Ông Vinh đã 40 năm sống bằng nghề chạy xe ôm sau khi “ra vỉa hè” sau năm 1975

Tôi rời cà phê Tùng quảy ba lô đi về phía hiệu sách. Vị đắng nồng của ly cà phê rum tụ lại trên đỉnh đầu, khiến nhịp bước tôi châng lâng bồng bềnh dù bây giờ là sáng Tháng Sáu, trời không sương mù.

Phía sau vệt bóng đổ của cột điện ngã tư thứ nhất, tôi gặp ông.

Như bao nhiêu bác tài xe ôm khác của thành phố này, ông khoác lên mình bộ áo gió cũ kỹ dù hôm ấy nắng khá gắt. Nhưng không như những bác xe ôm khác phải dáo dác tìm khách, ông bình thản thong dong ngồi gác chân trên cỗ xe, lưng tựa vô cột điện say sưa đọc một cuốn sách đã bong dày, các tệp giấy quăn sớ, mốc meo bện vào nhau.

Ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu tôi. Có thể ông đang ôn luyện tiếng Anh để bắt khách du lịch. Nhưng khi dừng lại ở một khoảng gần để quan sát, tôi biết phán đoán của mình đã sai. Cái mớ giấy bong rộp lên trong tay ông là một cuốn hồi ký chi chít chữ. Những ngón tay sần sùi thô ráp của chủ nhân cuốn sách rà theo từng con chữ, thỉnh thoảng dừng lại, dùng bút gạch chân chúng như một nhà biên tập cần mẫn đang làm việc với một bản thảo khó, cần sự tập trung, bảo đảm độ chính xác và kỹ lưỡng cao. Ðôi mắt như chìm đắm vào trong cuộc dẫn dắt lạ lùng của rừng chữ trên mặt giấy.

Tôi thường bị cuốn hút bởi những khoảnh khắc chú tâm rất đỗi riêng tư của con người trong cuộc sống đô thị. Một độc giả đang theo dõi những trang sách đầy ma mị, một nghệ nhân tỉ mỉ khắc chạm từng nét bay bướm trên món hàng lưu niệm, một bartender đang pha chế món cocktail tinh tế cho người khách khó tính, một thợ điện đang cuốn lại một mối nối trong bó dây nhằng nhịt hay một tay nghệ sĩ lang thang đang gãy từng dây guitar dưới đường hầm le lói ánh đèn… Sự chú tâm trong lặng lẽ ấy có một sức hấp dẫn lạ lùng. Khiến tôi nghĩ, thế giới được cứu rỗi không phải bởi sự rộn ràng chộn rộn nhoi nhúc ồn ào mà bởi những phút dồn tụ năng lượng trong lặng thinh ấy.

Tôi đứng nhìn người đàn ông lái xe ôm phong trần đang đọc sách trong cái không khí buổi sáng trong lành và tưởng mình như được lạc vào chính những trang sách mà ông đang đọc. Cho đến khi ông ngước mắt lên nhìn tôi một lúc, rồi đặt cuốn sách bong quăn vào trong chiếc giỏ treo phía trước cỗ xe và cất tiếng hỏi tôi với giọng của người vừa rời khỏi giấc mơ: “Chú đi xe không?” Tôi gật đầu.

Tôi biết ông đã trở lại thực tại. Ông cần khuây khỏa bằng một cuốc xe lòng vòng. Và biết đâu trên hành trình của cuốc xe, ông cân bằng tâm hồn mình bằng một cuộc giao tiếp thoáng qua, bằng những cảnh quen thuộc lướt qua. Tôi nói, hãy cho tôi về biệt thự. Ông gật đầu vừa đưa nón an toàn cho người khách đang nhìn ông bằng một vẻ hiếu kỳ xen lẫn cảm phục.

Ông Vinh, người chạy xe ôm, 69 tuổi với cuốn sách trên tay
Bác đang đọc sách gì? Tôi hỏi khi xe bắt đầu chạy xuống đoạn bùng binh dốc chợ.

Một cuốn hồi ký của tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Anh, kể về một gia đình bốn thế hệ trải qua biết bao thăng trầm. Cuốn sách gói lại biết bao là bể dâu thời cuộc.

“Con thấy bác tập trung, cứ tưởng bác đang học ngoại ngữ để đón khách nước ngoài!” Tôi buột miệng nói xong mới thấy mình vô duyên.

Không, ông xe ôm già cười hiền, “Tôi đọc tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Trước 1975 tôi làm nghề thông dịch. Thời cuộc đổi thay. Chú biết đó, những thằng như tôi ra vỉa hè nhiều lắm. Tôi chạy xe ôm ở góc đường đó bốn mươi năm rồi.”

Ông nói về thế cuộc, thăng trầm với một giọng bình thường, không chút đắng cay hay thậm chí chẳng may may oán trách gì.

Như một trò đùa, phải không bác?

Ừ, cuộc đời lúc này lúc khác, chẳng có gì quan trọng. Tôi kinh qua hết rồi, giờ có thế nào cũng nhẹ nhõm. Miễn cơm ngày hai bữa là được. Bởi vậy tôi thích những cuốn sách như vầy. Tôi thường kiếm được nguồn sách ngoại văn từ những khách du lịch mang đi, đọc xong bỏ lại. Nhiều khách Tây biết tôi mê sách, để lại cho tôi những cuốn họ đang đọc dở. Một số sách khác tôi kiếm được ở các tiệm sách cũ. Sau 1975, cũng như con người ta, những cuốn sách hôm qua nằm trong các thư viện, tủ sách gia đình được nâng niu cũng ra vỉa hè!

Tiếng cười hào sảng của người đàn ông lái xe ôm khiến tôi rùng mình. Tôi đã lầm lũi đi qua bao tàng thư của thành phố này, từng nghĩ mình là con mọt lì lợm trong xó tủ của thành phố, vậy mà choáng váng trước đúc kết đầy hình ảnh và quá ư chính xác của một ông xe ôm đứng ở ngã ba đường.

Tôi nói rằng, tôi cũng mê sách. Và chỉ cần như vậy, ông xe ôm giảm tay ga chạy chầm chậm. Con đường Trần Hưng Ðạo nối qua Hùng Vương như một nhánh trên đường rẻ quạt xanh xao của thành phố trong buổi ban đầu nay trong trẻo, dễ chịu. Cuộc trò chuyện trên yên xe ngắn ngủi nhưng cả tài xế lẫn khách cứ mong đường dài ra. Cho đến khi tới nơi, bác tài xe ôm vẫn nói thêm về cuốn hồi ký mà mình đang đọc. Ðó là cuốn “The Sacred Willow – Four Generations in the Life of a Vietnamese Family” của Duong Van Mai Elliott, do Oxford University Press xuất bản. Một tiểu sử gia đình dày từng được đề cử giải Pulitzer mà trước đây tôi được nghe, song chưa có duyên đọc.

Có lẽ tác giả cuốn sách không thể ngờ rằng, một ngày nào đó, trên một thành phố khoác lên vẻ yên bình thơ mộng nhưng mang trong nó nhiều vật đổi sao dời của thế cuộc ở nơi chính quê hương mình, có một bác xe ôm già đang bình giảng với gã khách thế hệ sau về từng chi tiết trong cuốn sách đang trôi dạt, biến dạng, không còn trang bìa.

“Tôi sẽ tiếp tục đọc và ghi chú. Những hôm trời nắng ráo vầy, ngồi dưới cột đèn đọc sách rất sướng chú à. Hôm nào có dịp ghé nói chuyện tiếp nghen. À, mà nếu chú chịu đọc, tôi hứa sẽ cho mượn khi đọc xong.”

Tôi coi đó là một lời hẹn với người xe ôm già ở Ðà Lạt, một độc giả thú vị mà tôi may mắn được trong chuyến trở về Ðà Lạt lần này.

Ông tên Vinh, năm nay 69 tuổi. Ðà Lạt là nơi chôn rau cắt rốn của ông. Ông sống cùng những biến cố, thăng trầm của thành phố này và chưa bao giờ có ý định rời thành phố này.

Chia tay người lái xe ôm già, những giọt cà phê rum châng lâng trên đỉnh đầu tôi không tan biến, mà ngưng đọng rất sâu ở đó cùng dư vị một cuộc gặp thoáng qua.


Được tạo bởi Blogger.