Mã số VVYT 16-030
Têrêsa Nguyễn Phương Thảo
(Giải nhì VVYT 2016)


PHẦN 3
Tôi gặp lại K.T. tại miền Nam Cali vào một ngày cuối năm, trong bầu khí mát mẻ, rộn ràng của Mùa Giáng Sinh và Năm Mới. Bạn tôi vẫn như thưở xưa, luôn phục sức giản dị, và không trang điểm cầu kỳ. Tuy thế, trong mắt tôi, nàng vẫn khả ái và yêu kiều như ngày nào dưới cùng một mái trường. Chúng tôi vui mừng tíu tít hỏi han nhau, thôi thì trăm thứ chuyện, từ trên trời xuống tới dưới đất. Và một lần nữa, nàng đã khiến tôi phải kinh ngạc trước những chia sẻ đơn sơ nhưng vô cùng thâm thúy của nàng.
K.T. hiện làm chủ một tiệm làm móng tay. Hai con của nàng đã trưởng thành và sắp vào Đại học. Bây giờ, ngoài việc săn sóc nhà cửa, giáo dục con cái và chăm nom cửa tiệm, nàng chỉ chuyên chú vào việc cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, và tham dự Thánh Lễ hằng ngày.
K.T. cho tôi biết. Chỗ làm của nàng rất phức tạp. Người ta văng tục, đấu đá nhau liên tục, có khi chỉ vì tranh giành một người khách. Vì vậy, nàng chỉ mong làm sáng Danh Chúa trong chính môi trường sống và làm việc hằng ngày của mình. Nàng mong mỏi có thể noi gương Mẹ Têrêsa Calcutta, không chủ trương truyền giáo bằng cách lôi kéo người khác vào đạo, mà trước tiên là thực thi đức ái và gieo rắc tình yêu thương của Thiên Chúa trên những chặng đường đời nàng có dịp đi qua. Nàng rất tâm đắc với quan điểm của Mẹ Têrêsa, cho rằng dầu những người quanh mình chưa tin Chúa, nhưng nếu mình có thể giúp họ sống ngay lành hơn, tốt đẹp hơn, bác ái hơn, thì kể như mình đã góp phần làm sáng Danh Chúa rồi. Nàng cũng nhấn mạnh thêm lời nhắn nhủ chân thành của Mẹ, rằng mình không thể làm được điều này, bao lâu không liên lỷ cầu nguyện và sống kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa...
K.T. có một cô thợ tên X, tính khí nóng nảy, lại hay có tật gièm pha, chỉ trích nên thường dẫn đến gây gỗ và hiềm khích với người khác. Có lần X đôi co với một cô thợ khác tên Y, đến hồi cao trào, đấu khẩu không xong thì bắt đầu thượng cẳng chân hạ cẳng tay. K.T. lúc ấy đứng ngoài, thấy tình hình quá căng thẳng, vội lao đến cản đường cô X, rồi kêu to lên, bảo cô Y bỏ chạy. Cô X nổi cáu, nhấc bổng K.T. ném sang một bên (vì cô X to con hơn K.T nhiều). Vậy mà sau đó, chính K.T. đã chủ động mở miệng xin lỗi cô X vì cho rằng mình đã thiếu tế nhị, đường đột can thiệp trong lúc cô X đang nóng giận, làm chạm tự ái của cô.
Nghe qua câu chuyện, tôi và các bạn của tôi đều lắc đầu… bó tay, cho rằng K.T. quá nhu nhược, trong bụng cũng thầm lo bạn mình rồi sẽ bị yếm thế. Bởi cứ theo lẽ thường mà nói, có nhân viên nào dám cả gan ra tay với chủ? Và cho dẫu có xảy ra thì thể nào kẻ ấy cũng sẽ bị đuổi việc. Vậy mà K.T. đã không sa thải cô X, lại còn nhẫn nại hướng dẫn X cầu nguyện và sửa mình nữa. Kỳ lạ thay, vài năm sau, K.T. không những chẳng bị ai bắt nạt mà những lời cầu xin tha thiết của nàng đã thành công giúp X tiến bộ hẳn lên. Cô trở nên hiền hòa hơn, bớt gây gổ với những người xung quanh hơn, thậm chí còn chịu khó cầu nguyện với Chúa và Đức Mẹ mặc dầu cô vốn là một Phật tử.
Ngoài ra, K.T. có một cô bạn khác, đạo gốc nhưng đã lạc mất niềm tin và từ bỏ nhà thờ. Thế là ngày nào K.T. cũng kiên trì cầu nguyện cho cô ấy. Kết quả là sau ba năm, cô ấy đã được ơn trở lại với đức tin.
Cứ thế, K.T. lặng lẽ rảo bước trên cánh đồng truyền giáo mênh mông, cần mẫn gieo rắc từng hạt giống âm thầm của quảng đại và yêu thương. Hai vai mang lấy hành trang giản dị duy nhất nhưng cũng hữu hiệu tuyệt vời của Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta năm xưa là đời sống chứng tá gói trọn trong chuỗi Mân Côi lấp lánh diệu kỳ…
Những việc làm thầm lặng của K.T đã chứng minh rằng thừa sai không chỉ thuần túy là công việc của các linh mục và tu sĩ, nhưng chính là trách nhiệm và bổn phận của mỗi tín hữu. Đành rằng trong ơn gọi hôn nhân, rất bận rộn với cơm áo gạo tiền và dưỡng dục con cái, cộng thêm khả năng tri thức giới hạn, K.T. không có khả năng trực tiếp tham gia vào mục vụ rao giảng Lời Chúa cho muôn dân nhưng nàng đã tích cực chung tay góp một phần tuy khiêm hạ nhưng đầy hiệu quả cho sứ mạng truyền giáo của toàn thể Hội Thánh bằng cách trở nên muối men và ánh sáng để ướp mặn và soi dẫn cho đời.
PHẦN 4
Riêng tôi, sau một thời gian dài lạc lối trên nẻo đường tăm tối của đứa con hoang đàng, tôi mới tập tành cầu nguyện một cách nghiêm túc, lúc đầu chỉ là những lời nguyện tự phát. Tôi dần dà chú ý đến sự nhiệm mầu của chuỗi tràng hạt, nhất là sau khi cha quản xứ mới về nhậm chức. Ngài là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và đặc biệt có lòng sùng kính Kinh Mân Côi. Tôi bắt đầu tập tễnh lần chuỗi và chẳng cần chờ đợi lâu để mục kích hiệu quả thần kỳ của một lối cầu nguyện mà đa số giới trẻ hôm nay cho là quê mùa, nhàm chán và mất thời gian *.
Tôi chỉ xin đơn cử một sự kiện nổi bật. Số là từ ngày có con, cuộc sống hôn nhân của tôi ngày càng suy thoái và xuống cấp. Thật ra nguyên nhân cội rễ chẳng có gì trầm trọng cả. Mặc dầu chồng tôi bên lương, chúng tôi vẫn khá tâm đầu ý hợp, ít xung khắc cãi cọ. Tuy nhiên, khi tôi sinh cháu gái đầu tiên, chồng tôi bị thất nghiệp, sau đó tìm được việc mới nhưng phải làm rất nhiều giờ. Tương quan vợ chồng trở nên rạn nứt từ từ do những căng thẳng và thách đố nảy sinh từ công ăn việc làm và nuôi dạy con cái. Đến lúc tôi sinh cháu trai thứ hai, vừa mắc bệnh chàm (eczema) vừa mắc hội chứng tự kỷ (autism), hôn nhân của chúng tôi thật sự bị đẩy vào ngõ cụt bế tắc và cuối cùng rơi thẳng vào chốn địa ngục trần gian khi giữa chúng tôi, những lời yêu thương trìu mến ngày càng vắng bóng cho đến lúc hoàn toàn bị thay thế bằng những tiếng cắn đắng, hằn học, thậm chí sỉ nhục, thóa mạ nhau. Rồi một ngày, bầu khí gia đình đã trở nên ô nhiễm, ngột ngạt đến mức không hít thở nổi khiến tôi buộc phải nghĩ đến giải pháp chia lìa để tránh ảnh hưởng đến con cái.
Nhưng ý tưởng thoáng qua ấy không làm tôi cam lòng, nhất là khi tôi chợt nhớ tới đến lời phán bảo của Chúa Giêsu với uy quyền tối thượng của Con Thiên Chúa:
“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân ly” (Mt 19 :6)
Điều này cũng đồng nghĩa rằng khế ước hôn nhân là tuyệt đối bất khả phân ly, không có ngoại lệ nào. Cho dẫu Hội Thánh có chấp thuận ly thân trong một số trường hợp, đó vẫn là giải pháp bất đắc dĩ, không làm đẹp lòng Chúa tý nào, do bởi:
“Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19 :8)
Vì vậy, tôi quyết tâm tìm cách cứu vãn hạnh phúc hôn nhân, nỗ lực vận dụng các kiến thức nhân loại và sự khôn ngoan trần thế nhưng hỡi ơi, càng lao đao nhọc nhằn bao nhiêu, tôi càng thất bại thảm hại bấy nhiêu, bởi chồng tôi luôn ngờ vực thiện chí của tôi và càng phản ứng tiêu cực hơn đối với mọi thành ý làm lành và hòa giải từ phía tôi. Sau cùng, tôi đã cùng đường, chỉ còn cách duy nhất là cầu xin Thiên Chúa cứu chữa.
Thế là tôi cần cù lần chuỗi mỗi ngày với ý nguyện đơn sơ: Xin Chúa giúp vợ chồng con hòa hợp yêu thương nhau như ý Chúa muốn. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết nhận lỗi và sửa lỗi của mình. Hoàn toàn đơn giản như “đang giỡn” vậy. Diệu kỳ thay, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng cả hai chúng tôi đều được biến đổi một cách lạ lùng. Những cử chỉ yêu thương, những lời nói ngọt ngào cũng từ đó dần dần trở về và sưởi ấm lại mái nhà nguội lạnh của chúng tôi. Cuộc hôn nhân đang cheo leo bên bờ vực thẳm của tan vỡ đã được cứu vớt một cách thần kỳ nhờ vào một chuỗi tràng hạt có thể gọi là quê mùa, nhàm chán, nhưng lại không hề uổng phí thời gian, bởi lẽ:
“Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9 :29)
Xưa kia, tôi đã xếp xó chuỗi Mân Côi bình dân, đơn điệu, lỗi thời, để rồi phải lãng phí cả nửa đời người, hoài công đeo đuổi theo những mục đích phù phiếm và những tham vọng viển vông. Cuối cùng, tôi chẳng gặt hái được gì ngoài một cuộc sống hoàn toàn trống rỗng, khổ ải và bất an. Rồi gần đây, tôi đã hoài phí thời giờ, ngày đêm lao lực hòng bảo vệ mái ấm gia đình, để rốt cuộc, không những chẳng đi đến đâu mà còn hóa ra tồi tệ hơn.
Tâm lý phổ biến của con người là chỉ xem trọng những công việc cao siêu vĩ đại như làm ông nọ, bà kia hay chạy theo những hoạt động rầm rộ hào nhoáng như ca hát, từ thiện mà quên đi đâu mới là nền móng cơ bản của đời sống đức tin. Chính Chúa Giêsu trong tư cách là Con Thiên Chúa mà còn thường xuyên tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện một mình:
“Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35).
“Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Ngài vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23).
Kinh Mân Côi, với sự lập đi lập lại các bài kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, đã trở nên một phương thức rất hiệu nghiệm để đưa ta trở về với sự thinh lặng tuyệt đối của sa mạc tâm hồn để rồi từ đó, ta mới có thể lắng nghe tiếng Chúa nói với riêng mình và hoán đổi chính mình.
Nhiều người trẻ ngày nay chẳng thà chuyên chú hàng giờ vào việc nghiên cứu Thần học, Thánh Kinh, hơn là dành dụm thời gian cho một lối cầu nguyện bình dân, đơn điệu, lỗi thời *. Thế mà có một vị từng là linh mục lừng danh xuất chúng, nay xuất tu, đã thành khẩn thú nhận nguyên nhân sâu xa đưa đẩy ông đến chỗ mất ơn gọi:
“Những hiểu biết sâu hơn về Thiên Chúa, nhiều hơn về Thiên Chúa không giúp giữ tôi trong lòng mến của Ngài. Chính đời sống cầu nguyện đơn sơ mà mẹ tôi tập cho tôi từ ngày còn bé mới giữ tôi lại trong tình yêu thương của Thiên Chúa” **
“chính việc thiếu một đời sống cầu nguyện đã giết chết ơn gọi Linh mục trong tôi.” **
Xin tạ ơn Mẹ Maria đã đoái thương truyền dạy Kinh Mân Côi như một phương tiện nhiệm mầu hầu dẫn dắt chúng con đến với Thiên Chúa là nguồn mạch của hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu muôn đời. Amen.

Được tạo bởi Blogger.