- Bà Ba Bủng bán bánh bèo, bún bò bên bờ biển, bếp bà bề bộn, bụi bặm, bừa bãi. Bà bê bối bốc bún bỏ bát bẩn bị Bác bảo bộ binh bắt bỏ bóp ba bốn bận. Bà buồn bị bệnh bủng bì. Bà bảo buôn bán bết bát bực bội bỏ bu.

- Cái bọn nhãi ranh này! Mới sáng ra chưa bán mở hàng mà tụi bay đã đến phá đám bà hả? Bà thì… thì…

Bà Bổng chưa nói dứt lời, bọn con nít đã ù té chạy. Bà cười hiền hoà, không nói thêm lời nào nữa.
Thực ra bánh bèo, bún bò của bà Bổng ngon nổi tiếng, bát đĩa rửa sạch sẽ, lau khô bằng khăn sạch. Bún thì bà lấy đũa gắp tử tế chứ đâu có bốc. Vậy mà tụi con nít nghĩ ra hay thật. Chúng nó chắp nhặt được cả thảy 54 chữ B. Đúng là hậu sinh khả… uýnh.


Bà Bổng loay hoay xếp bát đĩa lên bàn và đun to nồi bún bò cho mau sôi để có bún bán cho khách hàng ăn sớm. Ngoài tài nấu bún bò ngon bà còn có lòng đạo đức chân thật; gia đình bà vẫn đọc kinh chung sớm tối trước khi đi ngủ. Ông bà thường cầu nguyện cho hòa bình sớm vãn hồi, cho Đức Giáo Hoàng và tất cả các bậc tu sĩ nam nữ trong Giáo Hội được an khang hồn xác mà chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Bà cũng cầu xin cho gia đình mình được mạnh khoẻ, con cái ngoan ngoãn, sống sao cho công bằng bác ái và nhất là giữ vững đức tin nơi Chúa. Bà buôn bán chỉ lấy công làm lời chứ không hề bôi bác, đong đầy bán vơi bao giờ.

Được cái các con bà rất ngoan, thấy cha mẹ chúng thức khuya dạy sớm, kiếm đồng tiền bằng sự cần lao, nên chúng nó thương mà càng tỏ ra ngoan ngoãn hiếu thảo hơn nữa. Để đền bù công lao khó nhọc của cha mẹ nên chúng học hành chăm chỉ. Sáng sáng thằng Tâm kê bàn và mấy cái ghế đẩu ra cho khách ngồi. Thằng Huy thì đi xe đạp ra chợ mua bún. Cái Trâm thì xách xô nước ra cho mẹ nó rửa chén bát. Sáng nào mỗi đứa cũng được ăn một tô bún nóng trước khi đi học.

Có những hôm trời trở lạnh, gió bấc thổi về từ phía núi, khách hàng thưa thớt, bà Bổng ngồi co ro nhìn ra đường mà thầm lo cho nồi bún của mình. Những hôm trời trở gió chướng như thế là ế hàng, phải ăn bún trừ bữa. Nhưng bà chẳng lo lắng nhiều, theo kinh nghiệm hễ hôm trước ế thì hôm sau lại đắt hàng gấp bội. Bà nghĩ đó là do sự quan phòng của Chúa, Chúa chỉ ban cho bà “hằng ngày dùng đủ” như lời bà vẫn cầu xin.

Thời tiết đã bắt đầu vào xuân êm đềm mát mẻ, gió biển hiu hiu thổi vào làm tỉnh cả người nhưng xa xa vẫn nghe tiếng súng đại bác nổ đì đùng… Dạo này tin tức chiến sự có phần sôi động… Hình như đã mất Kontum, Pleiku rồi đến Buôn Mê Thuột. Thảo nào mà đồng bào chạy về đông quá! Họ tạm trú đông nghẹt người ở các trường trung học trong thành phố Nha Trang. Quán bún của bà bỗng nhiên trở nên đông khách khác thường. Bà chỉ bán đánh vèo một lúc là hết cả bún lẫn bánh bèo.

Bà Bổng và những người hiếu kỳ đến xem đồng bào tản cư ra sao. Chao ơi! Người ở đâu về mà đông thế? Họ đứng ngồi ủ rũ với vẻ mặt thất thần… Thưong ôi! Có biết bao nhiêu là cảnh con mất cha, vợ lạc chồng… Họ đã trải qua đoạn đường dài lửa đạn, máu loang… Có những bà mẹ ngồi khóc thảm thiết một mình trong cảnh lạc lõng bơ vơ vì chồng con bà đã chết hết ở dọc đường rồi. Có bà mắt ráo hoảnh nhìn về chốn xa xăm nào đó, nơi ấy những đứa con yêu quý của bà đã chết vì những quả đạn pháo kích bắn chặn đường. Có bà lúc chạy dắt theo một đàn con nheo nhóc. Nhưng lần lượt từng đứa ngã gục ở dọc đường vì đói khát và kiệt sức. Đường sá tắc nghẽn, xe cộ ngổn ngang… xô đẩy chen lấn đạp lên nhau, đã thế đối phương còn nã súng liên thanh vào khiến máu chảy thành sông…thây người chất thành núi… Làn sóng người cứ xô đẩy bà đi tới… đi tới mãi đến được đây mới hoàn hồn thì hỡi ôi! “Con tôi đâu?” Bà gào lên như người điên, khóc chán rồi bà lại nói lảm nhảm một mình: “Thà chết một đống còn hơn sống một người!”

Than ôi! Thảm cảnh của ngưới dân trong lúc nước loạn lạc không bút nào tả xiết! Bà Bổng bùi ngùi cầm tay một người mẹ mất con, nói mấy lời an ủi… Nhưng nói gì lúc này cũng không thể xoa dịu đuợc nỗi đau khổ mất mát to lớn của những người mẹ bất hạnh kia.

Bà Bổng cũng nghèo, chẳng có gì nhiều để giúp, bà bèn đi mua một thúng khoai lang về luộc rồi đem ra phân phát cho đồng bào, bà còn bảo cái Trâm đun ấm nước sôi, khui hộp sữa đặc ra pha cho mấy cháu bé uống. Bà gặp cậu Tiến, người cùng phố, cậu nhìn bà, nói:
- Bà Bổng tốt quá nhỉ? Nhưng làm sao mà phân phát cho khắp được?

Bà vui vẻ đáp:
- Giá cậu và tất cả bà con lối xóm đều làm như tôi thì thể nào cũng khắp.

Cậu Tiến giàu có nhưng lại có tính khinh người cho nên cậu chẳng hề động mối thương tâm, cậu nhìn đồng bào tị nạn với con mắt thờ ơ theo kiểu: “Sống chết mặc bay, ta đang tìm đường chạy!”
Bỗng thằng Tâm chạy về với vẻ mặt hớt hơ hớt hãi, nó thở hổn hển nói như người hụt hơi:
- Có… phà... phà chở… chở đồng bào cặp bến Cầu Đá. Con… con nít chết nhiều quá! Họ… họ khuân xác lên chất… chất đầy trên bờ biển trông như… như mới đánh được mẻ cá thu lớn.

Nghe con nói, bà Bổng mủi lòng hỏi:
- Tội nghiệp nhỉ? Sao chết nhiều thế?
Bấy giờ thằng Tâm mới hoàn hồn, đáp với giọng hiểu biết:
- Nghe nói phà đi từ Đà Nẵng vào mà trời thì nắng chang chang, chúng nó chết đói, chết khát, rồi nguời ta chen lấn nhau lên phà chật như nêm cối, con nít đứng thấp lại bị làn sóng người ép vào nên chúng nó chết ngạt. Xác chúng nó đem xếp lớp lên bờ cứng đơ như cá. Tội quá má à!

Bà Bổng ứa nuớc mắt nói như người đọc kinh:
- Lạy Chúa lòng lành vô cùng xin thương xót đồng bào chúng con nhất là những trẻ em vô tội. Chết uổng quá!

Rồi ông Bổng cũng vội vã đạp xe về, nói với vợ:
- Có sà lan đón đồng bào di tản, nghe nói cứ chen lấn lên được đấy thì khi ra đến ngoài khơi là có tàu Mỹ đón. Bà nghĩ sao?

Bà Bổng nhìn nét mặt đăm chiêu của chồng thì biết ngay là tình thế rất nghiêm trọng, ngẫm nghĩ một lúc rồi bà chậm rãi nói:
- Đi Mỹ ư? Tiếng Mỹ không biết, ông thì chỉ có nghề đạp xích lô còn tôi thì chỉ buôn thúng bán mẹt, liệu sang bên ấy mình sẽ làm được gì mà sống? Mình là dân nghèo thành thị, “họ” về chắc cũng không sao đâu. Ngừng một lát bà lại nói tiếp:
- Chả nhẽ người Bắc vào không ăn bún, ăn bánh sao? Đồng bào không đi xe xích lô nữa sao? Cũng chỉ còn vài năm nữa là cái Trâm sẽ khấn trọn đời vào dòng Mến Thánh Giá. Thôi ông ạ! Chẳng đâu bằng quê hương mình. Ở đâu cũng phải làm mới có ăn. Tôi không nỡ bỏ cái Trâm ở lại một mình mà đi cho đành.

Ông Bổng cũng đồng ý với bà. Rồi gia đình bà hồi hộp lo lắng chờ đợi một sự đổi thay mà ai ai cũng cho là sẽ ghê gớm hãi hùng lắm! Nhưng biết làm sao hơn? Gia đình bà chỉ biết trông cậy vào sự quan phòng của Chúa. Xin Chúa che chở thương xót cho được sống yên lành.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông Bổng vẫn đạp xích lô, nhưng xem chừng ế ẩm hơn trước. Ông có vẻ già đi nhiều, nước da sạm vàng. Ông thường kêu mệt và đau ở hai bên bả vai. Bà Bổng vẫn bán bún bò, bánh bèo. Mới đầu, dân chúng còn hoang mang lo sợ nên buôn bán chỉ nhì nhằng ngày 3 ký lô bột gạo và chục ký bún. Dần dà khách ăn đông hơn, trong số thực khách của bà có đủ cả dân Nam, Trung và Bắc mới vào. Họ cũng vui vẻ hỏi chuyện bà. Có anh bộ đội hỏi:
- Có phải thím là người Bắc di cư năm 1954 không?

Bà Bổng vui vẻ đáp:
- Phải.
- Thế thì chắc là “ghê” lắm! B.52 cũng không bằng B.54.
Bà Bổng toan trả lời bốp chát một câu, nhưng nghĩ sao bà lại thôi.

Những lúc bánh bèo đã hấp sẵn đầy khay nhưng vắng khách đến ăn quà. Ăn sao nổi nữa mà ăn. Sáu hào một đĩa bánh, mà lương cán bộ chỉ có hai đồng một ngày. Sáng nào cũng đi ăn quà để vợ con nhịn đói sao? Nhưng bà vẫn còn cầm cự được là nhờ mấy ông tài xế xe đò của nghiệp đoàn nhà nước. Họ vẫn sống ung dung nhờ tài xoay sở, như chở hàng chui từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam. Mỗi lần các ông ấy đến ăn uống là quán lại vui nhộn hẳn lên. Các ông ấy ngốn hết cả khay bánh bèo và kể chuyện ồn ào nhất là chuyện đem từ ngoài Bắc vào:
- Bà đã sắm bếp lò để đun than quả bàng chưa? Nghe nói năm 1954 bà chê than quả bang lọ lem, bà bèn di cư vào Nam để đun bếp ga, nay mai lại phải đun than quả bang nữa, hì! hì!

Phải, các ông ấy đã nhắc cho bà biết rằng là bà sẽ phải đun than quả bàng mà chắc đâu sẽ có gạo đặt lên bếp mà nấu. Và những mảnh đời dân Nam không biết sẽ xoay sở ra sao.
Lại có một ông nói bô bô:
- Bà có biết ở Hà Nội các bà bán cà phê gánh ra sao không? Phải có ba bà mới làm ăn được; một bà gánh lỉnh kỉnh ấm nước sôi, cà phê, ly tách v.v… Hễ có khách uống cà phê thì đặt gánh xuống mà pha. Còn hai bà kia có phận sự canh gác hai đầu đường, hễ thấy có bóng công an là báo động cho bà này gánh mà chạy. Còn bán xôi thì phải đi hỏi từng nhà từ chập tối, rồi đến nửa đêm nấu xôi, ba giờ sáng phải đem bỏ lén nơi các cửa sổ của từng nhà đặt mua, không cẩn thận lỡ công an biết thì phiền lắm! Có bà cụ đã ngoài bẩy mươi tuổi rồi mà còn đi bán xôi dạo, hễ thấy bóng dáng công an là bà cụ chạy còn nhanh hơn lực sĩ chạy đua nữa.

Các ông ấy còn nói chuyện tầm phào nữa chứ:
- Chấm dứt chiến tranh, ra Bắc mới biết là đàn ông Bắc chết nhiều hơn, bằng chứng là đàn bà đầy rẫy đến nỗi tụi tôi lái xe ra là các bà sà đến đếm không xuể. Có lần tôi được một bà mời về nhà chơi xơi nước và “ủng hộ người anh em miền Nam tí”. Sáng hôm sau tôi đi chợ Đồng Xuân mua một ký thịt heo đem về tặng là bà mừng hết lớn rồi!

Bà Bổng phì cười ngắt lời:
- Nhờ các ông tí, nói chuyện tầm bậy, lát nữa tôi phải ra biển rửa tai đấy nhá!
Các ông tài xế vẫn còn thích đấu hót nên lại thao thao bất tuyệt:
- Bà Bổng biết không? Ở ngoài Bắc đâu có ăn cắp mà chỉ có cầm nhầm thôi mà chuồn nhanh lắm! Tôi vừa để quần áo ở trong ca-bin xe, vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại mất lúc nào không hay.

Ngày nào cũng như ngày nào toàn chuyện buồn, nghe hoài như thấm vào trí não làm bà Bổng hoang mang lo sợ trước viễn ảnh đen tối của gia đình và của đồng bào. Thành phố cứ vắng dần, hình như đã có nhiều người vượt biển. Còn lại thì người nào cũng sụt cân, mặt mũi hốc hác trông rõ. Đồng bào kháo nhau rằng, số thịt của người miền Nam bị sụt cân đem chất đống lên sẽ bằng một quả núi.
Dạo này ông Bổng gầy tóp đi, ông thường kêu mệt. Bà giục ông đi khám bệnh nhưng các bác sĩ không tìm ra bệnh gì, họ chỉ cho là ông bị đau gan mà thôi. Thuốc thang càng ngày càng khan hiếm, có tiền cũng khó mua được thuốc tốt không bị quá hạn. Bà Bổng thương chồng; cố gắng chạy chữa thuốc thang cho ông nhưng sao bệnh ông không bớt. Ông lại kêu đau vai và ho sù sụ cả đêm. Bà lại đưa ông đi khám bệnh, lần này thì bác sĩ thử nghiệm xong cho biết là ông có “biếu độc” ở gan. Bà lo lắng hỏi:
- Thưa bác sĩ, biếu độc là gì ạ?
- Là ung thư.
- Trời ơi!

Nghe tin sét đánh, bà thảng thốt kêu lên, mặt mày choáng váng, đứng lảo đảo như người say rượu … Bà vội ngồi thụp xuống ôm lấy đầu … Sau cơn xúc động bàng hoàng, bà ngước mắt lên nhìn ông, bà thấy vẻ tuyệt vọng trong ánh mắt u buồn của ông. Ông ngồi yên lặng, đầu cúi xuống, chẳng than vãn một lời. Bác sĩ khuyên bà đưa ông về nghỉ ngơi, bồi dưỡng cho ông.
Bà hỏi :
- Có mổ được không, thưa bác sĩ?
Bác sĩ đáp một cách thản nhiên theo kinh nghiệm nghề nghiệp:
- Mổ cũng thế, không mổ cũng thế. Mổ xẻ chỉ làm bệnh nhân đau đớn khổ sở thêm mà thôi.

Bà Bổng buồn lắm! Bà đành đưa chồng về nhà săn sóc thuốc thang. Bà bỏ cả buôn bán để phục vụ chồng. Nhưng bệnh tình ông chẳng những đã không thuyên giảm mà thân thể ông càng ngày càng héo hắt đi. Nước da sám ngoét. Mắt trũng sâu lờ đờ mệt mỏi. Tuy ông vẫn còn cử động nhưng không đi lại được nữa. Ông nằm liệt giường.

Bà đã cầu xin nhiều, xin Chúa chữa lành bệnh cho ông. Bà cứ lẩn quẩn bên ông cho đến một hôm bà nghe tiếng thở dồn dập, miệng ông há ra ngáp ngáp như cố gắng hít dưỡng khí vào buồng phổi. Đã hơn một đêm ông bí tiểu tiện. Tuy thất học, bà cũng biết thận là một bộ phận cuối cùng trong thân thể đã ngưng hoạt động, tức là ông đã đến giờ phút lâm chung.

Căn phòng im phăng phắc ngoại trừ tiếng thở hắt ra của ông. Thương ôi! Ông đang thở những hơi cuối cùng một cách nặng nề mệt nhọc. Bà gọi tất cả các con đến xúm xít bên giường, cùng nhau thì thầm đọc kinh cầu nguyện cho ông, xin Chúa Kitô, Đức Mẹ Maria, Ông Thánh Giuse đón linh hồn ông về nơi vĩnh phúc.

Trâm, cô nữ tu dòng Mến Thánh Giá, nước mắt lưng tròng hỏi cha:
- Ba có muốn nói gì nữa không ba?
Ông Bổng cố hết sức bình sinh, nhướng cặp mắt mệt nhọc lờ đờ, miệng thều thào, nói đứt đoạn:
- Sống… đẹp… đẹp lòng Chúa!
Bà Bổng và các con đồng thanh đáp:
- Vâng ạ!

Hình như ông còn nghe được tiếng nói của vợ con, thấy ông sẽ gật đầu. Bỗng miệng ông đờ ra, toàn thân bất động. Ông đã trút hơi thở cuối cùng. Hưởng dương 46 tuổi.
Bà Bổng khóc oà lên, gục đầu vào ngực chồng, gọi: “Anh ơi! Anh!…”

Tiếng khóc than ai oán não nùng của mẹ con bà Bổng vọng sang nhà hàng xóm, tin buồn lan xa… Họ hàng bà con kéo đến an ủi… Họ đứng chật cả căn nhà tôn vách ván của bà.
Một bà cụ tóc bạc phơ khuyên bà Bổng:
- Thôi, bà nén lòng để ông nhà về với Chúa, bệnh nan y như ông có kéo dài chẳng những khổ cho bản thân ông ấy mà còn khổ lây đến vợ con. Chúa đã cất gánh nặng cho ông. Bà để ông được yên nghỉ, để các cháu còn tiếp tục học hành và bà lại làm ăn buôn bán. Nghỉ hàng lâu e mất hết khách. Thế ông nhà có trối trăn gì được không?

Bà Bổng gật đầu mếu máo đáp:
- Nhà cháu đã dặn dò mọi sự từ lúc còn tỉnh táo cơ. Lúc nãy, trước khi nhắm mắt, nhà cháu còn dặn vợ con phải “sống đẹp lòng Chúa”.
Nghe xong mỗi người nói một câu, người thì khen ông Bổng là người hiền lành đạo đức, thật thà ngay thẳng. Người thì bảo rằng ông tốt lành quá! Suốt đời làm tôi Chúa, đến lúc lâm chung còn dặn vợ con là phải “sống đẹp lòng Chúa”. Như vậy là ông ấy được lên thiên đàng rồi.

Bầu không khí trong nhà ồn ào một lúc rồi mọi người bảo nhau hợp ý đọc kinh chung cầu nguyện cho linh hồn Phêrô Lê Văn Bổng sớm được an vui nơi chốn thiên đàng.
Cụ bà tóc bạc đặt vào tay bà Bổng một cái phong bì, nói:
- Nghĩa tử là nghĩa tận, gọi là có tí chút để bà xin lễ cho ông. Tôi sẽ luôn cầu nguyện cho linh hồn Phêrô sớm được hưởng nhan thánh Chúa.
Những bà con khác cũng kẻ ít người nhiều phúng một ít tiền để bà thêm vào xin lễ cầu hồn và lo việc mai táng cho ông.

Bà Bổng khóc sụt sịt nói:
- Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ; bà con cô bác thương nhà cháu thế này, cháu biết lấy gì mà đền ơn? Xin Chúa trả công bội hậu cho quý bà con cô bác.

Khách khứa đã ra về, căn nhà bỗng trở nên u tịch lạnh lẽo đến rợn người. Xác ông Bổng nằm bất động trên giường. Bà kéo tấm chăn phủ kín mặt ông lại, lấy thêm nến thắp sáng lên cho ấm áp, đoạn khép cửa phòng ông rồi rón rén sang phòng bên nằm cạnh các con. Bà nghĩ ngợi miên man… nghĩ đến lúc sinh tiền bà thường hay để ý đến những khuyết điểm của ông mà phàn nàn nọ kia… Bà thấy gánh gia đình nặng quá, đã có lúc bà muốn buông xuôi tất cả… Nhưng khi ông mất rồi thì bà chỉ nghĩ đến những ưu điểm của ông mà lòng thương xót khôn nguôi, hai hàng nước mắt chảy dài trên má!… Bà nghĩ đến kiếp nhân sinh sao mà ngắn ngủi quá! Vừa mới tươi tốt đấy, thế mà chỉ trong khoảnh khắc đã ra người thiên cổ!

Bà khóc thổn thức một hồi rồi ngủ thiếp đi… Bà mơ thấy có bóng người mặc áo trắng như Thiên Thần đang bay bổng trên chín tầng mây mỉm cười với bà… Và bà nghe như tiếng ông Bổng nói vọng từ trên cao xuống:
- “Hãy sống đẹp lòng Chúa! “

Được tạo bởi Blogger.