Giải khuyến khích truyện ngắn VHNT Đất Mới 2014
Quang cảnh chung quanh đã khác xưa rất nhiều, duy có ngôi nhà của gia đình anh là vẫn như khi anh còn ở nhà
Tùng bỏ nhà đi biệt tăm, biệt tích mười năm nay.
Tùng còn nhớ như in.
Chiều hôm đó sau bữa cơm chiều, mẹ Tùng gọi ba anh em Tùng lại để nói chuyện quan trọng. Mẹ Tùng nói:
- Mẹ đã sang nói chuyện với gia đình ông Thục, xin cô Thu cho anh Bách con. Bên ấy họ cũng đồng ý. Tuần tới vào cha. Hết Mùa Vọng thì cưới
Tùng sửng sốt, sao lại là Thu? Nhà ông bà Thục có tới chín cô con gái. Có những cô lớn tuổi nhưng cũng có những cô bằng trạc tuổi anh Bách. Còn Thu thì quá nhỏ, nhỏ hơn Tùng ít nhất cũng phải 3,4 tuổi. Tùng chưa kịp nghĩ thêm thì mẹ Tùng nói tiếp:
- Nếu như nhà khác thì người ta chẳng gả. Vì nhà mình mẹ góa con côi, lại nghèo. Anh con lại chẳng học hành gì. Nhưng có lẽ nhà người ta toàn con gái 4,5 cô đã quá lứa lỡ thì, khi anh Bách nói với mẹ là muốn cưới cô Thu, mẹ cũng ngần ngại. Nhưng vì thương anh con, nên mẹ mới liều sang một chuyến. May mắn là họ không từ chối.
Tùng đang định lên tiếng thì Dương, anh kế của Tùng đã nói:
- Dạ, con thấy con bé đó cũng được. Nhưng nó còn nhỏ quá, chắc nó còn nhỏ hơn thằng Tùng.
Mẹ cũng biết vậy nhưng anh Bách cũng thích cô ấy. Bên ấy cũng không phản đối bắt phải chờ lớn đi trước, bé đi sau… tuy nó bé tuổi, chứ còn mẹ xem rồi, cái nết của nó được lắm, nó tuy có các chị nhưng chịu khó lam làm chứ không ỉ lại như những đứa con gái khác… Bây giờ mẹ còn khỏe nên mẹ muốn lo cho anh các con. Nếu mẹ có chết, mẹ vẫn muốn anh Bách cưới cô gái ây. tính tình nó cũng như người lớn, Dương và Tùng đừng ngại vì mẹ tin nó có thể lo cho gia đình khi mẹ chết đi.
Tùng nghe tới đây đã lùng bùng lỗ tai, đầu óc cứ ong ong. Anh đứng dậy ra sân hít mạnh không khí, nhưng hình như khí trời cũng muốn phản đối không muốn Tùng hít vào, Tùng thấy khó thở. nên há miệng hớp hớp không khí.
Ngay tối hôm đó Tùng nói với mẹ, ngày mai anh có bài kiểm tra ở trường nên phải đi. Và lần đó Tùng đi không trở lại. Và mười năm qua Tùng bỏ học và phiêu bạt khắp nơi. Dù tự ý bỏ nhà đi nhưng mỗi khi chiều về, Tùng luôn nhớ mẹ, nhớ gia đình… Cũng không quên cái ngày làm Tùng phải phiêu bạt không có đường về.
Đứng ngoài cổng mãi rồi Tùng cũng bước vào. Trong sân năm đứa trẻ đang nô đùa. Đứa lớn nhất khoảng 7,8 tuổi, gầy gò nhưng khá nhanh nhẹn, đừa bé gái khoảng một tuổi ngồi trên tàu cau được thằng anh kéo quanh sân đang cười như nắc nẻ. Ba đứa trẻ khác theo sau reo hò.
Đang chơi, thấy có người vào. Chúng ngừng chơi, rồi trố mắt nhìn người mới vào. Thằng anh ra vẻ chủ nhà buông tầu cau chạy ra hỏi:
- Bác kiếm ai?
Tùng không trả lời ngay mà quan sát thằng bé. Trời thằng bé giống anh Bách quá!
- Con hỏi bác muốn kiếm ai?.
- Má con đâu?
- Mẹ con ở bên bác Hai. Bác là ai?
- Con đi kêu mẹ con về, chú muốn gặp mẹ con.
- Không, bác ngồi kia chờ mẹ con đi. Măng Cụt, qua kêu bác Hai.
- Bác Hai không có nhà, kêu Út được không?
- Ừ, nói Út qua ngay, nhà mình có người lạ tới.
Con bé vừa ra đến cổng thì gặp mẹ nó về.
- A! mẹ về, mẹ về
- Mẹ về, mẹ về
Mấy đứa bé cũng ùa ra reo mừng. Thằng anh không theo ra mà gườm gườm nhìn Tùng
- Mẹ con về rồi đó, bác nói gì nói mau mau đi. Nhà con sắp ăn cơm rồi
Nghe thằng bé nói, Tùng phì cười vì thấy cách đuổi khách của nó. Tùng trêu:
- Con cho chú ngủ ở đây một đêm, mai chú khỏe mới nói được.
- Không được, nhà cháu không có giường.
- Cho chú nằm đất cũng được? Hay chú ngủ trên gác gỗ cũng được.
Nghe Tùng đòi ngủ trên gác gỗ, nó hơi ngạc nhiên vì muốn lên gác chỉ có trèo bằng mấy thanh gỗ nẹp tường mới lên được nhưng thằng bé cương quyết
- Không được, nhà cháu chật lắm. Gác nhà cháu không có thang để lên
- Tùng… Nghe tiếng kêu thảng thốt, Tùng quay lại
- Thu… Chị Bách.
- Sao bây giờ Tùng mới về? Giọng Thu như muốn khóc.- Lúc mẹ mất cũng không biết Tùng ở đâu mà tìm. Khi anh Bách còn sống cũng đi tìm Tùng mấy lần, mà không gặp
- Tôi trốn thì làm sao mà tìm được.
- Sao Tùng phải trốn? Tùng về luôn chứ?
- Không. Tôi chỉ ghé thăm nhà rồi đi.
- Tùng đừng đi nữa. Ở lại nhà thôi. Tùng đi xa về mệt không? Ăn cơm chưa? Vào ăn cơm với mẹ con tôi.
- Hôm nay con nấu ít cơm - Thằng bé nói
- Sao hôm nay con lại nấu ít cơm, nhưng hết cơm thì còn mì.
- Mì cũng hết luôn rồi mẹ
- Mẹ mới mua thùng mì hôm Chúa nhật, làm sao đã hết được.
- Con nói hết là hết
Nghe mẹ con Thu đối đáp. Tùng biết thằng bé muốn gì, Tùng trêu:
- Nhà con nấu ít cơm, mì cũng hết nhưng chú có mua bánh mì. Con cho chú ở lại nhá! chú ăn bánh mì của chú là được chứ gì?
Quay sang Thu, Tùng nháy mắt nói:
- Chị mời tôi thì tôi cũng muốn ở lại nhưng thằng bé này cứ muốn đuổi tôi đi.
- A, - Thu chợt nhớ ra các con nàng không biết Tùng lài ai. Nàng gọi các con:
- Táo, con dẫn mấy em lại đây!
- Đây là chú Tùng, em út của ba Bách. Đây là Táo, Na, hồi tôi có bầu con bé được năm tháng thì anh Bách mất. Còn đây là Dâu Da, Bòn Bon và Xí Muội là những đứa con Đức Mẹ ban cho tôi.
Tùng trợn tròn mắt nhìn Thu trân trân. Thu biết Tùng nghĩ gì nên mới nhìn nàng như vậy nên nói:
- Tùng đừng nhìn vậy, thấy ghê quá! Không phải như chú nghĩ đâu! Đã nói là con Đức Mẹ ban cho tôi mà, khi thuận tiện tôi sẽ kể cho chú nghe.
- Vậy sao chị nuôi nổi ?
- Chúa nuôi, con Đức Mẹ thì Đức Mẹ giữ gìn, có mấy bác phụ thì có gì không được. Tôi chỉ có công chăm sóc thôi. Con của Đức Mẹ thì Chúa lo hết.
Tùng biết Thu nói thật, vì nếu không có người bảo bọc chắc gì ba mẹ con Thu sống được huống hồ thêm ba đứa nhỏ.
- Tùng vào ăn cơm.
Lúc này cu Táo cứ lấm lét nhìn Tùng, Tùng nói với nó:
- Bây giờ có phần cơm cho chú không?
Thằng bé bẻn lẻn
- Dạ con mời chú ở lại dùng cơm.
* * *
Cơm nước xong, hai đứa lớn tự thu dọn chén đĩa, xoong nồi… Thu nói Tùng ra bộ bàn ghế phía nhà trước ngồi. Con bé Na rót nước và đem hộp tăm đến mời Tùng.
Tùng thầm khen Thu khéo dạy con.
Ở nhà trong Tùng nghe tiếng Thu nựng con:
- Xí muội con gái bé bỏng của mẹ đâu rồi, ra đây mẹ thương nào?
Con bé lẫm chẫm chạy đến ôm choàng lấy mẹ.
- Ở nhà con gái mẹ có ngoan không?
- Dạ, ngoan.
- Bòn Bon con gái yêu của mẹ đâu? vừa hỏi Thu vừa đưa tay ôm con bé vào lòng
- Trưa nay Bòn Bon của mẹ ăn mấy chén cơm?
Con bé đưa 2 ngón tay lên nói
- Con ăn hai chén.
- Bòn Bon của mẹ giỏi quá! Dâu Da cưng của mẹ đâu nè? Con bé Dâu Da nãy giờ đứng cạnh mẹ nghe Thu hỏi nó dọ dọ cái đầu vào vai Thu.
- Hôm nay Dâu Da học chữ gì nè?
- Chữ G.
- Ủa, hôm qua con gái mẹ học chữ G rồi mà?
Con bé Na lanh chanh:
- Hôm nay Dâu Da không thuộc bài, bác Hai cho Dâu Da học lại chữ G đó mẹ.
- Sao chị Na không dạy em.
- Con dạy nó mà nó quên hoài
- Vậy tí nữa mẹ cho em ngủ rồi mẹ học chung với Dâu Da nghe.
- Dạ
- Táo ơi, con rửa chén xong chưa? Lên đọc kinh cho em đi ngủ
- Dạ, con xong rồi.
- Chú Tùng có đọc kinh chung không?
- Thôi chị với mấy cháu cứ đọc đi, Tôi ra ngoài hút điếu thuốc.
Sở dĩ Tùng từ chối vì bao nhiêu năm phiêu bạt Tùng có bao giờ nghĩ đến Chúa, đến lễ lạt, hay kinh hạt đâu.
Tùng bước ra sân, đi lại tảng đá dưới tán cây xoài đầu sân ngồi đốt thuốc.
Tùng quan sát quanh sân, vẫn mảnh sân xi măng cũ kỹ loang lỗ từng mảng, hàng gạch viền quanh sân cũng bể nhiều chỗ, hư gần hết. Ở góc sân nước mưa làm tràn cát, đất tràn vào làm cho mảnh sân thêm hoang tàn
Tùng như thấy khoảng đời cũ của mình.
Cả xóm chỉ có vài ba gia đình cho con cái đi học vì cả xóm đều nghèo. Nhà Tùng có ba anh em trai nhưng vì cha chết sớm. Mẹ ốm yếu quanh năm nên anh Bách phải nghỉ học ngay từ khi mới học lớp ba. Anh Dương kế Tùng cũng chỉ học đến lớp chín. Tùng may mắn được học hết cấp ba. Rồi lại đậu vào đại học Quốc gia. Tùng cũng biết gia cảnh nhà mình nên cũng chịu khó vừa học vừa làm.
Hồi còn học cấp ba, Tùng thích một cô gái cùng xóm, cô bé mảnh khảnh, hiền lành và chăm chỉ… cô không đẹp mặn mà như mấy cô chị nhưng rất dễ thương với hai chiếc răng khểnh và hay cười lộ rõ hai má lúm đồng tiền duyên dáng. Như thế đối với Tùng đã là quá đủ, Tùng không dám ngỏ lời, vì sợ bị từ chối hơn nữa Tùng cũng còn đang đi học. Trước khi vào đại học, tuy không dám ngỏ lời trực tiếp với cô bé nhưng Tùng cũng tặng đươc cho cô gái món quà do chính tay chàng làm. Nhớ buổi trưa hôm ấy, Tùng nhìn vẻ mặt sung sướng của cô bé khi cầm món quà của Tùng. Món quà Tùng đã không dám trao tận tay mà chỉ dám bỏ vào ngăn bàn của cô bé.
Tùng nghĩ khi học đại học xong, Tùng sẽ ngỏ lời nhưng không ngờ cô ấy lại lấy chồng trước khi Tùng học xong. Tùng hận chính mình đã nhút nhát không ngỏ lời… Ôm hận, Tùng bỏ nhà đi. Vì vậy khi mẹ chết, anh chết, Tùng cũng không hay.
Mải suy nghĩ, nên Tùng không biết trong nhà đã đọc kinh xong. Thu đã đứng ở hiên nhà từ lúc nào, nghe tiếng Thu, Tùng mới giật mình.
- Tùng đi đường cả ngày chắc cũng mệt, vào nghỉ sớm đi. Tùng ngủ tạm với cu Táo nhé! Vì không biết Tùng về nên tôi chưa dọn được chỗ cho chú.
- Không sao, chị cứ ngủ trước đi.
- Tôi còn cho các cháu học bài.
Nói rồi Thu đi vào nhà.
Tùng lại đốt thuốc, rồi nhìn sang căn nhà phía bên kia đường. nhà bên đó ngày xưa cũng giống nhà Tùng nhưng bây giờ đã là nhà đúc. Những nhà xung quanh đã là nhà gạch, nhà lầu, nhà đúc, thì nhà Tùng vẫn nhà tôn vách ván, có phần bệ rạc hơn.
Hai đứa bé đã ngủ, Thu đang dạy con học.
Buổi tối ở vùng quê yên tĩnh, tivi nhà phía bên kia đường đang phát ra những bài hát sôi động.
Cu Táo lấp ló bên trong cánh cửa, Tùng đưa tay vẫy nó. Thằng bé chầm chậm bước ra, lúc này nó bẽn lẽn như con gái, không còn cái vẻ hung hăng lúc buổi chiều. Tùng ôm nó vào lòng.
- Con học lớp mấy?
- Dạ, lớp ba.
- Con học buổi sáng hay buổi chiều?
- Dạ, buổi sáng.
- Ai đưa con đi học
- Con tự đi một mình, mẹ còn phải đi làm. Bạn con ngày nào cũng có ba đưa đi học.
Tùng như thấy lại mình những ngày còn bé. Ngày nào mẹ cũng đi bán sớm, nên ba anh em phải tự đến trường. Nhưng Tùng còn có hai anh bảo vệ, còn thằng bé … nghĩ đến đây Tùng thấy cay cay ở mắt.
- Ở trường có bạn nào bắt nạt con không?
- Mẹ con dặn, con phải nhường bạn và không được đánh nhau với bạn. Vì lỡ đánh nhau mà ba mẹ bạn ấy đến bắt đền thì mẹ con không có gì đền người ta. Mà chú ở nhà luôn hả?
- Con có muốn chú ở nhà không?
- Dạ, có. Chú có biết sửa xe đạp không?
- Có chứ, sao? Xe của con hư hả?
- Không phải, Bạn con nói ba của nó biết sửa xe đạp. Con nói ba con cũng biết sửa nhưng nó không tin. Nó nói ba con chết rồi thì làm sao biết được ba con có biết sửa hay không. Bây giờ có chú, con sẽ nói với nó là chú cũng biết sửa xe, nếu nó không tin thì con kêu nó về đây để chú sửa cho nó coi.
- Ừ.
- Táo vào ngủ đi con. Để chú còn nghỉ ngơi.
- Dạ.
- Chị chưa ngủ mà còn đi đâu nữa?
- Tôi giặt quần áo, sáng thức dậy thì vội lắm không giặt được.
Nói xong, Thu bước vội về phía giếng nước. Tùng hút nốt điếu thuốc rồi bước vào nhà, lên giường nằm bên cạnh cu Táo. Thằng bé khá giống anh chàng, nhìn nó nằm xoãi tay chân, Tùng lại nhớ đến những ngày còn bé. Ba anh em nằm chung một giường. Nhưng Tùng luôn cậy mình bé được mẹ bênh vực nên cứ vào giường là xoãi tay chân xí phần lớn chiếc giường. Thường thì anh Bách luôn nằm nép sát cạnh mùng nhường Tùng. Nhưng anh Dương thì không, anh đè lên tay chân Tùng… cứ thế, mỗi tối lên giường anh em Tùng lại loạn xạ lên, đến nỗi sau mẹ Tùng phải tách anh Dương ra nằm riêng.
Nằm một lúc lâu, và dù cho cả ngày đi đường mệt nhọc nhưng Tùng vẫn không ngủ được, tiếng thùng nước va vào thành giếng đã ngừng từ lâu, xa xa tiếng chó sủa vang… Tùng ngồi dậy, bỏ chân xuống giường, xỏ vào đôi dép bước ra sân. Điện phía nhà bếp vẫn sáng. Tùng bước về phía nhà bếp. Nghe tiếng dép Thu ngẩng đầu lên, nhìn thấy Tùng, Thu hỏi:
- Tùng chưa ngủ?
- Cũng chẳng hiểu sao, chắc tại đi lâu quá nhà của mình thành nhà lạ nên không ngủ được. Chị cũng chưa ngủ sao?.
- Tôi bó lại mấy cái chổi, mấy cháu vừa làm, vừa nghịch nên vài ngày lại phải bó lại.
Tùng muốn giúp Thu nhưng không biết nói thế nào nên đành ngồi trên bậc cửa nhìn Thu làm.
- Tùng định thế nào?
Nghe Thu hỏi nhưng Tùng không biết Thu muốn hỏi gì nên hỏi lại:
- Định gì là định gì?
- À, tôi muốn hỏi chú định làm gì trong thời gian tới. Vì chú về rồi thì cũng cần ổn định, rồi lập gia đình nữa chứ.
- Tôi chưa nghĩ tới chuyện đó. Mẹ bệnh mất thì tôi biết. còn anh Bách thì sao lại chết?
- Anh Bách bị ung thư gan, phát hiện thì giai đoạn cuối. Không chữa được nữa.
- Chắc thời gian anh Bách bị bệnh chị vất vả lắm?
- Cũng không vất vả vì lúc đó ba mẹ tôi còn sống nên phụ giúp coi anh ấy.
- Mấy đứa bé…
Thu hiểu ý Tùng muốn hỏi
- Đó là những đứa trẻ mà Đức Mẹ ban cho tôi. - Rồi với giọng nho nhỏ và đều đều Thu kể lại cho Tùng nghe lý do nàng có thêm ba cô con gái- Sau khi anh Bách mất, tôi học hành thì không tới đâu nên xin việc làm khó. Lúc con bé Na được sáu tháng. Bệnh viện nơi chị Thy đang làm điều dưỡng cần một hộ lý. Chị Thy xin việc đó cho tôi, ngày ngày mỗi khi công việc tạm ổn, tôi thường lân la lại khoa sản để giúp đỡ các sản phụ không có người nhà chăm sóc. Ở đó tôi thường gặp những cô gái lỡ làng, và muốn giải quyết cái thai. Tôi kêu cầu Đức Mẹ giúp tôi thuyết phục các cô gái ấy. Tôi chữ nghĩa không có, chỉ cậy nhờ Đức Mẹ. Cũng có người nghe, có người không. Tôi gặp mẹ của Dâu Da và Bòn Bon cùng lúc, Đức Mẹ nhận lời kêu cầu của tôi, nên cho hai cô đó theo tôi về nhà. Họ ở với tôi cho tới lúc sinh con. Và sau đó họ giao con lại cho tôi nuôi. Còn tôi đồng ý cho họ nhận lại bất cứ khi nào họ muốn. Như vậy nên Dâu Da chỉ lớn hơn Bòn Bon 4 tháng. Nhưng Bòn Bon bị sinh non nên mới nhỏ xíu xiu như vậy.
- Vậy có bao giờ mấy cô đó tới thăm con không?
- Có chứ! Con mình sinh ra ai không thương, Bất đắc dĩ mới phải để người khác nuôi. Tuần trước mẹ bé Bòn Bon đến thăm, vì cuối tháng này cố ấy lấy chồng rồi. Thôi cô ấy lấy chồng cho yên phận, cô ấy nói chắc thăm lần cuối.
- Thế nếu là chị, chị có để người khác nuôi con chị không?
- Chú nói gì kỳ vậy! Tôi có chồng đàng hoàng mà. Nhưng nếu tôi vào hoàn cảnh của các cô ấy không biết tôi thế nào?
Nói xong Thu thở dài.
- Tôi nghĩ những người hiểu biết như gia đình chị, sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
- Cũng tùy thôi chú ạ! Mẹ của Dâu Da là con ông trùm họ, khi sự việc xảy ra cả cha mẹ cô đều không chấp nhận. Vì sợ mang tiếng, bà mẹ còn chấp nhận cho con đi phá thai. Một số người có một chút địa vị, đặc biệt trong Giáo hội thì càng sợ mất thanh danh vì chuyện này.
- Mẹ của Xí muội cũng vậy, có anh là thầy sáu. Cô ấy còn trẻ lắm. Có thai bốn tháng mới biết mình có thai. Cô ấy sợ gia đình biết. Sợ vì cô ấy mà ảnh hưởng đến đời tu của anh. Cô ấy sợ hãi nên lén gia đình tự mình đi phá thai. Tôi phải bỏ mất cả ngày mới thuyết phục được cô ấy, đưa cô ấy về đây. Gọi điện thoại cho gia đình cô ấy và nói cô ấy đang làm ở đây với tôi. Nhưng khi cô ấy gần sanh tôi gọi mẹ cô ấy lên để hai mẹ con nói chuyện. Và dù thương con thương cháu, bà vẫn quyết định trao đứa bé cho tôi. Vì không thể đem đứa bé về vì sợ mọi người biết thì khinh.
- Vậy mới biết áp lực xã hội lớn quá. Không biết trên đời có mấy ai dám vượt qua?
- Nhưng áp lực xã hội có cũng có cái hay vì nhờ nó sẽ có nhiều người không dám vượt quá giới hạn. Như vậy nó cũng không phải hoàn toàn xấu.
Tùng nhìn sững Thu, không ngờ cô bé ngày nào bây giờ lại hiểu chuyện đến thế. Lúc này, Thu đã cột xong mấy cây chổi. Nàng giục Tùng:
- Chú đi ngủ đi, ngày mai còn đi thăm mộ.
- Chị cũng đi ngủ đi chứ! Nói rồi Tùng bước xuống sân và lên nhà.
Thu lên nhà đóng cửa rồi đi vào phòng ngủ với con. Theo thói quen, nàng đến quì trước tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm đặt trên chiếc bàn nhỏ. Món quà cưới mà cha mẹ nàng tặng cho vợ chồng nàng ngày kết hôn.
Đặt đôi tay lên chân tượng Đức Mẹ, nàng thì thầm
- Mẹ ơi, con cảm tạ Mẹ đã cho gia đình con xum họp. Con xin dâng lên Mẹ gia đình con xin Mẹ gìn giữ che chở cho chúng con. Mẹ ơi, hãy giúp con làm tròn lời hứa với mẹ và chồng con lúc lâm chung.
Vào giường, nàng điểm qua mặt các cô gái mà nàng quen biết với ý định sẽ tạo cơ hội cho Tùng gặp mặt. Nàng chợt nhớ đến cô em út của nàng, con bé xinh xắn và năng động thế nhưng mãi đến giờ vẫn chưa có bạn trai. Hay là mình để hai người gặp mặt nhau xem sao. Không chừng lại là một cặp đẹp đôi thì sao. Nàng mỉm cười vì ý nghĩ bất chợt đó đến với nàng, rồi dần chìm vào giấc ngủ.
Ở nhà ngoài Tùng vẫn thao thức. Khi trở về đây, chàng chỉ có ý nghĩ sẽ chỉ ghé thăm nhà rồi đi. Nhưng bây giờ thấy các cháu nheo nhóc, Tùng cảm thấy trăn trở. Mặc dù, chàng thấy mẹ chàng đúng khi chọn Thu. Trẻ tuổi nhưng ý chí và nghị lực cao, biết lo cho gia đình, còn lo được cả cho xã hội. Cảm phục nhất là nàng không ngại vất vả dám cưu mang những đứa trẻ không phải là con mình. Tùng loay hoay mãi với ý nghĩ nên đi hay ở. Cuối cùng, chàng khẽ thở dài, thôi thì phó mặc cho số phận. Ngày mai chàng sẽ ở lại theo sự sắp xếp của Thu để đi thăm mộ. Chàng chợt nhớ đến câu Lời Chúa “Ngày mai, cứ để ngày mai lo”. Chẳng phải Chúa đã dạy vậy sao?
Tháng năm, Tháng Đức Mẹ
Xin tin yêu và phó thác nơi Mẹ