- Ba ơi! con xin lỗi ba ơi. Hu…Hu…Hu …– nó khóc như môt đứa trẻ lên ba.


Cái không khí ngột ngạt của đám tang giữa ngày hè với khói nhang nghi ngút với tiếng xì xào nói chuyện… tất cả như khựng lại, thời gian cũng như khựng lại để nghe, để nhìn từng tiếng khóc của nó. Nó vừa chạy từ ngoài của vào, gục đầu bên chiếc quan tài đã đóng nắp của ông Thiên. Gã thanh niên hai mươi tám tuổi đầu khóc nức nở như một đứa con nít, bao nhiêu điều dồn nén lâu nay như được vỡ ra trong tiếng nấc nghẹn ngào.
- Ba ơi! Con về rồi đây, ba ơi! Hu…Hu…Hu…


Những ai ở đó, những ai biết chuyện không ai không khỏi chạnh lòng: “Phải chi nó về sớm hơn, phải chi cha con nó làm hòa với nhau sớm hơn”.

Nó vẫn ngục đầu khóc nức nở, bây giờ kỉ niệm gần đây nhất của nó với ông lại là câu nói: “Thằng quỷ! Tao không có đứa con như mày…”

***

Ngày ấy...

Nó giống ở ba “như đúc” cái mũi dọc dừa đặc trưng không lẫn vào đâu được, còn tất cả mọi thứ nó đều khác với ông, đôi khi còn đối lập hoàn toàn. Không biết là trời sinh ra tính nó như thế hay vì nó cố tình cư xử như thế. Ngoài đời ông Thiên vui vẻ, hòa nhã, cởi mở với mọi người bao nhiêu, thì ngược lại, ở nhà ông lại khắt khe và nghiêm khắc bấy nhiêu. Ông là người có học nên mọi điều ông nói và làm đều rất được mọi người nể trọng. Ông sống Đạo rất tốt, lời ăn tiếng nói với mọi người ông rất từ tốn, khiêm nhường. Làng xóm nhìn nhận ông là một người “đạo đức”.

Nhà chỉ có hai anh em trai, nó là anh. Nó là một đứa rất thông minh, nhưng cũng là một thằng ngang ngạch, nó luôn làm ngược ý ba nó...Có lẽ vì nó không thích cách sống của ba nó: vui vẻ với người ngoài nhưng khắt khe với tụi nó...

Từ nhỏ đến lớn, đã bao lần ông Thiên phải đi tìm nó về, đã bao lần ông phải tới tận tiệm Game, quán Bi-da mà áp tải nó về. Đòn roi của ông Thiên đối với nó không có tác dụng, lời nói nặng, lời nói nhẹ cũng như “nước đổ đầu vịt”. Cuối năm mười hai, nó bỏ bê học hành, chỉ lo lêu lổng bạn bè. Ngày Chúa nhật hôm đó, nó bỏ lễ, tụ tập ở quán Bi-da, tay cầm “cơ”, miệng phì phèo điếu thuốc, nó đang nheo mắt nghiên cứu về đường “cơ” cho mấy viên bi trên cái bàn Bi-da, miệng nói vài câu tỏ ra là “chuyên nghiệp”. Ông Thiên xuất hiện, thấy nó, ông giận quá, ông tiến tới, chưa cần nói câu nào, ông cho nó một bạt tai như trời giáng. Ông chửi mắng nó trước mặt bạn bè của nó. Như bị tạt gáo nước lạnh, nó sững người...Tự ái, cảm thấy quê trước mặt bạn bè, nó lao thẳng về nhà vơ vội vài bộ đồ, mặc cho mẹ nó khóc lóc can ngăn. Nó đi thẳng, không một lời phân bua. Trí trai vẫy vùng, biết đâu nó cũng đã nghĩ tới việc này từ lâu.
- Mặc xác nó! Ở nhà cho đi ăn học mà không biết nghĩ, thử để ra ngoài đời nó có sống được không, bà cứ để yên đó, xem nó đi được bao lâu – Ông Thiên hậm hực quát mắng vợ khi bà có ý khuyên ông đi tìm nó về.

- Tôi cũng cấm bà đi tìm nó hay dấm dúi gì cho nó... Đúng là “con hư tại mẹ”... – Ông vẫn độc đoán và gia trưởng như thế.

Vợ ông cũng biết tính ông thế nên cũng đành thôi không khuyên giải, thương con nhưng sợ cái tính nghiêm khắc và ngoan cố của chồng, bà đành nín lặng. Bà chỉ biết cầu xin Chúa thương mà che chở cho con bà được bình yên và mau chóng trở về. Bà lo lắng lắm, chẳng biết nó có chịu về hay không, cả chồng và con bà đều có cái tính ngang không ai bằng. Bà đành lặng thinh chờ ông nguôi giận.

Mấy ngày sau, bà được tin từ người họ hàng dưới Sài Gòn. Nó xuống Sài Gòn, vào nhà người chú họ ở nhờ vài ngày. Nhờ tính thông minh, nhanh nhẹn, vài ngày sau, nó xin được việc cho một gara sửa xe, ăn ở tại chỗ nên nó chuyển qua đó ở. Vui có, buồn có, lo lắng đủ điều. Lòng người mẹ hiền ngổn ngang trăm sự...
- Hay tôi đi đón nó về ông nhé? Nó đang ở dưới Sài ... – Bà lựa lúc ông Thiên vui để mở lời.
- Tôi cấm bà. Nó đi được thì tự về được... – Ông cáu gắt, ngắt lời bà.

Một tuần, rồi một tháng, rồi mấy tháng trôi qua. Mâu thuẫn giữa hai cha con chẳng chịu ngừng. Đôi lúc bà thấy ông Thiên ưu tư thở dài phiền muộn, nhưng ông vẫn nhất quyết không chịu “xuống nước”. Khổ cái hai cha con có cái tính “ngang” giống nhau “như đúc”.
- Con ơi! Con thương mẹ, thương em con, mà về xin lỗi ba con đi con à! – Bà sụt sùi trong nước mắt.
- Mẹ cứ về nhà đi, khi nào “ổng” xuống xin lỗi con thì con về. – Nó nói trong hậm hực.

Ông biết bà đôi lần lựa lúc ông đi công lo công việc ở xa mà lén xuống thăm nó, rồi bà cũng giấm dúi cho tiền nó. Ông cũng cố tình làm như không biết. Dẫu vậy hai cha con vẫn chưa nói với nhau một câu nào.

Lâu dần rồi cũng nguôi. Nó bỏ đi cũng gần hai năm, rồi quen một cô gái dưới đó. “Trai phiêu bạt gặp gái giang hồ”. Nó cũng chẳng cần cưới hỏi hay xin phép gì. Nó và cô gái đó về ở với nhau, trở thành vợ chồng. Thuê nhà trọ, hai vợ chồng cũng lo liệu được êm thấm. Bà mẹ cũng lên thăm, cũng chẳng biết khuyên giải thế nào, chỉ biết xin Chúa con mình sống tốt. Đứa con dâu cũng biết thân biết phận, thưa đáp rất phải phép. Ông Thiên cũng phong thanh biết chuyện nhưng chẳng phản ứng gì. Ông bùi ngùi suy tư...

Vợ chồng nó sinh được một đứa con trai kháu khỉnh, vợ chồng vui mừng, bà mẹ xuống thăm, sắm đủ thứ cho cháu. Bà dặn dò con dâu đủ điều về cách chăm con nhỏ, kiêng cữ này kia. Ông Thiên biết tin vui lắm nhưng cũng chẳng nói gì, ông cũng lén xem tấm hình cháu nội mà vợ ông có được, nhìn đứa cháu nội kháu khỉnh, bụ bẫn, ông tủm tỉm cười một mình... Dù sao cũng là máu mủ nhà mình, là đứa cháu nội đầu tiên nên ông vui lắm.
- ... Bữa nào bà bảo vợ chồng thằng Thiên về nhà chơi ít bữa ... – Ông chần chừ mở lời.
- ... Được...được... Để tôi nói nó ... – Lòng bà Thiên như chưa bao giờ vui thế. Nỗi khổ tâm bấy lâu nay đè nặng trong lòng bà nay phần nào đã được trút bỏ. Bà vui mừng đáp lại.
- Khi nào con rảnh, con sẽ về... – Nó trả lời bà cụt lủn. Nó vẫn tự ái, nó vẫn giận ba nó. Đã quá lâu rồi nên nó thấy ba nó với nó như xa lạ quá rồi. Có lẽ nó chỉ về khi ba nó chịu xuống xin lỗi nó.

Ông Thiên có đôi lần gặng hỏi vợ, nhưng bà Thiên nói đổ rằng nó bận việc chưa về được. Ông cũng biết nó còn giận ông, chuyện lâu quá rồi, nhưng xin lỗi nó sao mà khó quá... Ông ưu tư đủ điều. Ông nhớ mặt nó, ông mong gặp cháu nội, ông thấy thiệt thòi cho đứa con dâu, ông suy nghĩ về “việc Đạo Nghĩa của con ông”... Nhưng ông đành bỏ ngỏ.
- Con thu xếp về nhà chơi còn à! Rồi cũng phải làm giấy tờ, hợp thức hóa cho vợ con nữa chứ, con không định Rửa tội cho thằng cu Bin hay sao... Mình là người có Đạo mà con. Ba con có nói với mẹ như vậy, ráng thu xếp mà về nha con... – Bà nhẹ nhàng nói với nó.
- Vâng... Để con thu xếp...- Nó vẫn trả lời qua loa rồi lảng qua chuyện khác.

Vợ nó cũng chẳng dám đòi hỏi điều gì. Có đôi lần vì tiện đường nên nó cũng tạt vào 38 Kì Đồng, vào nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Có khi nó chỉ đứng trước tượng đài Đức Mẹ một lát, có khi ngồi trong nhà Thờ một hồi lâu, có khi cũng chỉ dựng xe đứng bên ngoài hàng rào một lát rồi đi, chẳng biết nó có cầu nguyện hay đọc Kinh gì không... Bấy lâu nay nó có “Lễ lạy” gì đâu. Lòng nó cũng khổ tâm lắm... Nhưng không hiểu sao nó vẫn chưa chịu về.

Có lần vừa ngồi ăn cơm vừa xem Ti-vi cùng vợ con, thấy quảng cáo cảnh gia đình đoàn viên ngày Tết. Thằng con hai tuổi vô tư bập bẹ nói theo: “Vậy mình còn được gặp ông bà mấy lần nữa hả ba?”, “Liệu sức khỏe ông bà có tốt không ba?”. Lòng nó như thắt lại, một nỗi ái ngại, bề bộn len vào trong lòng đôi vợ chồng. Đứa con thơ vẫn hồn nhiên nói theo với cái giọng miền Nam thật dễ thương... Nó cúi đầu lùa vội chén cơm cho xong bữa...

Chuyện nó định làm thì chưa làm được. Chuyện ông Thiên muốn làm cũng chưa làm được. Ông bị té xe, tưởng chỉ bị xây xát nhẹ nhưng đưa đi cấp cứu thì không kịp. Ông chết quá đột ngột. Vợ ông nghẹn ngào gọi điện cho nó. Gạt bỏ tất cả công việc, nó tức tốc đón xe về nhà.

***

Nó lại nức nở khóc: “Ba ơi! Con xin lỗi ba...hu...hu...hu...”

Mồ hôi chảy trộn cùng dòng nước mắt nóng hổi, nó khóc... tiếng khóc càng xót xa. Hai cha con nó giống nhau quá, bên ngoài là cái mũi dọc dừa còn bên trong thì tình cảm thật nhiều, và tự ái cũng thật nhiều. Nó như “Đứa con hoang đàng” chạy về quỳ bên chân người cha mà xin lỗi, chỉ khác là đã muộn quá. Ông Thiên chẳng thể được thấy mặt đứa cháu “đít tôn” của mình, chẳng thể bồng bế đứa cháu mà đi khoe khắp xóm làng, cũng chẳng thể có được một bữa cơm đầy đủ cả gia đình nữa rồi.
- Con hứa với ba...! Ba ơi ba! – Nó hứa với ông Thiên hay là nó hứa với chính lòng mình. Giờ đây nó biết phải làm gì để ông Thiên được yên lòng. Những gì nó chưa làm được, những gì nó bỏ ngỏ thì giờ đây nó sẽ làm.

Tiếng chuông Nhà thờ dường như ngân vang và trong trẻo hơn hẳn mọi khi, hay đã lâu lắm rôi bây giờ nó mới nhận ra như thế. Thánh lễ an táng dành cho ông Thiên bắt đầu. Một Thánh Lễ cuối cùng dành cho ông nhưng lại là Thánh Lễ bắt đầu lại đối với thật nhiều người. Một Thánh lễ đoàn viên, một Thánh lễ của sự trở về đối với nó – “Đứa con hoang đàng”.


Được tạo bởi Blogger.