“Con người hôm nay còn sống, mai đã biến mất Họ chết đi khuất mắt để rồi cũng phai lạt khỏi trí lòng” (Gương Phúc I, XXIII, 1)


Tiệc đời khi mãn về hôm
Đưa người lững thững nhạc dồn bi ai !
Khăn tang phủ trắng quan tài
Sầu tuôn ngập lối, oán cài đồng không !
Đêm nay cô lạnh trong lòng
Ngày mai mộ mới sáng trong nắng vàng
Đêm nay có tiếng thở than
Của người thiếu phụ của đoàn con thơ
Sáng mai nến chảy bàn thờ
Tiếng chuông buồn đổ vật vờ u linh
 
Cỏ vàng rồi cỏ lại xanh
Cỏ xanh là dấu đã thành tiền nhân !
Người đi độ ấy còn gần
Cỏ xanh sớm cỏ ! khăn vành màu phai !
Não lòng thay một kiếp đời
Tuy ngày mai táng có người sầu đau
Nhưng qua năm tháng dãi dầu
Vô tình ai đã chôn sâu trong hồn ?
Một lần chết hai lần chôn…
Người đi đời vẫn cười dòn như không !
Thời gian trôi cứ lạnh lùng…
 
Xuân Ly Băng
(Hương Kinh 1957)























(Mã số VVYT 17-038)

_Một tiếng hét thất thanh cất lên,rồi sau đó là tiếng khóc. Mọi người nháo nhác quay lại hỏi:

-Có chuyện gì vậy?

-Con gì? Con gì bám vào chân em đây? hu....hu ....hu.... bắt nó... bắt nó cho em! Hu ....hu...hu.

Thì ra những con vắt rừng đang trực sẵn ở ven con đường mòn để bám vào chân em, chắc chúng đã bị bỏ đói lâu ngày bởi có rất ít người đi qua đây.Với mọi người thì có lẽ con côn trùng này quen thuộc hơn,còn với em đây là lần đầu tiên nhìn thấy những con vật kì lạ và đáng sợ thế này. Khuôn mặt em tái mét, đôi chân run run, tay thì bám chặt vào anh đội trưởng để cầu cứu.

-Anh gỡ nó ra nhanh lên! Em sợ lắm! Nhanh lên!

Mọi người ai cũng bật cười. Chỉ có em là khóc,khóc tức tưởi.Mọi người bắt đầu trêu đùa để giúp em quên đi những sợ hãi vừa gặp.

* **

Là một xã vùng sâu vùng xa của một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc,những người H’mông sống âm thầm,lặng lẽ và dường như bị bỏ quên trong khu rừng sâu này,thiếu ăn,thiếu mặc,họ không đòi hỏi ai phải mang đến cho họ những giá trị vật chất, điều họ cần hơn hết có lẽ là tình người.Hôm nay,vẫn trong không khí của ngày tết, chúng em: đoàn tu sinh của giáo xứ tổ chức đến với họ để thăm hỏi và chia sẻ với họ trong niềm vui của ngày tết cổ truyền.

Vượt con đường rừng hơn 50km,khuôn mặt của ai cũng lấm lem đầy bụi đất cộng với những hạt sương của buổi sớm làm cho mặt ai cũng như những chú hề,ruột gan thì bị đảo lộn,đôi chân thì muốn tháo rời từng khớp,đôi tay thì mỏi rời không muốn động đậy... Nhìn đoạn đường bộ phía trước ai cũng thở dài ngao ngán,nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh của những anh em dân tộc H’mông nơi bản làng xa xôi này mọi người lại muốn chinh phục những khó khăn để đến với họ.

Cây rừng hôm nay như vui mừng để chào đón đoàn của chúng em vậy.Trên bầu trời, làn sương sớm kéo nhau đi đâu hết, để lộ ra những tia nắng mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá,bầy chim thì nô nức gọi bầy như đi mở hội đầu xuân. Tiếng nói cười của mọi người cũng hòa với tiếng hót của muôn chim và tiếng róc rách của con suối làm quên đi những khó khăn, làm cho con đường như ngắn lại.

-Kia!

Tiếng anh nhóm trưởng reo lên.

-Trước mặt chúng ta là bản cần phải đến!

Em dù rất mệt, nhưng vẫn cố lao lên phía trước để nhìn bản làng.Hình ảnh đâu tiên đập vào mắt em là những ngôi nhà mà nói đúng hơn là những túp lều tả tơi,rách rưới,siêu vẹo. Em cất tiếng hỏi Hoàng:

-Anh Hoàng ơi! Kia là nhà của họ ạ?

-Ừ! Nhà của họ đấy em ạ! Ở đây họ nghèo lắm! Họ chẳng có thứ tài sản nào có giá trị cả,cơm ăn cũng không đủ,trẻ em thì không được đến trường..... Chẳng ai quan tâm đến họ cả!

***

Nói rồi Hoàng thở dài. Nhìn về bản làng phía trước,đôi mắt em cay cay,những giọt nước mắt cứ vô tình chảy, em nghĩ: cũng là con người mà tại sao họ lại không được quan tâm? Em nhắm mắt lại để cho hàng nước mắt kia ngừng chảy và bước xuống với những túp lều đầu tiên. Một ngôi lều hiện trước mắt em được làm bằng tre,những mảnh tải đã mục nát đang cố bám lấy những chiếc nan còn lại,mái nhà là những bó lá gì dài dài bắt đầy mùng hóng. Thấy tiếng nói cười,một người phụ nữ mặc chiếc váy truyền thống của dân tộc đã ngả màu,làn da xạm nắng,lưng địu một đứa bé,tay bê một chiếc thúng. Nhìn thấy đoàn,cô tròn xoe đôi mắt rồi đặt phịch cái thúng xuống dưới chân sau đó chạy vào trong lều. Một phút sau người một người đàn ông trung tuổi bước ra,một tay cầm cái điếu cày,một tay cầm que củi đang cháy giở,chân quần thì ống thấp, ống cao. Ông ném cái que củi trên tay ra xa và chạy về phía đoàn tu sinh tay giơ lên và nói:

- Nho giồng!

-Nho giồng! Nho giồng!....

Mọi người thi nhau nói nho giồng mà em cứ ngơ ngác nhìn vậy, em nghĩ:chắc đó là câu “xin chào”. Họ dẫn đoàn vào trong nhà nhưng nhà quá trật nên phải đứng cả ở ngoài.Ở bên ngoài ,em cố gắng để ngó vào trong nhà xem trong nhà có những gì? Em bắt gặp hình ảnh một cây Thánh Giá treo ở lối giữa vào,cây Thánh giá cũng bắt đầy bụi và mạng nhện,ngoài một cái chõng bằng tre chắc là dùng để ngủ thì chẳng có đồ gì có giá trị nữa cả. Ở góc nhà có mấy cái nồi,cái bát xếp trên cái chạn con con.Đấy là tất cả những gì em nhìn thấy được trong túp lều ấy.

Chờ mọi người nói chuyện, em đi lang thang một mình ra ven suối chỗ tụi trẻ đang tắm. Thấy em, chúng xì là xì lồ cái gì đó rồi chạy lên mỏm đá ven suối, tụi nó nhìn em như nhìn một sinh vật lạ,em nhìn trước nhìn sau,nhìn lại quần áo, đầu tóc xem có bị sao không mà tụi trẻ lại nhìn em như thế? Mọi thứ vẫn ổn mà! Lấy lại bình tĩnh em cũng giơ tay lên và nói: “nho giồng”. A! Tụi nó cũng nói : nho giồng. Thì ra nó đã bắt được tín hiệu,tụi nó cười thích thú. Nhìn đám trẻ bụng đứa nào cũng bự,tay chân thì teo tóp,tóc hoe vàng,đôi môi tím tái vì vừa ở suối nước lên,người run run. Em đến với tụi trẻ và lấy kẹo trong ba lô chia cho các em,đứa nào cũng cười tít mắt,khoái chí... rồi lại quay sang chi cha chi chô gì đó?. Trong nhóm có một em lớn hơn nói được tiếng kinh,em hỏi chuyện.

-Em học lớp mấy rồi?

-Lớp 8

-Thế hôm nay em chưa phải đi học à?

-Nghỉ rồi! Nghỉ ở nhà đi làm với bố mẹ thôi! Không có gì để đi học cả!

Ôi ! Vậy là em đã phải rời bỏ mái trường để vật lộn với cuộc sống mưu sinh,để tìm kiếm cái gọi là cơm áo gạo tiền. Cái tuổi mà đáng lẽ các em phải nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, nhà trường và gia đình thì em lại phải từ bỏ để tự mình đi kiếm cái ăn nuôi sống bản thân và gia đình.

Ngồi lân la trò chuyện một lát, em hỏi tiếp:

-Các em có muốn được đến trường không?

-Có chứ! Muốn lắm chứ! Nhưng đi học thì lấy gì mà ăn,với lại trường ở xa lắm!

Câu trả lời của em nhỏ người H’mông ngọng ngịu bởi chưa nói thạo tiếng kinh kia làm em suy nghĩ thật nhiều. Làm sao để các em được học cái chữ đây? Em ngồi nhìn xa xăm vào trong nắng suy tư: tội nghiệp các em nhỏ,ước mơ đến trường bị dập tắt,tương lai bị chôn vùi trong nghèo khó,thiếu thốn,đói khát,vất vả.Rồi đây sẽ còn bao nhiêu thế hệ tiếp nối thế này nữa? Em phải giúp họ bằng cách nào đây??

***

-Hoa ơi!....Hoa! Hoa ơi!..... Đi thôi em!

Tiếng ai đó gọi em để đi thăm các gia đình khác,em tạm biệt tụi nhỏ mà trong lòng ngổn ngang những suy tư.Đoàn dời đó để đến với những ngôi nhà phía trên triền đồi.Trước mắt em là một ngôi nhà to hơn,đây mới đúng khái niệm một ngôi nhà,ngôi nhà được làm bằng gỗ,lợp lá cọ, bức vách xung quanh được chát bằng đất đỏ với rơm khá chắc chắn. Phía bên ngoài thì có mấy cái tờ giấy đen đen,đỏ đỏ có hình bát quái, vào ngó trong nhà em lại nhìn thấy có tượng Chúa treo ở lối giữa cùng mấy bông hoa dại để trên đó. Một người đàn ông cao tuổi bước ra ông mặc chiếc áo màu đen,tay cầm tẩu thuốc,mắt đang cố nheo lại quan sát xem có ai quen không? Nhìn ánh mắt của ông, em nấp sau anh trưởng nhóm vì sợ. Tự nhiên ông cười đắc trí như nhớ ra điều gì đó rồi nói:

-Chào mấy Thầy mấy Dì! Chúng mày vào thăm bản à!

-Vâng! Chúng cháu vào thăm các anh em trong này nhân dịp nghỉ tết ạ!

Như bắt được vàng, ông nói nói cười cười rồi mời mọi người vào trong nhà. Nghe ông nói chuyện em được biết, trước đây ông là một thầy cúng, một cây cổ thụ về mê tín dị đoan.Nhờ một người công giáo mà ông tìm đến với Chúa và được Chúa biến đổi.

Ông ơi! Sao ở ngoài cửa lại có vài lá bùa thế ạ?

-À! Ông bạn của tao đến chơi rồi dán nó ở ngoài đó,ông ấy bảo tao bỏ Chúa đi để quay lại với nghề thầy cúng nhưng tao không bỏ đâu! Tao theo Chúa rồi!

Em mỉm cười đắc trí. Cả đoàn ai cũng mắt chữ O miệng chữ A nghe ông kể chuyện.Ông là người theo đạo đầu tiên trong bản này và ông đã vận động mọi người ở đây cùng theo đạo.ông nói rằng: Tao đặt niềm tin vào Chúa,theo Chúa tao thấy cái bụng của tao bình an hơn!.Em không biết cái mà ông gọi là niềm tin xuất phát từ đâu nhưng nghe mà thấy nhói ở trong lòng,bởi em thấy đức tin của mình còn quá non yếu. Trò chuyện một lát,ông dẫn đoàn xuống một khu đất bằng hơn và có một tượng Đức Mẹ đặt trên một cái bệ cao khoảng 1m30. Tượng Đức Mẹ dang đôi tay như muốn ôm trọn cả bản làng,Mẹ che chở họ sớm hôm,đồng hành gìn giữ họ mọi ngày.Ông nói : mỗi buổi tối ông và mọi người thường đến để đọc kinh xin Đức Mẹ ban cho có sức khỏe để làm việc,cho tụi trẻ có đủ cái ăn......

Mọi người từ trên triền đồi thấy đoàn tu sinh đến thì rủ nhau tập chung hết xuống đó chừng khoảng 20 người cả trẻ con lẫn người lớn, mặt ai cũng cháy nắng còn tụi trẻ thì hai má nẻ nứt bắn máu,tay chân thì đầy bụi đất,đứa thiếu quần, đứa thiếu áo,đầu tóc thì rậm rạp. Em và mọi người lấy những gì đã chuẩn bị như: sách,vở,quần áo,bánh kẹo để phân phát cho các em và mọi người,giá trị của nó không lớn nhưng nó đủ để tạo cho họ niềm vui thắp lên cho họ một ngọn lửa ấm tình người. Mấy người lớn tuổi kể về đời sống đạo của họ đầy vất vả bắt bớ,họ đã phải chiến đấu để dành lại niềm tin,để giữ vững ngọn lửa đức tin mới được nhen nhóm trong tâm hồn. Họ kể rằng:có một lần kẻ xấu đã đập vỡ tượng Đức Mẹ của họ rồi ném xuống suối,sáng hôm sau không thấy Mẹ đâu họ vừa mếu máo vừa đi tìm, họ nhặt được những mảnh vỡ còn sót lại chỉ biết ôm lấy mà khóc.Càng nghe càng thấy sự khổ cực của họ, ngẹn ngào...xót xa...

Đoàn bắt đầu chia đôi để để đi đến thăm,giúp các hộ gia đình khác mỗi người một việc như: lợp lại cho họ cái túp lều,phát quang chỗ ở của họ,hướng dẫn họ cách trồng cây,cách tạo thành phân xanh từ những loại cây quen thuộc phục vụ cho việc trồng cấy...Mỗi nhà một hoàn cảnh, đã nghèo lại càng nghèo thêm vì đông con, bữa cơm của họ có khi cả tháng mới biết đến bát cơm gạo trắng và vài miếng thịt. Các em nhỏ cũng phải ăn cơm trộn ngô 7 phần ngô 3 phần gạo loáng thoáng vài miếng cá và mấy ngọn rau rừng.Chả biết các em có biết đến hộp sữa hay cái kem bao giờ không nữa?.

Khi mọi việc đã ổn ổn thì đó cũng là lúc mặt trời sắp xuống núi, đoàn chia tay bà con để trở về tiếp tục cho công việc của một năm mới, một kì học mới.

Một em nhỏ chắc khoảng 7-8 tuổi với hai hàng nước mắt chảy dài trên gồ má cao cao,trên tay cầm vài bông hoa rừng, chạy đến níu lấy tà áo của em và làm hiệu như bảo em ngồi xuống. Em ngồi xuống và nhẹ nhàng hỏi:

-Em sao vậy? Em bé dùng đôi tay ôm ghì lên cổ em và nói:

-Chị ơi,khi nào chị vào đây với tụi em nhé! Cộng với đó là những tiếng nấc nghẹn ngào.

-Ừ! Khi nào được nghỉ chị sẽ đến thăm tụi em nha! Em vừa nói vừa vuốt nhẹ lên mái tóc dính đầy hoa cỏ của cô bé người H’mông.

-Các em phải ngoan ngoãn,nghe lời bố mẹ, nhớ chưa?Khi nào trở lại chị sẽ mang quà cho các em.Giờ muộn rồi,các anh chị phải về không thì trời tối mất. Bàn tay em nhỏ nắm chặt lấy tay em như không muốn rời xa,nghẹn ngào .........

Trên khuôn mặt ai cũng ngời lên một niềm vui một nụ cười tươi thật tươi trao đi.Rồi mai đây đằng sau những nụ cười vô tư kia là đầy rẫy những khó khăn,gian khổ,thiếu thốn.Họ biết cậy dựa vào ai khi mùa lũ quét ập về,họ biết làm sao khi cơn đói hoành hành,khi bệnh tật ốm đau ai đến với họ... em vừa đi vừa nghĩ. Mọi thứ nó chiếm hết tâm trí em,em không thể mang đến cho họ những giá trị vật chất em chỉ biết góp những niềm vui nhỏ nhỏ cho họ.

Ngoài kia,suối vẫn chảy róc rách....róc rách,những con chim vẫn tung tăng chao cánh trên bầu trời, ánh nắng thì thì nhạt dần chuẩn bị khép lại một ngày,những bông hoa dại ven đường sau một ngày cố gắng tô điểm cho bức tranh thiên nhiên giờ này cũng thu lại để nhường chỗ cho bông khác. Người H’mông trên các quả đồi cũng đang kéo nhau về với túp lều của mình.Và nơi đó, nơi đồi núi heo hút này bóng dáng của Mẹ che chở cho họ,Mẹ là niềm vui,là bình an của họ.

Mã số: 17-042

Hữu Tình.
“Anh yêu Em. Dù cho sông Hương có cạn, núi Bến Ngự có mòn thì tình yêu của anh dành cho Em vẫn không bao giờ thay đổi”. Thời trai trẻ, cái tuổi của mộng mơ và xúc cảm, Hữu Tình đã dành những lời đầy âu yếm như thế cho người con gái mình thương.
Tình yêu của chàng trai và cô gái nơi mảnh đất cố đô dịu dàng và sâu lắng ấy tưởng chừng chẳng bao giờ biến tan. Như nước sông Hương cứ vơi rồi lại đầy, như núi Bến Ngự đến mùa thay lá và lại đến mùa xanh um, mối tình ấy cũng có khi “lên thác xuống ghềnh” nhưng vẫn cứ đẹp, cứ êm ả lững lờ trôi giữa dòng chảy cuộc đời dường như vô tận.
Rồi một ngày kia, theo tiếng hẹn hò của tình yêu như bao ngày, cô gái chạy tìm chàng trai bên dòng sông Hương loang tím trong cảnh trời chiều mát rượi.
“Hữu Tình!”. Tiếng cô gái gọi thanh thanh mà êm ái đậm chất con người xứ Huế mộng mơ khiến chàng trai như bừng tĩnh giữa cơn mê. Bởi Hữu Tình đang mãi miết theo đuổi những ý nghĩ thầm kín trong thâm sâu cõi lòng; bởi ánh mắt chàng đang như đờ đi theo những gợn sóng lăn tăn rượt đuổi nhau do mái chèo của những chiếc thuyền xa xa giữa dòng dội tới; nên anh hơi bối rối khi bắt gặp khuôn mặt của người anh thương, một khuôn mặt với nụ cười rất đỗi thân quen.
Cô gái ngồi dựa đầu vào vai chàng trai và mãi mê với những câu chuyện của mình. Giọng cô hồn nhiên, tươi tắn và tâm tư đầy niềm vui. Cô kể chuyện chỉ bởi vì cô muốn nói. Cô cũng chẳng hiểu vì sao mình lại kể những chuyện như thế. Bởi một điều mà cô biết rất rõ: Cô yêu Hữu Tình và những câu chuyện chỉ là cái nền cho việc cô muốn ngồi cạnh bên anh thật lâu, thật lâu.. như muốn vươn đến tận cùng của thời gian. Thế nhưng, cô đâu biết rằng: Người cô thương yêu lại đang chẳng thể nào để tâm được đến những lời cô nói. Ánh mắt phía trên mái đầu cô bây giờ vẫn đang theo đuổi những gợn sóng li ti giữa dòng sông lững lờ trôi. Ánh mắt đăm chiêu mà nhiều tâm sự ấy diễn tả một nỗi lòng khó nói mà anh đang ấp ủ.
Bỗng nhiên, anh nhẹ nhàng hôn lên tóc cô và môi mấp máy phá vỡ sự thinh lặng của chính anh với những âm thanh dường như đã lạc hẳn: “Anh yêu Em!”. Một câu nói rất đỗi thân quen và là câu nói mà cô thích nhất trong cuộc đời này. Đó cũng là đòi hỏi duy nhất của cô mỗi khi cô được ngồi gần kề bên người cô thương. Thế nhưng, có lẽ đến lúc bấy giờ, cô cũng không biết được rằng, đó là lần cuối cùng trong cuộc đời, cô được nghe câu ấy từ môi miệng và cả từ trái tim của người yêu.
Dường như có cái gì chặn ngay cổ họng, dường như Hữu Tình đang nghẹn ứ chẳng thể thốt nên lời nào nữa khi cô gái đáp lại cũng bằng những lời thân thương nhất diễn tả một tình yêu thủy chung và nồng nàn nhất dành cho anh.
Dường như Hữu Tình muốn khóc thật to hầu mong có thể đẩy ra hết những cảm giác thổn thức đang khuấy động và bóp nghẹt phía bên trong lồng ngực. Thế nhưng, anh cố kìm nén; anh cố bắt con tim mình phải nghe theo sự sắp đặt của lý trí, dù đó là điều vô cùng khó khăn trong lúc này. Quả thế, mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng và mặc dù đã cố lấy hết can đảm để có thể làm chủ cảm xúc của mình trong cuộc gặp gỡ hôm ấy, nhưng đúng như Pascal từng nói: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào hiểu được”, anh cũng chịu chung một số phận như thế.
Cô gái nhận ra ngay sự khác biệt của người thương. Bởi lẽ, chính thái độ của Hữu Tình, chính những thổn thức không chịu nghe lời để ở yên trong sâu thẳm mà lại bùng vỡ nơi khuôn mặt, nơi khóe mắt của anh đã tố cáo anh.
Dường như không thể chạy trốn được nữa, dường như một ánh mắt trìu mến đang dồn anh đến tận chân tường của những hoài nghi, Hữu Tình lên tiếng, giọng vẫn lạc đi như run rẩy, như thẩn thờ nhưng đầy xác quyết, anh hỏi: “Em có nghĩ rằng có ai trong thế giới này có thể tránh né được tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa không?”.
Một câu hỏi bất ngờ nhưng mang tất cả nỗi trăn trở bấy lâu của anh về Thiên Chúa, về cuộc sống, về hạnh phúc, khổ đau và trên cả là tình yêu… Câu hỏi dường như quá khó đối với cô gái. Hữu Tình biết rõ điều đó, bởi chính anh cũng chưa có câu trả lời hoàn toàn đầy đủ cho chính mình. Bởi anh cũng đang tìm câu trả lời và đó chính là nguyên nhân khiến tâm hồn anh bị khuấy động đến tận cùng cõi thẳm sâu. Anh chưa tìm được câu trả lời thỏa mãn niềm khát khao ấy, nhưng anh biết để có được nó anh sẽ phải làm gì. Đó phải là một cuộc dấn thân. Một cuộc dấn thân mà anh biết, nó sẽ mang lại đau đớn cho người con gái anh thương và cả chính con tim anh. Một cuộc dấn thân sẽ khiến cuộc sống, hoài bão, ước mơ, dự tính tương lai và niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của anh hoàn toàn đảo lộn. Nhưng, anh cũng biết rõ anh không thể tránh né được nó nữa. Anh biết rõ anh chẳng thể ngăn cản được nó khi nó đã hoàn toàn xâm chiếm và điều khiển toàn bộ con người anh. Anh cũng biết điều mình khao khát, cái câu trả lời anh đang tìm kiếm có ý nghĩa to lớn dường nào. Anh quyết định. Có lẽ tận sâu trong cõi lòng mình, anh đã đưa ra quyết định. Anh tin mình đã có một quyết định đúng cho một hành trình có vẻ như vô định. Anh biết mình đang bước lên một “con đường” đúng đắn dù dường như chính anh cũng chẳng rõ đích đến là đâu.
Người anh thương dường như thấy lạ lẫm, thấy khó hiểu và khuôn mặt cô toát lên đầy vẻ thắc mắc. Câu hỏi của anh chẳng ăn nhập gì với “câu chuyện tình yêu” giữa cô và anh. Câu hỏi mang một nội dung mà từ trước đến nay cô chưa bao giờ nghe thấy những điều tương tự từ môi miệng người cô thương. Cô đâu biết rằng, câu hỏi đó sẽ là mở đầu cho những thay đổi; nó cũng quyết định sự chấm dứt và chuẩn bị cho một bắt đầu mới. Một khởi đầu mà trong tình yêu tuyệt đối trung thành của mình cô chưa bao giờ nghĩ đến và cô cũng chẳng bao giờ dám nghĩ đến. Bởi lẽ, cô yêu anh bằng tất cả trái tim và cô hoàn toàn không thể sống thiếu anh.
Không gian chung quanh trở nên yên ắng một cách lạ thường. Một sự yên lặng báo hiệu điều gì đó chẳng lành. Trên những cành dương liễu, những chú chim nhỏ đã im bặt tiếng hót hay bởi tiếng lòng hai người đang gào thét đến nỗi khiến họ dường như chẳng còn nghe thấy những giai điệu tuyệt vời của bản tình ca thiên nhiên. Màu tím ngắt của bầu trời cao phản chiếu dưới dòng Hương thơ mộng nay dường như cũng chẳng còn tím nữa, hay bởi vì ánh mắt của hai người đã mờ đi và mãi nhìn về xa xăm nơi những vùng tối của tâm thức, đến nỗi bức tuyệt tác của Hóa Công cũng chẳng làm rung động đôi mắt ưu tư của họ.
“Em nghĩ là ‘không’, không có ai có thể cưỡng lại được tiếng gọi của Thiên Chúa”, cô gái lên tiếng phá vỡ sự im lặng, một sự im lặng chỉ mới chừng mươi phút mà có cảm tưởng như đã dài hàng thế kỷ.
Dù cô đã cảm thấy có điều gì đó không ổn từ câu hỏi của Hữu Tình; dù tâm tư cô đầy những nghi nan và chồng chất những đối nghịch; dù cô đang cảm thấy lo sợ về một mất mát nào đó rất lớn lao có thể xảy ra; nhưng cô đã trả lời theo đúng cách của một người có Đức Tin.
Nghe câu trả lời đầy niềm xác tín của người thương, tâm hồn Hữu Tình dường như lại chìm sâu vào những thước phim sống động của ký ức. Anh còn nhớ như in bóng dáng của cô thôn nữ trong tà áo dài trắng thướt tha, độc hành trên con đường qua ngõ nhà anh, trong tiếng chuông chiều êm ả ngân nga. Anh còn nhớ từng nụ cười, từng ánh mắt như e thẹn, như mũi tên xuyên thấu con tim tình si của anh - chàng thanh niên đang trong cái tuổi đầy cảm xúc. Anh cũng nhớ rất chi tiết về chuyện mình đã lao theo tiếng gọi của tình yêu đó như thế nào. Và, biết bao kỷ niệm của những tháng ngày bên nhau lại cứ ập đến như thác lũ, như mưa nguồn, cũng có khi lại nhẹ nhàng sâu lắng như những cơn gió mùa thu dìu dịu… Những lời thánh thót thủ thỉ bên tai bao ngày của người anh thương giờ đây bỗng dưng từ chốn xa xôi nào vọng lại. Có vẻ nhạt nhòa, có vẻ xa xăm, nhưng sao lại gần gũi thân thương đến nao lòng.
Bây giờ, anh phải nói sao với người anh thương (?). Anh chẳng biết nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào với quyết định mà mình đã ấp ủ, đã lấy hết can đảm để đến đây với dự định thông báo cho người yêu.
***
 
“Hữu Tình!”.
Đôi mắt Hữu Tình như cố rướn hết mức để dò tìm ai đó giữa đám đông đang chen lấn cười nói rộn ràng. Một tiếng gọi mà đã từ rất lâu anh mới nghe lại. Một giọng nói hết sức thân quen, gần gũi. Một giọng nói mà có lẽ chẳng bao giờ anh có thể quên vì nó đã ăn sâu vào ký ức và trái tim anh. Anh vừa dò tìm với mong muốn gặp lại chủ nhân của tiếng gọi “Hữu Tình” mà anh vừa nghe, nhưng lòng cũng nao nao một cảm giác ngại ngần khó tả.
- “Con chào Cha, chúc mừng Cha đã thành Linh Mục của Chúa!”. - Người phụ nữ trạc tuổi ba mươi tiến lại với bó Hồng tươi thắm đang nhẹ nhàng tỏa hương thơm ngát trên tay. Cô nở nụ cười và dịu dàng trao nó vào tay vị Tân Linh Mục đang như thất thần đi giây lát vì cuộc gặp gỡ đặc biệt.
- Cám ơn Thiên Cầm. Đã lâu lắm rồi nhỉ? Em vẫn khỏe chứ?
- Em vẫn khỏe. Hôm nay, biết tin anh được thụ phong Linh Mục từ mấy người bạn, nên em tìm đến chúc mừng anh. Anh vô tâm lắm, ngày vui thế này mà không báo cho em biết với để em mừng - Thiên Cầm tỏ ra hài hước và bình tĩnh khi thốt lên những lời trách cứ nhẹ nhàng, nhưng từ tận sâu trong cõi lòng dường như có cái gì nghẹn ứ và bóp nghẹt con tim cô.
- À, đã lâu không liên lạc nên anh cũng chẳng rõ địa chỉ của em để gửi thiệp mời.
- Thôi, tha cho anh lần này, lần sau mà có dịp gì vui thế này thì đừng bỏ qua em nhé!
- Ờ..!!! Thế cuộc sống của em tốt chứ? Em đã được mấy cháu rồi?
­Nghe câu hỏi của Hữu Tình, Thiên Cầm bỗng xúc động mãnh liệt. Hơi thở như yếu hẳn đi, cô dường như muốn khuỵu xuống mà chẳng bao giờ có thể đứng lên. Thế nhưng, cô cố tỏ ra thật bình thản và vẫn cái chất giọng nhẹ nhàng thanh thanh của người con gái xứ Huế, cô thông báo sơ về cuộc sống hiện tại của mình.
- À.., vợ chồng em đã sinh được hai cháu, một cô và một cậu. Hai đứa xinh lắm. Em sống tốt lắm. Anh yên tâm đi.
Đôi mắt vị tân Linh Mục dường như nhòa đi khi những dòng ký ức từ đâu lại ùa về. Thế nhưng, anh vẫn cảm thấy một niềm hạnh phúc sâu xa khi trong ngày hồng phúc của cuộc đời dâng hiến, anh được san sẻ niềm vui từ người con gái anh đã từng thương và được nghe biết về cuộc sống tốt đẹp của cô.
- Thế thì tốt rồi, anh cũng chúc mừng em nhé! Đáng tiếc anh không có mặt để tham dự lễ cưới của vợ chồng em.
***
Dòng người dần dần đổ về các ngả đường trả lại cho ngôi thánh đường cổ kính vẻ trầm mặc và yên tĩnh vốn có. Trên các bậc đá, bóng dáng của vị linh mục trẻ trong màu áo vàng rất đỗi uy nghi nhưng cũng nhẹ nhàng đầy yêu thương vẫn còn đó, mắt như vẫn còn nhìn theo dòng chảy của đoàn người với lòng tri ân cảm tạ.
Trong dòng chảy của cuộc đời, trong dòng người đang tuôn ra mọi hướng trên các ngả đường, anh vẫn lặng nhìn theo một bóng hình rất đỗi thân thuộc. Anh cảm thấy thật hạnh phúc và tâm hồn tràn ngập niềm vui. Bao nhiêu nỗi thổn thức và lo lắng của cái ngày chia tay ấy, cái ngày mà anh quyết định ra đi theo tiếng gọi huyền nhiệm của Tình Lang Giêsu nay như được tháo cởi hoàn toàn. Anh có biết đâu, sau mái tóc chấm ngang lưng mà anh đang dõi theo là hai dòng lệ nhẹ nhàng lăn trên gò má của một người con gái si tình.
“À.., vợ chồng em đã sinh được hai cháu, một cô và một cậu. Hai đứa xinh lắm. Em sống tốt lắm. Anh yên tâm đi”. Lời nói dối của Thiên Cầm đã mang đến cho Hữu Tình một ngày vui không thể trọn vẹn hơn được nữa. Nhưng, chính cô lại vẫn tiếp tục đơn độc cất bước trong niềm hạnh phúc và niềm đau giằng xé con tim. Quả thực, cô cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi chứng kiến ngày hạnh phúc của người cô thương yêu, nhưng cô cũng cảm thấy một nỗi cô đơn bỗng trùm lên tất cả khi quay lưng đơn độc cất bước. Trái tim cô lại rung lên đầy những xúc cảm trái ngược: đan xen giữa hạnh phúc và khổ đau, giữa niềm vui và nỗi cô đơn, giữa niềm hy vọng và nỗi chán chường,… Cô chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cứ để cho dòng lệ tuôn rơi, đôi dòng lệ mà cô đã dấu kín bao năm trong sâu thẳm trái tim nay mới thêm một lần nữa có cơ hội lăn trên gò má. Cô cũng chẳng hiểu nỗi tại sao mình lại hy sinh cả tuổi thanh xuân và có lẽ là cả cuộc đời này cho một chàng trai mà mãi mãi chẳng thể thuộc về riêng cô nữa.
Cô vẫn tiếp tục cất bước về phía trước và vẫn mãi miết chạy tìm tình yêu trong dòng ký ức. Dẫu cho cuộc đời có ồn ào náo động, dẫu cho trần thế vẫn đầy những lo lắng, bon chen, cô vẫn còn đó niềm hy vọng đầy sống động của một tình yêu tuyệt đối dành cho Hữu Tình.
Một tình yêu mà cô đã phải trải qua nhiều đau đớn, nhiều uất hận của con tim rướm máu khi phải đối diện với sự chia ly. Sau cái ngày chia tay định mệnh năm đó, cô như một người hoàn toàn chết đi. Nước mắt cạn hẳn. Con tim khô cằn. Cả thân xác cũng nên tiều tụy chẳng còn sức sống. Thế nhưng, nơi người con gái mảnh mai có vẻ yếu ớt đó, nơi tấm thân dần đi vào sự chết kia lại đã bùng lên một sức sống mới. Sức sống của tình yêu đích thật. “Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1,8-9). Cô đã nhận ra ý muốn của Thiên Chúa và cô đã chẳng ích kỷ, để rồi chấp nhận hy sinh nhằm chu toàn thánh ý Người. Cô cũng nhận ra vẻ đẹp của tình yêu mà cô đang hiến dâng cho Thiên Chúa và cho nhân loại. Trong tình yêu tất cả mọi sự đều có lý do để tồn tại.
Và kể từ đó, người ta vẫn thấy bóng dáng quen thuộc của một người con gái chiều chiều nép mình bên dãy tường rào của tu viện để ngắm nhìn một “cái gì đó” với nụ cười hạnh phúc./.
(Tác phẩm dựa trên câu chuyện có thật của một vị linh mục già thuộc Dòng Chúa Cứu Thế - Huế kể về chính ơn gọi của ngài. Cốt truyện chỉ nói về một người con gái quyết định sống độc thân khi chàng trai nói lời chia tay và theo đuổi ơn gọi dâng hiến. Tác giả đã không trực tiếp được nghe câu chuyện này và chỉ dựa trên lời kể của bạn bè. Mọi chi tiết về cuộc chia tay, hay cuộc gặp gỡ ngày chịu chức và các chi tiết khác xuyên suốt tác phẩm đều là hư cấu của tác giả).








































Ngồi một mình len lén lửa lòng soi
Qua rất nhanh một giây phút bồi hồi
Thinh lặng này ta dành cho nhau nhé!
Cùng gia đình bước đến giữa trời tươi!
 
Chốn bao la nhân loại một gia đình
Chung trời đất từ tạo hoá huyền linh
Góp tiếng tim góp muôn ngàn hơi thở
Dâng bình minh lên Thiên Chúa trung trinh.
 
Hoà nhịp động chung tay xây thế giới
Đuốc niềm tin soi bước chân đi tới
Mỗi con người một nhân vị Trời ban
Không cách biệt mà tinh tươm diệu vợi.
 
Dẫu chốn Đông ngọn lửa lòng sống động
Gánh gồng nhau tay đan tay huyết thống
Dưới màu da là sắc đỏ lòng son
Của Thượng đế cho vươn xa dòng giống
 
Chiều hoàng hôn mắt đong đưa tình tự
Trải một ngày gặt bao niềm tâm sự
Dâng lên Cha vào kho lẫm Ngài trao
Con an giấc bên muôn vàn thiên sứ!
 
Dã Tràng Cát
 
Trung tuần tháng Hai 2017

(Mã số VVYT 17-037)

 

Mẹ là tất cả niềm hi vọng

Khi con nằm viện giọng kêu rên

Yêu con mẹ ở cạnh bên

Cho dù xuân đến gọi tên mọi người

 

Con đau mẹ rã rời thương xót

Xuân an bình chim hót hoan ca

Năm nay bệnh viện là nhà

Thương con mẹ hóa như là bà tiên

 

Biết rằng mẹ thiếu tiền viện phí

Con nằm đây suy nghĩ miên man

Chỉ cần con được bình an

Chạy xuôi chạy ngược lo toan mọi bề

 

Con chẳng chịu đòi về nằng nặc

Mẹ dỗ dành để mặc mẹ lo

Đêm về nghe tiếng con ho

Cả phòng khó ngủ mẹ lo càng nhiều

 

Cả đêm Mẹ rang chiều con bịnh

Vẫn một lời mẹ nịnh con vui

Con ơi sắp hết bịnh rồi

Về nhà ăn tết đã đời mùa xuân

 

Chỉ có mẹ nhiều lần thương mãi

Quyết hi sinh chẳng hãi sợ gì

Tình thương mẹ mãi cho đi

Mong con khỏe mạnh xuân thì chẳng ham

 

Tình thương mẹ đã làm con mạnh

Xuất viện rồi mẹ cạnh bên con

Thương con từ thuở lọt lòng

Vẫn còn hơi thở vẫn còn thương con

 

Tết này Mẹ héo hon thương mến

Quyết cùng con đi đến cuối đời

Xuân qua mấy thuở xanh ngời

Mẹ ơi xin ở muôn đời với con!

(Mã số VVYT 17-0036)

Năm sáu tuổi đã béo phì, hơn ba mươi cân, cu Chẹp về quê ục ịch. Đám trẻ con nhà quê nhằm vào cái bụng nồi to với chiếc rốn him híp mà trề môi. Vừa xấu hổ vừa nặng xác, cậu chẳng dám thò đầu ra khỏi ngõ. Họ hàng thấy cháu trai mặt bảnh bao, chỉ tội “hơi thừa cân một tí”, đã bảo bố cậu tìm cách giảm cân cho con. Nhìn cậu ngấn thịt, rụt cổ ngồi thở nặng nhọc, tội nghiệp quá. Bố cu Chẹp chỉ gật đầu để đấy.

Chẹp là tên gọi của Dũng lúc ở nhà. Cậu chưa bao giờ quan tâm đến cái tên đó đẹp hay xấu, chỉ cốt sao ăn uống cho thỏa thích, sướng cái miệng. Vừa lên lớp năm cậu đã ngót ngét sáu mươi cân. Dáng đi kềnh càng khệnh khạng. Bận bịu lắm, năm nào bố mẹ cũng cố gắng đưa cậu con trai về quê vài ngày. Nhưng càng ngày cậu càng ngại vì cơ thể nặng nề của mình. Bố mẹ ra phố học hành, giàu xổi, cu cậu được cưng chiều thành ra thói ích kỷ ám sâu vào tận não. Cậu ích kỷ đòi gì được nấy. Nhà chỉ có mỗi mình cậu, nên bố là tướng, mà là tá thì cậu cũng phải nhận mình là… to tướng! Bố mẹ vẫn mắng con cỡ tuổi mày ngày xưa bố làm hết việc này đến việc khác, vậy mà đến cái rau mày cũng không nhặt nổi. Bố mẹ lên cơn sốt con trai cũng vô cảm, vẫn đòi đưa đi chơi. Nhưng nói chỉ để nói. Nói hôm chị giúp việc nghỉ về quê thôi. Còn chị làm tuốt tuột. Chẹp đủ hình đủ cấp hành chị. Đi học về là quần áo lột ra, ném lung tung, nhảy ngay vào phòng ôm máy tính chơi điện tử. Rồi hết chơi ô tô, tàu bay lại đến xe địa hình, chiến cơ siêu hạng… Bố mẹ vẫn nghĩ giao Chẹp cho chị giúp việc chăm sóc, đưa đi học rồi lại đón về, cho tiền tiêu thoải mái, cho chơi thả phanh. Vậy là yên tâm. Họ lao đi với các cuộc kiếm tiền, những tiệc tùng bia rượu. Chẹp không biết thế giới ấy. Cậu chỉ quan tâm đến chị giúp việc. Tối chị cho đi ngủ thì đòi nắn ti. Tối chị bảo đi bộ giảm cân được một đoạn mệt lử đòi chị cõng. Cơ thể gần sáu mươi cân trút lên lưng chị bé nhỏ. Chiều cậu, chị gắng làm, nhưng lưng cong, khuôn mặt méo xệch.

Ở nhà, vì cậu “to tướng” nên thường ra lệnh cho chị giúp việc. Có khi bố mẹ vắng nhà gần một tuần, chỉ hai chị em chơi với nhau. Chị giúp việc quá nể, quá sợ cậu mà chiều theo mọi hạch sách, trở thành “cấp dưới” phục dịch cậu chủ.

Một ngày cậu chán hết mọi thứ. Chán chơi, chán ăn, học hành, chán cả những lời ra lệnh tai quái với “cấp dưới”. Bà nội ở quê, gọi điện ra hỏi thăm, cậu chẳng buồn nói chuyện. Bố đón bà ra chơi ít ngày, Chẹp có thời gian nói chuyện với bà nhiều hơn. Bà nội lo lắng trước tính ngang bướng của cháu, càng lo nếu cứ đà này, cháu phát phì thêm sẽ không thể di chuyển.

- Bà ơi, cháu chán nhà lắm rồi. Cháu muốn về quê. - Chẹp nói.

- Cháu còn phải học. - Bà hứa dịp hè, bà sẽ tặng cháu một món quà.

- Quà gì thế bà ơi? - Chẹp hét lên. Rồi cậu xỉu xuống - Cháu có thiếu gì. Chán tất rồi. Cháu chẳng thiết gì nữa cả.

Bà phóm phém cười:

- Không, đây là món quà đặc biệt. - Bà nội ân cần nhìn Chẹp - Nhưng cháu phải ngoan, để đến hè bà đưa cháu đến gần món quà đó.

- Quà đó là gì ạ? Bà nói cho cháu biết đi.

- Bà sẽ đưa cháu đến thiên đường.

- Ở đó thích không bà? Có nhiều đồ ăn ngon như nhà cháu không? Có ti vi to như phòng khách nhà cháu không? Hay có nhiều đồ chơi như cháu đang có không?

Bà nội gật đầu, đáp:

- Bí mật cháu ạ. Cháu cố đợi nhé, đến kỳ nghỉ hè về quê bà sẽ cho cháu thấy.

***

Công việc của bố mẹ đẩy Chẹp ra xa, đến nỗi cậu không còn cảm giác có hơi ấm của bố mẹ trong cuộc sống mình. Đến trường học, Chẹp chẳng thèm quan tâm đến ai. Cậu dùng đồ chơi, tiền mua kẹo làm mồi lôi kéo những bạn nam làm “tay chân” cho mình. Nào bắt nạt bạn nam nhỏ, hù dọa bạn nữ, và tiếp tay cho những trò nghịch ngợm của cậu.

Từ hôm bà nói sẽ tặng cậu món quà gặp thiên đường, Chẹp đã hành hạ chị giúp việc thêm nhiều lần. Chị mệt lử cự lại thì cậu quát: “Này, chị là người giúp việc, là ô sin, chị phải chiều!”. Chị giúp việc nhọc mệt chảy nước mắt tủi thân suýt nữa xin nghỉ. Bố Chẹp phải động viên mãi chị mới chịu ở lại. Rồi ngày được mong đợi nhất đã đến, bắt đầu nghỉ hè bố đưa về quê. Năm nay Chẹp được nghỉ dài, hơn một tháng hè đủ để cậu thỏa thích chơi đùa, nhưng cũng sẽ quá mệt đối với bà nội vì phải trông cậu. Vừa chặt chân đến sân, bà nội ra đón ôm, Chẹp đã đòi xem ngay thiên đường. Bà dỗ dành bảo mấy hôm nay thiên đường đi vắng, phải đợi cháu ạ. Chẹp ngơ ngác tin là vậy, nhưng cũng cố hỏi bà thêm một câu: có ở xa đây không hả bà?

Đầu tiên bà đưa Chẹp vào thăm ông nội. Ông ốm liệt giường năm năm nay, sống đời thực vật. Những lần trước về quê, Chẹp chỉ ghé sơ qua chứ chưa bao giờ biết thương ông. Dịp này, bà muốn cháu nội dù sinh ở phố cũng phải biết bón cho ông thìa cháo, yêu thương và cùng bà đọc kinh. Bà làm trước rồi bảo Chẹp làm đúng như vậy. Hai thìa đầu cậu làm rớt ra ngoài. Từ thìa thứ ba thì cậu làm rất gọn gẽ. Bà cười rất tươi.

- Ông không ngồi dậy được, không nói được hở bà? - Chẹp hỏi.

- Ừ, ông ốm nặng lắm, nên chỉ nằm như thế thôi. - Bà trả lời.

- Vậy có bao giờ ông tỉnh lại không ạ?

- Có, là khi có một phép màu. Khi vào thiên đường, cháu hãy tìm phép màu giúp ông tỉnh lại nhé.

Nghe thế, Chẹp càng muốn mau chóng được vào thiêng đường. Cậu hứa sẽ tìm ra phép màu giúp ông khỏe lại.

Buổi trưa hôm đó, bà nội nhờ Chẹp cùng nhặt rau. Cái bụng bệu bạo to khiến cậu rất khó ngồi, phải đặt mông lên ghế. Tuy nhiên cậu cũng cùng bà nhặt đến cọng rau cuối cùng, mồ hôi rịn ra trên trán. Trong bữa ăn, Chẹp chăm chắm gắp thịt, không ăn rau. Hai tay nhớn nháo gắp liên tiếp. Bà nhắc: “Cháu nên ăn nhiều rau và đậu. Thiên đường không thích những người ăn nhiều thịt đâu”. Nghe đến đấy, tay Chẹp muốn chĩa đũa sang đĩa thịt, cũng đành quay sang đĩa đậu.

Chiều vãn nắng, bà nội tìm cho Chẹp một chiếc mũ, rồi hai bà cháu ra đồng nhổ lạc. Chưa bao giờ Chẹp được ra đồng nhổ lạc nên cậu rất hào hứng. Chỉ được một lúc, mồ hôi tóa ra, ướt đẫm cái vai áo to nhiều mỡ của cậu. Chẹp đứng lên, gãi đầu, nhăn nhó, hỏi:

- Nóng quá bà ơi. Sao các cô chú không đi làm cho bà?

- Ừ, hôm nay còn đỡ đấy cháu ạ. - bà trả lời - Các cô chú có việc khác cả.

- Thế các cô chú có kiếm ra tiền để nuôi ông bà không ạ?

- Có chứ, các cô chú rất có hiếu.

Chẹp lại hỏi:

- Ông cứ nằm như thế, bà phải làm tất hay sao?

- Ừ, ông bệnh làm sao làm được. Vậy thì cu Chẹp phải giúp bà nhé, chịu khó vào.

Ba buổi chiều, Chẹp theo bà ra đồng, rồi về chăm sóc ông. Cậu cứ thắc mắc sao bà tận tình chăm sóc ông đến thế. Rồi các chú thím, các bác thay nhau hỏi thăm, mua quà bánh cho bà, cho ông. Ông cũng chẳng nói được lấy một lời. Ấy vậy sự tò mò vẫn thôi thúc Chẹp chốc chốc lại sốt ruột muốn tìm thấy thiên đường. Thiên đường ở đâu nhỉ? Bà đã dần dần tiết lộ đó là nơi rất vui, nhiều tiếng cười. Ngay cả trong mơ, cậu cũng thể hiện nỗi thèm khát ấy.

Bà vất vả cả ngày, chẳng có thời gian đưa cháu trai đi chơi. Hôm đó, bà Đảm em gái họ của nội ốm, bà đưa Chẹp đi cùng. Chẹp đã thắc mắc, tại sao lại phải đi thăm nhau, đi thăm là thế nào? Bà nội giải thích, đó là việc tình nghĩa, là người này quan tâm đến người kia. Chẹp gật gù cái đầu: Thì ra là vậy.

Bà nội chợt thở dài. Ắt hẳn cháu bà rất ngố với những điều đó. Nó sống ở phố, cứ như con gà công nghiệp.

Tuần thứ nhất giúp bà việc nhà và việc ngoài đồng. Tuần thứ hai kỳ nghỉ hè, Chẹp giúp bà vừa việc nhà, vừa làm vườn. Nhổ cỏ, bắt sâu, cuốc đất, hái rau…Mỗi ngày đọc những bài kinh. Cháu bà phải hiểu hơn về tình yêu của Chúa. Tất cả những việc bà làm, bà đều muốn cháu trai thử sức. Nóng bức, nỗi mệt nhọc khiến Chẹp chán nản và càng muốn mau chóng thấy thiên đường. Nội đã bảo có, vậy sao vẫn chưa thấy. Ở đó có phải con người không làm vẫn có ăn không? Cậu đã nghĩ đến chuyện bà nội nói sai, chỉ lừa Chẹp thôi. Còn bà thấy cháu trai có đen đi, nhưng dáng dấp gọn hơn, nhanh nhẹn hơn. Bà mừng thầm.

***

Những hôm đầu, Chẹp không muốn chơi với đám trẻ con miền quê. Ngay cả mấy đứa con bác Khang, chú Dành, cậu cũng lạnh nhạt không bắt chuyện. Dần dà, đám trẻ con có những trò chơi mà Chẹp không có. Đánh bi và thả diều. Chẹp được bắt chuyện, quen dần nên chủ động rủ cùng chơi. Chị Duyên con bác Khang mười ba tuổi, kháu khỉnh và thông minh. Một chiều thả diều trên mương đồng, Chẹp trượt chân đã ngã xuống nước. Cái Chang bắt ốc gần đó đã chạy đến kéo Chẹp lên. Rồi Chang bỏ chạy, không nói một lời. Chẹp cũng chẳng quan tâm, cậu bỏ về thay quần áo. Một lần chị Duyên nói với Chẹp:

- Chỗ gò hoang ngoài đồng có chỗ chơi hay lắm. Chúng mình đến đó đi. Ở đó có cái Chang, hôm nọ kéo Chẹp khỏi mương nước đó.

Cu Theo, em của Duyên can:

- Người lớn không ai cho trẻ con đến đó. Nghe nói ở đó có ma, có người hủi.

Chẹp không hiểu đầu cua tai nheo ra sao. Cuối cùng, Duyên giải thích, rằng nơi đó là khu cây cối um tùm, xanh mướt, có chiếc lán của hai mẹ con bà hủi. Người con là cái Chang. Không ai dám đến đó vì sợ lây. Nhưng Duyên và mấy đứa em thì không. Họ quý cái Chang con gái bà hủi.

- Nếu lây bệnh thì em không đi đâu - Chẹp nói.

- Không lây mà lại - Duyên khẳng định - Chúng mình cứ đến đó chơi. Chị thấy Chẹp có tiền, cho cái Chang nhé. Ở chỗ đó gió rất mát.

Vậy là cả bọn bàn nhau bí mật đến gò hủi, nơi mẹ con bà hủi sống trong sự xa cách. Chẹp tặng Chang số tiền hôm về quê, bố đưa cậu giữ. Chang sợ sệt mãi mới chịu cầm. Bà hủi hất hàm hỏi:

- Các cháu không sợ sao mà đến đây? Người lớn biết là chửi mắng đấy.

Duyên thưa:

- Chúng cháu đi bí mật, không ai biết cả. Chúng cháu không sợ lây bệnh. Năm trước có chú nhà báo đi qua, nói bệnh không lây mà. Sao người ta lại sợ đến đây?

Bà hủi nao nao quay mặt nhìn lên tán cây. Gió thổi xào xạc. Cái Chang biết mẹ nó đang buồn. Chang đã được Duyên nói cho nghe về thế giới bên ngoài. Rất tự do thoải mái, được đi học, được chơi và cười nói. Những điều đó, Chang chỉ thấy trong mơ. Thế giới của nó là chiếc gò hoang này, với những tán cây, những cơn gió đồng bàn bạt. Nó đã luôn phải sống trong hoang lạnh.

Chẹp là người đã gợi ý cả bọn rủ Chang về làng cùng chơi. Bà hủi can. Chang thảng thốt nói người dân không ai muốn thấy sự xuất hiện của hai mẹ con nó. Từ lâu họ đã xa lánh hai mẹ con. Nhưng Chẹp đã thuyết phục được. Lần một rồi lần hai. Vậy là người trong làng ầm lên. Họ mắng Chẹp, rồi đến tận nhà tố cáo chuyện đó với gia đình. Bà nội phải xin lỗi họ. Nhưng bà không mắng Chẹp. Bà bảo Chẹp làm đúng. Chuyện vẫn bị làm ầm lên khiến chính quyền địa phương vào cuộc. Chú nhà báo ở trên phố về, nói bệnh hủi không lây cũng vào cuộc. Cán bộ cấp trên nữa đưa mẹ con bà hủi đi kiểm tra, xác minh. Kết quả họ không bị bệnh. Họ chỉ bị ghẻ lạnh, bị vu oan vì liên quan tình cảm đến ông trưởng thôn, rồi bị đẩy đuổi ra đó cô lập. Người ta buộc phải cho hai mẹ con bà về làng sống. Nhưng bà đã không làm thế, chỉ cho cái Chang đi học. Bà vẫn muốn ở lại khu gò, với những tán cây, cánh đồng. Công đầu tiên được ghi cho Chẹp. Cậu có một ý nghĩ táo bạo và hồn nhiên. Sau những lần bí mật ra gò hoang, bọn trẻ đã giúp giải nỗi oan cho mẹ con Chang. Chẹp thân hơn với Chang từ đó. Cô cậu bằng tuổi nhau.

Bà nội rất hãnh diện vì Chẹp. Cậu được khen, tung tăng rủ các chị và các em đi ngắm cánh cò trên đê. Cuối chiều tạnh nắng, Chẹp chạy ra chân đê để thả diều. Cậu vẫn ôm nỗi khát khao, không quên hỏi bà về thiên đường. Cậu nói với chị Duyên, cu Theo và cả bạn Chang về thiên đường mà bà nội muốn cậu thấy. Chị Duyên hỏi:

- Chị chưa bao giờ thấy bà nói về thiên đường.

Còn Chẹp dõng dạc:

- Chắc em là con trai. Bà chỉ nói cho cháu trai thôi.

***

Tuần thứ tư của kỳ nghỉ hè sắp qua đi. Chỉ còn ít ngày nữa Chẹp phải về lại phố. Vẫn chưa thấy thiên đường. Cậu đang thất vọng, không muốn làm việc nữa. Bà nội khuyên: Thiên đường thích những đứa trẻ chăm ngoan, chịu khó. Chẹp vì muốn thấy thiên đường nên cố gắng vâng lời. Tối đó bà sốt. Chẹp sốt sắng hỏi các chú về thuốc để bà uống giảm sốt. Chú Dành bưng nước mời bà uống thuốc. Cậu thấy cử chỉ của chú sao mà ân cần.

Mẹ ốm, bố gọi điện trước rồi về quê đón Chẹp sớm hơn dự định. Câu đầu tiên Chẹp hỏi là mẹ có ốm nặng không, con rất nhớ mẹ. Mẹ có nhớ con không? Những câu hỏi mà trước đây chưa bao giờ cậu cất lời. Người bố bất ngờ vì thấy con rắn giỏi. Thân hình cậu cũng gọn gàng, trở nên nhanh nhẹn hoạt bát hơn. Chẹp nhớ mẹ, muốn ngay lúc này được gặp mẹ, nhưng vẫn muốn được thấy thiên đường, muốn sống nơi quê. Cậu đang hòa nhịp rất tốt.

- Bố ơi, hay bố cứ về với mẹ trước. Bố chăm sóc mẹ thay con. Con còn phải đợi thấy thiên đường, tìm phép màu giúp ông khỏe lại. Với lại, về phố, con sẽ rất nhớ mọi người, nhớ quê.

Người bố bất ngờ trước câu nói của con. Con trai đã biết thương người, viết nhớ quê.

Rồi Chẹp quay sang bà, nài nỉ :

- Bà sớm khỏe bệnh bà nhé. Hay là lúc này bà đưa cháu vào thiên đường đi.

Bà lắc đầu :

- Chưa được, cháu cứ lên phố, rồi bà sẽ đưa cháu đến đó sau.

Sáng sau Chẹp sẽ lên phố cùng bố. Cậu nói với bố rằng mới quen một người bạn rất thân, và xin bố một ít tiền giúp đỡ cho Chang đi học. Tất nhiên bố đồng ý. Đêm hôm đó, Chẹp ngồi viết thư cho Chang, dù vừa gặp lúc chiều nói lời tạm biệt. Thư có đoạn: “Tớ vẫn muốn nhìn thấy thiên đường, nhưng bà bảo phải đợi. Tớ muốn cậu được đi học, học tốt, và có thời gian lên phố chơi với tớ nhé. Tớ hứa được thấy thiên đường, tớ sẽ rủ cậu cùng vào...

Sau khi hôn tạm biệt ông nội trên giường, ngồi lên xe máy để cùng bố về Hà Nội, Chẹp vẫn ngoái lại nhìn bà gượng dậy tiễn cháu. Ánh mắt Chẹp vừa đầy hy vọng vừa tiếc nuối. Cậu khao khát thấy thiên đường.

- Bà ơi, bà giữ sức khỏe nhé, cháu về thăm mẹ, mấy hôm nữa lại xin bố đưa về với bà. Lúc đó nhất định cho cháu gặp thiên đường nhé?

Bà nội nói với hai bố con:

- Kỳ nghỉ vừa qua, cháu đã sống trong thiên đường đấy thôi. Này nhé, cháu đã giảm được bẩy cân thịt, đi lại nhanh hơn mà chính cháu không biết. Rồi cháu biết làm, biết quan tâm đến người khác. Cháu đã biết thương người, sẻ chia, thuộc làu cả chục bài kinh, được hiểu hơn về lòng thương xót của Chúa Giê su.

Giọng bà dõng dạc hơn:

- Ôi, bà cảm ơn cháu. Cháu biết quan tâm đến người khác cơ đấy. Này, cháu đang sống ở thiên đường đây này. Thiên đường chính là nơi con người sống hạnh phúc với nhau, sẻ chia và giúp đỡ. Là nơi mỗi người có cơ hội và thật tâm làm điều tốt. Cháu không thấy là cháu đã được cười rất nhiều, có nhiều bạn mới sao... Vậy cháu hãy tạo ra những thiên đường cho mình nhé.

Người bố gật đầu vui sướng. Ông thấy con mình đã thay đổi thật. Hoạt bát hơn, và hơn thế biết yêu thương.

Chẹp xuống xe, chạy đến ôm chặt lấy cổ bà nội, thấy hơi thở bà rất ấm. Lòng cậu cũng sảng khoái hơn. Vâng, cháu đã thấy thiên đường. Chẹp hét lên. Những tán lá trong vườn bà rung rinh như múa hát.

Mã số: 17-041
 

Có bao giờ bạn cảm thấy rằng mình là một con người tội lỗi, mà tội lỗi đó nó nhơ nhớp, cắn xé bản thân mình ra thành trăm mảnh, gặm nhấm từng ngày trong cuộc đời? Tôi của ngày hôm nay, là một con người như thế. Vết nhơ tội lỗi ấy đã được vẽ lên từ hai năm trước bởi không ai khác mà là chính tôi, một cô gái trẻ, mà bây giờ chỉ còn đáng gọi là “người đàn bà tội lỗi.”
Nhìn anh ôm thằng bé đang say giấc ngủ với đôi má ửng hồng bụ bẫm, đó có lẽ là điều duy nhất tôi tự an ủi cho quá khứ của mình. Anh đến với cuộc đời tôi như một cơn mưa rào mùa hạ, và thằng bé ra đời sau tiếng sấm giận dữ cuối cơn mưa. Tiếng sấm đó là sự giận dữ của trời cao, là sự phẫn nộ của cộng đoàn, là sự xấu hổ, đau đớn của bố mẹ.
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, dưới sự dạy bảo rất nghiêm khắc của bố mẹ. Bố là chủ tịch hội đồng giáo xứ, mẹ là trưởng ban gương mẫu của hội Hiền Mẫu, và tôi là đứa con gái “rượu thuốc” duy nhất của gia đình, cũng là cô đàn sĩ phụng vụ của giáo xứ. Với cái tuổi đôi mươi, thời gian mà con cái nhà người ta đang hẹn hò, cặp kè với tình yêu đôi lứa đầy thơ mộng, còn tôi thì chưa một lần rung động với một người con trai nào. Vậy mà…
Buổi chiều tối hôm ấy, trong cơn mưa tầm tã, tôi mang tô súp riêu cua nóng hổi mà mẹ ưu ái dành cho Cha sở tôi. Vừa bước chân vào nhà xứ, tôi bắt gặp ngay một cái gật đầu “Chào em!” - một nụ cười rạng ngời, đầy ấm áp, thánh thiện ánh lên trong sự khiêm tốn nhẹ nhàng. Đó chính là anh. Toàn thân tôi như bất động. Lòng tôi như tan chảy ra trước vẻ đẹp sâu xa trong ánh mắt trìu mến của anh. Giây phút này, bao nhiêu điều mẹ tôi răn đe, dạy bảo chợt tan biến mất. Trong tôi, có một khao khát, rực cháy muốn được bứt phá ra khỏi những điều mẹ tôi “vây hãm” xưa nay. Cầm trên tay tô súp còn bốc khói mà dường như tay tôi chẳng hề thấy nóng. Bàn tay tôi trở nên “cách nhiệt” tự bao giờ. Tôi ấp úng – “Chào…anh!”. Tôi đặt tô súp trên bàn, rồi hối hả ra về như thể có chuyện gì gấp gáp lắm.
Tôi cứ thế chạy về, chẳng còn để ý từng hạt mưa đang tới tấp va vào mặt. Ánh mắt, nụ cười của anh cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Chỉ khoảnh khắc ngắn đó thôi, nhưng sao nó cứ dai dẳng. Cơn mưa càng nặng hạt như muốn cổ vũ cho những hình ảnh của anh. Tôi điên mất! Bước vào nhà, trong bếp, có tiếng bố mẹ đang trầm trồ:
- Chà! Năm nay giáo xứ mình trúng mánh có một thầy giúp xứ quá đẹp trai!- Giọng mẹ tôi đầy tâm đắc.
- Bảnh trai thật, cao to thêm cái tật là có quá nhiều tài nữa bà ơi! Đàn hát xướng ca thứ gì cũng có – Bố tôi càng to giọng hơn – Thầy Phê-rô Trần Thanh Tân.
Nghe lén được cuộc trò chuyện của bố mẹ, tôi ngờ ngợ “Anh ta là thầy hả?” . Rồi bao nhiêu câu hỏi cứ ùa đến với tôi. Tại sao mình lại? Tại sao…và tại sao? Tôi lặng lẽ bước lên phòng mà lòng cứ ray rứt, bồi hồi. Mặt mũi bơ phờ, tôi dội một gáo nước cho bừng tỉnh như muốn dội đi những suy nghĩ trong đầu lúc này.
Ba tháng trôi qua, kể từ ngày anh về giúp xứ, mọi thứ dường như trở nên mới lạ hơn. Nhiều cộng đoàn sinh hoạt nhịp nhàng hơn. Thiếu nhi, lễ sinh, giới trẻ, hội mân côi, hội hiền mẫu, hội người cha… tất cả đều tham gia có phần tích cực, năng nổ. Anh đã mang đến cho giáo xứ một luồng gió tươi trẻ, năng động. Anh hát hay lắm. Giọng anh cao khỏe, trong trẻo, và ấm áp như cõi lòng tràn đầy tình người của anh. Anh luôn biết quan tâm đến tất cả mọi người. Nụ cười ấy luôn nở trên đôi môi của anh, ánh mắt cảm thông chia sẻ luôn được trao ban với tất cả những ai anh gặp gỡ.
Mùa Giáng Sinh chuẩn bị đến. Ca đoàn tập hát nhiều hơn, nào ca đoàn người lớn, ca đoàn giới trẻ, ca đoàn thiếu nhi, và tôi có nhiệm vụ đệm đàn cho anh tập hát, đó cũng là lý do tôi được gặp anh nhiều hơn. Lòng tôi rộn hẳn khi tiếng đàn vang lên, và anh cất cao giọng hát. Tiếng hát của anh như muốn xua tan đi cái lạnh lẽo của tiết trời mùa đông, sưởi ấm cho bao lòng người. Từng ngày trôi qua, tôi vui thích được “hợp tác” với anh, tôi thả hồn theo tiếng hát của anh, tôi mê mẩn với niềm vui, niềm hạnh phúc đó. Đôi khi tập hát liên tục nhiều giờ, nhiều ngày, anh luôn nở nụ cười động viên mọi người:
- Cố lên mọi người! Ngày đó Chúa sẽ đền bù! – Lúc đó, tôi không nghĩ đến Chúa có đền bù cho tôi hay không, nhưng chỉ cần anh mỉm cười với tôi, là tôi trở nên phấn chấn lạ thường.
Anh là vậy đó, một con người sống tình cảm, khiêm tốn, nhẹ nhàng, biết quan tâm chia sẻ với người khác. Anh được rất nhiều người mến mộ. Các em thiếu nhi quý anh lắm, lúc nào cũng “Thầy Tân ơi…Thầy Tân à”. Các cô choai choai trạc tuổi tôi thì không ngại liếc mắt “đưa tình”, nở nụ cười làm duyên với anh. Các ông, các bà thì thường xuyên lui tới nhà xứ biếu Cha sở món này món nọ với “ý đồ” được gặp gỡ trò chuyện với anh. Phần tôi, anh đã mang đến cho tôi biết bao cung bậc cảm xúc, chỉ cái nhìn của anh thôi, cũng đủ làm tôi trở nên một con người khác lạ.
Từ đó, tôi biết rõ trong sâu thẳm lòng mình muốn điều gì, và điều đó đang thổn thức, nhen nhóm bùng cháy từng ngày: tôi đã yêu anh. Nhưng làm sao chuyện đó có thể xảy ra được chứ? Tôi không dám đối diện với sự thật, với chính mình. “Anh là người của Chúa mà…”. Lặng lẽ quỳ trước Thánh Thể, với ánh nến đèn chầu Nhà Tạm hiu hắt trong màn đêm thinh lặng đến đáng sợ, nước mắt tôi ứa trào.
- Lạy Chúa, con…con xin lỗi Chúa, con sai rồi. Con không dám đâu Chúa ơi! ­- Tôi nức nở, tim tôi thắt lại. Tôi không từ bỏ nổi tình cảm ấy. Tôi phải làm sao đây? Đối diện với nó ư? Đó lại là điều đáng sợ hơn nữa.
Hôm đó, tôi đến tập hát sớm hơn mọi ngày. Ca đoàn chưa một ai đến, nhưng anh đã ngồi đó tận bao giờ. Anh ngồi đó nhìn những phím đàn Piano đen trắng, bất giác đưa tay nhấn phím Đô. Âm thanh vang lên, tôi nhận ra nó như tiếng còi tàu thủy sắp ra khơi, văng vẳng và kéo dài. Tự nhiên tôi muốn lao theo tiếng còi tàu ấy ngay lập tức, muốn bỏ qua tất cả mà chạy theo anh ra ngoài biển khơi kia, vùng vẫy một tình yêu tuổi trẻ. Nhìn anh từ phía sau trong chiếc áo chùng thâm, nghiêm nghị mà thánh thiện, tôi lại càng thấy anh đẹp hơn nữa. Tôi biết mình đã bị tiếng còi tàu ấy làm cho trở nên yếu đuối và không cưỡng lại được sự cám dỗ. Tôi vội chạy ra ngoài trước khi anh kịp phát hiện ra tôi đứng đó.
Ngày tháng trôi qua, tôi cứ mãi sống trong thứ tình cảm không hồi kết đó. Rồi buổi tối cuối năm ấy, Cha sở vắng nhà, tôi thật sự cảm thấy lo lắng hồi hộp khi mẹ bảo tôi đem đến cho Thầy mấy món hải sản dưới quê gửi lên. Tôi nói mẹ để sáng mai nhưng mẹ nhất quyết không chịu vì phải ăn liền mới ngon. Tôi ngập ngừng rồi cũng đi. Tôi hồi hộp bước vào nhà xứ. “Em đi đâu tối vậy?”- Vẫn là một nụ cười rạng ngời, đầy ấm áp thánh thiện ánh lên trong sự khiêm tốn nhẹ nhàng như lần đầu tiên tôi gặp anh ấy. “Mẹ em gửi Thầy ít hải sản dưới quê... Em... em về đây ạ...”. Tôi lúng túng quay ra cửa thì trời vừa đổ cơn mưa xối xả. Tôi đành phải quay vào vì không mang theo áo mưa. Anh kéo ghế bảo tôi ngồi. “Đùng!”. Một tiếng sấm lớn cùng tia chớp xẹt ngang cửa khiến tôi giật mình hét lên và quay qua ôm chầm lấy anh. Lúc này đèn điện bị cúp hết toàn bộ, càng sợ hơn tôi càng ôm anh chặt hơn nữa. Anh toan đẩy tôi ra và lúng túng “Để thầy đi lấy nến...”. Khi anh cất giọng lên tôi mới kịp nhận ra mình đang làm gì, đáng lẽ tôi phải buông anh ra ngay lập tức, bỏ chạy về trong mưa như lần đầu tiên tôi gặp anh vậy. Nhưng... tôi không làm được điều đó. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén lâu nay như được vỡ òa ngay lúc này. Âm thanh của nốt Đô từ phím đàn Piano đen trắng lại vang lên văng vẳng, kéo dài trong trí óc tôi. Lần này, tôi đã bỏ mặc tất cả sợ hãi mà lao theo nó...
Những ngày sau đó, tôi nằm suốt trong phòng, tôi sợ phải ra ngoài, tôi sợ gặp mọi người và tôi sợ gặp anh. Hơn hết, tôi sợ chính bản thân, chính con người nhơ nhớp của mình. Tôi nói tôi mệt nên không đến đàn cho ca đoàn được. Bố mẹ tôi lo lắng và luôn cố gắng chăm sóc để tôi nhanh chóng khỏe. Hôm sau, mẹ nói mọi người trong ca đoàn sẽ đến thăm khiến tôi càng lo lắng hơn nữa. Tôi cảm thấy mình vô cùng xấu hổ, sợ hãi khi nhìn vào mắt bố mẹ, Cha sở, cộng đoàn và cả anh. Đặc biệt khi đọc kinh cầu nguyện cùng Thiên Chúa, tôi chỉ biết đấm ngực mà xót xa cho tội lỗi của mình.
Sau một tuần, tôi cố gắng để trở lại cuộc sống bình thường. Tôi vẫn đến nhà thờ, vẫn đàn nhưng tôi không dám nhìn vào mắt anh nữa. Tôi tự hứa với lòng sẽ từ bỏ điều mà lâu nay tôi mong muốn, tôi chỉ muốn mình trở về là một cô đàn sĩ phụng vụ ngoan hiền, khuôn phép như ngày xưa. Nhưng tôi đâu có biết, điều đó đã quá muộn màng và mọi thứ đã đi quá xa. Tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, khó thở... Và rồi, còn điều gì đáng sợ hãi hơn lúc này nữa... Tôi đã mang trong mình một sinh linh bé bỏng...
Tôi sẽ phải đối diện thế nào với sự thật này, tôi sẽ trả lời bố mẹ thế nào? Là thầy xứ? Không, sẽ không một ai trên thế gian này chấp nhận sự thật đó. Rồi anh sẽ thế nào, chiếc áo chùng thâm anh đang mặc sẽ vì chuyện này mà cởi bỏ sao? Anh đã chọn con đường trở thành người của Chúa, nhưng sao con người tội lỗi của tôi lại giành lấy anh từ Người. Tôi đã phá vỡ cuộc hành trình của anh, cuộc hành trình mà lẽ ra anh chỉ toàn nhận được niềm vui và sự bình an từ nơi Người, giờ đây đã trở thành cuộc hành trình trần thế đầy trắc trở.
Tôi lấy hết can đảm để nói chuyện với anh. Tôi và anh quỳ trước Thánh Thể Chúa, cả hai chúng tôi đều khóc, khóc cho tội lỗi của mình, khóc cho những dục vọng cám dỗ mà mình đã không quyết tâm cầu nguyện để mà mạnh mẽ chiến đấu, dập tắt nó. Giờ đây, chúng tôi là những tội nhân quỳ trước Thiên Chúa, tôi không bao giờ dám cầu xin Ngài tha thứ cho mình. “Tội nhân nào cũng có tương lai – quá khứ dù có đen tối đến đâu, nếu ta biết chấp nhận và vươn lên”. Nhưng thử hỏi tôi có thể vươn lên như thế nào đây ? Làm sao tôi có thể tha thứ cho chính mình, tha thứ cho việc làm đầy tội lỗi đó ?
Khoảng thời gian anh mới về, giáo xứ tích cực năng nổ bao nhiêu thì bây giờ tất cả như chìm vào một cơn vũ bão, cơn bão của tội lỗi do chính tôi gây ra. Hình ảnh cô đàn sĩ ngày ngày cũng ca đoàn cất lời ca ngợi Chúa bây giờ không còn nữa. Mọi người dèm pha tôi một nhưng dèm pha anh đến mười. Người Thầy xứ đầy năng lực, nhiệt huyết và ấm áp của cộng đoàn giáo xứ giờ đã biến thành một người lặng lẽ, luôn cúi gầm mặt và không còn dám ngước nhìn cộng đoàn nữa. Mẹ tôi đã nhập viện vì không chấp nhận nổi sự thật ấy, bố tôi thì chỉ biết khóc và gào thét với tôi “Tại sao con gái tôi lại bị ma quỷ cám dỗ như thế này...”
Anh thu xếp quay về Tòa Giám Mục và quỳ gối trước Đức Cha, gửi lại cho Ngài chiếc áo chùng thâm mà ngày đầu được mặc anh đã vô cùng hạnh phúc. Chiếc áo ấy đã theo anh trong suốt đoạn đầu cuộc hành trình đi tìm tình yêu thực sự là Thiên Chúa. Đó còn là dấu hiệu nhận biết anh là người của Chúa, nhưng con mắt trần tục của tôi đã cố chấp bỏ qua dấu hiệu đó, để giờ đây, anh không còn xứng đáng choàng lên cho mình chiếc áo ý nghĩa ấy nữa.
Anh quay lại đón tôi, chúng tôi quỳ gối trước mặt bố mẹ và bà con họ hàng, nói lời xin lỗi muộn màng cho những việc làm hết sức tội lỗi của mình. Nhưng tôi biết rằng, không một con người trần thế nào có đủ độ lượng để tha thứ cho những con người như chúng tôi. Chúng tôi trở thành một cái gai trong mắt mọi người và dường như không còn được chấp nhận nơi cộng đoàn giáo xứ nữa. Với những người ngoại đạo, chúng tôi thậm chí còn không được chấp nhận như một con người bình thường trong xã hội. Tôi và anh đã chọn cách ra đi, đến một nơi xa xôi khác, mang theo trong mình sự ân hận, cắn rứt về tội lỗi và mang theo cả đứa bé vô tội đang lớn dần lên trong tôi.
Buổi sáng hôm ấy, bầu trời u ám và trút mưa. Chúng tôi xách lỉnh kỉnh vài túi đồ, leo lên xe, tôi ngồi vào hàng ghế đầu. Mẹ đưa tay gạt nước mắt, tôi không dám ngoảnh đầu lại bởi hình ảnh tiều tụy của bố mẹ phía sau. Xe chuyển bánh, chuyến xe đưa chúng tôi về vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Ở nơi đó, mỗi ngày, chúng tôi đều nghe thấy tiềng còi tàu thủy ra khơi, thứ âm thanh mà tôi cho rằng giống nốt Đô từ phím Piano mà anh bất chợt tạo ra ngày hôm đó. Một nốt Đô đáng nhớ trong bản tình ca của một đời người. Nghe cao, thanh thoát, nhưng vẳng lại và day dứt mãi không nguôi...
Ở nơi hải đảo xa xôi này, chúng tôi sống trong một căn nhà lụp xụp ven bờ biển của một người dân đi ra khơi để lại. Chúng tôi nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ bà con họ hàng, nhớ cộng đoàn giáo xứ, nhớ những giờ tập hát tràn đầy niềm vui và hân hoan. Nơi đây, chúng tôi chỉ có thể đến nhà thờ mỗi tuần vào ngày Chúa Nhật. Trong nhà Chúa, sự ân hận và đau khổ tăng lên gấp bội lần, bởi lẽ ra, nơi đây mới chính là nhà của anh và tôi cũng được chung hưởng niềm hạnh phúc với công việc đàn phụng vụ giáo xứ. Chúng tôi đã tự đẩy mình ra khỏi vườn Địa Đàng đầy trái ngọt mà Thiên Chúa ban tặng. Giá như, giá như ngày ấy, mỗi người chúng tôi quyết tâm sống đúng vai trò của mình trong Giáo hội....
Một mùa Giáng Sinh nữa lại đến, cái lạnh càng đậm hơn ở nơi đầy gió và sóng biển này. Buổi sáng, đứa bé chậm chững nô đùa trong sân bỗng dưng dừng lại, nhìn chăm chú vào một người lạ nào đó đang tiến về phía nó. Trước cửa nhà tôi là một người phụ nữ với tấm lưng còng, mái tóc bạc rối tung lên bởi gió biển, run rẩy và lưng tròng nước mắt. Anh chạy ra, quỳ gối và khóc “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ...” Đó là người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau một người con trai, tần tảo ngày tháng nuôi nó lớn lên với tâm nguyện dâng trọn cuộc đời con mình cho Chúa, cho Giáo hội. Vậy mà, nó đã trả hiếu cho người phụ nữ cao cả ấy như thế này...
Tuổi trẻ nào mà chẳng thắm yêu thương. Xin hãy đến với nhau bằng con đường đẹp lòng Thiên Chúa.




























“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho
những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44)

Yêu kẻ thù không tự sức phàm nhân
Nhưng chỉ ai Tình yêu Chúa thông phần
Mới nói được lời chân thành tha thứ
Cho oán thù hờn giận phải tiêu tan
 
Nhìn lên Đấng đã yêu thương thế gian
Vòng tay Ngài rộng giang trên Thánh Giá
Chúa ôm choàng nhân thế trong tình Cha
Tuôn hồng ân cứu rỗi lòng thứ tha
 
Con phát xuất từ lòng Cha thánh thiện
Biết lấy gì làm vinh hiển Danh Cha
Đường nhân thế chân trần con va vấp
Xin dâng Ngài từng bước tập thứ tha
 
Trải yêu thương hải hà muôn thế hệ
Chúa vui lòng hiến tế vì tội nhân
Để cùng Ngài nên nghĩa thiết tình thân
Vui hạnh phúc dự phần con cái Chúa
 
Ngài hiện thân của tình Cha muôn thủa
Đấng nhân lành cho mưa xuống trần gian
Vầng kim ô soi vũ trụ huy hoàng
Người lành dữ dư tràn muôn ân huệ
 
Yêu kẻ thù, tưởng chừng như không thể
Chúa đã làm để minh chứng tình thương
Lòng thứ tha, sức mạnh thật phi thường
Vươn chóp đỉnh tình thương nơi Thiên Chúa
 
Yêu tha thứ có Ngài luôn ngự giữa
Các tâm hồn nghe gõ cửa mở toang
Để Tình thương Luật mới Chúa kiện toàn
Đơm hoa trái bình an cho nhân thế.
 
Nt. Bích Ngọc




































(Kính dâng hương hồn Đc Phaolô Nguyễn Văn Hòa,
Người vừa ra đi trong chính đêm Valentine’Day, 14/2/2017)


Chiếc lá về cội,
Chiếc lá vừa rơi trong đêm,
Bầu trời hơi tối lại,
Khi một ánh sao chợt vừa vụt tắt !
Cánh én ngoài kia,
Tối nay mang nốt trầm hiu hắt,
Không phải mùa xuân mà với một tin buồn !
Nghe nhè nhẹ đâu đó,
Có dòng nước mắt tuôn,
Hay một nỗi tiếc thương
đọng thành lời than thở !
 
Người đã đi qua với mối tình nặng nợ,
Của người mục tử che chở những đàn chiên.
Như người nghệ sĩ,
Tiếng dương cầm còn vang mãi triền miên,
Mà khúc hát Sêraphim
ngân hoài theo năm tháng !
 
Vẫn biết dòng sông,
Phải trôi về bao la biển rộng,
Chấp nhận phận người,
Lại trở về nguồn cội vô biên,
Nhưng trong đáy sâu,
Của một miền thăm thẳm trái tim,
Vẫn nứt kẻ một đường riêng nhức nhối.
 
Nén hương lòng,
Kính tiễn cha hành hương đi về cội,
Mau hợp đoàn cùng muôn triệu thánh nhân.
Để khúc Sêraphim,
Cả thiên đàng cùng đồng giọng vang ngân,
Riêng cõi thế vạn lần thương tiếc nhớ !
 
“Requiescat In Pace” (R.I.P)
Kính dâng về cha một lời kinh nhỏ !
Sơn Ca Linh





































* Sáng nay se se lạnh

Lá trĩu nặng giọt sương,

Hoa tỏa ngát mùi hương,

Sương mù phủ manh mảnh.

 

Lác đác vài ngọn cỏ,

Vi vu tiếng gió đông,

Đồng ruộng xanh mênh mông,

Mùi ẩm đất nồng nồng.

 

Chuông nhà thờ vang dội,

Chợt giật mình tỉnh giấc

Nhớ nay ngày Chúa Nhật,

Chúm chím cười đôi môi.

 

Chân nhịp bước trên đường,

Tung tăng đến nhà Cha

Con hân hoan ngợi ca,

Tình Cha thật cao cả.

 

Sống trong tình yêu Chúa

Biết gieo mầm Đức Tin,

Tỏa hết mọi tâm tình,

Loan truyền Tin Mừng Chúa.

 

Anna Nguyễn Thị Thanh Trà

Gx. Ngọc Thạnh

Sn: 2003

Giải Ba




THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT ĐỘC ĐÁO
CỦA HÀN MẠC TỬ
PHAN CỰ ĐỆ

 (Trích đoạn)
Võ Long Tê cho rằng bài Tựa tập Đau thương đã chứa đựng những yếu tố thiết yếu cho một thi học mới mà Hàn Mạc Tử có dịp giãi bày rõ ràng hơn trong bài Tựa Xuân như ý, trong Quan niệm thơ (Gửi Trọng Miên). Đó là một quan niệm thơ tôn giáo đánh dấu sự hòa giải nghệ thuật với đức tin và thông qua quan niệm ấy, nhà thơ gặp lại luận đề nổi tiếng của linh mục Brémond về mối tương đồng giữa thơ và kinh cầu nguyện.
Trong thi học ấy của Hàn Mạc Tử, chúng ta có thể phát hiện những gì nhà thơ vay mượn của các tác giả hằng yêu thích trong đó phải kể Verlaine, Rimbaud, Péguy và Claudel (Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mạc Tử).

Trong thư trả lời chúng tôi ngày 3-12-1990, nhà nghiên cứu Võ Long Tê nói rõ hơn ảnh hưởng Paul Claudel đối với Hàn Mạc Tử: “Lẽ dĩ nhiên là có, song Hàn Mạc Tử đã tiếp thu với tinh thần sáng tạo. Trong sách Paul Claudel et la spiritualité théosienne” (đã xuất bản) và riêng về bài Say thơ của Hàn Mạc Tử, tôi có đề cập đến chủ thuyết “Vibration” trong “Les cing grandes Odes” mà chúng ta có thể thấy trong câu “Ca cầm ca, tơ đồng vọng dang ra” của Hàn Mạc Tử. Còn về cái “điên’ của nhà thơ, chúng ta đã gặp trong bài Hymne de la Pentecôte (1909) của Claudel: “O Dieu, j’entends mon âme folle en moi qui pleure et qui chante” mà tôi đã dịch:
Chúa ơi, hồn con cuồng điên lãng đãng
Con nghe bật ra tiếng khóc tiếng ca.
 Tôi đã có một dịch phẩm nguyên tác chiếu với Việt dịch bằng thơ “Paul Claudel, Tuyển tập Việt dịch bằng thơ” gồm dẫn nhập về thân thế, sự nghiệp Claudel: “Chant de marche de Noel, Hymne de la Pentecôte, La Vierge à midi, Saint Joseph, Sainte Thérèse de Lisieux, v.v...” nghĩa là những bài đã góp nhiều vào thi hứng của Hàn Mạc Tử.
Trên kia đã nói, quan niệm thơ của Hàn Mạc Tử có chịu ảnh hưởng những lời giải thích thi ca mang đầy tính chất Thiên Chúa giáo của các nhà lãng mạn và tượng trưng ở phương Tây. Trong thư gửi Hoàng Trọng Miên, Hàn Mạc Tử viết: “Tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường (...). Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie)” (Quan niệm thơ).
Thi sĩ rơi xuống cõi đời như một “trích tiên bị đày đọa”, sống cô đơn lạc lõng. Và muốn cho thi sĩ có những tác phẩm tuyệt diệu sống mãi với thời gian. Thượng Đế bắt họ “phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình: ‘Không rên siết là thơ vô nghĩa lý’.
Về điểm này Hàn Mạc Tử lại gặp Baudelaire trong Cầu phúc: “Lạy Chúa, xin cảm tạ Ngài vì Ngài đã ban sự đau khổ cho chúng tôi để dùng làm liều thuốc thần diệu chữa lành mọi sự xấu xa nhơ nhuốc. Đó là chất tinh túy tốt đẹp, trong sạch nhất sửa soạn cho chúng tôi đủ mạnh mẽ mà hưởng sự khoái lạc lành thánh. Tôi biết ngài đã dành cho Thi sĩ một chỗ ngồi giữa hàng các bậc thánh thiện đầy ơn phước trên thiên cung”.
Đức Chúa Trời tạo ra “trăng, hoa, nhạc, hương” trên cõi đời này để cho người đời hưởng thụ. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi thưởng thức tất cả những lương thực ngọt ngào mỹ vị làm bằng hương báu, nhạc thiêng, rượu say, châu lệ của những mùa xuân ấm. Song le thi sĩ vẫn còn khát khao, thèm thuồng những vật lạ muôn đời. Thi sĩ muốn “siêu thăng”, bay lên thượng tầng không khí, đến những vùng không gian sâu thẳm bao la, “ở bên kia mặt trời... ở bên kia biên thùy các vì tinh tú”. Thi sĩ ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng ở một cõi trời cách biệt, xa với thế gian này. Baudelaire viết:
Diễm phúc thay kẻ có thể giương đôi cánh dũng mãnh
Bay vút lên những không gian ngập ánh sáng tĩnh mịch
(Siêu thăng)
Thì Hàn Mạc Tử cũng nói: “Chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tàn đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi” (Chơi giữa mùa trăng).
Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ trên thế gian này nhưng thi sĩ là người khao khát vô biên và tuyệt đích, “cứ nhất định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới vừa lòng thi sĩ”, mới là người tri kỷ ước mơ của thi sĩ. Cho nên Hàn Mạc Tử định nghĩa: “Thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt” (Quan niệm thơ). Chỉ với Đức Chúa Trời, thi sĩ mới có thể dốc hết tâm sự, kể lể mọi niềm đau thương nơi trần thế và dâng cho Người những bài thơ sáng láng, anh hoa. Thơ ca, đối với Hàn Mạc Tử, đã trở thành một tiếng kêu của nghệ sĩ hướng đến vô cùng, vĩnh viễn, Thượng Đế:
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?
(Ave Maria)
Bùi Xuân Bào phát hiện ra trong thơ Hàn Mạc Tử một động lực hai chiều: nhận tinh hoa của ngoại giới (trăng, hoa, nhạc, hương) vào thể xác và tâm hồn mình rồi sau đó biến luồng cảm hứng thành thơ, tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời trên thế gian này rồi trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê nhưng rất thơm tho, trong sạch. Quan niệm này Bùi Xuân Bào cho rằng gần giống quan niệm thi hứng của nhà thơ Công giáo Paul Claudel (Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mạc Tử). Thi sĩ như ngất ngư khi tận hưởng khí vị thanh tao của trời đất như nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc, hoa trinh bạch, đàn ly tao, gió ly biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiếng, mây giang hồ, trời thanh sắc, bông nhũ hương, niềm mộc dược... Nhưng thi sĩ “vẫn chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi”... rồi để đáp lại ơn phước cả của Đức Chúa Trời, thi sĩ dâng lên một mùa thơ “sáng láng như sao sa”:
Hơi xuân ấm mỹ vì hơn dạ yến
Ta đem ươm trong ý vị đêm nay
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muốn ngôi tinh lạc xuống mười phương.
(Nguồn thơm)
Đề tài quan trọng nhất trong thơ Hàn Mạc Tử không phải là Thượng Đế linh diệu, cũng không phải là ánh trăng huyền ảo, không phải là hương thơm ngan ngát của ái tình hay mùi vị tê tái của đau khổ mà chính là thơ. Thượng Đế đối với Hàn Mạc Tử chỉ là nguồn thơ thuần túy và cao thượng nhất. “Những gì tươi đẹp nhất trong vũ trụ, quý hóa nhất trong tâm linh, huyền bí nhất trong tôn giáo, Hàn Mạc Tử đều đồng hóa với thơ. Trăng sao vằng vặc, mùa xuân mát dịu và tươi sáng, lòng thương yêu của Chúa Trời và Mẹ Đồng Trinh đều là biến thể của chất thơ man mác” (Bùi Xuân Bào- Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mạc Tử).
Thơ là lẽ sống cao nhất của Hàn Mạc Tử, nhất là lúc anh đã nhuốm bệnh và biết mình sắp chết. Lúc đó anh không có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống như trước nên nguồn thơ chỉ là những mối tình tuyệt vọng. Thượng Đế, trăng sao, vũ trụ huyền diệu, điều đó cũng là lẽ dĩ nhiên. Thơ là niềm vui, là lẽ sống, là lý do tồn tại của Hàn Mạc Tử trên cõi đời này và mai sau, cho nên anh dồn cả cuộc sống còn lại cho thơ, tâm huyết với thơ, đau khổ da diết trong thơ và ước mơ, cầu nguyện cũng thơ:
Ta chắp hai tay lạy quỳ hoan hảo
Ngửa trông cao cầu nguyện trăng không gian
Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế
(Đêm xuân cầu nguyện)
Hàn Mạc Tử tự hào về thiên chức thi nhân của mình. Tạo ra được một “non nước”, “tứ thời xuân”, rõ ràng là thi nhân đang cạnh tranh với Thượng Đế về vài trò Sáng thế.
(Trích Thơ văn Hàn Mạc Tử – Phê bình và tưởng niệm. Sđd)

Được tạo bởi Blogger.