Sáng thứ hai, Bệnh Viện Ung Bướu đông nghẹt người là người, cả người bệnh lẫn người nhà, chật vật chen lấn, xô đẩy để dành được một chỗ ngồi, chờ gọi đến tên vào khám bệnh.


Trên chiếc chiếu ở gốc cây trước phòng khám, có người phụ nữ dáng dấp gầy gò, quê mùa, khuôn mặt tiều tụy vất vả đang ngồi cùng một người đàn ông xanh xao, đang nằm thở một cách khó khăn. Người phụ nữ đó là Thủy, chị đưa chồng lên đây từ sớm. Quang là chồng của chị bệnh khá nặng, anh nửa nằm nửa ngồi, co quắp trên chiếc chiếu chị mua vội và trải dưới gốc cây với diện tích thật khiêm tốn... Sắp xếp đồ đạc xong, chị để anh đó, rồi mang giấy tờ đi nộp chờ lấy số gọi tên vào khám.

Mấy hôm nay chị mệt lả vì cơn bệnh của anh, thấy anh càng ngày càng yếu đi, những lúc cơn đau quặn làm anh vật vã, mồ hôi ướt đẫm, anh lăn lộn nghiến răng chịu đựng. Biết nhà mình nghèo, vợ con nheo nhóc vì gần 2 năm nay anh ngã bệnh, bị đau nhưng anh vẫn nén cơn đau, gắng gượng giấu giếm vợ con. Lúc đầu những cơn đau thi thoảng, anh cho rằng mình ăn trúng món khó tiêu, nhưng dần dần khi không còn chịu nổi nữa đi khám thì căn bệnh ung thư đã di căn sang thời kỳ thứ hai với chứng nan y: “ung thư dạ dày”.

Nhìn dòng người chen lấn xô đẩy trước mặt, Thủy ngồi mơ màng suy nghĩ với bao thứ lo toan, hai đứa con nhỏ gửi bên nhà ngoại, đứa con gái lớn đã đi giúp việc cho một người bán bún ngoài phố. Thủy thương đứa con gái hơn 10 tuổi đầu, từ ngày bố ốm phải nghỉ học để đi rửa chén, nhìn những chồng chén cao vây quanh, lọt thỏm một cô bé ngồi rửa từ ngày này sang ngày khác.

Sáng qua, vì không xoay sở vào đâu được, chị đạp xe ra phố mượn đỡ bà chủ 2 tháng lương của con gái. Cầm một triệu trong tay với sự cảm thông tốt bụng của người chủ quán, chị đưa anh lên khám đến lần thứ 3. Không biết số tiền còn lại vài trăm này, xe cộ lặt vặt đã làm hết 1/3 số tiền mượn rồi, liệu có còn đủ khám bệnh cho anh trong một ngày hay không? Bao nhiêu cái phải lo. Bỗng chị sáng mắt khi nhìn thấy cái ví mà ai đó đánh rơi ngay chân ghế. Cúi xuống nhặt, tay run run, khi mở ra chị thấy thật nhiều tiền dầy cộm, tim đập thật mạnh, chị vội bỏ vào xách tay như sợ có ai bắt gặp. Hoàn cảnh éo le hiện tại khiến con người trở nên ích kỷ, Thủy chẳng kịp nghĩ đến người chủ nhân của cái ví là ai, số tiền ấy tại sao lại bị rơi ở đây, chị chỉ tự nhủ: “Cảm ơn Chúa đã thương giúp con.”

Tiếng loa gọi tên anh, chị vội nộp giấy rồi chạy lẹ ra dìu anh vào phòng khám. Trong đầu óc bao nhiêu tư tưởng, nghĩ suy đến những việc phải chi tiêu, chị sẽ có tiền để trang trải nợ nần và chữa bệnh cho anh. Bác sĩ khám hỏi bệnh của anh, chị vẫn mông lung như người trên trời rơi xuống, đi theo anh làm các xét nghiệm, lấy kết quả và cùng y tá đẩy anh lên phòng bệnh. Chị vẫn còn cảm giác xúc động thầm cảm ơn Chúa đã giúp chị trong cơn hoạn nạn. Dìu anh vào phòng, tất bật với sự chăm sóc cho anh, chị bỗng chú ý đến cô bé giường bên cạnh đang ngồi khóc sướt mướt, nhìn ông bố đang bất động trên giường. “Chắc bố nó bệnh nặng lắm đây, mà phải rồi, đã vào cái bệnh viện này thì không cục u, cục bướu cũng ung thư khó chữa thôi”, Thủy nghĩ. Chị đưa mắt gợi hỏi những người chung quanh. Họ nói: “Tội nghiệp hai bố con, con bé sáng nay đưa bố đi khám, lúc vào khám xong thì phát hiện đã đánh rơi mất cái bóp, trong ấy có bao nhiêu là tiền, bệnh bố nó nặng lắm, phải đem cầm cả sổ đỏ để vay ngân hàng được chừng ấy, thế mà...”. Chị sững sờ, buột miệng hỏi: “Em đánh rơi ở đâu?” Như bị chạm vào nỗi đau, cô bé lại òa lên khóc tức tưởi, một bà gần đó lên tiếng: “Ngay chỗ phòng đợi khám, nó còn cầm trên tay, vậy mà đưa ông cụ vào xong quay lại tìm thì không thấy. Người nhặt được món tiền to thế hiếm ai người ta trả lại.”

Lặng người, bây giờ Thủy đã rõ chủ nhân của cái bóp, đầu óc chị bắt đầu giằng co dữ dội. Mình im lặng thì không ai biết, mình cũng đang rất cần những đồng tiền kia để còn xoay sở được, thôi cứ coi như mình không hay biết, Chúa ơi, con cũng khổ lắm... Chị quay lại chăm sóc cho chồng. Nhưng trong đầu thì đủ mọi thứ ý nghĩ toan tính, hay là đừng trả, cứ lấy, cứ ém nhẹm, trả rồi thì bao nhiêu điều mình nghĩ nãy giờ sẽ không thực hiện được nữa, ôi chồng mình, con mình... Làm sao đây? Bao nhiêu là lý do khiến Thủy chối bỏ tiếng lương tâm. Còn cô bé vẫn khóc rấm rức, đầu óc chị rối bời, khi nhìn ông bố gầy gò, ho hem hơn cả chồng chị, người ta kiệt quệ đến phải đi cầm cả sổ đỏ nhà đất mà chạy chữa, tội nghiệp con bé hiếu thảo quá! Không, chị không thể táng tận lương tâm, nuốt chửng những đồng tiền bất chính đó, chị phải trả thôi. Phải trả, nhất định phải trả, Chúa sẽ lo cho chị cách khác.

Lặng lẽ mở túi xách, Thủy cầm cái bóp tiền chưa kịp lấy ra đồng nào, đến trao cho cô bé trước ánh mắt sung sướng nghẹn lời của cô, những con mắt ngỡ ngàng của tất cả mọi người xung quanh. Và kìa, những giọt nước mắt lăn dài cảm động trên khuôn mặt ông bố tươi tỉnh hẳn lên, ông cố như muốn gượng dậy để tỏ lòng cảm ơn chị. Con bé rối rít bao nhiêu là câu hỏi, bao nhiêu là câu cảm ơn, rồi nó vừa khóc vừa cười ôm chầm lấy chị. Thủy nhìn chồng, anh cũng mỉm cười với chị. Bây giờ thì chị biết mình đã làm đúng. Lòng chị thầm cầu nguyện: “Lạy Chúa, tận trong đáy lòng con thầm tạ ơn Chúa đã ban cho con tiếng nói lương tâm, để mỗi khi con làm một việc sai trái thì tiếng nói ấy luôn giằng co, thúc giục con từ bỏ. Tạ ơn Chúa cho con biết rằng ơn Chúa đủ cho con, Chúa sẽ lo liệu cho con theo cách của Ngài và bổn phận con là phải luôn sống công bằng với người khác, để sau này con cũng sẽ được phán xét một cách công bằng trước mặt Chúa. Amen.”

Thanh Anh Nhàn - Gx. Tam Hà Thủ Đức
Được tạo bởi Blogger.