Chú Melrose bị cong lưng vì bệnh vẹo xương sống (scoliosis), đôi mắt xanh sáng nhưng bị lé. Hai chú cháu sắp hàng để mua hamburger, chú nói rất khó hiểu, ý chú nói chỉ có tôi hiểu chú thôi.
Chú không những đưa tay chỉ vào người ta, chú còn vẫy chào khi họ ở gần chú. Một số người chào lại chú hoặc vẫy tay chào chú, nhưng đa số quay đi chỗ khác hoặc nhìn chú với ánh mắt kỳ lạ, không mấy thân thiện. Tôi tự thấy mình may mắn được biết chú.
Tôi tình cờ biết được sự hiện hữu của chú khi tôi 15 tuổi. Vào một buổi trưa, tôi ngồi xem các hình ảnh gia đình, tôi thấy một bé trai 3 tuổi ngồi trước hiên nhà. Có lẽ hình chụp khi ba tôi khoảng 9 tuổi – lớn nhất trong 3 người. Còn người trẻ hơn ba tôi chừng 1 tuổi thì tôi không biết đó là ai.
Mẹ tôi nói: “Đó là chú Pie, em của ba con”. Tôi hỏi: “Chú làm sao vậy?”. Mẹ tôi giải thích: “Chú ở trường khuyết tật từ khi 16 tuổi”.
Ba tôi là anh lớn nhất trong 5 anh em và phải nuôi người em bị thiểu năng trí tuệ. Chú Melrose có “biệt danh” là Pie. Chú nói không rõ, đầu chú nhỏ hơn bình thường, và chú không thể tự vệ sinh cá nhân hoặc sinh hoạt bình thường được. Chú cần được chăm sóc nhiều. Đó là trách nhiệm của ba tôi.
Đôi khi thất vọng về chính mình, chú lăn ra nền nhà và đấm đá vào không khí, rồi la hét ầm ĩ. Không biết làm sao cho chú trở lại bình thường, bà nội bảo ba tôi đưa chú lên xe hơi của nhà, vậy là chú im. Đôi khi ba tôi chở chú ra phố mua sữa hoặc cà phê, vì chú thích vậy.
Khi hơn 10 tuổi, chú rất “khó chiều”, đành phải đưa chú vô trường dành cho những người chậm phát triển ở Austin, Texas, cách gia đình khoảng 130 km. Thi thoảng ông bà nội đưa chú về thăm nhà. Nhưng rất khó khi đưa chú trở lại trường vì chú giãy giụa dữ dội lắm. Nhà trường khuyên đừng đưa chú về thăm nhà nữa, nếu không muốn phải đau lòng khi đưa chú trở lại trường. Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn.
Có lần chú được đưa về thăm nhà sau khi ba mẹ tôi kết hôn, mà hồi nhỏ chú và ba tôi thường ngủ chung. Lần này chú không hiểu sao ba tôi không cho chú ngủ chung. Chú giận dữ và giậm chân ầm nhà. Ba tôi phải dỗ ngọt chú bằng cách chỉ vào vai mình và nói là sợ chú đánh ba tôi. Lúc đó, chú Melrose đã bật cười.
Những câu chuyện như vậy làm tôi nhớ suốt đời. Nhưng tôi vẫn không thể hình dung ra chú là người như thế nào. Năm 1991, tôi đến Austin để làm việc cho Sở Y tế Tâm thần và Thiểu năng Trí tuệ Texas, tôi quyết định tìm chú Melrose.
Một buổi chiều tháng Mười, tôi lái xe đến trường khuyết tật. Người ta cho biết chú Melrose vẫn khỏe mạnh dù đã 70 tuổi. Chú vẫn đi lại, nghe và nhìn rõ ràng, chỉ có giới hạn về trí tuệ, vì chỉ số IQ của chú chỉ bằng một đứa trẻ. Nhân viên đưa tôi đi gặp chú. Có vài người đàn ông ngồi ở bàn giữa phòng, một người nhỏ con có gương mặt “ngây ngô”, đó là chú Melrose của tôi. Chân tay khẳng khiu, thân hình gầy guộc, đầu trọc. Chú nhìn tôi, và tôi nhận ra chú qua đôi mắt xanh sáng. Nhân viên giới thiệu tôi với chú, chú đưa tay siết chặt tay tôi.
– Chú có nhớ ba con không? – Tôi hỏi.
Chú ngọng nghịu:
– Có.
– Đó có phải anh của chú không?
– Phải.
– Chú Melrose, con là cháu của chú nè.
– Được rồi.
– Chú có thích ở đây không?
– Có.
Tôi ngồi xuống, nắm tay chú. Tôi bật khóc, không biết nói gì.
Nhân viên nói: “Ông Melrose, ông không muốn cháu ông đến thăm ông à?”. “Có chứ”. Chắc chú không hiểu “cháu” là gì, nhưng tôi đoán chú biết chúng tôi có quan hệ thân thuộc với nhau. Nhân viên nói khi có người bước vào: “Ông Melrose, ông Willie đến kìa”. Chú bỏ tay tôi ra và ôm choàng ông Willie.
Ông Willie vừa nói vừa vỗ vào lưng chú: “Chào ông bạn của tôi”. Ông Willie cho tôi biết chú Melrose là người lịch sự, rất tử tế với mọi người. Sáng nào chú cũng đến các phòng để lấy rác đi đổ. Chú đã ôm tôi khi tôi chào chú để về. Tôi hứa sẽ trở lại thăm chú.
Rồi tháng nào tôi cũng đến thăm chú. Chú thích đi dạo và nắm chặt tay tôi. Tôi chỉ đưa chú đi dạo quanh sân, không dám ra ngoài vì sợ chú lên cơn bất tử.
Một ngày thứ Bảy, tôi đưa chú đi uống cà phê. Vừa bước vô phòng, tôi nghe chú hét lên: “Không”. Tôi hỏi: “Chú có muốn con lái xe đưa chú đi chơi không?”. Chú không chịu. Tôi hỏi lại lần nữa thì chú nói: “Có”. Chú rất vui khi ngồi trên xe. Chú nhìn qua cửa kính và chỉ trỏ các xe khác. Tôi hỏi chú thấy thế nào, chú nói: “Không sao. Chúng ta đi đâu?”. “Đi uống cà phê”. Chú hỏi lại: “Đi đâu?”. Tôi nói to: “Đi uống cà phê”. Chú siết mạnh tay tôi và nói: “Được”.
Tôi thường kể về chú cho ba tôi nghe. Ba tôi rất vui vì tôi vẫn đi thăm chú, nhưng không bao giờ ba tôi cùng đi với tôi đến thăm chú. Tôi nghĩ chắc ba tôi sợ không cầm lòng nổi khi thấy em mình. Trong vài năm đầu khi mới cưới, ba tôi muốn mua đất để đưa chú về ở chung. Nhưng mẹ tôi có thai, bác sĩ nói là không nên. Ba tôi rất buồn vì không được chăm sóc em, không tròn bổn phận đối với em.
Đầu năm 1992, chính phủ quyết định đóng cửa trường khuyết tật. Tất nhiên, mọi người khác và chú phải chuyển đến nơi ở mới.
Tôi đưa ba mẹ đến gặp chú vào một chiều tháng Tư. Ba tôi bước vội đến bên chú. Mặt chú tươi hẳn lên. Lần đầu tiên tôi thấy chú cười. Chú cười lớn, ôm lấy ba tôi và nói: “Anh! Anh!”. Ba tôi cũng cười: “Em!”.
Ba tôi dẫn chú đến chiếc ghế. Tôi bật khóc. Mẹ tôi cũng khóc. Đây là lần đầu tiên hai anh em gặp nhau sau hơn 50 năm xa cách. Gặp nhau vài lần nữa thì ba tôi mất năm 1997 vì tuổi cao sức yếu.
Từ khi ba tôi mất, chú là tất cả đối với tôi. Chú luôn thầm lặng. Tình yêu thương của chú cũng thầm lặng. Tôi đưa chú đi khắp nơi, khi thì ăn, khi thì uống. Tôi chỉ cho chú làm việc này, việc nọ. Bữa ăn của chú rất lâu, có khi đến cả giờ. Chú rất thích ăn khoai tây và vẫy chào mọi người. Lần nào gọi điện cho chú thì chú cũng đều hỏi tôi: “Con đang ở đâu vậy?”.
Mỗi lần gặp chú, không trò chuyện nhiều, chỉ là sự im lặng bình an, siết chặt tay nhau và ôm nhau, chú thường ngả đầu vào ngực tôi. Lòng tôi buồn man mác, khó tả, nhưng hạnh phúc. Thời gian như ngừng lại khi chú cháu gặp nhau. Tôi quên chính mình và tập trung vào chú, một người tật nguyền, ngây ngô như trẻ thơ, thật đáng thương. Thật lạ lùng trong những lần gặp chú: Tôi tìm hiểu chú và tôi lại gặp được chính mình!
SHEILA ALLEE
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ nguyên tác My Uncle’s Secret Life)