Quý bạn Phật tử thân mến,

1. Nhân danh Hội đồng Toà thánh về Đối thoại Liên tôn, chúng tôi xin gửi lời chào trân trọng và nguyện chúc mọi điều tốt lành đến với quý bạn trong dịp lễ Phật Đản. Cầu mong dịp lễ này sẽ mang lại niềm vui và bình an cho tất cả các bạn, cho các gia đình các bạn, cũng như cho các cộng đồng và các quốc gia.

2. Năm nay chúng tôi muốn suy tư về nhu cầu cấp bách để thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động. Tôn giáo đang ngày càng trở thành mối bận tâm của thế giới hôm nay, thế nhưng đôi lúc nó lại đi theo những cách trái ngược nhau. Trong khi nhiều tín đồ dấn thân thăng tiến hòa bình thì cũng có nhiều người lại lợi dụng tôn giáo để biện minh cho những hành động bạo lực và oán thù của họ. Chúng ta thấy có sự cứu giúp và hòa giải cho các nạn nhân bị bạo lực, nhưng đồng thời cũng thấy một số đòi xóa bỏ mọi dấu vết và ký ức của “tha nhân”. Có sự cộng tác giữa các tôn giáo mang tính toàn cầu song cũng có việc chính trị hóa tôn giáo; và, dù có sự cảnh báo về nạn đói nghèo và thế giới đói khổ; thế mà cuộc chạy đua vũ trang vẫn tiếp tục. Bối cảnh này đòi hỏi sự kêu gọi bất bạo động, loại trừ bạo lực dưới mọi hình thức.

3. Đức Giêsu Kitô và Đức Phật đều cổ vũ bất bạo động và là những người xây dựng hòa bình. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết: “Chính Đức Giêsu cũng đã sống trong thời kỳ đầy bạo lực, Ngài đã dạy rằng chiến trường đích thực trong đó bạo lực và hòa bình giao tranh nhau lại chính là tâm hồn con người (Mc 7,21). (thông điệp nhân ngày Hòa bình thế giới năm 2017, bất bạo động – một phong cách của các chính trị gia vì Hòa Bình, số 3). Ngài nhấn mạnh thêm: “Chúa Giêsu vạch ra con đường bất bạo động, con đường mà Ngài đi tới cùng, tới thập giá, nhờ đó Ngài thực thi hòa bình và phá hủy sự thù nghịch” (Eph 2, 14-16). Vì thế, “để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu cũng có nghĩa là gắn bó với lời dạy của Ngài về bất bạo động”.

4. Các bạn thân mến, đấng sáng lập của các bạn, Đức Phật cũng loan báo một sứ điệp về hòa bình và bất bạo động, khuyến khích mọi người: “chiến thắng kẻ giận dữ bằng sự kiềm chế, chiến thắng kẻ gian ác bằng từ tâm, chiến thắng kẻ lầm than bằng sự quảng đại, và thắng kẻ gian dối bằng sự thật” (Kinh Pháp Cú [Dhammapada], n. XVII, 3). Đức Phật còn dạy thêm rằng: “Chiến thắng nảy sinh hận thù, kẻ bị đánh bại lại ở trong đau đớn. Thật hạnh phúc khi được sống trong hòa bình –không có chiến thắng, không có thất bại”. Vì thế, Ngài dạy rằng chiến thắng chính bản thân mình thì vĩ đại hơn là chinh phục những người khác: “Một người có thể chinh phục được một ngàn vạn quân trong trận đánh, nhưng thực ra điều cao quý nhất là anh ta đã chiến thắng chính bản thân mình”.

5. Dù có những điều dạy cao quý này, nhưng nhiều người trong xã hội đã và còn phải đối diện với những vết thương chưa nguôi do bạo lực và các mâu thuẫn gây ra. Hiện tượng này bao gồm bạo lực gia đình cũng như bạo lực về kinh tế, xã hội, văn hóa và tâm lý và cả bạo lực chống lại môi trường- ngôi nhà chung của chúng ta. Đáng buồn thay, bạo lực gây ra các tệ nạn xã hội, chính vì thế “việc chọn lựa bất bạo động như một lối sống đang ngày càng cấp thiết trong việc thực thi trách nhiệm của mình ở mọi cấp độ…”(diễn từ của Đức giáo hoàng Phanxicô dịp giới thiệu các thư ủy nhiệm, ngày 15 tháng 12 năm 2016).

6. Mặc dù chúng ta thừa nhận rằng hai tôn giáo có những nét đặc thù riêng, nhưng chúng ta đồng ý là bạo lực nảy sinh từ trái tim con người, và cái ác của con người đưa tới những cơ cấu gian ác. Vì thế chúng ta được kêu gọi tham gia vào một công cuộc chung: tìm hiểu những nguyên nhân gây ra bạo lực, để hướng dẫn cho các tín đồ cách thắng ác trong tâm hồn của họ; để giải thoát các nạn nhân cũng như các thủ phạm khỏi những hành vi bạo lực; để đưa tội ác ra vành móng ngựa và đương đầu với những người gây ra bạo lực; để huấn luyện tâm trí của tất cả mọi người, đặc biệt là các trẻ em; để yêu thương và sống trong an bình với tất cả mọi người và với môi trường; để giảng dạy rằng không có hòa bình nếu không có công lý, và cũng không có công lý đích thực nếu không có tha thứ; để mời gọi tất cả mọi người cộng tác vào việc phòng ngừa các xung đột và tái thiết các xã hội bị đổ vỡ; để khuyến khích các phương tiện truyền thông xã hội tránh và bài trừ những diễn văn oán thù, và những bản tường thuật khiêu khích; để khuyến khích những cuộc cải tổ giáo dục, phòng ngừa sự giải thích xuyên tạc về lịch sử và các sách thánh; sau cùng là để cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới qua việc cùng nhau tiến bước trên con đường bất bạo động.

7. Các bạn thân mến, chúng ta có thể chủ động bắt đầu ngay từ trong gia đình mỗi người, trong các tổ chức xã hội, chính trị, dân sự và tôn giáo một lối sống mới - nơi bạo lực bị loại trừ và con người được tôn trọng. Cũng trong tinh thần đó, một lần nữa chúng tôi cầu chúc các bạn mừng lễ Phật Đản tràn đầy niềm hoan hỉ và an lạc !

 

Thành Vatican

Hồng y Jean- Louis Taura, Chủ tịch

Giám mục Miguel Ángel Ayuso Guixot, MCCJ, thư ký

Chuyển ngữ

Nga Hồ, nhóm VTCG

Được tạo bởi Blogger.