Maria Nguyễn Thị Khánh Liên,1982, Nha Trang
(Giải Ba VVĐT 2016)
- Út à, đi gặp ba không? Ba đang chờ ngoài cồn cát đó.
Anh Hai nói khẽ, cố không để cho má và bà nội nghe. Hai tuần hoặc một tháng, tôi chờ mong ba muốn thăm chúng tôi, đứng ngoài cồn cát, chờ chúng tôi ra khỏi nhà để chạy đến bên ba. Bao lâu rồi ba không sống chung với chúng tôi nữa?
Người lớn có những vấn đề phức tạp mà trẻ nhỏ không thể nào giải thích được. Chính người lớn cũng không giải thích được. Ba tôi là một thầy giáo ở trường học, là một giáo lý viên ở nhà thờ. Ba và mẹ có một cuộc hôn nhân theo luật Chúa, sống hạnh phúc, có hai đứa chúng tôi. Nhưng một ngày ba mở trang trại bò ở một làng dân tộc, nuôi bò kiếm thêm thu nhập để lo cho chúng tôi ăn học. Ba bén duyên với một phụ nữ dân tộc chăn bò cho trang trại của nhà chúng tôi. Tự dưng tôi có thêm một em gái. Mẹ tôi đã quậy ba tan nát. Sự căm thù của một người đàn bà mất chồng, dù đã kết hôn theo luật Chúa và luật đời thật cay nghiệt. Mẹ tôi đẹp hơn người phụ nữ dân tộc đó, cao sang hơn và có tình có nghĩa với đời ba hơn. Chính mẹ đã đẻ cho ba hai đứa con, chăm sóc nội, dành hết niềm tin, tình yêu, hy sinh của mình vào vai trò làm vợ, làm mẹ, làm con dâu. Vậy mà ba lại lạc lòng, lạc đạo Chúa và luật đời, đi dan díu tình cảm với một phụ nữ dân tộc thấp hèn, không có gì trong tay.
Những ngày đó thật đáng sợ. Nhà tôi toàn là tiếng chửi rủa và nước mắt. Mẹ và bà nội thi nhau chửi rủa ba. Chính bà nội đã từ mặt ba, đuổi ba ra khỏi nhà. Nội tuyên bố tài sản của nội sẽ trao cho hai đứa cháu chứ không còn trao cho ba nữa. Ba rời bỏ trường học, rời bỏ nhà thờ. Ba sống cùng người phụ nữ dân tộc trong trang trại bò cách khá xa khu dân cư và rất xa làng tôi. Từ một thầy giáo ba trở thành kẻ chăn bò. Từ một con chiên ngoan đạo ba trở thành một con chiên lạc. Ba không có lối về hay không muốn về?
Không có ba tất cả chúng tôi đều buồn. Nhớ lắm. Đêm nào mẹ và nội cũng khóc. Nội nhớ con, mẹ nhớ chồng. Chúng tôi cũng rất nhớ ba.
Ba biết mình có lỗi với chúng tôi. Nhưng làm sao về? Về là cơn đau của mẹ lại trỗi dậy. Ghen tuông, cay đắng, uất ức cứ tuôn ra. Tình yêu khi êm đềm là liều thuốc bổ nhưng khi làm nhau đớn đau chẳng khác nào thuốc độc. Còn yêu đó mà không thể nhìn nhau, không thể tha thứ cho nhau. Tha thứ làm sao đặng khi bên này có hai đứa con mà bên kia cũng có một đứa bé. Chúa kêu tha thứ bảy mươi lần bảy. Nhưng tha thứ trong trường hợp nào? Có tha thứ được khi người này làm con tim người kia tan nát hay không?
Ba không về nhà. Có về cũng bị nội lấy chổi đuổi như đuổi tà. Mẹ cũng không nhìn mặt. Nên cứ hai tuần, có khi một tháng, lâu hơn thì hai tháng. Ba lần mò về làng cũ, đứng ở cồn cát, nhắn với một người quen. Trời chạng vạng tối, hai anh em tôi nắm tay nhau chạy ra khỏi con đường làng, hai bên bụi tre chằng chịt, vừa sợ ma vừa sợ bóng tối nhưng không ngăn nổi sự nôn nao, hạnh phúc khi gặp ba mình. Qua hết bụi tre là ra cồn cát. Cát mênh mông, từng ụn, từng ụn kéo nhau tít tắp phía chân trời. Nghĩa trang của làng chúng tôi và làng bên cũng ở gần cồn cát. Nghĩa trang đạo của làng tôi hướng đông, có cây thánh giá nơi cổng vào. Nghĩa trang làng bên hướng tây ngược lại với làng tôi- dân ngoại. Chiều chạng vạng rất ít người ra cồn cát. Nên nhìn thấy cái dáng đứng cô đơn trên cồn cát anh em tôi biết đó là ba. Chúng tôi chạy ào tới, ôm lấy ba, vùi đầu, vùi mũi vào người ba, áo ba, hít lấy hít để cho thỏa nỗi nhớ có ba mà không có ba. Gặp ba lần nào ba cha con cũng khóc. Hỏi nhau: “Nội có khỏe không? Mẹ con có khỏe không?”, “ba có khỏe không?”. Khóc váng lên trên cồn cát buồn.
Những cuộc gặp của cha con chúng tôi diễn ra trên cồn cát vào những buổi chiều chạng vạng. Lần gặp nhau nào cũng bịn rịn. Tôi còn nhỏ nên không hiểu cuộc đời, cứ hỏi Chúa tại sao con có ba mà không được sống cùng ba? Sao Chúa không cho con có ba luôn, ở cùng ba luôn? Nhưng Chúa không trả lời.
Lòng tôi và anh tôi đã buồn đến vậy, lòng nội tôi, mẹ tôi càng buồn hơn. Mẹ càng ngày càng ít nói, khóc nhiều, già và suy sụp hơn. Mẹ căm thù ba nhưng vẫn nhớ con người làm cho mẹ đau đớn, bẽ bàng. Còn nội, muốn tha thứ cho ba nhưng thấy tội con dâu quá. Nó đã gắn cuộc đời nó cho nhà chồng, hy sinh hết mình. Vậy mà thằng con mình còn làm nó khổ, sao nội dám tha thứ cho thằng con?
Những ngày chủ nhật, nội dắt hai anh em tôi đi lễ. Trong nhà thờ nội nói nhỏ với tôi:
- Con và nội cùng cầu nguyện cho ba con trở về nghe.
- Còn người phụ nữ kia và đứa bé thì sao hả nội?- Tôi hỏi.
Nội im lặng, mắt nhìn thánh giá Chúa, thở dài.
Đã mấy tháng rồi, chúng tôi không gặp ba. Chao ôi là nhớ! Lâu nay ba toàn là người chủ động thăm chúng tôi. Chúng tôi đâu có biết ba ở đâu mà đến? Nhưng mấy tháng rồi ba không thăm chúng tôi. Lẽ nào ba quên các con của ba rồi?
Hai anh em tôi lén gặp một người chú quen trong làng, hỏi chỗ ở của ba. Đi học về, trưa nắng, anh đạp chiếc xe chở tôi đi thăm ba.
Đạp xe gần hai tiếng đồng hồ, hỏi thăm nhiều người, hai anh em chúng tôi cũng tìm được nhà của ba và người phụ nữ dân tộc. Chỉ tìm được nhà thôi chứ trang trại bò thì xa quá, ở đâu tận trên núi nên hai anh em tôi không đến được. Vào nhà, chúng tôi thấy đứa nhỏ- con ba và cũng là đứa em của chúng tôi. Ba tôi ở luôn trên trang trại. Buổi sáng dì nấu ăn cho em, rồi tất tả lên núi với ba. Em ở lại làng ăn cơm, đi học, chiều tối dì mới về. Em khá hiền và sợ sệt khi nhìn thấy hai anh em tôi.
Trong nhà có treo thánh giá và có bàn thờ để tượng Đức Mẹ. Thì ra dù không còn là con chiên “ngoan” ba tôi cũng không bỏ đạo. Em tôi cũng đã được rửa tội, nhưng do luật Chúa không cho ba ly hôn nên ba và dì vẫn không kết hôn được ở nhà thờ.
Biết chúng tôi là con ba, là anh, chị của em nên em đã mạnh dạn nói chuyện và cười đùa với chúng tôi. Trời đã chiều, phải quay về nhà, nên hai anh em tôi phải tạm biệt em và đèo xe về. Em đứng ở thềm nhà, ôm cây cột, mắt buồn bã tiễn hai anh em tôi. Đáng lẽ tôi phải ghét em- đứa nhỏ cướp ba của mình mà tôi chỉ thấy tội em thôi. Tôi thiếu ba nhưng có mẹ và nội ở bên. Còn em, cả ngày thiếu cả ba và mẹ. Tôi thấy tội và thương em. Trước khi đi tôi hỏi em tên thánh gì? Mắt em long lanh nói: “Maria”.
Mẹ tôi cũng biết hai anh em tôi cả gan đạp xe mấy chục cây số để đi thăm ba. Nhưng mẹ không nói gì. Mẹ giống nội, lần chuỗi cầu nguyện hàng đêm nhưng không biết phải cầu thế nào cho phải? Cầu cho chồng quay về. Còn người phụ nữ kia, đứa bé kia? Rồi quay về hai người có hạnh phúc như xưa không? Hay vẫn đớn đau, tức giận khi phải nhìn thấy mặt nhau? Vậy thì cầu nguyện làm sao cho hợp?
Chúng tôi chờ ba đến thăm như nắng hạn chờ mưa. Gần cả năm rồi ba không đến thăm chúng tôi. Chiều chạng vạng tôi mong ước bao nhiêu giây phút được chạy ra khỏi nhà, chạy như bay qua con đường mòn đầy tre, leo lên cồn cát lún, gặp cái dáng ba đứng trên còn cát buồn. Úp mặt vào người ba để nghe mùi ba. Bây giờ tôi mới hiểu phần nào nỗi buồn của mẹ. Nỗi buồn khi thiếu vắng người mình thương yêu. Một nỗi buồn bất lực khi mình là người phải chờ đợi chứ không được chủ động có được người yêu thương ấy.
Có một chiều mưa, làng tôi và làng bên cùng có đám tang. Đứng ở sau nhà, chúng tôi ngóng lên cồn cát, nhìn hai đám rước đi về hai nghĩa trang khác nhau. Hai đám rước đi song song cùng nhau. Một đám về nghĩa trang của Chúa, một đám về nghĩa trang của đời. Hai linh hồn. Hai niềm tin khác nhau. Họ đi trong chiều mưa buồn.
Tôi nhìn cồn cát trong mưa thèm biết bao trong đoàn người đi ấy có dáng ba tôi. Chẳng còn sợ mẹ, tôi sẽ chạy lên kêu ba, dụi đầu vào ba, khóc thật to cho thỏa nỗi nhớ ba. Mẹ đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Mẹ cũng nhìn lên cồn cát. Ánh mắt vô vọng, buồn buồn.
Một buổi tối, hai anh em tôi đi nhà thờ về nhìn thấy một người phụ nữ lạ mặt ở trong nhà mình. Đó là dì- mẹ của đứa em gái tôi. Tôi chưa từng gặp dì nhưng nhận ra dì nhờ những nét mà em giống dì. Dì quỳ xuống chân nội tôi, mẹ tôi và khóc. Nội và mẹ cũng khóc. Hai anh em tôi đứng chết lặng khi người lớn cuống quýt, ồn ào. Trong cái đám hỗn loạn than khóc đó tôi cũng òa khóc thật to khi nghe tin ba tôi đang hấp hối. Trước khi mất ba nhờ dì về báo với nội và mẹ, xin được gặp linh mục trước khi nhắm mắt.
Cả gia đình chúng tôi chở nhau đi trong đêm tối buồn. Ba nằm hấp hối trong nhà dì, tay quấn tràng chuỗi mân côi. Giờ phút ba hấp hối mọi nỗi đau buồn của tình cảm đều phải gác qua một bên, chỉ còn giây phút tiễn biệt. Nội, mẹ, dì và ba đứa con ba đều nắm tay ba và khóc. Tiếng đọc kinh vang dậy căn nhà nhỏ. Trong nhà chúng tôi còn có những người hàng xóm của ba và dì. Họ đều là người dân tộc, họ không có đạo nhưng cũng đứng đó nghiêm trang cùng chúng tôi tiễn biệt người thân, buồn với nỗi buồn của gia đình chúng tôi.
Tôi vô cùng sợ hãi. Sao ba tôi lại nằm đó? Sao ba không được sống thêm? Cuộc đời tôi đã thiếu vắng ba rồi lẽ nào bây giờ mất ba luôn sao? Ba nằm nhắm mắt nghe chúng tôi đọc kinh, nhận dầu thánh từ tay linh mục. Nước mắt chảy tràn trên đôi mắt ba. Và ba đi như thế. Rất bất ngờ, rất nhanh trong một buổi tối buồn.
Khi ba còn sống, do lỗi lầm tình cảm ba không được trở về nhà. Mà chắc ba cũng chọn cách không trở về. Trở về là những nỗi đau sống dậy. Là cảm giác thua cuộc, là đay nghiến, là hành hạ nhau bằng cả cuộc đời còn lại. Đã lạc đường rồi nên ba lạc luôn, cứ theo con đường mới mà đi, trúc trắc trở ngại thì ba chịu, ba biết, sinh bệnh tật ba cũng nhận luôn. Nhưng khi mất, ba được trở về, được cầu nguyện trong nhà thờ, được chôn trong nghĩa trang đạo Chúa ở làng chứ không phải là một ngôi mộ nằm lẻ loi trên núi. Dì cũng muốn ba trở về, dù biết ba chôn trong nghĩa trang đạo Chúa thì dì sẽ xa ba mãi mãi. Vì dì theo tộc người Raglai, khi chết sẽ chôn trong rừng và sẽ được người thân làm lễ bỏ mả. Sau khi làm lễ bỏ mả, theo tín ngưỡng của người Raglai, linh hồn sẽ cắt đứt với người thân, họ hàng, sẽ ở luôn thế giới kia, không quay về nữa. Còn linh hồn con chiên của Chúa lại được quay về thế giới này trong mỗi thánh lễ nguyện cầu.
Ở trần gian dì có ba một quãng đường, nhưng khi mất, linh hồn dì và ba lại khác đường với nhau bởi phong tục và tín ngưỡng. Người ba nằm bên sau này lại là nội, là mẹ, chứ không phải là dì. Nhưng vì nguyện vọng của ba, dì chấp nhận. Linh hồn ba đã trở về với chúng tôi.
Đám tang không trúng ngày mưa nhưng rất buồn. Chúng tôi đi rước ba qua cồn cát, qua chỗ ngày trước ba lén lút chờ gặp chúng tôi trong chiều chạng vạng để hỏi mọi người trong gia đình thế nào? Giờ ba cũng đang đi qua nơi chốn đó.
Sau khi ba mất, mỗi khi đến thánh lễ cầu nguyện cho ba dì lại dẫn đứa em tôi đến nhà thờ. Gia đình tôi: nội, mẹ, hai anh em chúng tôi và hai mẹ con của dì lại đứng cùng nhau trong một nhà thờ. Ba đã mất, nỗi đau bị chồng phản bội của mẹ cũng đã chai sạn, nhưng đứng cùng tình địch trong một thánh lễ hẳn là mẹ tôi cũng buồn nhiều. Nhưng dì cũng là người của ba. Người của nhau, cầu nguyện cho nhau là điều hợp lí. Tình cảm con người phức tạp quá. Chúa đến thế gian để cứu con người khỏi khổ ải. Nhưng con người khổ ải vì điều gì? Bệnh tật, miếng cơm manh áo, hay những rối ren đau buồn vì chuyện tình cảm tréo ngoe? Rồi Chúa lại bảo nên tha thứ nhưng tha thứ cho ai? Kẻ thù của ta là ai? Là người chống ta, ghét ta, làm điều xấu cho ta hay là người ta thương, ta yêu, từng yêu ta nhưng rồi làm ta đau khổ? Xác định kẻ thù thật không dễ. Sao kẻ thù lại là người ta yêu được?
Dì và em tôi xuất hiện trong nhà thờ, trong những thánh lễ của ba rồi đi đâu mất hút. Sau này chúng tôi không còn gặp lại dì và em. Khi chúng tôi lớn, tôi và anh tôi có chở nhau đến ngôi nhà xưa để thăm hai mẹ con dì nhưng hàng xóm cho biết hai mẹ con dì đã bỏ đi từ lâu.
Hai mẹ con dì đều theo đạo Chúa của ba. Nhưng ba mất rồi, theo thời gian và phong tục khác nhau, không biết dì và em có giữ đạo? Nếu dì mất, không biết dì được chôn cất theo đạo Chúa hay theo tín ngưỡng, phong tục của người Raglai? Chôn trên núi và được làm lễ bỏ mả.
Còn mẹ tôi, giờ đã già nhưng vẫn giữ một nỗi đau buồn trong tim, chưa tha thứ được. Có lúc mẹ tha thứ, có lúc mẹ lại căm giận. Giận người đã phản bội mẹ và biến mẹ thành một người đàn bà tội nghiệp, thua cuộc, không còn chút niềm tin vào hạnh phúc. Chiều chiều, mẹ đứng ở sau nhà, nhìn lên cồn cát. Nhìn bọn trẻ con chạy đuổi nhau trên cát, nhìn những đám tang đi qua. Rồi mẹ nhìn trân trân vào một chỗ mà tôi cũng không hiểu vì sao mẹ biết chỗ đó mà nhìn? Đó là chỗ ba đứng khi ba lén lút đến thăm chúng tôi.
Mẹ nhìn trân trân chỗ chồng mình lén lút gặp hai đứa con mình. Rồi mẹ ngồi, tay run run lần chuỗi, đôi mắt mờ đục ngước về hướng ấy. Mẹ cầu cho người đàn ông ấy lên thiên đàng, hay cầu cho nội giờ cũng đã nằm ở nghĩa trang?
Chúa tạo ra con người từ cát bụi rồi con người trở về cát bụi. Nhưng hành trình ấy nào có được thẳng thớm, êm đềm? Người này gây khổ cho người kia, người kia buồn khổ vì người nọ. Hận thù nhau, không tha thứ cho nhau. Trở về cát bụi những linh hồn có biết tìm nhau để xoa dịu những đau buồn? Ai cũng tưởng người kia còn sống mãi cho đến một ngày, nhắc về người đó chỉ còn là hạt bụi bay trong trời mà thôi. Ba, nội giờ đã thành cát bụi. Dì cũng mất hút. Mẹ đã già, chiều chiều ngồi lần chuỗi thanh thản chờ ngày trở về với Chúa. Ngày mẹ cũng trở thành một hạt bụi, hòa vào đám bụi trên cồn cát kia. Hạt bụi nào cũng giống nhau dù khi còn là xương thịt, đời sống khác nhau vô cùng…