liệu có thể tìm được sao? May thay, Nam bá tay lên kệ thấy một cái lọ thủy tinh nhỏ, trong đó ánh lên những hạt chuỗi lấp lánh, Nam mừng rỡ vội mở ra. Những hạt chuỗi vẫn sáng lóng lánh như ngày nào, kèm thêm một mẩu giấy nhỏ đã phai nhòe màu mực: “Xin Mẹ thương và cứu vớt con trai con, dâng Mẹ”. Nam bồi hồi xao xuyến, chẳng lẽ mẹ đã viết giấy này, đã liên lỉ cầu nguyện cho mình và mong mỏi mình trở về.
- Một, hai, ba…tám, chín. Sao lại có mỗi chín hạt thế này, chuỗi mười hạt cơ mà. Mình phải tìm cho ra hạt cuối cùng đó, chuỗi sao lại thiếu được.
Nam đi quanh, đi quanh để tìm cho ra hạt chuỗi cuối cùng đó nhưng vô ích, chẳng có kết quả gì. Đã gần hai năm rồi từ ngày những hạt chuỗi đó bắn tung ra và cũng đã gần một tháng rồi từ ngày mẹ xa cách. Nam quỳ xuống bên tượng Mẹ, ăn năn về những việc mình làm. Đấm ngực than khóc vì mình là nguyên nhân gây ra bực bội cho bố và sự ra đi của ông; là mũi dao nhọn đã đâm thâu tâm hồn người mẹ yêu dấu. Suốt đời này biết làm sao để đền bù những tội lỗi gây ra đó.
- Mẹ Maria ơi, con đáng chết phải không, đáng đọa đày vì tội bất hiếu? Bố mẹ thân yêu đã ra đi ngày con phạm những lỗi lầm và cũng lại ra đi ngày con nhận ra lỗi và hoán cải trở về. Con phải làm sao đây, làm sao để rửa sạch vết nhơ tâm hồn con đây? Muôn đời con thật đáng tội lỗi.
…..
- Hạt chuỗi thứ mười có phải…có phải là chính nơi bản thân con, phải vun đắp đền bù để hạt chuỗi đó luôn được tỏa sáng, để đủ cho dây chuỗi cuộc đời kia? Hạt chuỗi này cần con xây dựng từng ngày, đi tìm từng ngày trong cuộc sống con. Mẹ ơi Mẹ….xin dạy con!
* * *
Những tiếng nói tiếng cười được tìm lại nơi ngôi nhà nhỏ bé; tiếng đọc kinh, lần hạt vào các giờ tối, tiếng trẻ con ríu rít đọc theo từng từ bố mẹ dạy. Một lò mì được sinh ra trong xóm nhỏ để phục vụ và giúp đỡ những người nghèo khổ, vết lầm cũ đã được xóa xong. Anh đã kết hôn cùng cô con gái của ông chủ lò mì, một sự nghiệp mới, một cuộc sống mới đã được sang trang. Mẹ Maria vẫn luôn tươi cười che chở dìu dắt cho những bông hoa bé nhỏ của cuộc trần.
- Này anh, nhà anh lần chuỗi suốt thế, lần hạt đọc kinh có ra tiền không, có nhiều tiền bằng bán mì không?
- Ô… cái anh này! Mỗi ngày nếu lần 100 hạt là chúng tôi có ngay 100 đôla gửi cho các linh hồn, gửi để cầu nguyện cho chúng tôi và cho cha mẹ chúng tôi rồi đấy.




































































Được tạo bởi Blogger.