1- Thằng Lộc
Thằng Lộc bước xuống mí nước, lội ra khá xa, kính cẩn đặt bó hoa dã quỳ trên mặt biển:
- Xin Chúa cho hai linh hồn Phêrô được lên chốn nghỉ ngơi… Anh ơi! Em chào anh. Bố ơi! Con chào bố. Con đi.
Hôm qua, đúng một trăm ngày, kể từ khi ông Phước, bố thằng Lộc cùng anh rể nó ra khơi lần cuối cùng rồi không bao giờ trở về nữa.
Nhà nó ở một làng quê ven biển, trước mặt là biển, sau lưng là núi. Cảnh thiên nhiên thật hùng vĩ. Quê nó đẹp, đẹp lắm, đẹp đến nỗi có một nhà thơ nào đó, nó quên mất tên, đã tả quê nó:
“Hàng dừa chải tóc đón trăng,
Thuyền ai ăm ắp nắng vàng ngủ trưa,
Chở mây, khói, chở gió, mưa,
Tròng trành như một bài thơ lệch vần…”
Đó là vùng đất nghèo, “nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá”, nên “mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”. Đã thế, trời lại còn “hành cơn lụt mỗi năm”. Mà chỉ có lụt thôi đâu? Còn bão nữa, mỗi năm mấy trận bão đổ bộ vào đây, tàn phá khủng khiếp… Làm gì có con thuyền nào chở nắng, khói, gió, mưa… và nhất là thơ nữa. Với nó, chỉ có những con thuyền chở lưới, cá, cùng với mồ hôi, nước mắt, đau thương, có khi là tang tóc; những con thuyền chở trai tráng trong làng ra biển khơi xa tít mờ, rồi chôn vùi phận người vào lòng biển…
Ở đây, nhiều người, khi từ giã cõi đời không có được một ngôi mộ đúng nghĩa. Ngôi mộ của họ là bụng cá, và nghĩa trang của họ là đại dương mênh mông kia… Còn ngày giỗ ư? Thường, nếu không có tin tức gì, người ta lấy ngày khởi hành ra khơi lần cuối làm ngày giỗ, như trường hợp bố nó và anh rể nó, chẳng hạn.
Mảnh đất nghèo đói, đau thương, gian khó ấy tuy không phải “địa linh sinh nhân kiệt” nhưng lại sản sinh ra và trui luyện nên những đứa con chịu thương chịu khó, rắn rỏi, giẻo dai như những thanh thép nguội. Nó bước lên bờ mà không một lần quay lại. Mẹ nó đã đứng đó, đón nó từ bao giờ:
-Con đọc kinh cho bố và anh con chưa?
Nó khẽ gật đầu, nhè nhẹ nắm tay mẹ. Bà dặn dò:
-Con đi xa. Mẹ không gần gũi dạy bảo con được. Con phải luôn luôn nhớ tới Chúa, nghe không? Con hứa đi.
Nó hứa. Bà giục giã nó:
-Rảo bước lên, con! Chú Ba chờ lâu rồi.
Chú Ba Đởm quê Ngọc Thuận, Giồng Riềng, bạn thân của bố nó. Ngày trước, hai người cùng học lớp Đệ nhất B trường trung học Lê Bảo Tịnh, cùng thi rớt Tú tài phần 2, cùng nhập ngũ theo lệnh tổng động viên, cùng là sĩ quan cấp úy ở một tiểu khu tỉnh lẻ, cùng ở chung một trại cải tạo tập trung, nên họ thân nhau như hai anh em ruột.
Trong một lần hiếm hoi có việc phải ra Rạch Giá, gặp bạn bè cũ từ thuở mài đũng quần trên ghế nhà trường, chú Ba tình cờ nghe tin dữ: anh Hai Phước, người anh kết nghĩa, người bạn chí thiết của chú mất tích ngoài khơi, chú cụ bị một mớ tiền, vội vã ra Trung viếng bạn, vừa đúng dịp giỗ bách nhật anh Hai.
Tối hôm qua, chú Ba đã bàn kỹ với gia đình chị Hai. Để mọi người yên tâm, chú hứa:
-Trước anh hồn anh Hai, em thề coi thằng Lộc như con.
Chú nói thêm:
-Xưa nay ở trong Nam chưa từng có ai chết đói. Mỗi năm em sẽ may cho nó hai bộ đồ, và gởi về cho chị số tiền ít nhất cũng khoảng nửa cây vàng hai mươi bốn. Chị yên tâm chưa?
Chị Hai ngập ngừng:
-Tôi tin chú. Tôi có nói gì về tiền bạc đâu! Có điều…, có điều…
-Điều chi, ạ?
-Chú coi nó như con, vậy là tôi yên lòng rồi. Nhưng chú biết đấy, gia đình tôi theo đạo Công Giáo…
-Mèng đéc ơi! Tưởng chi? Dưới đó có tới bốn nhà thờ lận: Hòa An, Xẻo Dầu, Kinh Tràm, Trảng Tranh. Mấy ông cố đạo dưới quê, em quen hết trơn à… Ủa! Mà chị có nhớ, hồi còn trong lính, có lần em tính vô đạo không? Ngày đó, em đã học giáo lý: giữ, tin, xin, chịu. Nhưng khi ông cha tuyên úy bảo: phải dẹp bàn thờ ông bà tổ tiên, em cự ổng, bỏ ý định theo đạo luôn…
Thế là sáng nay, thằng Lộc, chú bé mười bốn tuổi đầu, giã từ mẹ nó, giã từ chị gái nó, giã từ bốn đứa cháu mồ côi cha, giã từ làng xóm, giã từ tuổi thơ ngây…, theo chú Ba lên đường, xuôi Nam.
2- Anh Lộc
Anh Lộc tìm vào bóng râm của đám tràm bốn năm tuổi. Anh vê một điếu thuốc gò to đùng:
-Mệt! Đói rồi, sao chưa ai đem cơm cho mình nhỉ?
Từ sáng sớm tới giờ, anh phải xịt thuốc cỏ cho mấy công tràm một năm tuổi. Anh lẩm nhẩm:
-Vậy là, để coi, mình vô làm cho chú Ba đến mười năm rồi. Kể ra, chú đối xử với mình như con, tốt hơn mong đợi. Mình không phải ăn khoai sắn trừ cơm, lại tháng tháng có tiền gởi về cho mẹ, cho chị nuôi cháu. Cầu Chúa trả công cho chú…
Anh đang nghĩ ngợi mông lung thì nghe thấy tiếng vè vè quen thuộc của chiếc máy đuôi tôm Vanguard 6.5 HP. Chiếc vỏ lãi bằng composite ghé vào chỗ anh. Anh mừng rỡ:
-Hên quá! Đúng lúc đói bụng.
Một cô gái nhảy lên bờ:
-Hổng dám hên đâu. Ba nói anh về ăn cơm nhà, chiều đi lễ nhà thờ Kinh Tràm. Bữa mai, Chúa Nhựt, nhà mình có khách.
Cô Đẹp, tên khai sinh là Huỳnh Thị Mỹ Lệ, là con gái độc nhất, con gái cưng của chú Ba Đởm, thường ngày cô vẫn mang cơm trưa ra đồng cho anh Lộc. Anh nhìn trộm cô, đúng lúc cô nhìn trộm anh. Bốn mắt nhìn nhau. Cả hai cùng vội vàng nhìn đi chỗ khác, chắc vì mắc cỡ. Cô nói lảng:
-Chiều, cho em đi lễ với, ngheng!
-Chi vậy?
-Cho biết. Và canh chừng có cô nào bắt cóc anh không.
Họ lại cùng lúc nhìn trộm nhau, chẳng biết nói gì với nhau. Rồi cả hai cùng lãng xẹt, lên tiếng cùng một lúc:
-Thôi, về.
Tối hôm ấy, thím Ba nấu một nồi cháo gà theo kiểu Giồng Riềng: không có hạt gạo nào, chỉ toàn đậu xanh. Sau vài tuần rượu, chú Ba nói với anh Lộc và cô Đẹp theo phong cách Nam Bộ: bộc trực, chân thật, giản dị, không màu mè rào trước đón sau:
-Hai đứa bay thương nhau nhau phải không? Tụi bay có mấy lá gan, tao biết hết trơn, giấu tao sao nổi.
Chú quay sang anh Lộc:
-Rót cho tao ly rượu, coi. Bay thương con Đẹp thiệt tình thì tao gả. Nhưng phải có người lớn, phải mời mẹ mày vô, phải giữ lễ nghĩa đàng hoàng, nghe không?
Đôi bạn trẻ lại nhìn trộm nhau. Mặt cô Lệ đỏ như một trái gấc chín, còn tim anh Lộc đập loạn xạ như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Anh cúi gằm mặt xuống. Chú Ba hỏi:
-Sao? Bay không chịu, không thương con Đẹp hả?
Anh lấy hết can đảm, ấp úng:
-Dạ! Thương! Nhưng mà…, nhưng mà…
-Nhưng sao?
Anh nói vội:
-Con là người Công Giáo.
-Mèng đéc ơi! Tưởng chi? Thì cho con Đẹp theo đạo. Có sao đâu? Hồi đó tao còn muốn vô đạo nữa kìa. Nhà này chắc là có “duyên số” với Chúa. Để tao lên gặp ông cha Ngần trên Kinh Tràm.
3 - Chú Lộc
Chú Lộc đã bước vào lứa tuổi ngoài 50. Vợ chồng chú có với nhau ba người con, hai trai một gái. Đó là chưa kể đứa đầu lòng sinh non, chết non. Cả ba đứa đều là con ngoan, trò giỏi. Chú thường nói với vợ:
-Mình phải hết lòng tạ ơn Chúa. Em nghĩ coi trong nhà có ba đứa chứ có đến tám đứa, mười đứa, chỉ cần một đứa quậy thôi là “chết bà” rồi.
Chú rất dễ dãi, rộng rãi với lũ trẻ, chăm sóc chúng, giành thời gian chơi đùa với chúng. Nhưng chú cũng tạo ra những thói quen trong nhà, có những thói quen đã trở thành nguyên tắc khắt khe. Tỷ như: có nói có, không nói không. Tỷ như: cần gì xin, không được tự tiện lấy tiền của cha mẹ, dù chỉ là một ngàn đồng. Tỷ như: nếu không có lý do chính đáng, không ai trong gia đình được vắng mặt trong bữa cơm chiều. Tỷ như: cả nhà phải đọc kinh chung buổi tối trước khi đi ngủ…
Trước đây ông Ba Đởm bị trúng gió. Đưa ra đến bệnh viện đa khoa huyện Giống Riềng thì chết, bác sĩ nói ông bị nhồi máu cơ tim. Trong đám tang, vì thương nhớ cha, cô Đẹp kêu gào, khóc lóc thảm thiết. Còn sau đó, suốt mấy tháng trời, cứ đọc kinh tối xong là cô vô mùng sớm, khóc tấm tức một mình. Chú Lộc gặng hỏi mãi, cô mới thút thít:
-Ba đâu có vô đạo. Ba đâu có được lên thiên đàng. Em khóc vì thương ba phải xuống hỏa ngục đó thôi.
Chú Lộc không biết trả lời thế nào. Trình cha sở, cha xuống tận nhà khuyên bảo:
-Chúa thương yêu hết mọi người. Ngài xuống thế, chịu khổ nạn và phục sinh để cứu chuộc muôn người, trong đó có chị, có tôi, có chú Ba Đởm... Hãy phó thác linh hồn người đã khuất cho Chúa, tùy theo sự thương xót Ngài.
Cô mới dần dần nguôi ngoai.
Bà Ba Đởm nói với chú Lộc:
-Ờ hé! Bọn bay ngày nào cũng nhớ tới cha mẹ, ông bà tổ tiên. Tốt quá chớ. Từ nay tao cũng nhào vô đọc kinh với tụi bay được không? Cho đỡ buồn ấy mà.
Bà “nhào vô” đọc kinh thật, mới đầu còn vấp váp, sau bà thuộc kinh, đọc làu làu. Ngày giỗ ba năm của chồng, sau giờ kinh tối bà nói với vợ chồng chú Lộc:
-Tụi bay nói với ông cha trên Kinh Tràm cho tao tin Chúa, vô đạo được không? Già gần tám mươi rồi, vô đạo được không? Dịp đám cưới tụi bay, cha bay nói là “nhà này chắc là có “duyên số” với Chúa”, tụi bay có nhớ không?
Cả nhà mừng đến rơi nước mắt.
Chúa Nhật đầu tháng 11 năm nay, bà Ba Đởm sẽ được lãnh phép rửa, nhưng có một trục trặc nhỏ, nhỏ thôi, đó là chưa tìm được người hơn bà ít nhất 16 tuổi làm mẹ đỡ đầu cho bà. Chắc là cha sở phải tìm cách khác thôi.