Tác Phẩm Đạt Giải Khuyến Khích Truyện Ngắn – Cuộc Thi Sáng Tác Văn Hoá Nghệ Thuật Đất Mới 2016

"Bất cứ việc gì ta làm trái với lương tâm đều là tội" - Thánh Tôma Aquinô


Người mẹ dắt tay đứa con gái đi vào thánh đường, tay mẹ nắm lấy tay con, đứa con cố vùng tay ra khỏi tay mẹ. Lúc đó tôi vừa bước ra đến cửa, người mẹ cúi đầu:

- Con chào cha! Con đưa cháu đến nhờ cha nói giúp, con của con nó càng lớn càng ngang ngạnh với con. Con khổ quá cha ơi!


Nghe mẹ nói, đứa con gái vùng tay ra khỏi tay mẹ, quay nhìn sang chỗ khác. Tôi nhìn và nhận ra, chẳng phải đây là đứa trẻ ngoan, ngày nào cũng đi lễ cách nay mấy năm đó sao. Nó thay đổi nhiều quá. Thái độ nhìn tôi lạnh lùng. Đôi mắt hơi đỏ nhưng cố không cho nước mắt rơi. Những lời than của người mẹ bắt đầu tuôn ra như nước mắt. Trốn học, nói dối mẹ, tập hút thuốc, tập uống rượu, đi chơi cả ngày không về nhà… những điều mà người mẹ cảm thấy đôi vai và tình yêu thương con của mình không còn gánh nỗi nữa, sự khẩn cầu đặt niềm tin nơi cha sở, liệu cha có làm gì được để giúp cho người mẹ và đứa con gái này không?

Lúc đó tôi im lặng hơi lâu. Tôi nói nhỏ với đứa con gái: “Con này, cha muốn kể con nghe câu chuyện, con có muốn nghe không?”

Đứa con gái nhìn tôi, nó nói trỏng: “Nghe!”. Câu chuyện cũng lâu rồi, đây là lần đầu tiên tôi nhớ và kể lại…

***

Con đường dẫn vào xóm đạo ngoằn ngoèo , có đoạn hẹp, xe qua lại phải dừng sát vào bờ né nhau. Qua khỏi thánh đường là khu đất rộng thênh thang với một cánh đồng sậy dày và cao hơn đầu người. Chỗ đó ban đầu không có ai ở, sau có một người phụ nữ đến ở. Ban đầu người phụ nữ xin tá túc trong một ngôi nhà, sau bà con trong xóm đạo giúp dựng một căn chòi làm nơi nương tựa. Từ khi sinh đứa con trai được ba tháng, người phụ nữ dọn hẳn ra chòi riêng ở. Ban đêm nghe tiếng sóng từ
sông vỗ vọng vào, tiếng gió luồn qua vách lá, trong căn nhà hai mẹ con cùng ánh đèn dầu quạnh hiu. Cảnh ấy không cũ, nhưng trôi cùng năm tháng suốt mười sáu năm trời.

Mười sáu năm trời đó, người mẹ quần quật với biết bao công việc, trong xóm ngoài xóm ai mướn gì là chị làm hết. Bao nhiêu tiền chị đều để dành cho đứa con trai ăn học. Có người nói, chị hay thiệt, một thân một mình mà nuôi được đứa con ăn học, con chị vừa ngoan hiền lại vừa học giỏi, thật là diễm phúc. Lúc đó, mặt chị mừng vui và đầy hạnh phúc. Nhưng cũng có những câu hỏi làm chị phải lặng im. Sự lặng im đôi khi tàn phá trái tim người mẹ; như một vết thương cũ, tưởng chừng đã nằm im, khi có một cơn gió đi qua cũng đủ gợi lại cho cơn đau quằn quại. Đó là lúc có ai đó hỏi: Chồng cô đâu? Sao để cô ở một mình vầy? Nhà cô đâu? Sao không ai bảo bọc nuôi cô?

Trong căn chòi nhỏ đủ hai mẹ con ở này, những lời dạy của người mẹ không biết chữ luôn treo như một ngọn đèn sáng rọi con đường phía trước cho con. Mẹ dạy: “Học chữ để hiểu biết, để làm người con à!”. Đứa nhỏ ngoan, nghe lời mẹ, đôi mắt ánh lên niềm tin khi lời dạy của mẹ ngọt ngào trìu mến như nước của dòng sông luôn ăm ắp lòng người.

Nhưng tuổi đời lơ đễnh cũng đến với đứa con ngoan. Bạn trêu không có cha, bạn chọc mẹ nghèo mặc áo rách vai, bạn cười không có đứa con gái nào dám thương một thằng có cái áo trắng bận hoài không biết chán… Ban đầu không thể nào đá động được vào pho tượng mẹ - một công trình vĩ đại của đời con. Nhưng sau lòng bắt đầu bị động. Cuộc sống không đơn giản tin là được khi chén cơm hàng ngày đổi lấy càng khó khăn hơn. Khi bạn bè cùng trang lứa ai nấy cũng xa lánh mình. Nghĩ vậy, đứa con ngoan bắt đầu mặc cảm, bắt đầu truy tìm tung tích cha, bắt đầu đặt những câu hỏi khó cho mẹ.

Ban đầu là những lần mẹ lặng im. Sau dần đến nước mắt mẹ rơi và mẹ đã một lần lớn tiếng với con: “Con không hỏi cha là ai nữa có được không?” Đứa con đứng dậy bỏ đi, mẹ cố níu con lại nhưng vô vọng khi nó đã đẩy mẹ nó một cái thật mạnh rồi chạy ào ra con đường cái. Từ đây ra đến con đường cái còn xa lắm, phải qua mấy đoạn ngoằn ngoèo của con đường đất lầy lội vì cơn mưa như trút nước đêm qua. Mẹ té đau, vừa khóc vì đau trong tâm, vừa khóc vì đau với cú té vừa rồi…

Gom hết số tiền có được mẹ lặn lội tìm con. Mẹ lên tận Sài Gòn, ra tận Bình Dương, rồi đi khắp các tỉnh miền Tây, tới đâu mẹ cũng hỏi thăm về đứa con của mẹ. Nhưng mẹ đã bất lực sau đó 5 năm. Mẹ không còn đủ sức khỏe dù niềm tin một ngày nào đó tìm thấy con vẫn còn đầy trong tim mẹ. Mẹ trở về căn chòi ngày nào ở giữa cánh đồng lau sậy…

Xung quanh chòi bây giờ đã có nhiều ngôi nhà mới mọc lên. Nhưng căn chòi vẫn còn đó. Những người hàng xóm tốt bụng đã săn sóc giữ gìn căn chòi này cho mẹ để mẹ có một chốn nương thân quay về. Những cơn ho đầu tiên sau đợt quay về của mẹ vẫn âm ỉ hành hạ mẹ mỗi đêm. Những người hàng xóm đến khuyên mẹ nên đi bệnh viện. Nhưng mẹ không đi, số tiền này mẹ còn để cho con, còn phải trích ra một mớ để tiếp tục cuộc tìm kiếm trong hy vọng mong manh phía trước.

Cơn ho đến nhanh, dồn dập. Mẹ ngày một yếu đi. Đến một ngày mẹ lúc mê lúc tỉnh. Dì Sáu hàng xóm cùng bà con xóm đạo thay phiên nhau túc trực bên mẹ những lúc mẹ mê man. Trong những ngày đau đớn với căn bệnh ấy, có lần cha Mân đã ghé qua. Cha bước vào nhà thăm hỏi mọi người về tình hình sức khỏe của mẹ. Nghe tiếng người, mẹ mở mắt ra, mẹ cảm động khóc ồ lên rồi cố ngồi dậy. Cố gắng bằng tất cả khả năng có được để ngồi dậy. Cha Mân bước lại kề bên mẹ, mẹ ôm chầm lấy cha: “Con ơi, con ơi! Sao con bỏ mẹ mà đi! Con về rồi mẹ mừng lắm, con đừng đi nữa, đừng đi nữa, con ơi! Con ơi!”. Lúc đó mọi người xung quanh và cả cha đều hiểu ra điều gì đã xảy đến với mẹ. Cha Mân là người tinh tế, tuy mới về nhận nhiệm sở, nhưng cha đã nghe qua trường hợp của người phụ nữ nghèo ở tá túc trong khu đất đạo.

Cha Mân im lặng, để cho mẹ nói. Sau đó cha đở mẹ xuống, cũng là lúc mẹ lịm dần vào giấc ngủ mê. Cha đứng dậy từ giã mọi người ra về.

Về đến nhà thờ, lòng cha rối bời, chẳng biết phải xử sự ra sao. Cha lặng im trong bữa cơm chiều: “Lạy Chúa, hãy giúp con có một con đường sáng!”. Và đêm đó cha nghĩ, bất cứ việc gì làm đúng lương tâm đều không có tội. Vậy là cha quyết định hàng ngày sẽ dành thời gian đến chăm sóc cho mẹ và tìm mọi cách có thể để truy tìm tung tích người con trước dự kiến ngày mẹ ra đi của bác sĩ. Theo dự đoán, trong vòng 1 tháng mẹ sẽ qua đời. Tuy nhiên đã ba tháng mà mẹ vẫn còn cầm cự được. Tình hình sức khỏe có chiều hướng yếu nhưng mọi người ai cũng cảm nhận được lòng mẹ rất nhẹ nhàng và rất vui.

Hôm đó mẹ đề nghị mọi người cho phép mẹ được rửa tội tại nhà, và mọi người một lần nữa đã nói dối mẹ rằng, “con mẹ đã là cha, đã được làm cha trong suốt thời gian qua tu học, và con mẹ sẽ làm lễ rửa tội cho mẹ”. Lúc đó mẹ mừng rỡ biết bao, bây giờ mẹ đã tin Chúa không bỏ mẹ - một người không phải tín đồ của Chúa. Thế gian này Chúa có bỏ rơi ai đâu, và bất cứ ai cũng đều hưởng chung một tình yêu bao la của Chúa.

Lễ rửa tội được cha Mân tiến hành tại nhà mẹ. Lúc đó sức khỏe mẹ đã đến hồi suy kiệt, và chỉ sau lễ rửa tội một ngày, mẹ đã được Chúa rước về trời. Lúc ấy mẹ đã cười thật tươi khi những tháng ngày cuối đời bằng niềm tin ở Chúa mẹ đã chống chọi lại với bao đau đớn của những cơn ho…

Đứa con ở phương xa được một cha sở tìm được, theo lời nhắn của cha Mân. Cha sở kể cho người con nghe hết mọi chuyện. Người con lúc đó từ gương mặt lạnh lùng trở nên vô cảm, và sau đó là một cơn đau, nước mắt trào ra ôm mặt gọi: Mẹ ơi!

Đứa con đó sau khi về lại quê hương chịu tang mẹ và cảm ơn mọi người. Đứa con thấy lòng mình như có một hố bom vừa bị chính mình tàn phá. Làm sao để bù đắp được những tháng ngày sắp đến. Một buổi lễ rửa tội. Những năm tháng tu học thành tâm. Và Chúa đã chọn người con trai khi trái tim và tâm hồn anh đã trao trọn niềm tin nơi Chúa.

Đứa con đã kịp nhận ra và đã kịp thấy mình có lỗi với mẹ để làm cho trọn những tháng ngày còn lại của mình. Và mẹ nơi bên Chúa chắc đã mỉm cười vui. Đứa con năm xưa là cha bây giờ đó con ạ!...

***

Đứa con gái không khóc, nó giữ trạng thái không để cho nước mắt rơi trong khi mẹ nó nghẹn ngào. Chiều hôm ấy – lễ chiều, tôi đã thấy đứa con gái ấy đến thánh đường thật sớm, nó quỳ thật lâu trước Chúa. Và nơi kia, niềm tin sẽ gieo rắc niềm tin. Chúa đã hiển hiện trong lòng con người như một mầm sống dẫu mong manh vẫn có thể thành cây, thành rừng để đem đến cho nhau thật nhiều bóng mát…

Mỹ Luông 28/07/2016
Được tạo bởi Blogger.