Giải nhất truyện ngắn VHNT Đất Mới 2014
Trong mấy anh em, cậu và cô em gái thứ tư – cặp THIỆN – ÂN – là cặp đôi hòa hợp nhất, chẳng hề chí chóe với nhau bao giờ . Chẳng là hồi đó bố mẹ cậu cứ cho ra đời con trai miết, 7 anh mà chỉ có mỗi 1 cô con gái – mãi sau này đứa thứ 8 và thứ 10 mới lại là con gái – nên cái ÂN cứ như bị đồng hóa thành con trai, các anh mặc quần đùi, nó cũng quần đùi. Họ chơi cờ tướng nó cũng chơi, nhưng thường thì các anh phải chấp nó con xe – pháo. Chia phe chơi bắn súng giả thì lúc nào cái Ân cũng đòi ở phe anh Thiện .
Tất cả anh em đều được cậu đặt "biệt danh".
- Anh Vinh cao, gầy nên có biệt danh là Vinh gầy.
- Anh Phúc mập, bắp tay bắp chân đập vô cứ lủng lẳng như võng đưa nên có biệt danh là Phúc mỡ.
- Cậu là thứ ba, mập mà chắc nịch nên gọi là Thiện mập.
- Cái Ân trắng trẻo mắt mí lót, lúc nào cũng thích mặc áo cài cúc chéo một bên như áo tầu nên nó có tên Ân tầu.
- Thằng năm mẹ cậu sanh khó phải hút nên nó có cái đầu dài hơn những đứa khác, nó được gọi là Hòa đầu dài .
- Thằng sáu thì ngược lại đầu tròn trùng trục mà nó lại nghịch ngợm phá phách như giặc nên nó có tên là Bình giặc tròn, có lúc chỉ gọi nó là giặc tròn.
- Thằng bảy mập ú na ú nú, mãi chả biết đi nên gọi là Yên ú, Sau này nó mất tên vì cứ bị gọi là bảy ú .
- Cái Vui lúc nhỏ bị ngã tét đầu phải khâu 3 mũi nên nó có tên Vui vỡ đầu.
- Thằng thứ chín cũng nghịch ngợm không kém các anh. Nó lấy búa của bố chơi đập ngay vào ngón tay, làm móng tay ngón cái đen kịt lại đã vậy nó lại còn hay giơ cái móng đen thui ra dọa cái Vui làm nó sợ khóc thét lên, nên nó có biệt danh là Phú “ móng quỷ”.
- Cái út Quý còn thê thảm hơn. Nó máu xấu nên cứ là ghẻ chốc đầy đầu, lúc nào cũng bị bố gọt trọc như ông sư nên nó bị gọi là Quý "cóc ghẻ".
Bố mẹ cậu thường đi làm ăn xa, có khi cả tuần mới có mặt ở nhà. Mấy anh em cứ đứa lớn trông đứa bé, vậy mà chúng nghe lời tăm tắp, chẳng đứa nào mày tao chi tớ với nhau. Thường thì có cãi vã với nhau một chút, anh ba Thiện lúc nào cũng là người phân xử và hòa giải. Tuy nhiên cậu chẳng bao giờ dùng roi đòn mà chỉ bắt quỳ và lần chuỗi Mân côi, nhẹ thì ba kinh, còn lỗi nặng thì một chục cho đến hai chục. Ở nhà chúng toàn gọi nhau bằng biệt danh chứ không gọi tên cúng cơm cho nên cái út lúc đi nhà trẻ cô giáo hỏi:
- Tên em là gì ?
- Tên em là “ sư cóc” - Nó vô tư trả lời – các cô giáo cứ cười vì sự vô tư không ngại ngùng của nó.
Trong nhà Thiện là đứa học giỏi nhất , tháng nào cũng nhất – nhì, hiếm lắm mới có cái hạng ba. Bằng khen và phần thưởng cứ là một chồng cao vút đi đâu ai cũng khen – cậu là niềm hãnh diện của bố mẹ. Cái Ân thấy vậy cũng ganh ngầm, nó cũng cố học để theo kịp thằng anh, nhưng gắng hết sức suốt mấy năm tiểu học nó chỉ vươn lên tới hạng hai còn thường là hạng ba, bốn, năm.
Năm 1972, Thiện thi vào tiểu chủng viện XUÂN LỘC bắt đầu cuộc đời ơn gọi. Ngày lễ, tết cậu mới được về thăm nhà. Các em cậu xúm xít hỏi han nói chuyện và bắt Thiện kể chuyện cho chúng nghe – cậu có cái duyên kể chuyện rất hay – dĩ nhiên cũng phải thêm mắm dặm muối một chút cho nó “đậm đà” và hài hước nên lũ nhóc thích thú cứ há hốc mồm nghe và cười toe toét .
- Mấy đứa có biết tại sao cây rau thơm này có tên Thì Là không?
- Người ta đặt tên cho nó như vậy chứ sao ?- lũ nhóc xôn xao trả lời –
Thiện cười và kể :
- Ngày xưa, khi Thiên Chúa lập vườn Địa Đàng, Ngài gọi tất cả muông thú, cây cối, và cả ông Adam, bà Eva đến để đặt tên cho muôn loài muôn thú theo hình dạng của chúng. Khi đến lượt một giống cây bé nhỏ nhất, lá chẳng ra lá, cứ như những cây tăm nhỏ kết lại, Chúa còn đang phân vân ngẫm nghĩ, chưa ra được một cái tên nào.
Ngài lẩm bẩm trong miệng:
- Tên mày thì là…. Thì là …
Thế là cái cây đó nó tưởng Chúa đã đặt tên cho nó rồi , nó vọt chạy đi và reo to:
- A! mình có tên rồi , tên tôi là Thì Là …
Từ đó nó có tên là Thì LÀ …
Sự kiện 1975 làm đảo lộn cuộc sống trong gia đình cậu. Từ một chủng sinh chỉ biết học hành, sống theo nội quy chủng viện, bây giờ tiểu chủng viện giải tán cậu lại trở về với gia đình, cuộc sống vất vả hơn xưa. Với một gia đình 12 miệng ăn như gia đình cậu thì việc chạy cái ăn cũng là quá sức đối bố mẹ. Hai anh lớn theo bố làm công nhân ở huyện Trảng Bơm. Mẹ phải dậy từ 2 giờ sáng đi chợ lấy rau về bán. Thiện và các em ở nhà vừa đi học vừa phụ mẹ làm thêm các việc để tăng thu nhập.
Cậu và cái Ân học ở trường cấp 3 cách xa nhà cả 7 km nên cả hai phải dậy sớm. Lễ sáng xong, cái Ân gầy bếp – lúc đó chưa có nồi cơm điện như bây giờ - đặt một nồi cơm to phần cho vào hộp gigo, với chút muối xả ớt rang lên và 2 trái dưa leo. Đó là khẩu phần ăn trưa của hai anh em hôm nào học hai buổi, phần còn lại để các em ở nhà ăn. Hôm nào sang lắm thì được trái trứng chiên hai anh em mỗi đứa một nửa .
Lon guigoz |
Trong các việc nào là kéo miến, bổ cau …, mẹ nhận thêm về cho các con làm thì cực nhất là việc bổ cau, nó rất nhiều công đoạn. Cứ 1 thiên cau – khoảng 1300 trái – phải róc vỏ, phơi cho se rồi đem vào bổ - vì nếu bổ ngay quả cau trơn sẽ dễ đứt tay – quả to bổ làm 5-6 miếng, quả nhỏ bổ 3-4. Nào đã hết, khi phơi được 1 nắng miếng cau teo bớt phải nhấn từng miếng cau vào 1 cái khuôn có khe hở 1,5 cm rồi lại đem phơi tiếp sao cho khi khô thì miếng cau nó phải cuộn tròn như ốc sên , 1thiên cau chỉ được 7kg cau khô và lời khoảng 5000 $ - tính theo thời giá lúc đó - cũng phụ thêm được ít nhiều vào tiền chợ cho mẹ. Hôm nào nhiều cau, buổi tối mấy anh em đem hết ra hè , Thiện lại ngồi kể chuyện cho các em vừa làm việc cho đỡ ngán, nhưng với lối kể hấp dẫn, con nít hàng xóm cứ bu lại nghe ké, chúng vừa nghe vừa róc cau, ấn khuôn hộ. Khi những thúng cau hết sạch thì câu chuyện lại ngừng ở chỗ hấp dẫn nhất cứ như truyện thần thoại 1001 đêm, và tối hôm sau chúng lại lục tục kéo đến.
- Anh Thiện kể tiếp đi ..
- Bác ơi cho cháu con dao
- Bác ơi đem khuôn cháu ấn cho – chúng cứ í ới gọi mẹ cậu đem việc cho làm, nhờ thế mà anh em Thiện còn có giờ lo học bài .
Tuy vất vả vậy nhưng các anh em cậu ai cũng học hành đến đến chốn.
Thiện còn thổi sáo rất hay, cứ chiều chiều hôm nào rỗi việc cậu lại rủ cái Ân leo lên mái tôn chuồng heo dưới nhà – vì mái tôn này thấp – nghe cậu thổi sáo. Chẳng hiểu sao trong nhà cậu rất yêu quý đứa em gái này. Họ luôn chia sẻ với nhau trong mọi chuyện .
Những tháng năm khó khăn vất vả nhưng anh vẫn luôn kiên trì đeo đuổi ơn gọi. Theo chân GIESU là tâm nguyện của anh.
Ông Thảo bạn thân của bố anh, từ lâu đã “ kết” cậu con trai này. Ông chỉ có mỗi cô con gái … thế mà bây giờ cậu ta lại chọn Chúa chứ không chọn con gái ông. Thật phí của giời.
- Sao ông lại cho nó đi tu, thời buổi này đến bao giờ mới được chịu chức – Ông nói với bố Thiện – ông cứ bảo nó với cái Hương nhà tôi, nếu nó ưng tôi lo tất …
- Ô hay! Hoa thơm thì mới dâng cho Chúa chứ - Bố cười nói lại – nhà tôi còn mấy thằng ông cứ việc….
Mà đó cũng là một thử thách lớn đối với anh khi anh được đi giúp xứ. Tướng tá anh cao ráo đẹp trai – bà già cũng thích huống chi là thiếu nữ- cứ mỗi lần Ân xuống thăm, anh đưa cho cô một bọc thư dầy cộm, còn nguyên xi chưa hề bóc.
- Sao anh không mở ra xem – cô cười hỏi –
- Thôi ! đọc mấy thứ này … khó mà cầu nguyện nổi , cho em đem về nghiên cứu. Đến thổi sáo anh còn chả dám nữa là …
- Hèn chi em thấy cây sáo anh vẫn treo ở nhà .
Anh được thụ phong Linh Mục đúng vào năm 2000, sau 11 năm làm thầy xứ, sau bao nỗi mong đợi của bố mẹ và các anh em. Năm đó 23 LM cùng được thụ phong, quả là ngày Hồng Ân vì chưa khi nào có đợt thụ phong nhiều như vậy trong giáo phận.
Sau lễ tạ ơn, cha được bài sai về một xứ đạo ở thị xã Bà Rịa – sau này tách địa phận nên giáo xứ cũng thuộc về giáo phận Bà Rịa – Giáo xứ nghèo lắm đa phần là dân nhập cư từ Bắc vô 1986. Vì là vùng biển nên phần lớn dân cư sống về nghề đi biển. Trẻ em học cao lắm tới cấp 2 là nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ rồi. Nhà thờ thì thô sơ, được dựng bằng tôn trông như một chuồng gà lớn, các cánh cửa cũng là những tấm tôn ghép lại, tới giờ lễ chúng được chống lên bằng 2 cây gỗ ở hai bên, mà lễ hằng ngày cũng chỉ lèo tèo vài chục ông già bà cả, còn đâu họ họ phải tập trung để kiếm cái ăn .
Thiếu nhi ở đây không có thói quen đi lễ hằng ngày, kêu gọi chúng đến nhà thờ cũng là một vấn đề, cha phải cố gắng thành lập đoàn thiếu nhi cho ra hồn – Cha tự nhủ.
Trung thu năm đó cha mua một bộ trống lân, đích thân cha làm lân múa vung vẩy khắp xóm, ngõ, từ chiều cho đến xẩm tối. Theo sau cha là một đoàn con nít reo hò nhảy múa, cha phát bánh kẹo và dặn dò các em chịu khó đi lễ. Cha xin sách truyện cũ về mở thư viện, rồi mua thêm truyện các Thánh, thành lập đội thể thao bóng chuyền, ping-pong, bóng đá …
Thiếu nhi lại gần cha hơn và gần Chúa hơn.
Giáo xứ ngày càng phát triển hơn cha xin phép Đức Cha để xây dựng nhà thờ. Còn đang khó khăn về việc cấp giấy phép của chính quyền thì đùng một cái cơn bão Cartina năm 2006 đánh vào thị xã, những cơn gió hung hãn chưa từng có. Nó hất tung mọi thứ trên đường nó đi qua, nó bốc cả những tảng đá nặng cả tấn từ trên núi mà ném xuống như ta ném một viên gạch nhỏ. Hàng trăm nhà dân bị tốc mái, tôn bay tứ phía. Nhà thờ bị sập hoàn toàn chỉ còn trơ lại tháp chuông bằng gỗ không hiểu sao nó vẫn còn ,nhưng lạ lùng hơn nũa tòa chầu vẫn còn nguyên, mình Thánh được che bởi một tấm tôn phủ lên đó.Vậy là ý Chúa đã Thánh Hóa cho việc khởi sự, chẳng cần phải xin xỏ lâu giấy phép cũng được cấp.
Những ngày mưa bão, nhiều nhà giáo dân cũng tan hoang họ chạy đến nhà xứ cầu cứu , giáo xứ đã nghèo nay càng thê thảm hơn. Cha tất tả về Sài Gòn xin cứu trợ từ các cộng đoàn, anh em và thân hữu .
Các anh em cha cũng quyên góp 1 xe gạo chở ra, Ân ở lại phụ mọi người phát gạo và mì gói. Cha huy động thanh niên trai tráng dựng lều tạm cho người già và trẻ em, số thì về tìm lại trong đống đổ nát những thứ còn giá trị và xử dụng được đem về chất trong góc sân nhà xứ chờ sau bão sẽ tính.
Cha cứ tất bật giữa đám con chiên quên cả ăn, ngủ, bỗng trong lúc đó một người đàn ông hớt hãi chạy vào, dáng ông gầy gò, mặt đen sạm vì gió biển, ông mếu máo :
- Cha ơi ! vợ con sanh đôi mà bây giờ bệnh viện bị cúp điện. Họ chuyển vợ con lên bv Từ Dũ nhưng con không có tiền.
Cha lục túi còn 2 triệu, cha dúi vào tay người đàn ông.
- Hãy mang vợ anh đi ngay. Quay sang cô em gái còn đứng bên cạnh cha nói:
- Giao cho em việc này giúp anh nhé!
Hai tuần sau công việc tạm ổn, cha trở về nhà. Nhìn cha đen sạm và gầy hẳn đi, cha mang về một con mực tươi to hơn cả ký lô. Cha phone cho Ân – cô đã lấy chồng nhưng ở gần nhà bố mẹ.
- Ân ơi , em có quà này .
Khi Ân đến cha liền kể cho cô nghe “sự tích” con mực.
- Em biết mực này ở đâu không ?
- Anh mua hả ?- Ân hỏi
- Không ! Em có nhớ người đàn ông hôm bão có vợ sanh đôi không ?
- À! - Cô nhớ ra
Hôm đó cô đã đi cùng vợ chồng anh ta lên Bệnh viện Từ Dũ – vì cô có người bạn học làm bác sĩ ở đó – sau khi chị ta vào phòng sanh cô mới yên trí về.
- Họ sanh đôi trai hay gái – cô hỏi cha.
- Hai anh con trai. Hôm qua, anh đang lần hạt ngoài sân, anh ta tới sau lưng làm anh giật mình, mực này anh ta mới câu được hồi sáng sớm. Anh không nhận nhưng anh ta năn nì mãi nên đành nhận cho họ vui lòng.
Chương trình xây nhà thờ bắt đầu khởi công, dân xứ nhiệt tình ai có của thì góp của. Ai có công thì góp công. Cha vừa là kỹ sư thiết kế mỹ thuật vừa là kỹ sư giám sát công trình. Trong quá trình xây dựng đã xảy ra một sự cố mà cha tin Chắc Chúa đã nâng đỡ và phù hộ cho cha và giáo xứ.
Hôm đó một số thợ và giáo dân đóng giàn giáo để ngày mai sẽ đổ bê tông cột tháp chuông. Anh Bảo là một giáo dân nhiệt tình và hăng say trong công việc của nhà thờ, vợ chồng anh có hai đứa con, đứa lớp 5 đứa lớp 7. Vợ anh sốt sắng lắm, cứ sáng sớm ăn uống và cho con đi học xong là chị lại giục chồng:
- Anh ra nhà thờ đi, công việc nhà em lo cho.
Được vợ như thế thì chẳng còn gì bằng, anh uống vội cốc nước rồi quơ cái nón đi ngay.
Trời hôm nay đứng gió. Anh leo lên giàn giáo để đóng những đòn tay, thanh chắn. Mai thợ bắt đầu đổ bê tông rồi, cha xứ nói với theo.
- Cẩn thận trên cao nhé!
- Vâng - Anh đáp mà không quay đầu lại.
Đóng xong cái đinh cuối, anh quay người địng leo xuống thì một cơn gió mạnh xốc tới. Tay anh chưa kịp bám vào thanh cây trước mặt thì cơn gió quái ác bỗng đảo chiều, anh trượt tay. Cả người anh rơi tự do xuống 30m cách mặt đất, anh chỉ kịp kêu to “Chúa ơi” rồi không còn biết sự gì.
Nghe tiếng “bịch” thật lớn, những người làm xung quanh hô to:
- Anh Bảo ngã dàn giáo rồi …
Cha xứ bủn rủn cả người. Điều đầu tiên cha gọi xe ngay để kíp đưa anh Bảo đi bệnh viện. Sau đó cha lại gần để kiểm tra nạn nhân. Đầu không chảy máu, tay chân không bị gẫy – Cha thật ngạc nhiên – Cha nhìn xuống. Ồ bãi cát! Anh ta rơi ngay đống cát mới đổ tối hôm qua ,bên cạnh tượng Thánh Cả Giuse.
Lạy Chúa! Cảm tạ Chúa và Thánh Cả Giuse đã nâng đỡ chúng con trong cánh tay Người – Cha thầm cầu nguyện.
Tiếng xe tới bóp còi inh ỏi, mọi người xúm vào đưa anh Bảo lên xe.
Hai ngày sau anh được xuất viện. Kết quả xét nghiệm não, và tay chân cho thấy anh không sao, chỉ bị nứt xương cánh tay. Cả giáo xứ chiều hôm đó đã dâng lễ thật sốt sắng để tạ ơn Chúa, và Thánh Cả Giuse cũng được chọn làm quan thày cho giáo xứ. Anh Bảo sau này là một nhân chứng sống động cho tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa .
Trong lúc việc xây dựng nhà thờ vẫn còn đang thi công, thì việc giúp các em thiếu nhi có điều kiện để đến trường cũng là điều quan trọng không kém, vì lực lượng thanh thiếu niên sau này chính là nhân tố giúp giáo xứ và giáo hội phát triển. Nếu không xây dựng tri thức thì dù xây nhà thờ có đẹp cũng chỉ là bề nổi bên ngoài mà thôi.
Điều cha trăn trở nhất là làm sao gây được một quỹ khuyến học mà dòng tiền không phải nhờ tài trợ mới có. Trẻ em thì đông mà tiền thì có giới hạn, không thể cứ mãi đi xin. Mà cho dù có xin cũng chỉ được một lần chứ có ai cho mãi .
Mãi suy nghĩ khô cả cổ, cha với lấy cái ly uống miếng nước. Bình nước hết sạch, cha hỏi ông trùm Đẩu – phụ trách trực nhà xứ hôm nay.
- Ông Đẩu ơi, chưa có nước à?
- Con có kêu rồi nhưng họ bảo phải chờ vì chưa có - ông làu bàu – 12000$ một bình chứ có rẻ đâu, mà mỗi lần mua phải 2-3 bình thì họ mới chở.
Nước! Nó không bao giờ hết nếu ta biết cách khơi nguồn. Ý tưởng lóe lên trong đầu và cha đã có cách. Thế là chương trình làm nhà máy nước đóng bình hình thành, với vốn đầu tư từ 100 triệu do Việt Kiều hỗ trợ cho chương trình khuyến học. Cha nhẩm tính, mình chỉ cần bán 6000$ một bình – ai mua phải tự chuyên chở. Một ngày bán khoảng 100 bình thôi thì chỉ 1 năm sau nhà máy sẽ gỡ vốn còn giáo xứ sẽ có một quỹ khuyến học không bao giờ cạn. Nó sẽ là đòn bẩy giúp các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường .
Tối nay lớp giáo lý viên sinh hoạt đầu tháng, cha không thấy cái Vân đâu. Cha thắc mắc hỏi. Cái Lan bạn thân của nó thao thao kể:
- Bố nó bị đụng xe nặng lắm phải nằm bệnh viện. Mẹ nó bắt nghỉ học để ở nhà phơi cá . Nó buồn nên cứ ở nhà khóc hoài. Tụi con có đến nhà rủ nhưng nó nhất định không đi.
- Sao các con không cho cha biết sớm – Cha bực mình – Dẫn cha tới nhà cái Vân nào.
Vân là một giáo lý viên rất năng động, ngoài ra ở trường nó cũng là học sinh thuộc loại giỏi. Bà mẹ cái Vân dáng gầy gò đen như thanh củi vì suốt ngày phơi cá ngoài nắng, thấy cha xứ tới bà đon đả chào:
- Con mời cha vào nhà.
- Cái Vân đâu? –cha hỏi
- Vâ..n ơi! – bà cao giọng gọi – có cha xứ kiếm này.
Cái Vân đầu đội nón lá, quần xắn tới đầu gối. Nó dạ to chạy vào.
- Sao con không đi học? Lại còn nghỉ cả lớp huấn luyện GLV nữa?
Nó cúi đầu không đáp, mẹ nó ái ngại.
- Nhà bấn quá cha ạ! Con cũng chả muốn đâu, thôi thì con gái học đến đấy cũng đủ rồi… Vả lại con cũng không có tiền cho nó học tiếp.
- Chuyện tiền đóng học và sách vở bà không phải lo cứ cho nó đi học đi.
Quay sang Vân cha nói :
- Ngày mai trở lại trường học nhé!
- Nhưng… con nghỉ học cả mấy tuần nay rồi. Sợ nhà trường không cho học nữa.
- Không phải lo cứ đi với cha.
Trước khi về, cha dúi vào tay mẹ Vân một phong bì.
- Bà cầm lấy mà phụ tiền thuốc cho ông nhà.
Sáng sớm, cha chở cái Vân đến trường, vào phòng thầy hiệu trưởng. Ông ta người gốc Quảng Nam, năm nay là năm cuối ông còn lảm việc, sang năm là ông về hưu rồi. Thấy một linh mục dắt đứa học trò vào, ông vẫn ngồi im ở bàn hỏi:
- Có chuyện gì vậy linh mục?
- Tôi muốn xin cho cháu này được tiếp tục học.
- E … Hem – ông hắng giọng – theo nội quy nhà trường …. Ông diễn giải.
- Nếu ông cho cháu học tiếp tôi sẽ tài trợ nước miễn phí cho nhà trường – Cha nhanh gọn và dứt khoát –
- Nước ư? Hàng năm nhà trường tốn không ít tiền vào khoản này, mà đấy là cho giáo viên chứ không nói đến toàn trường. Việc này nghĩ tới mình có lợi nhiều hơn mà còn được tiếng trước khi về hưu. Vả lại đầu năm đã vào chương trình chính thức đâu, mới đang ôn tập thôi mà – ông hiệu trưởng suy nghĩ trước khi trả lời cha.
- Vâng được, chúng tôi sẵn sàng đón các em học sinh tích cực học tập – ông trả lời sau khi đã tính toán thiệt hơn.
Quỹ khuyến học luôn hoạt động tích cực góp phần nâng cao tri thức cho giới trẻ, và cũng đỡ cho các gia đình giáo dân trong xứ rất nhiều.
Đất lành chim đậu, giáo dân ngày một đông thêm, nên cha tính toán phải mua thêm đất sau này có điều kiện sẽ phát triển thêm về nhiều mặt.
Cha cũng có khiếu thẩm mỹ rất tuyệt vời. Khi cổng nhà thờ còn đang xây, một buổi chiều đi dạo thư giãn trên bãi biển, bước chân trần, cha đạp lên những viên cuội nhỏ, viên thì tròn, viên thì ô van, có viên màu trắng toát, có viên màu ngà, lâu lâu lại có lẫn vài viên cuội đen. Cha xếp chúng thành hình tròn và bỗng nhiên một ý tưởng hình thành. Ngày hôm sau cha huy động các em thiếu nhi ra bải biển nhặt thật nhiều đá cuội, tự tay cha trét xi măng kết những viên đá cuội thành chuỗi Mân Côi.
Hai bên cổng nhà thờ. Những tảng đá lớn hôm bão văng trên núi xuống, có tảng rơi vào nhà dân có tảng rơi chắn cả lối đi trong xóm, cha đem về sân nhà thờ đặt cạnh tượng đài Chúa Ki Tô Vua, Tượng Đức mẹ mân côi và thánh cả Giuse, làm khuôn viên thánh đường trở nên một hoa viên đẹp trang trọng và tôn nghiêm.
Trong tay cha đá núi, đá biển đều biến nên vẻ đẹp ca tụng thiên Chúa và là chuỗi Mân Côi dâng Đức Mẹ. Sau sáu năm thi công, công trình nhà thờ và nhà mục vụ được hoàn tất. Giáo xứ đã có thêm cha phó. Mọi người cùng hân hoan chuẩn bị cho ngày khánh thành nhà thờ.
Nhưng sau vinh quang là đau khổ của thập giá! Thiên Chúa đã gửi cho cha chén đắng mà cha không thể chối từ.
Suốt một tháng nay cha cứ đau đầu mãi. Khi uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi thì cũng đỡ được một chút, nhưng cha phải cố gắng hoàn tất nốt các công trình phụ còn dở dang, cha định bụng sau khi khánh thành xong cha sẽ nghỉ ngơi an dưỡng một tháng cho khỏe.
Ngày lễ khánh thành tới, cả cha xứ và giáo dân cùng vui mừng rộn rã. Với ngôi thánh đường lát gạch phủ suốt màu kem nhạt, có cả hành lang lên xuống dành cho người khuyết tật. Với khuôn viên nhà thờ rộng rãi nhiều cây xanh, cây kiểng, với hang đá mộ đài như một ngọn đồi nhỏ trong sân giáo đường, tượng Mẹ Maria chắp tay như cầu nguyện cho cả giáo xứ người còn sống cũng kẻ qua đời. Bên hông nhà thờ là nhà mục vụ khang trang rộng rãi sức chứa khoảng 200 người ăn uống và sinh hoạt. Cuối dãy là khu vệ sinh và phòng tắm sạch sẽ thoáng mát. Ai cũng hãnh diện vì đây là công sức không của riêng cha xứ mà là do biết bao công lao của rất nhiều người mới có.
Lòng thư thái nhẹ nhõm vì công việc kéo dài cả mấy năm nay đã xong, cha đi bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ và cũng khám luôn những nguyên nhân cơn đau đầu do đâu mà ra.
Sau tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả tốt duy chỉ có phim chụp MRI.
Não là có vấn đề nghiêm trọng. Cha bị u não, u ác tính, đã có dấu hiệu di căn! Cầm tấm phim chụp trong tay cha bàng hoàng không tin, và không muốn tin.
- Mình đã bị u não ư? – Cha tự hỏi – Tại sao? Nó có từ bao giờ sao mình không hề có cảm giác …
Cha xao xuyến trong lòng. Ngài cảm thấy hụt hẫng quá. Còn biết bao dự tính trước mắt thế mà … Bây giờ cha chẳng biết làm gì, chân tay rã rời bủn rủn.
Tối nay, nhà thờ đã đóng cửa, chỉ còn một mình cha quỳ gối nhìn lên thánh giá.
- Lạy Chúa! Đây có phải là sự thật không? Nếu phải thì thánh giá này thật quá sức con. Nếu có thể được xin cất chén đắng này cho con. Nước mắt cha rơi xuống, ngài cảm thấy mình thật yếu đuối.
Cha lên thành phố, nhờ anh trai mình hiện làm bác sĩ tại bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra lại một lần nữa.
Bác sĩ Phúc là BS trưởng khoa xét nghiệm – người anh thứ hai của Cha – ông vẫn sống độc thân. Suốt thời gian ông chỉ dành cho bệnh nhân và giảng dạy cho sinh viên. Ông từng tổ chức những cuộc khám từ thiện về giúp giáo xứ của cha, mổ hàm ếch cho các em nhỏ dị tật bẩm sinh, khám chữa mắt cho các cụ già, làm tay chân giả cho người tàn tật.
Cầm phim chụp MRI của em ông trong tay – kết quả vẫn không thay đổi – ông nhận ra ngay tình hình. Đây là khối u đồi thị, nó nằm ngay trên hốc mắt, chèn lên dây thần kinh thị giác. Nó là loại u hiểm hóc và bất trị nhất.
- Chú bị đau đầu bao lâu rồi?
- Em cũng mới bị đau khoảng 2 tháng nay thôi, nhưng em nghĩ trước kia em cũng bị viêm xoang nên em cứ uống thuốc viêm xoang, thì cũng đỡ nhưng không dứt, và các cơn đau sau này càng dầy hơn. Nhưng theo anh thì tình hình của em thế nào rồi ? Anh cứ thẳng thắn em đã chuẩn bị để đón nhận tất cả.
- Thật ra … nếu đã di căn rồi thì … mọi sự chúng ta đều phó thác trong tay Chúa. Khoa học không thể làm gì hơn – ông nói mà giọng nghèn nghẹn.
- Vậy em còn bao nhiêu thời gian?
- Từ 4- 6 tuần … Nhưng chú cần nhập viện ngay để xem có phương án nào tối ưu hơn.
- Em có cách tính của em – cha ngắt lời – anh đừng cho bố mẹ và các anh em biết.
Ngay cả giáo xứ cũng không một ai hay biết, nhưng biểu hiện của cha ngày một trầm trọng. Ngài thay kính liên tục, khối u đã làm cho mắt cha ngày càng mờ đi, giọng nói cũng bị líu lại khi cha giảng, giáo dân sốt ruột họ cứ đề nghị cha nghỉ ngơi và khám bịnh nhưng cha cứ ầm ừ cho qua.
Mình còn thời gian bao lâu? Cha luôn tự hỏi và chạy đua với tử thần. Ngài tính toán tất cả sổ sách, thanh toán tiền còn thiếu với các nhà thầu trong công trình nhà thờ, ủy quyền đất đai cho cha phó, đi thăm hỏi giáo dân và những ân nhân, về gia đình thăm lại cha mẹ và các anh em. Ai cha cũng ôm vai thật chặt vì biết mình không còn cơ hội này lần nữa.
Sau cùng là soạn thảo tờ di chúc. Thật ra Cha đã là người của Chúa nên tài sản cũng chẳng có gì, chỉ có trái tim cha luôn nghĩ tới mọi người mà thôi.
Xong các việc, cha bình tĩnh cầu nguyện và chờ đợi… Ngài lần chuỗi Mân Côi liên tục, tiếp tục công việc mục vụ cử hành thánh lễ, giải tội – vì gần Giáng sinh nên giáo dân xưng tội đông hơn.
Bác sĩ Phúc sau giờ làm việc tại bệnh viện, ông lên mạng tìm hiểu và nghiên cứu vị trí khối u của em ông để tìm cách hóa giải nó. Ông không muốn bó tay khi chưa làm hết sức. Ông liên tục gọi điện cho cha:
- Thiện sao rồi?
- Em ổn.
- Hãy nhập viện. Anh đang nghiên cứu cách khống chế nó.
- Vâng để em thu xếp.
Nhưng 1 tuần, rồi 2 tuần, em ông không hề có ý định nhập viện. Ông cay đắng khi nghĩ mình phải bó tay. Ông liên lạc email với các bác sĩ bạn ông ở bên Pháp, khi ông đi du học 6 năm bên đó.
- Khối u đó bất trị, - họ trả lời sau khi xem phim chụp MRI ông gửi qua.
- Nếu quyết định mổ?
- Sẽ liệt, không nhìn thấy và kết quả sau cùng vẫn là cái chết… Đó là những điều sẽ xảy ra.
- Lạy Chúa! Em trai tôi – ông gục đầu trên bàn làm việc người ông rung lên nức nở.
Và ông quyết định nhấc điện thoại thông báo đến các anh em.
Nhận được tin, ai cũng sửng sốt.
Ân hỏi lại anh mình tưởng có sự nhầm lẫn:
- Anh Thiện mới về thăm nhà tuần tước. Em thấy anh ấy vẫn khỏe mạnh bình thường mà?
- Ừ, nhưng thực ra… đã ở giai đoạn cuối rồi. Em báo cho các anh em ở xa để chuẩn bị. Riêng bố mẹ thì từ từ để anh thu xếp – vì ông biết các cụ đang có vấn đề về huyết áp, nếu không khéo thì… lại thêm chuyện còn lo hơn.
Ngày hôm sau Ân có mặt tại giáo xứ của anh mình. Cha ngạc nhiên thấy cô ra mà không báo trước, cha cười vui vẻ như chẳng có chuyện gì:
- Sao rảnh vậy mà ra đây chơi? Chồng em đâu? Ở lại đây ăn cơm với anh nhé!
- Sao anh không lên bệnh viện? Ân hỏi thẳng.
- Em biết rồi hả?
- Vâng! Anh Phúc phone cho em.
- Nhập viện rồi bác sỹ sẽ làm gì được? Mổ ư? Xạ trị - Hóa trị? Tất cả những thứ đó liệu có cứu anh khỏi cái chết không? Sống chết là trong tay Chúa con người không thể cưỡng được. Nếu ý Chúa muốn, anh sẵn lòng xin vâng. Còn bây giờ nếu có phẫu thuật dù có kéo dài mạng sống anh thêm ít lâu nữa, nhưng anh phải nằm liệt, ngơ ngơ ngẩn ngẩn thì anh sống chẳng còn ý nghĩa gì. Đời LM là dấn thân và phục vụ chứ không phải để mọi người phải phục vụ anh, cho dẫu là anh bị bệnh đi chăng nữa. Hãy tôn trọng quyết định của anh.
Lời cha nói thật rõ ràng và kiên quyết. Hôm đó hai anh em nói chuyện thật nhiều và thật lâu - vì cha biết rằng chẳng bao lâu nữa mình sẽ không còn cơ hội này – Cha tặng cô cặp kính lão:
- Em cầm về dùng. Anh không cần kính nữa rồi.
Tình trạng sức khỏe cha ngày một xấu đi và cuối cùng chuyện phải xảy đến đã đến.
Sáng nay tới giờ cử hành thánh lễ, cha cảm thấy đầu óc choáng váng. Cha không thể giữ được trọng tâm, tựa lưng vào tủ áo một lúc sau cha mới đi được. Sách lễ mở ra, ngài giơ tay.
- Chúa ở cùng anh chị em.
- Và ở cùng cha.
Cha định nói lời chia sẻ thì một cơn đau đột ngột bóp chặt đầu cha. Lưỡi cha cứng lại… và ngài gục trên bàn thờ.
Giáo dân xôn xao hoảng hốt. Họ vội kêu xe cho cha đi bệnh viện.
Bác sĩ Phúc đón em ông tại phòng cấp cứu. Cha đã tỉnh lại. Hai anh em nắm lấy tay nhau như để thêm nghị lực và lòng tin. Còn tay kia, cô Ân nhét vào tay cha tượng Đức Mân Côi nhỏ xíu, tượng này cô được một người bạn mang từ bên Lộ Đức về tặng - và cha đã nắm chặt trong tay không rời.
Chỉ sau bốn ngày nhập viện, cha rơi vào hôn mê. Khối u đã quá to, nó chèn lên các mô thần kinh khiến cha bị liệt nửa người, miệng không nói được, mắt bên trái cũng chẳng còn nhìn được nữa. Các bác sĩ tích cực tìm mọi phương án để giữ lại mạng sống cho cha mặc dù họ biết điều đó là không thể.
Các anh em cha hay tin vội lên bệnh viện có ba người ở nước ngoài cũng lập tức bay về. Họ tập trung tại phòng BS Phúc:
- Sao anh không báo cho em biết sớm hơn – Cô út ấm ức vừa nói vừa khóc.
- Sao chú không tìm cách đưa chú ấy qua Singapo chữa trị. Kinh phí mọi người sẽ yểm trợ - anh cả Vinh nóng nảy hỏi.
Bác Sĩ Phúc điềm tĩnh, giải thích rõ ràng về căn bệnh của cha. Đồng thời nói rõ quan điểm và sự cương quyết của cha ngay từ lúc đầu.
-Và bây giờ anh em chúng ta chỉ biết làm hết sức những gì có thể. Đồng thời cầu nguyện thật nhiều cho người anh em này.
Cả giáo xứ xôn xao ngỡ ngàng khi hay tin cha bị lâm bịnh hiểm nghèo. Tội nghiệp cha quá! Họ góp tiền, họ thuê xe nườm nượp kéo tới bệnh viện thăm cha xứ bất chấp lời khuyên của cha phó. Những người còn lại thì hỏi thăm tin tức cha hằng ngày.
Sáng nay cha phó đang tất bật chuẩn bị Mình Thánh, dầu Thánh cho cha xứ, vì sợ ngài ra đi bất cứ khi nào. Bà cụ Khoan lẫm chẫm chống gậy bước vào.
- Con chào cha.
- Bà cụ đi đâu đây?
Bà cụ già trên tám chục rồi. Hai anh con trai bà đi biển chẳng may chết cả trong trận bão năm nào, bỏ lại bà và mấy đứa cháu nội, hai đứa con dâu. Đứa thì bỏ con theo người đàn ông khác, đứa kia thì gánh mực gánh cua bán rong trên bãi biển hằng ngày cho khách du lịch. Cha xứ thương hoàn cảnh bà tháng nào cũng giúp đỡ bà chút tiền gạo nước và cho các cháu bà đi học. Không có cha chắc chúng cũng cả đời mò cua bắt ốc chứ không có cơ hội đến trường. Mấy năm trước bà bị cườm mắt, cha đã nhờ bác sĩ khám và mổ mắt miễn phí cho bà, cứ như bà thì chắc chịu cảnh mù lòa chứ làm gì có tiền mà mổ.
- Cha ơi! - bà rưng rưng nước mắt - tay móc trong cổ ra một sợi dây dù, có treo một túi vải nhỏ, bà lấy trong túi vải ra một chiếc nhẫn vàng – Đây là tiền con dành mua quan tài nhưng nay cha xứ đau nặng con muốn cho cha mượn để cứu cha xứ trước đã.
- Bà cất đi, chúng con có tiền rồi – cha phó cảm động – rồi cha nhét cái nhẫn vào túi nhỏ, đeo lại vào cổ cho bà – bà cứ về cầu nguyện nhiều cho cha xứ nhé!
- Vâng ...
Bà nhìn theo cha phó vội vàng đeo ba lô lên vai phóng xe đi.
- Cầu xin Chúa cứu lấy cha xứ của chúng con – bà rưng rưng nước mắt.
Cha tỉnh lại. Mình đang ở đâu nhỉ? Mình đã chết chưa? Rồi cha lờ mờ nhìn thấy bằng con mắt còn lại, ông trùm Cường, thày Thịnh – thầy xứ mới, các ông trong ban hành giáo … Mắt cha sáng lên khi thấy cha phó đem Mình Thánh đến cho ngài.
- Lạy Chúa xin giúp con chịu đựng con phó thác mọi sự trong tay Người. Xin cứu con trong giờ lâm tử. - cha cầu nguyện thầm trong lòng.
Đã ba tuần lễ cha nằm viện, các cơn đau khủng khiếp tấn công cha liên tục. Chúng như những cây đinh đóng phập vào đầu cha. Nó như muốn xé nát đầu cha. Morphine cũng chẳng còn tác dụng gì, tử thần xâu xé và dằn vặt cha bằng những cơn đau, cha không nói được nên ngài chỉ biết gồng mình lên khi cơn đau kéo đến.
- Kính mừng, kính mừng … cha thầm đọc kinh, nhưng cha không thể nhớ nổi câu kinh tiếp theo là gì nữa tuy thế tay cha vẫn còn nắm chặt tượng Đức Mẹ Mân Côi.
Hôm nay những cơn đau dịu dần , cha cảm thầy đầu mình nhẹ hẳn, cha mở mắt – Ô! bố mẹ, có cả các anh em đông đủ đang ở quanh cha.
- Có nhận ra bố không? – ông cố, cố nén nước mắt hỏi.
- Vâng – cha chớp mắt, đó là tín hiệu của cha.
- Anh Thiện ơi! Út Quý nè! - cô Út chen lên. Cô ở Úc về đã ba tuần nay.
- Anh biết rồi – chớp mắt.
Phú cất tiếng: - Anh còn đau nhiều không? Em xoa bóp cho anh nhé!
- Ừ! Anh cám ơn – chớp mắt.
Cậu em này nó giống mình nhất đây cứ như bản sao vậy. Có lần nó lên chơi, giáo dân cứ tưởng cha xứ vô xin lễ, nó cười gọi cha ra người ta mới biết là em cha.
Phía sau người nhà là một số nghĩa đệ. Đây là những người trong đội lễ sinh mà cha thành lập từ ngày cha còn làm thầy xứ. Họ toàn là những thanh thiếu niên ngoan hiền và có nguyện vọng dâng mình cho Chúa. Họ được cha trui rèn đức tin và nhân cách, cha còn luyện cho họ viết chữ rất đẹp vì vậy sau này ai nhìn nét chữ của họ cũng đoán được cha chính là “sư phụ”. Và kết quả một nửa trong số họ đã thụ phong linh mục. Họ tiến tới nắm tay cha và an ủi ngài. Cha thật sự xúc động, nước mắt rơi trên gối.
- Tạ ơn Chúa đã cho con có cơ hội gặp gỡ mọi người trước khi con về với Cha.
Mọi người thấy cha tỉnh táo ai cũng vui mừng và cùng cầu nguyện với lòng thương xót Chúa. Họ hy vọng cha sẽ phục hồi để mọi người có thể vỗ tay reo mừng “Chúa đã chiến thắng tử thần". Nhưng Chúa đã có ý định của Ngài.
Tối nay mọi người về hết chỉ còn hai người trong giáo xứ ở lại trông bệnh nhân. Cô Ân ở lại với anh mình mặc dù mọi người khuyên cô về nghỉ ngơi, từ ngày anh cô nằm viện tới nay không ngày nào cô vắng mặt bên cạnh. Gió ngoài trời se lạnh. Cô kéo tấm chăn đắp cho cha, tay cô nắm lấy tay cha, cô nhắc cha những chuyện ngày anh em cô còn nhỏ, nhắc cha nhớ tiếng sáo chiều cha thổi thật du dương.
- Ngày mai là ngày kỷ niệm mười ba năm thụ phong LM, anh nhớ không?
- Nhớ chứ! - chớp mắt.
- Cha phó sẽ dâng lễ, và mọi người sẽ cùng cầu nguyện cho anh.
- Ừm! – cha muốn nói với em mình nhiều lắm nhưng cha không thể. Nhìn cô mắt sưng húp vì khóc nhiều, cha bóp tay cô thật chặt.
- Anh em chúng ta sẽ gặp nhau trên nước trời – nhưng cô không hiểu được lời chia sẻ ấy.
Cô mong mỏi ngày mai, ngày mai… Mười ba năm trong chiếc áo dòng, mười ba năm trong đời linh mục cha luôn dấn thân vì mọi người, chưa bao giờ vì mình. Và cô cứ hy vọng…
Cha lơ mơ lơ mơ. Cha thấy người mình nhẹ hẫng. Trước mắt cha là con dường sâu hun hút, và một lực hút cứ kéo cha vào, cha nhẹ nhàng đi như bay bổng. Một ánh sáng cuối đường chợt sáng lên, một bàn tay, một tà áo cứ vẫy gọi phất phơ trước mắt… Cha nhẹ nhàng bước theo vào một vùng đất mới. Ngoài kia chuông nhà thờ ngân nga. Giờ lễ sáng bắt đầu, tay cha vẫn nắm chặt tượng mẹ Mân Côi.
Cô thấy anh mình tỉnh táo lạ thường, anh đứng trước mặt cô cười nói – từ hôm cha bị bệnh tới giờ cô mới thấy lại nụ cười quen thuộc của cha.
- Từ ngày mai em không cần đến thăm anh nữa đâu.
Chưa kịp nói gì cha đã đi rồi. Tiếng người xôn xao, tiếng cầu kinh, tiếng khóc… Tất cả những âm thanh đó đã đánh thức cô. Bừng tỉnh, cô chạy vội vào phòng cha. Anh cô đã lìa trần! Ngày mai em không cần đến thăm anh nữa đâu… Lạy Chúa! hôm nay là ngày thụ phong linh mục của cha. Cô gục người khóc bên xác cha.
Linh cữu cha được đưa về giáo xứ. Từng đoàn người tấp nập viếng xác. Giáo xứ buồn rũ vì mất vị cha xứ thân yêu. Cờ tang phủ khắp chung quanh giáo đường, giáo dân ai cũng đeo tang trắng xóa.
Ngày lễ an táng, Đức cha và hàng trăm linh mục trong giáo phận cùng các linh mục bạn bè, linh mục nghĩa đệ cùng cử hành thánh lễ. Giáo dân trong xứ và các nơi kéo đến chật kín cả sân Thánh Đường.
Trong thánh lễ cha quản hạt trang trọng đọc chúc thư của cha xứ để lại:
- Nếu tôi có điều gì có lỗi với anh em, thì xin anh em hãy tha thứ cho tôi.
- Nếu ai có mắc lỗi với tôi, thì xin hãy làm một việc nào đó giúp đỡ người nghèo.
- Còn chiếc xe Future (Honda) là tài sản của cá nhân tôi, xin bán đi giúp cho người nghèo trong xứ.
- Xin các anh em đừng khóc thương tôi, nếu có nhớ đến tôi xin hãy làm điều gì đó cho người nghèo.
- Xin Đức Cha hãy cho phép con được hỏa táng và hài cốt được để trong nhà mộ đài giữa các giáo dân.
Lạy Chúa! Cả nhà thờ cùng xúc động thổn thức. Đức Cha nghẹn ngào. Các linh mục anh em lau nước mắt, giáo dân sụt sịt khóc, ca đoàn vừa hát, vừa khóc.
Ân ngồi ôm chặt cặp kính vào lòng. Kỷ vật duy nhất anh cô để lại cho cô – em mang về dùng, từ nay anh không cần xử dụng nữa …Nước mắt cứ thế tuôn.
Ông bà cố buồn không nhấc nổi người. Ai cũng lo sợ vì ông bà tuổi cao sức yếu lại đang bị huyết áp.
- Thế là hoa thơm Chúa lại cất về rồi – ông cố rấm rức bên thi hài người con yêu quý.
- Sao Chúa chẳng để con ra đi mà lại để con phải cảnh lá vàng khóc tiễn lá xanh.
Thi hài cha không hỏa táng. Toàn thể giáo dân và Đức Cha đều thống nhất điều này. Và nơi ngài yên nghỉ là trong khuôn viên thánh đường ngay dưới chân tượng đài thánh cả Giuse quan thầy giáo xứ và cũng là quan thầy của cha. Cả giáo xứ hằng ngày sau giờ lễ họ lại ra viếng mộ cha và tiếng cầu kinh vang lên sốt sắng.
Thắm thoát 1 năm trôi qua, gia đình ông bà cố cùng giáo xứ kết hợp tổ chức lễ giỗ cho cha. Lời di chúc của cha trỗi lên mạnh mẽ, anh em, bạn bè thân hữu trong nước cũng như hải ngoại, dân xứ… người có nhiều người có ít, họ đều chung tay “làm một điều gì đó cho người nghèo”. Cha đã biến nỗi buồn của sự thương nhớ trở thành nụ cười và niềm vui cho người đau khổ nghèo nàn.
Nắng chiều nhạt nhòa dần trên đỉnh tháp chuông. Bác sĩ Phúc và cô Ân ra viếng mộ cha lần cuối. Cả hai ngạc nhiên khi thấy một số người vẫn còn đứng đầy. Một soeur mặc áo dòng màu xám, một gia đình nhỏ có hai đứa con trai, một bà cụ già tay chống gậy ngồi ở cái ghế nhỏ cạnh đó, xung quanh có mấy đứa nhóc lớn có, bé có. Họ đang sốt sắng đọc kinh, thấy vậy hai người đến và đọc kinh cùng họ.
Đọc kinh xong soeur trẻ lên tiếng:
- Xin chào bác sĩ và cô, con là Vân người mà cha xứ đã bảo bọc cho con ăn học. Con chưa kịp khấn trọn thì cha bố đã đi rồi.
- Dì ơi! nữa lớn con cũng đi tu – hai đứa bé trai lau tau xen vào nên mẹ nó lôi lại.
- Con không được hỗn dì đang nói chuyện với khách.
Ân nhìn lại. Ô! Chúng là hai đứa bé sinh đôi trong giông bão năm nào đây mà. Bà cụ Khoan chống gậy cố đứng lên, soeur vội đỡ lấy tay bà:
- Bác sĩ ơi sao lại để cha xứ bệnh nặng thế ? Cha xứ tốt bụng lắm … - rồi bà lại lấy tay lau nước mắt.
Cô Ân cảm động ôm bà vỗ về:
- Bà ơi bây giờ cha sẽ luôn nhớ và cầu nguyện cho chúng ta.
Trời đã tối, gió biển mang theo hơi lạnh của những ngày cuối năm. Hai anh em vẫn nấn ná bên mộ cha trước khi trở về thành phố. Bác sĩ Phúc nói nhỏ:
- Thế là hạt giống em gieo đã ươm mầm rồi nhé ! “Hãy làm gì đó cho người nghèo” – Vâng, chắc chắn chúng tôi sẽ làm thế.
Cô Ân đặt tay lên phiến đá nhìn hình anh mình. Hình như cha đang mỉm cười với cô.
Hoa thơm Chúa cất về trời
Để bao thương nhớ cho người trần gian
Tiếng chuông chiều vọng ngân nga
Lời kinh dẫn lối theo cha về trời …