Người Nam bộ chúng tôi ít khi kêu tên khai sinh của nhau. Không biết từ bao giờ, chúng tôi kêu nhau bằng thứ, không có thứ nhất (cả) như ngoài Bắc, chỉ có thứ hai (lớn nhất), thứ ba, thứ tư… cuối cùng là thứ út. Ngày ấy, không có đôi vợ chồng nào bể kế hoạch, vì có kế hoạch đâu mà bể. Thế nên mới có những tên Đặng Văn Mười Một, Trần Văn Mười Hai, Nguyễn Văn Út Sót, Lâm Thị Út Mót, Lê Thị Út Em, Trần Thị Út Thêm, Huỳnh Thị Út Nữa…
Út Nữa là con của ông Út Tài Xế. Không ai biết tên thật của ông. Chỉ biết rằng ngày ấy ông chạy xe Lambro, rồi lên đời tậu con Daihatsu, chạy tuyến Sóc Ven – Minh Lương – Rạch Sỏi – Rạch Giá, nên người ta kêu ông là Út Tài Xế, từ đó ông chết tên luôn… Chị Út của Út Nữa chết sớm, nên cả nhà gọi Út Nữa là Út, vừa tiện, vừa gọn. Cha thứ út, con thứ út nên dù sinh sau đẻ muộn, vai vế của Út lớn lắm. Những đứa con của các anh Hai, chị Ba, anh Tư dù lớn tuổi hơn Út vẫn thuộc hàng con cháu. Không biết cả cái miền lục tỉnh này có vậy không, chứ riêng ở xã Định An, huyện Gò Quao này, hay ít ra ở nhà ông Út Tài Xế này, không có cô Út, dì Út, chị Út… mà chỉ có Út. Cha mẹ, các bác, cậu mợ, chú thím, dì dượng, hay các anh chị một điều Út, hai điều Út đã đành rồi, nhưng mấy đứa cháu lớn, nhỏ cũng chỉ kêu Út chỏng chơ thôi:
– Út à! Qua tía má con bàn công chuyện.
– Út đi Phú Quốc nhớ mua mực trứng về cho tụi con, ngheng!
– Út dạy con “Bài quên không ca”… Ủa! “Bài ca không quên” chớ!
Ngược lại Út cũng tự xưng là… Út:
– Con dạy Út bài toán này coi.
– Út nhờ con nói má qua cạo gió cho ngoại, ngheng?
– Chiều nay, mấy đứa chở Út đi nhà thờ với, ngheng?
Người ta kêu Út chỏng chơ, nhưng chan chứa yêu thương dành cho đứa con gái bé bỏng nhất nhà, và không phải vì thế mà thiếu sự kính trong. Mọi đứa cháu, và cả đám bạn của chúng, dù lớn tuổi hơn, cũng một điều Út, hai điều con. Chính Út cũng chấp nhận, coi đó là lẽ đương nhiên. Cho nên gần như Út không có bạn, nhất là bạn tri kỷ, tri âm. Có ai lại tâm sự riêng tư với đám con cháu bao giờ?
oOo
Thầy Tâm được bài sai đến giúp xứ kỳ hè. Thầy quê Vạn Đồn, người cao lớn, dễ thường có đến trên một mét bảy. Thầy mau mồm mau miệng, chào hỏi người già như cha mẹ, gần gũi giới trẻ như anh em, thân tình với thiếu nhi như con cháu. Thầy lăn xả vào công việc, mau mắn không chê vào đâu được. Có lần, ông Út Tài Xế nói đùa với Út:
– Bay coi! Phải nói là ông thầy Bắc Kỳ ấy nhanh nhảu mới đúng. “Nhanh” thì tía hiểu, nhưng “nhảu” là gì ta?
Gần như thầy Tâm được cả giáo xứ quý trọng. Cha sở cắt đặt thầy làm trợ úy xứ đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Khi sinh hoạt, thầy mặc áo trắng cộc tay đồng phục Thiếu nhi Thánh Thể, thắt khăn quàng trợ úy màu đỏ viền trắng, thánh giá trắng, coi mới trẻ trung, năng động làm sao. Các anh chị huynh trưởng quý mến thầy, có người coi thầy là thần tượng. Họ hài lòng về thầy, khen ngợi thầy nức nở. Riêng Út, cũng là một huynh trưởng, vắt óc mãi mới tìm được một câu nói về thầy, không biết có đúng không, nhưng Út cho là hay nhất: “Thầy mới uy nghi lồng lộng làm sao!” Rồi Út tự hỏi lòng: “Trên đời này, ngoài tía mình ra, có người đàn ông nào hơn được thầy Tâm không nhỉ?” Hình ảnh thầy lúc nào cũng lởn vởn trong tâm trí Út, nhất là trong lúc dỗ giấc ngủ, và cả trong mơ nữa. Có một thứ tình cảm mới lạ, nhẹ nhàng mà da diết, bâng khuâng mà tha thiết, ngọt ngào mà hiu hiu buồn trong lòng Út. Út bàng hoàng: “Hay là mình yêu? Thế có phải là tình yêu không?” Út giật mình: “Nhưng thầy Tâm đã được gọi làm linh mục cho Chúa. Mình tội lỗi quá! Lạy Chúa! Xin tha tội, thương xót và giải thoát con khỏi cơn u mê này”. Nhưng Út lại tự biện hộ: “Có gì đâu? Tình nghĩa thầy trò, anh em thôi mà”.
Nhân danh “tình nghĩa thầy trò, anh em” ấy, nhân dịp lễ kính Tổng lãnh Thiên thần Micae, bổn mạng thầy trợ úy, Út kín đáo cất công ra Rạch Giá mua một bộ đồ, áo Khataco, quần Việt Tiến, hết gần triệu bạc để tặng thầy. Buổi liên hoan mừng bổn mạng thầy xứ vui lắm, dù chỉ có bánh kẹo, nước ngọt. Anh chị em huynh trưởng tặng thầy một bó hồng bạch trắng muốt và tặng thầy những bài ca thấm đẫm tình Chúa, tình Mẹ, tình anh em. Thầy Tâm tặng lại mỗi người một xâu chuỗi. Cha sở, cũng là cha tuyên úy Thiếu nhi Thánh Thể, vốn là một nhà nho uyên bác, cũng là một nhà Phật học, tặng cho mỗi người phong bì nhỏ như bao lì xì ngày tết, trong đó có một mẩu giấy bé tí teo, viết một chữ như từ, bi, hỉ, xả, tâm, nhẫn, hiếu, đễ, trung, tín v.v… bằng chữ quốc ngữ theo kiểu thư pháp, kèm theo một câu Kinh Thánh. Thầy Tâm và Út cùng bắt được chữ BUÔNG và câu “Ai muốn theo Thầy, phải buông bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Mọi người vỗ tay như sấm. (Hình như cha sở sửa “từ bỏ” thành “buông bỏ”. Buông bỏ có vẻ dứt khoát hơn, gần ngôn ngữ nhà Phật hơn, mà đâu có sai?).
Xong tiệc liên hoan, mọi người đã ra về gần hết, Út rón rén gõ cửa phòng thầy xứ, lắp bắp:
– Thầy đừng chê ngheng! Con tặng thầy món quà nhỏ nhân dịp lễ kính thánh bổn mạng. Xin Thánh Micae gìn giữ thầy, cho thầy trung thành với ơn gọi…
Thầy Tâm sững người. Đây là lần đầu tiên trong đời, thầy được nhận một món quà như thế này, từ một người khác phái như thế này. Hơn nữa, thầy cũng đang cần một bộ quần áo mới. Xúc động đến run rẩy, thầy cũng lắp bắp:
– Cám ơn, cám ơn Út nhiều lắm…
Nhìn cô gái cao ráo, trắng trẻo, xinh đẹp, lúc nào cũng cười tươi, lại được tiếng hiền hậu, thùy mỵ, nết na đang ở trước mặt, thầy thầm nghĩ: “Phúc cho anh chàng nào được Chúa ban Út cho làm gia nghiệp”… Bốn mắt nhìn nhau, người này nghe được nhịp tim người kia, nhưng chẳng ai biết nói gì thêm. Họ đành vội vàng bắt tay chia tay. Có bóng một người đàn bà ngang qua khung cửa, hình như là bà Tám Dưa Lê.
Thầy Tâm khép hờ cánh cửa, lấy băng keo dán chữ BUÔNG ngay trên đầu giường, như một điều tâm niệm. Đúng lúc ấy thằng Chín, gọi Út bằng cô ruột, ào vào, hổn hển:
– Út ơi! Út à! Về, nội kêu. Ủa! Út có đây không, ông thầy?
Thầy Tâm nói:
– Út mới về xong. Tên thánh con cũng là Micae phải không?
– Dạ.
Một tia sáng lóe lên trong tâm trí thầy. Thầy đăm đăm nhìn vào chữ BUÔNG vừa dán trên đầu giường:
– Thầy có một món quà mừng bổn mạng con, được không?
oOo
Gặp ai, bà Tám Dưa Lê cũng bô bô:
– Mắt tôi nhìn thấy rõ ràng, con Út cầm tay thầy xứ. Còn sau đó ra sao, chỉ có Chúa biết. Ai cũng nói nó xinh đẹp, tài giỏi, thùy mị, nết na. Đâu ngờ nó là một con quỷ cái, sa tan sai tới cám dỗ ông thầy.
Cả câu chuyện và lời bình độc địa của bà Tám chưa đầy nửa trăm chữ, vậy mà nó lan ra khắp giáo xứ như một đám cháy rừng tràm. Người ta thêm mắm muối vào, rồi vẽ rắn thêm chân. Đến tai ông Út Tài Xế, những tưởng ông nộ khí xung thiên, nhưng không, ông dịu dàng bênh con:
– Con Út lớn rồi, nó tự chịu trách nhiệm về việc làm và về cuộc đời của nó. Không ai biết con hơn cha. Tôi mang cái đầu tôi bảo đảm con Út nhà tôi không bao giờ làm chuyện tầm phào, tầm bậy. Bắt tay thầy xứ là cái quái quỷ gì mà bà Tám Dưa Lê làm lớn chuyện dữ vậy?
Ông Út Tài Xế nói vậy, chứng tỏ ông thương yêu, hiểu biết và tin tưởng con gái út của mình xiết bao.
Khi đến tai thầy xứ, câu chuyện của bà Tám Dưa Lê đã thành một pho trường thiên tiểu thuyết. Thầy Tâm không biện hộ cho mình một câu nào. Tối hôm ấy, thầy quỳ hàng giờ trước Thánh Thể Chúa. Thầy xét mình, thầy cầu nguyện. Không ai biết thầy cầu nguyện những gì, được Chúa dạy bảo điều gì. Chỉ biết rằng, từ đó về sau, cứ bước ra khỏi phòng là thầy mặc áo dòng. Hình như thầy muốn nói với mọi người thì ít, nói với chính mình nhiều hơn, rằng: “Tôi đã chết, đã được tẫn liệm trong chiếc áo chùng thâm này. Tôi đã chết vì tôi không còn sống cho tôi, cho riêng ai nữa, mà chỉ còn sống cho Chúa, cho Giáo hội và cho tha nhân mà thôi”.
oOo
Thằng Chín sửa soạn đi đám cưới ngoài Sóc Ven. Nó chạy sang nhà ông Út Tài Xế, ông nội nó, kêu như cháy nhà:
– Út ơi! Út à!
– Có chuyện gì mà hớt ha hớt hải vậy?
– Út chụp cho con phô hình để con tặng thầy xứ.
Út nhìn thằng Chín từ đầu đến chân:
– Mau lớn dữ à! Phổng phao ghê ta! Đẹp trai đâu có thua gì ông nội ngày xưa. Ủa, mà ai may cho con bộ đồ mới vậy?
– Út không biết thiệt sao? Thày Tâm tặng con bữa mừng thánh bổn mạng Micae đó.
– Vậy sao? Hèn chi…
Út nhớ lại, “Hôm ấy mình lựa mãi mới ưng ý màu áo này, cái sọc ca rô này”. Bán tín bán nghi, Út lật cổ áo thằng Chín. “Khataco số 42”. Đúng y chang. Vậy là cái quần Việt Tiến khỏi kiểm tra. Đầu óc Út quay cuồng. Út giận trào nước mắt: “Mình mua cho ổng để ổng bận, chớ đâu phải để ổng cho người khác, lại cho ngay thằng cháu mình để dằn mặt mình. Ổng khi thường mình quá mất thôi”. Thằng Chín hỏi:
– Út sao vậy?
Út dối thằng Chín và dối chính mình:
– Út có sao đâu!
Đột nhiên Út nhớ tới chữ BUÔNG hôm nào. “Hơi đâu tức giận người dưng. Mình đã tặng thầy, là của thầy. Thầy muốn làm gì, cho ai là quyền của thầy mới phải chớ. Thôi thì mình vâng lời Chúa, buông bỏ hết cho thanh thản cõi lòng”. Út mím môi cười, dù chỉ là cười gượng.
oOo
Hết kỳ hạn giúp xứ ba tháng hè, thầy Tâm trở về đại chủng viện. Tiễn đưa thầy, đám ấu nhi và thiếu nhi khóc như ri; đám nghĩa sĩ, hiệp sĩ và huynh trưởng sụt sùi. Thầy Tâm bước ra khỏi cổng nhà thờ không một lần nhìn lại. Thầy “trong héo ngoài tươi” bỏ lại sau lưng tất cả, chỉ đem theo một chữ BUÔNG cha sở tặng thầy hôm nào.