Đó là chốn vốn không dành cho trẻ, nhưng vì những lý do khác nhau, một số em phải có mặt ở nơi đây…
Chỗ tôi làm việc đối diện với toà án quận. Đứng từ ban công nhìn sang khoảng sân trước toà, tôi có dịp chứng kiến biết bao cung bậc cảm xúc của cuộc đời. Nhưng điều làm tôi nghĩ ngợi nhiều nhất vẫn là hình ảnh những đứa trẻ bơ vơ, lạc loài ở chốn không hề dành cho chúng.
Làm sau không đau khi thấy những đứa trẻ vẫn vô tư chơi đùa trong lúc cách đó chỉ vài bước chân thôi là cái cảnh cha mẹ chúng đang cải vã kịch liệt hoặc so đo hơn thiệt lúc phân chia tài sản. Để rồi sau đó là những tiếng khóc xé lòng của chúng khi bị bắt lựa chọn phải sống với cha hay về cùng mẹ. Mấy phút trước đó vẫn còn là anh chị em một nhà giờ bỗng dưng mỗi đứa một nơi. Phút chốc hai tiếng gia đình đã trở thành quá khứ. Thế mới biết, những toan tính của người lớn đã đặt con mình vào những lựa chọn quá sức nghiệt ngã.
Phần lớn những đứa trẻ tôi gặp ở đó thường có gương mặt buồn buồn với bộ quần áo cũ mèm, nhàu nát vì đã từ lâu thiếu sự bảo bọc của cha hoặc không còn bàn tay chăm sóc của mẹ.
Có những đứa bé vẫn còn ẳm ngữa được quấn trong lớp khăn dày cũng được đưa đến, mong người cha đang trong vòng lao lý kịp biết mặt mình. Là những đứa trẻ ngủ ngon lành trên mấy bậc thềm cạnh khúc bánh mì ăn dở trong lúc chờ đợi. Có lẽ chúng cùng những người thân vừa mới đến đây bằng chuyến xe đi từ đêm qua.
Tất cả nhốn nháo lên khi tiếng còi ưu tiên từ chiếc xe chở phạm nhân một lúc một gần. Mọi người chen lấn, xô đẩy để được nhìn rõ mặt phạm nhân trong lúc những đứa trẻ với ánh mắt ngơ ngác, lo sợ chỉ dám đứng nhìn từ xa. Khi cánh cửa phòng xét xử khép lại cũng là lúc những đứa trẻ an phận trở về cái chỗ ngồi lúc nảy cùng tâm trạng mong chờ, trông ngóng.
Có những đứa trẻ chập chờn giấc ngủ trên vai cha dưới bóng cây trong lúc người mẹ đang đứng trước vành móng ngựa. Và cũng có những đứa trẻ đã khóc thét lên khi người cha đã trở nên xa lạ bởi lâu lắm rồi cha con chưa gặp mặt nhau.
Có khi là ánh mắt mong chờ của những cô, cậu học sinh với nguyên bộ đồng phục trên người. Các em đến đây với một ao ước nhỏ nhoi là được thấy mặt cha mẹ mình, dù chỉ trong một khoảnh khắc, rồi lại tất tả đến trường cho kịp tiết học sau.
Ở sân toà ấy, có những đứa trẻ được đưa đến để gặp mặt cha mẹ mình sau những ngày tháng cách xa với một lý do thường thấy là “đi làm ăn xa”. Hoá ra cha mẹ đã chẳng thể nào có được búp bê, xe đồ chơi cho chúng trên chiếc xe bít bùng kia như lời người lớn đã hứa trước lúc tới đây. Nhưng sự thật ấy cũng chẳng thể nào giấu mãi và liệu những đứa trẻ ấy đó có đủ sức đối mặt với những vết thương lòng sâu hoắm ấy hay không. Và liệu chúng sẽ tồn tại và phát triển ra sao trong những tháng ngày phải sống xa cha, vắng mẹ?
Sau khi bản án được tuyên, sân toà lại tiếp tục ồn ào huyên náo trong tiếng khóc, tiếng kêu của cái cảnh người đi, kẻ ở, của đôi tay bị còng giơ lên chào tạm biệt, của cái ngoái nhìn luyến tiếc và của những bàn tay bé xíu đang lạc lỏng, chơi vơi giữa cuộc đời rộng lớn mênh mông
Ở cái tuổi mà lẽ ra các em phải được bảo bọc, chăm sóc từ vòng tay yêu thương của cha mẹ. Vậy mà, lòng tham, sự vô tâm của những bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình đẩy cuộc đời các em vào những ngõ cụt. Cái giá mà người lớn phải trả cho những sai trái của họ là điều tất yếu, chỉ thấy đau lòng cho những đứa trẻ phải gánh chịu quá nhiều mất mát, thiệt thòi khi còn chưa lớn.
Và tôi thầm mong có một phép mầu giữa cuộc đời này, để sân toà kia đừng bao giờ in dấu những bước chân non ấy…