Chị mở mắt, nhìn kĩ đứa bé, không dám tin đó là con trai mình. Nước mắt chảy ròng, tiếng nấc cố kìm sâu trong lồng ngực. Chị muốn khóc to lên nhưng không dám khóc. Những người thân đứng gần chị đều đã khóc thành tiếng cả rồi.

Thêm một đứa bé dị dạng trong ngôi làng biển chào đời, đứa con thứ tư của chị, đứa con trai đầu tiên, ba đứa trước là con gái, nhưng đứa con trai duy nhất này lại mang hình hài tội nghiệp biết bao. Lẽ nào ngôi làng này bị quỷ ám? Ngôi làng đạo giờ là làng của quỷ dữ, của Satan?

Tháng trước khi làm lễ rửa tội cho những em bé sơ sinh trong làng, cha xứ rùng mình không dám tin vào thứ mắt mình nhìn thấy. Mười đứa bé sơ sinh thì hết chín bị dị dạng, khó coi. Lúc mang thai, những phụ nữ cũng đi siêu âm, khám thai đàng hoàng. Y tế ngày nay cũng đã phát triển nhưng những em bé dị dạng vẫn xuất hiện. Chúng mở những con mắt khuyết tật, vừa đáng thương, vừa tội nghiệp nhìn những bóng người trong thế giới chúng vừa chào đời. Có đứa bị mù, không nhìn thấy ai, không thấy được gương mặt của mẹ. Nó khóc váng lên, ngày cũng khóc và đêm cũng khóc. Linh hồn nhỏ sợ bóng tối. Nó đi ra từ bóng tối để nhìn thấy ánh sáng mà vẫn không thoát khỏi bóng tối. Linh hồn nhỏ ngạc nhiên, sợ hãi chỉ biết khóc để tìm tiếng nói và hơi ấm của mẹ hiền.

“Cha à, kì lạ quá! Cứ như là quỷ đang ám giáo xứ mình vậy!” Ông từ sợ hãi nói với cha xứ. “Gần đây đứa nhỏ nào trong làng khi sinh ra cũng đều bị dị tật. Giáo dân mình đồn chắc dân làng mình bị Chúa phạt rồi.”

Cha xứ thở dài, không biết nói gì hơn. Cha rất đau lòng khi nhìn thấy những con chiên nhỏ mới chào đời trong giáo xứ bị dị tật, hình dạng khó coi. Cha đi hỏi bên trạm y tế, họ cũng lắc đầu, ngơ ngác không biết nói gì về hiện tượng xảy ra. Trong dân làng bắt đầu nhỏ to những lời đồn thổi. Rằng nhà này nhà kia làm điều ác nên Chúa phạt. Nhưng xét cho cùng những nhà có con dị tật đó có làm gì ác đâu. Làng biển nên ai cũng làm ngư dân đánh bắt cá tôm, gần bờ hay xa bờ. Cũng nghèo đói, cũng đi vay mượn, cũng bán mặt cho biển, bán lưng cho trời, da đen cháy vì lênh đênh trên biển. Làng này ai làm điều ác gì để Chúa phải phạt? Mà sao cứ có chuyện là đổ thừa Chúa? Cứ như Chúa hung dữ lắm, làm sai là phạt ngay?

“Mẹ ơi, có phải nhà mình làm điều ác nên Chúa phạt không mẹ?” Đứa con gái đầu của chị, đang học cấp 2, run run hỏi chị khi nhìn thấy hình dạng đứa em mới chào đời.
“Sao con lại hỏi vậy?” Mẹ chị xoa đầu nó.
“Con nghe người làng nói.” Con chị ngây thơ trả lời.
“Không có đâu con. Dòng họ nhà mình hồi đó giờ có làm điều gì ác đâu. Con đừng nghe người ta nói lung tung rồi nghĩ bậy. Thôi con ăn cơm rồi đi học đi.”

Mẹ chị an ủi đứa cháu. Chị nằm và khóc. Mẹ chị thương con, ngồi vuốt ve đứa cháu hình hài dị dạng, tỉ tê nhà này nhà kia cũng vừa có đứa con, đứa cháu như vậy. Rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.

“Anh Nhân về thấy đứa con trai như vầy chắc là ảnh buồn lắm.” Chị nói với mẹ và khóc òa khi nhận ra đứa con tội nghiệp của chị cũng đang nghe những lời đó. Nhân, chồng chị đang đi đánh bắt xa bờ trên tàu cá của người ta. Lúc đi anh hồ hởi lắm, mong kiếm được chút tiền để về mua sữa, mua quần áo cho đứa con trai sắp chào đời, đóng tiền học cho ba đứa con gái, trả chút nợ nần… Anh chưa biết mặt mũi con trai mình. Nhưng chắc trên biển lúc nào anh cũng tưởng tượng về nó, đứa con trai đầu tiên của anh. Đứa con trai mà anh hi vọng sau này nối nghiệp anh, cùng anh ra biển. Anh luôn mơ có một đứa con trai để khi lênh đênh trên biển anh không còn cô đơn cô độc nữa. Anh chưa biết sự thực về hình hài của con.

Chị nằm khóc như mưa thấy mình có lỗi với chồng và với con. Có lỗi khi không đẻ được cho chồng một đứa con trai lành lặn và không thể cho con một hình hài bình thường như ba đứa con trước.

“Con trai à, tha lỗi cho mẹ nghe con. Mẹ là đàn bà hư, không biết đẻ nên con mới chịu thiệt như vậy. Con tha lỗi cho mẹ nghe con.”
Chị hôn gương mặt nhăn nhúm của đứa con trai, òa khóc. Đứa con trai và mẹ chị cũng khóc. Nước mắt đâu mà nhiều đến thế.

Mà hình như ngôi làng biển này là ngôi làng của nước mắt. Tháng nào, năm nào cũng có nước mắt rơi. Nước mắt của những người còn sống sau những cơn bão, nhìn ngôi nhà mình tan hoang, người thân thì mất. Nước mắt của những người đàn bà khóc chồng, khóc con trai khi ra đi còn sống, còn mong ước, còn hi vọng nhưng khi trở về chỉ là một thân xác bất động. Nước mắt của những người mất người thân mà không có được thân xác họ để chôn cho tử tế theo nghi thức đạo. Vì dù đã mất, nhưng đâu phải thân xác nào cũng được về đất liền. Có người phải nằm dưới biển sâu, không ai thấy mặt, không thấy ai và người ở lại phải làm cho họ một ngôi mộ gió. Không nói được lời cuối cùng, không được nhìn mặt người thân lần cuối… Biển là vậy. Biển cho áo cơm nhưng cũng là một nấm mồ. Sóng biển hát reo nhưng cũng là hành khúc tiễn biệt. Nước biển mặn vì muối mà cũng vì quá nhiều nước mắt khóc cho biển rồi.



Ngày rửa tội của con chị mang theo giỏ quần áo. Làng đạo nhưng miệng lưỡi của người đời cũng ghê gớm quá. Ngày nào những người hàng xóm cũng đi qua nhà chị, gọi mẹ con chị là quỷ Satan. Họ sợ! Vì sợ mà họ nói ra những lời độc ác. Họ sợ con cháu họ sẽ “lây”, sẽ giống chị. Họ muốn có những đứa con, cháu lành lặn. Họ muốn những người như mẹ con chị phải ở tránh xa cộng đồng.

Sau lễ rửa tội cho con, chị gởi ba đứa con gái ở lại với mẹ chị, ôm đứa con trai, xách giỏ quần áo đến ngôi làng tạm gần biển. Ngôi làng này mới lập cách đây vài tháng, chỉ có phụ nữ và những đứa con dị dạng của họ. Họ bị xa lánh giống như những người bị bệnh phong. Người ta nói đẻ ra đứa con dị dạng chắc là người mẹ cũng bị nhiễm bệnh gì đó rồi. Người ta không muốn những người bị bệnh sống chung với mình. Vì vậy họ phải ra khỏi làng, tụ vào nhau trong một ngôi làng tạm.

Ngôi làng tạm này ở gần những ngôi mộ gió. Trước mặt là biển, xung quanh, bao la là cát, um um những mộ gió không có xác người. Vài cây dương èo uột trong gió như những ngón tay gầy chải vào bầu trời xanh lồng lộng mây trắng. Trong ngôi làng tạm này, những người phụ nữ tội nghiệp ráng yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau. Cuối đường rồi, bị xã hội xa lánh, thôi thì hết lòng yêu thương đùm bọc nhau và không ngừng trông cậy vào Chúa. Chúa không hung dữ đâu. Chắc chắn chuyện này xảy ra không phải vì Chúa phạt? Sao Chúa lại phạt những con chiên nghèo, hiền lành, tội nghiệp của Chúa? Chúa yêu không hết, phạt làm chi?


Cái ăn thì dễ rồi. Làng sát biển nên kiếm cá tôm quá dễ. Gạo thì người thân trong làng trợ cấp cho. Nước uống, nước sinh hoạt phải đi hơi xa để gánh nhưng không sao. Vì sự sống của con các bà mẹ chịu khổ được hết, dù phải đi thật xa để gánh nước ở cái giếng cuối làng. Những người phụ nữ có con dị tật cứ sống như thế. Mỗi tuần, chiều Chúa Nhật, cha xứ tới ngôilàng tạm của họ, cùng dâng thánh lễ với họ. Những thánh lễ đơn sơ và những lời nguyện cầu đầy nước mắt.

Đêm đó là đêm chị không ngủ được. Con trai chị cứ trở mình quậy khóc. Những con chim cú mèo ở đâu tụ về, đậu đầy trên nóc chòi của làng tạm. Tiếng cú kêu ma quái hòa với tiếng sóng biển. Lẽ nào chúng kêu cho những chuyến tàu ở khơi xa? Làng chị ngày nào mà không có người ngóng chồng, ngóng con đang lênh đênh đánh bắt ngoài biển khơi cơ chứ!

Càng về đêm tiếng cú mèo kêu càng dồn dập hơn, rùng rợn, ma quái hơn. Những người phụ nữ trong làng phải thức dậy. Chị cũng thức dậy, đốt một ngọn đuốc. Tất cả mọi người, trừ lũ trẻ con chưa đi được đều đổ ra khu đất có những nấm mộ gió, tay cầm đuốc cố xua đuổi bầy chim cú mèo.

Cú mèo báo tin chết chóc. Nhưng đừng hòng nghe con. Bọn tao không sợ! Những người phụ nữ tụi tao đã đau khổ quá nhiều rồi. Chúng tao không sợ cái chết nữa. Nhưng mày đừng hòng báo tin chết chóc cho những người thân của bọn tao đang lênh đênh ngoài biển kia. Người cầm đuốc xua đuổi, người rảy nước Thánh vào bầy cú mèo. Mùi đuốc, mùi người, tiếng cú mèo, tiếng la hét ầm ĩ vang động một góc biển.

Và một mùi hôi thối theo gió xông lên. Ngửi một hồi mới nhận ra mùi tanh của cá nhưng không phải cá sống mà là cá chết. Đám phụ nữ kéo ra bãi biển. Ôi chao! Dọc dài bãi biển ngập đầy cá chết. Cá to, cá nhỏ, cá gần bờ, cá hơi xa bờ, cá thu, cá nục, cá ngừ, cá mú, cá cơm…Lũ cá nằm chết trên bờ biển, mở to những đôi mắt cá. Chúng không biết vì sao mình chết? Cá không khóc được, không nói được, không hỏi được. Chúng chỉ nằm chết, trân trối giương những đôi mắt cá trước người. Một phụ nữ chạy vào làng gọi dân làng ra. Dân làng kéo nhau ra biển. Ánh đuốc, ánh đèn sáng rực cả bãi cát dài. Người làng ngồi thẫn thờ bên cá, khóc cho cá trong đêm.

Sáng mai, chị ngồi trong nhà thờ, cùng cha xứ và những con chiên khác cầu nguyện cho loài cá. Cá chết nhiều quá, dọc đầy một bãi biển dài kéo từ làng này qua làng khác, từ làng Công giáo của chị qua tận những làng ngoại đạo phía bên kia. Ánh mắt thất thần, sợ hãi, mọi người lờ mờ đoán vì sao cá chết, không phải bởi những người phụ nữ bị “trừng phạt” bởi Chúa, mà bởi con người, ở tít xa kia, nơi có cái nhà máy với những ống xả to đùng xả thẳng ra biển. Chính lòng tham của con người đã hủy hoại môi trường biển, hủy hoại thiên nhiên chứ không phải Chúa.

Làng chị, làng bên…những đứa trẻ sinh ra giống nhau, dị dạng, khuyết tật…cuối cùng cũng có lời giải đáp.

Những chiếc tàu đánh bắt khơi xa cập bến, những người đàn ông trên tàu về đất liền không tin nổi vào thứ mắt mình nhìn thấy. Một vùng biển chết chóc, cá, tôm, mực, rong rêu…chết rục dạt vào bờ. Tất cả mọi người đều khóc.

Chị ôm con, đứng trên bờ chờ một chiếc tàu quen. Chị không biết nói gì khi chồng trở về, nhìn thấy đứa con trai dị tật. Ở chợ, người ta cũng không mua cá nữa. Những chiếc tàu đánh bắt gần bờ đều nằm dập dềnh trên sóng, không ra khơi. Bãi biển ngày nào cũng dạt vào cá tôm chết. Người làng vớt chúng rồi chôn xuống cát. Những đứa trẻ chạy trên bãi cát, vớt những con cá thoi thóp, thả chúng lại biển nhưng chúng lại dạt vào bờ và nằm chết trên bờ.

Chồng chị cũng về, thất thần khi nhìn thấy cảnh tượng ở làng mình. Gương mặt sạm đen của chồng lăn đầy nước mắt. Anh khóc khi nhìn thấy bãi biển ngày nào cũng dạt vào cá chết. Khóc khi nhìn thấy hình hài đứa con trai duy nhất anh chờ đợi. Khóc khi đi vào chợ, hàng cá của má anh, vợ anh không một ai tới hỏi han.

Những thánh lễ chiều trong xóm đạo giờ chỉ cầu nguyện cho cá. Chị đứng cạnh chồng, lòng toang hoác, nhìn lên Chúa và nhìn ra ô cửa phía khơi xa. Một màu xanh vẫn xanh nhưng giờ là màu của tang thương, chết chóc.

Chồng chị lại đi, không phải ra khơi mà đi làm thuê trong thành phố. Anh buồn bã chia tay vợ con, ôm hôn đứa con trai dị tật và ba đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn. Dân biển không ra khơi, ở nhà ăn không ngồi rồi là chết đói.

Trước ngày đi, anh lang thang trên bãi biển, lượm những con cá chết, chôn chúng. Anh nhìn chiếc tàu thân quen đang neo ngoài khơi, thèm bước chân lên đó nhưng cũng không biết bao giờ mới được lên tàu trở lại. Ánh nắng hè chói chang chiếu lên bãi cát, thiêu đốt những xác cá nằm trên bãi biển. Mùi tanh thối um khiến nước mắt anh chảy dài. Anh chỉ biết cầu Chúa cho những gì mắt anh đang nhìn thấy. Anh thấy thương loài cá như thương những người dân làng mình.

“Mẹ ơi! Bao giờ ba về?”. Bốn đứa con chui rúc bên chị, hỏi đi hỏi lại câu đó trong tiếng mưa đêm.
“Bao giờ có tiền ba về.” Chị đáp.
“Con không cần tiền. Con cần ba cơ.” Đứa con gái lớn nói.
“Có tiền mới trả nợ được con ơi, rồi cho tụi con đi học, mua sữa cho em…”
“Con ước gì làng mình đừng có cá chết, để ba đi tàu, ít ra lâu lâu con còn gặp ba. Giờ ba ở tít trong thành phố, không thấy ba con buồn quá.”
Chị vuốt mái tóc các con, cố ngăn dòng nước mắt.

“Con sẽ cầu nguyện Chúa cho cá sống lại.” Con gái kề út của chị reo lên. “Chúa có phép, Chúa làm gì cũng được. Chúa sẽ cho cá sống lại và cho ba về.”
Lại có tiếng cú mèo kêu vang vất đâu đây. Cá vẫn không ngừng chết và trôi dạt vào bờ. Bao giờ dừng lại những âm thanh chết chóc ấy, cảnh tượng u ám ấy?
Tiếng mưa ri rỉ trên mái tôn, nhỏ tanh tách vào nỗi buồn của chị. Các con đã ngủ, chị lấy tràng hạt mân côi ra lần. Chị cầu xin Chúa, cầu xin Đức Mẹ cho những gì u ám hôm nay sớm qua đi, ngày mai tươi sáng hơn sẽ tới.

Chị cầu cho biển trở lại như xưa, chồng chị trở về. Chị và bốn đứa con sẽ đứng trên bờ tạm biệt anh ra khơi. Chị sẽ nhìn thấy lại gương mặt sạm nắng, nụ cười trắng sáng chân chất của chồng khi ra khơi. Có lần chồng chị bảo biết là ra khơi cũng đầy hiểm nguy nhưng anh yêu công việc đó, cuộc sống đó, biển khơi đó. Anh cảm thấy mình đàn ông, được là mình khi lênh đênh giữa biển khơi đánh bắt cá về lo cho vợ con. Mùi biển ngấm sâu vào hơi thở của anh, là máu thịt anh. Anh hạnh phúc khi được sống chết cùng với biển.
Mà lời cầu của chị không chỉ là của riêng chị. Ở xứ biển này, người nào mà chẳng cầu mong như thế. Ở nơi biển là máu thịt, còn gì hạnh phúc khi thấy biển chết trước mắt mình, phải bỏ biển mà đi.

Chị lần chuỗi xong thì thiếp đi. Trong giấc mơ chị thấy chồng chị và đứa con trai chị đứng trên một chiếc tàu lớn, đứa con trai chị lành lặn, xinh xắn, vẫy tay chào chị. Họ cười trong ánh nắng ban mai. Chị cũng thấy những đàn cá đủ màu bơi tung tăng. Chúng bơi tới ngôi nhà thờ có gác chuông cao cao đang đổ những âm thanh thánh thót. Đàn cá bơi quẫy theo nhịp điệu của tiếng chuông an lành. Chúng tung tăng và hạnh phúc.

Chị thức giấc, vẫn không muốn thoát khỏi giấc mơ đẹp. Tai chị vẫn nghe tiếng chuông nhà thờ, tiếng đàn cá quẫy, nhìn thấy ánh ban mai tuyệt đẹp loang trên mặt sóng.

Ngư dân gom thuyền thúng chuẩn bị cho chuyến xa khơi tiếp theo. - Nguồn Ảnh: Peter Pham

Đó không phải là giấc mơ. Đó từng là một thực tại mà chị đã nhìn thấy, đã cảm nhận, đã trải qua. Nhưng khi mất đi, nó lại là một giấc mơ chẳng thể quay về.

Tiếng sóng, tiếng chuông nhà thờ, tiếng cá quẫy, tiếng cười khúc khích của chồng con chị…vẫn vang lên vang lên, đâu đó, phía xa kia, nơi có những vầng sáng lung linh tuyệt đẹp.

Chị còn nhìn thấy Chúa đứng trên vầng sáng đó, nhìn xuống gia đình nhỏ nhắn của chị, cười nhân hậu. Và chị nhoẻn cười trong giấc mơ…

Nguyễn Thị Khánh Liên

Tác Phẩm Đạt Giải Khuyến Khích Truyện Ngắn – Cuộc Thi Sáng Tác Văn Hoá Nghệ Thuật Đất Mới 2016
Được tạo bởi Blogger.