Vinh Sơn Chung Thanh Huy, 1976, Tổng Gp Sài Gòn.
(Giải Ba VVĐT 2016)
- 60 tỷ, ok chứ?
- Cô đừng nói chuyện tiền bạc ở đây. Nhà thờ là tài sản của Giáo hội, của người Công giáo miệt này, tôi không quyết định được!
- Ối giời ơi, cầm từng ấy tiền linh mục muốn gì mà chả được. Cứ mua mảnh đất rộng hơn, xây nhà thờ to vật vã, hoành tráng lên cho dân chúng được nhờ…
Chưa dứt lời, người phụ nữ đã ngúng nguẫy ra xe. Chiếc lexus đen bóng lao nhanh khỏi nhà xứ để lại đằng sau lớp bụi cát mịt mù. Người đàn ông ngồi bất động, mặc ánh nắng chiều chếch xuống mái tóc hoa râm.
Hơn ba mươi năm từ khi cha Thể về đây coi xứ. Ngày đó đảo còn hoang sơ lắm, đi đâu cũng gặp những bãi cát mịn trải dài, những rặng dừa cong mình xanh mướt. Gia đình nào không có đất thì đi biển hoặc làm công cho các nhà thùng sản xuất nước mắm. Nhà trên đảo không hề đóng cửa, hiếm xảy ra chuyện trộm cắp. Ban ngày làm lụng vất vả nhưng đêm được yên giấc không phải lo lắng. Và nhịp sống yên bình đó chỉ nhộn nhịp khi đoàn tàu cá quay về. Chiều trên bãi biển, thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ đứng đợi người thân. Biển và bờ vỡ òa niềm vui khi từng con tàu cập bến. Cánh đàn ông nói cười rôm rã, nhảy vội lên bờ chọn vài con cá, con mực tươi ngon biếu người thân, chòm xóm, rồi mới bán cho thương lái. Tình người miền biển là vậy dù cuộc mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn. Tính cách họ phóng khoáng, ầm ào như sóng gió đại dương.
Lúc đầu, cha Thể lấy làm lạ vì cái kiểu ăn nói cộc lốc ở đây. Dần dần, ông nghiệm ra đó là đặc trưng văn hóa của người miền biển. Bởi ngoài khơi xa, giữa tiếng sóng gió ồn ào, người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền, đã quen ăn to nói lớn. Nên họ mới có biệt danh là người “ăn đầu sóng, nói đầu gió”. Họ cục mịch nhưng chân thành, thô cộc mà nhân ái bao dung. Có thể ít học, nhưng người ngư dân vùng này vẫn luôn cậy dựa, phó thác vào Chúa.
Sống cùng ngư dân, cha mới biết, những cơn bão biển là nỗi ám ảnh triền miên đối với họ. Chỉ khi tận mắt chứng kiến, người ta mới hiểu hết sức tàn phá khủng khiếp của bão và càng thấm thía nỗi mất mát, đau thương khi cơn bão đi qua. Ngày bão giông, biển đổi màu đen sậm. Trên cao, dọc ngang những vệt sấm chớp ngoằn ngoèo như xé nát bầu trời xám ngắt. Bên dưới, từng đợt sóng to hất tung mọi ghềnh đá. Cây cối trên bờ rạp mình nghiêng ngã. Biển cuồng điên, vẫy vùng đến nỗi xoá nhoà cả khoảng không tưởng chừng vô tận giữa trời với nước. Biển nuôi dưỡng, vun đắp nhưng cũng huỷ diệt sự sống. Biển đưa người đi và trong một ngày giông tố biển đã không đưa người trở về. Biển mở rộng vòng tay đón nhận con người rồi cũng chính biển xiết chặt, vùi sâu con người dưới lòng đại dương sâu thẳm. Mỗi cơn bão đi qua, nhiều nỗi đau để lại. Những tiếng khóc thê lương giữa cảnh hoang tàn, đổ nát. Cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng và cả tiếng khóc ngơ ngác của nhiều đứa trẻ chưa kịp hiểu hết hai tiếng mồ côi. Sau cơn bão, bãi biển trở thành bến đợi. Nơi chờ mong những cuộc trở về. Để rồi khi thời gian không còn đủ cho những đợi chờ cũng là lúc bãi tha ma cuối đảo xuất hiện thêm nhiều ngôi mộ gió. Và bao đời, biển vẫn thế.
Nhưng hôm nay, cha Thể đang nghĩ đến cơn bão khác. Một cơn bão đang từng ngày, từng giờ phá nát sự yên bình, làm thay đổi tận gốc cuộc sống nơi đây. Cuộc gặp mặt giữa ông và người khách lạ vừa rồi đã nói lên điều đó. Đúng như những lời đồn đoán, người phụ nữ kia đã tới tìm ông bằng cái kiểu của kẻ lắm bạc, nhiều tiền. Bà đại diện một tập đoàn nước ngoài với dự án xây dựng resort năm sao trên đảo. Chỉ trừ khuôn viên nhà thờ, còn lại bao nhiêu đất đai, nhà cửa từ bãi dài đến sát chân núi đã bị bà thâu tóm nhanh gọn trong vòng hai tháng. Cha sợ đến ngày ngôi nhà thờ duy nhất trên đảo cũng bị bứng đi nhường chỗ cho các dự án du lịch. Bởi ông hiểu câu nói cửa miệng người đời: Cái gì không mua được bằng tiền sẽ được mua bằng rất nhiều tiền.
Cơn sốt đất đã khiến nhiều gia đình bất ngờ trở thành tỉ phú. Bi đát ở chỗ cuộc sống giàu sang đến với họ chỉ thoáng qua như một giấc mơ. Nhiều ngư dân cả đời tần tảo, sống yên lành bên vườn dừa, bãi cát thì nay chỉ trong chớp mắt được khoác lên người chiếc áo tỉ phú. Nhưng cùng lúc đó họ phải rời xa nơi mình sinh sống. Thêm một tỉ phú thì cũng thêm nhiều người trong gia đình mất đất, bỏ nghề. Ai cũng thấy, tiền có được từ trúng đất còn gấp nhiều lần trúng số. Giờ đi trên đảo dễ dàng bắt gặp anh thợ hồ, chị bán cá hay ông xe ôm đã từng biết qua cảm giác làm tỉ phú. Nhiều người cầm tiền tỉ trong tay nhưng chẳng biết làm gì với số tiền vượt quá tầm quản lý của họ. Bán đất dễ lắm, đến lúc cầm tiền rồi thì khó mà mua lại được miếng khác trên đảo.
Số tiền bán đất cũng mang đến nhiều bất ổn cho các gia đình Công giáo. Tiền bạc thêm nhiều càng dễ làm người ta thêm bạc tình, bạc nghĩa. Họp ban hành giáo, tháng nào cha Thể cũng phải phân xử đủ loại kiện tụng. Hầu như tệ nạn nào cũng có người Công giáo góp mặt tham gia. Chính ông cũng không ngờ cuộc sống của bà con giáo dân giờ phức tạp, rối rắm đến vậy. Như chuyện nhà Hai Tân ở bãi Giữa, bán đất xong, con cái lao vào bài bạc. Chơi trên đảo chưa đã tay, thằng con ôm tiền qua Campuchia nướng tiếp vô casino. Tới lúc thua hết, nó tự cầm mạng mình lấy tiền gỡ gạc. Cuối cùng ông Hai Tân phải vác nửa tỉ bạc đi chuộc thằng quý tử về. Rồi vụ Ba Xê cũng ở gần đó, cầm mấy chục tỉ tiền bán đất lao vô nhậu nhẹt, đá gà, cá độ rồi bỏ vợ, đi theo con nhỏ tiếp viên đáng tuổi con cháu vô đất liền. Nhưng điều làm cha Thể đau lòng nhất là chuyện nhà bà Bảy Châu. Bán hai công đất nghe đâu được vài chục tỉ. Tiền chưa tới tay, mấy thằng con đã nhào vô tranh chấp, vác mã tấu rượt nhau rần rần. Con không cha như nhà không nóc, ông Bảy mất tích sau trận bão lớn, giờ một mình bà khóc cạn nước mắt nhìn cảnh huynh đệ tương tàn. Cũng mấy lần cha Thể ghé qua thu xếp, giảng hoà nhưng đều thất bại. Rượu vào lời ra, ông cha chưa kịp bước qua cổng tụi nó đã văng tục chửi rủa. Có lần thằng Trọng, đứa lớn nhất, xách dao rượt ông và ban hành giáo chạy mất dép vì dám xía vô chuyện gia đình tụi nó. Đưa ra chính quyền chỉ phạt hành chính rồi cho về. Người ta giải thích, đó mới là hăm doạ thôi chứ chưa gây án nên không thể bắt giam hay đưa đi cải tạo. Nhưng cha Thể vẫn thấy lo lắm vì từ lúc rủng rỉnh tiền bạc, tụi nó bắt đầu tập tành hút hít. Khi bị kích động của ảo giác, ai dám chắc không xảy ra án mạng.
Mỗi tuần cha Thể đi dâng lễ ở các giáo điểm rải rác trên đảo. Càng đi, cha càng tiếc nuối vì đảo không còn xinh đẹp và bình yên như ngày xưa nữa. Chỉ sau một tuần, những nơi ông đến đều thay đổi đến mức không còn nhận ra. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cánh rừng bị phá nát, phân lô chờ đền bù, giải toả. Có cầu thì ắt có cung, nhiều băng nhóm “giang hồ đất” cát cứ từng vùng để giải quyết chuyện tranh chấp, mâu thuẫn đất đai theo kiểu xã hội đen. Đảo khá xa đất liền nên là nơi ẩn náu lý tưởng của đủ loại tội phạm. Những thứ xưa nay hiếm giờ nhan nhãn khắp nơi: lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, đâm chém, ma tuý, đĩ điếm…
Người ta đang khai thác đến cạn kiệt mọi thứ tài nguyên nơi đây với lý do làm du lịch. Chỗ nào cũng thấy rác, cả hòn đảo ngập ngụa trong rác. Khi thuỷ triều xuống, dọc bãi biển rác rến tràn lan. Bao nhiêu nước thải đều tống thẳng ra biển tạo nên những dòng chảy đen ngòm, tanh tưởi. Mấy năm gần đây những hàng phi lao ven biển đã bị đốn sạch để dọn đường cho nhiều bãi tắm cao cấp, resort đắt tiền. Lợi ích chưa thấy đâu nhưng hậu quả mà người dân đảo phải gánh chịu thì nhiều vô kể. Những hàng phi lao dày đặc trước kia là bức tường xanh che chắn sóng gió mỗi mùa giông bão, giờ thì chỉ một cơn gió cũng đủ làm cát biển bay mịt mù vô tận làng trên, xóm dưới. Cũng vì không còn những hàng phi lao nên mỗi năm biển xâm thực càng sâu vào bên trong đảo. Mỗi cơn bão đi qua, bờ biển lại thêm nham nhở, tan hoang.
Lúc chiều, gia đình Hai Tân tới chào cha trước lúc đi xa. Gặng hỏi mãi, mới biết cả nhà khăn gói vô đất liền làm mướn kiếm sống. Họ ra đi âm thầm không cho ai biết vì ngại ngùng, xấu hổ. Mới ngày nào còn mang danh tỉ phú, giờ đất cát không còn, nghề ngỗng cũng không. Cha Thể tự hỏi, sẽ đến lượt ai nối gót họ tha phương cầu thực trong những ngày sắp tới.
Bất chợt, đằng xa vẳng lại những tiếng la thét hoảng loạn. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần. Ông trùm Nam chạy vô nhà xứ với nét mặt hớt hãi, tái mét:
- Thưa cha, thằng Trọng vừa đâm chết bà Bảy. Người ta nói nó xài ma tuý đá nên hung hăng lắm, không ai dám nhào vô!
Cha Thể cảm giác rụng rời tay chân. Điều ông lo sợ lâu nay đã đến, con chiên của ông đã thật sự bán mình cho quỷ. Bàn tay thằng Trọng đang vấy máu chính người đã cưu mang, nuôi dưỡng nó. Tiếng súng vang lên chát chúa, hình như công an bắn chỉ thiên để trấn áp. Ông Nam giật mình lắp bắp:
- Vậy Cha có xuống xức dầu cho bà Bảy hay giải tội cho nó trước lúc vô tù không, thưa Cha?
Cha Thể im lặng hồi lâu rồi thở dài lên tiếng:
- Chắc không cần đâu. Bà Bảy chết rồi. Còn nó lúc này ý thức được gì đâu mà xưng với thú. Chỉ cầu xin Lòng Thương Xót Chúa hoán cải và tha thứ cái tội tày trời của nó!
Cha Thể bước ra sân, những cơn gió lạnh thấu xương thổi ào ạt như muốn cuốn lấy, quật ngã ông. Ngoài xa từng con sóng đen ngòm nối tiếp nhau tạo nên nhiều hình thù kỳ dị, ma quái phủ cao, dựng đứng rồi đổ ập tung toé lên tận thềm nhà thờ. Bão đã vào bờ.
- Cô đừng nói chuyện tiền bạc ở đây. Nhà thờ là tài sản của Giáo hội, của người Công giáo miệt này, tôi không quyết định được!
- Ối giời ơi, cầm từng ấy tiền linh mục muốn gì mà chả được. Cứ mua mảnh đất rộng hơn, xây nhà thờ to vật vã, hoành tráng lên cho dân chúng được nhờ…
Chưa dứt lời, người phụ nữ đã ngúng nguẫy ra xe. Chiếc lexus đen bóng lao nhanh khỏi nhà xứ để lại đằng sau lớp bụi cát mịt mù. Người đàn ông ngồi bất động, mặc ánh nắng chiều chếch xuống mái tóc hoa râm.
Hơn ba mươi năm từ khi cha Thể về đây coi xứ. Ngày đó đảo còn hoang sơ lắm, đi đâu cũng gặp những bãi cát mịn trải dài, những rặng dừa cong mình xanh mướt. Gia đình nào không có đất thì đi biển hoặc làm công cho các nhà thùng sản xuất nước mắm. Nhà trên đảo không hề đóng cửa, hiếm xảy ra chuyện trộm cắp. Ban ngày làm lụng vất vả nhưng đêm được yên giấc không phải lo lắng. Và nhịp sống yên bình đó chỉ nhộn nhịp khi đoàn tàu cá quay về. Chiều trên bãi biển, thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ đứng đợi người thân. Biển và bờ vỡ òa niềm vui khi từng con tàu cập bến. Cánh đàn ông nói cười rôm rã, nhảy vội lên bờ chọn vài con cá, con mực tươi ngon biếu người thân, chòm xóm, rồi mới bán cho thương lái. Tình người miền biển là vậy dù cuộc mưu sinh lắm nỗi nhọc nhằn. Tính cách họ phóng khoáng, ầm ào như sóng gió đại dương.
Lúc đầu, cha Thể lấy làm lạ vì cái kiểu ăn nói cộc lốc ở đây. Dần dần, ông nghiệm ra đó là đặc trưng văn hóa của người miền biển. Bởi ngoài khơi xa, giữa tiếng sóng gió ồn ào, người đầu thuyền, kẻ cuối thuyền, đã quen ăn to nói lớn. Nên họ mới có biệt danh là người “ăn đầu sóng, nói đầu gió”. Họ cục mịch nhưng chân thành, thô cộc mà nhân ái bao dung. Có thể ít học, nhưng người ngư dân vùng này vẫn luôn cậy dựa, phó thác vào Chúa.
Sống cùng ngư dân, cha mới biết, những cơn bão biển là nỗi ám ảnh triền miên đối với họ. Chỉ khi tận mắt chứng kiến, người ta mới hiểu hết sức tàn phá khủng khiếp của bão và càng thấm thía nỗi mất mát, đau thương khi cơn bão đi qua. Ngày bão giông, biển đổi màu đen sậm. Trên cao, dọc ngang những vệt sấm chớp ngoằn ngoèo như xé nát bầu trời xám ngắt. Bên dưới, từng đợt sóng to hất tung mọi ghềnh đá. Cây cối trên bờ rạp mình nghiêng ngã. Biển cuồng điên, vẫy vùng đến nỗi xoá nhoà cả khoảng không tưởng chừng vô tận giữa trời với nước. Biển nuôi dưỡng, vun đắp nhưng cũng huỷ diệt sự sống. Biển đưa người đi và trong một ngày giông tố biển đã không đưa người trở về. Biển mở rộng vòng tay đón nhận con người rồi cũng chính biển xiết chặt, vùi sâu con người dưới lòng đại dương sâu thẳm. Mỗi cơn bão đi qua, nhiều nỗi đau để lại. Những tiếng khóc thê lương giữa cảnh hoang tàn, đổ nát. Cha mẹ khóc con, vợ khóc chồng và cả tiếng khóc ngơ ngác của nhiều đứa trẻ chưa kịp hiểu hết hai tiếng mồ côi. Sau cơn bão, bãi biển trở thành bến đợi. Nơi chờ mong những cuộc trở về. Để rồi khi thời gian không còn đủ cho những đợi chờ cũng là lúc bãi tha ma cuối đảo xuất hiện thêm nhiều ngôi mộ gió. Và bao đời, biển vẫn thế.
Nhưng hôm nay, cha Thể đang nghĩ đến cơn bão khác. Một cơn bão đang từng ngày, từng giờ phá nát sự yên bình, làm thay đổi tận gốc cuộc sống nơi đây. Cuộc gặp mặt giữa ông và người khách lạ vừa rồi đã nói lên điều đó. Đúng như những lời đồn đoán, người phụ nữ kia đã tới tìm ông bằng cái kiểu của kẻ lắm bạc, nhiều tiền. Bà đại diện một tập đoàn nước ngoài với dự án xây dựng resort năm sao trên đảo. Chỉ trừ khuôn viên nhà thờ, còn lại bao nhiêu đất đai, nhà cửa từ bãi dài đến sát chân núi đã bị bà thâu tóm nhanh gọn trong vòng hai tháng. Cha sợ đến ngày ngôi nhà thờ duy nhất trên đảo cũng bị bứng đi nhường chỗ cho các dự án du lịch. Bởi ông hiểu câu nói cửa miệng người đời: Cái gì không mua được bằng tiền sẽ được mua bằng rất nhiều tiền.
Cơn sốt đất đã khiến nhiều gia đình bất ngờ trở thành tỉ phú. Bi đát ở chỗ cuộc sống giàu sang đến với họ chỉ thoáng qua như một giấc mơ. Nhiều ngư dân cả đời tần tảo, sống yên lành bên vườn dừa, bãi cát thì nay chỉ trong chớp mắt được khoác lên người chiếc áo tỉ phú. Nhưng cùng lúc đó họ phải rời xa nơi mình sinh sống. Thêm một tỉ phú thì cũng thêm nhiều người trong gia đình mất đất, bỏ nghề. Ai cũng thấy, tiền có được từ trúng đất còn gấp nhiều lần trúng số. Giờ đi trên đảo dễ dàng bắt gặp anh thợ hồ, chị bán cá hay ông xe ôm đã từng biết qua cảm giác làm tỉ phú. Nhiều người cầm tiền tỉ trong tay nhưng chẳng biết làm gì với số tiền vượt quá tầm quản lý của họ. Bán đất dễ lắm, đến lúc cầm tiền rồi thì khó mà mua lại được miếng khác trên đảo.
Số tiền bán đất cũng mang đến nhiều bất ổn cho các gia đình Công giáo. Tiền bạc thêm nhiều càng dễ làm người ta thêm bạc tình, bạc nghĩa. Họp ban hành giáo, tháng nào cha Thể cũng phải phân xử đủ loại kiện tụng. Hầu như tệ nạn nào cũng có người Công giáo góp mặt tham gia. Chính ông cũng không ngờ cuộc sống của bà con giáo dân giờ phức tạp, rối rắm đến vậy. Như chuyện nhà Hai Tân ở bãi Giữa, bán đất xong, con cái lao vào bài bạc. Chơi trên đảo chưa đã tay, thằng con ôm tiền qua Campuchia nướng tiếp vô casino. Tới lúc thua hết, nó tự cầm mạng mình lấy tiền gỡ gạc. Cuối cùng ông Hai Tân phải vác nửa tỉ bạc đi chuộc thằng quý tử về. Rồi vụ Ba Xê cũng ở gần đó, cầm mấy chục tỉ tiền bán đất lao vô nhậu nhẹt, đá gà, cá độ rồi bỏ vợ, đi theo con nhỏ tiếp viên đáng tuổi con cháu vô đất liền. Nhưng điều làm cha Thể đau lòng nhất là chuyện nhà bà Bảy Châu. Bán hai công đất nghe đâu được vài chục tỉ. Tiền chưa tới tay, mấy thằng con đã nhào vô tranh chấp, vác mã tấu rượt nhau rần rần. Con không cha như nhà không nóc, ông Bảy mất tích sau trận bão lớn, giờ một mình bà khóc cạn nước mắt nhìn cảnh huynh đệ tương tàn. Cũng mấy lần cha Thể ghé qua thu xếp, giảng hoà nhưng đều thất bại. Rượu vào lời ra, ông cha chưa kịp bước qua cổng tụi nó đã văng tục chửi rủa. Có lần thằng Trọng, đứa lớn nhất, xách dao rượt ông và ban hành giáo chạy mất dép vì dám xía vô chuyện gia đình tụi nó. Đưa ra chính quyền chỉ phạt hành chính rồi cho về. Người ta giải thích, đó mới là hăm doạ thôi chứ chưa gây án nên không thể bắt giam hay đưa đi cải tạo. Nhưng cha Thể vẫn thấy lo lắm vì từ lúc rủng rỉnh tiền bạc, tụi nó bắt đầu tập tành hút hít. Khi bị kích động của ảo giác, ai dám chắc không xảy ra án mạng.
Mỗi tuần cha Thể đi dâng lễ ở các giáo điểm rải rác trên đảo. Càng đi, cha càng tiếc nuối vì đảo không còn xinh đẹp và bình yên như ngày xưa nữa. Chỉ sau một tuần, những nơi ông đến đều thay đổi đến mức không còn nhận ra. Ngày càng xuất hiện nhiều hơn những cánh rừng bị phá nát, phân lô chờ đền bù, giải toả. Có cầu thì ắt có cung, nhiều băng nhóm “giang hồ đất” cát cứ từng vùng để giải quyết chuyện tranh chấp, mâu thuẫn đất đai theo kiểu xã hội đen. Đảo khá xa đất liền nên là nơi ẩn náu lý tưởng của đủ loại tội phạm. Những thứ xưa nay hiếm giờ nhan nhãn khắp nơi: lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, đâm chém, ma tuý, đĩ điếm…
Người ta đang khai thác đến cạn kiệt mọi thứ tài nguyên nơi đây với lý do làm du lịch. Chỗ nào cũng thấy rác, cả hòn đảo ngập ngụa trong rác. Khi thuỷ triều xuống, dọc bãi biển rác rến tràn lan. Bao nhiêu nước thải đều tống thẳng ra biển tạo nên những dòng chảy đen ngòm, tanh tưởi. Mấy năm gần đây những hàng phi lao ven biển đã bị đốn sạch để dọn đường cho nhiều bãi tắm cao cấp, resort đắt tiền. Lợi ích chưa thấy đâu nhưng hậu quả mà người dân đảo phải gánh chịu thì nhiều vô kể. Những hàng phi lao dày đặc trước kia là bức tường xanh che chắn sóng gió mỗi mùa giông bão, giờ thì chỉ một cơn gió cũng đủ làm cát biển bay mịt mù vô tận làng trên, xóm dưới. Cũng vì không còn những hàng phi lao nên mỗi năm biển xâm thực càng sâu vào bên trong đảo. Mỗi cơn bão đi qua, bờ biển lại thêm nham nhở, tan hoang.
Lúc chiều, gia đình Hai Tân tới chào cha trước lúc đi xa. Gặng hỏi mãi, mới biết cả nhà khăn gói vô đất liền làm mướn kiếm sống. Họ ra đi âm thầm không cho ai biết vì ngại ngùng, xấu hổ. Mới ngày nào còn mang danh tỉ phú, giờ đất cát không còn, nghề ngỗng cũng không. Cha Thể tự hỏi, sẽ đến lượt ai nối gót họ tha phương cầu thực trong những ngày sắp tới.
Bất chợt, đằng xa vẳng lại những tiếng la thét hoảng loạn. Tiếng bước chân mỗi lúc một gần. Ông trùm Nam chạy vô nhà xứ với nét mặt hớt hãi, tái mét:
- Thưa cha, thằng Trọng vừa đâm chết bà Bảy. Người ta nói nó xài ma tuý đá nên hung hăng lắm, không ai dám nhào vô!
Cha Thể cảm giác rụng rời tay chân. Điều ông lo sợ lâu nay đã đến, con chiên của ông đã thật sự bán mình cho quỷ. Bàn tay thằng Trọng đang vấy máu chính người đã cưu mang, nuôi dưỡng nó. Tiếng súng vang lên chát chúa, hình như công an bắn chỉ thiên để trấn áp. Ông Nam giật mình lắp bắp:
- Vậy Cha có xuống xức dầu cho bà Bảy hay giải tội cho nó trước lúc vô tù không, thưa Cha?
Cha Thể im lặng hồi lâu rồi thở dài lên tiếng:
- Chắc không cần đâu. Bà Bảy chết rồi. Còn nó lúc này ý thức được gì đâu mà xưng với thú. Chỉ cầu xin Lòng Thương Xót Chúa hoán cải và tha thứ cái tội tày trời của nó!
Cha Thể bước ra sân, những cơn gió lạnh thấu xương thổi ào ạt như muốn cuốn lấy, quật ngã ông. Ngoài xa từng con sóng đen ngòm nối tiếp nhau tạo nên nhiều hình thù kỳ dị, ma quái phủ cao, dựng đứng rồi đổ ập tung toé lên tận thềm nhà thờ. Bão đã vào bờ.