Mã số: 17-160
1.
- Mày tính khi nào mới lấy chồng đây? Hai tám rồi chứ ít gì. Muốn ế suốt đời hả nhỏ? – Linh, nhỏ bạn thân, vừa đến quán nước của tôi đã nói inh ỏi lên.
- Làm gì mới sáng đã nói chuyện chồng con vậy mày?
- Mày cứ chờ mấy anh Tin lành như mày thì ế dài cổ đó.
Uống hớp nước cam tôi vừa mang ra, Linh lại tiếp tục oang oang:
-Hiệu thuốc Bắc gần nhà tao có một anh tin Chúa giống mày đến làm nghề. Tao nói chuyện vài lần, thấy được lắm nha mày. Tối nay tao dẫn đến nhà gặp mày luôn. Vậy nha, giờ tao đi chợ đây kẻo ông xã chờ.
Nói xong, Linh dắt xe đạp thẳng ra khỏi quán, chẳng kịp để tôi nói lời nào. Nó lúc nào cũng vậy, làm cái gì cũng ào ào tới tấp. Tôi cứ tiếp tục bán hàng, chẳng để tâm vào lời Linh vì nghĩ rằng nó chỉ đi ngang qua rồi trêu đùa tôi như mọi ngày. Vậy mà đến tối, Linh dẫn một anh chàng đến nhà tôi thật.
Anh bước vào nhà, lịch sự mỉm cười chào tôi. Nụ cười… Tôi nghe thấy tim mình rớt luôn một nhịp ngay lúc đó. Anh có gương mặt thanh tú cùng giọng nói ấm áp dễ đi vào lòng người. Anh tên Duy. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ với nhau suốt buổi tối. Lâu lâu Linh lại pha trò làm cả ba cùng cười sặc sụa. Tối đó tôi biết được anh là một người Công giáo.
Những lần gặp gỡ tiếp theo, Linh cố tình không đi. Chúng tôi gặp riêng nhau ở quán nước bên bờ biển, nơi có hàng dương xanh biếc đung đưa tán cây trong tiếng sóng biển rì rào. Duy và tôi như tri kỉ thuở nào, chúng tôi nói chuyện hợp nhau đến lạ lùng. Nhưng đến khi chẳng còn chuyện gì để nói, những vấn đề về sự giống và khác nhau giữa Công giáo và Tin lành được chúng tôi mang ra tranh luận.
- Anh nè, sao một linh mục lại có quyền tha tội cho người khác được? Em nghĩ chỉ có Chúa mới có quyền tha tội và ban cho sự cứu rỗi mà thôi.– Tôi thắc mắc.
- Linh mục không có quyền tha tội, nhưng qua linh mục Thiên Chúa ban ơn tha tội cho hối nhân, và chính Chúa Giêsu đã ban quyền này cho các tông đồ để họ nhân danh Người mà tha tội. Em thấy đấy, Kinh Thánh cũng đã ghi: “Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc.” Giăng đoạn 20 câu 23 có nói như vậy mà em.
Tôi im lặng. Những điều Duy nói cũng chẳng sai. Anh cũng am hiểu về Kinh Thánh đấy chứ? Vậy mà ba mình nói rằng người Công giáo chỉ biết đọc kinh. Nhưng chẳng vừa lòng, tôi chuyển sang vấn đề khác:
- Sao trong nhà thờ Công Giáo lại trưng bày nhiều tượng như vậy? Đức Chúa Trời là Đấng vô hình, không thể tạc tượng lên rồi nhìn đó mà cầu nguyện được.
Duy mỉm cười vì những câu hỏi cố tình gây tranh chấp của tôi. Hớp một ngụm nước, anh nhẹ nhàng nói:
- Chẳng có người Công giáo nào thờ những ảnh tượng đó đâu em! Đức Chúa Trời là Đấng vô hình, nhưng trong Đức Giêsu, Đấng vô hình đã trở thành hữu hình. Ảnh tượng như phương tiện giúp chúng ta hướng về Đấng chúng ta tôn thờ. Ảnh tượng của các thánh cũng vậy thôi em.
Rồi Duy cười nhẹ nhàng hỏi:
- Không phải nhà thờ Tin lành cũng treo Thánh giá đó sao?
Dần dần, tôi bắt đầu thích những buổi chuyện trò với anh về các vấn đề tôn giáo. Đây là lần đầu tiên tôi tiếp xúc một người Công giáo. Duy hoàn toàn khác với những suy nghĩ mà tôi đã mặc định sẵn trong đầu, khác xa so với những gì ba tôi và mọi người ở nhà thờ nói về người Công giáo. Chẳng hiểu sao tôi lại cảm thấy một số góc khuất đức tin về Đức Chúa Trời trong tâm trí được khai sáng nhờ những lời giải thích đơn sơ từ Duy. Cứ thế, chúng tôi lại tiếp tục hẹn hò, tiếp tục trò chuyện.
Có lần Duy đưa tôi tham quan ngôi nhà thờ Công giáo mà tôi hay đi ngang qua. Anh chỉ tôi một ngôi tượng rồi bảo rằng đó là Đức Mẹ Maria. Tôi khăng khăng với Duy rằng việc người Công giáo cầu nguyện với bà Mari là điều không đúng. Lúc này, Duy nhìn lên tượng bà Mari, im lặng hồi lâu rồi nhẹ nhàng bảo tôi:
- Diễm à, khi nào đó anh sẽ giải thích việc vì sao Đức Mẹ được tôn kính đặc biệt nơi đạo Công giáo. Đối với anh, Mẹ rất gần gũi và luôn thấu hiểu lòng anh. Anh tin Mẹ được Thiên Chúa chọn để dự phần vào chương trình cứu độ của Ngài. Ngài đã chọn Mẹ làm Mẹ Chúa Con, nghĩa là Ngài đã ban cho loài người một người Mẹ, một người Mẹ với tình yêu bao la luôn sẵn sàng đón nhận ta, lắng nghe và chuyển cầu lời cầu nguyện ta lên Chúa.
Tối đó Duy còn kể cho tôi nghe nhiều điều khác nữa, nào là những lần Bà Mari hiện ra để nhắc nhở con người ăn năn sám hối, nào là các phép lạ bà đã làm… Chẳng hiểu sao, sau lần ở nhà thờ Công giáo đó về, cảm nhận của tôi về bà Mari có gì đó rất khác biệt.
Những buổi hẹn hò cứ thế ngày một dày, chúng tôi bắt đầu hiểu nhau hơn, tình cảm cũng từ đó trở nên mãnh liệt và nồng nàn. Chúng tôi đã yêu nhau dù khác biệt tôn giáo. Phải chăng tình yêu làm con người trở nên mù quáng, hay là bởi Đức Chúa Trời đã có chương trình của riêng Ngài nơi chính chúng tôi?.
Sau hơn sáu tháng làm nghề ở Sông Cầu. Ngày nọ, Duy đạp xe đến quán nước của tôi báo tin rằng anh sẽ về Qui Nhơn làm việc. Tim tôi chợt thắt lại. Sâu thẳm trong lòng tôi chẳng muốn anh đi chút nào. Tôi cũng nhìn thấy sự lưu luyến trong đôi mắt Duy, anh không muốn rời xa tôi. Thấy tôi cứ đứng tần ngần rơm rớm nước mắt. Anh dúi vào tay tôi tờ giấy ghi địa chỉ nhà anh. “Khi nhớ anh thì viết thư gửi anh, về đến nhà anh sẽ gửi thư cho em.”
Tôi cảm thấy cuộc sống thật trống vắng và tẻ nhạt trong những ngày vắng Duy. Lúc này, tôi bắt đầu trăn trở cho sự khác biệt giữa chúng tôi. Chúng tôi đã dự tính một mái ấm tương lai, nơi tôi và anh sẽ sống hạnh phúc cùng những đứa trẻ. Nhưng tôi phải làm sao khi đối mặt với mọi người trong Hội thánh và gia đình? Sẽ chẳng ai hiểu rằng việc kết hôn với một người Công giáo không làm tôi rời xa Đức Chúa Trời, nhưng ngược lại còn giúp tôi nhận ra những thiên ý cao vời của Ngài, những điều người Tin lành vẫn bảo thủ khăng khăng cho là trái Kinh Thánh.
Cho đến khi tôi thực sự mệt mỏi trong những suy nghĩ dằn vặt về tương lai thì Duy xuất hiện. Anh trở lại như nguồn nước mát xoa dịu trái tim và tâm hồn đang hao mòn vì những đấu tranh tư tưởng giằng xé tôi hàng đêm.
Cũng chính vào buổi tối đầu tiên ngày anh trở lại, anh lại dẫn tôi đến nhà thờ Công giáo. Chúng tôi đứng bên tượng bà Mari trong cái lạnh lẽo quyện với sự trống trải của đêm khuya. Duy chợt nắm chặt lấy tay tôi, mắt anh hướng lên bức tượng nhẹ giọng phát ra từng âm chậm rãi.
“Em biết không, khi anh mệt mỏi và gặp khó khăn trong cuộc sống, anh lại đến bên Mẹ Maria. Mẹ sẽ xoa dịu tổn thương và yếu đuối của anh. Mấy ngày vừa qua anh về nhà để thưa chuyện đám cưới của chúng ta. Gia đình anh chấp nhận rồi. Giờ anh chỉ lo cho em thôi. Diễm à, anh biết em vẫn chưa thể quen với việc cầu nguyện cùng Mẹ; nhưng giờ đây em hãy cùng anh đứng đây đọc kinh Kính Mừng và cầu nguyện, cùng anh dâng những khó khăn trong tình yêu của chúng ta lên Mẹ, anh tin Mẹ sẽ giúp em tìm đủ mạnh mẽ và can đảm để có thể cùng anh vượt qua sóng gió phía trước.”
Tôi lặng đứng nhìn anh, rồi lại nhìn lên khuôn mặt dịu hiền được điêu khắc tinh tế nơi bức tượng. Trong giây phút này, giữa màn đêm tĩnh mịch mờ ảo dưới ánh trăng, tôi chợt thấy bà đẹp đến kì lạ. Phải chăng chính tình yêu lớn lao tôi dành cho Duy đã lấn át những quan niệm trước kia trong tôi, hay là vì ý Chúa nhiệm mầu thúc đẩy khiến tôi chấp nhận cầu nguyện cùng anh? Tối hôm đấy, chúng tôi đã cầu nguyện rất lâu.
“Ngày mai anh sẽ đến thưa chuyện với ba má em”. Duy nói khi đưa tôi về đến trước cổng nhà.
Tôi chẳng nói gì, chỉ biết nắm chặt tay anh như để làm vơi bớt nỗi lo sợ đang ngổn ngang trong lòng. Tạm biệt nhau, tôi đứng nơi cổng nhà mà lòng nặng trĩu vì biết rằng chúng tôi sắp phải đối mặt với bao sóng gió.
2.
Thị trấn Sông Cầu của những tháng ngày chưa xa lắm, gia đình tôi sống trong ngôi nhà lợp ngói đỏ cùng hàng dâm bụt trước sân. Làng ven biển với những căn nhà bốn mùa lộng gió nép mình bên những hàng dừa cong mình xanh mướt.
Có những buổi khuya, chúng tôi chẳng chịu ngủ, tất cả anh chị em đều quây quần bên bếp lửa hồng cùng nồi xôi của má. Không phải để phụ má nấu xôi cho kịp bán sáng mai, đơn giản vì những lúc ấy, chúng tôi được nghe ba má kể nhiều câu chuyện hấp dẫn trong Kinh Thánh, về chuyện tình ngày xưa của họ, và cuộc đời ông ngoại.
“Ông ngoại các con là hoa trái đầu mùa của đạo Tin lành nơi mảnh đất Sông Cầu này khi được một giáo sĩ tên Thomas đến truyền giáo. Vì quyết tâm theo đạo Tin lành mà ông ngoại đã bị gia tộc từ bỏ, lấy lại hết nhà cửa, ruộng vườn rồi đuổi đi nơi khác. Ông đã đưa gia đình đến tận chân núi, tự dựng một ngôi nhà tranh để ở tạm. Cuộc sống khốn khó là vậy, nhưng hồi đó ông luôn động viên má và các dì giữ vững đức tin vào Đức Chúa Trời.”
Bỏ thêm mấy hòn than vào lò lửa, má tôi lại tiếp tục câu chuyện.
“Nếu ba các con không là người Tin lành, ông ngoại không cho má lấy đâu. Nhưng Đức Chúa Trời có chương trình của riêng Ngài. Năm đó má mười bảy tuổi rồi mà chưa có chồng. Tự nhiên ngày nọ, có gia đình ở Quảng Nam làm nghề may chuyển đến Sông Cầu, nhà này đạo Tin lành. Thế là má lấy ba, rồi sinh ra tám đứa tụi bây nè.”
Những câu chuyện nối dài hằng đêm, mang theo kỉ niệm tuổi thơ êm đềm hạnh phúc chất chứa đầy tình cảm gia đình. Tôi lớn lên bên những câu chuyện nơi bếp lò, trong sự dạy dỗ và đức tin tuyệt đối vào Đức Chúa Trời mà ba má đã ươm vào trái tim tôi.
Ba tôi là chấp sự uy tín và nhiệt thành của Hội thánh Sông Cầu. Trong gia đình, ba tôi là một người cha cực kì nghiêm khắc, mọi điều ba tôi yêu cầu, mọi người trong gia đình không được phép làm trái ý.
Có lần khi đang ngồi học bài, tôi thấy ba nổi giận mắng chị Bảy rất gay gắt. Chị ngồi khóc sướt mướt nghe ba răn dạy. Lúc này tôi còn quá nhỏ để hiểu lí do vì sao ba mắng chị như vậy. Lớn lên tôi mới biết, chị Bảy yêu một anh Công giáo, nhưng gặp sự ngăn cản quyết liệt của ba nên cuối cùng đã chia tay.
Mỗi buổi sáng Chúa nhật, tôi thường đi bộ đến nhà thờ để học Kinh Thánh Thiếu Nhi. Trên đường, tôi luôn đi ngang một ngôi nhà thờ khác. Ngôi nhà thờ này lạ lắm, trong khuôn viên có tượng bà Mari và ông Giosep. Xa trong cung thánh là tượng Chúa Jesus được treo trên thánh giá. “Sao nhà thờ mình lại không có tượng nhỉ?”. Tôi thầm nghĩ. Đem những thắc mắc ấy về hỏi ba, ba nói rằng đó là nhà thờ Công giáo, người theo đạo Công giáo thờ hình tượng, họ phạm một trong mười điều răn Đức Chúa Trời. Ba còn cấm tôi không được bước chân vô ngôi nhà thờ kia nữa.
Ngày tháng cứ tiếp tục trôi, tôi lớn lên trong một gia đình yêu mến và thờ phượng Đức Chúa Trời. Trong tôi dần dần hình thành những quy ước riêng cho bản thân. Việc lấy một người chồng không cùng đức tin là điều không thể chấp nhận được.
Nhưng tôi không thể ngờ, mọi quan điểm của tôi đã thay đổi cho đến khi tôi gặp Duy.
3.
- Cậu là người Công giáo mà dám đòi cưới con gái tôi sao?
- Con thật lòng yêu Diễm, mong bác chấp nhận cho chúng con được nên vợ chồng. Con hứa sẽ chăm sóc em chu đáo suốt đời con.
- Không cưới xin gì cả. Người Công giáo không có chung đức tin với nhà tôi. Cậu về đi!
- Gia đình con cũng tin tưởng Đức Chúa Trời tuyệt đối. Bác cứ tin con, đám cưới xong tụi con vẫn đi nhà thờ như từ trước tới giờ!
- Đi nhà thờ Công giáo để con Diễm thờ mấy bức tượng à? Không nói nhiều nữa, cậu về đi.
- Nhưng thưa bác…
- Tôi nói cậu về đi!
Tôi ngồi sau tấm rèm cửa nghe cuộc nói chuyện mà lòng quặn thắt. Nghe tiếng cọt kẹt quen thuộc từ chiếc xe đạp của Duy, tôi vội chạy ra cổng tiễn anh. Đôi mắt trĩu buồn của Duy càng làm tôi chẳng thể nào kiềm được nước mắt. Chúng tôi lặng nhìn nhau như thể sắp mãi mất nhau.
“Em đừng lo, anh sẽ cầu nguyện nhiều để chúng mình được ở bên nhau.” Duy vừa nói vừa lau nước mắt tôi.
“Diễm, bước vô nhà mau!”. Tiếng kêu giận dữ của ba buộc chúng tôi vội vã chia tay. Tôi lặng lẽ bước vào nhà ngồi trước mặt ba để nghe ba giáo huấn, dạy dỗ rồi trách móc đủ điều. Dù biết trước ba không thể nào chấp nhận cuộc hôn nhân này, nhưng lúc ấy nước mắt tôi cứ chảy dài trên má.
Những ngày sau đó, tôi nhận được biết bao lời khuyên lơn thậm chí là răn đe từ mọi người, từ mục sư và người trong Hội thánh cho đến các anh chị của tôi. Lẽ ra tôi nên mạnh mẽ vượt qua thử thách để giành lấy điều tôi muốn, nhưng tôi không làm được. Tôi quá yếu đuối để chịu nổi những đả kích từ mọi người cũng như sự giằng xé trong tâm trí lúc này. Tôi ngã bệnh. Trong cơn mê man, tôi nghe tiếng má tôi:
- Ông nhìn con Diễm chết lên chết xuống mà không xót à? Ông không gả nó thì về Quảng Nam mấy ngày đi, để ở nhà tôi với thằng Hai lo chuyện cho nó.
- Bà gả nó cho cái thằng Công giáo đó thì tôi phá nát cái nhà này rồi bỏ đi cho bà coi. Ba đùng đùng nổi giận.
Tôi mất hết hy vọng. Cả ngày hôm ấy tôi nằm vất vưởng trong phòng rồi khóc thầm đau khổ. Trong những tiếng nấc, tôi chợt nghe tiếng bước chân của ba tiến gần.
Ba đến bên giường khuyên răn, trò chuyện cùng tôi, nhưng tôi nhắm mắt vờ như không nghe thấy.
Cả tuần sau đó, nhỏ Linh mang thuốc đến đưa má tôi. Nó nói đây là thuốc bắc Duy sắc. Ngày ngày uống thuốc Linh mang đến, tôi như cành cây héo khô dần tươi trở lại. Ba tôi cũng biết đó là thuốc của Duy, nhưng chỉ im lặng lờ đi. Cho đến khi tôi gần như hồi phục thì một buổi tối ba gọi tôi lên nhà trên. Nhìn gương mặt tái xanh của tôi, lòng ba như chùng lại, nhưng rồi ba vẫn nghiêm giọng:
- Nếu con lấy nó, thì con có còn giữ đức tin vào Đức Chúa Trời không?
- Con vẫn giữ, vì người Công giáo vẫn phụng sự Đức Chúa Trời. Ba còn nhớ Giăng đoạn 15 câu 5 ghi rằng: “Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái”. Tin lành và Công giáo tuy khác nhau nhưng đều kết hiệp cùng thân thể Chúa Jesus. Ba yên tâm, dù con ở đâu đi chăng nữa, đức tin của con sẽ không bao giờ mất.
Ba im lặng, trầm ngâm suy nghĩ rất lâu. Gương mặt ba hằn lên nét đau xót như sắp phải mất đi một điều gì đó rất quý giá. Rồi ba quay mặt đi, cất giọng:
- Bảo thằng đó đưa ba má nó tới đây nói một tiếng, rồi dẫn đi đâu thì đi.
Thật ra gia đình Duy cũng không dễ dàng chấp nhận tôi, họ bảo thà rằng tôi theo đạo Phật còn dễ chịu hơn. Nhưng dù cho sóng gió lớn đến đâu, chúng tôi vẫn tín thác cầu nguyện. Duy luôn cầu nguyện và xin Mẹ Maria đoái thương cho cuộc hôn nhân của chúng tôi. Còn tôi, những trưa nắng gắt tôi trốn nhà đi với Duy đến học giáo lý cùng vị linh mục già, ngài đã ân cần dạy dỗ và ban các bí tích khai tâm cho tôi.
Cuối cùng, tình yêu của chúng tôi đã chiến thắng rào cản tôn giáo. Nhưng trong lòng tôi lúc này, hạnh phúc chẳng thể trọn vẹn vì vẫn còn đan xen bao trăn trở ngổn ngang.
Trong Thánh lễ hôn phối ở ngôi thánh đường Công giáo ở quê Duy năm ấy, không có sự hiện diện của ba má tôi.
4.
Thắm thoắt mười lăm năm trôi qua.
Tôi có một cuộc sống hạnh phúc bên Duy. Sau ngày cưới tôi học luôn nghề Đông y và cùng anh mở hiệu thuốc ở Qui Nhơn. Tôi hòa nhập vào môi trường mới, tham gia ca đoàn và cùng Duy làm giáo lí viên. Thiên Chúa đã ban cho chúng tôi ba đứa con đáng yêu. Mọi sự diễn ra tốt đẹp như ý muốn của Ngài.
Mỗi năm tôi về thăm nhà vài lần. Chẳng biết có phải thời gian làm nguôi đi cơn giận của ba, hay chính đạo hạnh nơi gia đình nhỏ của tôi đã khiến ba trở nên gần gũi với Duy hơn. Mặc dù vậy, trong tôi vẫn canh cánh nỗi dằn vặt về chữ hiếu chưa tròn vì năm ấy tôi đã làm trái ý ba.
Cho đến một hôm, trong lần về thăm nhà, sáng đấy, tôi dậy sớm để nấu nước thì thấy ba ngồi một mình bên lò lửa tự bao giờ. Ba thấy tôi thì kêu tôi lại. Tôi lặng lẽ đến ngồi cạnh ba. Trong cái se lạnh giữa sớm mai khi trời còn chưa sáng, giọng ba run run:
- Con có còn ghét ba không Diễm?
- Sao ba nói vậy? Con… Tôi bất ngờ, chưa kịp nói gì thì ba đã tiếp lời.
- Diễm, con chọn đúng rồi. Lúc đầu ba nghĩ thằng Duy không thể làm con hạnh phúc vì nó là một đứa theo lạc giáo. Giờ thì ba già rồi, không biết Chúa sẽ gọi ba đi lúc nào, nên ba muốn nói con hiểu nổi lòng ba suốt bao năm qua.
Ba im lặng hồi lâu, không gian như đứng lại trong tim tôi lúc này. Lạy Chúa, phải chăng Ngài đang tạo một thêm một mầu nhiệm nữa trong cuộc đời con?
- Xin lỗi con! Không tôn trọng quyết định của con là nổi dằn vặt lớn nhất trong đời ba. Giờ để hiểu về đạo Công giáo như thế nào thì ba chưa dám chắc mặc dù ba có cố gắng nghe đài Veritas. Nhưng, cảm tạ ân huệ Chúa dành cho con vì ba thấy con sống rất hạnh phúc. Thằng Duy nữa, sau bao năm ba thấy được rằng nó biết kính sợ Chúa và có lòng yêu mến Ngài thực sự.
Có thể trong buổi sớm hôm ấy, ba không thấy được những giọt nước mắt xúc động của tôi. Nhưng dưới ánh lửa mập mờ, lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt ba rơm rớm nước.
Và sau cái lờ mờ lành lạnh trong buổi sớm mai, mặt trời đã xuất hiện, bừng lên ánh nắng sưởi ấm mọi cảm xúc, xua tan bóng tối vô hình bao năm qua trong lòng ba và tôi.
5.
Ngày ba tôi mất. Rất nhiều mục sư đến viếng tang và chia sẻ nỗi đau cùng gia đình. Trong gian phòng nhỏ nơi đặt linh cửu ba, có một vị linh mục đang đứng cầu nguyện. Vị linh mục ấy là cha sở, cha đến cùng ban trợ táng giáo xứ Sông Cầu để giúp gia đình. Tôi đứng ở góc phòng nhìn hình ảnh tưởng chừng sẽ không bao giờ xuất hiện trong căn nhà tôi. Linh mục, mục sư và mọi người cùng mời nhau đọc Lời nguyện chung của Tin lành cũng chính là kinh Lạy Cha của Công giáo trong cùng một sự tín thác vào Thiên Chúa toàn năng.
Lúc này, miệng tôi hát nhẩm: “Lạy Cha xin hãy cho mọi người hợp nhất nên một…”
Bỗng nhiên, lời một bài thánh ca Tin lành xuất hiện trong tâm trí tôi.
Cùng họp nhau nơi bệ chân Chúa và hân hoan trong tình thương
Cùng nắm tay trên đường niềm tin không rời nhau
Lòng ước mong anh chị em ta không rời nhau trên trần gian…
Khi mặt trời lặn, bóng đen chia cách sẽ hoành hoành khắp thế gian. Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần tín thác đợi chờ, thành tâm cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ mang bình minh đến với nhân loại, và trong ánh sáng Lòng Thương Xót Chúa, tất cả chúng ta đều trở nên một thân thể với Đức Kitô.