Một

Không nghĩ là cuộc gọi của ông ấy. Hãy còn rất sớm mà. Giờ, tôi còn nấn níu trên giường cũng là do thói quen chứ giấc ngủ đã qua từ khi nãy. Từ cách đây nửa tiếng khi cái loa của phường bắt đầu lên tiếng và chồng tôi vội dậy. Cỡ đó, người này phải thức để ra công viên gần đây chạy bộ mấy vòng rồi ùm xuống biển, bơi đúng năm chục sải. Con trai trề môi: “Bố bơi quá kém”. Con gái nheo mắt: “Chắc bố đếm nhầm?”. Chồng trừng mắt: “Cái thân tao càng lúc càng nặng, nổi được trên mặt nước đã phước. Nhầm cũng chẳng sao!”. Chắc sợ mình chìm nghỉm dưới đáy biển, thế nên, sớm nào chồng cũng tròng vào chân đôi giày thể thao và uể oải rời nhà. Vào lúc tôi áp cái di động sát tai, cố sửa giọng cho ra vẻ ngái ngủ, ậm ừ trả lời: “Vâng, tôi đang nghe ông đây” thì mất ngay tín hiệu. Ông và tôi. Tôi với bà. Ái chà chà, có ngờ đâu cái chữ tình nó gây nhiễu sự. Bà chẳng nói gì chứ tôi, đang tuổi sáu lăm, mới rõ là đáng đời nhé!


Minh họa: Tuấn Anh


Đấy! Luôn là cách giễu cợt của ông ấy về những hệ lụy như thế này. Về cái sự đổ ập vào tâm hồn nhau hết sức lạ thường này. Chỉ tâm hồn chứ thân xác chưa hề. Vuốt nhẹ mái tóc, quàng vội một bờ vai, siết tay nhau rõ chặt… Thì đã từng và là thường xuyên đấy thôi! Nhưng chỉ vậy. “Không tử tế chút nào mối quan hệ của em với lão Khương. Anh nói thật đấy!”. Đó là lời cảnh báo của chồng tôi. Người thích đi tập thể dục một mình, ăn sáng ở quán một mình, uống cà phê lại rủ rê các nàng ở cơ quan, nhậu buổi chiều với cánh đàn ông và tối, nhờ con gái pha cho bố cốc nước chanh giã bia rượu. Tôi nói đâu dăm lần trong suốt ba năm gần đây, khi thấy chồng duy trì lối sinh hoạt này. Bảo: “Anh có cách sống chẳng tử tế tí nào”. Chồng cười khinh khỉnh: “Thế à!”. Ba năm và dăm lời nhắc chồng, chẳng hiền hòa chẳng dữ tợn, chẳng dằn xóc chẳng nhẹ nhàng. Kiểu nói vô cảm. Nói cho có ấy mà. Ba năm kể từ khi tôi “tính tình tang” với ông Khương và trở thành một người đàn bà mất hẳn đi cái sự tử tế. Nhưng không đồng nghĩa mất bớt uy quyền trong vai trò làm vợ của mình.

Cuối tuần, các con đi chơi xa, chồng vác cần câu ra đi từ rất sớm, bảo: “Em đừng chờ cơm. Không chừng khuya anh mới về”. Chị giúp việc đang quét sân phía trước, cắp chổi chống nạnh nhìn theo chồng, “hứ” một tiếng rất dài, nói không khống: “Câu từ sớm đến tối mịt thế, chỉ có nước câu con cá nặng cỡ bốn chục ký trở lên”. Tất nhiên, nói, cốt cho tôi nghe. Người giúp việc tên Than nhưng mà trắng bóc và hở miệng nói là cười. Đấy! Cười ngay sau cái “hứ” dành cho chồng tôi và sau câu nói bóng gió của chị ấy. Cười rất tươi! Người này ở đây có đến bốn năm nay và tôi chưa hề nghe cái nhà chị Than này rên rỉ cho lấy một lời. Cả hôm nghe tin chồng ở quê đưa người tình về nhà sống. Cả khi nghe con trai đầu dính vào ma túy, con gái sau chửa hoang và bố ốm nặng. Thế mà, ai bảo cái tên nó vận vào với người và cái nhà chị Than này cũng hay. Chỉ ra vẻ người giúp việc với chồng tôi và mấy đứa nhỏ. Còn với tôi chẳng hề bà chủ, chẳng ra kẻ làm công. Cái cách cư xử này là do tôi đặt ra và rất thích.

Về cái chuyện đi câu cá vào những cuối tuần, bất kể trời nắng hay mưa và những cuộc câu như thế thì lại rất dài chứ! Câu thật sớm mà về rất khuya của chồng, tôi chẳng lạ gì! Nhưng chị Than, tức tối ngúng nguẩy mãi và tôi có lần đùa: “Hay chị yêu bố của bọn trẻ rồi?”. Cũng chuyện đi câu, chị Than kể chuyện của chồng, là: Cái lão khốn nạn nhà tôi cứ diễn đi diễn lại cái màn câu câu cú cú và thật tội nợ cho cái thân tôi. Sao mà khờ thế? Đã chẳng nghi ngờ vặn vẹo lại còn dặn, nhắc: “Không đem cá về ngay cho đây làm, không khéo ươn mất”. Lão chồng độp ngay: “Nhưng đây lại cứ mặc cho cá ươn. Cá ươn còn có cớ vứt”. Giải thích của lão chồng chị Than, thoạt nghe rất đểu nhưng nghĩ lại, rất gợi, được tôi ghim ngay vào đầu và thi thoảng vẫn nhớ, như sáng này. Không có bọn trẻ, nhà vắng hẳn và buồn. Phải như ông không phải ra Bắc thăm con trai bị tai nạn nhỉ?

Hai

Sẽ là thiếu sót nếu chẳng có mấy lời phiên phiến về tôi. Thì đây! Vừa tròn tuổi bốn mươi, ghét âm nhạc và thích văn học Nga. Aimatốp là số một. Vóc dáng ư? Cũng có hơi đẫy đà dẫu buổi tối vẫn dành đúng một tiếng đồng hồ đi bộ loanh quanh ở một cái công viên sát biển. Dẫu một tuần vẫn đến phòng tập ba lần vào các đêm hai, tư, sáu. Công việc ư? Rất ổn và thu nhập khá. Của nả ư? Thì cũng đường được. Cũng có nhà có đất, rồi nhà trong phố nhà ở ngoại ô, nhà hộp với lại nhà vườn. Gia đình ư? Hết mực hẳn hoi với một chồng và hai con. Chỉ chẳng biết là rủi hay may bởi đôi khi có những ý nghĩ hơi hơi bị thiếu những hẳn hoi. Ấy là từ lúc gặp cái con người tên Khương và thích tự xưng mình là ông này.

Tôi đem theo một ít thức ăn, mấy loại hạt giống rau, bộ đồ mặc trong nhà, mấy lon bia, trái cây. Rồi nói vói lên sân thượng, nơi chị Than đang tưới mấy giò lan hay phơi phóng quần áo gì đấy: “Ô hay! Thế bà không đi với tôi về ngoài nhà à?”. Chị Than kêu lên rõ to: “Ơ! Ơ! Thế à! Thích nhỉ?”. Rồi nhoáng nhoàng các việc và chẳng mấy chốc đã khóa cổng ngoài, yên vị phía sau lưng tôi trên xe. Cái bà này mê về đấy lắm cơ! Và chưa hẳn là do gốc quê gắn bó với vườn tược, đất đai từ trong bụng mẹ đâu nhé. Thường, một tuần vài ba lần, chị Than vẫn phải về đây để quét tước, lấy rau, hái hoa rồi chăm chút thêm cây trái. Chứ việc tưới tắm, mỗi sớm và mỗi chiều tôi đã nhờ bác hàng xóm. Chắc do biết kết hợp chặt chẽ và hợp lý giữa một bên là thường xuyên và một bên là thi thoảng, mà mấy dây mồng tơi, dây mướp hương rồi giàn bầu vườn nhà tốt không tưởng được. Ở phố, không chỉ gia đình tôi mà cả các nhà sát bên đều được ăn rau sạch từ vườn này. Và đấy là hằng bao công sức của ông hàng xóm góa vợ và chị giúp việc bị chồng bỏ. Mấy đứa nhỏ ở nhà hay cáp đôi chị Than với cái ông này. Chị cười: “Được đấy! Hay là chúng mày bảo bố mẹ cho dì ra ở hẳn ngoài đó cho tiện”. Nghe thế, chúng nó la toáng lên: “Thế thì ai nấu cơm cho chúng cháu ăn?”. Chị Than chỉ ngay vào tôi: “Thì cái bà này! Thì mẹ chúng mày chứ ai…”. Chồng tôi gầm gừ bao lần: “Nghe ra, cái lối cư xử của em với chị Than nó chỏi chỏi thế nào…”. Tôi: “Chỏi là sao? Là không tử tế chứ gì!” bằng giọng điệu khiêu khích khiến chồng nín thinh.

Chúng tôi vẫn có kiểu ăn miếng trả miếng thế nhưng ổn. Chồng ơ thờ thì vợ hờ hững. Chồng hằn học vợ dằn xóc. Chồng hăm he vợ dọa nạt. Chồng gầm, vợ gừ thế mà lại yên. Chị Than nhiều lần chứng kiến, trề môi: “Hỏng”. Nhớ hè năm ngoái, hứng chí sao chồng tôi đề nghị cả nhà lên Đà Lạt chơi một chuyến. Tôi còn ngần ngừ, bọn trẻ đã nhiệt tình hưởng ứng bố. Lần duy nhất cả gia đình đủ mặt và cùng nhau, trong tất cả. Cùng ăn cùng uống cùng dạo chơi cùng mua sắm. Không vui chẳng buồn nhưng cái sự hẳn hoi thì không thiếu vắng. Chồng bảo nhỏ vào tai vợ: “Chẳng phải là sợ tốn tiền phòng nhưng muốn cả nhà sống cùng mấy hôm xem sao!”. Hai chữ “sống cùng” dễ liên tưởng đến sự gần gũi mà sao là lạ thế! Cái sự lạ, bắt đầu từ tai nghe cho đến tận trái tim, khi tiếp nhận. Đúng ý chồng, có ngay một phòng rất sang và rất to với hai cái giường rất rộng. Bên này vợ và con gái. Bên kia chồng cùng con trai. Bên này nghiến răng, bên kia đành trở giấc. Bên kia ngáy, bên này bắt buộc nghe. Toilet chung nên sớm mai phải đợi nhau một tí. Chẳng sao! Kể ra, thức vì nhau, tỉnh vì nhau. Ngủ mê được nhờ nhau. Vào toilet trước bởi nhường nhau, cũng là một cái sự tử tế. Và lần đầu, tôi nhận ra vợ chồng mình rồi là cả cái gia đình mình đang rất thiếu những thứ này. Chị Than gọi điện lên hỏi thăm, tôi tưng tửng trả lời: “Chúng tôi đang tập sống cùng đây! Tự bà bảo chúng tôi hỏng nên đang cố chữa. Chỉ sợ bệnh nặng quá, chữa không hết”. Chị Than gặng thêm: “Cái chính là có muốn chữa?” đầy triết lý và trí thức ra trò. Cái chị này, ngày trước, đã xong cấp ba, do thi trượt đại học lại nhà nghèo nên thôi luôn. Về nhà lấy cái lão khốn nạn câu câu cú cú rồi làm ruộng rồi thồi thồi đẻ con. Cũng bí bách quá và hết đường mới phải bỏ vào trong này đi làm ô sin. Cái gốc có học và vốn dĩ là người có chữ nghĩa nên mới được thế.

Tôi luôn mừng vì mình có chị Than ở cùng nhà. Có một bà giúp việc như chị và có một mối quan hệ chẳng chủ chẳng tớ như chúng tôi thế này.

Ba

Về nhà vườn, tôi thích ăn các món nướng. Ở phố, nướng bằng các dụng cụ điện dù đẳng cấp đến đâu vẫn chẳng bằng than. Công việc làm vườn của hai chị em đã xong, từ khi nãy. Tôi đã kịp tắm và thay bộ quần áo mặc nhà. Chị Than, như chỉ chờ được nghỉ tay là ôm ngay mươi cành huệ trắng sang bên ông hàng xóm biếu. Ông này vẫn có thói quen cắm bàn thờ Chúa, Đức Mẹ bằng huệ và phải là huệ trắng cơ. Hẳn vì thế mà chị Than đã ươm trồng ở đây đến mấy luống huệ và chăm rất kỹ. Dù đất cát bên đấy đâu có thiếu. Đấy! Người lo ươm trồng kẻ lo tưới tắm. Tình tứ thế! Ai dám sánh bằng. Nhìn cái cách họ cư xử với nhau, tôi vừa vui vừa thèm. Xao lòng, là tất nhiên và không thể không chạnh lòng. Tôi đem cái bếp lò ra chái sau, lấy ít vụn ngo nhóm. Lửa bắt rất nhanh, chẳng mấy chốc đã bén sang những cục than nhỏ. Khói vừa hết hẳn thì có tiếng xe máy ở ngoài cổng. Tôi biết ngay là tiếng xe của ông Khương và vội chạy ra. Ông bảo muốn dành cho tôi những bất ngờ nên không gọi điện. Có linh cảm tôi ở ngoài này nên đến thẳng đây xin bữa cơm trưa có món nướng. Chị Than cất lời trước: “Chào ông ạ” khi thấy chúng tôi ngồi bên bếp với nhau. Chỉ chào và lặng lẽ xuống bếp làm cơm.

Bữa trưa rất vui với bốn người ngồi xếp bằng trên chiếu. Có bò nướng, cá dìa nướng, đậu phụ miếng lướt ván và rất nhiều rau củ, vừa để luộc vừa ăn sống. Ông hàng xóm đem sang chai vang Pháp, bảo: “Tim mạch tôi trước đây tệ lắm! Nên phải chọn thứ này. Giờ đỡ nhiều nhưng dùng quen, không muốn đổi nữa”. Tôi nhìn chị Than, cợt nhả: “Tự bác không biết chứ bác có đổi đấy thôi! Và biết đâu, nhờ thế mà tim mạch bác mới ổn”. Ông hàng xóm nhìn chị Than rất lâu, mới rề rà nhả từ tiếng một. Những câu chữ ngắn ngủn nhưng được cất lên sau nhiều đắn đo ngẫm ngợi nên nghe ra nằng nặng: “Thế là cô tinh đấy! Đổi thật! Và, cũng đã đến lúc đổi toàn tòng rồi”. Ông hàng xóm này là dân Ki tô giáo nên rất thích dùng chữ toàn tòng. Như xác định cái sự đổi khác của mình, khởi đi từ một thứ thức uống. Trưa đấy, mọi người uống bia trước khi cùng chia sạch chai vang. Tôi thích cái cách mà ông hàng xóm với chị Than dành cho tôi và ông Khương. Chẳng chút thắc mắc dẫu chỉ là một ánh nhìn tra hỏi. Không tò mò không ái ngại về mối quan hệ này. Nghe tôi gọi là ông thì cũng gọi ông, ông. Nghe tôi xưng tôi thì cũng xưng tôi, tôi. Thế thôi!

Ông hàng xóm có dăm lần thấy chúng tôi về nhà vườn này với nhau. Thấy chúng tôi nhổ cỏ, ươm hoa, dọn bàn ra khoảng hiên phía trước uống trà. Thấy chúng tôi cùng ngồi chung xích đu, đong đưa, bên cạnh mấy luống hoa. Thấy chúng tôi cùng lúi húi bên cái bếp than, nướng mấy trái bắp…


Được tạo bởi Blogger.