(Mã số VVYT 17-038)

_Một tiếng hét thất thanh cất lên,rồi sau đó là tiếng khóc. Mọi người nháo nhác quay lại hỏi:

-Có chuyện gì vậy?

-Con gì? Con gì bám vào chân em đây? hu....hu ....hu.... bắt nó... bắt nó cho em! Hu ....hu...hu.

Thì ra những con vắt rừng đang trực sẵn ở ven con đường mòn để bám vào chân em, chắc chúng đã bị bỏ đói lâu ngày bởi có rất ít người đi qua đây.Với mọi người thì có lẽ con côn trùng này quen thuộc hơn,còn với em đây là lần đầu tiên nhìn thấy những con vật kì lạ và đáng sợ thế này. Khuôn mặt em tái mét, đôi chân run run, tay thì bám chặt vào anh đội trưởng để cầu cứu.

-Anh gỡ nó ra nhanh lên! Em sợ lắm! Nhanh lên!

Mọi người ai cũng bật cười. Chỉ có em là khóc,khóc tức tưởi.Mọi người bắt đầu trêu đùa để giúp em quên đi những sợ hãi vừa gặp.

* **

Là một xã vùng sâu vùng xa của một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc,những người H’mông sống âm thầm,lặng lẽ và dường như bị bỏ quên trong khu rừng sâu này,thiếu ăn,thiếu mặc,họ không đòi hỏi ai phải mang đến cho họ những giá trị vật chất, điều họ cần hơn hết có lẽ là tình người.Hôm nay,vẫn trong không khí của ngày tết, chúng em: đoàn tu sinh của giáo xứ tổ chức đến với họ để thăm hỏi và chia sẻ với họ trong niềm vui của ngày tết cổ truyền.

Vượt con đường rừng hơn 50km,khuôn mặt của ai cũng lấm lem đầy bụi đất cộng với những hạt sương của buổi sớm làm cho mặt ai cũng như những chú hề,ruột gan thì bị đảo lộn,đôi chân thì muốn tháo rời từng khớp,đôi tay thì mỏi rời không muốn động đậy... Nhìn đoạn đường bộ phía trước ai cũng thở dài ngao ngán,nhưng cứ nghĩ đến hình ảnh của những anh em dân tộc H’mông nơi bản làng xa xôi này mọi người lại muốn chinh phục những khó khăn để đến với họ.

Cây rừng hôm nay như vui mừng để chào đón đoàn của chúng em vậy.Trên bầu trời, làn sương sớm kéo nhau đi đâu hết, để lộ ra những tia nắng mặt trời chiếu xuyên qua kẽ lá,bầy chim thì nô nức gọi bầy như đi mở hội đầu xuân. Tiếng nói cười của mọi người cũng hòa với tiếng hót của muôn chim và tiếng róc rách của con suối làm quên đi những khó khăn, làm cho con đường như ngắn lại.

-Kia!

Tiếng anh nhóm trưởng reo lên.

-Trước mặt chúng ta là bản cần phải đến!

Em dù rất mệt, nhưng vẫn cố lao lên phía trước để nhìn bản làng.Hình ảnh đâu tiên đập vào mắt em là những ngôi nhà mà nói đúng hơn là những túp lều tả tơi,rách rưới,siêu vẹo. Em cất tiếng hỏi Hoàng:

-Anh Hoàng ơi! Kia là nhà của họ ạ?

-Ừ! Nhà của họ đấy em ạ! Ở đây họ nghèo lắm! Họ chẳng có thứ tài sản nào có giá trị cả,cơm ăn cũng không đủ,trẻ em thì không được đến trường..... Chẳng ai quan tâm đến họ cả!

***

Nói rồi Hoàng thở dài. Nhìn về bản làng phía trước,đôi mắt em cay cay,những giọt nước mắt cứ vô tình chảy, em nghĩ: cũng là con người mà tại sao họ lại không được quan tâm? Em nhắm mắt lại để cho hàng nước mắt kia ngừng chảy và bước xuống với những túp lều đầu tiên. Một ngôi lều hiện trước mắt em được làm bằng tre,những mảnh tải đã mục nát đang cố bám lấy những chiếc nan còn lại,mái nhà là những bó lá gì dài dài bắt đầy mùng hóng. Thấy tiếng nói cười,một người phụ nữ mặc chiếc váy truyền thống của dân tộc đã ngả màu,làn da xạm nắng,lưng địu một đứa bé,tay bê một chiếc thúng. Nhìn thấy đoàn,cô tròn xoe đôi mắt rồi đặt phịch cái thúng xuống dưới chân sau đó chạy vào trong lều. Một phút sau người một người đàn ông trung tuổi bước ra,một tay cầm cái điếu cày,một tay cầm que củi đang cháy giở,chân quần thì ống thấp, ống cao. Ông ném cái que củi trên tay ra xa và chạy về phía đoàn tu sinh tay giơ lên và nói:

- Nho giồng!

-Nho giồng! Nho giồng!....

Mọi người thi nhau nói nho giồng mà em cứ ngơ ngác nhìn vậy, em nghĩ:chắc đó là câu “xin chào”. Họ dẫn đoàn vào trong nhà nhưng nhà quá trật nên phải đứng cả ở ngoài.Ở bên ngoài ,em cố gắng để ngó vào trong nhà xem trong nhà có những gì? Em bắt gặp hình ảnh một cây Thánh Giá treo ở lối giữa vào,cây Thánh giá cũng bắt đầy bụi và mạng nhện,ngoài một cái chõng bằng tre chắc là dùng để ngủ thì chẳng có đồ gì có giá trị nữa cả. Ở góc nhà có mấy cái nồi,cái bát xếp trên cái chạn con con.Đấy là tất cả những gì em nhìn thấy được trong túp lều ấy.

Chờ mọi người nói chuyện, em đi lang thang một mình ra ven suối chỗ tụi trẻ đang tắm. Thấy em, chúng xì là xì lồ cái gì đó rồi chạy lên mỏm đá ven suối, tụi nó nhìn em như nhìn một sinh vật lạ,em nhìn trước nhìn sau,nhìn lại quần áo, đầu tóc xem có bị sao không mà tụi trẻ lại nhìn em như thế? Mọi thứ vẫn ổn mà! Lấy lại bình tĩnh em cũng giơ tay lên và nói: “nho giồng”. A! Tụi nó cũng nói : nho giồng. Thì ra nó đã bắt được tín hiệu,tụi nó cười thích thú. Nhìn đám trẻ bụng đứa nào cũng bự,tay chân thì teo tóp,tóc hoe vàng,đôi môi tím tái vì vừa ở suối nước lên,người run run. Em đến với tụi trẻ và lấy kẹo trong ba lô chia cho các em,đứa nào cũng cười tít mắt,khoái chí... rồi lại quay sang chi cha chi chô gì đó?. Trong nhóm có một em lớn hơn nói được tiếng kinh,em hỏi chuyện.

-Em học lớp mấy rồi?

-Lớp 8

-Thế hôm nay em chưa phải đi học à?

-Nghỉ rồi! Nghỉ ở nhà đi làm với bố mẹ thôi! Không có gì để đi học cả!

Ôi ! Vậy là em đã phải rời bỏ mái trường để vật lộn với cuộc sống mưu sinh,để tìm kiếm cái gọi là cơm áo gạo tiền. Cái tuổi mà đáng lẽ các em phải nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, nhà trường và gia đình thì em lại phải từ bỏ để tự mình đi kiếm cái ăn nuôi sống bản thân và gia đình.

Ngồi lân la trò chuyện một lát, em hỏi tiếp:

-Các em có muốn được đến trường không?

-Có chứ! Muốn lắm chứ! Nhưng đi học thì lấy gì mà ăn,với lại trường ở xa lắm!

Câu trả lời của em nhỏ người H’mông ngọng ngịu bởi chưa nói thạo tiếng kinh kia làm em suy nghĩ thật nhiều. Làm sao để các em được học cái chữ đây? Em ngồi nhìn xa xăm vào trong nắng suy tư: tội nghiệp các em nhỏ,ước mơ đến trường bị dập tắt,tương lai bị chôn vùi trong nghèo khó,thiếu thốn,đói khát,vất vả.Rồi đây sẽ còn bao nhiêu thế hệ tiếp nối thế này nữa? Em phải giúp họ bằng cách nào đây??

***

-Hoa ơi!....Hoa! Hoa ơi!..... Đi thôi em!

Tiếng ai đó gọi em để đi thăm các gia đình khác,em tạm biệt tụi nhỏ mà trong lòng ngổn ngang những suy tư.Đoàn dời đó để đến với những ngôi nhà phía trên triền đồi.Trước mắt em là một ngôi nhà to hơn,đây mới đúng khái niệm một ngôi nhà,ngôi nhà được làm bằng gỗ,lợp lá cọ, bức vách xung quanh được chát bằng đất đỏ với rơm khá chắc chắn. Phía bên ngoài thì có mấy cái tờ giấy đen đen,đỏ đỏ có hình bát quái, vào ngó trong nhà em lại nhìn thấy có tượng Chúa treo ở lối giữa cùng mấy bông hoa dại để trên đó. Một người đàn ông cao tuổi bước ra ông mặc chiếc áo màu đen,tay cầm tẩu thuốc,mắt đang cố nheo lại quan sát xem có ai quen không? Nhìn ánh mắt của ông, em nấp sau anh trưởng nhóm vì sợ. Tự nhiên ông cười đắc trí như nhớ ra điều gì đó rồi nói:

-Chào mấy Thầy mấy Dì! Chúng mày vào thăm bản à!

-Vâng! Chúng cháu vào thăm các anh em trong này nhân dịp nghỉ tết ạ!

Như bắt được vàng, ông nói nói cười cười rồi mời mọi người vào trong nhà. Nghe ông nói chuyện em được biết, trước đây ông là một thầy cúng, một cây cổ thụ về mê tín dị đoan.Nhờ một người công giáo mà ông tìm đến với Chúa và được Chúa biến đổi.

Ông ơi! Sao ở ngoài cửa lại có vài lá bùa thế ạ?

-À! Ông bạn của tao đến chơi rồi dán nó ở ngoài đó,ông ấy bảo tao bỏ Chúa đi để quay lại với nghề thầy cúng nhưng tao không bỏ đâu! Tao theo Chúa rồi!

Em mỉm cười đắc trí. Cả đoàn ai cũng mắt chữ O miệng chữ A nghe ông kể chuyện.Ông là người theo đạo đầu tiên trong bản này và ông đã vận động mọi người ở đây cùng theo đạo.ông nói rằng: Tao đặt niềm tin vào Chúa,theo Chúa tao thấy cái bụng của tao bình an hơn!.Em không biết cái mà ông gọi là niềm tin xuất phát từ đâu nhưng nghe mà thấy nhói ở trong lòng,bởi em thấy đức tin của mình còn quá non yếu. Trò chuyện một lát,ông dẫn đoàn xuống một khu đất bằng hơn và có một tượng Đức Mẹ đặt trên một cái bệ cao khoảng 1m30. Tượng Đức Mẹ dang đôi tay như muốn ôm trọn cả bản làng,Mẹ che chở họ sớm hôm,đồng hành gìn giữ họ mọi ngày.Ông nói : mỗi buổi tối ông và mọi người thường đến để đọc kinh xin Đức Mẹ ban cho có sức khỏe để làm việc,cho tụi trẻ có đủ cái ăn......

Mọi người từ trên triền đồi thấy đoàn tu sinh đến thì rủ nhau tập chung hết xuống đó chừng khoảng 20 người cả trẻ con lẫn người lớn, mặt ai cũng cháy nắng còn tụi trẻ thì hai má nẻ nứt bắn máu,tay chân thì đầy bụi đất,đứa thiếu quần, đứa thiếu áo,đầu tóc thì rậm rạp. Em và mọi người lấy những gì đã chuẩn bị như: sách,vở,quần áo,bánh kẹo để phân phát cho các em và mọi người,giá trị của nó không lớn nhưng nó đủ để tạo cho họ niềm vui thắp lên cho họ một ngọn lửa ấm tình người. Mấy người lớn tuổi kể về đời sống đạo của họ đầy vất vả bắt bớ,họ đã phải chiến đấu để dành lại niềm tin,để giữ vững ngọn lửa đức tin mới được nhen nhóm trong tâm hồn. Họ kể rằng:có một lần kẻ xấu đã đập vỡ tượng Đức Mẹ của họ rồi ném xuống suối,sáng hôm sau không thấy Mẹ đâu họ vừa mếu máo vừa đi tìm, họ nhặt được những mảnh vỡ còn sót lại chỉ biết ôm lấy mà khóc.Càng nghe càng thấy sự khổ cực của họ, ngẹn ngào...xót xa...

Đoàn bắt đầu chia đôi để để đi đến thăm,giúp các hộ gia đình khác mỗi người một việc như: lợp lại cho họ cái túp lều,phát quang chỗ ở của họ,hướng dẫn họ cách trồng cây,cách tạo thành phân xanh từ những loại cây quen thuộc phục vụ cho việc trồng cấy...Mỗi nhà một hoàn cảnh, đã nghèo lại càng nghèo thêm vì đông con, bữa cơm của họ có khi cả tháng mới biết đến bát cơm gạo trắng và vài miếng thịt. Các em nhỏ cũng phải ăn cơm trộn ngô 7 phần ngô 3 phần gạo loáng thoáng vài miếng cá và mấy ngọn rau rừng.Chả biết các em có biết đến hộp sữa hay cái kem bao giờ không nữa?.

Khi mọi việc đã ổn ổn thì đó cũng là lúc mặt trời sắp xuống núi, đoàn chia tay bà con để trở về tiếp tục cho công việc của một năm mới, một kì học mới.

Một em nhỏ chắc khoảng 7-8 tuổi với hai hàng nước mắt chảy dài trên gồ má cao cao,trên tay cầm vài bông hoa rừng, chạy đến níu lấy tà áo của em và làm hiệu như bảo em ngồi xuống. Em ngồi xuống và nhẹ nhàng hỏi:

-Em sao vậy? Em bé dùng đôi tay ôm ghì lên cổ em và nói:

-Chị ơi,khi nào chị vào đây với tụi em nhé! Cộng với đó là những tiếng nấc nghẹn ngào.

-Ừ! Khi nào được nghỉ chị sẽ đến thăm tụi em nha! Em vừa nói vừa vuốt nhẹ lên mái tóc dính đầy hoa cỏ của cô bé người H’mông.

-Các em phải ngoan ngoãn,nghe lời bố mẹ, nhớ chưa?Khi nào trở lại chị sẽ mang quà cho các em.Giờ muộn rồi,các anh chị phải về không thì trời tối mất. Bàn tay em nhỏ nắm chặt lấy tay em như không muốn rời xa,nghẹn ngào .........

Trên khuôn mặt ai cũng ngời lên một niềm vui một nụ cười tươi thật tươi trao đi.Rồi mai đây đằng sau những nụ cười vô tư kia là đầy rẫy những khó khăn,gian khổ,thiếu thốn.Họ biết cậy dựa vào ai khi mùa lũ quét ập về,họ biết làm sao khi cơn đói hoành hành,khi bệnh tật ốm đau ai đến với họ... em vừa đi vừa nghĩ. Mọi thứ nó chiếm hết tâm trí em,em không thể mang đến cho họ những giá trị vật chất em chỉ biết góp những niềm vui nhỏ nhỏ cho họ.

Ngoài kia,suối vẫn chảy róc rách....róc rách,những con chim vẫn tung tăng chao cánh trên bầu trời, ánh nắng thì thì nhạt dần chuẩn bị khép lại một ngày,những bông hoa dại ven đường sau một ngày cố gắng tô điểm cho bức tranh thiên nhiên giờ này cũng thu lại để nhường chỗ cho bông khác. Người H’mông trên các quả đồi cũng đang kéo nhau về với túp lều của mình.Và nơi đó, nơi đồi núi heo hút này bóng dáng của Mẹ che chở cho họ,Mẹ là niềm vui,là bình an của họ.

Được tạo bởi Blogger.