Mã số: 17-101
Ngày hè đến với những cơn nắng dịu và những cơn mưa nhẹ nhàng. Nhớ về tuổi thơ chắc có lẽ nhớ nhất là những ngày hè. Thiện Nhân cũng thế, trong những ngày hè mà ký ức còn đọng lại của Nhân, mọi thứ như mới ngày nào…
* * *
- Trọng ơi có nhà không? – Tiếng Thiện Nhân và Thiện Nghĩa gọi í ới.
- Tui nè. Nghe là biết ngay hai người. Có chi không vậy?
- Nay trên nhà thờ tụi này có buổi sinh hoạt vui lắm. Đi không?
Trọng cười tít mắt tỏ vẻ thích thú, chạy vào xin phép mẹ rồi đi ngay cùng tụi bạn.
Thiện Nghĩa và Thiện Nhân là hai anh em, chênh nhau có một tuổi. Trọng thì mới chuyển về đây sống độ mấy tuần. Trọng biết về nhà thờ, biết về Chúa, hiểu đức tin, nhưng khác hai người kia. Gia đình Trọng theo Tin Lành. Nói khác là khác vậy, chứ tuổi nhỏ nên cả ba chẳng biết gì nhiều và cũng chẳng quan tâm. Với đầu óc của tụi nhỏ, chơi với nhau thấy vui là chơi, quan tâm nhiều chi mệt.
Nhưng, con nít là thế còn người lớn thì không vậy. Ngày cùng nhau đến nhà thờ ấy, có một chuyện không vui đã xảy ra. Cả đám thiếu nhi đang nhảy nhót vui vẻ trong buổi sinh hoạt, bố Trọng bước vào trông không được vui. Thấy bố, Trọng chạy đến ngay.
- Tại sao con lại đến đây? – Ông gằn giọng.
- Tụi bạn sang rủ con đi chơi. Con có xin phép mẹ rồi mà bố.
- Con có biết đây là đâu không? Đây không phải là nơi thuộc về chúng ta. Bọn họ chỉ dụ dỗ con thôi.
Ông Minh - bố Thiện Nhân, đang phụ giúp công việc trong nhà xứ thấy thế mới tiến ra với hai cha con:
- Thôi nó muốn chơi thì để nó chơi. Mà anh nói lạ, ai dụ dỗ gì chứ, đây là sân chơi lành mạnh của bọn trẻ…
- Lành mạnh gì chứ - Bố Trọng ngắt lời ông - Tôi biết Công Giáo các anh mà, các anh chỉ lôi kéo được mấy đứa con nít này thôi.
Nói rồi hai cha con dắt nhau bỏ về. Chỉ tội thằng Trọng, nó còn ngơ ra chưa hiểu gì. Còn ông Minh, ông cũng không hiểu. Qua dò hỏi mới biết gia đình mới chuyển về này theo Tin Lành. Cũng như bố Trọng, cả hai đều nghĩ mình đúng còn người kia sai. Đức tin của tôi mới đúng, còn của anh là sai…
Dù không quá lớn tiếng, nhưng ngày hôm đó tụi nhỏ đứng gần đấy đều nghe được cuộc trò chuyện không mấy vui ấy. Con nít bảy tám tuổi, đầu óc như tụi nó thì hiểu được cái chi. Buồn cái là kể từ đó, hai ông bố kỵ nhau đã đành, cấm luôn tụi nhỏ chơi chung, cứ bảo là lôi kéo này kia. Người lớn… mệt thật!
Tối vài ngày sau đó, Nhân nói với bố:
- Con thấy Trọng không có gì xấu, mấy lần sang chơi, cô chú đều rất dễ thương mà ba…
- Đấy là họ không biết về con. Giờ con thử sang đi, xem họ có còn dễ thương không.
Mẹ Nhân từ dưới lên:
- Anh nói kì, chuyện đạo là chuyện đạo. Họ đâu vì thế mà xua đuổi người khác. Bộ ai Tin Lành là xấu hết hả?
- Họ không xấu, nhưng họ khác chúng ta – Ông Minh vừa nói vừa nhìn lãng đi như tránh điều gì đó.
- Chúng ta khác nhau, nhưng không có nghĩa là không sống được với nhau.
Mẹ Nhân chỉ nói vài câu thế thôi rồi bỏ ra sau làm bếp.
Nhân cũng im lặng. Cô bé định hỏi bố gì đó nhưng lại không nói nữa. Nhân chỉ nghĩ thầm: Vui vẻ bình an không được sao, cứ phải như vậy với nhau hoài. Ôi trẻ thơ, có những điều tưởng ngây dại nhưng hóa ra lại sâu sắc hơn cả người lớn!
* * *
- Nhân, Nghĩa ơi ! Dậy đi học con à.
Buổi sáng đầu tuần bắt đầu bằng những cơn nắng nhẹ. Mẹ Nhân gọi hai anh em dậy đi học. Ông Minh dắt xe ra, nhìn ông vẫn như mọi ngày, cái vẻ đăm chiêu cố hữu. Chắc chuyện bố Trọng và những gì vợ nói vẫn xoay vòng trong tâm trí ông.
- Ê thằng Trọng kìa Nhân.
- Ừ đúng rồi nó mà, sao hôm nay lại đi bộ thế. – Nhân và Nghĩa vừa nói vừa tròn mắt quay lại đằng sau nhìn.
Chợt ông Minh dừng lại. Vừa đó, Nhân và Nghĩa tuột xuống ngay, chạy về phía Trọng. Nghĩa nhanh nhảu:
- Ủa sao cậu lại đi bộ vậy.
- Nay bố tớ ốm rồi, sáng nay mẹ đưa bố đi bệnh viện. Không có ai, tớ phải tự đi thôi.
Tụi nhỏ chưa kịp nói gì thêm thì ông Minh đã xua tất cả về phía xe và giục:
- Thôi thôi mấy đứa, lên xe đi học nè. Trễ rồi đó!
Ông vừa nói vừa dắt tay tụi nhỏ, trong đó có Trọng.
- Nhân ra phía trước ngồi nha con. Để sau cho Nghĩa và Trọng ngồi.
- Thôi con đi bộ được rồi, chật xe chú khó lái – Nghĩa ngại ngùng.
- Từ đây đến trường cả mấy cây chứ ít gì. Tụi bây có chút xíu, to lớn gì đâu mà bày đặt. Lên đi chú chở đến trường.
Chiều đó đón hai anh em về, ông dòm dòm rồi quay sang hỏi Thiện Nghĩa:
- Thằng Trọng đâu hả con?
- Chắc nó ra giờ đó bố. Sao vậy bố?
- Bố nó ốm vậy, mẹ nó thì chăm ổng. Sáng không ai đưa đi học nên chắc giờ cũng không ai đưa về cho xem.
Đúng lúc đó thì Nhân thấy Trọng đằng xa, quay sang níu bố và chỉ về phía Trọng:
- Kìa, nó kìa bố.
Thấy Trọng, ông chờ nó đi đến rồi nói nhẹ nhàng:
- Lên chú chở về luôn.
Ông nói đúng một câu như thế, không nói gì hơn. Nhưng trong tâm hồn ba đứa nhỏ lúc này, ánh mắt ấy, lời nói ấy thật là đẹp. Người lớn, đôi khi không cần nói dông dài dạy dỗ bọn trẻ, chỉ cần một hành động đẹp cũng đủ làm chúng học một bài học giá trị.
Cứ thế mấy hôm sau, chắc cũng cả tuần, ngày nào ông cũng chở Trọng đi học rồi đón về cùng hai đứa con luôn. Ông cũng không cấm con chơi chung mà còn dặn là phải quan tâm tới Trọng chút, lâu lâu hỏi bố nó thế nào rồi. Thật ra ông cũng nghĩ về bố Trọng, nhớ cả cái lần xung đột không mấy vui. Con người, lắm khi cũng ngộ, chúng ta cứ giữ mãi trong lòng những thành trì ngăn cách, để mãi ngột ngạt với nỗi khổ tự tạo của chính mình. Đôi khi người lớn, lắm lúc cũng như trẻ con chỉ vì cái tự ái cố hữu.
Thiện Nhân bao giờ cũng báo cáo tình hình. Ông chỉ nghe rồi im, không bao giờ hỏi thêm.
Sáng Chúa nhật hôm đó, sau Thánh Lễ sáng, như có một sự thôi thúc, ông chạy chậm dần khi sắp đi ngang nhà Trọng. Vợ ngồi sau cũng đoán ý chồng nhưng chắc ông còn lưỡng lự. Chị nhanh tiếng vẻ trêu trêu:
- Muốn ghé thì ghé đại đi. Còn bày đặt.
Ông im lặng, nhưng ghé vào thật. Vừa thấy hai cô chú, Trọng mừng huýnh. Mẹ Trọng tiếp đón hai người rất nồng hậu, vui vẻ như chẳng nhớ gì đến những chuyện không vui trước đó. Ông Minh nhìn loáng thoáng căn nhà, thấy có treo một cây Thánh Giá ở giữa nhà, bên dưới là quyển sách Thánh Kinh. Bàn thờ họ đơn giản, không trưng bày nhiều như người Công Giáo nhưng cũng rất trang trọng và cung kính.
- Anh nhà đâu rồi chị nhỉ? - Mẹ Nhân lên tiếng hỏi.
- Ổng nằm ở phòng, chắc chưa hay anh chị đến đây. Sức ổng giờ yếu lắm.
- Mà ảnh bị ốm thế nào hở chị?
Tự nhiên nghe mẹ Nhân hỏi đến câu này, chị sa sầm nét mặt như muốn khóc. Một khoảng im lặng kéo dài. Mẹ Trọng bắt đầu nghẹn ngào:
- Ổng bị ung thư, mới phát hiện hồi tuần trước thôi. Tự nhiên đêm nằm khó thở, người tái mét. Tôi sợ quá đưa đến bệnh viện, mới hay…
Mẹ Trọng khóc.
- Ung thư sao?- Ông Minh lên tiếng, như thể ông không biết phải nói gì, trong lòng ông bây giờ sao mà khó tả.
- Dạ. Giai đoạn cuối rồi anh chị ạ. Trước giờ sức ổng cũng yếu dần, nhưng cứ nghĩ do sức khỏe suy giảm vì mấy cái bệnh lặt vặt. Ai dè…
Lúc này Trọng đang đứng đằng sau vách tường, nghe hết. Cậu bé bữa giờ cũng không hề hay biết gì. Trọng chạy ra ôm chầm lấy mẹ:
- Mẹ, ung thư là sắp chết hả mẹ? Bố con sắp chết thiệt rồi hả mẹ?
Cảnh tượng trước mắt khiến cho hai ông bà bàng hoàng. Không biết nói gì hơn, mẹ Nhân cũng tiến lại ôm lấy hai mẹ con và nhẹ nhàng:
- Xin Chúa nhân lành ở cùng gia đình chị.
Chợt ông Minh cất tiếng:
- Chị cho tôi lên gặp anh ấy được không?
Vừa nhìn thấy ông, bố Trọng tròn mắt, chưa kịp để đối phương nói gì, ông Minh đã cất tiếng:
- Thế nào rồi ông anh? Chắc hôm bữa gây nhau với tôi vài ba câu mà nằm luôn tới giờ đó hả?
- Anh còn đùa tôi thế à?
- Đùa… vẫn còn hơn là cãi nhau mà. Phải không?
Cả hai cùng nhìn nhau cười. Nụ cười sau bao nhiêu ngày cắn đắn nhau. Thật là lạ, đôi khi không cần giải thích câu nệ như tôi nói anh nghe, anh nói tôi nghe cái lí lẽ của nhau. Và rồi chỉ cần qua những câu nói bông đùa – nhưng chân thành thì mọi thứ như tan biến. Người lớn ngoài bốn mươi rồi mà đôi khi nói chuyện như đứa trẻ thơ. Cũng có thể đó là một ơn biến đổi Chúa đã gieo vào lòng hai con người, để họ tìm gặp nhau nơi tình huynh đệ.
- Anh có còn ghét tôi không? Sau cái lần đó. - Giọng bố Trọng run run.
- Ghét chi cho mệt. Nói thiệt là cũng có, nhưng giờ tui quên rồi. Thế còn ông?
- Tôi cũng thấy áy náy. Ông biết không, tôi đã luôn nghĩ không tốt về những người Công Giáo. Cái định kiến đó nó theo tôi dai dẳng.
Ông Minh chưa kịp nói gì thì bố Trọng lại tiếp:
- Tôi biết ông cũng không thích tôi khi hồi trước tôi cư xử như thế. Mà thường những người Công Giáo không thích bên Tin Lành. Họ bảo chúng tôi là thệ phản. Ngày trước tôi ở Bắc, điều đó thấy rõ lắm. Có hôm vô tình nghe ông cha giảng là đừng tin vào những người Tin Lành họ lôi kéo, những gì họ nói sai lệch với đức tin. Tôi tức quá, thêm tự ái nữa nên thành ra không ưa Công Giáo các anh tý nào.
- Thế còn bây giờ?
- Tôi không biết. Nhưng đặc biệt ở anh, tôi thấy anh nghĩa tình. Anh chở con tôi đi học mỗi ngày, lại sang đây hỏi han và thăm tôi. Anh không sợ… bị lôi kéo à?- Nói rồi ông cười rộ lên.
Ông Minh cũng cười:
- Sức ông mà lôi với chả kéo được ai nữa. Tôi chỉ sống đúng với lời mời gọi của Chúa thôi: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Hơn nữa, tôi đặt tên cho hai đứa con tôi là Nhân-Nghĩa mà.
- Cám ơn ông. Người bạn nhân nghĩa. Tôi đề nghị điều này được không?
- Ông cứ nói!
- Chúng ta sẽ tìm hiểu về nhau. Chỉ khi hiểu nhau, thì những thắc mắc và không vui trong lòng mới được tháo cởi. Tôi mong những ngày tháng cuối cùng này, tôi được sống trong bình an.
Kể từ đó, hai ông bố gặp nhau, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời, nhưng ưu tiên nhất vẫn là chuyện đạo. Bố Trọng hay nói về Thánh Kinh, ông thật sự rất thuộc Kinh Thánh. Nhiều khi ông Minh phải ngỡ ngàng và thán phục vì sự yêu mến mà bố Trọng dành cho Thánh Kinh. Còn ông Minh thì lại hay nói về giáo lý, về những lễ nghi, lối sống đạo bên Công Giáo. Lắm lúc họ cũng tranh cãi nhau tý xíu, nhưng hoàn toàn tích cực, cốt chỉ để hiểu nhau. Có thể vì ông Minh sợ ảnh hưởng sức khỏe bố Trọng, nên đôi khi cũng nhường. Cũng có thể họ trân quý nhau thật sự. Dù gì đi nữa, tình huynh đệ giữa hai người cũng dần được nối kết.
Nhờ có bố Nhân mà những ngày đau bệnh của bố Trọng là những ngày tháng thật đáng quý. Dù cơn đau thể xác đôi khi hành hạ ông nhưng tâm hồn ông lại vô cùng nhẹ nhàng. Cả hai đều nhận ra họ có nhiều điểm chung hơn là sự khác biệt. Dẫu “đạo ai nấy giữ”, nhưng ngọn lửa của tình hiệp nhất đã được thắp lên – hiệp nhất trong sự khác biệt. Quả thật, khi bước đi trong sự hiện diện của Thiên Chúa, người ta nhận được tình huynh đệ.
Có hôm ông Minh đem quyển sách Tin Mừng sang cho bố Trọng, bảo:
- Ông có muốn đọc thử kinh Thánh của người Công Giáo không?
- Tôi chỉ là đọc tham khảo thôi nhé.- Bố Trọng vừa nói vừa đưa tay cầm lấy quyển sách.
- Thì ai nói gì đâu. Không khéo lại bảo tôi dụ dỗ…
- Lại bắt đầu đấy.
Cả hai cười khì rồi lại ngồi nói chuyện với nhau như mọi ngày.
Tối đó bố Trọng lật Thánh Kinh Công Giáo ra xem. Ông nâng niu quyển sách như thể đó là của mình. Với tư tưởng của những người Tin Lành, Kinh Thánh là chuẩn mực căn bản nhất của giáo lý và đức tin. Dù đó không phải quyển Kinh Thánh mà ông cầm mỗi ngày, nhưng với ông giá trị ấy vẫn nguyên vẹn: cầm sách kinh thánh là chạm đến Đấng Christ.
Ông cầm sợi chỉ đỏ của quyển sách và lật vào trang được đánh dấu. Cũng chỉ là ngẫu nhiên thôi. Đấy cũng là đoạn thư của thánh Phaolo, ông đọc ngay vào câu : “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận, một lòng một ý với nhau” (1Cr 1,10).”
Và ông cầu nguyện với Đấng Christ. Ông nghe tâm hồn mình được đánh động.
Chúa đã làm mọi sự, để nối kết hai con người ấy. Có thể đó chỉ là tình cờ, là ngẫu nhiên theo cách nghĩ nào đó của con người. Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể.
* * *
- Cháy! Cháy!
Tiếng la làm inh ỏi cả khu xóm giữa đêm khuya.
Thiện Nhân hối hả chạy sang phòng bố mẹ, đúng lúc bố cũng chuẩn bị mở cửa:
- Bố ơi cháy rồi kìa. Con nhìn thấy qua cửa sổ đó bố.
Ông và vợ chạy ra cùng với mọi người. Đám cháy đó bốc lên từ nhà Trọng. Vừa trông thấy hai ông bà Minh, mẹ Trọng chạy lại khóc nấc:
- Ông ấy còn ở trong đó anh Minh à. Tôi chỉ kịp bê thằng nhỏ chạy ra trước, đến khi ra được thì đám cháy đã lớn rồi. Bây giờ làm sao đây?!
Ông Minh nhìn vào ngôi nhà đang cháy hực, chợt thấy có một lối vào lửa chưa sang tới. Không nghĩ gì nhiều ông lao vào mặc cho mọi người ngăn cản. Ông cúi người men theo sát tường thì thấy bố Trọng đang ở cầu thang, nhưng hình như ông đang cố đi lên, chứ không phải tìm đường xuống để thoát ra ngoài. Ông Minh kịp chụp lấy ông, bố Trọng quay sang vẻ bất ngờ:
- Trời, ông đi đâu đây? Ông ra ngoài đi.
- Còn ông? Đi, cùng tôi ra ngoài.
- Tôi phải lên lấy một thứ.
- Mạng chưa lo, lấy gì nữa. Của gì mà ông tiếc dữ vậy.
Mặc cho ông Minh nói thế nào thì bố Trọng cũng quyết quay ngược lại.
- Được, ông quyết thế thì tôi đi cùng ông.
Không để bố Trọng nói thêm. Ông Minh cõng bố Trọng lên lưng, chạy thẳng lên phòng. Bố Trọng cố chạy tìm thứ gì đó. Cuối cùng ông ôm quyển Thánh Kinh trong tay rồi giục ông Minh chạy. Mắt ông Minh như nhòe đi, người anh em kia đang cố bảo vệ quyển Thánh Kinh mà mình trao gửi hôm trước. Hai người cố thoát ra khỏi căn nhà đang hừng hực cháy.
Ở đời, cái chết là đương nhiên. Nhưng khi nó đến thì ai cũng phải bàng hoàng. Kẻ ra đi người ở lại, nỗi đau còn đó. Ông Minh đã chết. Khi vừa ra đến cửa, có một cây sà đổ xuống, ông đã đẩy mạnh bố Trọng văng ra của và đỡ lấy cú giáng đó. Mọi thứ xảy đến quá nhanh, cái chết ấy… không ai ngờ đến.
Người ung thư sắp chết thì không chết, kẻ lành lặn khỏe mạnh thì ra đi trước. Đời, chẳng ai biết trước điều gì. Nỗi đau là điều phải chấp nhận.
Lễ tang của ông Minh, gia đình Trọng cũng đến dự. Lần đầu tiên ông bước vào nhà thờ Công Giáo, nhưng là để dự một thánh lễ tang. Ông nhìn lên cây thập giá, nước mắt chảy ròng. Người nằm kia, mang trong mình đức tin mà ông từng luôn nghĩ đối đầu với ông. Người nằm kia, từng đọ cãi đúng sai với ông. Người nằm kia, là người anh em đồng hành cùng ông trong những ngày cuối đời. Và người nằm kia… đã chết cho một người sắp chết.
Ông chạy đến linh cửu ông Minh, nấc thành tiếng:
- Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Cám ơn và xin lỗi ông vì tất cả. Ông Minh, người anh em nhân nghĩa của tôi.
Cả nhà thờ im lặng, mắt ai cũng nhòe đi. Gia đình Thiện Nhân cũng không có gì là trách móc nhà Trọng, vì cứu bố Trọng mà bố Nhân phải chết. Trọng, Thiện Nhân và Thiện Nghĩa cùng đến bên linh cửu ông, khóc to. Khung cảnh ấy khiến ai cũng không cầm được nước mắt.
Một năm sau ngày ông Minh mất, bố Trọng cũng ra đi vì căn bệnh ung thư đã di căn quá nặng. Trùng hợp thay, ngày tháng mất của ông đúng với ngày ông Minh mất. Ông đã kịp dạy tụi nhỏ bài hát có tên Amazing Grace – một bài thánh ca tiếng anh mà ông rất thích nghe. Ông cũng nói với mẹ Trọng là cho ông nằm kế phần mộ của ông Minh.
Trước lúc trút hơi thở cuối, ông nhìn tụi nhỏ, chỉ nói có ba chữ thôi:
- Trọng Nhân Nghĩa.
Ba chữ cuối cùng ấy đã theo ba đứa nhỏ trên suốt chặng đường sau này. Cái tên đôi khi lại mang một giá trị to lớn. Thế hệ này lớn lên, sẽ là những con người trọng nhân nghĩa, như những gì mà cha mẹ đã kỳ vọng và đã sống cho chúng nhìn thấy.
Thiện Nhân chợt tỉnh sau dòng ký ức ngược thời gian, tay vẫn cầm trên tay quyển Thánh Kinh. Quyển sách này đã bị cháy một góc nhỏ bên phải, mẹ Trọng đã gửi cho Nhân sau ngày bố Trọng mất. Nhân đã giữ nó suốt 18 năm qua, và những ký ức về nó chưa bao giờ mất trong tâm trí Nhân. Hai ngày nữa là giỗ bố. Có lẽ vì thế mà cô nhớ đến ký ức này. Miệng Nhân lại khe khẽ cất lên câu hát : “Amazing Grace…”
Cuộc sống con người luôn thay đổi, như những ngọn gió không ngừng thổi bao giờ. Nhân bây giờ là một nữ tu Mến Thánh Giá. Đặc biệt hơn, ngày mai là lễ khấn trọn đời của cô. Nghĩa cũng đang ở Học Viện năm tư của dòng Tên. Còn Trọng, sau những ngày đau thương đó, hai mẹ con Trọng đi đâu biệt tích. Suốt mười mấy năm Nhân và Nghĩa không hề gặp lại. Sau này mới hay tin Trọng về Bắc sống và nhận được học bổng đại học tại Hàn Quốc. Và… Trọng bây giờ đã trở thành một mục sư Tin Lành trẻ tuổi đầy nhiệt tâm.
- Em có liên lạc với Trọng và cho Trọng hay mai là lễ khấn trọn của em chưa?- Giọng anh trai cất lên trong điện thoại.
- Em có gửi email hơn một tuần trước. Email này xin được từ một người bạn của Trọng. Không biết có chính xác không nhưng em không thấy hồi âm.
- Nếu Chúa muốn… em nhỉ?!
Đặt điện thoại xuống bàn. Nhân thở dài. Hy vọng về người bạn thuở ấu thơ đáng nhớ ấy sẽ đến trong ngày lễ khấn của mình thật mong manh. Nhân nhìn lên cây Thánh Giá treo ở tường phòng, thầm mong Chúa luôn đồng hành cùng cô và những người cô yêu thương.
Màn hình máy tính báo vừa nhận một email mới. Mở ra thì nó đến từ một cái tên rất lạ, cũng chẳng nói gì cả. Chỉ có một đoạn clip. Đó là một bài nhạc thánh ca Hàn có dịch lời Việt mang tên Konionia – Tất cả chúng ta là một. “Tất cả chúng ta hãy trở nên những quà tặng. Trong Thần Khí chúng ta nên một”. Có lẽ nào là…
* * *
Buổi lễ diễn ra thật long trọng và hạnh phúc. Thiện Nhân không để ý đến việc ai đến ai không, Nhân hướng trọn về Chúa để cam kết trọn đời dâng hiến cho Ngài. Sau khi mọi sự hoàn tất, khách khứa cũng về hết. Nhân đứng trước tượng Thánh Giá Chúa, cô cầu nguyện.
- Amazing Grace, how sweet the sound…
Tiếng hát ai cất lên, nhẹ nhàng, thanh thoát... Bài nhạc thân thuộc ngày nào. Nhân thấy mắt mình nhòe đi, cô quay lại cũng là lúc giọt nước mắt đầu tiên lăn dài trên má.
Đó là anh Nghĩa cùng Trọng.
Tất cả đều nhìn nhau không nói lời nào. Một khoảng không lặng thinh nhưng bình an và nhẹ nhàng. Cuối cùng thì Trọng Nhân Nghĩa, ba con người cùng thế hệ ngày nào cũng đã gặp lại nhau.
Cuối cùng thì… ta cũng ở bên nhau! Tạ ơn Chúa.