Mã số: 17-072
Thành phố những ngày cuối năm nhộn nhịp những chuyến tàu xe rời bến đưa những người con xa xứ trở về quê đón Tết với gia đình sau một năm xa nhà làm ăn, học tập. Khuôn mặt ai cũng mang những vẻ nôn nao, háo hức. Nhìn những khuôn mặt ấy, bà chợt thấy chạnh lòng, nhưng dường như số phận bà đã được Thiên Chúa an bài, nên bà hoàn toàn chấp nhận.
Bà không nhớ mình đã ngồi ở đây, nơi bến xe này, với dăm gói bông tai, vài chai nước ngọt, vài phong kẹo sing-gum lang thang ở bến xe buôn bán mưu sinh bao lâu rồi. Từ ngày rời quê vào thành phố, đã khá lâu rồi bà không trở về, không phải bà không muốn về, mà vì bà không muốn bỏ lỡ một phút giây nào để tìm chút hy vọng nhỏ nhoi về đứa con trai đã thất lạc suốt bao năm trời.
Lại một ngày nữa trôi qua. Chuyến xe cuối cùng về miền Trung cũng đã rời bến. Bà cùn cũi trở về khu nhà trọ với tâm trạng bồn chồn. Đã bao năm rồi bà vẫn kiếm tìm nhưng càng cố tìm thì càng thất vọng.
Bà vừa về đến cổng nhà trọ, đã thấy lão ngồi đó tự lúc nào, trên tay đang cầm điếu thuốc Jet phì phèo nhả khói. Thấy bà, lão dập vội điếu thuốc rồi buông lời hỏi thăm.
- Sao nay bà về muộn quá? Có tin tức gì không?
Bà nhìn lão lắc đầu, rồi lủi thủi về phòng. Bỏ mặc lão với ánh nhìn bà đầy thương hại kèm theo những tiếng thở dài hắt ra, hòa tan cùng những luồng gió ngùn ngụt bỡn cợt trên tán cây trứng cá phủ rộng hươ, bao bọc lấy khu nhà trọ lụp xụp, điêu tàn.
Bà mở cửa phòng, cất gọn đống đồ đạc vào một góc rồi bật chiếc bếp ga mini đun nước nấu mì tôm. Chiều nay mải chạy theo những chuyến xe khiến chân tay bà mỏi rã rời. Bụng dạ nhiều khi chẳng nghe theo lòng người, có khi cả ngày ăn ổ bánh mì nhưng cũng ngang bụng. Mãi khi đêm về, cái lạnh hươ hoác bao phủ mới khiến bà nhớ đến cái bụng đói meo mà bà đã bỏ quên đâu đó sau những nôn nao kiếm tìm.
Người xóm trọ không ai biết bà tên gì. Người ta chỉ biết bà vào khu xóm trọ này từ lâu lắm. Bà đi từ sáng sớm, trở về nhà vào giữa đêm. Có người sống ở khu trọ cả năm nhưng cũng chưa bao giờ nói chuyện với bà. Múi giờ của bà khác của họ, mục đích đến thành phố của họ cũng chẳng giống bà. Họ đến vì tiền, vì muốn thay đổi cuộc sống. Còn bà, bà chỉ mong muốn tìm lại máu mủ của bà, để chuộc lại lỗi lầm của một người mẹ suốt bao năm bà canh cánh trong lòng.
Đêm buông xuống hững hờ, bà lại ngồi trước bàn thờ Chúa, lấy tràng hạt bà đeo trong mình ra cầu nguyện như một thói quen không thể thiếu mỗi ngày. Vì với người Công giáo nói chung, với bà nói riêng luôn tin vào lời Chúa phán rằng: "Bay hãy xin thì bay sẽ được...". Với ai, họ xin gì bà không biết, nhưng bà tin, điều bà xin có gì là to tát lắm đâu mà Chúa lại không nhận lời. Chỉ có điều Thiên Chúa đang thử thách lòng kiên nhẫn và Đức tin của bà nên chưa cho bà gặp được mà thôi. Bà luôn nhủ mình như vậy.
Sáng nay lão dậy sớm, ngồi đợi bà trước cửa phòng. Nhác thấy bóng bà, lão hồ hởi.
- Nay tui tranh thủ ra ga tàu chở khách sớm, tiện đường nên đợi bà đi chung. Bà lên xe đi tui chở bà ra bến.
Bà định bụng không lên, nhưng nghĩ đến chặng đường từ nhà ra bến xe hơi xa nên bà đồng ý ngồi lên cho lão chở. Lão cũng ngạc nhiên lắm vì đó giờ bà có chịu ngồi xe lão đâu.
Lão ở trọ cùng khu với bà. Lão không có vợ con, lão sống một mình, kinh qua đủ thứ nghề nhưng rồi lão chọn nghề xe ôm cho những năm tháng già yếu còn lại. Lão hiền lành, nhưng rồi sau mối tình thời trai trẻ mặn mà, bị chính người con gái mình thương phụ bạc, lão đâm ra chán nản, khép mình lại, không còn dành tình cảm cho ai. Lão và bà chẳng thù oán gì, nhưng cũng không thân thiết. Hàng xóm láng giềng nên quen biết chào hỏi xã giao. Lão hình như có tình cảm với bà từ những ngày đầu bà chuyển về sống trong khu trọ này nhưng bà luôn lảng tráng. Vì từ lâu bà đã không còn tình cảm dành cho đàn ông, kể từ ngày bà phát hiện ra chồng bà ngoại tình, rồi bỏ bà cùng đứa con trai lay lắt sống với bữa rau bữa cháo qua ngày.
Nhưng trách sao được khi đó là lựa chọn của bà, cũng chỉ tại ngày ấy bà không nghe lời cha mẹ, đi yêu người đàn ông ngoại đạo, để rồi tự mình chuốc lấy khổ đau. Bà ôm con trong tay, ngằn ngặt cười khóc. Nhưng rồi sau tất cả, bà tự vực mình đứng lên, sống mạnh mẽ hơn. Mà nếu ngày ấy không nhờ có cha xứ khuyên răn, chắc bà đã tìm đến cái chết để giải thoát đời mình.
Bà bế con ra chợ mưu sinh, khi thì mớ cá bà mua lại từ những người trong xóm đi lưới, lúc con gà, chục trứng, mớ rau... cuộc sống sẽ cứ thế yên bình trôi qua nếu như không có biến cố ấy.
Đứa con trai bà biến mất, năm ấy chắc nó cũng lên bốn, lên năm. Vì một phút bất cẩn thôi mà thành ra cớ sự. Bà khóc lóc trong đau khổ, vật vã kiếm tìm nhưng không được. Biết bao đêm bà không thể nào chợp mắt, vì mỗi lần nhắm mắt thì hình ảnh thằng bé lại ùa về, xâu xé tâm can. Nếu chẳng phải do bà bất cẩn thì đâu ra nông nỗi này.
Bà cứ dằn vặt mình sau biến cố ấy. Tự trách mình, gầy rạc đi vì những tháng ngày ròng rã tìm kiếm. Cho đến khi bà gục xuống, nằm cấp cứu trong bệnh viện. Ai nghe được câu chuyện cũng thương xót cho bà. Họ tin rằng rồi bà cũng tìm thấy đứa con ấy, vì mọi chuyện với Thiên Chúa không gì là không thể đó sao.
***
Thằng nhỏ nó có vết bớt ngay cổ tay, nhìn qua giống hình vuông, nhưng nhìn kĩ thì giống hình ngôi sao năm cánh. Bà nhớ rõ mồn một về thằng nhỏ như thế, nhắm mắt bà cũng không thể quên được, tưởng như chỉ sờ bằng tay bà cũng nhận ra. Nhưng hỡi ôi, biết bao nhiêu người đến mua hàng từ giỏ xách nho nhỏ của bà, bà đều chú ý tới cổ tay nhưng vẫn hoàn toàn vô vọng. Có nhiều khi thành phố đổ mưa khiến bà đổ bệnh nhưng khi nghĩ đến con, bà không cho phép mình ngơi nghỉ. Biết đâu được, trong một đêm nằm ngủ, Chúa gọi bà đi, ăn năn tội chẳng kịp. Ngày ấy chắc chắn sẽ đến, nhưng bà vẫn mong mỏi được gặp lại thằng nhỏ, giờ bà chỉ mong gặp được thôi, để biết thằng nhỏ còn sống và hạnh phúc, với bà như thế là mãn nguyện rồi.
Chẳng biết tự lúc nào lão xem việc đi tìm người có vết bớt hình ngôi sao ở cổ tay như nhiệm vụ của mình. Lão xót xa khi thỉnh thoảng chở khách ngang qua bến xe, thấy bà đội nắng để tìm kiếm chút hy vọng. Nhất là khi mỗi đêm thấy bà thất thểu trở về, lắc đầu mà lão chỉ trực muốn khóc. Lão thương bà quá, muốn khuyên bà gì đó nhưng biết chắc bà không nghe lời nên thành ra lão đành lao mình vào vòng luẩn quẩn tìm kiếm, như việc tìm kim dưới đáy biển vậy, nhưng biết đâu sẽ gặp, ở đâu đó trong thành phố rộng lớn này.
- Có khi nào thằng nhỏ nó không sống ở thành phố này không bà?
- Tui chắc chắn mà. Tui tin Thiên Chúa của tui không chỉ sai đường.
- Thiên Chúa nhiều khi cũng sai chứ bộ. Như Phật của tui cũng vậy thôi.
- Ông nói tào lao nghen. Từ đầu tui đâu có mượn ông đi tìm.
- Không có, ý tui không phải vậy. Tại tui lo cho bà... - Lão như biết mình nói hố, nên vội vàng chữa cháy. Ánh mắt bà lia thẳng về phía lão, sắc lẹm. Nhưng rồi thấy khuôn mặt tồi tội ấy của lão, bà như dịu đi, chẳng hiểu lão từ hành tinh nào tới mà dở hơi không đỡ được. Lo chuyện mình chưa xong, lại ôm đồm thêm việc của người khác.
Những khi rảnh rỗi bà hay ngồi kể lể lão nghe, về cuộc sống trước kia của mình, nhưng hơn hết vẫn là đứa con trai bà. Nếu như Chúa thương để nó còn sống, hoặc được nhà nào nuôi nấng tử tế chắc năm nay thằng nhỏ chừng ba mấy, bốn mươi tuổi. Không biết vết bớt nó có bự hơn hay nhòe đi không? Không biết thằng nhỏ nó có hận bà không nữa, những câu hỏi đại loại như vậy luôn đau đáu trong bà, từng ngày, từng đêm không ngớt.
***
Tiếng xe cấp cứu inh ỏi cả khoảnh sân của bệnh viện. Ngày cũng lụi dần sau những tán cây rộng lớn còn sót lại không nhiều ở thành phố này. Trong khi lão đang chở khách trên đường thì điện thoại đổ chuông. Thành phố vào giờ tan tầm, xe cộ chẳng biết từ đâu ập ra kín bưng khắp các ngả đường, còi xe inh ỏi. Nhờ có vị khách ngồi sau nhắc lão mới biết mình có điện thoại. Lão tấp xe vào lề đường, bắt máy, đầu bên dây kia là một giọng nam.
- Alô, phải số điện thoại của chú Tám không ạ?
- Phải, tui Tám đây. Mà xin hỏi anh là ai?
- Dạ con gọi từ bệnh viện Y., chú vui lòng tới bệnh viện ngay, người nhà chú bị tai nạn, đang nằm khoa cấp cứu ạ.
- Vậy sao? Vâng, cám ơn, tui tới liền.
Điện thoại vừa dứt, những thắc mắc ùa về trong đầu lão. Ở thành phố này lão làm gì có ai là người thân thích. Có khi nào bệnh viện nhầm số? Nhưng họ gọi đúng tên lão mà. Lão cứ thắc mắc, bối rối mà quên mất vị khách đang nôn nóng ngồi sau xe chờ đợi nãy giờ. Mãi tới khi vị khách gọi, lão mới quay trở về thực tại mà vội vàng chở khách tới nơi rồi chạy nhanh vào bệnh viện.
Lão bước vào cửa buồng cấp cứu, thấy bà nằm đó trong tình trạng hôn mê sâu, máy móc bấu chặt vào cơ thể. Lão vẫn không thể tin đó là bà. Sao có thể như vậy được. Lão định bước vào cạnh giường bà nằm những bác sĩ ngăn lại.
Mọi thắc mắc chỉ được giải đáp sau khi gã tài xế ấy xuất hiện, kể tường tận cho lão nghe. Lão nghe xong, lặng người, không ngờ chỉ vì đi tìm kiếm chút hy vọng mỏng manh hơn sợi chỉ suốt bao năm mà bà phải đánh đổi nhiều thứ quá, giờ thì cả mạng sống của mình cũng không ai đảm bảo. Chợt lão nghĩ đến lời bà nói mà tự nhủ, không biết Thiên Chúa của bà có biết được điều này hay không?
Từng ngày trôi qua với lão trong vô vọng, bà vẫn chẳng tiến triển gì, vẫn nằm đó hôn mê, lão đứng nhìn bà mỗi ngày, không nỡ rời đi, sợ khi bà tỉnh lại không có ai cạnh bên. Bác sĩ, điều dưỡng thấy lão đứng ngồi không yên nên cũng an ủi.
- Bác nhà không sao đâu, chắc do tai nạn bất ngờ, cộng tuổi già sức yếu nên lâu hồi phục, bác đừng lo lắng quá, chúng tôi sẽ cố gắng hết mình.
Lão nghe xong cũng an tâm phần nào. Tất cả chỉ biết trông chờ vào số trời. Mà ông quên mất rằng đã có lần bà nói với ông, sinh mệnh của bà phụ thuộc vào Thiên Chúa của bà hay sao.
Khoảng chục hôm thì bà tỉnh, nhưng người có vẻ đau đớn và yếu ớt. Bà thấy lão, muốn nở nụ cười nhưng không tài nào nhấc mép nổi. Nụ cười bà muốn dành cho lão từ lâu lắm nhưng lúc còn khỏe bà lại không thể trao cho lão, bản tính nghi ngờ từ hồi còn trẻ vẫn đeo bám bà. Giờ muốn cười thì không thể, khắp cơ thể như chống đối lại bà. Lão như hiểu được bà muốn nói gì nên ghé sát tai lại. Bà mấp máy hồi lâu, khó khăn lắm lão mới hiểu được điều bà muốn nói.
***
Vị linh mục đứng cạnh giường bà xức dầu sau khi có sự đồng ý của bác sĩ. Đó là tâm niệm, mong muốn của bà. Có vẻ như linh cảm của bà mách cho bà biết trước được điều gì đó. Lão đứng cạnh bên, chú ý từng động tác của vị linh mục. Cho tới khi vị linh mục ra về lão mới nhận ra có điều gì đó thân thuộc biết bao nhưng ngay lúc ấy lão không tài nào nhớ ra được.
***
Bà được ra viện trong sự háo hức đợi chờ. Lão đưa bà về nhà trọ nghỉ ngơi, không cho bà lang thang đi bán đồ ở bến xe nguy hiểm nữa.
Suốt quãng đường về bà vịn tay chặt vào hông lão, miệng không ngừng rối rít cảm ơn. Lão nghe không lọt tai, vì chưa bao giờ bà dành cho lão những lời lẽ nhẹ nhàng như vậy.
Lão định bụng sẽ để bà khỏe hẳn rồi sẽ nói chuyện quan trọng này cho bà nhưng lão không đợi được. Bà nghe lão nói cũng háo hức lắng nghe.
- Tôi có chuyện quan trọng, định để bà khỏe hẳn rồi sẽ nói bà nghe nhưng tôi không đợi được.
- Có chuyện gì ông cứ nói ra đi. Ấp úng gì nữa.
- Tui nghĩ từ mai bà không phải đi lang thang bán đồ tìm con bà nữa đâu.
- Ủa sao vậy ông? Ông có tin tức gì về con trai tui sao.
- Không, tui không có. Nhưng tui tìm được người có vết bớt cánh sao ở cổ tay rồi. Còn phải con bà hay không, chắc chỉ có bà mới biết.
- Nhưng người đó ở đâu, ông mau nói đi. Ông làm tui đau tim quá.
- Người ấy..., chính là vị linh mục mà bà đã nhờ tui đến gặp để tới bệnh viện cầu nguyện cho bà.
- Chúa ơi, không thể nào chứ.
- Tui nói thiệt tình, giỡn bà chi.
- Vậy ông mau chở tui tới gặp Người đi... Mà thôi không được, chắc gì Người phải là con tui. Mà nếu phải, chắc gì Người chấp nhận tui ông nhỉ. - Mạch cảm xúc của bà biến đổi nhanh quá, đối lập nhau khiến lão cũng không tài nào hiểu nổi.
Lão không biết trả lời bà thế nào, nhưng nhìn vào trong mắt bà, lão thấy ánh lên niềm vui đó giờ bà chưa từng có được.
***
Lão chở bà đến ngôi giáo đường ấy như mong muốn của bà. Tới nơi, đang là giờ Thánh lễ, bà kéo tay lão vào ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Bà đưa đôi mắt lên nhìn vị linh mục trong chiếc áo trắng đang giảng lễ trên gian thánh, mắt bà lung linh, niềm vui đượm nhuần trên gương mặt nhăn nhúm bởi mưa gió và thời gian.
Tan lễ, lão chở bà về, suốt quãng đường đi bà không nói gì, lão cố bắt chuyện để bà vui hơn nhưng đáp lại chỉ là im lặng. Bất giác lão thấy áo mình ướt nhẹm từ lúc bà kêu mệt nên ngả đầu vào lưng mình. Trời có nổi mưa đâu mà sau lưng lão ướt, đâu hay nước mắt bà tuôn, vì bà đang vui, suốt bao năm, niềm vui có được từ nước mắt.