-Một--
Bà Bảy bưng mẹt bán rau
Bánh mì chú Chín đi sau lưng bà
Áy là câu nói vui mà anh em chúng tôi hay chọc ghẹo chú Chín. Chú chín bán bánh mì ở ngay ngã tư Tà Lài, khu vực nhộn nhịp nhất của cái thị trấn vùng cao của chúng tôi.
Khi mà phố thị chưa kịp thức giấc, Chú Chín đã có mặt ở ngay ngã tư để bắt đầu một ngày mới với xe bánh mì thơm lựng những đĩa phá lấu, thịt nướng, vv…Tưởng là Chú cứ chăm chút lo làm ăn chứ ít ai biết rằng Chú đã lo xong một việc cần thiết nhất trong ngày là đã đi dâng lễ sáng mới về.
Cũng đều đều mỗi sáng như thế, ở phía cột điện bên kia đường, có một cụ bà nhỏ thó bày bán trên mẹt nào là rau nhút, rau muống, rau dền, rau lang…những loại rau bà hái trong vườn nhà, mỗi loại dăm mười bó. Rau bà Bảy thì không ngon và đẹp như rau trong hàng quán, nhưng được cái chắc chắn là rau sạch, vì bà Bảy không hề dùng thuốc. Khách qua lại ngã tư này thường ghé mua rau của bà Bảy, vì thấy bà tuy già nhưng cái miệng vẫn còn dẻo quẹo chào mời.
_ Nay cưng ăn giùm cho Bảy mấy bó rau mồng tơi nha Chín! Chỉ cần vài ngàn tôm khô nấu canh với nó là bá chấy!
Chú Chín cười cười nhìn bà Bảy, chú cũng lấy giọng chào mời:
_ Bà Bảy ăn bánh mì buổi sáng nha!
_ Ừa! Zị là xí huề.
Cứ như vậy đó, tình cảm của những con người lao động, chia sẻ cho nhau mà sống. Chân chất và đậm đà.
Bà Bảy với tay đặt hai bó rau lên nóc xe bánh mì làm cho cái cổ áo lệch qua một bên, khoe ra một cỗ tràng hạt đen nhánh. Chú Chín nhìn thấy và vốn đã thân thiện lại càng thân thiện hơn, vì nhận ra người cùng niềm tin với mình.
Làm xong ổ bánh mì đưa vào tay bà Bảy, chú Chín bắt chuyện làm thân:
_ Bà Bảy thường đi lễ nào?
Bà Bảy tròn xoe đôi mắt:
_ Lễ gì?
_ Dạ, con hỏi đi lễ Chúa nhật đó? Bảy đi lễ sáng hay lễ chiều mà con ít gặp.
Như chợt hiểu ra, khuôn mặt Bà Bảy chùng xuống một chút, bà đưa tay kéo sợi chuỗi giấu vào trong cổ áo rồi trả lời với giọng buồn tênh:
_ Tôi không có đạo.
Tới phiên đôi mắt chú Chín như đứng tròng vì ngạc nhiên:
_ Bảy giấu con làm gì, nhìn Bảy với cỗ tràng hạt kia con biết chẳng những Bảy có đạo, mà lại còn ngoan đạo nữa!
Ngắt một miếng bánh mì bỏ vào miệng, Bà Bảy không vội nhai mà cũng chẳng vội trả lời. Đôi mắt của Bà Bảy nhìn vào đâu đó, xa xôi lắm, buồn bả lắm….
_ Cái cỗ tràng hạt của Bảy đẹp quá, chắc là Bảy siêng lần hạt nên tràng hạt mới bóng lên như vậy.
_ ……….
_ Tuổi trẻ tụi con cứ mãi lo cái cơm áo gạo tiền nên rất ít khi lần chuỗi, mỗi ngày cố lắm thì được vài chục…
_ ……………..
Bây giờ Chú Chín mới để ý đến khuôn mặt giống như vô hồn của Bà Bảy, chú khẻ gọi:
_ Bảy ơi! Bộ con có nói gì buồn lòng Bảy hả?
Rời khỏi cái chổ xa xăm nào đó, Bà Bảy định thần một hồi rồi mới trả lời Chú Chín:
_ Không có đâu Cưng, Bảy mà giận ai! Chỉ là tại vì câu chuyện của Bảy nó dài dòng lắm, có dịp nào hưỡn, Bảy kể cho cưng nghe. Thôi lo mà bán buôn đi chứ để trưa mất.
………………………………………………………
Ngồi dưới dàn mướp mát rười rượi, lại thêm mấy cốc nước mưa trong mát, Tôi và Chú Chín được Bà Bảy dẫn về một miền ký ức mà như là một hiện tại đang sống rất mãnh liệt trong lòng bà Bảy.
Cái thời xuân sắc của Bảy lại gắn liền với cái nghèo của thời chiến tranh. Bỏ cái ruộng ở Miền Tây lên Sài Gòn kiếm sống. Người con gái chân còn dính phèn đâu có biết Sài gòn đô hội và vô vàn cạm bẩy. Nhờ cái chân chất thật thà, đơn sơ và giản dị vốn có của người Miền Tây, Bảy được nhận vào giúp việc cho nhà một ông quan Tây. Bảy lo việc bếp núc, giặt giũ và dọn dẹp lau chùi nhà cửa. Công việc quần quật suốt ngày, nhưng với vốn dĩ tính siêng năng cần mẫn của người con gái chân quê đã giúp Bảy chu tất hết. Nhà ông quan Tấy tuy cũng khá rộng nhưng lại rất ngăn nắp nhờ sự sắp xếp của Bảy. Ông Quan Tây thường làm việc ở phòng riêng, thỉnh thoảng khi có khách thì mới ra ngoài. Còn Bà Đầm vài ba tuần ở nhà rồi vài ba tuần lại đi Tây. Bà đi Tây như đi chợ.
Thời gian giúp việc cho nhà ông quan Tây cũng được khá lâu. Tuy có vất vả nhưng không còn phải bương đồng lội ruộng, không phải dang nắng đội mưa nữa. Cái nét con gái chân quê của Bảy đã biến đi mất hồi nào, nhường lại đó là một cô tấm đẹp mặn mà trong vỏ bọc của một Ô shin. Công việc ban đầu tuy có nhiều bận bịu nhưng bây giờ thì đã quá quen thuộc và đều đặn trong một thời khóa biểu. Tình cảm trong nhà cũng dần dà rút ngắn được khoảng cách. Mọi sự tưởng chừng như yên ắng êm trôi, Bảy cảm thấy an phận với công việc và sự bình yên vốn có.
Cho đến một lúc cái nhịp đi về của Bà Đầm mỗi ngày một dài hơn, mỗi lần đi Tây cũng lâu hơn rồi mỗi lần về nhà cũng ở lâu hơn, tưởng cũng chẳng có gì lạ. Thế nhưng cái bất thường ấy đã phá đi sự bình yên của Bảy và đưa Bảy vào một cuộc đời khác, chỉ sau có một lần ông quan Tây mềm lòng trước cái đẹp mặn mòi của Bảy, và Bảy cũng đã không chế ngự được xúc cảm của người con gái xuân thì.
Gần hai tháng sau bà Đầm mới về, cũng là lúc mà Bảy cảm thấy mình nghe hôi cơm tanh cá. Cái chứng nôn ọe đã tố cáo với Bà Đầm những gì đã xảy ra. Như người ăn vụng bị bắt quả tang, Bảy tủi nhục chấp nhận tất cả những đề nghị của bà Đầm như tội phạm nghe lời tuyên án từ thẩm phán. Bà Đầm không làm lớn chuyện vì giữ uy tín cho ông quan Tây, nhưng bà cũng không chấp nhận cho Bảy làm lẽ, vì Ông Tây bà Đầm là người công giáo. Bà Đầm hứa sẽ lo chu tất cho Bảy sinh nở và nuôi con nhưng chỉ được với danh xưng là vú nuôi, còn đứa bé sẽ được hợp pháp hóa là con của ông bà quan Tây.
Được làm mẹ là hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ. Cho dù không chính thức nhưng được gần gủi và chăm sóc cho con, ấy cũng đủ cho Bảy hạnh phúc lám rồi.
Mình đã như vậy làm sao dám ước ao gì hơn!
Nhưng cái hạnh phúc ấy chỉ có được trong một thời gian. Sau khi sinh nở mẹ tròn con vuông, thì cũng là lúc cái hiệp ước của Bà Đầm được thực hiện. Bảy giữ đúng vai trò vú nuôi và Bé Đào mỗi ngày được lớn lên trong sự chăm sóc hết mực chu đáo và tình thương yêu của Bảy.
Cho đến ngày hiệp ước Giơneve được ký kết, ông quan Tây và bà Đầm hối hả thu xếp để về Tây thì cũng là lúc Bảy phải vĩnh viễn rời xa con gái. Kỷ vật cuối cùng của đứa con gái vô cùng yêu thương của Bảy là tràng chuỗi Mân Côi mà ông quan Tây đã đeo cho nó vào ngày nó được Rửa tội. Nó mang cái tên Tây, với tên thánh là Maria, còn tên Đào là tên mà Bảy âm thầm gọi nó………
Bà Bảy uống một ngụm nước mưa rồi đưa tay mân mê tràng chuỗi trên đôi tay gầy guộc, xương xẩu. Một vài ngấn lệ trong mắt Bảy. Bảy mân mê tràng chuổi như thể đang vuốt ve bé Đào của Bảy…
_ Vậy đó, Bảy không có đạo và cũng chưa hề biết lần chuổi, cưng hiểu chưa
--Hai--
Hơn một nữa thế kỷ xa vắng người con gái quý yêu với nỗi nhớ niềm thương luôn ray rứt trong lòng mẹ. Bảy chỉ biết mân mê tràng chuỗi Mân côi để vơi đi nỗi nhớ. Cái kỷ niệm thương đau ấy giờ được khơi lên để chia sẻ cho chúng tôi. Cái thời xuân sắc của Bảy không còn nữa mà trước mặt chúng tôi là một cụ bà hom hem tuổi đã ngoại bát tuần, thân hình còm cỏi, gương mặt khắc khổ nhưng sự linh hoạt vẫn còn. Chúng tôi đến thăm bà thường xuyên hơn và bà vẫn vui vẻ đón tiếp chúng tôi như những người thân. Một hai tuần không đến thì bà trách cứ, còn tuần nào cũng đến thì bà lại dí dỏm:
_ Bảy chưa có treo cờ, chưa đánh trống, mà sao mấy cưng vào nhiều thế?
Chúng tôi cũng hòa theo:
_ Treo cờ, đánh trống sao được Bảy ơi! Còn phải chờ chị Đào về với Bảy nữa chứ!
_ Có hy vọng hông Cưng? Hơn năm mươi năm rồi còn gì nữa! Bây giờ chắc nó cũng đã được làm bà nội, bà ngoại gì rồi.
Nói thế rồi Bảy lại lấy tràng chuỗi ra mà vuốt.
Tôi cầm tay Bảy rồi nói khẽ:
_ Bảy có thể cho con mượn tràng chuỗi một tí được không?
_ Được chứ! Nhưng mà một tí thôi nha.
Tôi trân trọng cầm tràng chuỗi từ trên tay của Bảy, nhẹ nhàng và cẩn thận như sợ nó sẽ vỡ đi mất. Một tay còn lại tôi càm đôi tay gầy còm của Bảy:
_ Bảy đừng vuốt ve Tràng chuỗi nữa nhưng Bảy hãy lần như con nè… một hạt, hai hạt …. rồi đọc kinh Kính Mừng Maria…
_ Bảy đâu có thuộc kinh!
_ Con dạy cho Bảy đọc nhé!
_ Bảy tối dạ lắm, biết bao giờ cho thuộc
_ Thì hôm nay Bảy chỉ đọc Kính Mừng Maria thôi, thuộc rồi mình học tiếp…
_ Ừa thì.. Kính Mừng Maria…. Í cái câu này Bảy thuộc lâu rồi, mà cũng chỉ thuộc có chừng đó thôi
Tôi đã bị thu hút vào câu chuyện của Bảy rồi, tôi ngẫu hứng mà nói luôn:
_ Thì tạm thời Bảy đọc chừng đó thôi, mỗi lần đọc thì lần một hạt. Rồi xin Đức Mẹ cho Bảy gặp lại chị Đào.
Mắt Bảy sáng lên như tìm được nguồn hy vọng:
_ Vậy sao? Vậy có được không?
Tôi mạnh dạn:
_ Dạ được chứ.
_ Vậy thì Bảy đọc nha: Kính Mừng Maria, xin cho con được gặp lại con Đào.
Bà Bảy chỉ đọc được có thế thì nước mắt đã giòng ngắn dòng dài ràn rụa trên khuôn mặt.
Tôi thật sự xúc động trước tình cảm thiêng liêng của một người mẹ đã bao năm dài xa con. Tôi lặng thinh để đồng cảm với Bảy, và cũng là lúc để cho chú Chín nói cho Bảy nghe về Đức Mẹ, giọng chú Chín đều đều mà thấm thía:
_ Đức Mẹ Maria là Mẹ của Chúa, Mẹ cũng đã chịu bao nhiêu thương đau buồn tủi trong cuộc đời, Con Mẹ bị người ta bắt đi, đánh đập, lăng nhục rồi đóng đinh trên Thánh giá…….
Giọng nói của Chú Chín êm êm nhè nhẹ như cơn gió chiều thoang thoảng trên giàn mướp nhà Bảy, gió như thấu hiểu tâm tư tình cảm của Bảy làm cho mái tóc bạc trắng lung linh.
Thế rồi hằng tuần chúng tôi đều đều vào thăm Bảy. Có khi thì tôi và chú Chín, có tuần thì các chị vào thăm. Mà phải kể là mấy bà phụ nữ giỏi thật, chỉ sau có hai tháng mà Bảy đã thuộc hết kinh lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh và lần hạt gọn ơ! Mấy chị còn mở rộng quan hệ quen biết với chị Ba, con gái của Bảy với chồng sau. Lại còn tiếp xúc và thăm nom ông Bảy nữa. Ông Bảy là một người Phật Giáo chính tông nên con cái đều theo Phật hết. Bà Bảy cũng đâu có ngoại lệ! Nhưng Bảy là người Phật giáo có lòng yêu mến Đức Mẹ, vì Bảy nói là Chị Đào của Bảy cũng có tên là Thánh Maria.
--Ba--
Những ngày đầu của thiên niên kỷ thứ ba, cái thị trấn vùng cao này vẫn còn những con đường đất đỏ. Từ Sài Gòn đi về hướng Đà Lạt 125 cây số thì gặp ngay cái ngã tư của thị trấn. Một hướng đi về rừng quốc gia Nam Cát Tiên, hướng ngược lại đi vào trong xã Trà Cổ. Mùa nắng thì mịt mù bụi đỏ còn mùa mưa thì sình lầy ngập gần tới gối! Ở đây người ta thường dùng chiếc xe 67 chuyên chở hàng hóa hoặc mấy chiếc xe thồ để đưa nông sản từ trong rẩy ra chợ. Ít ai có xe xịn, vì xe xịn mà đi đường không xịn thì chỉ tốn tiền sửa. Ấy vậy mà hôm nay lại có một người ăn mặc chỉnh tề đi trên chiếc dream với những ba lô hành lý đi vào con đường Trà cổ. Sự khác lạ gây tò mò cho nhiều người. Ông lặn lội lách tránh những ổ gà, ổ voi, khó khăn lắm ông mới vào được khu vực Ủy ban xã Trà cổ. Thỉnh thoảng lại vào nhà này nhà khác hỏi thăm.
Ở đâu ông cũng bắt gặp những cái lắc đầu không biết, mà trời đã về chiều rồi, ông đành hỏi thăm để người ta chỉ cho ông một nhà nào công giáo. May sao, nhà chị Hường lại ở ngay mặt đường, đi từ xa đã thấy bàn thờ lấp lánh ánh đèn. Ông bước vào nhà và hỏi thăm. Vốn dĩ hiếu khách, Chị Hường mời ông vào nghỉ ngơi. Người khách lữ hành cẩn thận dựng xe rồi mới cởi lớp áo mưa, để lộ một dáng vè đạo mạo trong chiếc áo sơ mi với chiếc cổ col trắng trên cổ áo. Chị Hường vội vả :
_ Xin lỗi, con không biết là Cha hay thầy….
_ Không sao cả, tôi chỉ muốn ông bà giúp cho tôi hỏi thăm một người
_ Vâng, con mời Cha vào nhà, nếu biết con sẽ giúp.
Sau khi an vị ngôi chủ khách, và trao đổi những giao tiếp cần thiết mới biết ra rằng: Người khách lạ ấy là một Linh Mục ở Giáo Xứ Bến Cát, đường Dương Tử Hàm. Trong nhu cầu của giáo xứ, cha đã sang Pháp để vận động xin tiền về xây sửa nhà thờ, Cha đã gặp một người trong đoàn bác ái từ thiện tên là Maria Đào, chị cho biết rằng trước khi cha chị qua đời đã cho chị biết chị còn có người mẹ ruột ở Việt Nam, với nhận dạng và hoàn cảnh như thế.. như thế… Chị đã nhờ nhiều người và nhiều lần tìm kiếm mà chưa được, chỉ biết là đang ở tại khu vực này… Chị muốn tìm gặp lại người mẹ thân yêu của mình…….
Với những mảnh ghép trùng hợp, Chị Hường nghỉ ngay đến bà Bảy, vì đã có lần Bảy ghé chơi nhà chị đã chỉ lên tượng ảnh Đức Mẹ mà nói: “Con gái tôi cũng là Thánh Maria. Maria Đào.”
Khi Cha xứ Bến Cát và vợ chồng chị Hường vào đến thì Bà Bảy đang ngồi lần hạt, Tuy lần hạt đúng cách thức nhờ được học hỏi từ các chị nhưng bà cũng không quên thêm vào câu “Xin cho con gặp lại con Đào”.
Sau khi hỏi han và xác nhận sự thật, Cha đã mời bà Bảy về Sài Gòn để tiện hẹn gặp chị Đào. Bà Bảy mừng như mở hội. Bà ôm lấy tràng chuỗi Mân Côi hôn lấy hôn để. Không biết nụ hôn ấy vì thương nhớ con hay là nụ hôn của lòng tạ ơn thành khẩn dâng lên Đức Me: Thánh Maria.
Sau một tháng mẹ con gặp nhau với biết bao vui mừng, Bảy đã trở về lại nhà và gặp chúng tôi trong niềm vui khôn tả. Ngoài niềm vui của gia đình đoàn tụ, Bảy còn niềm vui to lớn hơn là đã được làm con cái Chúa nhờ Bí Tích Rửa tội và làm con cái của Đức Mẹ: Thánh Maria Trần Thị Kêu.
Gia đình Chị Ba đã sắp xếp cho Bảy một căn phòng riêng, và chúng tôi đã đến đó làm cho Bảy một bàn thờ. Tràng chuổi Mân Côi ngày nào giờ đây được Bảy để ngay dưới chân Thánh Giá Chúa Giêsu, Đấng đã âm thầm và kiên nhẫn tác động trên suốt cuộc đời mà giờ này Bảy mới nhận biết và tin theo. Bảy cũng để trên bàn thờ một tượng Đức Mẹ Mân Côi, người Mẹ đã đồng hành cùng Bảy trong suốt những khổ đau và hạnh phúc mà giờ này Bảy mới thực sự ý thức và mến yêu.
Sau khi làm xong bàn thờ, anh chị em chúng tôi kính cẩn dâng kinh tạ ơn Chúa cùng với Bảy. Cuối giờ kinh, Bảy nâng tràng chuổi trong tay và ôm hôn thật thắm thiết cùng với những giọt lệ hạnh phúc.
Tưởng rằng câu chuyện của Bảy đến đây đã có thể kết thúc, nhưng vì đã qua một thời gian bây giờ mới kể, nên lại có thêm mấy chi tiết mà cũng nên nêu lên để mọi người cùng thấy được sự nhiệm lạ của bàn tay Thiên Chúa.
Chúng tôi vẫn thường xuyên đến thăm Bảy, đọc kinh lần hạt với Bảy. Những ngày Bảy yếu đau, có Dì đưa Mình Thánh Chúa tới nhà cho Bảy. Ngày Bảy qua đời, Giáo họ và anh chị em Legio chúng tôi đến canh thức với Bảy. Nhưng cho tới ngày lễ an táng thì có Linh Mục và các cộng đoàn nữ tu ở xa về dâng Thánh lễ an táng tại nhà của Bảy, mặc dù phía sau tấm phướng có ảnh Chuộc tội là một dãy bàn thờ Phật, bàn thờ Quan Âm và dưới đất thì đầy bàn thờ thần tài, thổ địa của gia đình. Cha chủ tế gọi Bảy bằng từ Ngoại hết sức thân thương và gọi chị Đào là Mẹ thiêng liêng.
Sau đám tang thì vợ chồng cậu con trai, con chị Ba, đã xin đi học giáo lý và nay đã được rửa tội cả gia đình.
Không dừng lại ở đó, anh nay đã là một hội viên Legio Mariae cùng đồng hành với chúng tôi.
Tháng Mân Côi đã hết và tháng các Linh Hồn đã về. Nhưng thiết tưởng Lời kinh Mân Côi không hề bị giới hạn bởi thời gian hoặc không gian. Vườn hoa của Hội Thánh lúc nào cũng thơm ngát muôn hoa. Hoa Hồng, hoa Mân Côi luôn thơm ngát bốn mùa, dù chỉ là đóa hồng nở muộn.
Tháng 11-2013
Lê Tín Hữu(tác giả gửi bài về BBT VTCG)