Tên thật: Giuse Nguyễn Duy Diễn; 
bút hiệu Phương Khanh 
– sinh ngày 20-5-1920 tại Lưu Phương, gần nhà thờ đá Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
 – Qua đời ngày 06-9-1965 tại Sài Gòn, hưởng dương 45 tuổi.



Cộng tác với các báo: Tiếng Kêu (Phát Diệm, 1945-1952), Thanh Niên (Nam Định, 1942-1946), Văn Đàn (Sài Gòn 1959-1964), Sáng Tạo, Hiện Đại, Luận Đàm, Gió Mới (Sài Gòn, 1961-1965).
Thi phẩm: Mùa Đời – Nghiên cứu: Thanh Niên Trước Vấn Đề Trong Sạch (1941), Cuốn Sách Bỏ Dở (1952), Đi tìm Ánh Sáng (1946), Thân phận Lao động (soạn chung với Phạm Đình Tân); Tiểu thuyết: Những ngày đẫm máu (1953); một số luận đề về các tác giả văn học: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Kế Xương, Tự Lực Văn Đoàn…

VÀI KỶ NIỆM VỀ NHÀ VĂN, NHÀ THƠ NHÀ GIÁO NGUYỄN DUY DIỄN

Phạm Đình Khiêm
Bắt đầu viết văn làm thơ từ 20 tuổi, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Duy Diễn vừa say mê với sự nghiệp văn thơ, vừa tận tụy giảng dạy văn thơ cho lớp trẻ, trọn 20 năm cho đến khi từ trần (1965).
Biết bao văn hữu, thi hữu đã đi qua trong cuộc đời tương đối ngắn ngủi của ông. Nhưng thân thiết với ông hơn cả, có lẽ là Hồ Dzếnh (1916-1991) và cùng với Hồ Dzếnh là nhà văn linh mục Thanh Hải (1910-1992) và Phạm Đình Khiêm. Những ngày rảnh rỗi, cần phải thay đổi không khí, “bộ tứ” này thường hẹn hò và lui tới gặp nhau, chuyện trò giải khuây và đàm đạo văn thơ, hoặc tại nhà in và xuất bản Á Châu, nơi Hồ Dzếnh làm việc và in ấn tác phẩm của mình do ông Nguyễn Bá Đĩnh làm chủ, ở phố Hàng Bún Hà Nội; hoặc tại Nam Định, nơi xuất bản bán nguyệt san Thanh niên, do Phạm Đình Khiêm chủ bút (sau đổi thành tuần báo); hoặc tại Phát Diệm, nơi ở của gia đình Nguyễn Duy Diễn; hoặc tại Thanh Hóa với nhà văn Công giáo Thanh Hải, tức linh mục Nguyễn Định Tường – mà Thanh Hóa lại là “Quê Ngoại” của Hồ Dzếnh, khung cảnh của những tác phẩm Chân trời cũ (1942), Quê Ngoại (thơ 1943)…

TUYỂN THƠ

ĐÂY, GIỜ LINH THIÊNG

Thành Bê Lem, một đêm xưa rực rỡ
Cả muôn loài quỳ lạy, tiếng reo vang…
Đoàn thiên thần so cánh thắng lâng lâng
Cao tiếng hát ru trần gian lạnh lẽo.
Nhạc nao nức hương thiên thu tuyệt diệu
Đây vòm trời thơm ngát ánh muôn sao!
Vàng tuôn rơi lấp lánh tự trời cao;
Mưa hy vọng kết triều thiên thắm thiết.
Trời đất cũ từ đây thôi cách biệt!
Muôn trùng thiêng cầm sắt nối thang mây…
Ôi! Thiên Đàng bừng sáng: gió xuân bay
Làm tung nở những búp lòng xao xuyến.
Đời đổi hướng, Nhạc Vàng đương hiển hiện!
Khói trầm dâng ngây ngất khắp không gian…
Hồn thê lương bừng tỉnh choáng hân hoan
Nghe rộng mở một Mùa Xuân sáng láng…

GIÃ TỪ ĐÊM TỐI

Đêm buông tơ, gió hiền xen kẽ lá,
Ngát mùi thơm, luống đất gợn mình hoa,
Ta bước đi, nhịp chân vờn bóng ngã
Nhạc dư vang chìm đọng dưới trăng ngà.
Đường mở rộng sương lên ngàn sắc biếc
Chồi thơm tho đua nở giữa đêm ngàn…
Ta bỏ lại nơi muôn trùng thắm thiết
Những Hồn Đêm phảng phất cánh mênh mang…
Tay lưu luyến gạt trăng vàng rơi rụng
(Sáng lung linh làm ngại bước chân đi)
Lòng mường tượng giữa triền năm tháng lụn
Một mùa xuân đang nở đợi ta về.
Ta tô lại những khung trời nao nức
Hồn linh thiêng vời vợi ý thiên thu…
Giọng sa mạc xôn xao nguồn cảm xúc
Qua thời gian hẳng đượm dáng hiền từ.
Ta trở lại với hồn người, Đất Nước!
Niềm hân hoan thăm thẳm vợi lòng sầu…
Và nghe nở dưới chân kề điệu bước,
Muôn dòng đời bát ngát ý ca dao.

MÀU THƯƠNG NHỚ

Mưa thu về đâu đây,
Rưng rưng màu thương nhớ
Ta lượm tờ lá úa
Chiều xuống: Trầm say say,
Khối tím mây…
Sương đâu lam biếc tỏa đầy,
Nương chiếu bóng ngả, đêm dài nghe chuông
Hỡi đâu tay mởn búp hường
Hàng mi sầu đọng mấy đường tơ trăng?
Lạnh tiếng đàn
Tình tang…!
Mùa thu
Ôi mùa thu!
Mong manh
Tay tháp bút
Màu thư xanh!
Nghiêng nghiêng dòng chữ ướt,
Thương nhớ dài năm canh.
Dáng người thon nhỏ
Mắt đựng hồ đời…
Trầm khúc nhạc gió về: đâu hơi thở?
Ta rùng mình vai lạnh: Nắng trăng rơi…
Phơi áo mùa thu,
Gọi về trong gió mơ xưa,
Màu xanh thư cũ bơ vơ giọng sầu.

XÂY DỰNG

Ta sực tỉnh vươn mình trong ánh sáng
Mắt trũng sâu sau giấc-mộng-kinh-hoàng
Lửa bập bùng rờn rợn tiếng âm vang
Của vũ trụ gầm la trong tội ác
Ta đi sâu dưới khung trời ngơ ngác
Bóng triêu dương vàng tím đậm linh hồn
Rừng cô liêu bật rễ, núi hồng hoang
Ngọn sụp đổ chắn ngang triền thế kỷ.
Khắp đây đó nấm xương mòn biến thể
Xác phi cơ (chùn vỏ) chúi bên đường
Đống gươm cùn, trái phá ngậm phong sương
Nằm trơ trẽn thẹn bốn mùa hoa cỏ.
Ta bước qua những đô thành nín thở
Đoàn chiến xa gục đổ dưới lưng hào
(Chặng) thép gai quằn rỉ khóc binh đao
Một bông lý nở trong lòng đại bác.
Đây bom, lửa khơi tình thương bát ngát,
Đạn cày sâu trong lòng đất khô màu
(Bóng) linh hồn trọng đại trút thương đau,
(Và) ngự trị trên lâu đài tàn phá!
Đây sức sống đương tràn theo vạn ngả,
Nhựa băng mình dồn dập dưới chân đi.
Những chồi non từ hủy hoại tân kỳ
Say đất mới đương hẹn mùa hoa trái.
Chim hy vọng, nghe dòng đời phấp phới…
Nhịp lời ca vang rúng dặm đường về.
Vui nghẹn lời, ta góp sống điên mê
Giữa tàn phá, tô khung trời xanh thẳm.

LƯU LUYẾN

Gió thơm… thơm nắng tơ,
Lụa trải óng cầm ca,
Chân vướng màn nguyệt lộng,
Đời đậm tứ… la đà…
Đường mòn khơi ý xưa,
Gà gáy: Đậu hồn trưa,
Nhịp nghiêng tan bước vắng,
Xanh ngả rụng loang bờ.
Gió thơm… thơm nắng tơ,
Lụa trải óng cầm ca,
Chân vướng màn nguyệt rộng
Đời đậm tứ… la đà…
Xưa gầy không đón đưa,
Nương bước đụng hồn trưa
Đời lành đâu gõ nhịp?

Lòng trũng nhớ … reo mưa…?
Được tạo bởi Blogger.