Mã số: 17-061
Ánh mặt trời khuát dần sau những dãy núi đằng xa. Ngồi trong nhà, Hương nhìn ra phía Bến Cá. Hình ảnh kẻ vào người ra, mua bán tấp nập giờ chỉ còn là quá khứ. Từ cái ngày “cá chết”, Bến Cá trở nên vắng vẻ, xóm đạo cũng trở nên yên ắng hơn. Nhiều người mất việc bỏ vào Nam làm ăn, nhiều kẻ chán nản lâm vào rượu chè, cờ bạc… nhiều gia đình lục đục, tan vỡ. Đúng là “cá chết”, nhiều tâm hồn cũng đang chết dần, chết mòn. Không biết gia đình mình rồi sẽ ra sao? Hương vừa nghĩ vừa thở dài một cái thật kêu. Đang thơ thẩn với những suy nghĩ mông lung, Tùng từ ngoài sân bước vào:
- Vợ, vợ ơi!
- Gì vậy anh?

- Anh Hải vừa mới gọi điện thoại cho anh, kêu anh đi làm công trình xây dựng với anh ấy.
- Ở đâu? Có xa không?
- Trên tỉnh. Mà có xa cũng phải đi chứ. Bộ em cứ muốn anh thành kẻ thất nghiệp dài hạn như thế này hả?
Chồng có công việc đáng lẽ ra Hương phải mừng, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Hương lại lo lắng hơn. Biết tính chồng là người “theo bụt mặc áo cà sa, theo ma mặc áo giây”, vì bạn bè đôi lúc quên cả vợ con, lại ham chơi. Đặc biệt, Tùng là một người giữ đạo hời hợt, khô khan nên sau khi sinh bé Uyên, Hương nới với Tùng:
- Anh ở nhà chở cá giúp em, hai vợ chồng buôn bán nho nhỏ cũng được chứ đi làm xa bất tiện lắm.
- Nam nhi ai lại đi đứng chợ chứ?- Tùng đáp.
- Đứng chợ thì sao chứ. Làm ăn chính đáng chứ phải buôn lậu đâu mà sợ? Với lại, em cũng không ham tiền của, miễn sao gia đình ấm no, sống tốt đời đẹp đạo là được.
Hương muốn giữ Tùng vì sợ anh theo bạn, theo bè rồi mất hết mọi sự. Cô là người năng nổ, tháo vát và rất đạo đức. Dù lấy chồng, cô vẫn giữu các công việc đạo đức từ bé, nhất là cầu nguyện với Đức Mẹ và lần chuỗi Mân Côi.
Ngày xếp đồ cho chồng đi làm, Hương không quên để tràng chuỗi Cha xứ tặng hai người ngày lễ cưới vào trong ba lô. Cô biết chắc Tùng sẽ không bao giờ lần hạt, nhưng cô luôn xin Đức Mẹ gìn giữ chồng mình.
Cưới nhau gần bảy năm trời, số lần hai vợ chồng đọc kinh chung với nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cứ mỗi lần nghe vợ giục đi nhà thờ hay lần chuỗi là Tùng lại lấy lý do để “thoát”. Lễ Chúa Nhật anh đi chỉ với cái xác không hồn. Một năm xưng tội, chịu lễ được 2 lần rồi đâu cũng vào đấy.
Vừa phụ chồng mang ba lô, Hương vừa dặn:
- Làm gì thì làm, tối có thời gian thì đọc vài kinh Kính Mừng trước khi ngủ nhé. Anh nhớ cố gắng kiếm tiền cho con học hành, đừng có theo bạn theo bè quá sinh hư hỏng, vui thì vui nhưng đừng quá đà nhé!
- Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!- Tùng ngắt lời.
- Nói mãi nhưng anh có làm đâu? Đi xa, đi lâu như vậy không có ai kiểm soát sẽ bị cám dỗ hư hỏng cho coi.- Hương vừa lẩm bẩm, vừa nhìn theo chiếc xe buýt.
Tùng về, đưa tiền làm được một tháng cho vợ. Thấy anh vô sự, chỉ gầy hơn, đen hơn thôi, Hương mừng khôn tả. Bữa cơm chiều ngày tụ họp gia đình, Hương chuẩn bị những món ăn thật ngon, thật bổ dưỡng cho chồng. Chưa kịp hỏi han gì thì Tùng đặt bát đũa xuống lao nhanh ra xe máy vừa đi vừa nói: “Anh đi đây tí”.
- Chắc lại hẹn bạn bè nhậu chứ gì nữa? Lúc nào cũng vậy. Đừng có say nghe!- Hương nói vơi theo, lắc đầu.
Đêm hôm đó, Tùng về nhà rất muộn, có một ít mùi rượu, anh thở ra một cái rồi lăn ra ngủ.
Sáng sớm đi chợ, Hương mới biết là hôm qua Tùng đi cược bóng đá. Cô thực sự không tin vào tai mình khi nghe chồng chị Loan nói với cô. Vừa nhặt những con cá chết, cá ươn ra ngoài, đầu Hương dày đặc câu hỏi:
- Không thể như vậy! Tiền anh Tùng đưa hết cho mình rồi mà? Với lại, trước giờ Tùng đâu chơi mấy cái này đâu? Mặt khác, thấy Tùng thương vợ con. Anh không dám làm vậy đâu!
Về đến nhà, Hương “đứng” người vì một câu trả lời của Tùng:
- Anh chỉ chơi cho vui thôi!
- Vui gì? Nó là con ma, nó giết anh, giết gia đình chúng ta lúc nào không hay đâu!
- Đâu đến nỗi vậy? Không có đâu!
- Anh xem mấy gia đình cờ bạc, cá cược coi có gia đình nào yên lành không? Thương em, thương con anh hãy dừng lại đi.
Tùng không nói gì hết. Thinh lặng bỏ đi để mặc Hương với những giọt nước mắt. Đó là một thói quen của anh khi hai vợ chồng căng thẳng.
Từ ngày Tùng chơi cá cược, đề, lô, anh không đi làm nữa, đi lễ Chúa Nhật anh cũng bỏ luôn. Ngày nào cũng vậy, cứ 5h chiều anh ra “điểm hẹn” ghi số đề. Đêm nào có bóng đá thì ở lại qua đêm. Bữa nào “trúng” thì may ra còn ăn cơm với vợ, bữa nào thua thì nhậu nhẹt với bạn bè.
Còn Hương thì khuyên bảo anh hết cách, cô dần dần bất lực chỉ biết trông cậy vào Đức Mẹ. Ghế đá Đức Mẹ ngày nào cũng có bóng dáng Hương, nhưng nhìn cô u sầu hơn. Từ đằng xa, cha xứ nhìn có vẻ như hiểu hết vấn đề, Ngài lắc đầu rồi tự buột miệng:
- Đúng là mấy đôi vợ chồng trẻ. Cứ tình hình như thế này rồi cũng sẽ có ngày gia đình tan nát.
Chuyện gì đến rồi cũng đến. Chiều hôm đó, sau khi đi đến “điểm hẹn” Tùng về nhà, mặt mày tươi tỉnh hẳn ra. Hương nhìn anh rồi nghĩ thầm: “Nhìn cái mặt biết ngay là trúng đề”.
Bữa cơm tối, Tùng nhìn hai mẹ con rồi nói:
- Anh có quà cho hai mẹ con nè!
Nói chưa xong, anh vội vàng lấy ba lô đưa hai món quà ra. Đó là một chiếc áo dài màu áo xanh Đức Mẹ, màu mà Hương rất thích, và một chiếc váy cho bé Uyên.
Hương nhìn Tùng với ánh mắt dò xét rồi vắt óc suy nghĩ:
- Hôm nay đâu phải ngày sinh nhật của anh? Cũng không phải sinh nhật của hai mẹ con.
- Hôm nay đâu có lễ gì đặc biệt?
- Trúng đề còn bày đặt mua quà!
Hương chẳng thèm nhìn quà của Tùng, ngoảnh mặt đi nơi khác.
- Anh… anh có chuyện muốn nói với hai mẹ con.- Tùng ấp úng.
- Uhm… thực ra… anh… anh đã đánh lô, đề, đã… cá cược bóng đá. Hôm nay, anh… anh đã cầu nguyện với Đức Mẹ… cho anh được… được…
- Được trúng đề à?- Hương ngắt lời. Máu cô đang sôi lên trong người.
- Anh nghĩ Đức Mẹ có thể cho anh mấy điều vớ vẩn như vậy à? Anh có biết, từ cái ngày anh lô đề tôi đã phải khổ sở như thế nào không? Tôi trở thành nơi để người ta bàn tán, nói vào nói ra, đi ra chợ có người đòi nợ, thậm chí đi nhà thờ cũng có người hỏi tiền. Anh bêu xấu tôi như vậy chưa đủ hay sao giờ lại muốn tôi thành kẻ đồng lõa với anh hả? Tôi không thèm quà từ những đồng tiền tội lỗi của anh.
Vừa nói, Hương vừa vứt chiếc áo dài vào người của Tùng rồi đi một mạch vào phòng. Bé Uyên có vẻ thích thú với chiếc váy lắm nhưng cũng dúi cho ba rồi lủi thủi đi theo mẹ.
Tùng trơ ra như bức tượng, chiếc áo dài vẫn còn đang trên người anh. Hình như anh không thể níu kéo được nữa.
Tiếng xe máy rú lên trong đêm tối, Hương vừa khóc vừa gọi to: “Mẹ ơi! Con không thể giữ được anh ấy nữa rồi, anh ấy mất hết rồi!”.
Quán nhậu đêm nay vẫn đông khách như mọi ngày. Thấy bóng dáng Tùng, Chiến lên tiếng với cái giọng khè khè:
- Ai đây? Chẳng phải chiều nay có người nói là sẽ “từ biệt chốn cũ” à? Hahaha…
- Chắc là chuyện vợ con chứ gì nữa?- Hòa tiếp lời.
Anh cầm chai rượu đến vỗ vai Tùng một cái rồi hát: “Ai trên đời chẳng có vợ, vợ là nợ là oan gia…”. Mấy người cười ồ lên. Tùng bực mình cầm nguyên cả chai rượu uống như uống nước khoáng.
- 1..2..3 dzô! 2..3 dzô cho quên hết sự đời.
- 1..2..3 không say không về.
Tiếng xe máy rú lên ầm ầm…
Tiếng còi xe tải inh ỏi liên hồi…
Đầu Tùng như vỡ tung ra, anh cựa quậy đầu của mình rồi mở mắt ra. Bốn bức tường toàn màu trắng, cái chân không thể nhúc nhích, thân mình đầy những vết thương.
- Anh tỉnh rồi à? Anh cũng may mắn đó, 4 người mà chỉ còn anh sống sót.- Cô y tá lên tiếng.
Tùng im lặng. Tay anh vung vẩy vô tình đụng vào tràng chuỗi.
- Cái đó chúng tôi thấy trong túi áo của anh. Ngày đó vợ anh đến, tôi đưa cho cô ấy, cô ấy đã đặt nó bên cạnh anh đó. Anh phải cảm ơn vợ anh, nếu không có cô ấy cho máu kịp thời thì anh khó giữ lại mạng sống. Cô ấy mới đi ra, tí là cô ấy vào đó.
Tùng nhìn ngắm tràng chuỗi, cố nhớ lại mọi chuyện trong quá khứ, anh ôm đầu tỏ vẻ đau đớn:
- Đúng, đúng rồi!
Tối hôm đó, trong khi vội vàng rút quà cho vợ và con, tràng chuỗi vô tình rớt ra ngoài. Vì ưu tiên cho “nhiệm vụ” đặc biệt nên anh vội vàng cho vào túi áo, chắc là Mẹ vẫn muốn con nói ra hết. Anh nghĩ thầm.
Thời gian nằm viện là thời gian Tùng cảm nhận được tình yêu của vợ và con và anh cũng thấy rằng: Đức Mẹ đã gìn giữ anh rất nhiều. Hôm đó, Tùng cũng khỏe hơn, Hương về nhà lấy ít đồ, bé Uyên nằng nặc đòi ở lại với ba. Tối đến, anh giục con:
- Ngủ sớm đi con. Mai còn đi học đó.
- Dạ, ba chờ con một tí.
Bé Uyên ngồi lên ngay ngắn, mắt nhắm lại, làm dấu sốt sắng, miệng lẩm bẩm gì đó, rồi làm dấu. Tùng thắc mắc hỏi con:
- Con vừa đọc gì vậy?
- Dạ, mẹ dặn con trước khi đi ngủ phải cầu nguyện cho ba.
- Cầu nguyện như thế nào?
- “Xin Chúa cho gia đình con được bình an. Xin Mẹ Maria gìn giữ ba con, xin giúp ba con tránh xa tệ nạn và siêng năng đi nhà thờ và cho con luôn sống ngoan ngoãn, biết vâng lời ba mẹ”… Ba biết không, mỗi khi ba bỏ đi, mẹ hay gọi con đọc kinh cầu nguyện cho ba đó. Bữa nay ba đọc kinh với con nhé!
Tùng nghe được, nước mắt anh tuôn rơi, anh nghẹn ngào:
- Ừ, từ nay ba sẽ đọc kinh với hai mẹ con.
Buổi đọc kinh hôm đó, Tùng ngồi nhìn lên Đức Mẹ, miệng đọc kinh Kính Mừng, đến đoạn “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử”… Anh nhận ra Đức Mẹ đã cứu anh cho thoát khỏi tội lỗi và cái chết đời đời. Anh nhớ đến những người bạn đã ra đi và cầu nguyện cho họ. Và anh xin Mẹ ơn can đảm để nói với vợ sự thật.
Đọc kinh xong, Hương nói với Tùng:
- Ngày mai, anh đi xưng tội nhé!
- Thực ra, anh còn có một sự thật chưa nói cho em.
- Ừ, anh nói đi!
- Thực ra, số tiền anh đưa cho em là số tiền anh mượn của anh Hải đó! Tiền lương tháng đó… anh… đã đánh đề và chơi cá cược hết rồi. Ban đầu anh chỉ chơi cho vui thôi, sau đó nó nhờ anh ghi đề nhưng chẳng ai đưa tiền cho anh, anh phải chịu cho chúng nữa, anh còn bị lừa hết tiền luôn. Về nhà, anh sợ mẹ con buồn nên anh mượn tiền đưa cho em. Anh nghĩ cá cược sẽ nhanh lấy lại tiền nên anh chỉ muốn đánh đề gỡ số tiền mượn. Nhưng không ngờ, nó như có một ma lực nào ra, càng ngày số tiền nợ càng nhiều. Anh sợ em mà biết thì gia đình chúng ta sẽ không còn nên anh không nói. Số tiền người ta đòi em chỉ là tiền lãi thôi. Số tiền nợ khoảng 50 triệu. Anh… anh xin lỗi em. Chiều cái hôm bị tai nạn, cha xứ đã đến gặp lúc anh đang chơi để. Cha đã khuyên giải anh rất nhiều. Cha biết nỗi sợ hãi của anh nên đã gọi anh ra đài Đức Mẹ để cầu nguyện xin Mẹ ban ơn can đảm để nói với em. Đêm đó anh chưa kịp nói thì đã bị em cho một trận.
- Em biết rồi! Hôm đó anh bị tai nạn, Cha có nói với em. Anh mà không tỉnh lại em hối hận cả đời. Thế giờ anh tính sao? Định chơi đề tiếp để trả nợ hả?- Hương vừa nói vừa liếc nhìn Tùng.
- Anh định bán xe tay ga. Còn mấy thì anh sẽ đi làm trả nợ.
- Uh! Với em nợ bao nhiêu không quan trọng. Quan trọng là anh biết nhận ra con đường sai lạc và trở về, gia đình hạnh phúc là được. Xem bạn bè anh đó, đã tốt chưa nào?
- Uh! Chỉ có vợ anh tốt thôi.
- Thế ngày mai anh đi xưng tội nhé!
- Uh! Chắc rồi.
Ánh mặt trời sau những ngày đông giá rét thật là ấm áp, sưởi ấm cảnh vật và biết bao tâm hồn. Bước ra từ tòa giải tội, đôi chân khập khiểng bởi “dấu tích” của tai nạn, Tùng nhìn thấy Hương đang đứng ở đài Mẹ, mặc chiếc áo dài xanh thật là đẹp. Anh tiến lại gần:
- Bộ em không sợ người ta bêu xấu hả?
- Hihi! Đây là món quà của sự biến đổi. Em mặc nó như một sự hy vọng và sự thay đổi từ anh. Mà em không tin chồng em tệ đến nỗi lấy tiền đánh đề để mua cho em.
- Chỉ được cái hiểu chồng- Tùng cười thầm.
- Cảm ơn em, vợ của anh.
- Anh phải cám ơn Mẹ đã gìn giữ anh nhiều lắm đó.
- Tất nhiên rồi. Cả hai nhìn nhau cười.
Đã rất lâu Tùng và Hương mới thấy lại nụ cười của nhau. Thật là đẹp!




























































































Được tạo bởi Blogger.