Maria Thân Thị Hồng Kiều, Dolly, 1993
Gx Cây Rỏi – Gp Qui Nhơn
Giải triển vọng, VVĐT 2015
-Trích tập “Người gieo hạt”-
Ông Minh ngồi đó, dáng vẻ lặng thầm, mặc cho nhưng bông tuyết rơi trên mái đầu bạc. Mùa đông ở Ontario thật khắc nghiệt, nhưng khí lạnh đó lại làm ông phần nào vơi đi cảm giác đau đớn trong lòng. Bao nhiêu năm qua đi, ông vẫn nhớ như in những chuyện buồn, những vết thương cứ hoen gỉ theo thời gian chứ không thể lành. Tiếng chuông đồng hồ gõ liên hồi, kéo ông trở về thực tại. Ngoái nhìn giờ, ông thở dài ngao ngán, đã quá khuya rồi, mà con gái ông vẫn chưa về. Mà nếu có về giờ này thì cũng chỉ là tiện đừơng ghé qua để lấy thêm chiếc áo khoác cho buổi chơi thâu đêm. Với con gái, có lẽ ông là người vô hình, đôi lúc ông thầm nghĩ, giá như ông chết đi rồi thì có lẽ thỉnh thoảng nó sẽ ngoái nhìn bàn thờ, thấy di ảnh sẽ nhớ tới ông, vậy có lẽ ông sẽ hài lòng hơn. Nhưng rồi ông chợt nghĩ với sự giận dữ trong lòng, con gái ông có khi cũng chẳng buồn đặt tấm ảnh để nhớ.
- Daddy, chưa ngủ sao?
Câu hỏi của cô con gái làm ông giật mình. Ông miễn cưỡng “ừ” một tiếng rồi lập cập quay vào nhà. Ông thừa biết câu nói đó không phải để hỏi thăm, quan tâm ông mà chỉ là một câu chào xã giao, tiện miệng hỏi của Mai Lan mà thôi. Sau câu nói đó thì nó cũng đi thẳng vào phòng, mở nhạc ầm ầm, ông cũng sẽ về lại với “thế giới” của ông, yên lặng, lạnh lẽo, để gặm nhấm từng nỗi đau. Bản nhạc thời gian tua chầm chậm, quá khứ hiện rõ trong tâm trí người đàn ông đang lặng thầm đếm nhịp bước của đêm.
Một cậu bé mười bốn tuổi chạy khỏi nhà giữa đêm Giáng Sinh, cũng chẳng sao, thời tiết ở Việt Nam chẳng đủ làm ai lạnh lẽo trong đêm Giáng sinh. Nhưng trái tim cậu bé đang thổn thức theo từng tiếng nấc, ba mẹ cậu lại cãi nhau, chỉ vì một vấn đề muôn thuở, ba cậu không muốn mẹ dẫn cậu đi lễ ở nhà thờ. Mặc dù biết ba không thích nhưng mẹ vẫn đưa cậu đến nhà thờ để xem canh thức Giáng Sinh. Mẹ cậu đã kể cho cậu rất nhiều câu chuyện về Đạo, kết thúc mỗi câu chuyện luôn là câu nói: “Một ngày nào đó cả nhà chúng ta sẽ cùng đến nhà thờ dự lễ”. Đó là lời hứa của mẹ cậu, và cậu mang một tia hy vọng nhỏ nhoi rằng một ngày nào đó cậu sẽ có một gia đình hạnh phúc bên ba mẹ. Thực tại trớ trêu thay chỉ một tia hy vọng cũng bị dập tắt.
“ A!”,“rầm”, “ầm”… Tiếng thắng xe, tiếng còi, tiếng kim loại vỡ, tất cả tạo thành một âm thanh chói tai kinh khủng mà mỗi giấc mơ giờ đây cũng làm cậu choàng tỉnh hét lên. Xoay người lại nhìn đống đổ nát phía sau, hãi hùng, cậu quay đầu toan chạy, nhưng bị một bàn tay nắm chặt lấy.
- Cậu bé, sao vậy? Hình như người bị tai nạn có quen em đó.- Người thanh niên nắm chặt tay cậu như thể sợ nới lỏng một tí cậu
sẽ chạy biến như một kẻ cắp.
- Em không quen ai cả.- Cậu sợ hãi đáp.
- Minh…Minh…- Giọng nói yếu ớt, quen thuộc gọi tên cậu.
- Mẹ, mẹ, mẹ sao vậy? Sao mẹ lại ở đây?- Minh ôm chầm lấy người mẹ đang đau đớn với nhưng vết thương đầy máu.
Tiếng nấc nghẹn khô khốc nơi cổ họng, bàn tay mẹ vuốt cánh tay cậu, khó nhọc từng lời: “Con, con phải tin ở Người, con
… con… phải sống tốt…”. Giọt nước mắt lăn dài hòa theo máu, bàn tay buông lơi, hơi ấm tắt lịm…
Mẹ Minh qua đời, để lại cho cậu vết thương lòng sâu sắc. Cậu ôm mối hận người cha ruột nhẫn tâm, cậu hận chính bản thân mình gián tiếp gây ra cái chết cho mẹ, cậu hận cả Đức Tin của mẹ, như thế đó là nguồn gốc sâu xa của tất cả mọi sự. Cậu từ chối ở với cha ruột, về chung sống với mái nhà của dì. Dù bao lần nặng nhẹ dì khuyên răn Minh nhận lấy bí tích Rửa Tội để thỏa tâm nguyện của mẹ, cũng là tìm hướng đi mới cho cuộc đời nhưng Minh vẫn hằn học từ chối.
Lần đầu tiên Minh đặt chân đến Ontario này là lúc cậu đang phơi phới với tuổi 20, xuất sắc vượt qua những bạn học khác giành xuất học bổng du học Canada. Với nhiều người đó là sự tự hào, sự khởi đầu đầy thành công cho tương lai, nhưng với Minh đó còn là lối thoát. Minh quyết tâm bỏ lại quá khứ, bỏ lại hy vọng hàn gắn với ba, hay sự ràng buộc với gia đình dì để bắt đầu tự xây con đường cho mình. Người ta bảo“chạy trời sao cho khỏi nắng”, mối tình đầu ngọt ngào của Minh cũng là ở Ontario này. Người đầu tiên cho cậu cảm giác ấm áp là Nhã Anh, một cô gái đặt niềm tin cùng nơi với mẹ cậu. Nhã Anh hay rủ cậu cùng đi nhà thờ, mới đầu cũng chỉ để ngắm cảnh, hoặc Nhã Anh đi lễ còn cậu sẽ dạo chơi ngoài khuôn viên.
- Mình chia tay đi em. Anh nghĩ chúng ta không hợp nhau, có cố gắng sau này cũng không hạnh phúc được. Anh không muốn đi trên vết xe đổ của ba…
Minh nói những lời đã chuẩn bị bao lâu nay một cách trơn tru đến bất ngờ. Anh dù có yêu thương Nhã Anh bao nhiêu thì cũng không thể chấp nhận rập khuôn cái gia đình của mình ngày xưa. Mặc cho những lời Nhã Anh khuyên lơn, anh cũng không thể quên đi quá khứ để đi theo con đường mà trong lòng anh hiểu rõ nó đã được dọn sẵn cho anh tự bao giờ.
- Anh là đồ hèn, uổng công cho mẹ anh đến lúc chết vẫn muốn giữ cho anh đức tin mà anh lại chẳng bao giờ dám đối mặt với nó. Anh có nghĩ anh phí hoài bao nhiêu thứ quý giá mẹ anh dành cho anh không? Anh có biết anh cố chấp như vậy cuối cùng chính bản thân anh sẽ là kẻ phải hối hận không? So stupit!
Bao nhiêu lời nói trong tức giận của nhã Anh chẳng bằng 2 từ tiếng Anh khô khốc cuối cùng, Minh nhếch mép nhìn theo dáng Nhã Anh, có lẽ cô vẫn còn muốn giữ chút lịch sự nên chẳng thèm mắng thẳng bằng tiếng Việt chăng.Trong thâm tâm Minh hiểu cậu không nên làm như vậy, nhưng có gì đó trong cậu không cho phép cậu gật đầu đồng ý. Có lẽ đúng như lời cô nói, điều cậu cầm buộc không phải là lỗi lầm của ba hay bản thân mà chính là mẹ cậu, niềm tin của bà, thứ tới lúc chết bà vẫn muốn giữ cho cậu lại là thứ cậu hận, ghét nhất trong cuộc đời.
Có lẽ tất cả là bàn tay Người sắp đặt, Nhã Anh mang thai đứa con của Minh, sau thỏa hiệp, Minh và Nhã Anh vẫn hạnh phúc với đám cưới. Minh né tránh ánh mắt của dì, người thân duy nhất của cậu trong lễ cưới. Gần hai mươi năm trước dì của Minh cũng từng dự lễ cưới với phép giao như thế này, lễ cưới vẫn vui vẻ, nhưng lòng nhiều người lo âu, thấp thỏm cho một niềm tin đang chao đảo, không biết tương lai sẽ ra sao. Cái kết buồn làm dì Minh đau lòng, và giờ đây bà lại hoang mang, đau lòng hơn cho đứa cháu đáng thương, khi hạnh phúc của cháu bà quá mong manh. Nhìn nụ cười gượng gạo của Nhã Anh, Minh cũng cảm giác được điều cô lo lắng. Chính Minh cũng sợ hãi với quyết định của mình, đã bao lần anh tự hỏi điều gì cản trở anh quay về?
Đứa con gái đầu chào đời những tưởng sẽ là một viên gạch
mới góp phần cho mái ấm nhỏ bé kia được vững chãi, nhưng có lường trước được Minh cũng không nghĩ đó là khởi sự cho những rạn vỡ không mong đợi. Minh nhớ, buổi sáng hôm đó, Nhã Anh tay bồng tay bế đứa bé còn yếu ớt đến nhà thờ, trong khi anh vẫn đang nằm cố gắng“nướng” thêm một chút vì hôm đó là chủ nhật. Nội ngoại hai bên đều ở Việt Nam, nơi đất khách quê người này chỉ có anh là chỗ dựa cho cô, vậy mà quyết định quan trọng vậy cô chẳng hề bàn với anh. Minh giận điên người khi nhìn những bức ảnh trên ipad, những bức ảnh chụp trong buổi lễ Rửa Tội của Mai Lan. Minh hằn học, thả từng lời, từng câu mắng nhiếc với vợ, như thể cô vừa làm một việc gì tội lỗi. Không có tranh cãi, không có bao lực, Nhã Anh chỉ quay đi, lặng thầm làm những công việc hằng ngày của mình.
- Em nói gì đi chứ, không lẽ em muốn im lặng mãi thế này?- Minh bức xúc gào thét như người điên, nhưng Nhã Anh chẳng bận tâm mà quay đầu nhìn anh.
- Em muốn ép tôi, hay em muốn phá vỡ cái gia đình này? Sớm biết có ngày này, tôi thà bị mắng là sở khanh còn hơn!- Những lời Minh nói là sự thỏa thuê cho cơn giận của anh, nhưng là con dao sắt cứa sâu, sâu thêm vào vết thương lòng của Nhã Anh.
Lúc Mai Lan vừa tròn bảy tuổi cũng là lúc nó chia tay mẹ Nhã Anh để đến trường nội trú, Nhã Anh phải vào viện vì chứng trầm cảm kéo dài nhiều năm. Trước khi chấp nhận điều trị, cô cũng đã sắp xếp chu toàn cho bảo bối quý nhất của mình, Mai Lan học ở trường nội trú của một dòng tu. Ở thời khắc gia đình phân li đó, người ta thấy nơi khóe mắt u buồn của người vợ, người mẹ trầm cảm giọt nước mắt chực tràn, nhưng vẫn cứ giữ lưng chừng. Mai Lan ngoảnh mặt nhìn mẹ, rồi quay đi, cô nhìn thẳng vào cha mình bằng sự lãnh đạm, không một biểu cảm. Minh giật mình, nhói đau nơi ngực trái, con anh còn quá nhỏ.
Mỗi buổi tối quay về trong căn nhà vắng lặng, anh cứ giữ khư khư chiếc máy, nhìn bức ảnh Nhã Anh bế Mai Lan, anh cứ ngắm mãi gương mặt bầu bĩnh của con thơ, mà lòng thêm thắt lại. Giờ đây khi bình lặng để nhìn bằng sự nhớ thương, cảm nhận bằng tình yêu, anh mới nhận thấy ánh mắt buồn của Nhã Anh, khóe miệng cười chỉ nhếch mép miễn cưỡng, nó như cái gì đó lỡ cỡ, chẳng vẹn toàn. Để rồi anh nhận ra là anh không nghe chứ không phải là vợ anh không hỏi. Đã lâu rồi trong anh chỉ có sự giận dữ, tính toán, lời anh nói không là tâm tình mà chỉ là âm thanh gào thét của bực tức. Hối hận giờ có muộn màng quá chăng?
Tiếng mở cửa làm ông giật mình trở về hiện tại. Ánh sáng hoàng hôn mờ nhạt phía chân trời, giờ này vẫn còn rất sớm. Hôm nay là chủ nhật, Mai Lan chẳng đi làm, thường ngày có làm nó cũng chẳng buồn dậy sớm. Ông Minh rón rén hé cánh cửa xem con gái ông định làm gì. Ông bất ngờ khi nhìn con gái ông trong tà áo dài, lạ lẫm nhưng rất đỗi quen thuộc. Mai Lan đang cố gắng gói những cành ly trắng thành bó. Khi ông còn đang tự hỏi con gái ông đang vui vì điều gì, chuông báo thức điện thoại kêu, tiếng chuông nhắc nhở vang lên bài hát quen thuộc: “xa xăm trong kiếp người, muộn màng ai nhớ chăng ai…”. Hôm nay là sinh nhật vợ ông, hoa ly trắng là thứ bà rất thích. Kể từ khi nhập viện, đôi ba lần ông đến thăm đều bị từ chối, rồi ông dặn thư ký hằng tháng gửi hoa và quà. Những lần tự thân tới, ông cũng chỉ đứng từ xa rồi quay về. Rồi từ khi biết bà từ bệnh viện chuyển về nhà dòng để phục vụ bệnh nhân thì ông cũng thôi không gửi hoa. Nhìn con gái cười tươi, vừa gói hoa vừa lẩm nhẩm bài hát như con chim non ríu rít mà lòng ông se thắt.
Dõi theo qua ô cửa sổ, đợi đến khi bóng chiếc ô tô khuất xa dần, ông Minh mới mở cửa phòng để rót cho mình ly rượu, thứ ông hy vọng sẽ giúp ông đẩy lùi mớ cảm xúc đang hỗn loạn trong lòng. Lướt qua bàn khách, ông vô tình nhìn thấy chiếc hộp giấy bạc, bên trên còn có thiệp. “Mẹ, chúc mẹ sinh nhật vui vẻ! Love mommy so much!”. Đọc lời trong thiệp, ông buồn cười vì câu chúc nửa này nửa nọ của Mai Lan, lòng lại buồn vì ước ao một lần được nghe con gái thể hiện tình cảm với mình. Cô đơn trong lòng bao năm dồn nén giờ đây gào thét trong ông. Run rẩy cất lại thiệp, ông vội vã đuổi theo con gái. Suốt chặng đường đi, lòng ông chỉ nghĩ, để quên món quà, buổi sinh nhật của vợ ông sẽ không trọn vẹn, con gái ông sẽ không vui. Nhưng đến khi bước chân vào sân nhà thờ rồi, ông mới nhận ra, ông mang gói quà vào sẽ phá hỏng không khí vui vẻ của hai mẹ con. Xét cho cùng thì đi đến tình cảnh này, tất cả là do ông, hai người phụ nữ đáng lẽ phải được ông yêu thương chăm sóc, lại vì sự cố chấp, ngang ngược, ích kỉ của ông mà đau khổ bao năm. Nghĩ vậy, ông khựng lại, chẳng dám bước nữa.
Nụ cười ông Minh hy vọng có thể nhìn thấy không hiện diện trên gương mặt hai mẹ con, Mai Lan nước mắt giàn giụa chạy đi, Nhã Anh gọi với theo đến khản giọng. Trong giây phút bất ngờ, ông nghe cái giọng quen thuộc: “Anh Minh, giữ con lại đi.” Giật mình khi nghe Nhã Anh gọi tên, ông chạy theo giữ chặt cánh tay con. Mai Lan ôm chầm lấy ông, như thể nó gặp một người đã lâu năm chẳng gặp. Mai Lan khóc òa lên như một đứa trẻ, cả gia đình ôm nhau, không một lời phân bua, nước mắt như rửa trôi bao nhiêu tức tưởi của mỗi người.
- Mai Lan, sao con khóc? Chẳng phải sáng nay con rất vui? Hôm nay, sinh nhật mẹ, sao hai mẹ con lại khóc như vậy? À, con bỏ quên món quà, daddy mang tới đây.- Ông Minh nói những lời hỏi han bằng giọng trầm ấm.
- Daddy, daddy đón mẹ về đi. Daddy cũng hãy về đi, con không muốn sống như thế này nữa. Bao nhiêu năm qua con vẫn luôn cầu nguyện với Người, nhất định sẽ có ngày gia đình chúng ta cùng nhau đến nhà thờ để dự lễ, nhất định sẽ có ngày gia đình chúng ta hạnh phúc, nhưng con sợ, con sợ con không đợi lâu như vậy được nữa.- Mai Lan cố gắng nói trong thổn thức. Nghe những lời con gái nói, lòng ông tê tái nhận ra điều bất ổn đang ập đến.
Về? Chẳng phải mấy năm gần đây ông vẫn sống bên cạnh con ông sao, nhưng mấy năm qua ông đã ở nơi đâu ngay trong chính ngôi nhà của mình, chỉ có cô đơn và dằn vặt. Ông cứ trách tại sao Thiên Chúa không nhậm lời cầu nguyện năm xưa của ông để gia đình ông tan vỡ, mà quên mất rằng chính ông đang phá hoại hạnh phúc của mình, và đập tan cả hy vọng của con ông. Để đến lúc này đây, khi con ông mang trong mình bệnh tật, khi sự sống bên bờ vực, con ông vẫn giữ niềm tin, vẫn nỗ lực gàn hắn hạnh phúc nó mong chờ. Bất chợt ông mới nhận ra rằng không phải ông không được hồng ân Thiên Chúa, không phải người không cho ông cơ hội, mà chính ông, đã bao lần từ chối mở những“cánh cửa” để về. Ông nhớ dụ ngôn ngày bé ông hỏi mẹ: “Tại sao đứa con hoang đàng không trở về ngay khi nó tiêu hết của cải, mà phải khổ sở như vậy nó mới biết quay về bên cha?”. Và giờ lời mẹ ông lại vang lên bên tai: “Vì đứa con hoang đàng đã không ngoảnh đầu nhìn lại”.
Có lẽ là đó lời gọi cuối cùng Thiên Chúa gửi cho ông, để ông một lần ngoảnh đầu nhìn những sai lầm của mình, để “đứa con hoang đàng” là ông có thể dũng cảm trở về đón nhận Đức Tin, để tìm nơi Người nguồn bình an cho mái ấm. Dù là muộn màng nhưng gia đình ông sẽ cậy trông vào lòng nhân từ của Người.