(Mã số VVYT 17-021)
Cha mẹ đã yêu con bằng một tình yêu khôn tả
Để dù ở gần xa con nao nức hướng về|
Có cái gì hơn cả đam mê
Khi bàn tay mẹ vỗ về nhẹ vương vào má
Giữa hương gió mùa thu êm ả
Mẹ ru con vào giấc ngủ yên bình.
Mẹ ơi!
Mẹ đã mang con suốt chín tháng mười ngày
Và có phải vì con ngày một nặng,
Mà bóng mẹ đổ dài choạng vạng chiều hôm?
Và con biết… cha ơi… con biết,
Để lo cho con có một mái nhà mà hàng đêm cha mất ngủ
Thao thức dạy con nên người cho xứng con cha.
Có những điều con không thể nói ra
Cứ day dứt vô tình trong lặng lẽ
Mười tám năm trời học, ăn, chơi, bám mẹ
Vẫn giữ trong mình những nỗi niềm riêng.
Hình ảnh mẹ cha hiền sao quá đỗi thiêng liêng
In đậm bóng hình trong con từ những ngày thơ bé
Thử hỏi có cái gì yêu thương hơn thế
Là khuôn mặt mẹ cười bên nồi cơm đầu mùa nghi ngút bốc hơi?
Có cái gì, cha mẹ của con ơi…
Nếu ngõ xóm đường làng mẹ cha không in bóng
Nếu vườn nhà mình không có bụi mía, hàng rau
Và đông đến, nếu bếp hồng kia vắng lặng
Không tiếng mẹ nói cười sưởi ấm trái tim con.
Ôi! Có cái gì đau đáu tận lòng con
Khi bóng mẹ con nay gầy hơn trước
Khi mái tóc cha nay chuyển màu sang bạc
Mà con vẫn còn… là một đứa trẻ thơ ngây…
(Mã số VVYT 17-020)
Chiều ba mươi Tết, Hoàng vẫn chưa rời khỏi cổng chợ. Những chiếc chõng hàng xéo cuối cùng đang được Hoàng cố gắng chất lên cho gọn gẽ. Nhìn thằng bé nhễ nhãi mồ hôi, trông đến tội nghiệp. Bà Lan ở quầy bánh kẹo, sau khi thu dọn đồ đạc gọn ghẽ, bà quay lại vẫn còn thấy Hoàng đang xăng xít dọn dẹp chưa xong. Bà bảo Tâm con gái bà:
- Con gọi thằng bé kia lại cho mẹ nhờ chút.
…
- Thằng kia, thằng kia… Lại cho nó chứ gì, lúc nào cũng cho nó, còn con xin mấy đồng lẻ cũng không cho.
- Đến bao giờ con mới bớt lo cho bản thân để nghĩ đến người khác thế hả Tâm? Mẹ có dạy con sống ích kỉ như thế không hả? Chúa ban cho mình có điều kiện không phải để tiêu xài hoang phí, nhưng còn phải biết chia sẻ cho những người kém may mắn hơn chúng ta…
Bà còn chưa nói hết thì Tâm đã ngắt lời:
- Gọi thì gọi, gì mà lợi dụng để lên lớp thế không biết.
Tâm vùng vằng bỏ đi.
- Đúng là con với chả cái.
…
- Này, này, lại mẹ tui nhờ chút.
Hoàng đang khuân dở chiếc chõng, nghe Tâm gọi liền đặt xuống vội vàng đi lại chỗ bà Lan. Ở chợ này mọi người đều quý cái sự nhanh nhẹn ấy của Hoàng, gọi là tới ngay, không chần chừ giây lát.
- Thưa bà gọi con.
Tâm đứng liếc nhìn mẹ, nó lè cái lưỡi dài thườn thượt rồi bỏ đi.
- Ờ, hai anh em con đã chuẩn bị tết đến đâu rồi?
Hoàng gãi đầu. Thật ra Hoàng đã chuẩn bị được cái gì đâu, ngoài ít gạo, mấy cái bắp xú và một ít thịt được mấy người ở quán hàng xéo trả công. Đối với anh em Hoàng, cái Tết như thế là quá thịnh soạn rồi. Cả năm đi làm thuê, Hoàng cũng chỉ mong đến ngày Tết có cơm cho hai anh em ăn là mừng lắm. Thấy Hoàng gãi đầu, bà Lan vừa bật cười vì cái tính nhút nhát của cậu bé, vừa thấy thương cho hoàn cảnh của cậu. Mới mười bốn, mười lăm tuổi mà phải lăn lộn với cơm áo, gạo tiền để nuôi em. Bà với tay lên sập lấy một cái bọc đen được gói sẵn trong đó đưa cho Hoàng.
- Con cầm lấy về lo Tết cho em nhé.
Hoàng ngại ngùng không dám cầm, dù cực khổ nhưng Hoàng chưa bao giờ dám ngửa tay đi xin ai cái gì. Ba mẹ cậu vẫn thường dạy: “của biếu là của lo, của cho là của nợ. Chỉ có những gì mình tự làm ra mới bền vững”. Thấy cậu bé lưỡng lự, bà như hiểu ra nên tiếp lời:
- Con cầm đi, đừng ngại, coi như bà mừng tuổi hai đứa.
Hoàng đỡ lấy món quà bà Lan đưa.
- Con cảm ơn bà Lan nhiều lắm, lúc nào bà cũng cho anh em con quà, không biết đến lúc nào con mới đền ơn cho xứng.
- Có gì đâu mà ơn với nghĩa chứ, con cứ sống ngoan như thế là bà vui rồi. Thôi về đi con, còn có mấy tiếng nữa là đến giao thừa rồi đó.
- Vâng, chào bà con về.
Dọn dẹp xong Hoàng vội vã trở về nhà, về đến đầu ngõ đã thấy đứa em gái đang lon ton chạy ra đón anh. Vừa nhìn thấy anh, đứa bé đã reo lên vui sướng:
- Anh Hai, anh Hai về rồi!
Hoàng đặt túi quà bà Lan vừa cho xuống đất, dang hai tay ra ôm lấy cô em gái bé nhỏ vào lòng, vuốt ve mái tóc vàng hoe của em.
- Hôm nay bé Hoa của anh ở nhà có ngoan không, có bị ai bắt nạt không? Ăn bánh anh gởi về có ngon không?
- Ờ, dạ. Em không biết.
- Sao lại không biết, ăn mà cũng không biết ngon hay dở hả ngốc?
Hoàng vừa nói vừa véo vào má Hoa.
- Không phải, mà em cho ông ấy cái bánh đó rồi, Hoa vừa nói vừa chỉ tay về phía ông cụ đang ở cái lán ngoài cánh đồng.
Ngoài cánh đồng có cái lán của nhà ông Quang bỏ trống, mấy tuần nay không biết có ông cụ từ đâu tới xin ở nhờ ban đêm, ban ngày ông đi xin những đồng tiền lẻ của những người hảo tâm để sống qua ngày. Thấy ông cụ, bé Hoa đã cho ông chiếc bánh mì ba tê của anh Hai gởi người ta cầm về cho em.
- Ông nào hả em? Có người mới đến đó hả?
- Em không biết, em thấy ông ấy ở đó.
Nghe em nói, Hoàng giật mình nhớ ra, mấy tuần nay cậu lo làm cả ngày đến tối mịt mới về, đến sáng lại đi từ sớm nên chẳng còn để ý đến ai xung quanh mình. Cậu mở gói quà bà Lan vừa mới cho, hai mắt sáng lên khi nhìn thấy một cặp bánh chưng to, một cây giò và một đùm bánh kẹo. Từ ngày ba mẹ qua đời, để lại hai anh em côi cút đến nay, đây là cái Tết thứ tư. Bốn năm rồi, hai anh em Hoàng có biết mùi vị của bánh chưng ngày Tết là gì, càng không biết đến miếng giò, chứ nói gì đến bánh kẹo. Thế mà năm nay vừa có giò, có bánh chưng lại có cả kẹo bánh nữa, đối với Hoàng đây là một cái Tết đầy đủ nhất. Nhưng Hoa thì khác, kẹo là cô bé thích nhất, con nít ai mà chả thích bánh kẹo chứ. Hoa tròn xoe mắt nhìn thành quả lao động của anh Hai với niềm vui xen lẫn tự hào:
- Anh Hai em giỏi quá, mai mốt lớn lên em cũng đi làm giống anh Hai.
- Đây là quà người ta cho anh em mình.
Hoa thấy anh lấy bịch xốp san gói kẹo ra, rồi lại lấy con dao cắt cây giò mà không hiểu anh đang làm gì.
- Anh Hai làm gì thế ạ?
- Anh muốn chia cho ông cụ ngoài cánh đồng để ông ấy cũng được ăn Tết như chúng ta.
Nói xong anh xếp một chiếc bánh chưng, nửa cây giò và phần bánh kẹo vào một cái bịch xốp khác. Cậu nhìn cô em nhỏ cười.
- Em đi với anh nhé!
Hai anh em đi tới cái chòi thì không còn thấy ông cụ ở đó nữa. Ông đã dọn đi nơi khác rồi. Không thể chia sẻ món quà của mình cho ông cụ nhưng cả hai anh em đều thấy vui, niềm vui từ chính tấm lòng của họ khi biết nghĩ đến người khác.
- Mình về thôi em.
- Anh Hai ơi, Tết đến rồi, Tết của tình yêu.
Hoàng quay lại nhìn cô em gái cười hiền.
Ừ, Tết đã về,Tết của tình yêu.
Mã số: 17-025
Độp, độp, độp…
Con bé đang trong tư thế bò trên mặt đất để cố lượm thật nhanh mấy trái xoài chín dưới gốc cây và mắt nó đảo theo ba trái xoài vừa rụng. Chiều nay, gió to nên xoài rụng nhiều. Nó đang rướn mình nhặt mấy trái xoài trước mặt thì chân nó trượt lên tàu lá chuối tươi. Con bé té sấp mặt trên đất. Như một phản xạ, nó kêu á một tiếng.
Không ngờ tiếng kêu của nó đánh thức ông Chữ. Ông la to lên: “Đứa nhóc nào đấy, lại lượm xoài nữa hả? Có đi ngay không ông ra đập cho một gậy bây giờ!”. Con bé vội túm lấy bọc xoài rồi chạy nhanh ra khỏi vườn chuối dù biết rằng ông Chữ không bao giờ bắt được nó vì ông Chữ chỉ có một chân. Nó vừa đi vừa lý luận rằng ông Chữ thật là khó tính, cái vườn này của bà Năm, em của ông nội nó mà. Cây xoài này đương nhiên là của bà Năm. Có lần bà Năm thấy hai chị em nó nhặt xoài thấy thương quá. Bà Năm nói dượng Sáu trèo lên cây hái cho hai chị em nó một thúng xoài chín. Thế là hai chị em khệ nệ khiêng thúng xoài về.
Dù phàn nàn ông Chữ nhưng con bé thấy tội ông lắm. Ông Chữ là người duy nhất trong làng của nó không phải là người Công giáo. Ông sống cô độc trong căn nhà mái lá vách đất. Nó nghe nội kể hơn ba mươi năm trước, ông Chữ cũng có vợ và một đứa con nhỏ mười tuổi, trạc tuổi nó bây giờ. Dân làng không biết nguồn gốc gia đình ông Chữ ở đâu; chỉ biết là ông Chữ cùng vợ con sống trên một chiếc ghe nhỏ. Họ ở đâu trôi dạt về khúc sông này. Thế rồi một đêm nọ, quân Mỹ ném bom xuống làng nó. Ghe của gia đình ông Chữ trúng bom. Sáng hôm sau, Bà Năm thấy ông Chữ nằm dưới gốc cây bình bát nhưng chỉ còn một chân, máu chảy ra nhiều. Ba ngày sau, người ta vớt được xác vợ và con trai của ông ở khúc sông dưới. Lúc đó, ông Chữ kêu la thảm thiết trong đau đớn, ông đập đầu vào tường, đấm vào ngực mình mặc cho nhiều người can ngăn. Thế rồi, một tháng sau, ông Chữ thôi khóc, chẳng ai biết ông không khóc nữa vì kiệt sức hay vì quá đau không thể đau hơn được nữa. Chỉ biết rằng nỗi đau đó đã làm teo tóp tâm hồn ông. Mọi người không còn thấy ông cười nữa; thay vào đó là tính thô lỗ, cộc cằn và dễ gắt gỏng với người khác. Xót thương cảnh đời của ông, bà Năm cho ông trú ngụ trong vườn chuối của mình. Dưới gốc cây xoài, người ta dựng cho ông một túp lều. Nhiều năm qua, túp lều được thay thế bằng căn nhà mái lá vách đất.
Hơn ba mươi năm, ông Chữ sống trong nỗi đau mất vợ con. Nỗi đau ấy quay quắt dày vò tâm hồn ông. Nhiều người khuyên ông theo Chúa nhưng ông im lặng. Có lần sau khi nghe bà Năm khuyên giải, ông đã quát to: “ Chị có ở trong hoàn cảnh của tôi đâu mà chị biết. Nếu Chúa của chị là Đấng yêu thương thì sao lại để cho tôi phải đau khổ như thế này?”. Lời động viên của bà Năm không thể nào xua tan đi nỗi đau gặm nhấm tâm hồn ông đã rất lâu khi mà bà chưa bao giờ mang nỗi đau như ông. Mà cũng khó lắm để vực dậy lòng ông Chữ khi mà vết thương thân xác cứ rõ mồn một. Hằng ngày, cái chân cụt cứ làm khổ sở ông về sự mất mát của thân xác ở hiện tại và nỗi đau tinh thần trong quá khứ. Đồng thời nó cũng nhắc ông về niềm hạnh phúc của một gia đình mà ông đã từng có. Đối với ông, dường như Thiên Chúa không thể giải thích được tại sao cuộc đời ông lại khốn khổ như thế này; Thiên Chúa ở nơi xa vời còn ông thì ôm nỗi đau của riêng mình.
Ông Chữ kính trọng ông nội con bé vì ông nội nó là người hiền từ và hay thương người. Dân làng nói về ông nội nó là: “ Ông Cát hiền như đất ấy”. Thỉnh thoảng, ông nội nó làm cho ông Chữ đôi nạng mới và ông nội nó cũng là người vất vả nhiều lần để xin các khoản tiền trợ cấp cho ông Chữ. Trước kia, ông Chữ cũng không thích nghe ông Cát nói về Chúa. Biết thế nên ông Cát cẩn thận và tránh nói chuyện trực tiếp về Chúa. Nhưng sau một sự việc xảy ra, ông Chữ đã thích nghe ông Cát nói chuyện nhiều hơn. Chuyện là một lần nọ vào ngày giỗ của vợ con ông Chữ, ông Chữ đã uống rất say, không ai biết là ông đã uống bao nhiêu chỉ biết là chưa bao giờ ông say khướt như thế. Ông Chữ không đi nạng nữa. Ông lết từ quán nhậu về nhà. Khi đến nhà ông Cát, ông Chữ không thể lết nổi nữa mà lăn ra ngủ trước sân. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trên chiếc nệm của ông Cát. Còn ông Cát thì nằm trên chiếc chiếu nhỏ trải dưới nền nhà. Ông Chữ hỏi ông Cát: “Sao anh lại cho tôi nằm trên giường còn anh nằm dưới đất thế kia ?”. Ông Cát trả lời: “Tối qua, tôi thấy chú say quá, tôi sợ ban đêm chú nằm dưới đất có thể bị trúng gió nên tôi để chú nằm trên giường”.
Có lẽ cảm kích trước hành động bác ái của ông Cát nên ông Chữ ghé chơi nhà ông Cát nhiều hơn. Ông Cát thấy ông Chữ đi lại vất vả với cặp nạng nên ông cũng qua chơi nhà ông Chữ nhiều hơn. Thế là những câu chuyện của họ không dừng lại ở chuyện của hai người mà của những người quanh họ, rồi cả những người ở làng này và làng bên.
Khi biết ông Chữ đã quý mến và tin tưởng mình nhiều, ông Cát tìm cách nhen nhúm trong lòng ông Chữ niềm tin về Chúa nhưng không đi một cách trực tiếp mà ông bắt đầu từ nỗi sợ hãi ghê gớm nhất của bất kỳ một con người nào trên thế giới này. Đó là cái chết. Mỗi lần trong làng có ai qua đời, ông Cát đều kể lại cho ông Chữ nghe một cách tỉ mỉ. Có khi là một bà cụ chết trong đau đớn với căn bệnh ung thư. Có lúc là một chàng thanh niên đang khỏe mạnh, vui vẻ lại ra đi một cách bất ngờ vì tai nạn giao thông hay là một đứa bé té sông chết đuối... Và ông Chữ cũng có lúc suy nghĩ về cái chết của chính mình. Ông ước mong đi tìm một cái chết bình an thật sự chứ không phải là một cái chết để kết thúc mọi đau đớn đã tồn tại rất lâu trong lòng ông.
Vào buổi tối một ngày rằm, nước sông dâng lên cao và tràn vào hai bên bờ, con nước bò vào vườn chuối. Sáng hôm sau, cả vườn chuối uể oải vươn mình trong nắng ấm. Bà Năm nhận ra căn nhà mái lá đã ngập trong nước, bà mở cửa bước vào thì thấy ông Chữ đang nằm co ro trong con nước trên thanh giường kê cao hơn mặt đất một viên gạch. Bà báo tin cho ông Cát. Thế là ông Cát, bà Năm và người con trai của bà cùng dọn dẹp và phơi nắng mọi thứ đã bị ướt.
Sau lần nước lên cao đó, sức khỏe của ông Chữ yếu dần. Ông cũng không còn đủ sức chống nạng nữa. Một buổi tối, cả nhà con bé đang ăn cơm thì ông nội nó đi vào với vẻ mặt hốt hoảng, rồi nói vội với ba nó:
- Ba tụi nhỏ, bàn thờ nhà mày có hai cây thánh giá, mày cho tao cây thánh giá nhỏ đi.
- Tía cần cây thánh giá đó làm gì?
- Ông Chữ yếu lắm rồi, ổng muốn rửa tội. Cha xứ tới nhà ổng rồi nhưng không có cây thánh giá nào. Tao muốn lấy cây thánh giá của nhà mày để cho ổng.
- Tía để con lấy cho.
Nói rồi, ba con bé bắt ghế lấy cây thánh giá trên bàn thờ rồi cẩn thận trao cho ông nội nó.
Bước chân ra khỏi cửa, ông nội nó còn ngoảnh lại nói với cả nhà:
- Vợ chồng bây với mấy đứa nhỏ ăn cơm xong rồi qua đọc kinh cho ông Chữ một tí, chắc ông ấy không qua nổi đêm nay đâu.
- Dạ, cả nhà con sẽ qua. - Má nó thưa lại.
Nhìn thấy ông nội cầm cây thánh giá đi ra mà lòng con bé không vui. Nó không muốn mất cây thánh giá nhỏ đó; cây thánh giá quen thuộc của nó. Trước đây, khi nhà nó còn ở căn nhà mái lá vách đất giống như nhà của ông Chữ thì cây thánh giá nhỏ được đặt ở vị trí cao trọng nhất trong nhà. Mỗi lần cúp điện thì cây đèn dầu duy nhất của gia đình nó được đặt ở trên tủ, dưới chân cây thánh giá nhỏ. Và khi đọc kinh tối, nó chỉ chăm chú nhìn lên cây thánh giá nhỏ trên bàn thờ. Với lại, cây thánh giá cũng rất quen thuộc với nó từ khi nó mới hơn một tuổi, bi bô tập nói thì ba má nó thường chỉ lên cây thánh giá và nói với nó: “ Bé ơi! Ạ Chúa đi con”. Thế là con bé cúi đầu thật sâu và nói: “ Con ạ Chúa”. Nhưng con bé lại nghĩ chắc là ông Chữ cần cây thánh giá để có Chúa ở với ông Chữ nên nó không còn buồn nữa.
Tối nay, vườn chuối yên lặng lạ thường, các tàu lá chuối không còn xào xạc vào nhau nữa, cũng chẳng có ai nghe thấy tiếng ếch nhái kêu như mọi khi, chỉ có râm ran tiếng kinh nguyện của hơn mười người trong ngôi nhà nhỏ tồi tàn giữa vườn.
Tay nó nằm gọn trong bàn tay má nó. Con bé nhìn xuyên qua đám đông, nó thấy gương mặt hốc hác, đôi môi tái nhợt và đôi mắt lờ lệch với hai dòng nước mắt đang chảy xuống gò má xanh xao của ông Chữ. Chỉ mới bệnh nằm liệt một tuần mà ông Chữ tiều tụy quá, không còn một chút sinh lực nào. Lời kinh nguyện vẫn đều đều. Nó cũng thấy ông nội nó ngồi bên ông Chữ, chốc chốc lại đưa cây thánh giá của nhà nó lên môi ông Chữ để cho ông hôn. Hình ảnh ấy cứ đọng lại trong tâm trí con bé mãi đến sau này.
Mười giờ đêm hôm đó, tiếng chuông nhà thờ báo hiệu ông Chữ qua đời. Ông Toản đánh chuông cũng không ngờ có ngày tiếng chuông ấy được cất lên để dành cho ông Chữ. Đám tang không có một chiếc khăn tang cũng chẳng có nước mắt. Chỉ có sự tiếc thương sâu xa trong lòng ông Cát, bà Năm và vài chục người dân làng ở gần đó đã quen với sự hiện diện của ông Chữ trong cuộc sống hằng ngày của họ. Cha già chánh xứ dâng thánh lễ an táng cho ông Chữ. Gương mặt cha sáng ngời niềm hạnh phúc, cha nói: “Thiên Chúa luôn tỏ lòng nhân hậu thương xót tất cả chúng ta, Chúa đã cho ông Chữ được hưởng hạnh phúc thật sau khi ông đã chịu nỗi đau hơn ba mươi năm chôn sâu trong lòng. Người đã đi tìm ông từ rất lâu và Người đi vào trong ngõ ngách, díc dắc của nỗi đau ấy và vác lấy ông trên đôi vai của Người”.
Kết thúc thánh lễ, người ta đưa quan tài ông ra đất Thánh; nhà thờ thì cách xa đất Thánh. Trời về đông hơi se lạnh, đoàn người theo quan tài đi từ lúc nhá nhem tối cho tới khi những ánh bình minh ấm áp bắt đầu cho một ngày mới xuất hiện. Cuộc đời ông Chữ cũng đã đi từ đêm tối cho tới khi ông đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên ông.
Vườn chuối yên tĩnh, ngôi nhà mái lá vách đất im lìm như chủ nhân của nó đã bất động dưới mộ phần. Chiều nay, bà Năm gọi hai chị em con bé qua hái xoài, chị nó trèo cây giỏi như một con sóc và hái xoài vứt xuống đất cho đứa em nhặt.
Con bé chợt nhớ ông Chữ rồi hỏi chị:
- Chị Hai ơi! Ông Chữ bây giờ ở trên thiên đàng rồi hả chị?
- Ừ.
- Có phải vì ông Chữ đã hôn cây thánh giá không?
- Ừ, chị nghĩ là như thế.
- Vậy ông Chữ có mấy chân, một hay hai?
- Chị nghe ông nội nói ông Chữ là thiên thần rồi thì chắc chắn ông Chữ có hai chân.
Nhiều năm sau, câu chuyện về cuộc đời ông Chữ vẫn còn in trong tâm trí con bé. Khi kể chuyện cho mấy đứa nhỏ khác nghe, bao giờ nó cũng kết thúc bằng câu: “Ông Chữ bây giờ là thiên thần hai chân rồi!”